Trang mới   https://gpquinhon.org

Về người đỡ đầu rửa tội

Đăng lúc: Thứ bảy - 06/10/2012 16:32 - Người đăng bài viết: GPQN

VỀ NGƯỜI ĐỠ ĐẦU RỬA TỘI

 
Bài này đúc kết kinh nghiệm của một số người đỡ đầu tại Đà Lạt, cách riêng là của ông Giuse Thành, giáo xứ Chi Lăng. Chúng tôi nói riêng về việc đỡ đầu rửa tội cho người lớn nhưng nhiều điều cũng áp dụng được cho các trường hợp khác.
 
Lm GP Võ Tá Khánh
 
Trong việc đào tạo người tín hữu mới, việc học giáo lý dù ngắn hay dài cũng có hạn kỳ, giáo lý viên không đồng hành mãi với người tín hữu mới. Do đó cần có người đỡ đầu giúp triển khai và sống giáo lý ấy trong những năm đầu của cuộc sống làm con Chúa, cũng như đồng hành trong sứ mạng tông đồ lâu dài về sau.


VAI TRÒ VÀ TƯ CÁCH NGƯỜI ĐỠ ĐẦU

A.    THEO GIÁO LUẬT

 
Bộ Giáo luật đề cập tới vai trò và điều kiện làm người đỡ đầu ở các điều 872-874.
 
Theo điều 872, “trong mức độ có thể, người sắp lãnh nhận bí tích Rửa tội phải có một người đỡ đầu. Người đỡ đầu giúp người lớn sắp lãnh nhận bí tích Rửa tội trong việc khai tâm Kitô giáo; còn đối với nhi đồng sắp được rửa tội, thì người đỡ đầu cùng với cha mẹ đưa em đến chịu phép rửa tội và liệu sao cho em sau này sống một đời Kitô giáo xứng hợp với bí tích rửa tội và trung thành chu toàn những nghĩa vụ gắn lền với bí tích.”
 
Theo điều 873, chỉ nhận một cha đỡ đầu hoặc một mẹ đỡ đầu mà thôi, hoặc cũng có thể nhận cả đôi vợ chồng làm cha và mẹ đỡ đầu.
 
Theo điều 874, khoản 1, người đỡ đầu phải đủ các điều kiện:
 
10 do chính người sắp được rửa tội chọn, hoặc do cha mẹ hay những người thay quyền cha mẹ chọn, hoặc nếu thiếu những người ấy, thì do cha sở hay do thừa tác viên chọn, và phải có khả năng và ý muốn đảm nhận nhiệm vụ này.
 
20 đủ mười sáu tuổi trọn.
 
30 là người công giáo đã lãnh nhận bí tích Thêm sức và bí tích Thánh thể, và phải có đời sống xứng hợp với đời sống đức tin và nhiệm vụ phải đảm nhận.
 
40 không mắc một hình phạt của giáo luật đã được tuyên kết hay tuyên bố cách hợp pháp.
 
50         không là cha hoặc mẹ của người được rửa tội.
 
Theo điều 874, khoản 2,  một người đã được rửa tội thuộc một giáo đoàn không công giáo chỉ được chấp nhận như là nhân chứng của bí tích rửa tội cùng với một người đỡ đầu công giáo. (Nghĩa là một Kitô hữu ngoài Công giáo chỉ có thể làm chứng trong lễ rửa tội của người Công giáo chứ không thể đóng vai trò đỡ đầu)


B. VINH DỰ, ƠN PHƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM
 
Việc đỡ đầu đem lại ích lợi thiêng liêng cho chính bản thân: chính khi quan tâm lo cho phần rỗi của con đỡ đầu, ta quan tâm hơn đến phần rỗi chính mình. Những câu hỏi thắc mắc do họ nêu ra sẽ kích thích ta phải tìm hiểu và học hỏi thêm về giáo lý Tin Mừng.
 
Việc đỡ đầu cũng ích lợi cho gia đình, giúp mở rộng vòng thân ái cho gia đình và thêm nhiều gương sáng cho con cái trong nhà.
 
Nhận đỡ đầu, ta sẽ phải dành một ít thơi giờ và lắm khi cũng phải hy sinh đôi chút vật chất, nhưng chính Thiên Chúa sẽ bù đắp gấp bội.


NHỮNG KHÓ KHĂN
 
1.Một số trường hợp bất đắc dĩ, vượt sức:
 
- Vào phút chót mới nhờ người đỡ đầu, không biết nhau trước, xong lễ Rửa tội là thôi.
- Ít người chịu đỡ đầu, một số người phải đỡ đầu nhiều quá, lo không xuể, không có thời giờ chăm sóc.
- Các con đỡ đầu phân tán nhiều nơi, không có dịp gặp gỡ.
 
2.Thiếu khả năng
 
- Thiếu hiểu biết giáo lý
- Thiếu chiều sâu cầu nguyện
- Thiếu khả năng ăn nói, không biết cách gợi tâm tình, gợi ý cho người ta tâm sự
 
3. Chưa phát huy sự liên đới giữa linh mục, giáo lý viên và người đỡ đầu.
 
HƯỚNG GIẢI QUYẾT
 
Để giải quyết những khó khăn ấy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cha sở, người dạy giáo ly và người đỡ đầu. Đồng thời hằng năm nên tổ chức một “ngày cha mẹ đỡ đầu”

Phối hợp đồng bộ

- Linh mục cần có hướng gia tăng số lượng người có khả năng đỡ đầu để san sẻ bớt gánh nặng, không trút hết lên một số người.
 
- Giáo lý viên cần sớm hướng dẫn việc tìm cha mẹ đỡ đầu, giới thiệu và tạo cơ hội để họ hiểu nhau
 
- Những người đỡ đầu cần gặp gỡ nhau, liên kết thành nhóm, cùng chia sẻ trách nhiệm, người này gởi gắm con đỡ đầu của mình cho người khác khi cần.
 
- Trong sổ gia đình Công giáo nên thêm mục những người con đỡ đầu

Ngày cha mẹ đỡ đầu

 
Đây là một ngày quy tụ những người đỡ đầu để giúp ý thức lại thiên chức, vinh dự và trách nhiệm của mình; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn và giải đáp. Đây cũng là ngày quy tụ những người đỡ đầu mới sắp lãnh trách nhiệm.
 
Đề nghị chọn ngày 13-01, ngày lễ ba vị thánh họ Phạm Trọng thuộc ba thế hệ cùng chết vì Chúa trong một ngày 13-01-1859: Đa Minh Phạm Trọng Khảm (sn 1780), Giuse Phạm Trọng Tả (sn 1800) và Luca Phạm Trọng Thìn (sn 1820), gợi lên ý tưởng “từ huyết tộc tới linh tộc”. Ngày này gần cuối năm âm lịch, là lúc thuận tiện để nhắc nhở cả cha mẹ đỡ đầu và những người con đỡ đầu về tình nghĩa thiêng liêng. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị bước vào Mùa Chay để tiếp nhận các tín hữu mới trong đêm Vọng Phục Sinh.


CẦN SỚM HƯỚNG DẪN TÌM CHA MẸ ĐỠ ĐẦU
 
Không riêng giáo lý viên, những ai liên đới với người dự tòng, đều cần nhắc nhở hướng dẫn để dự tòng hiểu tại sao phải có cha mẹ đỡ đầu, mẫu người cha mẹ đỡ đầu phải như thế nào, và bổn phận người con đỡ đầu.
 
Nên sớm xúc tiến việc tìm người đỡ đầu để người được chọn có đủ thời gian cân nhắc và chuẩn bị cho thiên chức của họ, tránh trường hợp “tìm cha mẹ đỡ đầu cho có”. Nếu được, nên chọn người đỡ đầu ở nơi mà người tân tòng sẽ sống, ví dụ ở quê chồng.
 
Nếu nhận thấy đôi bên không hợp tính tình thì nên sớm chủ động giới thiệu một người khác đảm nhận việc đỡ đầu.

CẦN CHỈ DẪN GIÚP NGƯỜI ĐỠ ĐẦU LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM

Ý thức thiên chức đỡ đầu

Nếu dự tòng còn phải ý thức tầm quan trọng và cần thiết của cha mẹ đỡ đầu, thì chính cha mẹ đỡ đầu càng phải ý thức rõ hơn nữa về thiên chức của mình. Cha sở hoặc GLV cần gặp gỡ và căn dặn người đỡ đầu. Không những căn dặn riêng từng người, mỗi năm nên có một buổi tĩnh tâm dành cho những người đỡ đầu. Cụ thể cần nhắc họ nhớ:

Yêu thương con đỡ đầu như con ruột

Khi được nhờ làm cha mẹ đỡ đầu, nhận hay không là quyền của ta. Thế nhưng một khi đã cân nhắc và bằng lòng nhận đỡ đầu, ta cần có tâm tình yêu thương người con thiêng liêng như con ruột. Tâm tình ấy được thể hiện ngay từ trong cách xưng hô, thay vì gọi dự tòng là “anh” hay “chị”, nên gọi là “con”.

Vai trò đồng hành

- Ngay trong thời gian dự tòng đang học giáo lý, người đỡ đầu nên năng thăm hỏi để tạo tình thân mật thực sự giữa mình và người con. Điện thoại là một phương tiện tốt. Cần trao đổi nhiều ta mới thấu hiểu được những nguyện vọng, những khó khăn nhiều mặt (chẳng từ phía cha mẹ và họ hàng, vốn không muốn họ bỏ truyền thống cha ông để tiếp nhận một tôn giáo mới) và những bước tiến đức tin.
 
Những khó khăn về gia đình hầu như không sao tránh khỏi. Có người được cha bằng lòng thì mẹ không bằng lòng. Người may mắn được cả cha và mẹ đồng ý thì sự cản trở lại có thể đến từ phía họ hàng: ông chú, bà cô… Những khó khăn ấy nếu dự tòng có thể chia sẻ với người đỡ đầu thì sẽ thấy được an ủi và có nhiều ánh sáng hơn.
 
- Trước lễ Rửa tội: quan tâm chuẩn bị các bước trong nghi thức gia nhập Kitô giáo; giới thiệu dự tòng, đưa vào sinh hoạt của Giáo xứ. Về đức tin, nhiều lúc họ rất sáng suốt và mạnh mẽ những cũng có lúc, nhất là vài dăm bảy ngày trước khi lãnh bí tích Rửa tội, họ phải qua những giờ phút tăm tối, bị gằng co và bị giành giật giữa ánh sáng và bóng tối. Đó là lúc họ cần đến sự hướng dẫn kịp thời của người đỡ đầu để không tháo lui và bỏ cuộc.
 
- Lễ rửa tội: Đến ngày lễ rửa tội, cha mẹ đỡ đầu nên đến tận nhà con mình để chuẩn bị cho con rồi cùng với con và mọi người trong gia đình đến nhà thờ. Nếu người đỡ đầu có gia đình thì cả vợ chồng cùng đến dự. Sự hiện diện của cả vú, bõ, sẽ làm cho họ hàng người sắp lãnh nhận nhiệm tích rửa tội cảm thấy gần gũi hơn khi lần đầu bước đến nhà thờ. Mừng lễ rửa tội, bạn hữu của dự tòng tặng sách vở, ảnh, chuỗi, còn cha mẹ đỡ đầu nên tặng chiếc áo trắng (hay voan trắng) sẽ trao trong nghi thức diễn ý. Để niềm vui ngày lãnh bí tích rửa tội sẽ thêm sâu đậm, sau thánh lễ nên có cuộc gặp gỡ khoảng nửa giờ, vừa ăn bánh ngọt vừa chuyện vãn, chia sẻ…
 
- Sau lễ Rửa tội:
Những tuần sau lễ rửa tội, người đỡ đầu cần thăm hỏi nhắc nhở con mình về việc cầu nguyện sáng tối, đi lễ (có thể đồng hành một số lần), và nhất là giúp xưng tội lần đầu. Việc thăm hỏi và chia sẻ kinh nghiệm tâm linh sẽ giúp người đỡ đầu biết phải hướng dẫn việc xưng tội lần đầu như thế nào.
 
- Giúp xưng tội lần đầu:
Nhiều tân tòng được ơn gìn giữ tấm áo trắng linh hồn rất cẩn thận, xa tránh hết mọi tội lỗi lớn nhỏ. Dù vậy, vẫn cần giúp họ xưng tội lần đầu. Nên giúp họ hiểu rằng đến xưng tội không chỉ để được tha tội nhưng còn là để bày tỏ tình yêu với Chúa. Tiến trên đường theo Chúa, tình ta yêu Chúa càng lúc càng trở nên tế nhị, chỉ một sơ suất nhỏ cũng đủ khiến ta hối hận, thấy cần được thanh luyện. Hiểu như thế, chính người đỡ đầu cần suy nghĩ, cầu nguyện và sống để cảm nghiệm sâu sắc rằng bí tích giải tội là phương tiện giúp tiến xa trên đường yêu Chúa.
 
Những tân tòng khác có thể sớm trải qua kinh nghiệm về sự mỏng dòn yếu đuối. Người đỡ đầu cần hướng dẫn họ trong việc xét mình, thống hối, cách nói khi vào xưng tội và giúp họ làm việc đền tội. Nếu thấy cần, có thể hướng dẫn thêm một đôi lần tiếp sau.
 
Như thế, cần nhận định đúng về bước tiến của người con đỡ đầu để việc hướng dẫn được chính xác.

Hướng nên thánh 

Thường thì người con đỡ đầu lấy tên thánh theo tên thánh của vú bõ. Khi gần đến lễ bổn mạng của họ, ta nhắc họ dọn mình mừng lễ, chia sẻ với họ về gương sáng và kinh nghiệm thiêng liêng của thánh bổn mạng. Cố gắng để cùng đi dự lễ với nhau trong ngày bổn mạng. Ngày kỷ niệm lễ rửa tội cũng thế. Việc nhắc nhở mừng lễ bổn mạng và kỷ niệm rửa tội sẽ giúp làm mới lại ơn rửa tội của con đỡ đầu và cả của vú bõ. Muốn khỏi quên những ngày kỷ niệm, nên ghi vào một quyển sổ hoặc một bloc lịch lưu lại nhiều năm.
 
Giới thiệu và hướng dẫn con thiêng liêng tập làm việc tông đồ: Chia sẻ (tặng sách, băng đĩa nhạc đạo, phim đạo) cho người nhà và họ hàng, thăm viếng bệnh nhân,… 

Trong cuộc hành trình dài:

Nước chảy xuôi. Với thiên chức là cha mẹ thiêng liêng, người đỡ đầu chăm lo cho con cái mình với cả tấm lòng. Mỗi khi gặp ngoài đường, nên dừng lại trao đổi vài câu; thường xuyên gọi điện hỏi han, gặp gỡ ở khuôn viên nhà thờ sau thánh lễ và khi có thể được nên lui tới thăm nom. Cũng có thể cho những người con đã lớn thay mặt đến thăm nom con đỡ đầu.
 
Lưu ý: tránh không hùn hạp làm ăn với con đỡ đầu. Nếu con đỡ đầu gặp khó khăn về tài chánh, mình có thể cho được phần nào thì cho đứt, tuyệt đối không cho vay hay cho mượn. Những chuyện hùn hạp và vay mượn dần dà sẽ khiến ta rất khó xử và đánh mất tình nghĩa với con đỡ đầu.
 
Cần quan tâm theo dõi việc sống đạo: việc xưng tội, rước lễ. Nhắc nhở các ngày lễ, việc giữ chay, xưng tội trong mùa Vọng và mùa Chay. Cần quan tâm đến cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình của con đỡ đầu, lắng nghe để biết những khó khăn của họ và an ủi, cảm thông. Cũng nên chia sẻ kinh nghiệm và nhắc nhở khi cần thiết. Cũng cần quan tâm nhắc nhở cách sống thảo hiếu đối với cha mẹ đôi bên.  Cách riêng, hằng ngày cần cầu nguyện cho con đỡ đầu và xin người khác cầu nguyện cho nữa. Khi người con đỡ đầu đã tỏ ra cứng cáp, có bản lãnh tâm linh, nên nhờ họ đỡ đầu cho người khác…

Phát huy tình gia đình

Nếu ta đã gọi người đỡ đầu là con thì về mặt tinh thần, họ cũng phải là người “anh/ chị” hoặc “em” đối với những người con ruột của ta. Ta cần tạo điều kiện để các người con đỡ đầu và những người con ruột của ta gần gũi, thân quen và thương mến nhau. Cần giúp cả hai nhóm ý thức rằng về mặt tinh thần tất cả đều là con cái của cùng một cha mẹ. Cách riêng cần thường xuyên nhắc nhở giáo dục con cái ruột thịt chia sẻ trách nhiệm tinh thần với ta, bằng cách quan tâm, gần gũi, kính nhường và nâng đỡ các anh chị em con đỡ đầu của cha mẹ. Cũng thế, cần nhắc nhở để onhững người con đỡ đầu gần gũi thân tình với nhau và với con cái ruột thịt của ta. Cần tạo truyền thống gặp gỡ sum họp vào một dịp thuận tiện: ngày tất niên, ngày bổn mạng, lễ Giáng Sinh hoặc một ngày nào khác thích hợp. Không phân biệt đối xử, quan tâm hơn tới những người đáng thương… Trong số các con đỡ đầu, người lớn tuổi nhất sẽ là anh Hai hoặc chị Hai, có trách nhiệm nhắc nhở và mời gọi các em tham gia những cuộc sinh hoạt gia đình thiêng liêng. Cũng nên rủ nhau tham gia các hoạt động tông đồ trong Giáo xứ.

Cần liệu sao để cuộc sum họp gia đình thật thân tình ấm cúng: cùng nhau làm bếp, cùng nhau trang trí… Trước bữa ăn nên có chừng nửa giờ mang tính thinh thần: ngồi vòng tròn theo từng gia đình nhỏ (nếu đã có gia đình), giới thiệu để các thành viên mới và cũ biết nhau, hát thánh ca, nghe Tin mừng, chia sẻ và cầu nguyện tự phát…

BỔN PHẬN NGƯỜI CON ĐỠ ĐẦU

Nếu cha mẹ đỡ đầu có trách nhiệm chăm lo cho con cái thiêng liêng của mình thì các con đỡ đầu cũng phải có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ thiêng liêng. Khi các vị còn sống, ta nhớ thường xuyên cầu nguyện cho các vị, gọi điện hỏi thăm, hỏi ý và đến thăm khi có dịp. Khi các vị đã qua đời, ta nhớ xin lễ cầu nguyện. Đây là điều giáo lý viên cần nhắc nhở. Người là anh Hai, chị Hai trong gia đình thiêng liêng cũng cần quan tâm nhắc nhở điều này với các em của mình.
 
Tác giả bài viết: Ban Giáo Lý
Từ khóa:

Giáo lý

Đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 30
  • Khách viếng thăm: 29
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5073
  • Tháng hiện tại: 154215
  • Tổng lượt truy cập: 12131002