Trang mới   https://gpquinhon.org

Về phương diện Giáo Luật, những điểm nào trong phong tục tập quán Việt Nam về hôn nhân có thể thích nghi?

Đăng lúc: Thứ hai - 18/05/2015 19:05

Nếu nghiên cứu kỹ về hôn nhân của Việt Nam xưa cũng như nay, chúng ta thấy có nhiều điểm đáng lưu ý.
 
I. Vai trò của gia đình trong việc kết hôn của đôi bạn.
 
Ở Việt Nam, cha mẹ, ông bà, họ hàng có ảnh hưởng quan trọng trong việc kết hôn của con cái. Vai trò, ảnh hưởng này có những điểm thuận lợi cho việc xây dựng gia đình của đôi trẻ cần phát huy, nhưng cũng có những điểm không thuận lợi cần phải loại bỏ dần dần.
 
1/ Thuận lợi
 
Về mặt xã hội, sự gần gũi của gia đình và cộng đồng giúp cho đôi bạn có được những ý kiến khôn ngoan hầu suy nghĩ và quyết định đúng đắn; giúp gia đình mới sớm  ổn định và cổ võ sự chung thủy của vợ chồng; những giá trị tập thể và xã hội được phát huy; gia đình mới được quan tâm  nâng đỡ cho đến khi vững chắc trưởng thành. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho các đôi vợ chồng ở Việt Nam nói chung ít ly dị hơn ở các nước khác.
 
Trong nhiều nước Tây phương theo đạo Công giáo, phong trào tục hóa và cá nhân chủ nghĩa đã hủy hoại những giá trị của truyền thống Kitô giáo. Việc quảng bá ngừa thai, phá thai được các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ, số các đôi vợ chồng li dị càng ngày càng gia tăng, chưa nói đến việc thành hình và phát triển các gia đình cùng giới tính, gây nên cho xã hội và Giáo hội nhiều vấn đề phức tạp[1]. Chúng ta thử xem một bản Thống kê về gia đình của nước Pháp trong thập niên 90, một nước được coi như trưởng nữ của Giáo Hội[2]:
 
- Năm 1994 số kết hôn dân sự là 253.700 vụ và kết hôn tôn giáo là 136.000 vụ. Số ly dị là 114.000 vụ. Cũng vẫn thời điểm năm 1994 hơn 90% các đôi bạn trẻ đã sống chung với nhau trước khi kết hôn.
 
- Theo tài liệu của Viện Quốc Gia Thống Kê và Khảo sát kinh tế (INSEE) ngày 12/9/2004 thì: số kết hôn năm 1990 là 287.000 vụ thì năm 1998 còn 282.000 vụ; năm 1999, việc sống chung tự do được coi như mốt. Số ly dị, tính theo phần trăm, năm 1980 là 22%, năm 1996 là 42%. Ước tính năm 1990, gần 2 triệu rưỡi cặp vợ chồng hỗn tạp (ly dị rồi lấy người khác), 11% các trẻ em sống trong các gia đình mẹ gà con vịt (tái hôn), 85% trẻ em là con của các gia đình ly dị sống trong gia đình mới của cha hoặc mẹ chúng, 66% có em trai hoặc em gái là con ngoại hôn.

Có nhiều lý do giải thích tình trạng suy sụp này như: lý do xã hội, kinh tế… nhưng một điểm quan trọng không thể chối bỏ đó là cơ cấu gia đình lỏng lẻo,   không có gương sáng  của cha mẹ trong đời sống gia đình, không có tình liên đới, tính tập thể không được phát huy và nhất là đời sống đức tin sa sút.
 
Điểm thuận lợi nêu trên tại Việt Nam nếu được khuyến khích và phối hợp với giáo thuyết về hôn nhân của Giáo Hội Công Giáo thì sẽ giúp cho các đôi vợ chồng Công giáo trung thành hơn trong việc hoàn thành ơn gọi gia đình của mình, một  điều mà các nước tây phương không có được.
 
2/ Không thuận lợi
 
Sự ràng buộc của gia đình, cha mẹ, họ hàng cũng tạo áp lực làm giảm thiểu sự trưởng thành cá nhân; áp lực tâm lý, kinh tế ảnh hưởng đến sự lựa chọn và cam kết ưng thuận của đôi bạn làm cho việc kết hôn  không thành. Áp lực này nếu quá mức sẽ xúc phạm đến quyền tự do và nhân phẩm.
 
Theo Giáo luật, sự ưng thuận của đôi bạn làm nên việc kết hôn. Sự ưng thuận ấy phải được thực hiện một cách tự do, sáng suốt và có trách nhiệm. Do đó việc giáo dục, nhắc nhở để cha mẹ đóng đúng vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình cho con cái là điều cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.
 
II. Sự vô sinh.
 
Giáo luật điều 1084 §3 xác định: sự vô sinh không cản trở việc kết hôn. Theo tâm thức và phong tục của người Việt Nam[3] thì việc sinh sản được coi như điều kiện cho việc kết hôn. Không có con, nhất là con trai, bị coi như bất hiếu, như một ô nhục. Vì thế, sự  vô sinh thường là cớ gây xáo trộn trong đời sống vợ chồng và đưa đến việc ly dị. Quan niệm về vô sinh nơi người Việt Nam rất gần với quan niệm của Cựu Ước: không bao giờ được coi như một điều hạnh phúc, hay một sự chúc lành, trái lại như một trường hợp bi thảm[4].
 
Giáo Luật 1983 không coi con cái như mục đích chính yếu của hôn nhân, nhưng cộng đồng sự sống và tình yêu này, tự bản chất  luôn hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Sự sinh sản như mục đích nội tại của hôn nhân[5].
 
Như vậy, làm thế nào để giải quyết sự thất bại của hôn nhân do vô sinh  bên nữ hoặc bên nam gây ra? Chúng tôi đề nghị một vài phương cách:
 
1/ Ước mong Giáo Hội xét lại điểm này và ban quyền cho Hội Đồng Giám Mục hay Giáo Hội địa phương tìm những giải pháp thích hợp theo văn hóa mỗi nơi, sau khi được Tòa Thánh chấp thuận.
 
2/ Cần nghiên cứu kỹ Giáo Luật điều 1084 §3; 1098; 1097 §2 và tìm những điểm tích cực có thể góp phần giải quyết vấn đề:
 
- GL đ.1084 §3 “Sự son sẻ không ngăn cản, cũng không tiêu hủy hôn phối, đừng kể quy định của điều 1098”. Điều 1098 quy định: “Người kết hôn do bị lừa, để ưng thuận về một phẩm cách của người kia, mà phẩm cách đó, xét chính bản chất của nó có thể gây xáo trộn trầm trọng cho đời sống chung hôn nhân, thì kết hôn không thành”. Khoản Giáo luật này cho thấy sự lừa dối là nguyên cớ làm cho hôn nhân vô hiệu. Như vậy sự vô sinh do lừa dối hoặc dấu diếm có thể trở thành lý do làm cho hôn nhân vô hiệu, và có thể đưa đến việc gây xáo trộn trầm trọng cho cộng đồng hôn nhân[6].
 
- Theo Giáo luật đ.1097 §2 “Lầm lẫn về phẩm cách của người kết hôn không làm cho hôn nhân vô hiệu cho dù lầm lẫn ấy là lý do của việc cam kết, trừ khi phẩm cách ấy được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu”. Chắc chắn trong tâm thức người Việt Nam, khả năng có con nối dõi luôn như là một phẩm tính được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu. Như vậy, trong trường hợp này, sự vô sinh trở thành lý do để có thể xin tuyên bố hôn phối vô hiệu,nhất là khi một trong hai người dấu diếm điều nầy.
 
Kinh nghiệm Luật Gia đình nước Pháp: để tránh nghi vấn về sự lừa dối hoặc lầm lẫn trong trường hợp vô sinh, Luật bắt buộc mỗi người phối ngẫu phải xuất trình “chứng nhận của bác sĩ trong vòng 2 tháng” và tự ý thông báo cho nhau về khả năng sinh sản (Code de droit civil francais a.63, al.2 et 3)[7]. Nếu gặp trường hợp vô sinh mà người phối ngẫu này không thông báo cho người kia biết để lựa chọn quyết định, thì được coi như một sự dấu diếm lừa dối, ảnh hưởng đến sự ưng thuận và làm cho việc kết hôn không thành[8].
 
III. Thể thức Giáo luật.
 
Khi nghiên cứu Nghi thức cưới hỏi của phong tục Việt Nam[9], chúng ta không thấy có sự trái ngược với thể thức Giáo luật, ngòai việc phải có linh mục chứng hôn có thẩm quyền. Vì thế, thay vì cử hành hôn lễ theo cách thức đượm văn hóa Tây phương, có thể thích nghi một số điểm để lễ cưới có tính cách và màu sắc văn hóa Việt Nam, mà vẫn không bỏ những điều chính yếu của Giáo luật đòi hỏi. Ví dụ: Phần Cử hành hôn lễ và đón cô dâu về nhà chồng có thể phối hợp với phần cam kết ưng thuận trong thể thức giáo luật. Chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn trong phần sau, khi nói về những thích nghi phụng vụ.
 
Vì thế, việc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quan tâm soạn thảo một cuốn Nghi Thức Kết Hôn cho Giáo dân Việt Nam là một việc làm cần thiết mang tính truyền giáo và rất được trân trọng. (còn tiếp)
 
 
 
 

[1] POUPARD (Paul), id.,tr.51.
[2] CHABERT (Monique), Les enjeux canoniques de la préparation au mariage, Mémoire de licence en droit canonique, Institut catholique de Paris, Faculté de droit canonique, 1998, pp. 15-22.
[3] Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam không đề cập đến vấn đề vô sinh như là cản trở việc kết hôn.
[4] X. Osê 9,7; Đệ Nhị Luật 25,5; Thánh Vịnh 128; Những phụ nữ son sẻ trong Cựu Ước: Sara vợ của Abraham (ST 11,30), Rebecca vợ của Isaac (ST 25,21) ; Rachel (ST 29,31) ; Lea (ST 30,9  13) ; Hai bà vợ của Jacob, và bà Anna vợ của Elqana (Is 1,3 18),
[5] X. Code de droit canonique bilingue et annoté, tr. 787-788.
[6] X. Code de droit canonique bilingue et annoté, id. ,tr.787-788.
[7] CASTELLAN (Claire), Mariage - Les conditions, in « Cours à la Faculté de Droit canonique », Institut catholique de Paris 2005, tr.14 (dactyl.).
[8] CASTELLAN, id., tr.5.
[9] TOAN ÁNH, Nếp cũ phong tục cổ truyền, Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2003, tr.160-169.
   CADIÈRE (Léopold), Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Tome I, Paris, École française D’Extrême-Orient, 1992, pp.46-52.
   HỮU NGỌC,Esquisses pour un portrait de la culture vietnamienne, Hà Nội, édition Thế Giới,1997,tr.119-120.
 
Tác giả bài viết: Linh mục Anphong Nguyễn Công Vinh
Nguồn tin: gpphanthiet.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 53
  • Khách viếng thăm: 51
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 119443
  • Tổng lượt truy cập: 12263703