Trang mới   https://gpquinhon.org

Không thể ngập ngừng để nói lời yêu

Đăng lúc: Chủ nhật - 31/01/2016 17:08
KHÔNG THỂ NGẬP NGỪNG ĐỂ NÓI LỜI YÊU
(CHÚA NHẬT IV THUỜNG NIÊN C 2016) 

 
            Trên thế giới có một chức danh quan trọng trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia đó là Đại Sứ. Nôm na, đại sứ chính là người đảm nhiệm chức vụ thay mặt cho một quốc gia để hiện diện thường trú hoặc không thường trú tại một quốc gia có liên hệ ngoại giao. Ví dụ : đại sứ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, hoặc đại sứ Việt nam tại Mỹ quốc….. Ngoài các đại sứ theo hệ thống chính trị đó, trên thế giới, đặc biệt là tổ chức Liên Hiệp quốc, còn có rất nhiều người, thường là các nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc nhân vật có đức độ, uy tín, được mời làm Đại Sứ Thiện Chí cho một tổ chức hoặc một chương trình văn hóa, xã hội, từ thiện… thuộc Liên hiệp quốc như  : Đại sứ thiện chí của Tổ chức UNICEF, Đại sứ thiện chí của UNESCO, Đại sứ thiện chí của Cao ủy Tỵ Nạn, Đại sứ thiện chí cho chương trình chăm sóc các nạn nhân chiến tranh, Đại sứ thiện chí cho chương trình phòng chống HIV, Đại sứ thiện chí cho chương trình chống tội phạm…; và dĩ nhiên, các nhân vật Đại Sứ nầy chính là những “phát ngôn nhân” cho các đường lối, chính sách, chủ trương của các tổ chức hay chương trình mà mình được vinh dự đại diện.
            Trong lãnh vực niềm tin, đặc biệt niềm tin Kitô giáo, cũng có những người được mang danh “Đại Sứ”, nhưng là đại sứ cho Lời Chúa, cho chân lý đức tin, cho Lời mặc khải của Thiên Chúa… Cho nên, Kinh Thánh gọi tên những người đó là Ngôn Sứ, tức là đại sứ hay sứ giả của Lời. Vì những Vị ngôn sứ thường được Chúa truyền báo trước (tiên báo) những biến cố, sự kiện, con người…sẽ xuất hiện trong tương lai, nên cũng được gọi là các Tiên Tri.
            Làm “Đại Sứ” thuộc lãnh vực chính trị trần tục luôn là một vinh dự, một tước vị đi liền với quyền lực, tiền tài và danh lợi. Nhưng làm “Ngôn sứ”, thì trái lại, gần như gắn liền với chống đối, bách hại, loại trừ và cả cái chết, như chính Vị Đại Ngôn Sứ là Chúa Giêsu đã đau đớn xác nhận :
“Nầy, ta sai các ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các ngươi : các ngươi sẽ giết chết và đóng đinh người nầy vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành nầy đến thành khác…” (Mt 23,34) ; hoặc  :
“Giêrusalem, Giêrusalem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai dến cùng các ngươi ! “ (Mt 23,37)…
            Ngôn sứ Gioan Tiền Hô bị Hêrôđê chém đầu chỉ vì cái tội dám can ngăn vua làm điều bất chính ; nhất là Vị Đại Ngôn sứ Giêsu thành Nadaret bị kết án tử hình thập giá vì cả gan “Làm chứng cho sự thật”.
            Thế hệ ngôn sứ đầu tiên của Tân ước là các Tông Đồ của Chúa Giêsu thì hầu hết có chung cái kết cuộc đó là Tử đạo.
            Trong thời đại của chúng ta cũng phải kể tên những chứng nhân thực thi sứ mệnh ngôn sứ khi bênh vực và tranh đấu cho những giá trị tốt đẹp của con người và đã đánh đổi mạng sống mình cho những giá trị đó : mục sư Luther King, người tranh đấu cho quyền sống và sự bình đẳng của ngươi da đen, hay Đức Giám mục Rômêrô, người can đảm bênh vực những nạn nhân của các tập đoàn mafia buôn bán ma túy và vũ khí.
            Chính vì thế, trong các chứng từ của Kinh Thánh trải qua lịch sử cứu rỗi, không thiếu những người khi được Chúa chọn đi làm Ngôn sứ đã “nằng nặc” chối từ, tránh né : như trường hợp của vị Đại ngôn sứ Mô-sê thoái thác với lý do : “Con là ai mà dám đến với vua Pha-ra-ô…” (Xh 3,11) ; như Ê-li-a muốn đào ngủ bằng cách xin cho được chết : “Lạy Chúa, đủ rồi ! Bấy giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con” (1 V 19,4), như Giê-rê-mi-a tránh né khi vịn vào hạn chế của bản thân : “Ôi lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6) ; và đặc biệt như trường hợp Giô-na : Chúa bảo “mang Lời Chúa tuyên rao” ở đi Ni-ni-vê, ông ta đã tìm cách lên thuyền trốn đi lối khác : “Ông Giô-na đứng dậy nhưng là là để trốn đi Tác-sít, tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3)…
            Và như thế, chúng ta có thể khám phá ra chủ đích của sứ điệp Phụng Vụ hôm nay đó chính là gọi mời chúng ta can đảm thực thi sứ mệnh Ngôn Sứ, một sứ mệnh cao cả được chính Chúa ân trao ngay từ thở đầu thai trong bụng mẹ (như chứng từ của ngôn sứ Giêrêmia trong BĐ 1 hôm nay) và nhất là gắn liền với phẩm giá Kitô hữu qua nhiệm tích Thanh Tẩy do Đức Ki-tô thiết lập.
            Chúng ta đang sống trong một thế giới, một xã hội mà sự dối trá đang lên ngôi, ngôn ngữ của chính trị, hận thù, dục vọng , tiền bạc đang chi phối, thì cần thiết biết bao những tiếng nói của sự thật, của tình yêu, của công chính phải được vang lên, phải được tuyên bố.
            Có không ít những con người khi đối diện với đe dọa, ngục tù, tra tấn, mất sự an toàn của bản thân và gia đinh và cả cái chết… đã chấp nhận im lặng và đồng lõa, bỏ cuộc và chối từ sứ mệnh ngôn sứ. Phải chăng đó chính là cơ hội để sự ác tiếp tục lộng hành và làm phai nhạt niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
            Mới đây, người ta có nhận xét rằng : Cả ngày Chúa Nhật ngày 8 tháng 11 năm 2015, có lẽ dân tộc hạnh phúc và tự hào nhất hành tinh này là Miến Điện [1]. Lý do : cuộc tranh đấu của miệt mài của bà Aung Shan Suu Kyi, biểu tượng của tự do và dân chủ, và nhiều thế hệ người dân Miến đã đem lại cuộc chiến thắng sau 53 năm bị cai trị dưới ách thống trị của độc tài quân phiệt. Thành tựu đó đã được trả giá bằng bao nhiêu máu và nước mắt trong đó có hơn một nửa cuộc đời tù tội của người phụ nữ giải Nobel hòa bình 1991, Aung Shan Suu Kyi.
            Thế nhưng sẽ có người trăn trở. Tôi chấp nhận đi làm ngôn sứ, nhưng tôi phải “phát ngôn”, phải nói như thế nào đây ?
            Trong bài hát “Điệp khúc tình yêu” của nhạc sĩ Trần Tiến, có những ca từ : “hãy hát lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy, háy hát lời lửa cháy bằng trái tim yêu thương…”. Vâng, làm ngôn sứ, thi hành sứ vụ rao giảng Lời Chúa đó chính là “nói lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy”. Nếu lời Chúa không được chuyển tải bằng ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu đã được cảm nghiệm, đã được sống, thì chỉ là một cuộc “tuyên truyền, một cuộc vận động chính trị, một cuộc ba hoa quảng cáo…” của trường phái “mồm loa mép dãi”, chứ không bao giờ là thuộc trường học của Chúa Giêsu, của Tin Mừng.
Bài Đọc II hôm nay với chủ đề “Bài ca Đức Mến” trong thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Cô-rin-tô là một câu trả lời tuyệt vời nhất :
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người, và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…” (1Cr 13,1-2)
            Mà để “nói lời tình yêu” như thế, thì người mẹ người cha nào lại không nói được những lời yêu thương ngọt ngào với con cái trong mái ấm gia đình của mình ? ; người chồng người vợ nào không nói được với nhau những lời mặn nồng tình yêu trong cuộc sống lứa đôi ? Anh chị em ruột thịt lẽ nào không nói được hai tiếng thương nhau, bạn bè cùng trang lứa, cùng học hành, cùng nghề nghiệp, cùng cảnh ngộ…lẽ nào không trao cho nhau được một ánh mắt thân thiện, một tiếng nói chân tình? Sở dĩ người ta không nói được những lời cần nói vì trái tim và đầu óc của họ đã đầy ắp những thứ ngôn ngữ chết tiệt là tham sân si…
            Nếu những người chưa một lần được nghe nói đến giới luật tình yêu, chưa một lần nhìn thấy cây Thánh giá với một con người bị chết trần truồng vì yêu, chưa bao giờ được nghe câu “người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau…”…thì có thể ngập ngừng với hai tiếng “yêu thương”, chứ chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta đã được đào tạo, trui rèn trong cái trường dạy yêu thương từ Bê-lem đến Đồi Sọ, từ cái dấu chỉ Thánh giá đơn sơ nhất được vẽ trên mình đến cả 365 ngày cử hành hy lễ tình yêu, thì không thuộc được hai chữ “yêu thương” mới là lạ.
            Cuối cùng, mọi người chúng ta cũng đều phải để Lời Chúa chất vấn và biến đổi.
            Sở dĩ hôm nay, như Tin Mừng Luca tường thuật, “Chúa Giêsu đã băng qua giữa họ mà đi” và Ngài “đã không làm một phép lạ nào” tại quê hương mình, chỉ với một lý do đơn giản : người đồng hương đã không chấp nhận Ngài và Tin Mừng Ngài công bố bởi chưng đó chính là Lời vạch trần thói hư tật xấu của họ, là lời cảnh báo để họ hoán cải, là lời gọi mời để họ trở nên tốt hơn.
            Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau đừng để hôm nay “Chúa Giêsu băng qua giữa chúng ta mà đi” như một người khách lạ, và Lời Chúa được công bố không còn đọng lại một chút gì ; nhưng xin Người hãy ở lại trong tâm hồn mỗi người chúng ta để dạy bảo chúng ta học thuộc ngôn ngữ tình yêu của chính Ngài, hầu ra đi mang Lời Chúa chia sẻ cho anh em chung quanh bằng chính cuộc sống thấm tràn Đức Mến. Nói cách khác, để chúng ta không thể ngập ngừng để nói lời yêu thương, không thể do dự để trở thành ngôn sứ.  Amen.
 
Giuse Trương Đình Hiền
 

[1] Miến Điện, tấm gương không dành cho Việt Nam - Cánh Cò, viết từ Việt Nam 2015-11-10
 
Tác giả bài viết: TĐH
Nguồn tin: quangngaicatholic
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 94199
  • Tổng lượt truy cập: 12238459