Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáo lý về chủ đề "Yêu thương phục vụ" (năm 2017) của Giáo phận Qui Nhơn

Đăng lúc: Thứ năm - 01/12/2016 05:32


Chủ đề: YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ

Từ ngày 27.11.2016 – 25.7 2017


Phần I: GIÁO LÝ VỀ BÁC ÁI
“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14)

  1. H. Bác ái là gì?
T. Bác là rộng; Ái là yêu. Bác ái nghĩa là tình yêu bao la không giới hạn.
  1. H. Bác ái bắt nguồn từ đâu?
T. Bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa vì “ Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16)        Mọi thụ tạo được tạo dựng do tình yêu của Thiên Chúa và đều phản ánh tình yêu ấy trong bản chất của chúng.
  1. H. Bác ái quan trọng thế nào trong đời sống Ki tô hữu?
T. Bác ái rất quan trọng vì bác ái không những là giới răn mới, tóm kết toàn bộ lề luật, mà còn là dấu hiệu để nhận biết ai là môn đệ của Đức Ki tô.
  1. H. Bác ái hướng tới những đối tượng nào?
T. Bác ái hướng tới chính bản thân, tới tha nhân và các thụ tạo khác.
  1. H. vì sao phải bác ái với chính bản thân mình?
T. Vì bản thân ta là hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ thực thi bác ái đối với chính bản thân, ta làm rõ hình ảnh Thiên Chúa nơi ta.
  1. H. Cần bác ái với tha nhân thế nào?
T. Cần bác ái với tha nhân như với chính bản thân mình. Vì chính Chúa Kitô đã xác quyết : “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39)
  1. H. Vì sao phải thể hiện lòng bác ái đối với các thụ tạo khác?
T. Vì mọi thụ tạo đều do Chúa và được Chúa chia sẻ sự tốt lành của Người. do đó bác ái với các loài thụ tạo là tôn trọng quyền tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa và phẩm giá cao quý của mọi loài.
  1. H. Sống bác ái là gì?
T. Sống bác ái là thực thi lệnh truyền của Chúa Kitô : “Đây là điều răn của Thầy : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) ; vã lại, sống bác ái là cách thực thi cụ thể việc tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô trong ba tác vụ : rao giảng Lời Chúa – cử hành Bí tích – và phục vụ tha nhân.
  1. H. Đâu là con đường người tín hữu cần bước đi để thực hành việc bác ái?
T. Đó là con đường phục vụ khiêm hạ “anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14) và hy sinh quên mình “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
  1.  H. Người tín hữu cần xác tín điều gì khi thi hành bác ái?
T. Người tín hữu cần xác tín 2 điều này:
- Một là tình yêu chúng ta thể hiện đối với đồng loại và với vạn vật chính là lời đáp trả và chia sẻ chính tình yêu nhận được từ Thiên Chúa.
- Hailời loan báo Tin Mừng cứu độ đầy thuyết phục cho tha nhân.

  1.  H. Người tín hữu cần làm gì để nuôi dưỡng hai xác tín trên?
T. Người tín hữu cần kết hợp với Chúa qua việc chuyên chăm cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa và cử hành phụng vụ.
  1.  H. Công việc bác ái nhằm phục vụ những ai?
T. Công việc bác ái nhằm phục vụ tất cả mọi người, nhất là những người nghèo về tinh thần và vật chất.
  1.  H. Phải quan tâm thế nào đến người nghèo khổ?
T. Phải quan tâm đến người nghèo khổ bằng tấm lòng của Chúa, qua việc cầu nguyện, cảm thông, yêu thương và sẵn lòng chia sẻ cho họ những gì mình có.
  1.  H. Người tín hữu cần làm gì để giúp đỡ anh chị em di dân?
T. Người tín hữu cần giúp họ về tinh thần và vật chất để họ mau chóng ổn định cuộc sống trong môi trường mới.
  1.  H. vì sao phải tôn trọng sự sống con người và bảo vệ thai nhi?
T. Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài, và vì sự sống con người, bắt đầu từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên luôn là công trình tình yêu diệu kỳ và thuộc quyền Thiên Chúa.
  1.  H. Phải chăm sóc người hấp hối thế nào?
T. Phải nâng đỡ người hấp hối bằng việc cầu nguyện, giúp lãnh nhận các bí tích, ân cần phục vụ các nhu cầu thể xác, để chuẩn bị họ gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
  1.  H. Gia đình và giáo xứ cần quan tâm thế nào đối với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo?
T. Gia đình và giáo xứ cần mặc lấy tâm tình và thái độ của Chúa Ki tô đối với bệnh nhân, để ân cần giúp đỡ, không xa tránh và không phân biệt đối xử.
  1.  H. Ta phải làm gì để tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên?
T. Ta phải có tinh thần trách nhiệm khi sử dụng bầu không khí, nguồn nước,và đất đai, đồng thời tích cực góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh cho mọi người.
  1.  H. Ta phải làm gì để tôn trọng và bảo vệ môi trường luân lý?
T. Ta chỉ sản xuất, sử dụng, trao đổi các văn hóa phẩm phù hợp luân lý Ki tô giáo và đạo đức dân tộc; đồng thời nỗ lực xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
  1.  H. Để hoạt động bác ái tăng thêm hiệu quả, ta cần làm gì?
T. Để hoạt động bác ái tăng thêm hiệu quả, ta cần phối hợp hoạt động cá nhân với hoạt động tập thể, nhất là trong giáo xứ và trong các hiệp hội bác ái như Caritas.
21. H. Giáo lý Hội Thánh dạy thế nào về mối liên hệ giữa Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến ?
      T. Giáo lý Hội Thánh dạy rằng : “Nhưng ‘đức tin không không có hành động là đức tin chết’(Gc 2,26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ tín hữu với Đức Kitô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động của Thân Thể Người” (Sách GLHTCG số 1815).

  1.  H. Đức Maria đã sống cuộc đời bác ái thế nào?
T. Đức Maria đã mau mắn tới thăm và ở lại giúp đỡ bà chị họ Isave, tế nhị giúp đôi tân hôn ở Cana, ân cần chăm sóc các Tông đồ và Giáo hội sơ khai.
  1.  H. Gương sống bác ái của Mẹ dạy chúng ta điều gì?
T. Gương sống bác ái của Mẹ dạy chúng ta biết chia vui sẻ buồn với tha nhân, nhất là cảm thông, giúp đỡ những người gặp khó khăn xác hồn.
(23 câu hỏi này lấy từ nguồn Giáo phận Xuân Lộc và đã được Cha Tổng Đại Diện sửa lại cho phù hợp với chủ đề của Giáo phận)
 
 
 
Phần II: GIÁO LÝ THEO LỜI GIÁO HUẤN GIÁO PHẬN

  1. H. Mục tiêu duy nhất của Giáo hội thể hiện mối quan tâm nào?
T. “Mục tiêu duy nhất của Giáo hội thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình đối với con người”  được cụ thể hóa bằng hành vi yêu thương phục vụ.
2. H. Để trở nên gần gũi, yêu thương và phục vụ con người cách cụ thể và hiệu quả hơn, trước tiên chúng ta phải làm gì ?
T. Phải đón nhận Tin Mừng và cùng nhau hoán cải. (Giáo huấn số 2)
3. H. Tại sao Yêu thương phục vụ là hoạt động thường xuyên của Giáo hội?
T. Bởi vì Giáo Hội luôn đồng hành và chia sẻ mọi khía cạnh của cuộc sống và thân phận con người. (Giáo huấn số 3)
4. H. Thế giới hôm nay đang cần điều gì nơi người Kitô hữu?
T. Thế giới đang cần cuộc sống chứng tá yêu thương phục vụ. (Giáo huấn số 4)

  1. H. Đứng trước hiểm nguy của “nền văn minh sự chết” và trào lưu xem thường mạng sống các thai nhi, các gia đình Kitô hữu cần phải thế nào?
T. Phải luôn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh, mở rộng vòng tay đón chào sự sống bằng trái tim yêu thương phục vụ. (Giáo huấn số 5)
  1. H. Đức Trinh Nữ Maria có vai trò nào trong các gia đình Kitô hữu?
T. Đức Mẹ chính là mẫu gương sống động để các gia đình Kitô hữu noi theo trong thái độ “xin vâng” Thánh ý Chúa, đón nhận mọi gian nan thử thách và bước đi trong ánh sáng Tin Mừng. (Giáo huấn số 6)
  1. H. Trong một thế giới mà nhiều nơi đang vắng bóng Thiên Chúa, người Kitô hữu phải thể hiện đức tin của mình như thế nào ?
T. Phải làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa qua mọi sinh hoạt đời thường, nhất là qua hành vi yêu thương phục vụ. (Giáo huấn số 7)
  1. H. Ơn gọi căn bản của các gia đình Kitô hữu đó là gì ?
T. Đó là “loan báo Chúa Kitô và giới thiệu Tin Mừng Cứu độ của Ngài cho thế giới” (Giáo huấn số 8)
  1. H. Để yêu thương và phục vụ cách hiệu quả, trước tiên cần có thái độ nào?
T. Cần một tình yêu biết chiêm ngưỡng lắng nghe và sẵn sàng sẻ chia ban tặng. (Giáo huấn số 9)
  1.  H. Làm sao để “vẽ đẹp và lối sống của Tin Mừng” được thể hiện nơi các gia đình Kitô hữu?
T. Đó chính là việc trung thành thực thi chứng tá yêu thương và phục vụ. (Giáo huấn số 10)
  1.  H. Ơn gọi đặc biệt dành riêng cho những người Kitô hữu trong thế giới đó là gì ?
T. Đó là “chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần thánh hóa thế giới, làm cho người khác nhận biết Đức Kitô và tỏa sáng tin, cậy, mến”.
  1.  H. Yêu thương phục vụ có phải là một cách thể hiện sự công chính mới của Tin Mừng?
T. Là cách thể hiện sự công chính mới của Tin Mừng và là phận vụ làm chứng về Chúa Kitô giữa lòng thế giới. (Giáo huấn số 12)
  1.  H. Yêu thương phục vụ xây dựng được điều gì cho thế giới hôm nay ?
T. Yêu thương phục vụ là con đường chính đáng và phải đạo nhất để xây dựng nền hòa bình đích thực cho thế giới. (Giáo huấn số 13)
  1.  H. Để yêu thương và phục vụ cách trung thành và hiệu quả, cần phải có tinh thần và thái độ căn bản nào ?
T. Cần thái độ tin yêu phó thác và tinh thần hy sinh khó nghèo của Đức Kitô. (Giáo huấn số 14)
  1.  H. Con đường yêu thương phục vụ của người Ki tô hữu là con đường nào?
T. Là con đường của chính Đức ki tô, con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người và nỗ lực thiết lập tình huynh đệ đại đồng.(Giáo huấn số 15)
  1.  H. Điều gì khiến chúng ta có thể yêu thương và phục cách mạnh mẽ kiên cường?
T. Đó là nhờ được biến đổi không ngừng trong Đức Kitô Tử nạn-phục sinh. (Giáo huấn số 16)
  1.  H. Cội nguồn và cũng là đích điểm của con đường yêu thương phục vụ đó là gì?
T. Đó chính là Đức Kitô “Tin Mừng vĩnh cửu”. Chính từ nơi Ngài, trong Ngài và với Ngài mọi sự sẽ được kiện toàn và đổi mới. (Giáo huấn số 17)
  1.  H. Hệ quả tất yếu mà con đường yêu thương phục vụ sẽ mang đến đó là gì ?
T. Đó chính là cuộc hội ngộ với Đức Kitô, Đấng là “đường, chân lý và là sự sống” (Ga 14,6) ; chính Ngài sẽ là lời giải đáp để mọi người tìm ra ý nghĩa cuối cùng và cùng đích để tiến bước về vĩnh cửu. (Giáo huấn 18)
  1.  H. Phương thế nào giúp các gia đình Kitô hữu can đảm yêu thương phục vụ giữa trăm chiều thử thách ?
T. Nhờ việc trung thành quy hướng cuộc sống vào mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô và trông cậy vào ân sủng của Chúa Thánh Thần. (Giáo huấn 19)
  1.  H. Giáo Hội hôm nay đang chọn lựa con đường nào để hoàn thành sứ mệnh truyền giáo của mình ?
T. Giáo Hội yêu thương phục vụ bằng cách “tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhơ sự sống lại của Người.” (Giáo huấn số 20)
  1.  H. Yêu thương phục vụ có liên quan gì đến Tin mừng Phục Sinh ?
T. Tin mừng Phục Sinh đó chính là chân lý và lời rao giảng cốt yếu của Giáo Hội. Vì thế, chân lý và niềm vui phục sinh phải chi phối và lan tỏa trên mọi nẻo đường yêu thương phục vụ, cũng là con đường Tân Phúc âm hóa hôm nay. (Giáo huấn 21)
  1.  H. Có cần thiết phải thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô mới có thể yêu thương phục vụ ?
T. Tuyệt đối cần thiết. Vì chỉ khi thuộc về Giáo Hội thì hành động yêu thương phục vụ mới cho ta gặp gỡ Đức Kitô, dẫn đến ý nghĩa và cùng đích cứu độ vĩnh cửu. (Giáo huấn số 22)
  1.  H. Trong Thiên niên kỷ mới nầy, các Giáo Hội tại Á Châu cần nỗ lực thực thi điều gì cho anh chị em mình?
T. Giáo Hội tại Á Châu cần hân hoan chia sẻ ân huệ vô biên là tình yêu của Đức Giêsu Cứu Thế và tiếp tục sứ mạng yêu thương phục vụ của Ngài cho mọi người. (Giáo huấn số 23)
  1.  H. Để thực hiện ước muốn quy tụ nhân loại thành một “đàn chiên và một chủ chăn” của Đức Kitô, “Mục Tử Nhân Lành”, Giáo Hội cần phải làm gì ?
T. Giáo Hội cần nỗ lực truyền giáo qua con đường yêu thương phục vụ là “cánh cửa Giêsu”, đồng thời xin Chúa ban cho Giáo Hội có thêm nhiều ơn gọi mục tử-tu trì để phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa. (Giáo huấn số 24)
  1.  H. Trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa, Giáo Hội hôm nay cần phải học những bài học nào từ cộng đoàn Kitô hữu ban sơ ?
T. Bài học đó chính là : Cộng đoàn Kitô hữu ban sơ đã qui tụ chung quanh các Tông Đồ để sống và chia sẻ niềm tin qua những dấu chỉ cụ thể : phục vụ người nghèo, cầu nguyện và rao giảng. (Giáo huấn số 25)
  1.  H. Điều gì khiến Đức Kitô can đảm dấn thân vào cuộc hành trình Vượt Qua và Ngài cũng cho muốn Giáo Hội nối bước theo Ngài ?
T. Đó chính là niềm tin cậy vững chắc vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa trong sức mạnh và ánh sáng của Chúa Thánh Thần. (Giáo huấn số 26)
  1.  H. Trong chiều kích Tân Phúc Âm Hóa, cử hành Phụng vụ Thăng Thiên khai mở và gọi mời điều gì ?
T. Mầu Nhiệm Thăng Thiên khai mở giai đoạn Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh và gọi mời các Kitô hữu ra đi loan báo Tin Mừng. (Giáo huấn số 27)
  1.  H. Trong chiều kích Đại Kết, cử hành Phụng vụ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mời gọi chúng ta điều gì ?
T. Mời gọi chúng ta chung tay với mọi người thực hành yêu thương phục vụ, đẩy lùi mọi chia rẽ hận thù và đón nhận nhau trong tinh thần bao dung tha thứ. (Giáo huấn số 28)
  1.  H. Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, giúp ta nhận ra điều gì?
T. Giúp chúng ta nhận biết được tình yêu và sự hiện diện của Người trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người yêu chúng ta trước, vì thế chúng ta có thể đáp lại bằng tình yêu. ( giáo huấn số 29)
  1.  H. Quà tặng tình yêu Thiên Chúa ban cho con người là gì?
H. Quà tặng tình yêu cao quý nhất mà Đức Kitô để lại cho Giáo Hội đó  là gì?
T. Đó chính là Mình và Máu Thánh Ngài trong bí tích Thánh Thể. (giáo huấn số 30)

  1.  H. Để can đảm không sợ hãi và lùi bước trước những đe dọa, thử thách, gian nan. Chúng ta làm gì?
T. Chúng ta trông cậy vào sức mạnh của ân sủng, đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống và nỗ lực thực thi Lời Chúa. (Giáo huấn số 31)
  1.  H. Ơn gọi làm Kitô hữu qua nhiệm tích Rửa tội mời gọi chúng ta sống thế nào?
T. Đó là biết chết đi mỗi ngày cho tội lỗi, nói không với những quyến rũ gian tà và cương quyết thực thi những giá trị của Tin Mừng cứu rỗi. (Giáo huấn số 32)
  1.  H. Bài học yêu thương và phục vụ trong cuộc đời và hy tế của Đức Kitô đem lại giá trị nào cho con người ?
T. Đó chính là câu trả lời cho mọi vấn nạn sâu xa nhất, là niềm hy vọng chắc chắn nhất và là con đường giải thoát đúng đắn nhất mà nhân loại  sẽ không tìm thấy ở một nơi nào khác. (Giáo huấn số 33)
  1.  H. Cuộc đời và sứ vụ của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập Thể, được tiếp nối thế nào qua Giáo Hội của Ngài ?
T. Trước hết Giáo Hội không ngừng hoán cải để trở nên mảnh đất tốt đón nhận Lời Chúa và sinh hoa kết trái; đồng thời hân hoan ra đi loan báo Lời Chúa, cử hành Phụng vụ và hướng dẫn cộng đoàn trong yêu thương phục vụ. (Giáo huấn 34)
  1.  H. Để tiếp nối sứ mệnh loan báo và dựng xây Nước Trời của Đức Kitô,  người Kitô hữu phải làm điều gì?
T. Phải nỗ lực không ngừng trở thành “hạt cải, viên men, hạt muối” của Tin Mừng để đẩy lùi sự dữ và làm cho Vương quốc Nước Trời mau hiển trị. (Giáo huấn số 35)

 
 Ban Giáo lý
Giáo phận Qui Nhơn
 

 
 
 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2245
  • Tháng hiện tại: 158052
  • Tổng lượt truy cập: 12134839