Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: - Bài 12. Tiết độ

Đăng lúc: Thứ tư - 11/02/2015 21:20
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 12. Tiết độ
 
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 12. TIẾT ĐỘ

Đứng hàng thứ tư trong các nhân đức trụ là đức tiết độ, trong tiếng La tinh là temperantia. Những từ temperature (thời tiết) và temperament (tính khí) đều có cùng một gốc temperare, nghĩa là sắp xếp, đưa vào trật tự, nhưng cũng có nghĩa là đặt giới hạn, điều tiết.

Mọi nhân đức đều liên quan đến trật tự và sự cân xứng. Đức khôn ngoan liên quan đến phán đoán đúng đắn về thực tại. Đức công bằng liên hệ đến ứng xử thích hợp với tha nhân. Đức can đảm liên quan đến sự vững vàng khi đối diện nguy hiểm. Đức tiết độ liên quan đến liều lượng thích hợp trong hành động của con người nơi chính bản thân mình.

Vậy thước đo thích hợp nằm ở đâu? Câu trả lời của thánh Tôma Aquinô có thể gây ngỡ ngàng: thước đo là lý trí của chúng ta. Nói như thế rất dễ bị hiểu lầm. Vấn đề ở đây không phải là thứ lý tính lạnh lùng làm mất niềm vui trong những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến sự sống và sinh tồn của con người, cụ thể là chuyện ăn uống và tình dục.

Điều gọi là “hợp lý” trong lĩnh vực ăn uống và tình dục mang một ý nghĩa khác, và nếu xem xét kỹ, sẽ thấy ý nghĩa và giá trị lớn. “Hợp lý” ở đây là thứ thước đo để canh giữ năng lực sinh tồn nơi chúng ta, không để nó dẫn đến những hậu quả tiêu cực và hủy diệt. Nói cách tích cực hơn, đây là thứ thước đo và liều lượng giúp năng lực hoạt động của chúng ta thực hiện tốt mục đích xây dựng và phát triển con người.

Chính ở đây chúng ta thấy được điều cốt lõi của sự khiết tịnh và tiết độ. Không sống khiết tịnh và thiếu kềm chế khoái lạc không phải là xấu vì những niềm vui và hoan lạc mà giác quan đem lại là điều xấu, nhưng nó xấu là vì có thể gây nguy hiểm, kể cả hủy hoại chính mình và người khác. Có một dấu hiệu chính xác để nhận ra chúng ta có quá buông thả và vô kỷ luật trong chuyện ăn uống và tình dục hay không, đó là niềm vui chân chính. Niềm vui đích thực chỉ xuất hiện khi người ta không quá ích kỷ đến nỗi tham lam tìm kiếm mọi thứ hoan lạc, điều đó chỉ dẫn đến chỗ đánh mất chính mình.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế là ngay từ đầu, Kitô giáo đã phải đối diện với mối nguy hiểm của thuyết Manikhê(Manicheism), chủ trương nhìn bất cứ điều gì liên quan đến xác thịt, kể cả chuyện ăn uống và tình dục, đều là cái xấu tự thân. Đang khi đó, thánh Phaolô đã nói từ lâu: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1Tm 4,4).

Do đó, nhân đức tiết độ tìm thấy thước đo thích hợp và mục đích của mình ở chỗ này: mọi sự được Thiên Chúa tạo dựng phải được sử dụng theo như Chúa muốn. Trong viễn tượng đó, “khiết tịnh” mang ý nghĩa tích cực mà ngày nay người ta không muốn nghe. Tiết độ là nhân đức ngăn cản chúng ta đi tìm bản thân mình trong mọi sự đến độ lạm dụng và sử dụng sai mọi sự. Nhân đức tiết độ làm cho chúng ta nên “trong sáng”, nhờ đó biết trân trọng nhau cũng như tạo thành cách đúng mức.
Dĩ nhiên, nhân đức này đòi phải thực hành sự tự chế, tự chủ, điều tiết, chừng mực, sáng suốt. Cũng ở đây chúng ta hiểu được ý nghĩa của chay tịnh trong Kitô giáo, là để con tim chúng ta được tự do và thanh khiết, hoàn toàn mở ra với Thiên Chúa và tha nhân.
 
ĐHY Christoph Schönborn
Tác giả bài viết: ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 5
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 94191
  • Tổng lượt truy cập: 12238451