Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 19/10/2016 19:44
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN
Hc, 35, 12-14.16-19/ 2Tm 4, 6-8.16-18/ Lc 18.9-14.

Lm Phêrô Nguyễn Xuân Hòa

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay với chủ đề Cầu nguyện. Bài đọc 1 khẳng định Thiên Chúa luôn đối xử tử tế với tất cả mọi người, không thiên vị người giàu có và quyền thế. Hơn thế nữa, Thiên Chúa hằng lắng nghe lời nguyện của kẻ khiêm nhường và bé mọn. Trong bài đọc 2, lúc Phaolô bị giam cầm, Người vẫn trông cậy vững vàng và hy vọng “triều thiên vinh quang” sẽ đạt được.
Việc cầu nguyện, lòng cậy trông, niềm hy vọng và phó thác đời mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa đã đúc kết trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế.
Dụ ngôn này có thể chia làm 3 phần: Xác định đối tượng là ai?(câu9). Từ câu 10-13 là nội dung của việc cầu nguyện và cuối cùng là kết luận nơi câu 14.
Khi nghe nhắc “Pharisêu”, nhiều người có thành kiến và những hình ảnh xấu đối với họ. Họ bị coi là những kẻ giả hình, kiêu ngạo, háo danh khiến Chúa Giê-su nặng lời quở trách và lên án (Mt23). Chúng ta không vơ đũa cả nắm. Dựa trong Tân ước, có những người Pharisêu tốt đẹp . Ông Nicôđêmô, người hay gặp Đức Giê-su ban đêm, chính ông đã lo việc mai táng Đức Giê-su (Ga 3, 1-2; 19, 39). Ông Gamalien là người đã bênh vực cho các môn đệ trước Thượng Hội đồng (Cv 5, 34-39). Ngay cả Đức Giêsu đã được người Pharisêu mời đến nhà dùng bữa. Rồi, Phaolô cũng là một người Pharisêu giữ luật hết sức nghiêm túc. (Pl 3,5; Cv 26,5). Vì vậy, trong nhóm Phariseu có nhiều người đã để lại những tấm gương đạo đức được dân chúng yêu mến và kính phục.
Như vậy, Chúa Giê-su kể dụ ngôn này cho đối tượng nào? Điều chắc là Ngài hướng đến một số người thuộc nhóm này (Lc15,2; 16,15, 18, 10). Tuy vậy, Thánh Luca không nói rõ là Đức Giê-su hướng đến hết thảy họ mà “cho những kẻ tự hào mình là người công chính và khinh thường người khác” (Lc 18, 9).
Cả hai người này cùng đến Đền Thờ cầu nguyện, cùng tôn thờ Chúa cùng thưa “Lạy Chúa...”,  nhưng khác nhau hoàn toàn. Chúng ta cùng nghe Thánh Luca tự thuật nội dung:
Người Pharisêu “đứng thẳng” cầu nguyện. Anh tạ ơn Thiên Chúa. Không thấy kể, anh xin gì  cho mình, anh chỉ Tạ ơn Chúa. Hơn thế, anh không mắc tội: trộm cướp, ngoại tình, bất chính và tích cực đã làm bao nhiêu việc đạo đức khác. Anh giữ luật chay và còn nộp 1/10 lợi tức cho Đền Thờ. Rồi anh còn tự nguyện ăn chay một tuần 2 lần, nạp 1/10 thu nhập. Thật là một mẫu gương sống động đáng nể. Anh thật sự đã làm những điều anh nói. Cầu nguyện thật lòng như anh trước Đền Thờ như vậy không phải là việc dễ dàng. Anh biết rằng: cầu nguyện như anh, làm theo điều như anh, sống được như anh, thử hỏi có mấy người Do Thái được như vây? Thế mà hậu quả lại khác, đã đến. Anh tưởng rằng mình đã nắm phần chắc, mình trở thành thước đo cho mọi người và ra quyết định cho người khác. Anh chỉ còn thấy công trạng của mình,  cái tôi và cái kho của mình quá lớn, lớn đến nỗi ngăn cách giữa mình và Thiên Chúa. Cuối cùng anh chỉ biết mình mà thôi. Chi tiết trong dụ ngôn: chủ từ “con” luôn làm chủ ngữ trong phần sau của lời nguyện cầu của anh. Con như thế này, như thế nọ, không như người khác. Rốt cuộc anh chỉ qui chiếu về mình, tự ngắm nghía vẻ đẹp tốt của mình, mình là tác nhân của mọi việc trọn lành, Thiên Chúa  chỉ là một người chứng và có thể trở thành người dư thừa. Như vậy, việc tạ ơn của anh chỉ quay về với chính mình mà thôi, chẳng biết đến ai là gì?
Trong lúc đó, ngược lại, người thu thuế, có thể là kẻ lắm tiền nhiều của nhưng anh nhận ra trước Thiên Chúa chẳng là gì cả. Công trạng của anh chẳng có gì phải cậy dựa. Anh đặt vị trí của mình nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh biết tội lỗi của mình đối với Chúa. Anh cần đến Thiên Chúa tha thứ và đón nhận anh trong tình thương. Lạy Chúa xin thương xót con. “Thầy bảo cho anh em: người này xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không” (câu 14a).
Qua nội dung của dụ ngôn này, Chúa Giêsu chuyển đến mỗi người chúng ta điều gì?
Người biệt phái và người thu thuế là loại người đối ngược nhau trong một xã hội mà chính nơi đó tiền bạc và quyền lực thống trị tất cả., dân nghèo không có cơ hội để lên tiếng, đẳng cấp đua đòi để cố ý dành phần hơn cho mình. Tư thế đứng thẳng của người biêt phái là cố đứng vững khẳng định chính mình, mình là số một, mình là vũng chắc chẳng ai bằng mình, bất chấp cả Thiên Chúa, huống chi là tha nhân. Chính vì vậy, anh chẳng cần xin Thiên Chúa điều gì. Tự mãn nơi anh đã đong đầy trong cuộc sống, ví như ly nước đã tràn đầy. Thiên Chúa chỉ là dư thừa đối với anh.
Trong khi đó, người thu thuế cũng là hạng có máu mặt trong xã hội đương thời nhưng chính anh nhận mình là kẻ nghèo hèn trước Thiên Chúa, chẳng có gì để cậy dựa mà còn nhận thực mình là kẻ tội lỗi, mong được thứ tha.
Như vậy, sự đảo ngược của Tin Mừng: kẻ coi là đạo đức thánh thiện trổi vượt trở thành một chướng ngại, cản trở vô vàn khiến tôi không gặp Thiên Chúa, không nhận được ơn trên. Trái lại, kẻ tự cho mình là tội nhân lại được tình thương và sự tha thứ nơi Thiên Chúa.
Dụ ngôn Chúa Giêsu kể không nói rõ cụ thể là ai? Thánh Luca để lại dụ ngôn này có ý chỉ cho các môn đệ theo Chúa Giêsu và vượt thời cho mỗi người chúng ta hôm nay. Không chỉ là Pharisêu thời của Chúa mà còn cho mỗi thời, mỗi nơi, mỗi  người có kiểu cách tự “ tôn mình lên”. Các môn đệ thời Chúa Giêsu vẫn bị cám dỗ hấp dẫn tranh dành vị trí là “người lớn nhất trong nhóm” (Lc 9, 46-48; 22, 24-27). Ngay sau dụ ngôn này, các môn đệ lại cản ngăn các trẻ em đến với Đức Giêsu (Lc 18, 15-17). Việc không tôn trọng những đứa nhỏ là việc bình thường như cơm bữa, chẳng có gì phải bận tâm.
Qua hai thái độ khác nhau của hai người cùng bước vào Đền Thờ, Thánh Luca muốn mỗi người chúng ta nhận biết hai loại ngừoi khác nhau trong một niềm tin:  loại người đặt trọng tâm tất cả đời sống nơi chính mình để đội lốt Tạ ơn Chúa, biến Thiên Chúa thành một bổ ngữ cho chính mình; còn một loại người luôn luôn đặt Thiên Chúa là một chủ ngữ cho cuộc đời của mình.
Chúng ta được gọi mời sống cho Chúa và tha nhân. Và để làm được việc này cần phải hy sinh và cố gắng rẩt nhiều bằng cách làm những việc đạo đức, ngay cả tập trung để xây cho mình một kho chất đầy những việc lành của mỗi người. Từ đó, việc đó có thể dẫn đưa mỗi người chúng ta đến thái độ “tôi làm”, kể công, khó dễ với tha nhân, tự hào  chính mình mà quên lãng Thiên Chúa.  Thật sự, Thiên Chúa vẫn can thiệp vào đời ta, một sợi tóc không ngoài thánh ý Chúa để cho biết Thiên Chúa hằng luôn quan tâm và lo cho đời ta chứ không phải là kẻ rình rập, luôn tìm bắt lỗi và chờ chực ăn tươi nuốt sống ta. Chỉ có ai nhận biết sự mỏng dòn, yếu hèn của mình thì may ra lời cầu nguyện của người đó có thể lay động trái tim Chúa. Nói như triết gia Emmanuel Levinas: “chỉ ai mong manh mới biết yêu tha nhân”, “Tôi đã già đủ để biết rằng tôi không tốtt hơn những người khác” (Carlo Caretto). “Một kẻ tội lỗi biết rằng mình là kẻ có tội tốt hơn một ông thánh biết mình là thánh nhân” (châm ngôn  Yidit)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3949
  • Tháng hiện tại: 112410
  • Tổng lượt truy cập: 12256670