Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: - Bài 4. Tự do

Đăng lúc: Thứ ba - 16/12/2014 06:51
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 4. Tự do 
 
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 4. TỰ DO

Thật quý giá và tuyệt vời biết bao hai tiếng “tự do”. Lại càng thấm thía hơn khi bị mất tự do. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ một gia đình Việt Nam di tản. Là “thuyền nhân”, họ phải rời bỏ quê hương, đối diện với biết bao đe dọa: cướp biển, bão tố, công an biên phòng, đói khát… tất cả chỉ để được một điều duy nhất: tự do.

Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, đặc tính lớn nhất nơi con người là tự do. Tự do của con người phản ánh tự do của Thiên Chúa (GLHTCG 1730). Nhưng tự do nào? Sách Giáo Lý viết: “Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc làm việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức trách nhiệm” (số 1731).

Khi nào khả năng này vắng mặt hoặc chỉ có mặt cách giới hạn, thì cũng không có trách nhiệm luân lý kèm theo. Một đứa bé hoặc một người bị tâm thần không hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của họ, vì họ không thể làm chủ hành vi của mình một cách có trách nhiệm (số 1734). Những hoàn cảnh bên trong và bên ngoài có thể làm giảm thiểu tự do (ví dụ, sự sợ hãi, áp lực xã hội, thiếu hiểu biết). Do đó, việc quy tội cũng giảm đi (số 1735).

Vậy, tự do hệ tại ở cái gì? Có hai sự hiểu lầm cần được làm sáng tỏ. Thứ nhất, chúng ta thường tin rằng càng có nhiều khả thể để lựa chọn thì càng có tự do hơn. Thật ra, không hẳn là thế. Tự do được thể hiện theo mức độ tôi chọn làm điều đúng đắn, điều tốt ở chính nó và tốt cho tôi. Một bạn trẻ quyết định bỏ chuyến đi nghỉ hè đầy hấp dẫn, thay vào đó tham gia một trại hè để giúp người khuyết tật. Nhìn bên ngoài, xem ra anh ta bị mất tự do, nhưng thật ra anh đã thể hiện sự tự do đích thực khi tự nguyện dấn thân làm điều tốt. Tự do được lớn lên và phát triển qua những quyết định làm điều tốt (số 1733).

Trong thời đại chúng ta, có sự hiểu lầm sâu xa về tự do khi tin rằng tự do hệ tại ở chỗ tự mình quyết định mọi sự, không bị giới hạn, vô điều kiện, ngoại trừ những giới hạn từ bên ngoài do luật pháp (số 1740). Trong thực tế, phải hiểu ngược lại: chúng ta càng làm điều tốt và thực hành các nhân đức thì càng trở thành những con người tự do. Tất cả mọi người đều biết rằng những mối nguy hiểm đe dọa tự do không chỉ đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong chính bản thân mình. Thật dễ dàng để lạm dụng tự do, lấy tự do ra để biện hộ cho sự ích kỷ, thiếu bác ái, sống buông thả.

Sự hiểu lầm thứ hai là: đúng là chúng ta được tự do để chọn điều tốt hay điều xấu, nhưng việc chọn lựa này không phải là không có những hậu quả cho tự do. Người nghiện rượu không thật sự tự do khi chọn lựa, sự nghiện ngập đã lôi kéo anh ta đến điều mà anh cũng nhìn nhận là có hại. Nếu anh ta cương quyết xa tránh rượu chè thì đó chính là sự giải phóng (làm cho anh thành tự do). Anh trở thành con người tự do qua quyết tâm làm điều tốt cho chính mình.

Tất cả chúng ta đều phải chiến đấu để vươn tới sự tự do đích thực. Chúng ta kinh nghiệm nơi mình sự hướng chiều về điều xấu: “Tôi không làm điều tốt tôi muốn, nhưng lại làm điều xấu tôi không muốn” (Rm 7,19). Vì thế tất cả chúng ta – không trừ ai – cần được giải thoát. Con đường theo gương Đức Kitô là đường dẫn đến sự giải thoát đích thực (số 1742). Chỉ khi nào chúng ta tận hiến toàn thể con người của mình – lý trí, ý chí, mọi năng lực – cho Thiên Chúa và tha nhân trong đức ái, thì chúng ta mới thật sự tự do.
 
ĐHY Christoph Schönborn
Tác giả bài viết: ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 35
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 3694
  • Tháng hiện tại: 159501
  • Tổng lượt truy cập: 12136288