Trang mới   https://gpquinhon.org

Địa sở Thác Đá

Đăng lúc: Thứ ba - 27/09/2016 05:09



Nhà thờ Thác Đá Thượng hiện nay




 

ĐỊA SỞ THÁC ĐÁ
627 giáo dân


Trích dịch
« Compte-rendu et état de la mission » de Septembre 1940 à Septembre 1941,
Imprimerie de Quinhon, 1941, tr. 12-16
 


Địa sở chính: Thác Đá 148 giáo dân
 
Các họ nhánh:
 
Thác Đá dưới (Thác Đá Hạ): 90
Đại Bình: 180
Trung Yên: 88
Trung Lương: 59
Lại Khánh: 20
Lại Đức: 14
Bồng Sơn: 23
 
Trên con đường cái quan, Thác Đá nằm cách Hội Đức dưới 5 cây số và chỉ vài trăm mét cách cầu Lại Giang. Nhà thờ và nhà xứ hướng mặt về phía Tây, ra hướng đường cái, mời gọi chúng ta bước vào.
 
Một ngôi nhà nguyện đơn sơ, cũng tạm đủ cho thời điểm hiện tại, đã thay thế cho ngôi nhà thờ bị sụp đổ trong trận bão năm 1932, đang chờ cơ hội thuận tiện để xây dựng lại một ngôi nhà thờ mới. Nhà xứ được xây dựng mới đây, có kiến trúc đẹp và thanh nhã; nằm trên mặt nền rất cao, cha Valour[1] muốn tránh những cơn lụt vào tháng mười, tháng mười một, thường rất nguy hiểm tại đây.
 
Bên trong tường rào, nằm về phía phải khi đi vào, thu hút ánh nhìn là một đài kỷ niệm rất đẹp giống như đài ở Gia Hựu nhưng nhỏ hơn nhiều. Đây chính là nơi an nghỉ của các giáo dân Thác Đá nạn nhân của lòng thù hận vì danh kitô hữu vào năm 1885. Bên trái là nhà dạy giáo lý: một thầy dòng[2] dạy ở đó khi không bận việc ở các nơi khác.
 
Trước năm 1885, địa sở Thác Đá, nay được tách làm hai, gồm có 400 giáo dân, một tu viện và một cô nhi viện, cả thảy 140 người, và chính tại Thác Đá dưới, cách Thác Đá hiện thời khoảng hai cây số về phía hạ lưu, là nhà thờ và là trung tâm của địa sở. Địa sở gồm 1.800 linh hồn, và cùng với sở chính, không chỉ bao gồm các họ nhánh là Đại Bình, Trung Yên, Trung Lương, nhưng còn có Mỹ Thọ, Vạn, Tân Đức và Lò Gốm.
 
Tất cả bị ngập chìm trong máu lửa vào năm 1885. Vào tháng Bảy năm ấy, Cha Barrat và cha phó là cha Mão, thường ở Đồng Dài, đã nhận được lệnh của Đức cha Camelbecke là quy tụ về Làng Sông và Qui Nhơn trong trường hợp nguy kịch, nhưng giáo dân Thác Đá xét rằng không thể thực hiện cuộc chạy trốn được nên các cha trả lời cho giám mục rằng bổn phận của mình là ở lại với đàn chiên. Địa sở Thác Đá bị vây hãm vào chiều ngày 3 tháng 8, và trong đêm ngày 3 cho đến ngày 4, cha Barrat, cha Mão, các nữ tu, trẻ mồ côi và một số giáo dân bị thiêu sống trong nhà thờ, nơi họ ẩn náu để dọn mình chịu chết. Vào thời khắc cuối cùng, một số đông giáo dân đã có thể chạy trốn lên núi; nhưng người ngoại giáo dùng chó săn đuổi họ và kết cục là chỉ có khoảng hai mươi người thoát chết. Trong các sở họ khác, cuộc thảm sát xảy ra vào ngày 4 và 5 tháng Tám. Trên 1.800 giáo dân, có rất ít người thoát chết.
 
Từ 1889 đến sau năm 1900, tất cả những sở họ cũ được tái lập, thêm đông đúc nhờ có người ngoại giáo cải đạo, ngoại trừ Lò Gốm ở phía trước Mỹ Thọ, phía bờ sông bên kia. Mỹ Thọ, Vạn, Tân Đức được hồi sinh, nhập vào địa sở mới Hội Đức. Những sở mới nổi lên đây đó: Định Bường, Diên Khánh, Lại Đức, Lại Khánh. Về phần Bồng Sơn, phía bên tả ngạn dòng sông, chưa bao giờ là một địa sở đúng nghĩa, nhưng chỉ là trung tâm hành chính Pháp và Việt trong toàn vùng, có vài gia đình Công giáo buôn bán và làm công chức.
 
Như những địa sở khác của vùng Bồng Sơn, Thác Đá cũng đã có thời thịnh vượng vào khoảng năm 1900, nhưng rồi xảy ra các biến cố vào năm 1906 và 1908, các tân tòng ở Thác Đá cũng chẳng vững vàng hơn các nơi khác, dân số địa sở đã đạt được con số trước các cuộc thảm sát, nay tuột dốc đến độ như chúng thấy ngày nay. Nếu có gượng gạo trở lại thì cũng không mấy ấn tượng, rất chậm! Dường như chậm hơn Gia Hựu và Hội Đức.
 
Thác Đá dưới và Trung Yên là những sở họ nhỏ, Thác Đá và Đại Bình là hai sở họ quan trọng hơn nhưng cũng không khẳng định được mình, chỉ có vài gia đình nhưng cho đến nay cũng chẳng nêu được gương tốt như người ta hằng chờ đợi nơi những giáo dân đạo gốc trong các xứ tân tòng.
 
Thật sự khí hậu ở Thác Đá có trong lành không? Ta biết rằng ở các xứ nóng, núi non và các vùng phụ cận hầu như luôn độc hại: thế mà các sở họ Thác Đá, Thác Đá dưới, Đại Bình, Lại Đức lại dựa lưng vào dãy núi chạy từ hữu ngạn sông Lại Giang cho đến mũi Hà Ra ở Nước Nhỉ, và xa hơn nữa.
 
Vị trí Thác Đá không trong lành đã đành, dường như càng thêm xấu khi cách nhà xứ chừng hai trăm mét, ở bên kia con đường sắt chạy dọc theo ngọn núi, có một con kênh lớn khô cạn, là nơi ẩn náu thật sự của muỗi mòng. Cuối cùng, hướng nhà xứ có thể bị buộc phải quay mặt về phía Tây, thế nhưng ta cũng biết rằng sức khỏe trở nên xấu đi khi nhà hướng về phía này.
 
Hơn nữa, các giáo dân tội nghiệp của chúng ta ở Thác Đá và Thác Đá dưới thiếu không gian sống. Không kể một ít củi đốt mà họ kiếm được trên núi và đem bán ngoài chợ lân cận, họ chỉ sống nhờ dãi đất hẹp nằm trong góc nơi núi và sông hợp nhau tại Thác Đá dưới.
 
Vì những lý do này, tôi tin rằng về lâu về dài, sẽ thuận lợi hơn nếu đặt trung tâm địa sở trên bờ bên kia sông, hoặc ở Bồng Sơn nếu có thể, hoặc ở Trung Lương, cách hai cây số về phía thượng nguồn cầu Lại Giang. Chúng ta không còn ở thời bách hại nữa, khi mà luôn có lợi thế hơn nếu ở dưới chân núi.
 
Dù sao đi nữa, trong khi chờ đợi, Thác Đá luôn có một tầm quan trọng đặc biệt nhờ vị trí địa lý nằm giữa hai ga xe lửa Bồng Sơn và Bình Chương, rất gần với bưu điện, chợ lớn, nhà thương, chính quyền hành chánh địa phương Pháp cũng như Việt, các ngã đường đều tụ về đây, đường đất cũng như đường thủy, từ Đồng Quả - Gia Chiểu, từ An Lão – Đồng Dài đến đây, hoặc ngược dòng từ cửa An Dũ về hướng đường cái quan. Như thế, cha sở Thác Đá thấy mình như được chỉ định để đón tiếp các đồng nghiệp trong vùng khi công việc đưa họ đến Bồng Sơn, và nguồn lực trong địa sở đã cho phép ngài rất hiếu khách. Công việc tông đồ các ái huynh đệ này, cha Tý đã sẵn lòng thực hiện hết sức mình, theo gương các vị tiền nhiệm.



[1] Cha Paul Valour (1909-1971), tên Việt Nam là Lực, làm cha sở Thác Đá vào năm 1936. Năm 1937 đi Lệ Sơn, 1938 Trà Kiệu, 1944 Đà Nẵng, 1947 Dinh Thủy, 1951 Đà Nẵng, 1957 Phan Thiết, Bình Cang từ 1958 đến 1967. Sau đó trở về Pháp và chết vì tai nạn ngày 4 tháng Mười Hai 1971. (Các chú thích của người dịch)
[2] Dòng Giuse.
 


Nhà mồ Thác Đá Thượng (Đài tưởng niệm các tử đạo)



Nhà thờ Thác Đá Hạ hiện nay


 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 2829
  • Tháng hiện tại: 158636
  • Tổng lượt truy cập: 12135423