Trang mới   https://gpquinhon.org

Văn thư hướng dẫn thực hiện Chương Trình Mục Vụ Truyền Giáo Năm 2016

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/11/2015 16:56
GIÁO PHẬN QUI NHƠN
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

 
 
VĂN THƯ HƯỚNG DẪN 
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO NĂM 2016
GIÁO PHẬN QUI NHƠN


 

Để vạch ra chương trình mục vụ truyền giáo năm 2016 một cách tổng quát, ngày 29.11.2015, Đức Giám mục đã gởi thư mục vụ cho cộng đoàn dân Chúa giáo phận Qui Nhơn. Trong tinh thần và đường hướng chỉ đạo của ngài, Hội đồng Mục vụ giáo phận xin đưa ra những hướng dẫn thực hiện chương trình mục vụ này một cách cụ thể và chi tiết.

Văn thư hướng dẫn đề cập đến ba điểm: chủ đề mục vụ của năm 2016, chương trình mục vụ và phương thế thực hiện chương trình mục vụ.
 
I. CHỦ ĐỀ MỤC VỤ

  1. Năm 2016 là năm kề cuối trong lược đồ sáu năm chuẩn bị mừng 400 năm giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng (1618-2018). Chương trình mục vụ năm 2016 được gợi hứng từ công trình sáng tạo vào ngày thứ năm, ngày Thiên Chúa tạo dựng cá biển chim trời (St 1,20-23). Như chim trời cá biển vui sống dưới sự dưỡng nuôi chăm sóc của Thiên Chúa, con người cũng được mời gọi "cậy trông phó thác" vào Ngài là Cha yêu thương.
  2. Năm “cậy trông phó thác” được kết hợp với Năm Thánh Lòng Thương Xót của Hội Thánh hoàn vũ và năm tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội của Hội Thánh tại Việt Nam. Vì thế, chủ đề được chọn cho năm mục vụ 2016 của giáo phận là CẬY TRÔNG VÀ THƯƠNG XÓT ĐỂ TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI”.
  3. Mọi thành phần dân Chúa được mời gọi suy niệm và cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa để hoàn toàn cậy trông phó thác vào Ngài, đồng thời rao giảng và thực thi lòng thương xót cho mọi người, như một cách thế tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội.
 
II. CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ

Những năm vừa qua, mọi người đã nỗ lực sống và làm chứng cho đức tin, đức mến trong lộ trình sáu năm chuẩn bị mừng 400 năm giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng (1618-2018). Chúng ta đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ và làm cho giáo phận ngày càng khởi sắc hơn.

Trong năm 2016 nầy, chúng ta tiếp tục củng cố, phát huy những gì đã thực hiện trong những năm trước. Đặc biệt trong năm "cậy trông và thương xót" nầy, mọi thành phần trong giáo phận cố gắng đem hết khả năng, công sức, tâm trí và lòng nhiệt thành để thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo của giáo phận.

A. CẤP GIÁO PHẬN

1. Về vai trò linh mục

Các linh mục, đặc biệt các linh mục quản xứ là người tổ chức và là linh hồn của mọi chương trình mục vụ tại giáo xứ, để thôi thúc sự tham gia tối đa của mọi thành phần tín hữu. Vì thế, các linh mục cần nỗ lực:

  1. Sống hiệp nhất, liên đới trong mục vụ với anh em linh mục, nhiệt thành triển khai đầy sáng tạo và thích hợp các định hướng mục vụ chung của giáo phận được thực hiện nơi giáo xứ.
  2. Các linh mục cần thể hiện lòng thương xót, trắc ẩn, hiền lành và khoan dung đối với mọi người, nhất là những người tội lỗi, lầm lạc, bị bỏ rơi.
  3. Các linh mục cần phải thể hiện đức cậy bằng cách vui lòng chấp nhận những khó khăn và thiếu thốn trong khi thi hành tác vụ.
2. Về cộng đoàn dòng tu

Luôn nêu gương sáng cho dân Chúa, các tu sĩ nam nữ là những người đi đầu và tích cực dấn thân thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo của giáo phận:

  1. Các hội dòng hãy vui lòng gửi các tu sĩ đến phục vụ tại những giáo xứ hay giáo điểm nghèo khổ, ở vùng sâu vùng xa, vì đó là một cách thể hiện đức cậy.
  2. Luôn nhiệt thành và năng động dấn thân vào việc truyền giáo trong môi trường của mình.
  3. Cộng tác tích cực vào chương trình đào tạo của các Ban Mục vụ giáo phận, giáo hạt cũng như giáo xứ; luôn đi đầu trong các chương trình mục vụ của giáo xứ.
3. Về hội đoàn

Tông đồ giáo dân vừa là ơn gọi và là sứ mạng của mọi tín hữu. Giáo phận luôn ưu ái và tha thiết mời gọi các tín hữu quảng đại dấn thân phục vụ và truyền giáo trong các hội đoàn.

  1. Giáo phận tìm mọi cách để củng cố và nuôi dưỡng lòng nhiệt thành truyền giáo cho các hội đoàn đang có.
  2. Các hội đoàn hãy học hỏi chia sẻ kinh nghiệm và cộng tác với nhau, đồng thời tôn trọng lãnh vực hoạt động của nhau.
4. Về Gia đình

Chương trình mục vụ của giáo phận luôn quan tâm và đồng hành với các gia đình, hầu giúp họ sống đạo tốt và làm chứng nhân cho Tin Mừng.

  1. Ban mục vụ Gia đình cần nghiên cứu kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình để hướng dẫn và phối hợp với các cha xứ lên những chương trình làm việc cụ thể, khả thi.
  2. Sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể của giáo phận về các vấn đề liên quan đến mục vụ gia đình (vạ, tiêu hôn, ly dị, ly dị tái hôn).
5. Về Phụng vụ

Phụng vụ là tột đỉnh và nguồn mạch đời sống Giáo Hội, vì vậy cần quan tâm cử hành phụng vụ cách sốt sắng và trang trọng, để mọi tín hữu tham dự trọn vẹn, ý thức và linh động.

  1. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn hành hương và các nghi thức sử dụng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
  2. Biên soạn các nghi thức sám hối chung để các hối nhân sốt sắng lãnh nhận bí tích Hòa giải và giúp những người xa lìa đức tin được trở về.
6. Về huấn giáo – đào tạo

Chương trình mục vụ của giáo phận luôn quan tâm giáo dục đức tin cho mọi tín hữu và đào tạo các hội đoàn tông đồ giáo dân. Trong năm này, chúng ta tiếp tục cố gắng thực hiện:

  1. Cung cấp các tài liệu về Năm Thánh Lòng Thương Xót, để các giáo lý viên đưa vào chương trình dạy giáo lý và nhấn mạnh vai trò tông đồ của lòng thương xót trong môi trường cuộc sống.
  2. Mở các lớp huấn luyện cho các hội đoàn và các giới để học hỏi, thảo luận những giáo huấn về Năm Thánh Lòng Thương Xót và Học thuyết xã hội của Giáo Hội.
  3. Thành lập ban huấn luyện cấp giáo phận cũng như cấp giáo hạt để hoạch định chương trình và nội dung huấn luyện cho giáo lý viên, chức việc, các đoàn thể và các giới.
  4. Chú trọng hướng đào tạo tâm linh như linh thao, tĩnh huấn, cầu nguyện.
  5. Củng cố và canh tân việc cổ võ ơn gọi và chương trình đào tạo chủng sinh-tu sĩ.
7. Về truyền giáo

Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh, và là sứ mệnh của mỗi tín hữu. Mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, tiếp tục phát huy và tích cực hơn nữa trong việc thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo năm 2016, để làm chứng và rao giảng cho anh chị em lương dân.

  1. Thúc đẩy các giáo xứ thành lập ban Truyền giáo và tại mỗi giáo hạt chọn một giáo xứ làm thí điểm truyền giáo, để triển khai những sáng kiến truyền giáo theo điều kiện và môi trường địa phương.
  2. Đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân có lòng nhiệt thành truyền giáo, có lòng cậy trông vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và có lòng thương xót đối với những người chưa nhận biết Chúa, để họ được sai đi rao giảng Tin Mừng.
8. Về bác ái - xã hội

Trong năm "cậy trông và thương xót", mọi tín hữu được mời gọi rao giảng niềm trông cậy và thể hiện lòng thương xót qua những hoạt động bác ái xã hội nhằm phục vụ con người, đặc biệt đối với những người đang sống trong những hoàn cảnh đáng thương.

  1. Thực hiện các chương trình do ban Bác ái-Xã hội của giáo phận đưa ra.
  2. Các cộng đoàn dòng tu cần thể hiện ơn gọi và sứ mạng đặc biệt của mình qua các chương trình bác ái cụ thể.
9. Về văn hóa – giáo dục

Ban Văn hóa – Giáo dục đã đưa ra những sáng kiến và đầu tư trong lãnh vực của mình để loan báo Tin Mừng, để phục vụ Giáo hội và con người.

  1. Trong năm này, tiếp tục phát huy các chương trình văn hóa đã và đang mang lại kết quả trong giáo phận: giải văn thơ Đặng Đức Tuấn, đào tạo viết văn, làm thơ trong giới thiếu nhi, giới trẻ.
  2. Nhấn mạnh chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót cho các chương trình trên.
  3. Tổ chức những cuộc thi sáng tác theo đề tài đức cậy và lòng thương xót cho giới trẻ.
10. Về mục vụ truyền thông

Ban mục vụ truyền thông tiếp tục củng cố, phát huy những thành quả đạt được. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này cố gắng thực hiện:

  1. Chuyên mục “Năm Thánh Lòng Thương Xót” trên trang web giáo phận để cung cấp các tài liệu và phổ biến các chia sẻ, các đóng góp liên quan đến chủ đề.
  2. Phổ biến thư mục vụ truyền giáo năm 2016 của Đức Giám mục giáo phận, văn thư hướng dẫn thực hiện và mẫu phúc trình cho các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu.
  3. Phân công rõ ràng công việc của các biên tập viên cấp giáo phận, giáo hạt và giáo xứ, để đưa tin kịp thời các sự kiện trên trang web giáo phận.
11. Về di dân

Trong năm cậy trông và thương xót, các giáo xứ cần thể hiện lòng thương xót đối với những anh chị em di dân.

  1. Tổ chức những sinh hoạt thường xuyên cho di dân, để đồng hành với họ trong niềm cậy trông vào Thiên Chúa.
  2. Biên soạn những chỉ dẫn thực hành cụ thể cho di dân đi cũng như đến.
B. CẤP GIÁO HẠT
  1. Củng cố sự hiệp thông và tình liên đới giữa các linh mục, tu sĩ trong giáo hạt, thông qua các cuộc tĩnh tâm tháng, các cuộc hội thảo, học hỏi chung cấp giáo hạt. Giúp nhau thăng tiến và sống tình huynh đệ linh mục, giúp nhau vượt qua những khó khăn.
  2. Lên kế hoạch và tổ chức các khóa huấn luyện tại giáo hạt, để việc đào tạo đạt hiệu quả và phù hợp hơn với thực tế.
  3. Tại các nhà thờ được chỉ định là điểm hành hương Năm Thánh cần có ban hướng dẫn hành hương để đón tiếp và giúp cử hành phụng vụ và cầu nguyện.
  4. Cần có chương trình cụ thể cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót cấp giáo hạt, và chú trọng đến nghi thức sám hối chung.
C. CẤP GIÁO XỨ 

Giáo xứ là đơn vị cơ bản triển khai thực hiện chương trình mục vụ giáo phận.

  1. Các linh mục phụ trách giáo xứ phải quan tâm ưu tiên đến những hoạt động mục vụ chính yếu để biểu lộ lòng cậy trông và thương xót.
  2. Các tu sĩ đang phục vụ tại giáo xứ cần thể hiện một cách sống động lòng thương xót của Chúa qua việc bác ái, từ thiện, thăm viếng, chăm sóc những người bất hạnh, tàn tật, nghèo khổ.
  3. Các linh mục và các tu sĩ cần nuôi dưỡng đức cậy của những người nguội lạnh, tội lỗi, đau khổ, tuyệt vọng, bằng những lời động viên, an ủi.
  4. Các tu sĩ hãy quan tâm đến việc hướng dẫn và đồng hành với các hội đoàn, nhất là việc dạy giáo lý.
  5. Cử hành phụng vụ cách tích cực và sống động để đón nhận lòng thương xót của Chúa và đào tạo cộng đoàn trở nên tông đồ của lòng thương xót.
  6. Chủ đề Cậy trông - Thương xót - Phúc Âm hóa xã hội cần được nêu bật, diễn giải và cử hành trong phụng vụ, đặc biệt trong các bài giảng Chúa nhật và lễ trọng.
  7. Cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, các giáo xứ cần nhấn mạnh đến bí tích Hòa giải và các cử hành sám hối chung cho cộng đoàn.
  8. Các lớp giáo lý luôn cập nhật các giáo huấn của giáo phận, để giúp họ sống niềm cậy trông và thực thi lòng thương xót.
  9. Các cha xứ có thể dùng các tài liệu đã được các ban huấn luyện của giáo phận cũng như giáo hạt biên soạn để huấn luyện hiệu quả trong giáo xứ của mình.
  10. Cần thành lập và phát triển các hội đoàn mà giáo phận đang cổ võ (Hội đồng Giáo xứ, Legio Mariae, Thiếu nhi Thánh Thể).
  11. Cần tổ chức các khóa giáo lý hôn nhân để các bạn trẻ hiểu biết về ơn gọi và sứ mạng gia đình Kitô giáo.
  12. Đồng hành với các gia đình, đặc biệt những gia đình trẻ, những gia đình đang gặp khủng hoảng, cũng như tổ chức kỷ niệm hôn phối để nâng đỡ đời sống gia đình của họ.
  13. Đối với các gia đình rối, ly dị và ly dị tái hôn, giáo xứ cần có thống kê cụ thể và đề ra chương trình chăm sóc mục vụ phù hợp, giúp họ nhận ra lòng thương xót của Chúa và hiệp thông với cộng đoàn giáo xứ.
  14. Xây dựng cộng đoàn giáo xứ hiệp nhất và yêu thương hướng đến việc “đi ra” làm “tông đồ của lòng thương xót”.
  15. Lưu tâm đặc biệt đến các giáo họ, giáo điểm không có điều kiện tập hợp sinh hoạt và thờ phượng, để chính những địa chỉ này cảm nhận được “dung mạo của lòng thương xót”.
  16. Các giáo xứ tổ chức và kêu gọi thực thi những công việc bác ái để thức tỉnh lương tâm của các kitô hữu trước thảm trạng nghèo đói.
  17. Cần lưu tâm và mở rộng chương trình bác ái xã hội đối với lương dân đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ.
  18. Nắm rõ số sinh viên, học sinh trong giáo xứ đang lưu học ngoài giáo phận, giáo xứ để liên lạc, đồng hành và có chương trình mục vụ cụ thể.
  19. Cần có định hướng mục vụ giúp những di dân đến, để họ được hội nhập trong sinh hoạt giáo xứ.
 
III. PHƯƠNG THẾ THỰC HIỆN

Để chương trình mục vụ truyền giáo đạt nhiều hiệu quả, mọi thành phần trong giáo phận cùng nỗ lực thực hiện cách đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với nhau và cần đôn đốc kiểm tra theo định kỳ.

1. Thực hiện đồng bộ

  • Thư mục vụ truyền giáo năm 2016 của Đức Giám mục cần được công bố cách trân trọng tại các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu vào ngày Chúa nhật I Mùa Vọng, ngày 29.11.2015.
  • Khởi đầu năm phụng vụ mới, các cha xứ đồng loạt triển khai học hỏi Thư mục vụ truyền giáo năm 2016, và lên chương trình cụ thể thực hiện chương trình mục vụ tại giáo xứ, dựa theo văn thư hướng dẫn này.
  • Có thể có những sáng kiến riêng phù hợp với hoàn cảnh địa phương, nhưng các giáo xứ phải cố gắng áp dụng đúng chương trình của giáo phận, để đạt được sự phát triển đồng bộ.
2. Phối hợp chặt chẽ
  • Trong giáo xứ: cha chính xứ là người trực tiếp thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo tại giáo xứ. Dựa theo văn thư hướng dẫn này, cha xứ và các thành viên trách nhiệm lên chương trình mục vụ truyền giáo và điều phối nhân sự cho phù hợp.
  • Trong giáo hạt: cha hạt trưởng động viên, nhắc nhở các cha xứ, để tất cả các giáo xứ đều triển khai, thực hiện đúng theo chương trình mục vụ truyền giáo của giáo phận.
  • Các ban mục vụ: mỗi ban hoạch định hoạt động cụ thể theo chương trình mục vụ truyền giáo của giáo phận. Các liên ban mục vụ họp bàn và tổ chức các khóa huấn luyện trong lãnh vực trách nhiệm. Trưởng các ban mục vụ có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra chương trình đã triển khai.
3. Phúc trình định kỳ

Để phát huy hiệu quả cần có sự đôn kiểm và phúc trình của các giáo xứ, các giáo hạt, các cộng đoàn dòng tu và các ban mục vụ. Trong năm này có hai lần phúc trình, vào đầu tháng 05 và đầu tháng 11.

  • Đôn kiểm của giáo xứ: cha xứ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và tổng kết hoạt động mục vụ; đến định kỳ nộp bản phúc trình cho cha hạt trưởng.
  • Đôn kiểm của giáo hạt: cha hạt trưởng thường xuyên động viên các cha xứ nỗ lực thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo và kiểm tra, đôn đốc các giáo xứ trong giáo hạt. Đến định kỳ, cha hạt trưởng yêu cầu các cha xứ nộp phúc trình. Sau đó, đúc kết để gởi cho ban Điều phối Hội đồng mục vụ giáo phận.
  • Đôn kiểm của cộng đoàn dòng tu: phụ trách cộng đoàn dòng tu có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và tổng kết hoạt động mục vụ của cộng đoàn; và gởi phúc trình định kỳ cho ban Điều phối Hội đồng mục vụ giáo phận.
  • Đôn kiểm của các ban mục vụ: cha trưởng ban có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và tổng kết hoạt động mục vụ của ban; và gởi phúc trình định kỳ cho ban Điều phối Hội đồng mục vụ giáo phận.
  • Ban Điều phối Hội đồng mục vụ giáo phận đôn kiểm việc thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo và đúc kết phúc trình định kỳ của các giáo hạt, các ban mục vụ và các cộng đoàn dòng tu trình lên Đức Giám mục.
 
Nguyện xin Thiên Chúa đầy lòng thương xót, chúc lành và ban dồi dào ân sủng của Ngài xuống trên toàn thể giáo phận, cũng như trên mỗi người chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của lòng thương xót.

 
 
Qui Nhơn, ngày 27 tháng 11 năm 2015

Tm. Hội đồng Mục vụ Giáo phận
Trưởng ban Điều phối
Lm. Giuse Lê Kim Ánh
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 6665
  • Tháng hiện tại: 157616
  • Tổng lượt truy cập: 12134403