Trang mới   https://gpquinhon.org

Huấn dụ của ĐGM giáo phận cho các linh mục trong cuộc tĩnh tâm thường niên 2013

Đăng lúc: Thứ năm - 21/02/2013 11:30
HUẤN DỤ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
CHO CÁC LINH MỤC

Trong cuộc tĩnh tâm thường niên 2013
 
Chúng ta đang cùng với Giáo Hội hoàn vũ bước đi trên lộ trình thiêng liêng của Năm Đức Tin đã khai mạc vào ngày 11 tháng 10 năm 2012 và sẽ bế mạc vào lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, ngày 24 tháng 11 năm 2013. Cách riêng đối với giáo phận Qui Nhơn chúng ta thì đây là năm củng cố đức tin của mọi thành phần dân Chúa để làm cơ sở đẩy mạnh công cuộc truyền giáo đã bắt đầu từ gần 400 năm qua, vào năm 1618, với các vị thừa sai dòng Tên. Chúng ta hy vọng rằng đến năm 2018, khi cử hành Năm Thánh giáo phận mừng 400 năm đón nhận Tin Mừng, sẽ có một đoàn chiên đông đảo được qui tụ về từ khắp mọi nẻo đường trong ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
 
Để niềm hy vọng của chúng ta biến thành hiện thực, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận phải cộng tác với ơn Chúa bằng sự nỗ lực không ngừng, hy sinh tận tụy, và có nhiều sáng kiến. Nhưng tất cả những điều đó sẽ không đem lại kết quả nếu không được phối hợp và điều hành bởi các vị chủ chăn trong giáo phận, từ giám mục đến các linh mục. Sau đây xin được chia sẻ với quí cha một số điều đáng quan tâm như sau:

1. Giúp mọi thành phần dân Chúa sống Năm Đức Tin
 
Để sống Năm Đức Tin này chúng ta có sự hướng dẫn của Tòa Thánh qua tông thư Porta fidei của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và văn thư hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin của Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Cả hai văn kiện này đều mời gọi chúng ta học hỏi giáo huấn của cộng đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo. Tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta việc học hỏi này được tổ chức cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân bằng những đề tài cho mỗi tháng. Ngoài ra còn có việc học hỏi lịch sử giáo phận thời kỳ từ vị giám mục tiên khởi là Đức Cha Lambert de la Motte cho đến khi vị chủ chăn thứ mười là thánh giám mục Stêphanô Cuénot Thể bắt đầu lãnh nhận sứ vụ. Xin quí cha cố gắng nghiên cứu các tài liệu và tích cực giúp dân Chúa học hỏi và thực hành theo chương trình giáo phận đã đưa ra.
 
Ngoài ra, để giúp các thành phần khác nhau trong giáo phận hiểu và sống Năm Đức Tin theo giáo huấn của công đồng Vaticanô II và Giáo lý của Hội Thánh công giáo, trong văn thư Hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin, Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã viết: “Mỗi vị giám mục nên dành một thư mục vụ viết về đức tin, dựa vào hoàn cảnh mục vụ cụ thể liên quan đến các tín hữu được trao phó cho mình, trong đó nhắc lại tầm quan trọng của công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo”.[1] Thực hiện chỉ dẫn này, vào những ngày cử hành Năm Đức Tin cho giáo phận, cho các giáo hạt, cho các giới, các thành phần, các ban ngành đoàn thể, tôi đều gửi những bức thư mục vụ đến cộng đoàn dân Chúa. Xin các cha  đọc trước thánh lễ hoặc một lúc nào đó thích hợp, đồng thời tìm cách giúp mọi người hiểu và thực hiện.
 
2. Củng cố đức tin và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo
 
Truyền giáo là một định hướng xuyên suốt những hoạt động của giáo phận cũng như của Giáo Hội hoàn vũ, vì bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Tuy nhiên, để có thể chia sẻ đức tin cho người khác thì trước hết chúng ta phải có một đức tin mạnh mẽ, bởi lẽ không ai có thể cho kẻ khác điều mình không có.
 
Việc củng cố đức tin được thực hiện nhờ học hỏi và suy niệm Lời Chúa, siêng năng và sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ, nhất là thánh lễ. Việc củng cố ấy còn phải được thực hiện nhờ sống Lời Chúa và các mầu nhiệm thánh được diễn tả qua các bí tích, nhờ tuyên xưng niềm tin bằng lời nói và hành động, cũng như nhờ xây dựng đời sống hiệp thông tại các giáo xứ và các cộng đoàn để giúp nhau sống đức tin, biến giáo xứ thành một cộng đoàn đức tin, cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn thờ phượng, cộng đoàn sống đạo và cộng đoàn hiệp thông huynh đệ như cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem.
 
Tuy nhiên đời sống Kitô hữu của các cộng đoàn giáo xứ không dừng lại tại đó như một cộng đoàn khép kín, mà còn phải mở rộng ra với thế giới bên ngoài. Mở ra thế giới bên ngoài là chấp nhận rủi ro, thách đố, nhưng thánh ý Thiên Chúa lại muốn như thế, như chúng ta thấy trong trường hợp của cộng đoàn Giêrusalem. Quả thế, các tín hữu đầu tiên tại Giêrusalem đang sống với nhau trong một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất, đoàn kết, tương trợ, chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và nhận lãnh các bí tích, thì cơn bách hại khốc liệt đã ập đến, bắt đầu từ cái chết của phó tế Stêphanô, khiến nhiều người phải rời bỏ Giêrusalem và chạy lánh nạn sang các miền khác. Tuy nhiên Thiên Chúa quyền năng đã có thể biến nguy cơ thành thời cơ. Người ta cứ tưởng rằng Giáo Hội sơ khai đang có nguy cơ bị tiêu diệt, nhưng không ngờ đó lại là thời cơ khiến Tin Mừng thay vì chỉ đóng khung tại chỗ thì nay lại được loan truyền rộng rãi tại các miền khác, vì khi đi lánh nạn ở đâu thì các tín hữu đã rao giảng Tin Mừng cho các cư dân ở đó.
 
Vì vậy, các linh mục phụ trách các giáo xứ không chỉ dừng lại ở việc củng cố cộng đoàn giáo xứ, với việc tổ chức kinh lễ hằng ngày và xây dựng mối hiệp thông huynh đệ giữa các tín hữu, mà còn phải can đảm đi đến với các anh chị em lương dân, như lời công đồng Vaticanô II đã dạy.[2] Một giáo xứ mạnh không chỉ căn cứ trên sự ổn định mà còn phải phát triển, phải mở rộng. Một cha xứ không chỉ cử hành thánh lễ, ban các bí tích và chăm sóc linh hồn các tín hữu, mà còn phải nỗ lực truyền giáo, phải biết huy động và hướng dẫn giáo dân vào công tác truyền giáo. Nhiệt tình truyền giáo là một trong những tiêu chuẩn để tuyển chọn các linh mục, cũng như để đào tạo các chủng sinh tại chủng viện. Chỉ có truyền giáo mới làm cho Giáo Hội phát triển và tiến tới. Nhưng bất kỳ sự tiến tới nào cũng đòi người ta không được đứng yên tại chỗ. Đứng yên tại chỗ là ổn định, nhưng muốn tiến bộ thì phải bước đi. Khi bước đi chỉ có một bàn chân bám đất, đó là một tư thế thiếu cân bằng, nhưng chính sự tiến tới liên tục đã khiến ta không té ngã vì nó tạo nên một thế cân bằng động. Đó chính là nguyên tắc của sự phát triển và tiến bộ trong mọi lãnh vực. Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ trước hết để họ ở với Người, nhưng sau đó Người đã sai họ đi vào giữa lòng thế giới, đối diện với biết bao nguy khó, như chiên non giữa bầy lang sói. Chúa đã sai chúng ta đi, Người sẽ luôn đồng hành với chúng ta (x. Mc 16,20). Sau khi sai các môn đệ lên đường truyền giáo, Người đã hứa sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tân thế (x. Mt 28,19-20).
 
3. Hăng say rao giảng Lời Chúa
 
Nhiệm vụ trước tiên của các linh mục là rao giảng, vì lời rao giảng dẫn đến đức tin, như lời thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Rôma: “Tất cả những ai kêu cầu danh thánh Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! … Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe rao giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,13-15.17).
 
Một nét mới mẻ trong giáo huấn của công đồng Vaticanô II về chức vụ và đời sống linh mục là nhấn mạnh việc rao giảng Tin Mừng như nhiệm vụ hàng đầu của linh mục, xét theo thứ tự thời gian cũng như thứ tự ưu tiên. Việc rao giảng Tin Mừng vừa có đối tượng là những người chưa nhận biết Chúa, vừa nhắm đến cộng đoàn tín hữu. Giáo luật, điều 528, § 1 đã dạy: “Cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong giáo xứ, vì thế ngài phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, cũng như qua việc đào tạo giáo lý”.
 
Có thể do thời thế khó khăn, không thuận tiện, hoặc do hiểu không đúng, mà nhiều linh mục trong thực tế vẫn coi việc rao giảng Tin Mừng là giảng dạy cho cộng đoàn tín hữu, còn việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo là nhiệm vụ của một số người có ơn gọi đặc biệt. Tuy nhiên, công đồng đã nói rất rõ rằng tất cả mọi linh mục, do chức vụ của mình, đều “mắc nợ với mọi người về việc thông truyền chân lý Tin Mừng mà mình đã nhận được nơi Chúa”.[3]
 
Thực ra ngày nay hoàn cảnh cũng không khó hơn ngày xưa khi các tông đồ lên đường rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, hay khi các nhà truyền giáo nối tiếp bước chân các tông đồ đi đến với những miền đất xa lạ, thậm chí thù nghịch. Thánh Phaolô đã viết cho môn đệ mình là Timôthê: “Tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,1-2). Thực ra, các linh mục cũng có nhiều cơ hội thuận tiện để gặp gỡ các anh chị em lương dân trong địa bàn giáo xứ hay những nơi mình làm việc. Những cuộc viếng thăm các gia đình lương dân sinh sống gần gũi với mình là điều khá dễ dàng, nhất là khi họ có những hoàn cảnh đặc biệt như đám giỗ, đám cưới, đám tang, bệnh tật, tai nạn, v.v. Một cuộc viếng thăm thân tình, một chút quà đơn sơ, một sự giúp đỡ chân thành, thường được đón nhận với tất cả sự trân trọng.
 
Ngoài ra các linh mục hãy lợi dụng những dịp lễ có sự hiện diện của anh chi em lương dân tại nhà thờ để rao giảng Tin Mừng cho họ, như lễ Giáng Sinh, lễ hôn phối, lễ an táng. Nhiều cha đã có sáng kiến phát quà Giáng Sinh cho tất cả các trẻ em không phân biệt lương giáo, hoặc mời các em lương dân tham gia những vũ khúc và thánh ca trong đêm Giáng Sinh. Đó là cơ hội thuận tiện để tạo được sự thiện cảm đối với các gia đình lương dân, khiến họ không ngại ngùng khi đến nhà thờ hay đến với các cha. Đó là bước đầu để mở con tim họ đón nhận Tin Mừng. Trong các dịp lễ Giáng Sinh, lễ hôn phối, lễ an táng, là những dịp thường có sự hiện diện của anh chị em lương dân, vì mối quan hệ gia đình hoặc thân hữu của họ đối với những người công giáo liên hệ, các cha hãy quan tâm tiếp đón và gặp gỡ họ với tất cả sự trân trọng và gần gũi. Đồng thời nội dung của các bài giảng cũng hãy đặc biệt nhắm đến họ bằng những cách trình bày đơn sơ, với những từ ngữ dễ hiểu, được lấy từ kho tàng văn hóa dân tộc, từ cách diễn tả địa phương. Tránh những cách trình bày có thể vô tình gây xúc phạm đến họ do sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng và phong tục.
 
Việc rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn tín hữu cũng cần được quan tâm nhiều hơn và thường xuyên, để Lời Chúa trở nên của ăn hàng ngày cho họ. Các tín hữu cũng cần được nghe rao giảng chứ không phải chỉ lãnh nhận bí tích. Hơn nữa, công đồng Vaticanô II đã dạy rằng chính thừa tác vụ Lời Chúa cũng không thể thiếu đối với thừa tác vụ bí tích. Sở dĩ thế “vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy…, đặc biệt trong phần phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ”.[4]
 
Theo lời dạy của công đồng, việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ chiếm một tầm quan trọng rất lớn. Mặc dù theo luật Phụng vụ, bài giảng chỉ buộc đối với các thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng, tuy nhiên theo lời dạy trên đây của công đồng, bài giảng trong tất cả các thánh lễ đều rất hữu ích và cần thiết cho cộng đoàn tín hữu. Do đó, ngay cả trong thánh lễ ngày thường, các cha cũng hãy giảng Lời Chúa cách ngắn gọn cho dân, giúp họ hiểu và sống Lời Chúa mỗi ngày. Việc giảng dạy ấy cho cộng đoàn tín hữu thấy các linh mục thực sự đầu tư cho thánh lễ, bởi vì để có thể giảng dạy thì các linh mục phải học hỏi và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
 
Một điều cần lưu ý là bài giảng thánh lễ khác với bài huấn đức ngoài thánh lễ. Bài huấn đức ngoài thánh lễ có thể dựa trên Lời Chúa hay không cũng được, nhưng bài giảng thánh lễ phải đi từ Lời Chúa và tập trung vào Lời Chúa, như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa trích dẫn trên đây: “Nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Chúng ta hãy dựa trên Lời Chúa mà giảng dạy, vì chỉ Lời Chúa mới là lời hằng sống và có sức biến đổi con người. Mỗi bài giảng đều có hai phần: giảng và dạy. Giảng là  rao truyền và giải thích Lời Chúa cùng với các hành động cứu độ của Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh cho mọi người nghe và hiểu. Đó cũng là điều mà các kinh sư Do thái ngày xưa đã làm tại hội đường vào mỗi ngày sabát, và chính Chúa Giêsu cũng đã làm như thế tại hội đường Nadarét (x. Lc 4,16-22).
 
Dạy là áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống dựa theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Dạy phải đi liền với giảng. Nếu không rao giảng Lời Chúa thì lời dạy của chúng ta sẽ không có cơ sở để người ta chấp nhận, vì chỉ Lời Chúa mới đáng tin, chứ không phải lời của chúng ta, như lời công đồng đã nói: “Phận sự của các ngài không phải là giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy Lời Chúa”.[5] Nếu người ta chưa hiểu được Lời Chúa và ý nghĩa của những hành động cứu độ của Người, thì người ta sẽ không thể chấp nhận lời dạy của chúng ta.
 
Có nhiều bài giảng thánh lễ không bắt nguồn từ các bài Thánh Kinh, cũng không áp dụng giáo huấn của Thánh Kinh, chỉ đề cập đến những chuyện đời, người ta gọi đó là tục hóa bài giảng. Chuyện đời chỉ được đưa vào bài giảng khi nó có liên hệ với các bài Thánh Kinh trong thánh lễ, hay để áp dụng các bài Thánh Kinh đó. Dân chúng đói khát của ăn Lời Chúa nhưng nhiều khi các linh mục lại chỉ cung cấp cho họ những của ăn trần gian, cho dù chúng có thể tốt đối với cuộc sống trần gian, nhưng không có sức đem lại sự sống đời đời.
 
4. Dạy giáo lý
 
Theo giáo luật, điều 528, § 1 vừa được trích dẫn trên đây, ngoài việc giảng dạy Lời Chúa trong thánh lễ và khi cử hành các bí tích, một nhiệm vụ hàng đầu khác của linh mục là dạy giáo lý. Các linh mục quản xứ có thể giao phó việc dạy giáo lý trẻ em cho các giáo lý viên, với sự quan tâm theo dõi thường xuyên. Nhưng để các giáo lý viên có thể giảng dạy có kết quả, thì các cha xứ phải thường xuyên giảng dạy các giáo lý viên, để bồi dưỡng kiến thức giáo lý cho họ.
 
Đối với việc dạy giáo lý dự tòng và hôn nhân, các cha xứ hãy trực tiếp đảm nhận, không nên “khoáng trắng” cho giáo dân hay ngay cả các nữ tu, trừ một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Lý do là vì những người dự tòng trưởng thành cần phải được truyền đạt các chân lý Kitô giáo một cách đầy đủ hết sức, để họ có thể hiểu biết và thực hành đạo. Hơn nữa, phần lớn các dự tòng trưởng thành ngày nay là những sinh viên đại học hay ít nữa cũng có trình độ học thức cao, họ có thể nêu lên những vấn đề hay những thắc mắc mà ngoài các linh mục ra khó có người có thể trả lời thỏa đáng. Các nữ tu hay các giáo lý viên chỉ có thể phụ giúp chứ không thể thay thế linh mục được. Linh mục nào vì lười biếng mà bỏ bê nhiệm vụ này không thể không mắc lỗi trước mặt Chúa.
 
Để việc dạy giáo lý đạt kết quả, các linh mục cần thường xuyên đọc sách thần học, nghiên cứu Thánh Kinh, giáo huấn của Giáo Hội, nhất là các văn kiện công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, đồng thời tìm cách bồi dưỡng kiến thức về các khoa học đời trong những vấn đề có liên quan và về phương pháp giảng dạy.
 
5. Tổ chức các đoàn thể
 
Muốn cho cộng đoàn giáo xứ phát triển, các linh mục cần quan tâm tổ chức các đoàn thể là những cộng đoàn cơ bản. Cộng đoàn giáo xứ gồm rất nhiều thành phần khác nhau, và mỗi thành phần cần được quan tâm cách đặc biệt để mọi người đều tham gia vào đời sống của giáo xứ. Giáo luật, điều 529, § 2 đã dạy: “Cha sở phải nhận biết và cổ vũ phần đóng góp riêng của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội, bằng cách cổ động các hội đoàn của họ nhằm các mục tiêu tôn giáo”.
 
Một linh mục làm việc hết mình không lấy làm thỏa mãn với các bổn phận dâng lễ và ban các bí tích cho giáo dân. Dĩ nhiên, thánh lễ là cao điểm của đời sống linh mục cũng như đời sống của các tín hữu. Thánh lễ là nơi qui tụ cộng đoàn giáo xứ để cùng nhau lắng nghe và tôn thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên, giáo xứ không chỉ là một cộng đoàn thờ phượng mà còn là một cộng đoàn sống và làm chứng cho đức tin và đức ái như một sự nối dài của thánh lễ. Để thực hiện được điều này cần phải có những tác nhân là các đoàn thể. Mỗi đoàn thể qui tụ một nhóm người có hoàn cảnh và công việc giống nhau, vừa để giúp các thành viên sống ơn gọi riêng biệt của mình, vừa để các thành viên trở thành những tông đồ trong giáo xứ.
 
Mỗi nhóm có sinh hoạt riêng và được cha xứ đồng hành, hướng dẫn. Các cha xứ nên thường xuyên tham dự các sinh hoạt của các đoàn thể để nâng đỡ và ban lời huấn dụ. Các tín hữu đã nhiệt tình và quảng đại tham gia các đoàn thể để giúp nhau sống đạo và làm công tác tông đồ, chẳng lẽ các linh mục không có một nhiệt tình và sự quảng đại lớn hơn để làm chỗ dựa cho họ và để giúp họ thực hiện được những gì họ ấp ủ sao?
 
Để đẩy mạnh công tác tông đồ và truyền giáo, giáo phận sẽ đặc biệt phát triển Legio Mariae. Đây không chỉ là một hiệp hội đạo đức, nhưng thực chất là một đoàn thể hoạt động tông đồ rất hiệu lực, như lịch sử giáo phận Qui Nhơn vào những năm trước 1975 đã minh chứng. Mỗi giáo xứ trong toàn giáo phận hãy cố gắng thành lập và phát triển Legio Mariae, như một phương tiện chính yếu của công cuộc tông đồ và truyền giáo. Các linh mục hãy đảm nhận vai trò linh giám để đồng hành, nâng đỡ, và hướng dẫn, giúp các hội viên Legio thêm hiểu biết và tích cực thi hành nhiệm vụ.
 
Đối với các đoàn thể khác ngoài Legio Mariae, các cha cũng hãy cố gắng tổ chức và nuôi dưỡng bằng sự quan tâm chăm sóc. Điều quan trọng là làm sao để các đoàn thể được điều phối thành một mạng lưới, trong đó mỗi đoàn thể đều được quan tâm đúng mức và có thể góp phần tối đa vào công việc mục vụ và truyền giáo của giáo xứ, cũng như cùng phát triển với các đoàn thể tại các giáo xứ khác trong toàn giáo phận.
 
Kết luận
 
Trên đây là một số điểm nhấn mục vụ mà các cha cần quan tâm để thực hiện cuộc Tân Phúc Âm Hóa trong giáo phận. Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang cần đến những linh mục thánh thiện và nhiệt thành truyền giáo, để phục hồi và thăng tiến giáo phận. Xin các cha hãy hy sinh, quên mình, để chỉ quan tâm đến tiền đồ của giáo phận, đến những tín hữu đang cần sự chăm sóc tận tình của các cha, đến các linh hồn vẫn còn chưa nhận biết Chúa. Cuộc đời linh mục của chúng ta sẽ chỉ như một công chức làm việc ăn lương hay chẳng có ý nghĩa gì, nếu mỗi người chúng ta không đem hết sức mình phục vụ Nước Chúa và hạnh phúc đích thực của đồng loại. Cũng chính vì mục đích đó mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta và sai chúng ta đi với những trang bị tối ưu, với những chuẩn bị kỹ lưỡng và cũng với một niềm kỳ vọng lớn lao.
 
 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi


[1] BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin, III, 3, trong Hiệp Thông. Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 72 (tháng 9 & 10 năm 2012), chuyên đề: Chuẩn bị Năm Đức Tin, tr. 39.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 6.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 4.
[4] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 4.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, số 4.

Tác giả bài viết: + ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Tin tức

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 16
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1348
  • Tháng hiện tại: 157155
  • Tổng lượt truy cập: 12133942