Trang mới   https://gpquinhon.org

Chủng viện Làng Sông

Đăng lúc: Thứ năm - 06/12/2012 19:41
CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG
 


Chủng Viện Làng Sông tọa lạc tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nơi đây hiện còn hai dãy nhà cổ kính, một vài tòa nhà đã bị sập, đặc biệt những cây sao cổ thụ “tìm hiếm thấy” như khóm rừng già giữa xóm làng.

Chủng Viện Làng Sông được Đức Cha Cuénot Thể thành lập sau Công Nghị Giáo Phận Đàng Trong tại Gò Thị[1]. “Đức Cha lại lập nhà trường qui học trò tập học tiếng latinh, để nữa lựa gởi qua học Pinăng, hầu sau về làm thầy cả, giúp việc linh hồn người ta, cùng mở rộng Hội Thánh Nam Kỳ cho càng ngày càng thạnh. Vậy đã lập một trường tại tỉnh Quảng Nam, chính họ Tùng Sơn; còn tỉnh Bình Định, một trường tại họ Mương Lở, và một trường tại họ Làng Sông”.[2] Thời điểm năm 1850, Chủng Viện Làng Sông và Mương Lở đã có 60 chủng sinh [3].

Các chủng viện nầy sinh hoạt tương đối ổn định cho đến năm 1859. Sau khi sắc dụ cấm đạo phân sáp được ban hành, Đức Cha Cuénot  cho giải thể chủng viện Tùng Sơn và Mương Lở, chỉ mình chủng viện Làng Sông còn sinh hoạt, lúc bấy giờ Cha Tư đang làm giám đốc. Đang lúc cấm đạo gắt gao,  “Tự Đức thập nhị niên, thập ngoạt, Cha Tư cai trường Làng Sông cỡi ngựa ra Gò Thị, hầu Đức Cha mà bàn tính việc. Đến nửa đàng, Cha phải bắt tại Kỳ Sơn, cùng giải lên tỉnh, nạp cho quan Tổng đốc[4]. Sau khi Cha Tư bị bắt, Cha Phaolô Châu từ Mương Lở về thay thế. Năm 1861, Cha Phaolô Châu cũng bị bắt và chịu xử trảm tại Gò Chàm, Bình Định vào tháng 5 năm 1862. Do tình hình cấm đạo gắt gao như thế, Chủng viện không còn sinh hoạt được nữa.

Thời Đức Cha Eugène Charbonnier Trí (1864-1878), Chủng viện Làng Sông được sinh hoạt trở lại. Thứ Tư, ngày 7 tháng 8 năm 1878, ngày Đức Cha Eugène Charbonnier Trí qua đời, Đại Chủng Viện Nước Nhỉ do ngài thành lập có 30 Đại Chủng sinh và Tiểu Chủng Viện Làng Sông có 50 Chủng sinh [5] .

Tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu Chủng Viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của giáo phận Đông Đàng Trong (ngày nay là dãy nhà phía Tây đã bị sụp đổ). Đặc biệt có một nhà in do Đức Cha Eugène Charbonnier Trí (1864-1878) thành lập [6]. Nhà in nầy đã bị Văn Thân đốt phá năm 1885 cùng với Tiểu Chủng Viện và Tòa Giám Mục.

Năm 1887, Sở Quản Lý Nhà Chung là cơ sở được tái thiết trước tiên tại Làng Sông , sau đó là Tòa Giám Mục [7], Chủng viện và các cơ sở phụ thuộc. Về Chủng Viện Làng Sông, Đức cha F.X. Van Camelbecke Hân viết trong báo cáo năm 1891: “...Trong những thời gian đầu, chúng tôi thật hài lòng về nhà cửa được tái thiết vội vàng và đơn giản nhất, nhằm đủ che nắng mưa. Ngày hôm nay bốn ngôi nhà lớn, gồm những nhà cho các cha và những công trình phụ đã được hoàn thành. Ngôi nhà nguyện [8] sẽ được hoàn thành và khánh thành cùng với công trình xây dựng tốt đẹp của chúng tôi trong nay mai”.

Năm 1925, Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho xây lại Chủng viện Làng Sông theo thiết kế của cha Dorgeville, thầy Hòa (thầy giảng) giám sát thi công. Công trình được khánh thành vào ngày 21-09-1927 và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, tọa lạc phía Đông Chủng Viện và được giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong. Cha rất thông thạo về kỹ thuật in ấn. Riêng trong năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in [9]. Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, được dời về Qui Nhơn. Quả vậy, Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, nhà in Làng Sông là nơi làm cho chữ Quốc ngữ được lớn lên.

 

 

[1] Công Nghị được nhóm họp vào ngày mồng 05, mồng 06 và mồng 10 tháng 8 năm 1841 (Dl).
[2] R.P. Tardieu, sđd, trang 43.
[3] P. Durand, sđd, p. 539.
[4] R.P. Tardieu, sđd, trang 70.
[5] P. Durand, sđd, p. 543.
[6] Archives des Missions Étrangères de Paris, Mgr. Eugène Charbonnier, Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Cochinchine Orientale, 1873.
[7] Từ thời Đức Cha Cuénot, Toà Giám Mục đặt tại Gò Thị. Đức Cha Charbonnier Trí (1864-1878) đặt Toà Giám Mục và Sở Quản lý tại  Gia Hựu. Đức cha Louis Marie Galibert Lợi (1879-1883) đặt Tòa Giám Mục tại Gò Thị. Đức cha F.X. Van Camelbecke Hân  (1884-1901) đặt Tòa Giám Mục tại Làng Sông cho đến thời Đức cha Augustin Marie Tardieu Phú (1930-1942) dời Tòa Giám Mục từ Làng Sông về Qui Nhơn. Tòa Giám Mục Qui Nhơn ngày nay được Đức cha Tadieu Phú xây dựng và khánh thành năm 1936.
[8] Nhà nguyện nầy ngày nay vẫn còn, nhưng đã có tu sửa.
[9] Archives des Missions Étrangères de Paris, MGR. GALLIOZ, Rapport des Évêques, Rapport n0 553, Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge .
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 1717
  • Tháng hiện tại: 95141
  • Tổng lượt truy cập: 12239401