Trang mới   https://gpquinhon.org

Địa sở Gia Hựu

Đăng lúc: Thứ ba - 26/04/2016 20:51
 
 
Quần thể nhà thờ Gia Hựu
(hình vẽ lại)


ĐỊA SỞ GIA HỰU
2.293 giáo dân


(Trích dịch « Compte-rendu et état de la mission » de Septembre 1940 à Septembre 1941. Imprimerie de Quinhon, 1941)

Địa sở chính:   Gia Hựu
                        Nhà phước
                        Nhà mồ côi
                        Tổng cộng 766 giáo dân
 
Các họ nhánh: Gò Xoài: 486 giáo dân
                        Bàu Giêng: 338 giáo dân
                        Phú Sanh: 196 giáo dân
                        Kim Bồng: 132 giáo dân
                        Cẩn Hậu: 45 giáo dân
                        Hy Văn: 103 giáo dân
                        Hy Thế: 100 giáo dân
                        Phú Mỹ: 70 giáo dân
                        Cự Tài: 57 giáo dân
 
 
Suốt 35 cây số từ Trà Câu đến Gia Hựu, nằm dọc theo đường cái quan, chỉ có 3 địa sở nhỏ là Hòa Thịnh, Mỹ Trang và Diên Trường, cả ba đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, cũng có khoảng 15 giáo dân ở Sa Huỳnh và 90 giáo dân trên vùng núi, ở Suối Cả trong dãy Bến Đá, sườn phía bắc, chia cắt tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Cũng nên biết rằng tổ tiên của Cha Hậu ở Suối Cả. Hiện nay, tất cả đều không còn gì, chỉ còn là kỷ niệm.
 
Cách đây khoảng ba mươi năm, con đường cái quan leo thẳng lên dãy Bến Đá: người ta cưỡi ngựa hoặc đi bộ qua những con đường đá gập ghềnh, có những con suối chảy cắt ngang hoặc những bụi cây xâm thực mọc lấn ra. Con đường này dài khoảng chục cây số, giữa đoạn đường, ta có thể nghỉ chân nơi nhà những người tân tòng ở Suối Cả, một họ nhánh mới mà hiện nay cũng đã không còn nữa. Ngày nay, ta đi bằng ôtô vòng qua dãy núi theo ngõ Sa Huỳnh, men theo con đường sắt và vào Bình Định qua con đèo nhỏ Bình Đê, ngay phía trên đường hầm xe lửa.
 
Vùng Bồng Sơn nói riêng, nơi chúng ta vừa mới đi vào, trải dài theo hướng bắc nam từ đèo Bến Đá cho đến đèo Phú Cũ, sút soát ba mươi cây số, và theo hướng đông tây từ cửa sông Lại Giang cho đến dãy núi Kim Sơn, Sơn Phong, cũng khoảng gần năm mươi cây số. Vẻ đẹp của phong cảnh, sự đa dạng và phong phú của cây trồng, những rừng dừa toát lên vẽ tươi tắn đẹp như tranh, đây là vùng đẹp nhất Trung Kỳ mà tôi từng được biết.
 
Khi từ đèo Bình Đê đổ xuống, nhìn về phía tay phải, cách khoảng 2 cây số đường chim bay, ta thấy như có một tháp canh vươn cao lên khỏi những ngọn dừa: đó là tháp chuông nhà thờ Gia Hựu. Ôtô rời đường cái quan khoảng một trăm mét, phía trên ga xe lửa Chương Hòa, chỉ cần vài phút là chúng ta đứng trước tiền đường nhà thờ Gia Hựu.
 
Lối vào nhà thờ Gia Hựu thật thoáng đãng với đài kỷ niệm hùng vĩ tưởng niệm các tử đạo năm 1885, viền theo con đường rộng là bức tường thấp bằng đá Biên Hòa được cho là có niên đại từ thời tiền sử, với hàng dừa cao vút được trồng như những tán dù. Nếu không có ngôi nhà thờ với mặt tiền màu trắng đập vào mắt, nếu không có cha Jamet cùng với cha phó của ngài là cha Thọ chạy ra đón tiếp chúng tôi, thì chắc ta cứ tưởng lạc vào cung phủ nào đấy trước thời Pháp thuộc.
 
Ngôi nhà thờ có 10 gian, với những hàng cột đẹp đẽ bằng gỗ cà chít (bois de fer) có đầu cột trang trí (chapiteau) phía trên mỗi cột, gian chính giữa rộng rãi với mái vòm cong bán nguyệt,  phần sau cung thánh (abside) ốp gỗ rất đẹp, các cửa kính màu hình các thánh, ghế ngồi, tòa giảng, tháp chuông, chỉ có thể nói được là tuyệt hảo. Nền nhà thờ cao hơn một mét mép hình bán cung là phần còn lại của ngôi nhà thờ trước năm 1885. Một quả chuông nặng một tấn được đặt trên tháp tạm chờ ngày xây dựng đẹp đẽ hoành tráng hơn …. Nhà xứ rộng rãi và thanh nhã. Nhà thờ và nhà xứ là niềm tự hào của cha Darré, người đã xây dựng chúng cách đây hơn mười lăm năm.
 
Là địa sở chính, với 766 giáo dân, có cả nhà phước và cô nhi viện, nhất là cũng gần với các họ nhánh, đặc biệt là Gò Xoài mà địa giới chỉ là một với địa sở chính, nên cha sở và cha phó ở tại Gia Hựu, mỗi cha có nhà riêng, nhân sự riêng.
 
Tại các họ nhánh, nhà nguyện và nhà xứ làm một với địa sở chính, đặc biệt là Xoài, Bàu Giêng và Phú Sanh: một cha phó thứ hai sẽ ở bất cứ nơi nào trong ba họ này, và cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi. Xin cho chúng ta có thêm đông số các linh mục!
 
Có hai trường học ở địa sở chính, một dành cho nam, ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ, do các sư huynh đảm nhiệm; một dành cho nữ và các trẻ nam dưới 12 tuổi trong khuôn viên nhà phước, do các nữ tu Tập viện Gò Thị đảm nhiệm. Hai trường tổng cộng khoảng trăm em, ít nhiều tùy theo mùa.
 
Lớp học cũng được tổ chức ở các họ nhánh, lúc chỗ này lúc chỗ kia, khi các thầy giảng không bận lớp giáo lý tân tòng hay chuẩn bị cho trẻ em xưng tội rước lễ lần đầu.
 
Nhìn những cơ sở đẹp đẽ và nhân lực của địa sở, ta đoán được nguồn lực vật chất dồi dào. Sự thịnh vượng này phần lớn là nhờ đầu óc thực tế của vị thừa sai giỏi giang là cha Geffroy, cha sở Gia Hựu từ năm 1879 đến 1918.
 
Gia Hựu không là miền đất màu mỡ với những cánh đồng lúa, ta chỉ thấy điều này ở nơi xa hơn về phía núi như Cự Tài, Cẩn Hậu, Bàu Giêng. Nhưng đây chính là xứ dừa, nhất là vùng Gia Hựu, Xoài, Kim Bồng, nơi có đất nhẹ, nhiều cát, một ít phèn, không trồng được gì ngoài cây mía gầy, khoai lang, đậu phộng, khoai mì. Vì thế, người ta nói rằng trồng một vườn dừa thì có giá hơn một thửa ruộng cùng một diện tích: lá dừa dùng làm mái lợp nhà, tàu lá làm củi đốt, thân dừa làm gỗ xây dựng, cùi dừa cho ra một loại dầu rất được yêu thích dùng vào nhiều mục đích khác nhau; với xơ dừa, người ta làm ra những sợi dây thừng, bàn chải, thảm dừa và những vật dụng khác. Các sản phẩm địa phương này có trong hầu hết mọi nhà, được bán ra khắp miền Đông Dương và cho đến tận Hồng Kông. Vài gia đình ở Xoài và Kim Bồng sản xuất những sản phẩm này ở quy mô lớn hoặc thu mua ở các vùng chung quanh, và rồi vận chuyển bằng thuyền buồm hay xe lửa đến tận Nam Kỳ hay ra tận Bắc Kỳ.
 
Chính vì thế mà Gia Hựu cũng như toàn vùng Bồng Sơn đã không quá khó khăn để nuôi sống số dân cư đông đúc, nói chung vẫn còn nghèo và gia tăng đều đặn hằng năm dù cho một số gia đình rời bỏ quê hương đi định cư hẳn ở Kontum và các tỉnh phía Nam. Cũng chính vì nhờ những công việc tiểu thủ công nghiệp địa phương này mà Gia Hựu phần nào nuôi sống tương đối cô nhi viện của mình.
 
Có ai biết được rằng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII thì Gia Hựu đã có 600 giáo dân, Bàu Giêng có 300 giáo dân không? Ngoài một hai địa sở ở Quảng Nam, một hai địa sở ở Khánh Hòa, có nơi nào trong địa phận, ở Bình Định hay các nơi khác, lại có được một con số tương đương như vậy vào thời điểm khởi đầu công việc tông đồ tại xứ sở này? Xoài, Kim Bồng, Phú Sanh là những sở họ rất lâu đời; Cẩn Hậu và Cự Tài có từ trước năm 1885; chỉ có Hy Văn và Hy Thế là có từ sau năm 1890.
 
Từ năm 1840 đến 1861, Gia Hựu đã chia sẻ với Gò Thị niềm vinh dự cũng như hiểm nguy khi là chổ ẩn nấp cho Chân phước Cuênot, người đã lẫn trốn tại Gia Hựu khi những tay sai của các quan bách đạo lùng sục khiến cho Gò Thị trở thành nơi quá nguy hiểm. Chính tại Gia Hựu, như một tổng hành dinh, là nơi các sĩ tử được gởi đi Pinang để học thần học. Họ xuống thuyền ở Kim Bồng hay Tam Quan, trên những chiếc thuyền buồm của giáo dân hay người ngoại giáo. Chính họ sẽ trở lại Gia Hựu cũng bằng phương tiện ấy một vài năm sau đó để chuẩn bị chịu chức, thường thì Chân phước (Cuênot) truyền chức ở Gò Thị, và đôi khi ở ngay Gia Hựu.
 
Chẳng phải Đức cha Charbonnier (Trí) đến từ Pháp vào năm 1866 đã vào cửa Kim Bồng để lãnh nhận địa phận sao? Và chẳng phải Đức cha đã ở tại Gia Hựu trước hết, trước khi định cư hẳn ở Làng Sông một vài năm sau đó, nơi mà các vị kế nhiệm ngài vẫn cư ngụ cho đến năm 1931 sao?
 
Do đó, ta có thể kết luận mà không sợ nhầm lẫn rằng giáo dân ở Gia Hựu xưa kia không chỉ đông đúc mà còn rất tốt, hết lòng vì các linh mục của mình. Về điều này, chúng tôi có chứng từ của cha Geffroy đã viết trong hồi ký của mình khi nói về Gia Hựu trước năm 1885: “Gia Hựu là một địa sở gương mẫu” (Gia Huu était une chrétienté modèle). Tôi tin rằng chúng ta cũng có thể nhắc lại nhận xét này khi nói cách đơn giản về các địa sở của Gia Hựu ngày nay rằng chúng vẫn tốt, và Gia Hựu là tốt nhất, và còn có thể nói thêm nữa như cha Geffroy đã nói, rằng Xoài, nơi có nhiều gia đình sống nghề thương mại, cũng chưa được tốt lắm!
 
Cuối cùng, trong số các địa sở trong địa phận, địa sở Gia Hựu có quyền hãnh diện về các chứng nhân 1885 của mình.
 
Trước cuộc thảm sát, địa sở gồm có 2.781 giáo dân: 480 ở Xoài, 275 ở Bến Đá, 200 ở Bàu Giêng, 206 ở Kim Bồng, 154 ở Phú Sanh, 104 ở Tam Quan, 85 ở Cẩn Hậu, 42 ở Xóm Bàu (Gia An), 48 ở Cự Tài, 27 ở Phú Thọ, và 1.130 ở Gia Hựu, gồm cả 279 người của Nhà Dòng, Nhà Phước và Cô Nhi.
 
Sau cuộc chém giết ở Quảng Ngãi vào các ngày 16, 17, 18 tháng Bảy, giáo dân Trà Câu lẫn trốn được đã vào đến Gia Hựu, rõ ràng Gia Hựu cũng như toàn tỉnh Bình Định sẽ đến phiên lượt mình chẳng bao lâu nữa. Cha Geffroy lập tức dự tính kháng cự, và rồi ngay trong đêm 23 rạng 24, ngài lên thuyền đi Huế để cầu cứu. Tại đây, ngài và cha Lacassagne được Đức cha Camelbecke sai đi từ Làng Sông, đã không hội kiến được với ông Thống tướng De Courcy một giây phút nào. Còn ông thống tướng bị lừa phỉnh nên vẫn tin rằng đất nước rồi ra sẽ được bình yên.
 
Bão tố nổi lên một tuần sau đó.
 
Phân nửa giáo dân Kim Bồng trốn được vào Qui Nhơn bằng thuyền. Giáo dân Bàu Giêng ở lại, đã bị thảm sát hoặc thiêu sống trong nhà thờ; trong số những kẻ sống sót, có đứa bé lên một tuổi, sau này là cha Châu. Người mẹ đã cứu ngài thoát chết khi giao ngài cho một phụ nữ ngoại giáo ngay trước khi bà gục ngã dưới nhát chém của những kẻ giết người. Nhiều giáo dân trốn lên núi hay trong những gia đình bạn bè ngoại giáo. Một số lớn tụ về Gia Hựu, nơi bị bao vây vào ngày 4 tháng Tám.
 
Ở Gia Hựu, họ cố gắng chống cự. Nhưng vì thiếu nước để dập tắt các đám cháy mà quân nổi dậy đã đốt những dãy hàng rào được dùng làm thành lũy, cha Nhứt, người Việt, cha trẻ Dupont và quí chức thấy rằng không thể nào kháng cự được nên quyết định phải đi vào Qui Nhơn, cách đấy 100 cây số: họ không biết rằng lúc ấy có một chiếc thuyền đang cập bến cửa Kim Bồng để cứu họ.
 
Cuộc xuất hành bắt đầu ngày 5 tháng Tám, khoảng 10 và 11 giờ sáng, sau khi giải tội chung trong nhà thờ. Đây là đội quân gồm 2.000 người, đàn ông, đàn bà và con trẻ. Không bị những kẻ vây hãm đuổi theo ngay lập tức vì họ bận hôi của, các giáo dân khó nhọc đi được khoảng 15 cây số, nhưng khi đến Hội Đức, họ bị một đám quân vũ trang ào ra chặn lại tại cánh đồng Phú Trăng. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều. Cha Dupont, luôn chờ đợi và mong ước được tử đạo theo những bức thư cuối cùng của ngài, thấy rằng không thể tiến hay lùi được nữa, ngài đã qùy gối dưới một gốc cây bên vệ đường, và bị chém đầu ngay tức khắc ở đấy. Đó là hồi còi cho cuộc tàn sát tập thể, kéo dài suốt ngày hôm ấy cho đến đêm khuya, giữa tiếng hét man rợ của những kẻ sát nhân và tiếng kêu xé lòng của nạn nhân. Giáo dân quỳ gối đón nhận cái chết, họ không còn kháng cự nữa. Xác của họ bị lột sạch áo quần và bỏ nằm ở đấy hai ngày không mồ mã, cho đến khi ông huyện Bồng Sơn ra lệnh ném họ xuống những cái hố sâu đào vội trong những cánh đồng lúa bên phải và bên trái con đường cái.
 
Khi cha Geffroy đi thuyền từ Huế về Qui Nhơn trong đêm 3 rạng ngày 4 tháng Tám, từ ngoài khơi, đi ngang qua Kim Bồng và Bồng Sơn vào ngày 5, ngài thấy những cột khói đen bốc lên từ những nơi quá quen thuộc, và không mấy khó để hiểu ra mọi mặt của thảm họa – vị thừa sai này viết: “Tôi khóc ròng vì không được chết giữa giáo dân của tôi”. Nhưng Chúa Quan Phòng đã có dự kiến của mình, cha Geffroy phải trở nên nhân vật chính và là người thợ giỏi nhất trong công cuộc phục sinh sắp đến.
 
Mãi cho đến giữa tháng Chín 1887, cha Geffroy và giáo dân Bồng Sơn mới đánh liều trở về nhà. Có khoảng 700 người sống sót trong cả vùng Bồng Sơn, trên tổng số 7.500 giáo dân. Trước hết, cha Geffroy ở ngay tại Bồng Sơn, gần đồn lính Pháp, mấy ngày sau ngài mới trở về Gia Hựu.
 
Một trong những ý nghĩ đầu tiên của vị thừa sai này là những giáo dân tội nghiệp bị thảm sát tại Hội Đức. Ngài sai người khai quật di cốt họ lên, đặt vào những chiếc hòm lớn mang về Gia Hựu và chôn cất trọng thể trong một lăng mộ to lớn được xây dựng trước cổng vào nhà thờ. Buổi lễ diễn ra giữa những dòng nước mắt và tiếng nức nở của cử tọa gồm con cháu anh em của các tử đạo, không thể nào kể xiết.
 
Quá nhiều máu đã đổ ra nên không thể nào không phát sinh hoa trái. Từ năm 1889 đến sau 1900, con số người lương nhập đạo đã gia tăng hằng trăm người mỗi năm, đến nỗi có thể tách Đồng Quả vào năm 1894, Thác Đá và Đồng Dài vào khoảng năm 1896, và Hội Đức vào năm 1902 thành những xứ độc lập. Sự lớn mạnh phát xuất từ Gia Hựu kéo dài đến năm 1906, và có cha Geffroy là linh hồn, và rồi tiếp đến là sự kinh hoàng mà chúng tôi đã nói[1], không chỉ là dừng lại những cuộc cải đạo mà là sự thụt lùi! Tuy nhiên, điều này ít gây ảnh hưởng ở Gia Hựu hơn những vùng còn lại ở Bồng Sơn, bởi vì ở Gia Hựu các tân tòng sống giữa một số đông giáo dân kỳ cựu.
 
Ngày nay, nếu tính số người ở nhà phước, cô nhi và nhà chung Gia Hựu trước năm 1885 là 279 và con số này nay giảm khoảng 60, ta có thể nói rằng địa sở đã lấy lại số dân trước các vụ thảm sát.
 
Suy cho cùng, Gia Hựu là một trong những địa sở đẹp nhất địa phận, một thứ thiên đàng hạ giới (une sorte de paradise terrestre) cho những linh mục và thầy giảng được vinh dự làm việc nơi đây. Chỉ cầu mong sao cho một ngày không xa, Gia Hựu sẽ lại một lần nữa như thời sau năm 1885, sẽ đứng đầu một phong trào trở lại đạo mà họ có đủ nguồn tài lực và nhân lực để làm điều đó.
 

[1] Lý do là Nhật thắng Nga (khoảng 1905) và điều này đã tác động đến khắp vùng Viễn Đông. Những tiếng đồn về chiến tranh và bách hại do các văn thân thổi phồng lên đã lan truyền khắp xứ. Hậu quả là những người tân tòng bỏ đạo vì sợ. (chú thích của người dịch)

 


Đài kỷ niệm tử đạo 1885 (Mã Thánh)
(hình vẽ lại)
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 8476
  • Tháng hiện tại: 87739
  • Tổng lượt truy cập: 12064526