Trang mới   https://gpquinhon.org

Hỏi và đáp về Giáo luật trong Mục vụ Di dân

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/01/2017 07:07
didan.jpg

Hỏi và đáp về Giáo luật trong Mục vụ Di dân
Trích Báo Hiệp Thông số 97 (tr, 24-36)


 
I- CƯ SỞ

1/ Cư sở là gì?


Cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó vĩnh viễn nếu không có gì ngăn trở, hoặc việc cư ngụ đã kéo dài trên năm năm tròn (GL 102 *1)

Cư sở hay bán cư sở trong lãnh thổ của một giáo xứ đượ gọi là ”thuộc giáo xứ”; trong lãnh thổ một giáo phận, tuy không ở trong một giáo xứ, được gọi là “thuộc giáo phận”.  102 *3)

2/ Trường hợp nào được gọi là bán cư sở?

Bán cư sở
(GL 102 *2) được thủ đắc do việc cư ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó ba tháng nếu không có gì ngăn trở, hoặc việc trú ngụ đã thực sự kéo dài trong ba tháng.

“Đã cư ngụ trong một tháng” (GL 1115): Phải là sự cư ngụ thể lý, liên tục trong vòng một tháng, nếu bị gián đoạn nhiều ngày, dù có ý định trở lại, vẫn phải tính thời gian lại từ đầu. Việc cư ngụ phải diễn ra ngay trước khi tiến hành thủ tục hôn phối.

3/ Như vậy một người có thể có hai hay nhiều cư sở không?

Nếu đã chuyển đến một giáo phận khác để làm việc, mua nhà và nhập cư tại đây thì đương nhiên thuộc về địa hạt giáo xứ định cư mới (do ý định ở lại đó vĩnh viễn nếu không có gì ngăn trở)

Tuy nhiên, nếu một người đi lao động nơi khác hơn 5 năm, vẫn còn nhà cửa và hộ khẩu thường trú ở quê quán, thì không mất quyền về cư sở hay bán cư sở, GL 102 và 106 không ngăn cản người này nhận hai gia cư, một nơi quê quán và một nơi đã thực sự cư ngụ trên 5 năm
 
4/ Trong thực tế, ai là người không có cư sở hoặc bán cư sở?

Người vô gia cư là người không có cư sở hay bán cư sở ở bất cứ nơi nào (GL 100)

5/ Trẻ em vô gia cư được hiểu thế nào?

Trẻ vị thành niên
(dưới 18 tuổi) phải theo cư sở hay bán cư sở của cha mẹ hay người giám hộ (GL 105)

6/ Bản quyền của người di dân là ai?

Do cư sở và bán cư sở mà mỗi người có cha sở và Bản quyền riêng (GL 107 *1)

Cha sở và Bản quyền riêng của người vô gia cư là cha sở và Bản quyền tại nơi mà người ấy hiện đang trú ngụ (GL 107 *2)
 
Cha sở riêng của người nào chỉ có cư sở và bán cư sở thuộc giáo phận là cha sở tại nơi mà người ấy hiện đang trú ngụ (GL 107 *3)
 
7/ Bản quyền sở tại là ai?
 
Là giám mục giáo phận, tổng đại diện, đại diện giám mục (GL 134 *2)
 
II-  BÍ TÍCH (Giáo luật các điều: 849-878)

1/ Người di dân học giáo lý ở đâu?


Anh chị em di dân và con cái của họ cần theo học các lớp giáo lý như lớp xưng tội rước lễ lần đầu, lớp thêm sức hay các lớp dự tòng và giáo lý hôn nhân ngay tại giáo xứ họ đang cư trú.
 
2/ Thời gian học giáo lý thông thường là bao lâu?
 
Các dự tòng cần được học giáo lý ít nhất là 6 tháng và trong thời gian này, các cha sứ sẽ giúp họ tham dự thánh lễ và các giờ kinh nguyện chung với cộng đoàn giáo dân.
 
Khi có lý do thật chính đáng, ví dụ bên nữ đang mang thai và vì thể diện gia đình, hoặc người dự tòng không thể đi học giáo lý trong thời gian lâu dài vì đi làm xa hay vướng bận việc học hành, cha xứ có thể thu xếp thời gian học giáo lý cách nào thuận tiện cho đương sự, nhưng không được ít hơn ba tháng và nên tăng thêm giờ học trong tuần.
 
Mục đích là giúp đương sự có thời gian học hỏi và tập sống đức tin theo giáo lý Công giáo.
 
3/ Trường hợp gia nhập đạo để kết hôn thì như thế nào?
 
Cha sứ cần điều tra trước về tình trạng thong dong của đương sự, nhằm mục đích xem họ có bị vướng mắc gì về hôn nhân hoặc theo giáo luật hoặc theo dân luật, và giúp họ giải quyết các ngăn trở này nếu có thể, trước khi ban bí tích Rửa tôi và Hôn phối cho họ.
 
Việc điều tra tình trạng thong dong của người lương dân hay tân tòng trước kết hôn luôn cần phải có bản lý lịch ký nhận của người ấy. Trong bản lý lịch, cần nêu rõ các giai đoạn sống ở dâu, làm gì; họ và tên cha mẹ, anh chị em và số điện thoại của họ để cha xứ có thể liên lạc hỏi thăm điều tra. Phải lưu ý có những trường hợp là người lương đã kết hôn và ly dị, nhưng họ và ngay cả bên Công giáo tưởng là không có ngăn trở, nên không nói cho cha sở biết khi đăng ký kết hôn.
 
4/ Khi nào thì người dự tòng được lãnh nhận bí tích Thêm sức?
 
Linh mục khi Rửa tội cho dự tòng, có quyền ban bí tích Thêm sức cho họ (GL 842 *2; 866)
 
5/ Gia đình tòng giáo?
 
Khi cả gia đình tòng giáo thì con cái ấu nhi hay nhi đồng dưới 7 tuổi trọn của họ cũng được lãnh nhận bí tích Rửa tội cùng với gia đình. Nhưng các em sẽ được lãnh nhận bí tích Thánh Thể sau khi học xong lớp giáo lý Xưng tội Rước lễ lần đầu và sẽ lãnh nhận bí tích Thêm sức sau khi học xong lớp giáo lý Thêm sức. Các thanh thiếu niên, từ 14 tuổi trở lên, sau khi học xong Giáo lý dự tòng cùng với gia đình, có thể lãnh nhận trọn vẹn 3 bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể (GL 97 *2)
 
6/ Trẻ sơ sinh cần được Rửa tội?
 
Các trẻ sơ sinh phải được Rửa tội trong vòng những tuần lễ đầu tiên (GL 867). Sau khi sinh, cha mẹ lo liệu xin cha xứ ban phép Rửa tội cho con mình; nếu trẻ lâm cơn nguy tử, phải xin Rửa tội ngay, không được trì hoãn.
 
Cha xứ hướng dẫn cho cha mẹ và người đỡ đầu, không những về nghi lễ mà còn cả về ý nghĩa của bí tích.
 
7/ Cần phải làm gì đối với trẻ sơ sinh trong gia đình rối vợ hoặc rối chồng?
 
Cha xứ lo liệu ban phép Rửa tội cho trẻ sơ sinh hay ấu nhi là con cái của đôi bạn hoặc rối vợ rối chồng, hoặc chung sống ngoài phép hôn phối, hoặc là con ngoại hôn, nếu cha mẹ của em hay một trong hai người xin Rửa tội cho em bé và cha xứ thấy có hy vọng chắc chắn em sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo. Khi hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, cha xứ phải hoãn việc ban bí tích Rửa tội cho em bé sau khi giải thích cho cha mẹ em biết rõ lý do (GL 868)
 
Hoàn cảnh sống rối hôn phối của cha mẹ không đương nhiên là “hoàn toàn thiếu niềm hy vọng”. Vì vậy, không được từ chối Rửa tội ấu nhi chỉ vì cha mẹ sống rối hôn phối hay tội công khai.
 
8/ Sau khi Rửa tội cần phải làm thủ tục gì?
 
Phải ghi vào sổ Rửa tôi ngay sau khi thụ nhân được Rửa tội (GL 877 *1)
 
9/ Trẻ em sinh ra bởi cha mẹ không có hôn phối thì sao?
 
Trường hợp con hoang hay con phạm thánh, phải ghi tên mẹ, nếu mẫu tính được biết cách công khai hoặc nếu chính người mẹ yêu cầu bằng văn bản hay trước mặt hai người chứng; cũng phải ghi tên người cha nếu phụ tính được chứng mình qua một tài liệu chính thức hay qua lời tuyên bố của đương sự trước mặt cha xứ và hai nhân chứng; nếu không, chỉ phải ghi tên người được Rửa tội mà thôi, không ghi tên cha hoặc mẹ (GL 877 *2). Nếu là con nuôi, phải ghi tên cha mẹ nuôi, ít là khi điều đó được thể hiện trong sổ hộ tịch địa phương, và ghi tên cha mẹ ruột (GL 877 *3)
 
10/ Hiệu quả của bí tích Thêm sức? (Giáo luật các điều 879-896)
 
Bí tích Thêm sức in ấn tín trong linh hồn các thụ nhân và phù trợ họ tiếp tục sống đức tin và đức ái dưới ơn sủng của Chúa Thánh Thần và liên kết họ chặt chẽ hơn với Giáo Hội hiệp thông và tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô bẳng lời nói và chứng tá đời sống (GL 879)
 
11/ Những ai cần lãnh nhận bí tích Thêm sức?
 
Các thiếu nhi đã đến tuổi khôn(GL 97;889 *2), đã xưng tội rước lễ lần đầu, và sau thời gian học hỏi và chuẩn bị đầy đủ về giáo lý Thêm sức, có thể lãnh nhận bí tích Thêm sức.
 
Các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích Thêm sức vào thời gian thích hợp với sự chuẩn bị cần thiết.


Thông thường, linh mục được quyền ban bí tích Thêm sức khi được ủy quyền, hay khi ban các bí tích Khai tâm Kitô giáo (GL 883 *2)
 
Ghi sổ Thêm sức nơi cử hành bí tích và báo tin cho cha xứ nơi đương sự được Rửa tội (GL 876; 894-896; 535 *2)

III- CHUẨN BỊ HÔN NHÂN

1/ Thời gian chuẩn bị trước hôn nhân?


Khi chuẩn bị kết hôn, trước ít là 6 tháng, hai bên nam và nữ phải đến gặp cha xứ để tìm hiểu thủ tục, xin học giáo lý hôn nhân và chuẩn bị hồ sơ hôn phối cần thiết.
 
2/ Nơi cử hành lễ cưới?

Hôn nhân thường được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người dự hôn có gia cư hoặc bán gia cư hay đã cư ngụ một tháng. Nếu không có gia cư, hôn nhân phải được cử hành tại giáo xứ mà họ đang cư ngụ (GL 1115), sau khi xin phép Bản quyền sở tại, trừ trường hợp cần thiết (GL 1071 *1,1)


Hôn nhân có thể được cử hành nơi khác khi có phép của Đấng Bản quyền hay của cha xứ của đôi dự hôn (GL 1115)
 
Chiếu theo điều 1115 nói trên, tùy theo yêu cầu chính đáng, giáo dân (bất kể là tân tòng, không Công giáo hay lương dân) có thể xin cử hành hôn lễ hoặc tại giáo xứ bên nam, hoặc bên nữ, hoặc nơi nào họ chọn lựa, và xin các cha xứ giúp đỡ họ.
 
3/ Trách nhiệm lập hồ sơ hôn phối?
 
“Trách nhiệm pháp lý” lập hồ sơ hôn phối, trước tiên, thuộc cha sở cử hành hôn phối tại địa sở của mình. Cụ thể được kể:
 
Nếu cha xứ bên nam nhận cử hành hôn lễ trong địa sở của mình thì cha có trách nhiệm lập hồ sơ.


Nếu cha xứ bên nữ nhận cử hành hôn lễ trong địa sở của mình thì cha có trách nhiệm lập hồ sơ.


Nếu cha xứ nơi một bên tạm trú hay đã cư ngụ được một tháng hay chưa đủ một tháng mà có giấy phép của cha xứ hay của Đấng Bản quyền riêng của một trrong hai bên, cha xứ nầy có trách nhiệm lập hồ sơ.
 
Được xét là có “trách nhiệm pháp lý” lập hồ sơ (điều tra, rao báo… ), vì theo giáo luật, trước khi chứng hôn, cha phải biết rõ là không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp thức (GL 1066) và để cha có thể chu toàn tất cả những gì ấn định để chứng minh tình trạng thong dong (GL 1113)
 
Còn xét về trách nhiệm nói chung của vị mục tử, thì cha xứ của bên nam và bên nữ, phải có bổn phận giúp đỡ tín hữu của mình, bằng việc cấp giấy giới thiệu cho cha xứ nơi cử hành hoàn thành hồ sơ, các chứng nhận cần thiết…
 
Trách nhiệm giúp đỡ này cũng có thể là đảm nhận việc thiết lập tất cả hồ sơ thay cho cha xứ nơi chứng hôn để dễ dàng cho cha xứ nơi tạm trú nhận lừi chứng hôn cho đôi bạn tại địa sở của cha (vì cha có thể từ chối với lý do không biết gì về đôi bạn). Toàn bộ hồ sơ đã thiết lập, cùng với giấy giới thiệu được gởi đến cho cha xứ nơi cử hành.

Ví dụ 1: Anh A Công giáo ở Thanh Hóa, chị B lương dân ở Cần Thơ. Cả hai đến TP HCM tạm trú để làm việc, muốn kết hôn tại giáo xứ Vườn Xoài TP HCM, cha xứ Vườn Xoài có thể chấp nhận chứng hôn cho họ trong nhà thờ Vướn Xoài và cha có trách nhiệm phải thiết lập hồ sơ, trong đó có việc rao báo, điều tra… Ngài cũng có thể từ chối không nhận chứng hôn vì ngài không biết đến đoi bạn. Ngài cũng có thể chấp nhận chứng hôn với điều kiện là đôi bạn xin được một trong cha sở của họ chu toàn việc lập hồ sơ và gửi đến cho ngài.

Ví dụ 2: Hai anh chị ở nước ngoài (Mỹ, Anh, Pháp…) nhưng có cha mẹ hay bà con ở VN, muốn cử hành hôn phối tại giáo xứ A của cha mẹ. Không ai trong đôi bạn tạm trú hay đã ở trong giáo xứ A được một tháng. Cha xứ giáo xứ A có quyền chấp nhận cử hành chứng hôn trong nhà thờ mình. Ngài có trách nhiệm phải lập hồ sơ nhưng ngài cũng có thể yêu cầu họ nhờ cha xứ của bên nam hay bên nữ ở nước ngoài làm đầy đủ hồ sơ và giấy giới thiệu gởi đến cho ngài. Nhờ qua hồ sơ có được, cha xứ A chắc chắn được tình trạng thong dong của đôi bạn và tự ngài chứng hôn hay ủy quyền cho một linh mục hay phó tế chứng hôn trong địa hạt của ngài.


Trong các ví dụ nói trên, cha xứ có thẩm quyền chứng hôn trong địa sở của mình, nên ngài có thể chứng hôn hay ủy quyền cho người khác chứng hôn trong địa sở của mình. Không được hiểu lầm là cha xứ của bên nam hay bên nữ đó, ủy quyền chứng hôn cho cha xứ nơi cử hành.
 
Với quy định “đã cư ngụ một tháng”, luật vẫn tôn trọng thời gian “ba tuần” để điều tra và rao hôn phối. Và linh mục chính xứ, nếu xét thấy không có gì trở ngại, có thể cho phép đôi dự hôn sắp xếp trước ngày giờ lễ cưới và tiệc cưới.

4/ Khi chuẩn bị kết hôn, hồ sơ hôn phối gồm những gì?
 
1-     Giấy giới thiệu kết hôn.
2-     Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức.
3-     Tờ khai trước khi kết hôn.
4-     Giấy rao hôn phối.
5-     Chứng chỉ giáo lý hôn nhân.
6-     Giấy chứng nhận kết hôn dân sự.
7-     Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay giấy phép kết hôn, nếu cần phải có.
 
4.1 Giấy giới thiệu kết hôn
 
Giấy này cần có những xác nhận cư sở, chưa có kết hôn trong thời gian cư ngụ tại giáo xứ và chưa thấy có cấm hôn hay ngăn trở tiêu hôn. Cha xứ có bổn phận cấp giấy giới thiệu, không được từ chối vì lý do đương sự chưa học giáo lý hôn nhân, không đi lễ.v.v…
 
4.2 Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức
 
Chứng thư Rửa tội phải không quá sáu tháng, để tránh sự thiếu cập nhật những tình trạng nhân thân, ví một số tình trạng nhân thân thay đổi như kết hôn, được giải gỡ hôn phối, chịu chức thánh, khấn dòng… buộc phải ghi chú vào chứng thư và sổ Rửa tội. Nếu bên Công giáo chưa được Thêm sức, nên xin giám mục ủy quyền để ban phép Thêm sức cho họ.
 
4.3 Tờ khai trước khi kết hôn

Tờ khai phải bao gồm những khai báo về những vấn đề:
-Ý thức chấp nhận hôn nhân bất khả phân ly, đơn nhất, sinh sản và giáo dục con cái.
-Ý chí tự do kết hôn.
-Ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật.
-Khả năng sức khỏe và tâm sinh lý để kết hôn.
-Những điều có thể nhiễu loạn đời sống hôn nhân như: bệnh đồng tính, bệnh nan y, nghiện, vô sinh, có con riêng, nợ nần lớn, đang có quan hệ nam nữ với người khác….
 
Tờ khai phải được thực hiên bởi riêng từng người một trước cha sở hay linh mục được ủy thác và được làm ngay từ khi đăng ký kết hôn. Không được ủy thác cho giáo dân làm tờ khai.
 
Ngoài tờ khai, nên yêu cầu người lương hay tân tòng làm thêm một bản lý lịch dân sự, để biết tình trạng nhân thân và hoàn cảnh trong các thời gian sống của họ ở những nơi nào đó. Trong lý lịch, yêu cầu họ ghi thêm số điện thoại của cha mẹ và anh chị em, để cha chứng hôn có thể liên lạc và điều tra thêm.
 
4.4 Rao hôn phối
 
Là một phương thức nhằm khám phá ra các ngăn trở tiêu hôn và cấm hôn.
 
Tờ xin rao hôn phối phải được gởi đến các cha xứ của các bên, cả cha xứ của bên người lương đang cư ngụ, và thêm những cha xứ của nơi mà người kết hôn đã có cư ngụ trong một thời gian khá lâu và tại đó có hồ nghi là đương sự có kết hôn hay có sống chung ngoại hôn.
 
Rao ba lần, thường được rao vào ba Chúa Nhật liên tiếp. Cha xứ có quyền tha rao một lần, cha Quản hạt tha rao hai lần và Bản quyền địa phương tha rao ba lần.
 
Các cha đã nhận tờ rao phải gởi lại tờ rao hôn phối cùng với lời ghi chú, nếu có, về vấn đề nghiêm trọng hay hoài nghi (GL 1069)
 
4.5 Chứng chỉ giáo lý hôn nhân
 
Cha xứ nên sẵn sàng đón nhận những chứng chỉ, tuy nhiên ngài có thể khảo hạch thêm hoặc ôn lại nếu thấy cần thiết.
 
4.6 Giấy chứng nhận kết hôn dân sự
 
Giáo luật đòi phải xin phép Đấng Bản quyền khi chứng hôn cho những người không thể được công nhận hay không thể kết hôn theo luật dân sự (GL 1071 *1,2), vì vaayju, giấy này buộc phải có trước khi cử hành hôn phối.
 
4.7 Giấy chứng nhận ngăn trở hay giấy phép kết hôn
 
Trường hợp có ngăn trở tiêu hôn như kết hôn khác đạo, có họ máu, có họ kết bạn, thì cần phải xin miễn chuẩn ngăn trở nơi Đấng Bản quyền địa phương.
 
Nếu không có miễn chuẩn ngăn trở tiêu hôn, kết hôn vô hiệu.
 
Trường hợp bị luật hạn chế như thiếu giấy đăng ký kết hôn dân sự, kết hôn hỗn hợp… thì cần xin phép Đấng Bản quyền địa phương để được hợp luật.

IV-HÔN NHÂN

1/ Sau khi cử hành bí tích hôn phối, đôi hôn phối còn cần phải thực hiện điều gì nữa không?


Sau khi cử hành hôn lễ, đôi hôn phối và người chứng bên nam, bên nữ sẽ ký tên vào sổ hôn phối. Cha xứ nơi chứng hôn sẽ ghi vào sổ Hôn phối của mình và gởi chứng thư hôn phối cho các cha xứ liên hệ như cha xứ bên nam, cha xứ bên nữ hoặc cho cả hai cha xứ trong trường hợp đôi bạn cử hành hôn lễ ở nơi khác. Chứng thư Hôn phối cũng phải được ghi chú vào sổ Rửa tội của mỗi bên, nên phải được gởi đến cha sở nơi Rửa tội, dù nơi này không ai trong đôi bạn đang còn cư sở (GL 1122)

 
2/ Hôn nhân nhờ đặc ân Thánh Phaolô là gì?
 
Phải thực hiện việc thẩm vấn (interpellatio), không được bỏ qua. Giấy ly dị của hai người lương không thay thế cho việc thẩm vấn này. Trong trường hợp có khó khăn không thể thẩm vấn hay thấy nếu thẩm vấn vô ích thì cũng phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương miễn chuẩn việc thẩm vấn (GL 1144). Nếu không, việc kết hôn sẽ vô hiệu.
 
3/ Năng quyền chứng hôn?
 
Các linh mục dòng, nếu không phải là cha xứ, thì không có năng quyền chứng hôn. Để có được năng quyền, linh mục dòng không là cha xứ cần phải có sự ủy quyền tổng quát hay riêng biệt, được ban bới Đấng Bản quyền địa phương trong phạm vi giáo phận hoặc bởi cha xứ trong phạm vi giáo xứ. linh mục dòng phụ trách dạy giáo lý hôn nhân không đương nhiên có năng quyền chứng hôn.
 
Lm Giuse Vũ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Khách viếng thăm: 16
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 3657
  • Tháng hiện tại: 159464
  • Tổng lượt truy cập: 12136251