Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: - Bài 6. Các đam mê

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/01/2015 10:04
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 6. Các đam mê
 
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 6. CÁC ĐAM MÊ

Các đam mê thì có liên hệ gì đến luân lý? Chẳng phải đam mê thường đối nghịch, hoặc ít ra, ngăn cản đời sống đạo đức hay sao? Chúng ta lại chẳng phải chiến đấu chống lại các đam mê để trở nên những con người chân chính và đáng kính trọng hay sao? Quả thật, cách hiểu như trên về đam mê là cách hiểu khá phổ biến, không những nơi quần chúng mà ngay cả trong giới triết học và thần học.

Thật đáng ngạc nhiên khi các triết gia thời Trung Cổ lại suy nghĩ hoàn toàn khác về vấn đề này. Thánh Tôma Aquinô cho rằng không thể có luân lý nếu không có đam mê. Đời sống tốt hàm nghĩa một đời sống biết điều chỉnh các đam mê cho đúng mức.

Phải hiểu “đam mê” như thế nào? Các đam mê là “những yếu tố tự nhiên trong tâm lý con người. Chúng tạo thành nơi chuyển tiếp và bảo đảm mối liên kết giữa đời sống cảm giác và đời sống tinh thần” (GLHTCG 1764). Đời sống linh hồn chúng ta không chỉ hệ tại ở lý trí và ý chí, mà còn bao hàm những “năng lực của linh hồn” tác động cả đến giác quan. Đức Giêsu coi trái tim con người như nguồn mạch từ đó phát xuất các chuyển biến của đam mê (x. Mc 7,21).

Các đam mê, tự chúng, thì không tốt cũng không xấu. Chúng được đánh giá về mặt luân lý tùy theo mức độ chúng lệ thuộc thật sự vào lý trí hoặc ý chí. Muốn đạt tới sự hoàn hảo của điều thiện về mặt luân lý hay nhân linh, các đam mê phải được điều khiển bởi lý trí.

Như vậy, có thể rút ra một kết luận khiến nhiều người ngạc nhiên: Không thể có luân lý tính nếu không có sự tham gia của các đam mê, dĩ nhiên là phải có trật tự. Thật vậy, phần lớn công việc huấn luyện đạo đức, tức là đạt tới sự trưởng thành luân lý, hệ tại ở việc huấn luyện các đam mê cách đúng đắn, để định hướng, phát triển và ứng dụng. Chúng ta biết quá rõ rằng nếu không chế ngự và điều chỉnh được những đam mê, thì chúng có thể gây ra những hậu quả xấu xa thế nào. Chỉ những ai biết điều hướng đam mê theo sự thiện mới được gọi là người đạt được sự trưởng thành về luân lý.

Điều này được thể hiện rõ nét trong đời sống các thánh. Chắc chắn thánh Têrêxa Avila phải là người có đam mê mãnh liệt, thứ năng lực sống động khiến ngài có thể vượt qua những nghịch cảnh và thực hiện những công trình lớn cách can đảm và mạnh mẽ. Thánh nhân không thể thành lập nhiều tu viện như thế nếu, thay vì kiểm soát các đam mê, ngài lại để nó khơi ngòi cho sự giận dữ, nóng nẩy, buồn phiền. Kiên trì trong ý hướng tốt lành, kiên nhẫn giữa nghịch cảnh, mạnh mẽ trong thử thách, đó là những dấu hiệu cho thấy đam mê được chế ngự và điều chỉnh để hướng đến sự thiện.

Chúng ta được kêu gọi yêu mến Chúa không chỉ hết lòng, hết trí khôn, mà còn hết linh hồn, hết sức lực nữa. Con đường “thơ ấu” của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là mái trường dạy chúng ta đem tất cả ý muốn và đam mê, tất cả ước ao và khát vọng của mình vào trong tình yêu Chúa và tha nhân, và hướng đến mục đích này trong mọi sự. Các thánh là những con người đầy đam mê, huy động toàn bộ “thân xác và linh hồn” hướng tới điều thiện (số 1770). “Cả tấm thân con cùng là tấc dạ, những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 84,3).
 
ĐHY Christoph Schönborn
Tác giả bài viết: ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 5
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1052
  • Tháng hiện tại: 94476
  • Tổng lượt truy cập: 12238736