Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Đăng lúc: Thứ tư - 25/05/2016 21:50
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA – NĂM C

Chắc chắn khi còn ở trần gian, Ðức Giêsu đã nhiều lần cầm lấy bánh và rượu. Nhưng có thể nói, các môn đệ không thể quên được lần quan trọng nhất xảy ra trong bữa ăn tối sau hết trước khi Người ra đi chịu chết.

Lần ấy Người đã cầm lấy bánh rượu với lời truyền, đến nỗi mỗi khi nhắc lại đã có lần nào Người cầm bánh rượu, là môn đệ lại nhớ đến lần này và lấy cử chỉ, thái độ của Người trong lần này để mô tả mọi lần khác.

Thế nên để giúp giáo dân hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của Thánh Thể, thánh  Phaolô phải nhắc lại thế nào là "Bữa ăn" đích thực của Chúa. Ngài làm cho họ nhớ lại giáo huấn chân truyền. Và sự thật ấy thế này: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã cầm lấy Bánh và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: "Này là Mình Ta vì các ngươi...". Cũng vậy về Chén, sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói: "Chén này là giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống mà nhớ đến Ta".

Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại tất cả sự thật. Ngài nói rõ việc ấy xảy ra trong đêm Ðức Giêsu bị nộp. Thế nên việc ban bánh rượu này cho môn đệ gắn liền với cuộc khổ nạn của Người.

Ðó cũng là bữa ăn Vượt qua của người Do Thái, nhắc lại việc Chúa cứu dân ra khỏi Ai Cập và tin tưởng cầu xin cùng chờ đợi Chúa còn tiếp tục giải cứu nữa trong tương lai cho đến khi có giao ước mới và vĩnh cửu như lời các ngôn sứ của Chúa từng loan báo. Và trong bữa ăn này, việc giết một con chiên để lấy máu bôi lên cửa là việc cốt yếu. Thế mà khi chia bánh rượu cho môn đệ, Ðức Giêsu lại tuyên bố: Ðây là Mình Ngài bị nộp và đây là chén Máu Ngài sẽ đổ ra. Người còn gọi đó là chén giao ước mới. Do đó rõ ràng Người đã tự coi, tự biến mình nên Chiên Vượt qua để mang đến ơn cứu độ mà các ngôn sứ từng loan báo.

Các môn đệ không lầm. Họ thấy rõ với các cử chỉ này Chúa Giêsu đã khai trương thời đại mới. Người đã thay thế bữa ăn Vượt qua của người Do Thái bằng bữa ăn của Người hôm nay. Có thể họ chưa hiểu rõ những lời về Mình và Máu; vì phải đợi đến ngày hôm sau khi thấy Mình Người bị nộp và Máu Người chảy ra họ mới hiểu hết ý nghĩa. Nhưng họ đã cảm thấy chắc chắn Chúa Giêsu muốn dùng các cử chỉ của Người hôm nay để ký kết giao ước mới, chấm dứt đạo cũ và nghi lễ cũ. Từ nay bước sang thời đại cứu độ và nếp sống mới. Và nghi lễ mới cũng đã được thiết lập, vì Ðức Giêsu đã bảo: phải làm sự này mà nhớ đến Người. Tức là mỗi khi nhớ đến Ngài, nhớ đến để hiệp thông với Ngài trong hành vi cứu độ để được giao ước mới, phải làm việc Ngài vừa làm, tức là phải cầm lấy Bánh Rượu mà làm như Ngài.
Vì thế, Thánh Phaolô đã nhắc nhở: "Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan báo sự chết của Chúa".

Những lời này tuyên bố rõ ràng có sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể. Bánh rượu đã trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Nếu ngày lễ hôm nay có ý nói lên niềm tin Chúa hiện diện nơi Bánh Thánh, Rượu Thánh, thì những lời Phaolô vừa nói thật đúng.  

Ở đây chúng ta hãy nhớ bài Tin Mừng Luca. Chúng ta đã nói cử chỉ cầm bánh rượu của Ðức Giêsu nơi bàn tiệc ly đặc sắc quá khiến mỗi khi nhắc lại những lần khác mà Ðức Giêsu cầm lấy bánh rượu, các môn đệ lại nhớ đến các cử chỉ của Người ở bàn tiệc ly.

Ðiều này rõ ràng trong bài Tin Mừng hôm nay. Luca kể hôm ấy Chúa muốn thiết đãi những người đi theo Người nơi hiu quạnh. Người cho họ ngả mình xuống thành từng cỗ, mỗi cỗ độ năm mươi... Rồi Người cầm lấy bánh và hai con cá. Người ngẩng mặt lên trời và chúc tụng trên bánh và cá, đoạn bẻ ra và ban cho môn đệ để họ thết dân chúng...

Thánh Luca đã nhìn vào bàn tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh để thuật câu chuyện đã xảy ra nơi sa mạc, thì chúng ta hãy xem ngoài các yếu tố báo trước bàn tiệc ly và bàn tiệc Thánh Thể, Luca còn muốn chú trọng đến điểm nào nữa? Dường như tác giả đã chú ý đến vai trò của các tông đồ. Lúc đó họ muốn giải tán dân vì thấy bất lực cung cấp lương thực cho dân. Nhưng được Chúa gợi ý cho dân ăn, họ nhiệt tình muốn đóng góp tất cả và sẵn sàng làm thêm... Chúa bảo họ tổ chức cho dân ngả xuống thành từng cỗ. Người trao bánh cá cho họ phân phát... cuối cùng còn thu được 12 giỏ mảnh vụn, đúng số 12 tông đồ.

Những điều ấy há không đáng suy nghĩ sao? Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu của anh em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Mình Máu Người còn trao cho chúng ta để chia sẻ, huống nữa là của cải vật chất và tài năng tự nhiên mà Chúa đã đặt trong tay mỗi người. Chúng ta không phải chia sẻ những của ấy sao? Chúng ta sợ mất mát thiệt thòi sao, khi thấy cuối cùng còn thu lại được 12 giỏ mảnh vụn? 

           Bởi vậy Thánh Thể không phải chỉ là một thứ trang trí bên ngoài, một thứ gia vị không thiết yếu, một thứ quà ăn dặm thêm ngoài bữa. Nhưng là một nhu cầu, một lương thực chủ yếu. Nhiều khi Mình Máu Chúa Giêsu còn cần thiết như một phương thế cấp cứu, giống như dưỡng khí, nước biển để cấp cứu bệnh nhân. Không có Chúa Giêsu Thánh Thể bổ dưỡng, chúng ta khó có thể sống một cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Thánh thể trợ lực chúng ta khó mà sống được một cuộc sống đáng nể phục. Thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Đây là cơ hội rất quý báu để chúng ta có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.

Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần : "Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời" (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng : Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề  “ăn thịt và uống máu” mà Chúa Giêsu quả quyết thật quan trọng và cần thiết như thế nào!

Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa : "Người ta sống không chỉ bởi bánh" (Lc 4,4).

Thiết tưởng mỗi người chúng ta đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi. Hãy siêng năng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu thánh Chúa để kết hợp với Chúa, nhận được sức sống và sự trợ lực của Chúa cho cuộc đời chúng ta. 


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 55
  • Khách viếng thăm: 54
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 119487
  • Tổng lượt truy cập: 12263747