Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: - Bài 7. Lương tâm

Đăng lúc: Thứ hai - 05/01/2015 18:42
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 7. Lương tâm
 
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 7. LƯƠNG TÂM

“Ông đã hành động theo tiếng lương tâm của mình”. Đây là tựa đề cuốn sách tự thuật của Franz Jagerstatter, một người Áo đã viện dẫn lý do tôn giáo để khước từ việc gia nhập quân ngũ, và vì thế đã bị Đức quốc xã giết chết. “Bạn nên làm theo tiếng lương tâm”, chúng ta vẫn nói thế, và điều đó đúng. Thế nhưng phải chăng lương tâm lúc nào cũng đúng? Nó cũng có thể bị sai lầm chứ. Nếu thế, chẳng lẽ chúng ta vẫn phải làm theo? Ra trước tòa án, viện dẫn lương tâm mà thôi thì không đủ. Phải chăng lương tâm là tòa án cao nhất, thẩm phán tối cao?

Lương tâm là gì? Hãy thử tiếp cận bằng cách xem xét điều ngược lại. Chúng ta nói rằng “Người này vô lương tâm” khi thấy người đó khai thác, bóc lột những người dưới quyền mình. Và chúng ta tự hỏi: Lương tâm của ‘thằng cha’ này có áy náy chút nào không? Nếu người đó không bị cắn rứt gì, chúng ta cảm thấy một sự mất mát nghiêm trọng về nhân tính nơi con người đó.

Rõ ràng lương tâm là một thứ tòa án, một cơ quan bên trong, từ đó chúng ta cảm nhận sự ưng thuận hay khước từ, phán đoán tích cực hay tiêu cực về thái độ và hành động của con người (GLHTCG số 1778). Sự vắng mặt của cơ quan này là một thiếu sót nghiêm trọng. Đồng thời, chúng ta cảm thấy không thể chấp nhận một người có những hành động phi nhân, mà lại cho rằng mình làm theo tiếng lương tâm. Nếu có ai đó tra tấn người khác mà lại bảo là họ làm theo tiếng lương tâm, thì hoặc là người đó bị bệnh tâm thần, hoặc là quái vật.

Ví dụ trên đây cho thấy một yếu tố quyết định: lương tâm không thể chỉ là cái gì đó thuần túy chủ quan, ‘tôi theo lương tâm của tôi, anh theo lương tâm của anh’. Hiển nhiên là chúng ta mong muốn rằng nơi mọi lương tâm, Cái Thiện phải chiến thắng và Cái Ác bị loại trừ. Đây chính là điều mà chúng ta nhắm tới khi kêu gọi người khác hành động theo lương tâm. Nghĩa là mong muốn rằng trong tâm hồn họ vang lên tiếng nói của Cái Thiện và họ hành động theo tiếng nói đó.

Như thế chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều mà Vatican II nói về lương tâm: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không tự đặt ra cho mình, nhưng con người phải tuân theo lề luật đó. Tiếng nói của lề luật đó luôn luôn kêu gọi con người yêu mến và làm điều tốt cũng như tránh điều xấu, vào lúc cần thiết, tiếng nói đó vang lên trong trái tim con người…” (GLHTCG 1776).

Để nghe được tiếng nói này, lương tâm cần được huấn luyện (số 1783). Khi nói về một người có “lương tâm tinh tế”, đó là lời khen về mặt luân lý. Qua đó, chúng ta muốn nói rằng người đó nhạy bén với những gợi ý nhẹ nhàng nhất của lương tâm.

Một khía cạnh khác của việc huấn luyện lương tâm là sự phân biệt giữa tiếng gọi đích thực của lương tâm với những mặc cảm tội lỗi (số 1784). Đâu thực sự là tiếng lương tâm chân chính và đâu là phản ánh của dư luận và thói quen của thời đại? “Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Chúng ta phải để cho Lời Chúa thấm vào đức tin và kinh nguyện, và phải đem ra thực hành. Chúng ta cũng phải kiểm điểm lương tâm bằng cách nhìn lên thập giá của Chúa. Các hồng ân của Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, chúng ta còn được trợ giúp bởi lời chứng và lời khuyên nhủ của những người khác, và được hướng dẫn bởi đạo lý của Hội Thánh được trình bày một cách có thẩm quyền” (số 1785).
 
ĐHY Christoph Schönborn
Tác giả bài viết: ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org
Từ khóa:

Lương tâm

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 2069
  • Tháng hiện tại: 114225
  • Tổng lượt truy cập: 12258485