Trang mới   https://gpquinhon.org

Giải đáp 100 vấn nạn về Đức Tin (VI)

Đăng lúc: Thứ hai - 25/08/2014 18:57
(100 QUESTIONS SUR LA FOI – JEAN-MICHEL DI FALCO / Centurion 1993)
Bản dịch của một Vị Khuyết Danh 


VIII. LUÂN LÝ  (78-94)

 
78- Điều chính yếu của Kitô giáo không phải là sự tham dự vào đời sống thần linh bởi các phép bí tích và kinh nguyện hay sao, hơn là mớ luân lý mà các phương tiện truyền thông thường hay nói tới? Không có sự thuần hóa con người, thì mọi nền luân lý đều không hóa ra vô ích và rỗng tuếch sao?

Bạn tiếc rằng luân lý thường là con đường ngoắt nghéo duy nhất mà các phương tiện truyền thông đề cập đến đạo Kitô. Một cách nào đó, họ xem quả biết cây. Không nên tách riêng đức tin và việc làm. Đức tin soi dẫn việc làm, cách hành động. Việc làm minh chứng đức tin. Nếu cách hành động của người Kitô hữu luôn thể hiện sự thánh hóa bạn đề cập, thì chắc chắn người ta sẽ quan tâm hơn đến nguồn gốc của chúng.
Ngày nay, trước những vấn nạn hết sức phức tạp về nhận thức luân lý, người Ki tô hữu không nên đầu hàng. Để được như vậy, như bạn nói, họ nên nhờ đến kinh nguyện và các bí tích, trong khi vẫn theo dõi nghiên cứu về con người. Sự quân bình này không dễ gì đạt được, nhưng mà Thiên Chúa luôn có mặt.

79- Tại sao các tôn giáo luôn luôn toan tính áp đặt nhiều thứ luật lệ và xóa bỏ tự do? Điều thiện, tình yêu là đường tôi đi. Tôi không cần người hướng dẫn hay các thứ giáo điều bắt buộc để hoàn thành nhiệm vụ của tôi.

Bạn được tự do không gia nhập Giáo Hội hay một tôn giáo. Tôi là linh mục nhưng tôi không nhận ra Giáo Hội mà bạn miêu tả. Quá nhiều người như bạn, có hình ảnh về một giáo hội định đoạt, một lần cho tất cả, điều mà người nam và người nữ phải làm hoặc không được làm. Chúng ta sống trong một xã hội thuộc về giáo dân. Đó là một sự kiện được Giáo Hội chấp nhận và cho là tích cực, bởi Giáo Hội không muốn giữ lấy vị trí nhà lập pháp. Nhưng điều đó không chỉ nhân danh chủ nghĩa dân chủ mà thôi, Giáo Hội cũng có quyền phát biểu, chất vấn, ra lệnh, công khai bày tỏ quan điểm trong các cuộc tranh luận ngoài xã hội. Còn về các tín điều, chúng không có chức năng áp chế, mà đặt nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không ép buộc, nhưng giải phóng, khi đức tin được sống cách chân thực và không bị một sự cưỡng bức nào từ bên ngoài do gia đình hoặc xã hội. Đức tin do từ một lời mời gọi bên trong đến từ Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta đến tình yêu tha nhân.

80- Người ta có thể là người công giáo mà vẫn giữ sự tự do tư tưởng của mình trước vấn đề chính trị, triết học và cuộc sống thường ngày không?

Chắc chắn rồi, người công giáo được tự do trong những chọn lựa của mình về chính trị cũng như về triết học. Người công giáo không những mà có thể, nà còn  phải được tự do. Tất cả tùy vào việc hiểu ý nghĩa “tự do”.
Người tự do là người hành động theo lương tâm của mình. Lương tâm của người công giáo được Tin Mừng soi dẫn. Giáo Hội giúp chúng ta giải mã sứ điệp Tin Mừng này. Nếu bạn đọc một thông điệp, bạn sẽ nhận thấy rằng Giáo hội không cưỡng bách một cách cư xử phải nắm giữ, mà đề xuất những phương hướng cho phép chúng ta sống theo giáo huấn của Chúa Kitô.

81- Đã từng có sự vấp ngã của Adam, lụt đại hồng thủy, sự hủy diệt của Sôđôm và Gômô. Tóm lại, ta đã có thể nói: “yêu cho roi, cho vọt”. Ta có thể nhìn sida dưới gốc độ này, theo như Kinh Thánh không?

Không ai có thể nói rằng sida là một trừng phạt của Thiên Chúa. Nói thế, tức là tự mình thay thế Thiên Chúa. Kinh thánh thật rõ ràng minh bạch, Thiên Chúa toàn năng của Cựu Ước là Đấng “chậm nóng giận và đầy nhân từ”. Trong Tin Mừng, Chúa Kitô không ngừng mặc khải cho mọi người lòng nhân từ bao la của Cha mình. Chúa Giêsu ưu tiên đến với những bệnh nhân và những người bị ruồng bỏ đang khao khát tình yêu và lòng nhân hậu của Ngài. Ngày hôm nay, đứng trước nỗi lo âu và sự thiếu vắng tình cảm của những người mắc bệnh sida, sự lựa chọn của chúng ta phải là sự chăm chỉ lắng nghe và sự từ chối phán xét.

82- Con không tin vào tiền định, nhưng con tự hỏi Thiên Chúa đã biết trước giờ chết của chúng ta chưa. Đâu là phần tự do của con người liên quan đến cái chết của mình?

Thiên Chúa có một kế hoạch cho con người. Trong khi trao ban Chúa Giêsu cho chúng ta, Ngài muốn nói với chúng ta rằng cuộc đời chúng ta không thể thu gọn vào bước đường ngắn ngủi trên trần gian. Cuộc đời chúng ta phải trọn vẹn hướng đến đức tin vào sự sống lại. Thiên Chúa đã đề ra một mục tiêu, một định hướng cho cuộc đời chúng ta, nhưng Ngài đã không “tiền định” theo nghĩa lập một chương trình không thể đổi thay. Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người tự do và Ngài trao ban Con Một Mình, Đấng chịu chết để cứu thoát sự tự do này.
Mất một đưa con, một người thân, một người bạn, luôn là một thử thách, đau lòng nát dạ. Trong nỗi thương đau, chúng ta tự hỏi, đôi khi với một tâm trạng phản kháng: “Thiên Chúa muốn thế ư?”. Không, Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho con người. Sự chết thử thách chúng ta, mà sự chết cũng làm cho chúng ta xoay hướng về Thiên Chúa trong niềm tin vào lòng nhân hậu và tình yêu của Ngài mà chúng ta sẽ dự phần mãi mãi.

83- Chồng con chết bất thần lúc ba mươi tám tuổi, không kịp lãnh nhận các phép bí tích sau hết. Con sẽ gặp lại anh ta trên nước Thiên Đàng không và anh sẽ như thế nào nếu con tái giá?

Các Bí tích sau hết - Bí tích Tha Tội, Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Bệnh Nhân - được trao ban cho con người để chuẩn bị họ, trong niềm cậy trông, tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa. Là sự trợ lực quý báu trong cơn nguy nan chết chóc, những bí tích này, may thay, không phải là một điều kiện tiên quyết cho sự phục sinh. Trong kinh nguyện, chị hãy cầu xin Thiên Chúa đón nhận chồng chị về bên Người. Tôi khuyên chị nên suy niệm Tin Mừng theo Thánh Marcô (chương 12, câu 19- 21), đề cập cách rõ ràng đến vấn nạn chị nêu. Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu: “Khi người ta sống lại từ cõi chết, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta sẽ như thiên thần ở trên trời”. Không cần nói nhiều, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, mọi mối tương giao loài người chúng ta đều sẽ được biến đổi. Chị có thể sống cách thanh thản một cuộc hôn nhân khác, không phải lo rằng cuộc tình mới sẽ làm phai nhạt mối tình đầu.

84- Tôi là giáo lý viên, sáu mươi tuổi, tôi đang chuẩn bị cho đám trẻ tuyên xưng đức tin. Trong sự hỗn loạn hiện nay, tôi không còn biết trả lời cho chúng như thế nào về những vấn đề như tội lỗi. Một tội trọng hoặc nặng là gì, thứ tội ngăn trở chúng rước lễ ấy?

Tôi thấy khó trả lời vắn tắt cho ông về một vấn đề khá quan trọng như vậy. Tội không đơn thuần chỉ là một sự vi phạm đến lề luật luân lý, mà còn là một thái độ tiêu cực của con người ngoảnh mặt khỏi Thiên Chúa, liều hại mình và làm hại người kẻ khác (….)
Để giải đáp rõ ràng hơn những vấn nạn của đám trẻ, ông đừng đơn phương trả lời, mà nên chia sẻ với các giáo lý viên khác và trình bày với cha xứ những vấn nạn trên.

85- Thưa Cha, tại sao Giáo hội công giáo cũng bị ám ảnh bởi những vấn đề tình dục?

Chú ý! Chúng ta đừng đảo lộn các vai trò. Nếu bạn có cảm tưởng rằng Giáo Hội bị những vấn đề tình dục ám ảnh, điều đó lại không phải vì các phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh quan điểm của Giáo hội về vấn đề này hơn các vấn đề khác hay sao? Các phương tiện truyền thông là hình ảnh cuộc sống của xã hội trong mối tương quan với vấn đề tình dục.
Hiện nay, hiểm họa sida đặt nặng về hành vi tình dục. Thật thường tình khi Giáo Hội ao ước hướng dẫn và nhắc nhở mọi người công giáo điều mà Giáo Hội tin là những giải đáp thích hợp nhất cho hoàn cảnh hiện tại. Bởi vì sứ điệp của mình đã bị tranh cãi, cho nên Giáo Hội phải biện minh và giải thích sứ điệp đó, do vậy sự nhắc đi nhắc lại này đôi khi xem ra thái quá đối với bạn.

86- Tiếng sét ái tình từ cái nhìn đầu tiên giữa một người nam và một người nữ có phải là một dấu chỉ, một biểu hiện cho sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa không?

Các con hãy yêu thương nhau”, giới luật mới của Chúa Giêsu Kitô mở ra con đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa. Giới luật này có nghĩa là tất cả chúng ta được mời gọi, mọi ngày trong cuộc đời chúng ta, cảm phục tình yêu Thiên Chúa hiện hữu trong mọi thụ tạo, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo khuôn mẫu tình yêu của Ngài. Chan chứa trong con người những nguồn mạch tình yêu này, chúng ta sẽ khám phá quà tặng của Thiên Chúa. Không có tình yêu nào mà lại xa lạ với Thiên Chúa.
Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của người, nói với chúng ta rẳng: “Anh em thân mến, ta hãy yêu mến nhau, vì lòng mến phát tự Thiên Chúa và phàm ai yêu mến, thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa” (chương 4, câu 7). Tiếng sét ái tình giữa một người nam và một người nữ có thể là bình minh của một tình yêu, mà tình yêu làm cho người nam người nữ lớn lên, trở nên vững mạnh theo dòng thời gian, từ những niềm vui cũng như từ những thử thách cuộc đời.

87- Bạn gái con và con dự định cưới nhau, nhưng việc học chưa cho phép chúng con thực hiện ngay bây giờ. Trong những trường hợp như thế, Giáo Hội có ngăn cấm quan hệ tình dục không?

Đời sống tính dục, đối với lứa đôi, là một chiều kích chính của tình yêu. Vì lý do đó, hành vi tính dục phải được hòa nhập trong sự kết hợp được cảm hứng bởi tình yêu Thiên Chúa. Giáo Hội dạy rằng người nam và người nữ chỉ có thể hiến thân trọn vẹn cho nhau trong hôn nhân, là dấu chỉ của sự dấn thân vì yêu, dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đó là điều mà Giáo hội truyền dạy cho những tín hữu muốn sống sung mãn đức tin của mình. Giáo hội không cố tìm cách hành xử như nhà lập pháp hay vị thẩm phán, mà chỉ muốn chỉ bảo con đường dẫn đến Chúa Kitô.
Một giải đáp thành văn không phải là cách thích hợp nhất để bàn về vấn đề này. Tôi khuyên bạn nên cũng cố bạn gái của mình, tìm gặp một vị linh mục có thể giúp đỡ các bạn tiếp tục suy nghĩ và đào sâu đức tin.
Để kết luận, tôi nhắc bạn lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói với các bạn trẻ ở Lyon năm 1986: “Thời kỳ đi lại, đính hôn, là thời điểm kỳ diệu để tìm hiểu. Các bạn đừng phí phạm thời kỳ đó. Ngay từ bây giờ, các bạn nên chuẩn bị cẩn thận cho một sự dấn thân như thế. Đừng nhầm lẫn kinh nghiệm vội vàng hưởng thụ trước, với sư hiến thân trong tình yêu, được ưng thuận một cách sáng suốt và vĩnh viễn”.

88- Lập gia đình từ hai năm rưỡi nay, sắp sửa làm mẹ của hai đứa bé, con thật thất vọng với đời sống lứa đôi. Chồng con không sống thật sự hòa hợp với tinh thần con. Con như sống với một người xa lạ chỉ biết đến thân xác con. Thưa cha, con phải làm gì để cứu vãn gia đình con?

Không thể khuyên chị điều gì nếu không biết hoàn cảnh cụ thể của chị. Bởi vì chị quyết tâm cứu vãn gia đình, chị có thể, một mình hoặc với chồng chị, liên hệ với một tổ chứ công giáo, tổ chức có thể hướng dẫn chị theo chiều hướng phát triển mà chị ao ước. Chị đừng sống hoàn cảnh của mình trong cô đơn.

89- Tôi được mười tám tuổi. Tôi là người công giáo sống đạo. Mọi sự đều sẽ tốt đẹp nếu tôi không đồng tình luyến ái. Tôi đau khổ vì rơi vào một tình trạng mà tôi đã không chọn lựa. Có thể tôi quá nguyên tắc chăng? Có thể Giáo hội từ bỏ tôi, tôi đau khổ. Nhưng tôi còn đau khổ hơn vì làm Chúa Kitô đau khổ? Tôi phải làm gì đây?

Tôi hiểu nỗi đau khổ của ông. Ông đã không chọn trở thành người đồng tính luyến ái, và thực trạng này thật khó sống. Thế nhưng ông đừng nghĩ rằng Giáo Hội từ bỏ ông. Ông hãy múc lấy trong sự trung thành với Chúa Kitô sức mạnh để khỏi ngã lòng. Tôi khuyên ông nên bày tỏ nỗi khó khăn này với một vị linh mục vừa khi ông cảm thấy khá thoải mái để thực hiện điều đó.
Trong khi chờ đợi, đây là đôi hàng của linh mục Xavier Thévenot, trong quyển sách của ngài: “Mục tiêu luân lý cho một thế giới mới”: “Thiên Chúa không muốn sự hạ nhục, có nghĩa là sự con người tự làm giảm giá trị của mình. Điều mà Thiên Chúa mong ước, chính là lòng khiêm nhu, có nghĩa là sự bình thản nhìn nhận thực tại (…). Một con đường sẽ rộng mở cho phép hiểu rằng, nhờ hồng ân Thiên Chúa, ta có thể trở nên một vị đại thánh, bất chấp những khó khăn tính dục không thể vượt qua được”.

90- Con được mười chín tuổi và con có một niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, mà con tin là Tình Yêu. Nhung con lại là người đồng tính luyến ái. Và như thế, con cảm thấy bị Giáo Hội từ bỏ và con đau khổ vô cùng. Con có thể làm gì?

Bạn không nên sống trong tâm trạng tội lỗi. Hãy biết rằng bạn thế nào thì Thiên Chúa yêu bạn thế ấy. Điều mà Ngài chờ đợi bạn thì khó khăn và khắt khe đấy, bạn có thể múc lấy trong kinh nguyện sức mạnh để sống trung lành với Chúa Kitô. Nhưng bạn không thể một mình mang lấy nỗi đau của mình. Nặng lắm đây. Điều chính yếu, là bạn có thể được trợ giúp và nâng đỡ. Khi có thể, tôi khuyên bạn nên gặp một linh mục để trình bày với Ngài một cách tự do và tin tưởng.

91- Làm thế nào để chống trả các tư tưởng không trong sạch, và làm sao có can đảm xưng thú chúng ra, dù rằng đó chỉ là những tội nhẹ?

Để khuyến khích bạn trong lĩnh vực này, tôi khuyên bạn nên đọc lại các lời đáng nhớ của các Giáo Phụ sa mạc. Những lời đầy khôn ngoan, thu thập từ những đan sĩ đầu tiên ở Ai Cập, sẽ mang lại cho bạn một sự trợ lực lớn lao bởi sự tinh tế và tính hài hước. Có một quyển sách nhỏ, do đan viện Solesmes xuất bản dưới tựa đề: “Lạy Cha, xin cho con một lời khuyên. Trong đó, có chương nói về những tư tưởng xấu xa mà bạn đang ưu tư. Xin trích dẫn một đoạn: “Trong vấn đề này, giống như một người cầm lửa ở tay trái và một chậu nước ở tay mặt. Nếu lửa bốc cháy, người ấy lấy nước ở trong chậu để dập tắt. Lửa ấy chính là mầm sống của Ác quỉ, và nước, chính là việc ẩn mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa!”.
Nếu bạn ao ước tâm hồn được thanh thoát, thì kinh nguyện có thể trợ giúp. Bạn cũng có thể xin lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, bí tích của niềm vui được tha thứ.

92- Ý nghĩa của đức khiết tịnh là gì?

Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo Chúa Kitô, sống khiết tịnh trong hôn nhân, cũng như trong bậc độc thân. Khiết tịnh, đó là thực hiện tính dục bằng cách chấp nhận tha nhân như chính họ, không ràng buộc tha nhân vào lòng ham muốn của riêng mình. Chúa Kitô đã khuyến khích sự khiết tịnh bằng chính gương lành của minh. Thánh Phaolô đã viết rằng sự khiết tịnh đảm bảo sự tự do rộng lớn hơn trong việc mưu tìm Thiên Chúa (thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 7). Một số người tuyên khấn khiết tịnh, nghĩa là họ tuyên hứa hoàn toàn đáp lại lời mời gọi đó của Thiên Chúa.

93- Thưa Cha, tại sao Giáo Hội chấp thuận cho các linh mục thi hành nghĩa vụ quân sự? Điều đó không trái nghịch với sứ điệp tình yêu của Chúa Kitô sao? Cũng vậy, người công giáo dấn thân trong quân đội, không sống trái ngược với giới luật “chớ giết người” đó sao?

Để trả lời vấn nạn thứ nhất của bạn, tôi chỉ có thể nại đến luật nước Pháp. Luật buộc mọi công dân Pháp phải sử dụng vũ khí mà bảo vệ Tổ quốc, trong tinh thần bảo vệ hợp pháp, luật không công nhận dành cho các linh mục quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự.
Còn về vấn nạn thứ hai, tôi nghĩ nó tùy thuộc vào một câu hỏi phổ biến hơn: ngày nay, làm cách nào để xây dựng một thế giới hòa bình và yêu thương? Để là chủ nhân của nền hòa bình, con người có thể thực hiện những sự lựa chon khác nhau nào? Người công giáo yêu cầu được như là những người có quyền kháng nghị về lương tâm. Giáo Hội thừa nhận ở sự bất bạo động một giá trị tiên báo, và bảo vệ quyền kháng nghị của lương tâm giữa những quyền khác nhau của con người. Giáo Hội nhận thấy nơi các chiến sĩ vai trò cổ vũ hòa bình. Dù cách chọn lựa nào đi nữa, con người đều được mời gọi nên cảnh giác, để kiến tạo một nền hòa bình chân thực.

94- Người ta gọi các nhân đức căn bản là gì? Đâu là sự khác biệt giữa các nhân đức căn bản và các nhân đức “đối thần”?

Nhân đức là một trạng thái sẵn sàng để làm điều thiện. Trạng thái này có thể do từ chính bản thân con người. Người ta gọi đó là “nhân đức tự nhiên”. Trong một số các nhân đức tự nhiên nơi con người, người ta phân biệt những nhân đức gọi là “căn bản”, đó là khôn ngoan, công bình, dũng mạnh và tiết lộ. Đức khôn ngoan xét như là nhân đức căn bản, không phải là việc ăn ở khôn ngoan, mà là biết thực hiện sự khôn ngoan, ví dụ như biết phân tích một hoàn cảnh, thấy những hành động của mình… Đối với các tín hữu, đức công bình là cơ bản. Thiên Chúa là vị thẩm phán công minh duy nhất. Ngài dạy chúng ta ăn ở công bình, biết chia sẻ. Đức dũng mạnh ban sự can đảm để hành động, để chịu đựng sự không thông cảm. Nó khác biệt với bạo lực. Đức tiết độ là việc biết kiểm soát những ham muốn và dục vọng của mình.
Trạng thái sẵn sang làm điều thiện cũng có thể được Thiên Chúa ban cho. Người ta goi đó là “nhân đức siêu nhiên”. Thánh Phaolô nói đến các nhân đức này trong thư gửi tín hữu Côrinthô. Đó là đức tin, đức cậy và đức mến (thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 13).

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang giới thiệu và trình bày bản văn

Nguồn tin: tonggiaophanhue.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4167
  • Tháng hiện tại: 159974
  • Tổng lượt truy cập: 12136761