Trang mới   https://gpquinhon.org

Lược sử giáo xứ Gò thị

Đăng lúc: Thứ hai - 15/07/2013 12:09

GIÁO XỨ GÒ THỊ

Bổn Mạng : Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

 
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
 
Theo bản đồ hành chánh hiện nay, giáo xứ Gò Thị bao gồm xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Gò Thị, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn. Cách thành phố Qui Nhơn khoảng 22 km về phía Bắc. Đông giáp biển Đông (Đầm Thị Nại), Tây giáp giáo xứ Lục Lễ, Nam giáp giáo xứ Tân Dinh, Bắc giáp giáo xứ Nam Bình.
 
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:
 
Tháng 7 năm 1618, cha Buzomi, cha De Pina và cha Borri là các thừa sai Dòng Tên đã đặt chân đến Nước Mặn và lập cư sở truyền giáo ở đó. Lúc bấy giờ, Nước Mặn là một thương cảng trù phú nằm trên bờ phía Tây Bắc đầm Thị Nại, cách nhà thờ Gò Thị hiện nay khoảng 6 cây số về phía Tây Bắc, nay thuộc thôn An Hoà, xã Phước Quang, thuộc giáo xứ Nam Bình. Qua thời gian, phù sa từ dòng sông Côn đổ về đầm Thị Nại đã dần dần làm xuất hiện những gò đất mới như Gò Vạn, Gò Bồi, Gò Thị, Gò Dài... và dân chúng cũng dần dần đến sinh sống nơi những gò đất mới ấy, trong đó có các giáo hữu. Cụ  thể, theo báo cáo năm 1747 do cha Guillaume Rivoal ghi phần truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris thì Gò Thị đã có 60 giáo hữu, Kỳ Sơn 80. [1]
 
Đến năm 1850, theo báo cáo của Thánh Giám Mục Stêphanô Cuênot Thể, vùng đất thuộc giáo xứ Gò Thị ngày nay có: Gò Thị 750 tín hữu, Gò Dài 442. Đây là 02 trong số 17 giáo điểm lúc bấy giờ thuộc hạt Tam Thuộc. [2]
 
Từ năm 1839, Gò Thị đã có vinh dự được Đức cha Stêphanô Cuênot Thể chọn làm nơi đặt Toà Giám Mục và ngài đã thường xuyên ở đó cho đến năm 1861. Sở dĩ có sự chọn lựa này là vì vùng đất Gò Thị xa triều đình Huế, các quan sở tại thực hiện lệnh cấm đạo có phần nhẹ nhàng hơn, giáo hữu đã đông lại tận tuỵ và trung thành. Thêm vào đó, vùng này địa hình thấp, ít đường đi, gần đầm Thị Nại và không xa cửa Kẻ Thử bao nhiêu, nhờ đó Đức cha có thể trốn lánh dễ dàng khi gặp nguy hiểm.
 
Toà Giám Mục, nơi Đức cha cư trú và làm việc chỉ là một ngôi nhà tranh như bao ngôi nhà khác trong xóm, chỉ khác là phía sau có cửa và đường trốn thoát, để khi có hiệu báo, Đức cha cứ theo đó lánh nạn. Có những lúc do hoàn cảnh quá khó khăn, giáo hữu Gò Thị phải đưa Đức cha tạm lánh ở Gia Hựu, Mương Lở, Tân Hội, Xóm Nam. Có khi giữa đêm khuya phải đưa Đức cha trốn vào tu viện Mến Thánh Giá, hay ra đồng ruộng hoặc vào các đám lau sậy sát ven đầm.
 
Đức cha không ra mặt vào ban ngày. Cứ đêm đến các chức sở đưa ngài đi nơi này đến nơi nọ để gặp gỡ và dạy dỗ giáo hữu. Chính tại Gò Thị, ngày 01/8/1841, Đức cha Stêphanô Cuênot Thể truyền chức Giám mục cho cha Dominique Lefèvbre làm Giám mục phó có quyền kế vị. Sau sự kiện quan trọng đó, đầu tháng 10/1841 ngài triệu tập công nghị Gò Thị, để ban cho các linh mục một hiến chương đời sống cá nhân và những chỉ dẫn mục vụ quí giá.
 
 Cũng tại Gò Thị, vào ngày 04/10/1846 Đức cha Cuênot truyền chức Giám mục cho cha F. Pellerin làm Giám mục phó có quyền kế vị. Lúc nầy Đức cha Dominique Lefèvbre đã làm Giám mục Tây Đàng Trong.
 
Phải nhìn nhận rằng sở dĩ Đức cha có thể sống an toàn và làm việc hiệu quả giữa cơn cấm cách,  phần lớn nhờ sự giúp đỡ tận tình của giáo hữu Gò Thị, đặc biệt là ông trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông. Ông trùm cộng tác với Đức cha lo việc giáo phận cho đến năm 1854 thì bị lưu đày vào Định Tường và chết ở đó ngày 15/7/1855. [3]
 
Sáu năm sau cái chết của ông Trùm Anrê, lệnh phân sáp của vua Tự Đức được thực hiện triệt để, các giáo hữu Gò Thị bị phân tán trong các làng ngoại giáo và do đó Đức cha phải rời Gò Thị đến ẩn lánh tại nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu ở Vĩnh Thạnh (Gò Bồi), vì bà này được xã tổng cho hoãn lệnh phân sáp. Sau mười ngày ẩn nấp, ngài đã bị bắt ngày 24 tháng 10 năm 1861, bị giải về nhà giam Bình Định và cuối cùng đã chết rũ tù ngày 14 tháng 11 năm 1861.
 
Đức cha Stêphanô Cuênot Thể và ông trùm Anrê Nguyễn Kim Thông đã được Đức Giáo Hoàng Leô XIII nhận vào bậc Đáng Kính ngày 13 tháng 2 năm 1899. Đức Giáo Hoàng Piô X tôn lên hàng chân phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.
 
Tại Gò Thị, trong những cơn bách hại dưới triều Tự Đức, nhiều nữ tu, chức sở và giáo hữu cũng chịu nhiều khốn khổ: kẻ bị tù, người bị đày, kẻ khác bị giết, còn phần đông bị phân sáp vào các làng ngoại giáo. Đặc biệt cha Giuse Thủ (con của Trùm Cả Anrê), cha Phaolô Châu (cháu họ của Trùm Cả Anrê) và ông từ Phêrô Me, cả 3 người quê ở Gò Thị đã được chính thức nhìn nhận là chết vì đạo vào năm 1862 và từ năm 1909, hồ sơ xin phong thánh cho các vị đang được Tòa Thánh cứu xét.
 
Sau khi Đức cha Stêphanô Cuênot Thể qua đời, Gò Thị không còn là nơi cư trú thường xuyên của các Giám mục nữa. Đức cha Eugène Charbonnier Trí, người kế vị Đức cha Stêphanô Cuênot Thể, đã từ Pháp đến Sài Gòn và từ Sài Gòn cập bến Kim Bồng, Tam Quan, Bình Định vào ngày 14 tháng 7 năm 1865 và đến ở tại Gia Hựu.
 
Sau hoà ước Nhâm Tuất năm 1862, đạo thánh Chúa được tự do, giáo hữu Gò Thị được trở về quê quán làm ăn, gần 200 người đã chết hoặc mất tích trong thời kỳ cấm đạo. Từ năm 1878 đến năm 1884, dưới thời cha Panis Ngãi làm cha sở, giáo xứ Gò Thị có thêm hai giáo họ mới là Phụng Sơn và An Hoà. Lúc bấy giờ tổng số giáo hữu lên đến gần 4.000 người trong 21 giáo điểm.[4]  Nhưng chỉ ít lâu sau, giáo xứ Gò Thị cũng như toàn giáo phận lại phải trải qua một cơn bách hại nặng nề khủng khiếp trong biến cố Văn Thân năm 1885. Quả thế, giữa tháng 7 năm 1885, với chủ trương “Bình Tây Sát Tả”, phong trào Văn Thân khởi sự giết chóc và đốt phá các làng Công giáo. Trong số gần 2.000 giáo hữu Gò Thị, có nhiều người đã trốn xuống Qui Nhơn từ vài ngày trước theo lệnh Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân, nhưng có hơn 200 người không ngờ trước tai hoạ hoặc vì ở xa không biết tin nên không đi, hầu hết đều bị tàn sát. Phải đợi đến tháng 7 năm 1887, cuộc bách hại đạo được chấm dứt. Các giáo hữu trở về quê sinh sống. Giáo xứ Gò Thị lúc này chỉ còn 1.500 người, một số đã nhập tịch giáo phận Sài Gòn, một số khác định cư tại nhiều họ đạo thuộc tỉnh Phan Thiết.
 
Nhưng giáo xứ Gò Thị lại phục hồi nhanh chóng. Những họ đạo cũ như Gò Thị, Gò Dài, Xuân Phong, Mỹ Cang, Vĩnh Thạnh đều tăng số giáo hữu hơn năm 1885. Vì số giáo hữu tăng, nên vào năm 1890 Xóm Nam cùng với Xóm Bắc, Vĩnh An, Vĩnh Minh, Vĩnh Thạnh được tách ra làm thành giáo xứ Xóm Nam, tức Nam Bình ngày nay.
 
Bù vào đó, từ năm 1890 đến năm 1905, giáo xứ Gò Thị lại có thêm nhiều giáo họ mới, như Lục Trung, Lục Lễ, Vinh Quang, Phước Thiện, Tân Giảng, Bảo An, Tân Thành, Lạc Điền và An Lợi với tổng số giáo hữu là 2989 người.[5] Tuy nhiên theo thống kê năm 1909 –1910 thì Gò Thị có 1.657 tín hữu trong 06 giáo họ.[6] Có lẽ thời điểm nầy một số giáo họ được cắt chia cho Nam Bình, theo bản thống kê nầy Nam Bình có 14 giáo họ. Thống kê năm 1917-1918 Gò Thị có 2.407 tín hữu trong 11 giáo họ ; Nam Bình có1.440 tín hữu trong 09 giáo họ. Từ năm 1905 đến năm 1945, nhiều nhà thờ và cơ sở tôn giáo đã lần lượt được xây mới hoặc xây lại kiên cố như để khẳng định tình thương quan phòng bất biến của Thiên Chúa với sự tồn tại vững chắc của Giáo Hội trên vùng đất vừa mới trải qua nhiều thử thách đức tin này: Nhà thờ Gò Thị (1922), trước đó vào năm 1864 - 1866 cha Bossard đã xây dựng nhà thờ Gò Thị, [7]  năm 1897 lúc cha Vivier làm cha sở có thánh lễ trọng thể làm phép nhà thờ mới Gò Thị, nhà thờ trung tâm của cả vùng do cha xây dựng; [8]  nhà thờ Phước Thiện (1940); nhà thờ Gò Dài (1941); cơ sở nhà chung; nhà mồ côi. Nhà mồ côi Gò Thị là một cơ sở từ thiện lâu đời có thể được xây dựng sau năm 1871 nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhiều trẻ mồ côi trong vùng. [9] Cha Salomez đã làm giám đốc cơ sở nầy từ 1904 – 1906.
 
Song song với việc phát triển giáo xứ, các vị chủ chăn còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tu trì và công tác giáo dục. Từ trước, tại Gò Thị đã có một tu viện Mến Thánh Giá. Nhưng đến 1924, Đức cha Grangeon Mẫn đã canh tân Dòng Mến Thánh Giá theo giáo luật 1917 và chọn tu viện này làm nhà mẹ và tập viện cho Dòng Mến Thánh Giá canh tân trong toàn giáo phận. Việc huấn luyện đệ tử và tập sinh ban đầu được giao cho các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, nhưng bề trên chính thức của tập viện là cha Solvignon Lành, đang là cha xứ Gò Thị. Ngài đã cho xây dựng những cơ sở đầu tiên để thu nhận đệ tử và tập sinh. Tu viện mới đã được làm phép trọng thể ngày 21 tháng 3 năm 1924.
 
Ngoài ra, ngày 13/5/1924 Đức cha Grangeon Mẫn đã ra thư chung buộc mỗi giáo xứ phải mở trường sơ học. Trong giáo xứ Gò Thị, cha Solvignon Lành đã thiết lập 9 trường: Gò Dài, Phước Thiện, Mỹ Cang, Lục Lễ, Tân Thành, Lạc Điền, Xóm Chuối, riêng tại Gò Thị có một trường nam và một trường nữ.
 
Ngày 10/7/1929, do sự bất cẩn của chú giúp, một cơn hoả hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà xứ. Tuy nhiên, nhờ tài tháo vát của cha xứ, một ngôi nhà xứ hai tầng đã được xây dựng khang trang vững chắc phía sau nhà thờ và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Vào năm 1933 một trận bão khủng khiếp đã làm sụp đổ nhà thờ Gò Thị, Tập viện, trường nam và hầu hết các nhà thờ trong giáo xứ. Cha Solvignon Lành đã phải xây dựng lại tất cả. Năm 1939, thời Đức cha Tardieu Phú, các họ đạo cực Bắc là Quán Ngỗng, Kẻ Thử, Phương Phi, Xóm Chuối được tách khỏi Gò Thị để tái lập lại giáo xứ Phương Phi, tiền thân giáo xứ  Xóm Chuối (Hòa Bình).
 
Năm 1944, số giáo hữu giáo xứ Gò Thị lên đến 3.595 người. Vì thế 4 họ đạo phía bắc là Tân Thành, Bảo An, An Lợi, Lạc Điền cùng với họ Vĩnh Thạnh của Nam Bình được tách ra làm thành giáo xứ Lạc Điền.
 
Từ năm 1945 đến năm 1952, cha Tôma Nguyễn Văn Tới đã cho nới rộng cung thánh nhà thờ Gò Thị, đóng bàn ghế, xây hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, đài chân phước Anrê Nguyễn Kim Thông. Đồng thời ngài cũng xây nhà thờ Lục Lễ.
 
Từ năm 1956, dưới thời cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn, công cuộc truyền giáo phát triển mạnh. Hàng trăm người đã xin tòng giáo và chịu phép Rửa Tội. Nhiều nhà thờ mới được xây dựng tại các họ đạo mới như: Nhà thờ Hưng Nghĩa, nhà thờ Giang Nam, nhà nguyện Kỳ Sơn. Ngài cũng cho xây dựng kiên cố hai nhà thờ: Mỹ Cang và Thượng Hoà. Một số họ đạo khác cũng được thành lập mặc dù chưa có nhà thờ như các họ đạo Thọ Nghĩa, Lộc Trung, Giang Bắc, Luật Chánh. Ngoài ra ngài còn xây dựng trường tiểu học Nguyễn Kim Thông Gò Thị, trường học và nhà xứ họ Gò Dài, mở rộng và xây đắp con đường Thượng Hoà-Gò Thị-Gò Dài. Thêm vào đó, hội Legio Mariae đã được thành lập tại giáo xứ và phát triển nhanh chóng, trở thành Curia thuộc Comitium Qui Nhơn.
 
Vào ngày 31/01/1958, Gò Thị được công nhận là giáo xứ bán chính thức. Ngày 06/02/1961 là giáo xứ chính thức theo đúng giáo luật.[10]
 
Đầu năm 1965, vì hoàn cảnh chiến tranh, cha xứ và giáo hữu phải di tản xuống Qui Nhơn. Đến năm 1966, một số đã lần lượt trở về, nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định; một số khác vẫn ở lại Qui Nhơn hoặc đi lập nghiệp ở những nơi khác như Nha Trang, Cam Ranh, Long Khánh, Sài Gòn...
 
Mãi đến năm 1973 Đức cha mới bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận về làm cha sở. Trong hoàn cảnh chiến tranh, cha sở và giáo dân quyết bám trụ cho đến tháng 3 năm 1975, lại một lần nữa cha sở và giáo dân phải di cư. Sau 30 tháng 4 năm 1975 bà con lại từ từ trở về quê.
 
Năm 1975, cha Phêrô Nguyễn Quang Báu được bổ nhiệm làm cha sở Gò Thị. Lúc bấy giờ, giáo xứ có hơn 2.400 giáo hữu, gồm có các giáo họ tương đối đông giáo hữu và có nhà thờ như: Gò Thị, Gò Dài, Xuân Phong, Thượng Hoà, Phước Thiện, Mỹ Cang, Lục Lễ. Một số giáo họ khác không còn nhà thờ và chỉ có ít giáo hữu như Vinh Quang, Kỳ Sơn, Lục Nghĩa, Lộc Trung, Giang Nam, Giang Bắc và Luật Chánh. Riêng các họ Hưng Nghĩa và Thọ Nghĩa được sáp nhập vào Công Chánh.
 
Từ năm 1965, nhà mẹ và tập viện Dòng Mến Thánh Giá đã di tản về Qui Nhơn, nên tu viện Gò Thị chỉ còn là một cộng đoàn. Sau 1975 Trường tiểu học Nguyễn Kim Thông bên cạnh nhà thờ, chính quyền mượn làm trường cơ bản nông nghiệp, nay làm trường tiểu học thôn Xuân Phương.
 
Năm 1990, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, cha Anrê Huỳnh Thanh Khương đã cho xây lại đài kỷ niệm Thánh nhân theo kiến trúc Á Đông, sau đó chỉnh trang khu gò mả thánh, nơi có mộ Thánh Anrê Kim Thông và nới rộng con đường dẫn đến mộ để tạo thuận lợi cho khách hành hương đến kính viếng.
 
Để giữ vững và tiếp nối truyền thống của một giáo xứ kỳ cựu với những trang sử đức tin được tô thắm bởi dòng máu anh dũng của các vị tử đạo, những sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ Gò Thị càng ngày càng phát triển mạnh. Đặc biệt sau cuộc tuyên phong Hiển Thánh 117 Chứng nhân đức tin Việt Nam ngày 19/6/1988, địa danh Gò Thị càng trở nên nổi tiếng và quen thuộc đối với nhiều người trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn. Nhiều tập thể hoặc cá nhân đã đến hành hương tại miền đất giàu truyền thống đức tin này, nơi Thánh Stêphanô Cuênot Thể đã sống và làm việc trong hầu hết cuộc đời truyền giáo của ngài, nơi Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông đã sinh trưởng và phục vụ mà hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích như: vườn nhà cũ, gò mả thánh, quan tài, xương thánh, đài kỷ niệm và rất đông con cháu của ngài. Mọi người đến đây để được nghe kể lại và tận mắt chứng kiến những kỷ niệm đã tạo nên những chứng nhân anh hùng của Chúa Kitô.
 
Trước đà phát triển của giáo xứ, trước nhu cầu hành hương ngày một tăng và để đáp ứng nguyện vọng của bao người, Đức Cố Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các, vốn là con cháu Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, muốn xây lại ngôi nhà thờ Gò Thị để đặc biệt dâng kính Thánh nhân với qui mô lớn hơn và vững chắc hơn. Công trình xây dựng đã bắt đầu từ năm 1998 dưới thời cha Anrê Huỳnh Thanh Khương làm cha sở Gò Thị và hoàn tất dưới thời cha xứ đương nhiệm Phêrô Nguyễn Văn Kính, đúng vào Năm Thánh 2000, cũng là năm kỷ niệm lần thứ 210 ngày sinh của Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông.
 
Được sinh ra và lớn lên cùng với những thăng trầm của lịch sử truyền giáo cũng như lịch sử xã hội, giáo xứ Gò Thị đã đón nhận nhiều thế hệ linh mục được sai đến phục vụ mà hôm nay lịch sử còn ghi lại được tên tuổi của các linh mục chính xứ và phó xứ. Đây là những linh mục đã được Thiên Chúa sai đến để hướng dẫn và đồng hành với giáo xứ trên hành trình đức tin, để cùng với mọi thành phần dân Chúa viết nên những trang sử đức tin .
 
 Gò Thị không chỉ biết đón nhận mà còn biết cống hiến. Quả thế, cho đến nay, giáo xứ Gò Thị đã cống hiến cho Giáo hội 04 vị giám mục, 47 linh mục, hơn 60 tu sĩ nam nữ. Hiện nay với con số hơn 3.000 giáo dân, giáo xứ Gò Thị đang cùng với toàn thể giáo phận Qui Nhơn và Giáo Hội trên khắp hoàn cầu tiến bước trong vui mừng và hy vọng. 
 
 
III. CÁC  LINH MỤC CHÁNH XỨ VÀ PHÓ XỨ

      a. Các linh mục chánh xứ  :
         
Hiện nay chưa tìm được tài liệu nào chính xác cho biết danh tánh các linh mục đã ở và làm việc tại Gò Thị từ năm 1839 trở về trước. Ở đây chúng ta có thể bắt đầu từ Thánh Giám mục Stêphanô Thể đến ở Gò Thị 1839 – 1861. Tiếp theo là các linh mục:
         
1. Cha Pascal Bossard đến Gò Thị năm 1864, cha đã làm nhà thờ Gò Thị.          
2. Cha Pierre Jean Joseph Panis Ngãi đến Gò Thị năm 1875 nhưng chỉ ở trong thời gian ngắn, về dạy ở tiểu chủng viện Làng Sông được một năm, cha trở lại làm cha sở Gò Thị cho đến năm 1883.
3. Cha Martin Bạch (1884 – 1885)
4. Cha Vivier Huệ (1887 – 1898); cha Vivier xây lại nhà thờ Gò Thị, làm phép năm 1897. Ngày 04/02/1898 cha Vivier qua đời tại Gò Thị và được an táng trong nhà thờ Gò Thị.
5. Khi cha Vivier qua đời, cha Mathey Thiện đang làm cha sở Xóm Nam ( Nam Bình) được bổ nhiệm làm cha sở Gò Thị đến năm 1904.
6. Cha Panis Ngãi (1905–1920) trở lại làm cha sở Gò Thị.
7. Cha JB Solvignon Lành (1920 – 1934)
8. Cha Fx Vỹ (1934 – 1941)
   9. Cha Phaolô Trương Công Chánh (1941 – 1944)
 10. Cha Anrê Phan Ngọc Lễ (1944 – 1945)
 11. Cha Toma Nguyễn Văn Tới (1945 – 1952)
 12. Cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì (1952 –1955)
 13. Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư (tháng 7-9/1956)
 14. Cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn (1956 – 1973)
 15. Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận (1973 – 1975)
 16. Cha Phêrô Nguyễn Quang Báu (1975 – 1988)
 17. Cha Anrê Huỳnh Thanh Khương (1988 – 2000)
 18. Cha Phêrô Nguyễn Văn Kính (2000 - ... )
 
        b. Các linh mục Phó xứ :
 
1. Cha Simon Nguyễn Chính (1891 – 1894)
2. Cha F.x. Hương (1894 – 1895)
3. Cha Gioakim Đến (1900-1902)
4. Cha Phêrô Lục (1906-1911)
5. Cha F.x. Sanh (1909 – 1917)
6. Cha Phêrô Cao (1912 – 1915)
7. Cha Giacôbê Lê Kim Dung (1915 – 1917)
8. Cha Phêrô Từ (1917 – 1919)
9. Cha Giuse Nguyễn Tý (1919 – 1920)
10. Cha Tánh (1922 – 1923)
11. Cha Lệ (1923 – 1927)
12. Cha Lassalmomie Tấn (1925 – 1926)
13. Cha Antôn Phạm Cảnh Chẩm (1926)
14. Cha Phêrô Nguyễn Viết Tín (1926 – 1927)
15. Cha Joseph Clause Hồng (1927)
16. Cha Gioan Bt. Nguyễn Đức Quảng (1927)
17. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (1933 – 1935)
18. Cha Phaolô Cần (1939 – 1942) – quê Hà Dừa.
19. Cha Phaolô Trần Văn Thông (1941 – 1942)
20. Cha Bonaventura Nguyễn Văn An (1943)
21. Cha Phaolô Dẫn (1943)
22. Cha Phêrô Lê Đức Châu (1943 – 1944)
23. Cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan (1944 – 1945)
24. Cha Phaolô Võ Hữu Tư (1945)
25. Cha Louis Nguyễn Bảo (1944 – 1945)
26. Cha Toma Nguyễn Văn Tới (ở Lục Lễ) (1957)
27. Cha Gioakim Bùi Văn Ninh (1999 – 2001)
28. Cha Gioakim Nguyễn Ngọc Minh (2001 - 2003)
29. Cha Phêrô Lê Nho Phú (2003 - 2005 )
30. Cha Phêrô Nguyễn Đình Hưng (2005- 2009)
31. Cha Giuse Nguyễn Đức Minh (2007 - 2012)
32. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ngân (2010 - ...)
33. Cha Phêrô Lê Nguyễn Hoàng Vũ (2013 - ...)
 
 
IV. CÁC GIÁM MỤC VÀ LINH MỤC
XUẤT THÂN TỪ  GIÁO  XỨ GÒ THỊ :
 
1.      Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các
2.      Đức cha Giuse Phan Văn Hoa
3.      Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn
4.      Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi
5.    Cha Giuse Nguyễn Kim Thủ
6.    Cha Phaolô Châu
7.    Cha Biện
8.    Cha Tôma Nguyễn Thiện
9.    Cha J.B. Nguyễn Hộ
10.Cha Louis Huỳnh Chiếu
11.Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư
12.Cha Giuse Nguyễn Sồ
13.Cha Phaolô Nguyễn Minh Đoan
14.Cha Gioakim Nguyễn Thanh Liêm
15.Cha Stêphanô Phan văn Bính
16.Cha Louis Nguyễn Bảo
17.Cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng
18.Cha Placide Nguyễn Tấn Phát
19.Cha Giêrônimô Nguyễn Thanh Lãm
20.Cha Louis Huỳnh Nhẫn
21.Cha Antôn Hoàng Đắc Ánh
22.Cha Phêrô Võ Vân Cẩm
23.Cha Gioan Baotixita Lê Quí Đức
24.Cha Phêrô Hoàng Kym
25.Cha Antôn Hoàng Tiến Nam
26.Cha Micae Nguyễn Tri Phương
27.Cha Phêrô Nguyễn Huy Pháp
28.Cha Anrê Huỳnh Thanh Khương
29.Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Kim Sơn
30.Cha Phêrô Nguyễn Kim Hồng
31.Cha Phêrô Lê Thanh Quang
32.Cha Giuse Nguyễn Công Thức
33.Cha Giuse Huỳnh văn Sỹ
34.Cha Gioakim Bùi Văn Ninh
35.Cha Gioan B. Nguyễn Kim Đệ
36.Cha Gioakim Trần Minh Dũng
37.Cha Gioakim Nguyễn Ngọc Minh
38.Cha Giuse Phạm Kim Quốc
39.Cha Anrê Huỳnh Tấn Nha
40.Cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm
41.Cha Phêrô Đỗ Quang Dũng
42.Cha Giuse Nguyễn Đức Minh
43.Cha Matthêu Nguyễn Ngọc Vũ
44.Cha Giuse Nguyễn Bá Thành
45.Cha Phêrô Nguyễn Minh Trường
46.Cha Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ngân
47.Cha Simon Nguyễn Thanh Tú
 
V. CÁC GIÁO HỌ CỦA GIÁO XỨ ( cuối năm 2012)
 
 STT GIÁO HỌ ĐỊA CHỈ HIỆN TRẠNG GIA ĐÌNH GIÁO DÂN BỔN MẠNG
1 GÒ THỊ Xuân Phương, Phước Sơn, Tuy Phước mới 371 1430 Đức Mẹ Lên Trời
2 Gò Dài Xuân Phương, Phước Sơn, Tuy Phước mới 187 770 Thánh Phêrô và Thánh Phaolô
3 Xuân Phong Xuân Phương, Phước Sơn, Tuy Phước mới 106 420 Thánh Tâm
Chúa Giêsu
4 Thượng Hoà Xuân Phương, Phước Sơn, Tuy Phước mới 52 199 Các Thánh
Tử Đạo VN
5 Phước Thiện Dương Thiện, Phước Sơn, Tuy Phước mới 27 110 Thánh Gioan
Tẩy Giả
6 Kỳ Sơn Kỳ Sơn, Phước Sơn,
Tuy Phước
chưa có 37 132 Đức Mẹ
Truyền Tin
7 Vinh Quang Vinh Quang, Phước Sơn,
 Tuy Phước
chưa có      
 
 
 
               
VI. CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA GIÁO XỨ GÒ THỊ

1. Họ Gò Thị:

- Nhà thờ khánh thành ngày 12 tháng 7 năm 2000. Dài 47m, rộng 20m, cao 18m, tháp chuông cao 40m.
- Nhà xứ : xây từ 1930, được tu sửa lại từ thời cha Huấn, và mới sơn sửa lại, nới rộng thêm một số phòng sinh hoạt.
- Trường Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, nhà nước đang mượn làm trường tiểu học.
- Gò mả Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, nơi đây có hầm mộ của Ngài. Bà con xa gần đến hành hương.
- Đài Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông nằm trong khuôn viên nhà thờ, được xây từ năm 1989.
- Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức đối diện với Đài Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông được hoàn thành cùng ngày với nhà thờ.
- Di tích Toà Giám mục Địa phận Đàng Trong: Nằm trong khuôn viên Nhà Chung. Đức Thánh Giám mục Stêphanô Thể đã “hầm trú” tại đây suốt 26 năm, ngài đã mở công đồng Gò Thị năm 1841. Ngày nay một đài kỷ niệm được xây trên nền cũ của Toà Giám Mục Địa phận Đàng Trong. Đây là một di tích lịch sử đáng ghi nhớ.
- Nhà Chung : Ngày xưa là nhà mồ côi nam và nhà mồ côi nữ, nay do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị phụ trách.
- Tu viện Mến Thánh Giá Gò Thị : Gồm một toà nhà 2 tầng, dài khoảng 80 mét và một nhà hưu dưỡng 2 tầng mới xây xong năm 2003. Đây là cái nôi của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.

 2. Họ Gò Dài:

- Nhà thờ mới xây lại, mái tôn, tường đá rửa, dài 24m, rộng 12m cả hè, tháp chuông cao 16m, chung quanh tường thành và sân nhà thờ được bê-tông hoá sạch sẽ.
- Nhà vuông 2 phòng rộng rãi thoáng mát.
- Hội trường gồm 3 phòng dành cho các em học giáo lý.

3. Họ Xuân Phong:

 - Nhà thờ đã được đại trùng tu và khánh thành vào mồng 3 tết năm 2003.
 - Nhà vuông dài 8m, rộng 5m, vừa mới sửa lại làm nơi sinh hoạt của giáo họ.
 - Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức.

 4. Họ Thượng Hoà:

Nhà thờ được xây từ thời cha Nguyễn Trọng Huấn, đã được đại trùng tu và khánh thành vào mùng 03 tết 2004.

 5. Họ Phước Thiện:

 Nhà thờ được xây từ thời cha Nguyễn Trọng Huấn. Nay đã được trùng tu khang trang và một nhà vuông rộng rãi chung quanh có tường thành bao bọc.

 6. Họ Kỳ Sơn và Vinh Quang

 Chỉ còn lại nền nhà thờ.
 
 
 
 

[1] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Paris 2000, T.II, p. 189.
[2] Tên gọi vùng đất tam giác Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước được hưởng  đặc quyền của triều đình lúc bấy giờ.
[3] xem tiểu sử Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả Gò Thị
[4] Mgr Van Camelbeke, Rapport  1882.
[5] Mgr Grangeon, Rapport 1905 ; Mm. 10/1919, p.139
[6] Mm. No.69,11/1910, p.90
[7] Notic biographique de Bossard ; R.A.E. 1881
[8] Rapport 1897
[9] Rapport 1871
[10] Thông tin địa phận số 03/1958 và số 22/ 1961

Tác giả bài viết: BTTVH
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 35
  • Hôm nay: 4867
  • Tháng hiện tại: 84130
  • Tổng lượt truy cập: 12060917