Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáo xứ Đồng Dài

Đăng lúc: Thứ tư - 13/02/2013 19:52
GIÁO XỨ ĐỒNG DÀI
 
 
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :

            Giáo xứ Đồng Dài thuộc vùng Tây Bắc Bình Định. Mẹ Maria tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội là bổn mạng của Giáo xứ. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Giáo xứ là nhà thờ Đồng Dài thuộc thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân. Từ thị trấn Bồng Sơn theo tỉnh lộ 629 đến nhà thờ Đồng Dài khoảng 11 km.
           
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :

Vùng đất Đồng Dài được dòng sông An Lão cung cấp nguồn nước tưới và đem lại phù sa màu mỡ. Ngoài ruộng lúa nước và dâu nuôi tằm trên cánh đồng xanh ngát; trong các khu vườn dân cư còn có cau, chuối, dừa... đã cho thấy nguồn sống phong phú của cư dân nơi đây.

 Đồng Dài, Đồng Hâu và Đồng Quả là ba điểm tạo thành tam giác cân bao trọn vùng trung tâm huyện Hoài Ân. Đỉnh tam giác là Đồng Hâu ở góc phía Nam, Đồng Dài ở góc phía Đông tiếp giáp với Bồng Sơn, Đồng Quả ở góc phía Tây, miền núi cao.

Theo nguồn sử liệu tổng kết hoạt động truyền giáo của Dòng Phanxicô tại Việt Nam từ năm 1719 đến năm 1813, Đồng Dài thuộc vùng đất được các thừa sai Phanxicô chăm sóc mục vụ và rao giảng Tin Mừng[1].

Vùng truyền giáo được phân chia phụ trách như thế, nhưng thực tế các thừa sai Phanxicô không đủ nhân sự đáp ứng nhu cầu mục vụ. Tình trạng thiếu nhân sự nầy được Vị Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong, Đức Cha Jean Labartette đề cập đến trong một lá thư đề ngày 11-03-1807 gởi cho Cha Beiret  :“ Cha biết từ tỉnh Gia Định hay là  Dong-Nai cho đến Đàng Ngoài, các Cha Dòng Phanxicô chỉ có hạt truyền giáo ở ba nơi : Ở Kinh đô, Quảng Nam và ở Qui Nhơn. Số giáo dân của các Cha này ở Kinh đô không quá 300 hay chừng đó, ở Quảng Nam các Cha này có 400 hay 500 giáo dân là nhiều, ở Qui Nhơn có độ 3.000. Ngoài ra từ Dong-Nai đến Đàng Ngoài đều thuộc về anh em chúng ta. Xin Cha lưu ý điều nầy nữa là từ 30 năm nay, các Cha ấy không bao giờ đến ban các bí tích cho ba hạt nói trên .  Anh em chúng ta phải chăm sóc số giáo dân đó như giáo dân của anh em chúng ta, vì các Cha ấy thiếu nhân sự.” [2]

Sau thời điểm năm 1813, vùng truyền giáo phía Bắc Bình Định, từ Mương Lở đến Gia Hựu được các thừa sai Hội Truyền Giáo Balê đảm nhận. Trong thời điểm con số Linh mục quá thiếu thốn lại thêm hoàn cảnh khó khăn do những chiếu chỉ cấm đạo của Vua Minh Mạng, việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu hẳn là nỗi khó. Năm 1830, Cha Isidore Gagelin đang ở Lái Thiêu, được Đức Cha Taberd bổ nhiệm làm Tổng Đại Diện giáo phận và chăm sóc mục vụ các tín hữu ở miền Trung. Theo lệnh bổ nhiệm, Cha Isidore Gagelin đã đến làm việc tại miền Trung được 03 năm. Trong thời gian nầy Cha Gagelin phải rày đây mai đó trong vùng Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi . Ngày 06-01-1833, Vua Minh Mạng ra chiếu cấm đạo gắt gao, Cha Gagelin phải tạm ẩn trú cho đến cuối tháng 5-1833. Từ  Long Quan, một giáo điểm nhỏ của Đồng Dài, Cha Gagelin tự nộp mình cho quan huyện Bồng Sơn nhằm xoa dịu những cơn bách hại các tín hữu. Ngày 23-08-1833, Cha Gagelin được áp giải về tới Huế. Ngày 17-10-1833 chịu tử đạo tại Bãi Dâu, Huế. Ngày 19-06-1988 được tuyên phong hiển thánh.

 Theo thống kê năm 1850 của Đức Cha Cuénot Thể, vùng đất thuộc Giáo xứ Đồng Dài ngày nay có : Đồng Dài 233 tín hữu và Truông Ổi 69 tín hữu . Lúc bấy giờ vùng đất thuộc giáo xứ Đồng Dài do các linh mục từ Thác Đá đến chăm sóc mục vụ.

Thời điểm năm 1885, giáo xứ Đồng Dài có 1.266 tín hữu, trong đó tại Đồng Dài có 680, Long Quơn (Quan) 154, Truông Ổi 132 và Bửu An 300. Trong phong trào Văn Thân,  cùng chung số phận với các tín hữu ở các nơi khác trong vùng, các tín hữu Đồng Dài đã bị Văn Thân sát hại không thương tiếc. Một số chạy trốn lên rừng cũng bị Văn Thân cho chó săn lùng và giết hại. Cha Mão, Cha phó Thác Đá đặc trách Đồng Dài cũng bị thiêu sống trong nhà thờ Thác Đá cùng với Cha Barrat, Cha sở Thác Đá. Riêng giáo họ Bửu An không còn ai sống sót [3].
 
CÁC LINH MỤC CHĂM SÓC MỤC VỤ TẠI ĐỒNG DÀI SAU PHONG TRÀO VĂN THÂN
 
  1. Cha Phêrô Niên ( 1890 – 1906 )
Năm 1890, 05 năm sau biến cố Văn Thân giết hại các tín hữu, Đồng Dài cũng như các xứ trong vùng Bồng Sơn đón nhận rất nhiều người tòng giáo. Cha Phêrô Niên từ Đồng Quả được bổ nhiệm về Đồng Dài. Sau 09 năm chăm sóc mục vụ tại Đồng Dài, thiết lập nhiều giáo điểm, Cha Niên xuống sức. Năm 1899, Cha Poyet được bổ nhiệm tăng cường về Đồng Dài. Năm 1906, Cha Niên về nghỉ hưu tại gia đình ở Kim Châu. Lúc bấy giờ Đồng Dài đã có hơn 2.000 tín hữu trong 24 giáo điểm. Phước Bình và Cẩm Đức[4] là hai giáo điểm tương đối sầm uất.
 
  1. Cha Denis Poyet ( 1899-1912)
Cha Denis Poyet thụ phong linh  mục ngày 24-09-1887. Cha đến Đông Đàng Trong khoảng giữa tháng 01-1888. Sau khi học tiếng Việt tại Nam Bình, Cha được bổ nhiệm làm việc tại miền truyền giáo Kon Tum. Năm 1899, Cha được bổ nhiệm về Đồng Dài. Cha ký sổ rửa tội đầu tiên tại Đồng Dài vào ngày 26-04-1899.
Năm 1908, Cha Antôn Cẩm được bổ nhiệm đến Đồng Dài, phụ tá cho Cha Poyet.
Từ năm 1906 đến năm 1908, các tân tòng xin bỏ đạo hàng loạt [5]. Các giáo điểm vừa mới được thành lập bị tan rã. Riêng giáo điểm Xuân Phong[6] còn giữ được nhờ một người giúp việc cho Cha Jean Baptiste Guerlach [7].
  1.  Cha Anrê Cậy  (1912-1917)
  2.  Cha Giacôbê Chỉ  ( 8.1917- 7.1923), Cha sở Thác Đá kiêm Đồng Dài
  3.  Cha François Jamet  ( 9.1923- 3.1925), Cha sở Thác Đá kiêm Đồng Dài
  4.  Cha Émile  Laborier ( 8.1925-1.1926),  Cha sở Thác Đá kiêm Đồng Dài
  5.  Cha Phêrô Lê Đức Kính ( 01.1926-7.1926), Cha phó Đồng Quả, biệt lập tại Đồng Hâu, kiêm  nhiệm Đồng Dài.
  6.  Cha J.B. Nguyễn Văn Hậu ( 7.1926- 6.1927), Cha sở Thác Đá kiêm nhiệm Đồng Dài
  7.  Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Lệ  ( 8.1927 – 1940 )
  8.  Cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển  ( 1941-1943 )
  9.  Cha Giuse Nguyễn Tý  ( 04.1943 – 08. 1943 ), Cha sở Đại Bình kiêm nhiệm Đồng Dài
  10.  Cha Phêrô Nhì  ( 08.1943 -1945 )
  11.  Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn  (1945-1949)
  12.  Cha Philipphê Nguyễn Anh Thọ  (1949-1952)
  13.  Cha Phêrô Lê Vĩnh Phước  ( 04.1952 – 08.1955)
  14.  Cha Phêrô Nguyễn Đức Mân  (12.1955- 1956 )
  15.  Cha Gioakim Đoàn Kim Hiền  ( 3.1956 – 9.1958 )
  16.  Cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa  ( 10.1958 – 5.1964 )
 
Năm 1964, Cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa được bổ nhiệm làm Cha sở Hội Đức, kiêm nhiệm hạt trưởng Bồng Sơn. Từ thời điểm nầy Đồng Dài không có Cha sở ở thường xuyên tại chổ. Cha Gioakim Hóa ở Hội Đức nhưng vẫn chăm sóc mục vụ giáo dân Đồng Dài. Khi chiến tranh bùng nổ, giáo dân dần dần di cư đi nơi khác. Sau khi hòa bình vãn hồi, một số giáo dân hồi cư. Sau đây là con số giáo dân thuộc Giáo xứ Đồng Dài trong từng thời điểm cụ thể [8]:
 
NĂM 1910 1940 1960 1964 1965 1966 1967 2007
SỐ
Giáo Dân
425 452 942 1.316 1.390 1.445 63 235
 
Hiện nay Đồng Dài có 235 giáo dân trong 03 giáo họ được Cha Sở Đại Bình chăm sóc mục vụ :
 

STT

GIÁO HỌ ĐỊA CHỈ GIÁO DÂN NHÀ THỜ BỔN MẠNG
01 Đồng Dài Mỹ Thành, An Mỹ, Hoài Ân 82 Còn nền Đức Mẹ Vô Nhiễm
02 Long Quan Long Quan, An Mỹ, Hoài Ân 17 Không còn  
03 Xuân Phong Xuân Phong, An Hòa, An Lão 136 Không còn  
 
 
III. CƠ SỞ VẬT CHẤT :

Nhà thờ và nhà xứ Đồng Dài từ thời Cha Phêrô Niên được thiết dựng tại một vị trí thấp, hằng năm thường bị ngập lụt. Nhà thờ được làm bằng vật liệu thô sơ, tranh tre, vách đất. Năm 1926, nước lụt dâng cao, nhà thờ bị ngập 1,5 mét, nhà thờ đã bị sập. Nhà xứ được làm từ thời Cha Denis Poyet cũng bị ngập 2,2 mét trong nước. Lúc bấy giờ tại Đồng Dài không có linh mục ở tại chổ, Cha sở Thác Đá kiêm nhiệm. Do đó nhà thờ và nhà xứ chưa được tái thiết.

Khi Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Lệ được bổ nhiệm làm Cha sở Đồng Dài, Cha chọn một nơi ở tạm. Sau đó Cha chọn một vị trí cao hơn để làm nhà thờ và nhà xứ. Nhà thờ được chống đỡ bằng những cột gỗ tốt nhưng vẫn mái tranh, vách đất. Năm 1932, vị trí nầy vẫn bị ngập lụt cùng với cơn bão lớn đã phá đổ toàn bộ nhà thờ.

Thời Cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển làm Cha sở Đồng Dài, Cha đã dời nhà thờ và nhà xứ đến vị trí mới cao hơn để tạm tránh khỏi nước lụt hằng năm.

Trong thời gian chiến tranh, nhà thờ và nhà xứ hoang phế và mục nát. Hiện nay chỉ còn nền, chưa được tái thiết.
 
IV. LINH MỤC XUẤT THÂN TỪ ĐỒNG DÀI
  1. Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn
Sinh ngày 01-09-1922 tại Đồng Dài, thụ phong linh mục ngày 25-01-1956, qua đời ngày 10-01-2002. Cha là một thi sĩ đại tài đã dày công diễn toàn bộ Phúc Âm qua 9.764 câu thơ lục bát mượt mà hương vị Việt.
 
V. KẾT
 
Lạy Chúa Giêsu ! Xin hãy đến.
 
 

 
[1] Marie-Antoine Trần Phổ OFM. Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam, trang 183, 186.
[2] Marie-Antoine Trần Phổ OFM. Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam, trang 183 /. Launay, Histoire générale de la  société des mission étrangères, Q.III, trang 476.
[3] Compte-Rendu Mission de Qui Nhon 1941, p. 19-21.
[4] Phước Bình và Cẩm Đức ngày nay thuộc xã An Hảo, huyện Hoài An.
[5] Ngày 09-12-1905, luật Séparation des Églises et de l’État  (phân biệt quyền bính Giáo hội và Nhà nước) được ban hành tại Pháp. Các quan chức Pháp ở Việt Nam không thiện cảm với Giáo Hội đã dựa vào luật nầy ngầm xui giục các tín hữu bỏ đạo. Một số thân hào nhân sĩ và quan chức Việt Nam cũng đồng tình ủng hộ các quan chức Pháp. Tiếp theo sự kiện nầy, đầu năm 1908, một phong trào quần chúng được gọi là ‘loạn đồng bào’ do các sĩ phu yêu nước khơi dậy, biểu tình ôn hòa đòi chính quyền đô hộ phải giảm thuế. Các tín hữu tân tòng lo ngại phong trào nầy có thể sẽ trở thành ‘phong trào Văn thân thứ 2’. Từ hai sự kiện đó, từ năm 1906 đến 1908 nhiều tân tõng đã bỏ đạo.
[6] Xuân Phong ngày nay thuộc xã An Hòa, huyện An Lão.
[7] Cha J.B. Guerlach thụ phong linh mục ngày 04-03-1882. Học tiếng Việt tại Gò Xoài, Gia Hựu. Cha làm việc tại KonTum. Qua đời ngày 29-01-1912 tại Kon Tum. Người giúp việc cho Cha quê ở Xuân Phong. Sau thời gian giúp cho Cha ở Kon Tum, ông trở về quê Xuân Phong của mình.
[8] Theo Mémorial, Compte-Rendu và  lịch Công Giáo Địa Phận Qui Nhơn-Đà Nẵng.
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 4976
  • Tháng hiện tại: 117132
  • Tổng lượt truy cập: 12261392