Trang mới   https://gpquinhon.org

Thư Đức Giám Mục giáo phận Qui nhơn về việc tham gia Hội Caritas giáo phận

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/04/2014 08:46
THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
 
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA GIÁO PHẬN QUI NHƠN
VỀ VIỆC THAM GIA HỘI CARITAS GIÁO PHẬN
 
 
Anh chị em thân mến,

1. Đức ái là dấu chỉ đặc trưng của người môn đệ Đức Kitô (x. Ga 13,35), là nhân đức tiêu biểu của các Kitô hữu là những người đã được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, Deus Caritas est (x. 1Ga 4,8.16). Nhờ đức ái, chúng ta kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người là hình ảnh của Người.

Thiên Chúa đã ban đức ái cho mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội và chúng ta có bổn phận làm cho đức ái ấy ngày càng gia tăng. Chúng ta đang sống trong một thời gian thuận tiện để thực hiện điều này, vì chủ đề năm 2014 của giáo phận Qui Nhơn là ‘gia tăng đức ái’ và trong mùa chay này Giáo Hội mời gọi chúng ta thực thi đức ái cùng với việc chay tịnh và cầu nguyện. Sứ điệp mùa chay năm 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tập trung vào chủ đề thực thi đức ái theo gương Đức Kitô là Đấng “đã trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9).

2. Đức ái không phải là một nhãn hiệu hay lời nói suông, nhưng phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Để thực hiện điều này, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ cả vật chất lẫn tinh thần, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, thiếu những điều kiện sống căn bản của con người.[1]
Để giúp mọi thành phần dân Chúa có điều kiện tham gia công cuộc từ thiện bác ái này, Caritas Việt Nam đã thiết lập mạng lưới hội viên khắp các giáo phận và lập quĩ thẻ hội viên. Để hiểu rõ về hoạt động của Caritas Việt Nam, anh chị em có thể đọc các tài liệu sau đây được đính kèm theo bức thư này:

- Điều lệ Ủy Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Việt Nam.

- Quyết định Quỹ thẻ hội viên và phương thế sử dụng.

- Thông báo về việc Thiết lập mạng lưới hội Caritas Việt Nam.

3. Các linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ hãy phổ biến rộng rãi và cho giáo dân học tập các tài liệu này để biết rõ ý nghĩa và mục đích của tổ chức cũng như những bổn phận và quyền lợi của các hội viên. Tiếp đến thiết lập Caritas tại mỗi giáo xứ và kêu gọi anh chị em giáo dân tích cực tham gia quĩ thẻ hội viên. Mọi chi tiết xin liên hệ với linh mục Gioan Võ Đình Đệ, giám đốc Caritas giáo phận Qui Nhơn.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, giúp anh chị em noi theo lòng quảng đại của Người để đem lại niềm vui, an ủi và những trợ giúp cần thiết cho tất cả những ai lâm cảnh khốn cùng.

                    Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 04 tháng 04 năm 2014
  
                                                                 
                                                    + Matthêô Nguyễn Văn Khôi
                                                  Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn
 

[1] Xem Điều lệ Ủy Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Việt Nam, điều 11.
 
 
Thẻ hội viên


 
 

 

 
ĐIỀU LỆ 

UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS VIỆT NAM

Điều 1: Caritas là gì?

“Caritas” theo nguyên ngữ Latinh có nghĩa là Yêu Thương – Bác ái. Caritas là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người, một tình yêu tự do và không biên giới. Caritas minh chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa chúng ta, một tình yêu dành cho mọi dân tộc, cách riêng cho những người nghèo khổ.[1] 

Điều 2: Nền tảng Thánh Kinh và Thần học

(1)  Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy   (1 Ga 4,16). Nguồn gốc của bác ái là tình yêu vô thủy vô chung của Thiên Chúa Cha ban cho Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

(2)  Bác ái là tình yêu từ Chúa Con tuôn trào đến chúng ta. Bác ái là tình yêu sáng tạo, từ tình yêu này, chúng ta mới nhận được sự hiện hữu của mình; bác ái là tình yêu cứu độ, nhờ tình yêu này chúng ta mới được tái sinh. Đó chính là tình yêu được Đức Kitô mạc khải và hiện thực (x. Ga 13,1), “tuôn đổ vào trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, con người được đặt làm chủ thể của bác ái, được gọi trở thành khí cụ của ân sủng để truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa, gắn bó với mọi liên hệ bác ái. [2]

Điều 3: Giá trị [3]

(1)  Lòng thương xót: quan tâm đến những đau khổ của anh chị em, nâng đỡ và an ủi họ trong những khó khăn.

(2)  Niềm hy vọng: Nhờ cộng tác và hợp nhất với nhau, chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp, trong đó mọi người có thể sống đúng nhân phẩm. Được Đức tin Kitô giáo soi sáng và nhờ sự quảng đại của mọi người, niềm hy vọng ấy không thụ động.

(3)  Công bằng: tin rằng mỗi người đều có những quyền lợi bất khả xâm phạm, bất kể họ thuộc ngôn ngữ, chủng tộc, phái tính, tôn giáo hay thể chế chính trị nào.

(4)  Tình liên đới: kêu gọi sự liên đới với tất cả những người nghèo khổ vì có một mối tương quan sâu xa trong gia đình nhân loại, và không ai có thể hạnh phúc một mình được.

(5)  Sự bổ trợ: thúc đẩy nguyên tắc bổ trợ tạo nên sự nối kết trong và giữa các cộng đồng; ý thức rằng để nhận lãnh, cần phải trao ban. 

(6)  Tinh thần quản lý: tin rằng trái đất và tất cả những nguồn tài nguyên thuộc về Đấng Tạo Hoá, vì thế mọi người có trách nhiệm bảo vệ trái đất và trao lại cho các thế hệ tương lai một cách tốt đẹp nhất.

Điều 4: Nguyên tắc hoạt động 

Caritas hoạt động theo những nguyên tắc luân lý Kitô giáo và Giáo huấn xã hội của Hội thánh Công giáo:

 
-         Bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người ở mọi nơi và mọi thời
-       Dấn thân hoạt động nhằm giảm thiểu đói nghèo bằng cách chọn lựa ưu tiên phục vụ người nghèo
-       Duy trì sự hiệp nhất trong Gia đình Caritas
-       Cổ võ tình liên đới và cộng tác tại địa phương cũng như quốc tế
-       Bảo vệ môi trường sống trong sạch, lành mạnh.

Điều 5: Caritas Quốc tế [4]

(1)  Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis) là một tổ chức bác ái trên phạm vị toàn cầu của Hội thánh Công giáo, bao gồm 165 thành viên. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951, hiện nay đang hoạt động trên 200 vùng lãnh thổ. Trụ sở của Caritas Quốc tế đặt tại Vatican; có văn phòng tại New York (Hoa Kỳ), Geneva (Thuỵ Sĩ) và làm việc với các tổ chức quốc tế khác.

(2)  Caritas Quốc tế hoạt động trong ba lãnh vực chính: cứu trợ khẩn cấp, phát triển bền vững và xây dựng hoà bình không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc [5].

Điều 6: Caritas Á châu [6]

(1)  Caritas Á châu là tổ chức của Hội thánh Công giáo, là một thành viên trong bảy khu vực thành viên của Caritas Quốc tế. Caritas Á châu được thành lập vào Đại hội của Caritas Quốc tế năm 1999 tại Roma.

(2)  Văn phòng Thư ký của Caritas Á châu đầu tiên đặt tại Ấn Độ, sau đó được chuyển tới Nepal vào năm 2005. Từ ngày 01 tháng 04 năm 2008, Văn phòng Thư ký Caritas Á châu đặt tại Bangkok, Thái Lan.

Điều 7: Thành lập Ủy ban Bác ái Xã hội (UBBAXH)

- Caritas Việt Nam

(1)  UBBAXH - Caritas Việt Nam là tổ chức hoạt động bác ái xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), được thành lập năm 1965.

(2)  Từ tháng 06 năm 1976, Caritas Việt Nam được yêu cầu ngưng hoạt động.

(3)  Ngày 02 tháng 07 năm 2008, Caritas Việt Nam tái hoạt động. Vào tháng 03 năm 2011, Caritas Việt Nam gia nhập Caritas Á châu và trở thành thành viên chính thức của Caritas Quốc tế vào tháng 05 năm 2011.

Điều 8: Biểu tượng của UBBAXH - Caritas Việt Nam

(1)  Caritas Việt Nam chọn cùng biểu tượng với Caritas Quốc tế, gồm hình Thánh Giá và các ngọn lửa màu đỏ tỏa ra xung quanh, bên dưới có hàng chữ “Caritas Việt Nam”.

(2)  Thánh Giá là trung tâm điểm của mọi hoạt động bác ái, vì việc hiến thân trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô là hành động yêu thương cao cả nhất mà Người thực hiện đối với Thiên Chúa và loài người.

(3)  Chiều dọc của Thánh Giá tượng trưng sự liên kết của con người với Thiên Chúa, chiều ngang nói lên trách nhiệm của con người đối với nhau trong xã hội. Hai chiều này tương ứng với nhau.

(4)  Những ngọn lửa tỏa ra từ Thánh Giá biểu lộ tác động của Chúa Thánh Thần, Ngài thôi thúc mọi thành viên Caritas thực hiện việc bác ái để phục vụ anh chị em đồng loại.

Điều 9: Tầm nhìn

Cộng đồng thực thi bác ái theo tinh thần Tin Mừng, xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương.

Điều 10: Sứ mạng

(1)  Gây ý thức thực hành Lời Chúa bằng đời sống bác ái, chia sẻ nơi các Kitô hữu.

(2)  Giúp HĐGMVN thực hiện các công tác bác ái xã hội theo các mục đích và tôn chỉ đã đề ra.

(3)  Hợp tác với các tổ chức từ thiện bác ái trong cũng như ngoài nước để thực hiện các hoạt động bác ái xã hội.

(4)  Phối hợp với Caritas các Giáo phận để tổ chức các hoạt động bác ái xã hội, thực hiện các chương trình và dự án theo kế hoạch đề ra.

Điều 11: Đối tượng phục vụ

Đối tượng phục vụ của Caritas Việt Nam là con người, ưu tiên những người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, thiếu những điều kiện sống căn bản của con người.

Điều 12: Tổ chức UBBAXH - Caritas Việt Nam

(1)  UBBAXH - Caritas Việt Nam được tổ chức thành 3 cấp: Quốc gia, Giáo phận và Giáo xứ

(2)  UBBAXH - Caritas Việt Nam gồm:

 
·         Hội đồng Quản trị
·         Hội đồng Đại biểu
·         Văn phòng Caritas Việt Nam

(3)  Ban BAXH - Caritas Giáo phận gồm:
 
·         Giám đốc
·         Văn phòng Caritas Giáo phận

(4)  Hội BAXH - Caritas Giáo xứ gồm:
 
·         Trưởng hội Caritas Giáo xứ
·         Văn phòng Caritas Giáo xứ

(5)  Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi miền, mỗi địa phương, HĐGMVN có thể thành lập Caritas Giáo tỉnh hay Giám mục Giáo phận có thể thành lập Caritas Giáo hạt với điều kiện có đủ nhân sự để công việc bác ái được hiệu quả hơn.
 
Điều 13: Cơ cấu điều hành

 

Điều 14: Hội đồng Quản trị (HĐQT)

(1)  HĐQT là cơ quan cao nhất của UBBAXH - Caritas Việt Nam, chịu trách nhiệm trước HĐGMVN về hoạt động của UBBAXH - Caritas Việt Nam.

(2)  HĐQT bao gồm:

 
·         Chủ tịch
·         3 Phó Chủ tịch
·         Giám đốc Caritas Việt Nam
·         3 Đại diện Caritas Giáo tỉnh [7]
·         2 Đại diện dòng tu (1 nam, 1 nữ)
·         3 Đại diện Hội viên Caritas thuộc ba Giáo tỉnh

(3)  Chức năng:
 
·         Hoạch định kế hoạch hoạt động cho UBBAXH - Caritas Việt Nam
·         Xét duyệt ngân sách hàng năm
·         Sửa đổi và phê chuẩn Điều lệ và Nội quy của UBBAXH - Caritas Việt Nam
·         Giám sát việc thực hiện các chương trình hoạt động của UBBAXH - Caritas Việt Nam
·         Xác định thành viên của Hội đồng Đại biểu

(4)  Nhiệm kỳ của HĐQT là 3 năm và có thể được tái nhiệm.

(5)  HĐQT họp 2 lần/ năm và khi có nhu cầu cần thiết do Đức Giám mục Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam triệu tập.

(6)  Các quyết định của HĐQT phải được đa số quá bán thành viên tham dự chấp thuận.

Điều 15: Hội đồng Đại biểu (HĐĐB)

(1)  HĐĐB là cơ quan tham vấn cho HĐQT về các lãnh vực liên quan đến hoạt động của UBBAXH - Caritas Việt Nam. 

(2)  HĐĐB bao gồm:

 
·         Đức Giám mục Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam
·         3 Đức Giám mục Phó Chủ tịch
·         Giám đốc Caritas Việt Nam
·         Giám đốc Caritas 26 Giáo phận
·         Đại diện dòng tu nam, nữ (do HĐQT quyết định)
·         Các chuyên viên (do HĐQT xác định)
·         3 Đại diện Hội viên Caritas thuộc ba Giáo tỉnh

(3)  Chức năng:
 
Tham vấn cho HĐQT về việc hoạch định Kế hoạch chiến lược và những vấn đề liên quan đến hoạt động của UBBAXH - Caritas Việt Nam
Góp phần xây dựng và củng cố quan hệ đối tác với các tổ chức và cơ quan bao gồm tổ chức phi chính phủ, tư nhân và xã hội dân sự
 
Đề cử 3 Linh mục đại diện cho 3 Giáo tỉnh và 3 vị đại diện Hội viên Caritas thuộc 3 Giáo tỉnh tham dự vào HĐQT

(4)  HĐĐB họp 1 lần/ năm.

(5)  Nhiệm kỳ của HĐĐB tuỳ theo nhiệm kỳ của Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam.  

Điều 16: Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam

(1)  Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam do HĐGMVN bầu lên trong Đại hội của HĐGMVN.

(2)  Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam là cầu nối giữa HĐGMVN và mạng lưới Caritas Việt Nam để liên kết, cổ vũ mọi thành viên trong gia đình Caritas Việt Nam thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người.

(3)  Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam là người đại diện chính thức của UBBAXH – Caritas Việt Nam trước HĐGMVN, trước Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, tổ chức trong cũng như ngoài nước.

(4)  Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam triệu tập và chủ toạ các phiên họp của HĐQT và Hội nghị thường niên (HNTN).

(5)  Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam đề cử Giám mục làm Đại diện ở các Giáo tỉnh với chức danh Phó Chủ tịch.

(6)  Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam chọn một Linh mục làm Thư ký UBBAXH đồng thời là Giám đốc Caritas Việt Nam.

(7)  Nhiệm kỳ của Chủ tịch là 3 năm song song với Nhiệm kỳ của HĐGMVN và có thể tái nhiệm. Nhiệm vụ của Chủ tịch kết thúc khi HĐGMVN bầu chọn vị Giám mục đặc trách mới.

Điều 17: Phó Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam

(1)  Đức Giám mục Phó Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam là người đại diện cho Chủ tịch tại các Giáo tỉnh. 

(2)  Trường hợp Giám mục Chủ tịch vắng mặt, Đức Giám mục Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy quyền sẽ chủ toạ các phiên họp.

Điều 18: Văn phòng Caritas Việt Nam

(1)  Văn phòng Caritas Việt Nam là cơ quan thực hiện mọi quyết định của HĐQT và chịu trách nhiệm trước HĐQT về các hoạt động của Caritas Việt Nam.
Q
(2)  Văn phòng Caritas Việt Nam gồm:

 
·         Giám đốc

·         Các Phụ tá Giám đốc

·         Các Trưởng phòng ban và nhân viên

(3)  Nhiệm vụ:
 
·         Liên kết với các Ủy ban của HĐGMVN

·         Nghiên cứu, soạn thảo, thực hiện và giám sát các kế hoạch, dự án của Văn phòng Caritas Việt Nam, báo cáo với HĐQT 2 lần/ năm hoặc khi có yêu cầu

·         Liên kết và hỗ trợ Caritas các Giáo phận trong các hoạt động bác ái xã hội

·         Cộng tác với Caritas Quốc tế, Caritas châu Á, các tổ chức trong và ngoài nước trong các hoạt động bác ái xã hội

·         Tổ chức Hội nghị Thường niên (HNTN) do Đức Giám mục Chủ tịch triệu tập và dưới sự chỉ đạo của Giám mục Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam.

Điều 19: Giám đốc Caritas Việt Nam

(1)  Chịu trách nhiệm trước HĐQT, trước pháp luật về việc điều hành hoạt động của Caritas Việt Nam.

(2)  Tổ chức thực hiện các phương án hoạt động bác ái xã hội và trực tiếp điều hành văn phòng Caritas Việt Nam.

(3)  Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các nhân viên trong văn phòng Caritas Việt Nam.

(4)  Quyết định lương và phụ cấp cho nhân viên, thù lao cho các tình nguyện viên theo đúng pháp luật và quy chế lao động hiện hành.

(5)  Đại diện cho Đức Giám mục Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam trong các quan hệ quốc tế cũng như quốc nội.

(6)  Báo cáo cho HĐQT về những hoạt động bác ái xã hội của UBBAXH - Caritas Việt Nam.

(7)  Được quyền quyết định áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng (thiên tai, hoả hoạn, sự cố…) và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Phải báo cáo ngay với HĐQT để giải quyết tiếp.

(8)  Nhiệm kỳ của Giám đốc Caritas Việt Nam là 3 năm song song với nhiệm kỳ của Giám mục Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam và có thể tái nhiệm.
 
Điều 20: Văn phòng Caritas Giáo phận

(1)  Caritas Giáo phận là cơ quan điều hành hoạt động bác ái xã hội Giáo phận trong sự liên kết với Caritas Việt Nam.

(2)  Văn phòng Caritas Giáo phận gồm:

 
·         Giám đốc

·         Các Trưởng phòng ban và nhân viên

(3)  Nhiệm vụ:
 
·         Chịu trách nhiệm trước Đức Giám mục Giáo phận về các hoạt động bác ái xã hội của Giáo phận

·         Cộng tác với các ban ngành, đoàn thể trong Giáo phận để nghiên cứu, soạn thảo, thực hiện và giám sát các chương trình, kế hoạch, dự án của

Caritas Giáo phận

·         Báo cáo hoạt động bác ái xã hội của Giáo phận trong HNTN của Caritas Việt Nam

·         Báo cáo các hoạt động chuyên môn cho Caritas Việt Nam khi có yêu cầu.

Điều 21: Giám đốc Caritas Giáo phận

(1)  Giám đốc Caritas Giáo phận do Đức Giám mục Giáo phận chỉ định, chịu trách nhiệm trước Giám mục Giáo phận và pháp luật về hoạt động của Caritas Giáo phận.

(2)  Điều hành hoạt động của văn phòng Caritas Giáo phận.

(3)  Cộng tác chặt chẽ với Đức Giám mục Giáo phận và các ban ngành khác của Giáo phận để phát triển nền nhân bản toàn diện của Kitô giáo cho các tín hữu trong Giáo phận.

(4)  Liên kết và hỗ trợ các chương trình hoạt động của Caritas Giáo xứ.

(5)  Tổ chức các khoá huấn luyện phù hợp với nhu cầu của Giáo phận, nhất là đào tạo nhân sự và hỗ trợ hoạt động cho Caritas Giáo xứ.

(6)  Thường xuyên thông tin và cộng tác trong các kế hoạch chung của mạng lưới Caritas Việt Nam.

(7)  Nhiệm kỳ của Giám đốc Caritas Giáo phận do Giám mục Giáo phận ấn định.
 
Điều 22: Caritas Giáo xứ

(1)  Văn phòng Caritas Giáo xứ là cơ quan điều hành và chịu trách nhiệm trước Linh mục quản xứ về mọi hoạt động bác ái xã hội của Giáo xứ.

(2)  Văn phòng Caritas Giáo xứ gồm:

·         Trưởng hội
·         Nhân viên văn phòng Caritas Giáo xứ
 

Điều 23: Trưởng hội Caritas Giáo xứ

(1)  Trưởng hội Caritas Giáo xứ do Linh mục quản xứ chỉ định và chịu trách nhiệm trước Linh mục quản xứ về hoạt động của Caritas Giáo xứ.

(2)  Cộng tác với Linh mục quản xứ, các hội đoàn trong Giáo xứ để nghiên cứu, soạn thảo, thực hiện và giám sát các kế hoạch, dự án của Caritas Giáo xứ và phát triển nền nhân bản toàn diện của Kitô giáo cho các tín hữu trong Giáo xứ.

(3)  Điều hành các sinh hoạt của hội Caritas Giáo xứ dưới sự điều hành của Cha xứ.

(4)  Tổ chức và điều hành hoạt động bác ái xã hội của Caritas Giáo xứ dưới sự chỉ đạo của Cha xứ, theo đúng sứ mạng, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Caritas Việt Nam.

(5)  Cộng tác với các tổ chức hoạt động bác ái xã hội khác để thúc đẩy và trợ giúp các Hội viên thực hiện Linh đạo Bác ái.

(6)  Thường xuyên thông tin và cộng tác trong các hoạt động bác ái xã hội của Caritas Giáo phận.

(7)  Báo cáo cho Caritas Giáo phận về các hoạt động bác ái xã hội theo định kỳ.

Điều 24: Quỹ hoạt động

(1)  Quỹ hoạt động của Caritas Việt Nam hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của các Hội viên, các ân nhân và các tổ chức trong cũng như ngoài nước. Quy chế được HĐGMVN phê chuẩn ngày 28 tháng 01 năm 2002 quy định quỹ ngày thứ Sáu Tuần Thánh dành cho các hoạt động của UBBAXH - Caritas Việt Nam.

(2)  Tất cả các tổ chức hay cá nhân trong và ngoài nước có thể đóng góp cho hoạt động bác ái xã hội của Caritas Việt Nam, miễn là các khoản đóng góp đó không bắt nguồn từ những hoạt động ngược với đạo lý con người hay với Giáo lý của Hội thánh Công giáo.
(3)  Trong tinh thần tự lập, HĐGMVN khuyến khích tổ chức Caritas Việt Nam dựa vào nội lực của đồng bào Việt Nam để thực hiện các dự án bác ái xã hội.

Điều 25: Hội viên Caritas Việt Nam

Hội viên Caritas Việt Nam là những cá nhân tự nguyện tham dự vào việc thực thi trực tiếp các sinh hoạt bác ái xã hội hoặc hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các hoạt động bác ái xã hội của mạng lưới Caritas Việt Nam.

Điều 26: Nhiệm vụ của Hội viên Caritas

(1)  Về mặt tinh thần:

(1.1)      Sống liên đới với các Hội viên Caritas qua việc tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, tương trợ

(1.2)      Tự rèn luyện nhằm thăng tiến bản thân và làm cho thế giới mỗi ngày tốt đẹp hơn

(1.3)      Đọc “Kinh xin ơn Quảng đại” mỗi ngày để cầu nguyện cho hoạt động bác ái xã hội của Caritas Việt Nam.

(2)  Về mặt vật chất:

(2.1)  Giảm bớt chi tiêu không cần thiết để cộng tác với những hoạt động bác ái xã hội  

(2.2)  Hội viên Caritas hưởng ứng việc công đức dành cho hoạt động bác ái xã hội của Caritas Việt Nam và Caritas Giáo phận.

Điều 27: Quyền lợi của Hội viên Caritas

(1)  Mỗi tháng, Giám đốc Caritas Giáo phận dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho các Hội viên và Thiện nguyện viên Caritas của Giáo phận còn sống cũng như đã qua đời.

(2)  Khi Hội viên Caritas đau ốm, bệnh tật, Caritas Giáo xứ đến thăm viếng, động viên, chia sẻ; và khi Hội viên qua đời, Caritas Giáo xứ xin Thánh lễ cầu nguyện cho họ.

(3)  Hội viên Caritas được tham dự các khóa đào tạo nhân bản, đạo đức, chuyên môn do Caritas Giáo phận tổ chức, để thăng tiến bản thân, gia đình và xã hội.

(4)  Hội viên Caritas được hưởng ân phúc qua tất cả các Thánh lễ mà các Cha Giám đốc Caritas 26 Giáo phận dâng cho các Hội viên và Thiện nguyện viên.
 

Điều 28: Gia nhập Caritas Việt Nam

(1)  Mọi người đều có thể tham gia vào Caritas Việt Nam, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính trị.

(2)  Để trở thành Hội viên Caritas Việt Nam, ứng viên được đề nghị tìm hiểu về Caritas trong một thời gian do mỗi Giáo phận ấn định và làm quen với những sinh hoạt bác ái xã hội tại Giáo xứ.

(3)  Mỗi ứng viên đăng ký gia nhập Caritas Việt Nam tại văn phòng Caritas Giáo xứ. Hàng năm, Caritas Giáo xứ thông báo với Giáo phận và Caritas Giáo phận báo cáo cho Caritas Việt Nam số Hội viên mới.

(4)  Mỗi ứng viên đủ điều kiện sẽ được tiếp nhận trong nghi thức riêng và nhận thẻ Hội viên chứng nhận.

(5)  Cá nhân không muốn tiếp tục làm Hội viên Caritas Việt Nam viết đơn chính thức rút khỏi tổ chức và gởi về cho Caritas Giáo phận.

(6)  Hội viên rút khỏi tổ chức không có quyền đòi hoàn trả những gì đã đóng góp trong suốt thời gian còn trực thuộc Caritas Việt Nam.

Điều 29: Bãi miễn tư cách Hội viên Caritas Việt Nam

Đối với Hội viên vi phạm Điều lệ và Nội quy của Caritas, thực hiện những hành vi đi ngược lại với đạo đức Kitô giáo, Giám đốc Caritas Giáo phận có quyền bãi miễn tư cách Hội viên của cá nhân đó.

Điều 30: Thiện nguyện viên

(1)  Mỗi người được mời gọi thể hiện tình bác ái của Đức Kitô một cách thiết thực, qua những công tác tự nguyện do Caritas Việt Nam hay Caritas Giáo phận khởi xướng. Họ trở thành Thiện nguyện viên của Caritas trong khoảng thời gian thực hiện các hoạt động đó.

(2)  Mỗi Thiện nguyện viên có thể đăng ký tham gia các hoạt động bác ái xã hội tùy theo khả năng của mình.

(3)  Mỗi tháng, cha Giám đốc Caritas Giáo phận dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho các Thiện nguyện viên tham gia hoạt động bác ái xã hội của địa phương.

 Điều 31: Ân nhân

(1)  Cá nhân hay tổ chức tham gia vào hoạt động bác ái xã hội của Caritas Việt Nam, Caritas Giáo phận hay Caritas Giáo xứ qua những đóng góp đáng giá được HĐQT xác định, sẽ được công nhận là Ân nhân.

(2)  Mỗi tháng, Giám đốc Caritas Việt Nam sẽ dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Ân nhân còn sống cũng như đã qua đời.

(3)  Khi Ân nhân qua đời, Giám đốc của đơn vị Caritas đã trực tiếp nhận sự trợ giúp sẽ đến kính viếng và dâng Thánh lễ cầu nguyện cho vị Ân nhân đó.

Điều 32: Việc ban hành Điều lệ

(1)  Bản Điều lệ này được HĐQT biểu quyết chấp thuận trong phiên họp ngày 21-22/02/2013 tại Toà Giám mục Xuân Lộc

(2)  Bản Điều lệ này được đệ trình lên HĐGMVN trong khoá họp kỳ I năm 2013 (ngày 01-06/04/2013) tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu để được chấp thuận và ban hành.

Điều 33: Việc sửa đổi Bản Điều lệ

Bản Điều lệ này gồm 33 điều. Mọi thay đổi trong Bản Điều lệ này phải được HĐQT chấp thuận và được sự chuẩn y của HĐGMVN.
 

[1] Caritas Internationalis, 2009, Caritas – a sign of God’s love  for humanity, tr. 5-6.
[2] ĐGH Benedicto XVI, 2005, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu – số 5.
[3] Caritas Internationalis, 2011, Strategic framework 2011-2015, tr. 4-5. 
[4] Caritas Internationalis, 2009, Caritas – a sign of God’s love  for humanity
[5] http://www.caritas.org/about/waht_is_caritas.html
[6]  http://caritasasia.org
[7] Giáo hội Việt Nam chia thành ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và TPHCM. 

 

Tác giả bài viết: BTTVH
Từ khóa:

Thư giám mục, Caritas

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 2510
  • Tháng hiện tại: 158317
  • Tổng lượt truy cập: 12135104