Trang mới   https://gpquinhon.org

Cha Honoré Dupont Minh (1859 - 1885)

Đăng lúc: Thứ năm - 06/11/2014 17:56


“Tôi ra đi để thánh hoá mình hoặc đúng hơn là để đem lại các linh hồn,
bởi vì một trong những cách tốt nhất để vào Nước Trời
chẳng phải là mở cánh cửa cho những người khác vào hoặc làm theo ý Thiên Chúa sao?”

 Honoré Dupont
 
 

Trích dịch từ
ADRIEN LAUNAY,
Nos missionnaires précédés d’une étude historique
sur la Société des Missions Étrangères
,
Retaux-Bray, Paris, 1886, tr. 207-307


I

Nằm ở phía bắc Cholet, trên sườn đồi nhìn xuống thung lũng Beuvron màu mỡ và đẹp mắt, đó là thị trấn Andrezé. Đây chính là sinh quán của vị tử đạo thân yêu và vinh hiển của chúng ta, Cha Honoré Dupont.

Ngài học ở Tiểu chủng viện Beaupréau và theo như tuần báo La semaine religieuse của địa phận Anger thì: “Lòng đạo đức của ngài luôn có ba đặc điểm này: sự yêu thích cầu nguyện, Thánh Thể và hy sinh”. Và để bổ túc cho chân dung này, chúng tôi thêm vào lòng yêu mến Đức Mẹ. Một trong những bạn học của ngài viết: “Cậu ấy rước lễ thường xuyên đến nỗi chúng tôi thấy ghen tị”. Chính vì mối tương quan sâu đậm và thường xuyên với Chúa Giêsu này mà Cha Dupont cảm nhận được những mong ước đầu tiên là hiến trọn cuộc đời mình để đem lương dân trở lại.

Ngài chẳng ngần ngại điều gì; phó thác hoàn toàn cho Chúa xem ra là điều quá dễ dàng đối với ngài, mặc cho bao hy sinh và đau đớn. Hơn nữa, ơn gọi của ngài không phải là tiếng sét trên đường Damas mà là sự bừng nở của tâm trí và tình yêu thanh khiết dưới những tia nắng ấm áp của ân sủng. Phúc thay người được Chúa chọn từ thưở ấu thơ và đứng lên nơi Cung Thánh!

Vào năm 1881, Cha Dupont vào Chủng Viện Thừa Sai Nước Ngoài và ở đấy 3 năm. Tháng Chín 1884, cha nhận nhiệm vụ truyền giáo tại Đông Đàng Trong.

Trước khi khởi hành, cùng với các thừa sai trẻ, các bạn đồng hành, cha đi cám ơn quý bà bảo trợ trong Hội Những Người Ra Đi (Oeuvres des Partants). Tôi đã nói về hội này nhưng chưa nói về tổ chức cũng như các phương tiện hoạt động. Nay gặp chủ đề có liên quan nên tôi nói rõ hơn.

II

Giám đốc của Hội Những Người Ra Đi là giám đốc chủng viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài; đồng thời hội cũng có một bà giám đốc, một bà phó giám đốc, một thủ quỹ, một thư ký, các cố vấn, các ủng hộ viên và hội viên. Hội giúp đỡ các thừa sai bằng lời cầu nguyện, đóng góp hội phí và việc làm.

Cầu nguyện thì hằng ngày, hội phí là 5 francs mỗi năm hay 110 francs cho một lần duy nhất, còn việc làm trước hết là chuẩn bị hành trang quần áo cho các thừa sai; thế nhưng lòng bác ái thì luôn có những ước muốn vô cùng và những đòi hỏi mới; các thành viên giúp đỡ những người sẽ ra đi, những người chuẩn bị lên đường, các bà còn muốn giúp đỡ những ai chỉ phải ra đi trong một hay hai năm tới, các bà còn xin đảm nhận việc giặt giũ áo quần trong Chủng viện Thừa Sai Nước Ngoài. Bà giám đốc đã biến các cơ sở của mình thành một xưởng nữ công và đặt tên là Nazareth. Có những từ nào đó gói ghém cả một chương trình hành động, ít ra trong trường hợp này, tên Nazareth ở đây có nghĩa là: khiêm nhường, đức tin, cầu nguyện và làm việc.

Thứ ba hằng tuần, các hội viên của Hội Những Người Ra Đi làm việc và cầu nguyện ở xưởng; đến đấy là các bà mà tổ tiên của họ là bạn chiến đấu với các hiệp sĩ của đội quân Thập Tự Chinh như là các thủ lãnh Godefroi de Bouillon và Tancrède de Hauteville; họ đến đấy không mang theo bằng khen hoặc huy hiệu gia tộc, ở Nazareth người ta không bận tâm đến những vấn đề trần thế; các hội viên chỉ có một danh hiệu là con cái Thiên Chúa; chỉ có một huy hiệu, huy hiệu của Hội Những Người Ra Đi: một con thuyền, cánh buồm căng trước gió, lướt nhanh trên những đợt sóng êm.

 Cha Dupont và các bạn đến xưởng Nazareth vào một ngày thứ Ba. Sự đơn giản là nữ tử của đức bác ái; họ không nhìn thấy ở đấy những lọ gốm sứ, những đồ mỹ nghệ trang nhã, những tác phẩm hội hoạ bậc thầy mà chỉ thấy những bao tải to chứa đựng áo sơmi vải, bao đựng giày, áo choàng xanh; ở bên trên đống bao tải này có ba bức tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse và nữ thánh Têrêsa, được chiếu sáng bằng một ngọn đèn và cắm hoa ở chung quanh, đó là sự sang trọng duy nhất được phép ở xưởng Nazareth bởi vì đây là sự tôn kính chứ không phải xa hoa. Cuộc thăm viếng ngắn ngũi, họ nói chuyện về những xứ sở xa xôi, những linh hồn cần cứu rỗi và nhiều khổ cực phải chịu đựng. Họ hứa luôn nhớ nhau trước Thiên Chúa, rồi các thừa sai và các bà quỳ gối, bà giám đốc đọc kinh sau đây mà ở xưởng nữ công này người ta đọc đầu mỗi giờ trong ngày:

“Lạy Chúa, Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý, chúng con nài xin Chúa gởi các thợ gặt đến những cánh đồng truyền giáo, rao giảng với lòng tín thác vào lời Ngài, để Tin Mừng của Ngài được loan truyền và vinh danh, để mọi dân tộc nhận biết Ngài là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng mà Ngài đã gởi đến cho chúng con là Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị với Ngài trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần từ muôn thưở đến muôn đời. Amen!”

 Dứt lời cầu nguyện, các thừa sai rút lui. Ngày nay, những người kế nhiệm của họ còn được hạnh phúc hơn nữa: trước khi rời xưởng, họ đến quỳ gối chốc lát trong nhà nguyện mà Đức Thánh Cha đã ban phép xây dựng trong một căn phòng của bà giám đốc Hội nơi mà ngày đêm có Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự trị.

III

Năm ngày sau chuyến viếng thăm này, Cha Dupont rời nước Pháp.

Từ Marseille, Ngài viết: “Tôi ra đi để thánh hoá mình hoặc đúng hơn là để đem lại các linh hồn, bởi vì một trong những cách tốt nhất để vào Nước Trời chẳng phải là mở cánh cửa cho những người khác vào hoặc làm theo ý Thiên Chúa sao?”

Tình hình trong miền truyền giáo không được yên ổn. Các thân hào và nhân sĩ cố gieo rắc trong dân chúng lòng thù hận đối với các nhà truyền giáo và giáo dân. Đã xảy ra vài cuộc cướp bóc lẻ tẻ.

 Cha Dupont được sai đến một sở họ nhỏ gần Gia Hựu để học tiếng Annam. Chính tại đây ngài đã biết tin về cái chết của năm thừa sai bị sát hại trong tỉnh lân cận vào tháng Bảy và tháng Tám.

Cha Geffroy phụ trách địa hạt này đã gọi cha Dupont đến. Tình hình mỗi ngày trở nên nguy hiểm. Lương dân trở nên táo bạo hơn vì thấy mình thành công và không bị trừng phạt, họ tiếp tục cướp bóc và chém giết. Cha Geffroy nói: “Tôi đề nghị cha Dupont đi Huế để trình bày tình hình với tướng Courcy, nhưng ngài đã từ chối, nói rằng mình còn quá trẻ và tốt hơn là chính tôi nên đi đến đấy. Ngài đã hứa chăm sóc địa hạt khi tôi vắng mặt và ban bí tích giải tội cho giáo dân khi mọi sự kháng cự trở nên vô ích”

  Cha Geffroy ra đi và cha Dupont ở lại một mình. Vài ngày sau, ngài viết cho anh mình bức thư đầy đức tin và khiêm tốn này:

Gia Hựu, ngày 23 tháng Bảy 1885
Félix thân mến,

Trong bức thư cuối cùng, anh đã là một nhà tiên tri mà không hề hay biết phải không? Với tư cách là người đỡ đầu và là người anh, với trọn vẹn đức ái của một người linh mục, anh đã khuyên em tỏ ra xứng đáng với ơn gọi tông đồ, trung thành ngay cả khi phải hy sinh mạng sống! Ôi Félix! Liệu anh có tin và hiểu rằng phúc tử đạo đang ở ngay đây, ngay trước cửa, chỉ một vài giờ nữa thôi và có thể em sẽ được nhận lãnh, nghĩa là bị thiêu đốt, bị thảm sát hay phân ra hàng ngàn mảnh. Ôi anh ơi! Thật là một cơ hội! Vui sướng biết bao nhưng cũng đau đớn biết bao, khổ ải cả trong tâm hồn!

Từ chín ngày nay, tin tức khủng khiếp đến dồn dập. Ba thừa sai là các cha Garin, Poirier, Guégan, năm đến sáu ngàn giáo dân bị thảm sát với sự điên cuồng của quỷ dữ, những người còn lại thì trốn trên núi, nơi thú dữ và nhất là đói khát sẽ đến kết thúc mạng sống họ; nhà thờ bị đốt cháy, củi đốt là các giáo dân; cô nhi viện, tu viện ngập chìm trong máu. Kinh hoàng khắp nơi, chém giết khắp nơi trong tỉnh Tư Ngãi. Người Pháp đâu? … Không một bóng dáng. Mọi người mong chờ họ … Không một động tĩnh giải cứu nào! Vậy thì tất cả con cái tội nghiệp của chúng tôi cũng như các thành quả đều phải bị xoá sạch! Đau thương quá! Nhà em chứa đầy giáo dân. Khi gần chúng em họ ít sợ hãi hơn, họ tin rằng chúng em sẽ cứu thoát họ. Biết làm sao đây Chúa ơi? Chúng con sẽ cùng chết với họ.

Gặp lại sau nhé, anh thân mến. Nếu thoát được, em sẽ kể cho anh nghe nhiều chi tiết. Thật sự, có những điều tàn ác không thể tưởng được.

Nhưng cũng có thể em sẽ tử đạo! A! Ước chi đó là sự thật! Phúc cho linh hồn tôi! Xin chúc tụng Thiên Chúa!

Hãy vui mừng hát bài Te Deum; nhưng trước đó hãy than bài Miserere vì cuộc sống em đã rất khốn đốn. Nếu phải chết, Félix! Hãy nói với mọi người, em không thể kể ra hết mọi người, với cả gia đình, rằng em chết khi cầu xin họ tha thứ cho những xúc phạm và vô ơn, những thiếu sót đối với họ.

Và giờ đây cận kề cái chết.Nhờ sự giúp sức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, khi nhớ đến mẹ, đến Victor, đến Octavie, đến tất cả những người thân diễm phúc đã qua đời, em sẽ không quỵ ngã…. Em thường xuyên cầu khẩn Thiên Chúa, Nữ Vương các tử đạo; Lời cầu xin của em sẽ không bị chối từ.

Tạ ơn Thiên Chúa!

Cuối cùng, anh thân mến! tạm biệt và hẹn gặp nhau nơi Thiên Chúa! Hôn tất cả mọi người và siết chặt anh có thể là lần cuối cùng.

Honoré Dupont

Vài tuần sau đó, cha Dupont hoàn tất hy tế và nhận lãnh phần thưởng được hứa dành cho những ai hiến dâng mạng sống mình vì Thiên Chúa và vì Giáo Hội.

Ngài chỉ được làm nhà truyền giáo trong vài tháng thế nhưng đã làm được rất nhiều trong số ngày ít oi đó. Ngài đã đạt được nước trời và để lại những gương mẫu thánh thiện và cao quý cho trần gian. Defunctus adhuc loquitur (Tuy đã chết rồi nhưng vẫn còn lên tiếng – Dt 11, 4).

Cho đến tận hôm nay, chúng ta không biết một chi tiết nào về cái chết của ngài, cũng như về các thừa sai Guégan và Barrat. Chỉ có các thiên thần trên trời hay các đao phủ mới có thể nói cho chúng ta biết cực hình nào các ngài đã phải chịu, lòng can đảm nào mà các ngài chứng tỏ, và với niềm hạnh phúc nào mà các ngài đã dâng hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội.   
 
 chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 36
  • Khách viếng thăm: 30
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 4714
  • Tháng hiện tại: 153856
  • Tổng lượt truy cập: 12130643