Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: - Bài 8. Nhân đức

Đăng lúc: Thứ hai - 12/01/2015 18:54
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 8. Nhân đức

 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 8. NHÂN ĐỨC

Từ bài đầu cho đến nay, chúng ta đã tự hỏi xem cái gì làm cho một việc, một hành động nhân linh thành tốt, và chúng ta đã bàn đến những nền tảng liên quan đến luân lý tính nơi con người: tự do, lương tâm, quyết định đúng đắn, trật tự những đam mê. Tuy nhiên vẫn còn một nền tảng nữa phải quan tâm. Cái gì làm cho chúng ta có thể gọi là tốt, không những một hành vi riêng lẻ nào đó nhưng là chính con người? Điều gì làm nên một người tốt?

Liệu có người tốt thật không? Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng: “Nếu các ngươi, vốn là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái những của tốt lành…”sao? (Lc 11,13). Và “Tại sao anh gọi tôi là tốt lành? Không ai tốt lành cả, ngoại trừ Thiên Chúa” (Lc 18,19). Thêm nữa, “Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, thì chúng ta lừa dối chính mình” (1Ga 1,8).

Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là nơi con người, không có chút gì là tốt, mà toàn cái xấu. Chính Chúa Giêsu gọi Nathanael là người “không có gì gian dối” (Ga 1,47). Thánh Kinh mô tả nhiều người là “công chính”, chẳng hạn, thánh Giuse (Mt 1,19), ông Zacaria và bà Êlisabét (Lc 1,6), và cụ Simêon (Lc 2,28). Nói như thế không có nghĩa là các ngài hoàn toàn không có chút lỗi lầm nào, nhưng muốn nói các ngài không gian dối, không có những thói làm cho con người thành xấu xa.

Đây chính là một phần trong cách hiểu của Kitô giáo về con người, về đạo đức: Chỉ một mình Thiên Chúa được gọi là “tốt lành” theo nghĩa tuyệt đối, nhưng cũng không vì thế mà làm người là xấu! Hiện hữu, ở tự nó, đã là điều tốt lành. Đó là xác tín nền tảng của đức tin Kitô giáo vào Thiên Chúa Tạo Hóa, vào sự tốt lành của công trình tạo dựng (GLHTCG số 299).

Trong trường hợp con người, dĩ nhiên sự “tốt lành” không chỉ được đảm bảo đơn thuần bằng việc chúng ta dự phần vào sự tốt lành nơi Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn phải đem ra thực hành trong đời sống. Cái gì làm cho một người thành người tốt? Không chỉ ở sự kiện là con người đó hiện hữu, mặc dù mọi thụ tạo, xét như được Thiên Chúa tạo dựng, đều có sự tốt lành nội tại (số 339).
Sự tốt lành nơi con người còn liên hệ đến việc người đó vun trồng cái tốt thành điều vững chắc và bền lâu. Đây chính là điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là “nhân đức”.

Ngày nay, nói như thi sĩ Paul Valéry, “Từ ‘nhân đức’ chỉ còn gặp được trong sách Giáo Lý và các vở kịch”. Lại càng thêm lý do cho chúng ta khám phá lại ý nghĩa cao cả và sâu xa của từ ngữ này.

Thánh Tôma định nghĩa rất đơn giản: nhân đức là “cái làm cho một người thành tốt”. Nhân đức khiến cho một người không những làm điều này điều kia tốt, nhưng còn là nên người tốt. Nhân đức là những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên trì, trở nên như bản tính thứ hai nơi người tốt (số 1804). Có được những thái độ và xu hướng này là nhờ tập luyện hoặc đón nhận như ân sủng. Những nhân đức nhân bản và Kitô giáo, gồm 4 nhân đức trụ và 3 nhân đức đối thần, là những đề tài sẽ được bàn đến trong các bài kế tiếp.
 
ĐHY Christoph Schönborn
Tác giả bài viết: ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 55
  • Khách viếng thăm: 46
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 89927
  • Tổng lượt truy cập: 12234187