Trang mới   https://gpquinhon.org

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2015

Đăng lúc: Thứ tư - 27/05/2015 19:02

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2015

2010WMS

 

Anh chị em thân mến,

Ngày thế giới truyền giáo 2015 diễn ra trong khung cảnh Năm Đời Sống Thánh Hiến và tiếp nhận từ đó một nhiệt huyết để cầu nguyện và suy tư. Quả thế, nếu mọi người chịu phép Rửa đều được kêu gọi làm chứng cho Chúa Giêsu bằng việc loan truyền đức tin mình đã lãnh nhận như một ân huệ, thì, cách đặc biệt, điều đó cũng có giá trị đối với người sống đời thánh hiến, bởi vì có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa đời sống thánh hiến và việc truyền giáo. Việc bước theo Chúa Kitô (sequel Christi), vốn đã khai mở đời sống thánh hiến giữa lòng Giáo Hội, đáp lại tiếng gọi mang lấy thập giá và bước theo Ngài, bắt chước Ngài hiến thân cho Chúa Cha và những cử chỉ phục vụ và yêu thương của Ngài, chết đi để được sống. Và vì tất cả cuộc đời của Chúa Kitô đều có một đặc tính truyền giáo, nên những người nam và người nữ bước theo Ngài cách sâu sát hơn đều đảm nhận trọn vẹn chính đặc tính này.

Chiều kích truyền giáo, xét như là thuộc về chính bản chất của Giáo Hội, cũng là nội tại đối với mọi hình thức của đời sống thánh hiến, và không thể bị chểnh mảng mà không tạo nên một sự trống rỗng làm méo mó đặc sủng. Truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ hay chỉ là chiến lược. Nó thuộc về “quy tắc” (“grammaire”) của đức tin. Nó hệ tại điều gì đó cần thiết đối với người nào đặt mình lắng nghe tiếng của Chúa Thánh Thần đang thì thầm “hãy đến” và “hãy ra đi”. Người bước theo Chúa Kitô chỉ có thể trở thành thừa sai và người ấy biết rằng Chúa Giêsu “bước đi cùng với người ấy, nói với người ấy, thở với người ấy, làm việc với người ấy. Người ấy cảm nhận Chúa Giêsu đang sống với minh giữa hoạt động truyền giáo” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 266).

Truyền giáo là say mê Chúa Giêsu Kitô và, đồng thời, say mê con người. Khi chúng ta cầu nguyện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì chúng ta nhận ra sự cao cả của tình yêu của Ngài, Đấng đã ban tặng cho chúng ta phẩm giá và nâng đỡ chúng ta và, đồng thời chúng ta nhận thấy rằng tình yêu mà khởi đi từ trái tim bị đâm thâu này được mở rộng cho toàn dân Chúa và toàn thể nhân loại. Như thế chúng ta cảm thấy rằng Ngài cũng muốn dùng chúng ta để luôn đến gần hơn nữa dân yêu quý của Ngài (x. ibid., số 268) và tất cả  những ai đang tìm kiếm Ngài bằng một con tim chân thành. Trong mệnh lệnh của Chúa Giêsu “Hãy ra đi” hiện có những kịch bản và những thách đố luôn luôn mới của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Nơi Giáo Hội, mọi người đều được mời gọi loan báo Tin Mừng bằng chứng tá cuộc sống. Cách riêng những người sống đời thánh hiến được đòi hỏi lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần mời gọi họ đi đến những vùng ngoại vi to lớn của sứ mạng, trong số các dân tộc mà Tin Mừng vẫn còn  chưa đạt tới.

Việc kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad gentes của công đồng (Vatican II) mời gọi chúng ta đọc lại và suy niệm văn kiện này vốn đã khơi lên một đà nhiệt huyết truyền giáo mạnh mẽ nơi các Dòng sống đời thánh hiến. Nơi các cộng đoàn chiêm niệm đã nổi bật lên hình ảnh  của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo, như là người gợi hứng cho mối liên hệ thân mật giữa đời sống chiêm niệm và truyền giáo. Đối với nhiều dòng tu có đời sống hoạt động, ước muốn truyền giáo đến từ công đồng Vatican II đã được thể hiện bằng một sự mở ra đặc biệt cho sứ mạng đến với muôn dân, thường được đi kèm bởi việc đón tiếp các anh chị em đến từ những vùng đất và những nền văn hóa được gặp trong khuôn khổ loan báo Tin Mừng, đến độ ngày nay, có thể nói về một sự liên văn hóa tỏa lan giữa đời sống thánh hiến. Vì thế, thật cấp bách để một lần nữa đề nghị lý tưởng truyền giáo trong khía cạnh trọng tâm của nó: Chúa Giêsu Kitô, và trong đòi hỏi của nó: sự trao hiến toàn vẹn bản thân để loan báo Tin Mừng. Không thể có thỏa hiệp về vấn đề này: người nào, với ân sủng của Thiên Chúa, đón nhận sứ mạng, đều được mời gọi sống sứ mạng. Đối với những người này, việc loan báo Chúa Kitô, nơi nhiều vùng ngoại vi của thế giới, trở nên cách thức sống việc bước theo Ngài, cách thức mà còn hơn cả việc đền bù cho họ vì nhiều vất vả và hy sinh mà họ đã trải qua. Mọi khuynh hướng làm lệch hướng ơn gọi này, cho dầu nó được kèm theo những động cơ cao thượng gắn liền với nhiều cấp thiết mục vụ, giáo hội hay nhân đạo, đều không phù hợp với tiếng gọi đích thân của Chúa đến phục vụ Tin Mừng. Trong các Dòng truyền giáo, những nhà đào tạo đều được mời gọi chỉ ra cách sáng sủa và ngay thẳng viễn ảnh sống và hoạt động này cũng như chứng tỏ uy tín trong những gì liên quan đến việc phân định ơn gọi truyền giáo đích thực. Đặc biệt tôi nói với các bạn trẻ, mà vẫn còn khả năng có những chứng tá can đảm và những hành động quảng đại và đôi khi lội ngược dòng: các bạn đừng để ai lấy đi giấc mơ về một sứ mạng đích thực, về việc bước theo Chúa Kitô vốn ngụ ý việc trao hiến trọn vẹn bản thân. Trong sâu kín lương tâm của các bạn, các bạn hãy hỏi đâu là lý do mà  các bạn đã chọn đời sống tu trì truyền giáo và hãy cân nhắc sự sẵn sàng ứng trực của các bạn chấp nhận nó như nó là: một sự trao ban tình yêu để phục vụ việc loan báo Tin Mừng, đồng thời nhớ rằng, trước khi là một nhu cầu cho những người chưa biết Tin Mừng, việc loan báo Tin Mừng là một sự cấp thiết đối với người yêu mến Thầy.

Ngày nay, sứ mạng truyền giáo đối diện với thách đố tôn trọng nhu cầu của mọi dân tộc khởi lại từ cội rễ của riêng mình và bảo toàn những giá trị của các nền văn hóa riêng biệt của họ. Nó hệ tại biết và tôn trọng các truyền thống và các hệ thống triết lý khác và nhận ra nơi mỗi dân tộc và văn hóa quyền được trợ giúp bởi truyền thống của mình trong việc hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa và việc đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng cho các nền văn hóa và là sức mạnh biến đổi cho các nền văn hóa này.

Bên trong sự năng động phức tạp này, chúng ta đặt ra câu hỏi: “Những người ưu tiên đón nhận việc loan báo Tin Mừng là ai?” Câu trả lời la rõ ràng và chúng ta tìm thấy nó trong chính Tin Mừng: những người nghèo, những người bé nhỏ và tàn tật, những người vốn thường bị coi khinh và lãng quên, những người vốn không có gì để trả lại (x. Lc 14, 13-14). Việc loan báo Tin Mừng được nói  cách ưu tiên dành cho họ là dấu chỉ của Vương Quốc mà Chúa Giêsu đã mang đến: “Có một mối liên hệ bất khả tách rời giữa đức tin của  chúng ta và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ để họ cô độc” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 48). Cách riêng điều này phải được rõ ràng đối với những người chọn theo đời sống thánh hiến truyền giáo: qua lời khấn khó nghèo, họ chọn bước theo Chúa Kitô ưu tiên cho Ngài, chứ không cách ý thức hệ, nhưng như Ngài, bằng cách đồng hóa với người nghèo, bằng cách sống như họ trong sự bấp bênh của đời thường và trong việc từ bỏ thực thi mọi quyền lực để trở nên anh chị em của những người rốt hết, mang lại cho họ chứng tá của niềm vui Tin Mừng và sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa.

Để sống chứng tá Kitô hữu và những dấu chỉ của tình yêu của Chúa Cha giữa những người bé nhỏ và nghèo khó, những người sống đời thánh hiến được mời gọi thăng tiến trong việc phục vụ sứ máng sự hiện diện của các giáo dân. Công đồng Vatican II đã từng khẳng định: “Người giáo dân cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và tham dự, với tư cách chứng nhân, và đồng thời là khí cụ, vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội” (Ad gentes, số 41). Điều cần thiết là những người sống đời thánh hiến truyền giáo phải luôn mở ra cách quảng đại hơn cho những ai sẵn sàng cộng tác với họ, dù chỉ là một thời gian có hạn, một kinh nghiệm thực địa. Đó là những anh chị em ước ao chia sẻ ơn gọi truyền giáo gắn liền với bí tích Rửa tội. Những nhà và những cơ cấu truyền giáo là những nơi tự nhiên để đón tiếp họ và nâng đỡ họ về mặt nhân bản, thiêng liêng và tông đồ.

Các Thể chế và các Dòng truyền giáo của Giáo Hội hoàn toàn đặt mình phục vụ những người không biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu. Để thực hiện mục đích này cách hữu hiệu, chúng cần đến các đặc sủng và sự dấn thân truyền giáo của những người sống đời thánh hiến,  cũng như những người sống đời thánh hiến cần đến một cơ cấu phục vụ, là sự biểu hiện của mối quan tâm của Giám mục Rôma, để bảo đảm sự phục vụ (koinonia), để cho việc cộng tác và sự phối hợp thuộc về chứng tá truyền giáo. Chúa Giêsu đã đặt sự hiệp nhất của các môn đệ như là điều kiện để thế gian tin (x. Ga 17,21). Một sự đồng nhất như thế không tương đương với một sự phục tùng pháp lý và tổ chức chính trị đối với các cơ cấu thể chế, vốn ít nhiều bóp nghẹt tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần, Đấng khơi lên sự đa dạng nhưng có nghĩa là mang lại sự hiệu quả hơn cho sứ điệp Tin Mừng và  thăng tiến sự hiệp nhất các mục đích này vốn cũng là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Công cuộc truyền giáo của Đấng kế vị thánh Phêrô có một chân trời tông đồ phổ quát. Vì thế, nó cũng cần đến nhiều đặc sủng của đời sống thánh hiến để nói với chân trời rộng lớn của việc loan báo Tin Mừng và có thể đảm nhận một sự hiện diện thích đáng nơi những biên giới và các lãnh thổ.

Anh chị em thấn mến, sự say mê của nhà truyền giáo là Tin Mừng. Thánh Phaolô đã có thể khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Tin Mừng là nguồn mạch niềm vui, giải thoát và cứu độ cho mọi người. Giáo Hội ý thức về ân huệ này và vì thế Giáo Hội không mệt mỏi liên lỉ loan báo cho mọi người “những gì đã có từ ban đầu, những gì chúng tôi đã nghe, những gì chúng tôi đã thấy tận mắt” (1Ga 1,1). Sứ mạng của những người phục vụ Lời Chúa – các giam mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân – là sứ mạng đặt mọi người, không loại trừ ai, trong tương quan cá nhân với Chúa Kitô. Trong lãnh vực bao la của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, mỗi người đã chịu phép Rửa được mời gọi sống tốt nhất sự dấn thân của mình, theo hoàn cảnh bản thân của mình. Một lời đáp trả quảng đại đối với ơn gọi chung này có thể được mang lại bởi những người nam nữ  sống đời thánh hiến xuyên qua một đời sống cầu nguyện và kết hiệp mãnh liệt với Chúa và với hy lễ cứu độ của Ngài.

Tôi xin phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ của Giáo Hội và là khuôn mẫu truyền giáo, tất cả những ai mà, đến với muôn dân hay trên lãnh thổ riêng của mình, trong mọi bậc sống, đang cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng. Bằng tất cả tấm lòng tôi xin gởi đến mỗi người Phép lành Tòa Thánh.



Vatican ngày 24 tháng 5 năm 2015
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp (có tham khảo bản tiếng Anh)

 

Nguồn tin: xuanbichvietnam.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 3121
  • Tháng hiện tại: 158928
  • Tổng lượt truy cập: 12135715