Trang mới   https://gpquinhon.org

Nước Mặn

Đăng lúc: Thứ hai - 15/10/2012 02:51
NƯỚC MẶN
 
 Đức cha Phêrô làm phép Đài kỷ niệm Nước Mặn
 

Nước Mặn, cách đây 4 thế kỷ, là một cảng thị thương mại phồn vinh, là trung tâm truyền giáo đầu tiên của giáo phận Đàng Trong, là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.

1. CẢNG THỊ NƯỚC MẶN:

Gần 400 năm “vật đổi sao dời”, ngày nay chúng ta khó hình dung Nước Mặn là một trong ba thương cảng sầm uất ở Đàng Trong thời Chúa Nguyễn: Cảng Thanh Hà ở Huế, Cảng Hội An (Faifo) ở Đà Nẵng, Cảng Nước Mặn ở Qui Nhơn.

Cha Borri, một trong các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Nước Mặn đã viết: “Chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi” [1].  Cha Borri không nói đến cảnh buôn bán ở Nước Mặn nhưng đã cho thấy sự rộng lớn của cảng thị nầy.

Vào thế kỷ XVIII, sau khi đã đến Đàng Trong, Pierre Poivre viết trong hồi ký của mình:  "Tại tỉnh Qui Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn, là một cảng tốt, an toàn, được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo, lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đi đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường” [2].

Trên bản đồ Việt Nam gồm Đàng Ngoài và Đàng Trong do cha Đắc Lộ vẽ năm 1651, Nước Mặn nằm bên bờ một dòng sông chảy ra biển. [3]

Sự ra đời của một cảng thị, sự hưng thịnh, suy vong, lụi tàn đều có những lý do tất yếu của nó. Cảng thị Nước Mặn ngày xưa bao gồm các thôn An Hòa, thôn Lương Quang, xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay. Trải qua thời gian dài dâu bể và do sự bồi đắp tự nhiên của phù sa, cảng thị ngày càng biến dạng và  suy tàn. 

Vào thế kỷ XVII – XVIII, cửa khẩu đi vào Nước Mặn được gọi là Kẻ Thử [4]. Cửa khẩu nầy dẫn vào phía Bắc đầm Thị Nại, phân biệt với cửa Thị Nại ở phía Nam. Cửa Kẻ Thử đã bị bồi lấp, nối liền  núi Bà ở phía Bắc và núi Đơn ở phía Nam tạo nên một trảng cát dài hơn 8km. Ngày nay tại vùng đất nầy vẫn còn tên gọi chợ Kẻ Thử thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Theo truyền tụng dân gian, vào thời Gia Long, trời nổ sấm, mở cửa Qui Nhơn và lấp cửa Kẻ Thử. Theo bản đồ địa chất Nghĩa Bình, từ  Đề Gi qua núi Bà đến Qui Nhơn có mạch đứt gãy hoạt động từ 500 năm nay, mạch đứt gãy chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Cửa Kẻ Thử nằm ngay trên mặt đứt gãy nầy nên đành chịu sự vùi lấp của nó. Cách nay khoảng hơn 200 năm, mạch đứt gãy nầy có sự kiến tạo đột biến ở phía Nam núi Bà làm cho vùng nầy trồi lên cách bất thường. Cửa Kẻ Thử bị lấp. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. [5]

2. TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO NƯỚC MẶN

 2.1. Thừa sai dòng tên đến nước mặn

Vào một ngày trong tháng Bảy năm 1618, Thiên Chúa quan phòng đã đưa các thừa sai Dòng Tên đến Nước Mặn qua sự giúp đỡ của ông Trần Đức Hòa, Quan tuần phủ Khám lý Qui Nhơn. Cha Christoforo Borri, người trong cuộc, kể lại câu chuyện thuở ban đầu ngày xưa ấy :  

“Cha Buzomi, cha De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến.”
   “…vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn.
“Ở đây chúng tôi cũng được tiếp đãi với tất cả sự sang trọng, quan trấn đã truyền phải dành cho chúng tôi. … ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến.” [6]

Như thế, Nước Mặn là Cư sở thứ hai của các thừa sai Dòng Tên được thành lập vào Tháng 7-1618, sau Hội An (18/01/1615). Báo cáo thường niên năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn đã rửa tội được 180 người. Các thừa sai thường xuyên ở tại Nước Mặn trong những năm đầu: Cha Francesco Buzomi (quốc tịch Ý), Cha Cristoforo Borri (Ý), Cha Francisco de Pina (Bồ), Tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha) [7].

Trung tâm truyền giáo Nước mặn được các thừa sai Dòng Tên  phụ trách cho đến khoảng tháng 02 năm 1665. Sau khi các thừa sai Dòng Tên không còn làm việc ở vùng nầy, các thừa sai MEP nối tiếp công việc của các thừa sai Dòng Tên.

2.2. Thừa sai MEP.

Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong vào cuối năm 1671 đến đầu năm 1672, Nước Mặn là điểm dừng chân của Đức Cha Lambert de la Motte. Tại Nước Mặn, Đức cha Lambert lâm bệnh, liệt giường suốt 6 tuần lễ, cha Vachet phải ban bí tích xức dầu cho ngài. Ngày 01.11.1671, lễ Các Thánh, Đức cha Lambert de La Motte rời Nước Mặn, lên đường đi Quảng Ngãi, sau đó đi Hội An.

Vì sự nài nĩ chí tình với những lời lẽ rất cảm động của giáo dân Nước Mặn, trên đường từ Hội An trở về Thái Lan, Đức cha Lambert de la Motte đã ghé lại Nước Mặn. Đức cha ở đây 08 ngày, thăm viếng, ban các bí tích và ban 06 bài sai cắt đặt các thầy giảng và một số giáo dân đứng đầu một số nhà thờ. Và để cho niềm vui của giáo dân Nước Mặn được trọn vẹn, Đức cha Lambert de la Motte đặt cha Giuse Trang, linh mục người Việt [8], ở tại Nước mặn, có quyền hạn như một cha sở. Ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, Đức cha còn ban cho cha Giuse quyền cai quản tổng quát toàn vùng (Nước Mặn). Cha Vachet [9] nhận định: “Người thợ đáng kính này là người được vinh dự làm linh mục tiên khởi xứ Đàng Trong. Chắc hẳn, ngài nhận được những hoa quả đầu mùa trong sứ vụ linh mục. Ngài mang trong mình một lòng nhiệt thành cháy bỏng, một sự cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc dẻo dai. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng mọi khiếm khuyết của dân tộc. Tính hiền hòa của ngài khiến cho mọi người dễ cảm mến ngài. Đức khiêm nhường của ngài làm cho ngài rất khổ cực khi phải chấp nhận chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng tuyệt đối các bề trên của ngài;  cho dù nhiều nơi đã tha thiết muốn được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, nhưng ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn Giám mục của ngài”. [10]

Sau cha Giuse Trang, thời điểm (1683-1709) một mình Cha Ausiès de Fonbone (MEP) ở Nước Mặn phụ trách từ Bình Định đến Phú Yên.

Trải qua thời gian lịch sử khá dài, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn không còn. Cư sở truyền giáo Nước Mặn ngày nay được xác định tại vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Sau khi được gia đình ông Võ Cự Anh đồng ý, ngày 17 tháng 9 năm 2009, bằng văn thư số 3170/UBND-NC, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn được xây dựng công trình kỷ niệm việc các thừa sai đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo.

Để dâng công trình xây dựng cho Thánh cả Giuse và cũng để ghi nhớ ngày người con Linh mục đầu lòng của Giáo hội Việt Nam được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte truyền chức tại Thái Lan. Ngày 31 tháng 3 năm 2011, Tòa Giám Mục khởi công dọn mặt bằng và chuẩn bị vật tư xây dựng.  Thứ Tư ngày 04 tháng 5 năm 2011, khởi công đào móng. Khi đào móng, dưới phần đất tự nhiên khoảng 60 phân, có một phần móng gạch đất nung đã mềm gần như đất tự nhiên. Phải chăng đây là “chút gì để nhớ để thương” của người xưa gởi lại ?. Tại đây còn một giếng xưa, nước rất tốt, trong, mát và ngọt. Trong vùng Nước Mặn, tất cả giếng đều bị nhiễm phèn trừ “giếng xưa” nầy. Từ xưa tới nay, trước khi có hệ thống nước công cộng, bà con trong vùng thường đến lấy nước từ “giếng xưa” nầy về dùng trong những dịp quan hôn tang tế của gia đình.

Ngày 15 tháng 7 năm 2011, dòng chữ sau đây[11] đã khắc vào đá được đặt vào công trình:
 
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

Tại nơi đây, Nước Mặn
- Ba linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.
- Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị linh mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31-3-1668 tại Juthia, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.
Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011

Phêrô NGUYỄN SOẠN
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
 
Ngày 31 tháng 7 năm 2011, lễ thánh Inhaxiô Lôyôla, tổ phụ Dòng Tên, công trình đã được hoàn thành.

Ngày 05 tháng 8 năm 2011, lễ Cung hiến Đền thờ Đức Bà, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã làm phép công trình.  
    
2.3. NƯỚC MẶN

       Nơi phôi thai chữ quốc ngữ

Việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ là cả một tiến trình dài lâu, là công việc tập thể của các thế hệ thừa sai. Giai đoạn đầu của tiến trình nầy phải kể đến sự đóng góp của các thừa sai đầu tiên ở Nước Mặn như cha de Pina, cha Borri, cha Buzomi. Công lao của các thừa sai khác như cha Gaspar d’Amaral, cha Antonio Barbosa và nhất là cha Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau. Giai đoạn hình thành, phát triển và hoàn tất chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.

Những tài liệu viết tay của các thừa sai ở giai đoạn 1620-1626 khi đang truyền giáo ở Đàng Trong hiện còn lưu giữ được, có một số chữ quốc ngữ với hình thức âm tiếng Việt theo “kiểu Ý, kiểu Bồ”, thường dùng chỉ các địa danh hay chức vị: Ontrũ (Ông trùm), Nuoecman (Nước Mặn), Bafu (Bà Phủ-vợ Quan phủ Qui Nhơn), doij (đói), chià (trà),  Quamguya, Quanghia (Quảng Nghĩa), Quignin, Quinhin (Qui Nhơn), Bendâ (Bến Đá), Bôdê (Bồ Đề), Dĩgcham (Dinh Chàm), Ondedóc (Ông Đề đốc), ngaoc huan (Ngọc Hoàng), scin mocaij (xin một cái), Dàdèn Lùt (đã đến lụt), Bũa (Vua), Nhit la khaum, khaum la nhit (nhứt là không, không là nhứt)…[12]

Các tài liệu còn được lưu trữ nói trên gồm các tác giả: cha Joaõ Roiz viết năm 1621 (tổng hợp các báo cáo ở Đàng Trong bằng tiếng Bồ), cha Gaspar Luiz viết năm 1621 (tổng hợp các báo cáo ở Đàng Trong bằng tiếng La Tinh), cha Cristoforo Borri viết năm 1621, cha Alexandre de Rhodes viết năm 1625, cha Gaspar Luiz viết năm 1626 (viết tại Nước Mặn ngày 01.01.1626), cha Antonio de Fontes năm 1626 (viết tại Hội An), cha Francesco Buzomi viết năm 1626.

Theo cha Joaõ ROIZ, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Pina và cha Borri [13].

Cha Francesco de Pina đến Hội An năm 1617, gặp lúc các thừa sai bị trục xuất. Do đó, trong thời gian này cha de Pina khó có điều kiện tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt, mà phải đến đầu năm sau (1618) khi quan Khám lý Qui Nhơn đến Hội An đón cha cùng cha Buzomi, cha Borri và thầy Diaz, về ở tại Nước Mặn thì cha mới có điều kiện học tiếng Việt. Cha ở đây hai năm, sau đó quay trở lại Hội An. Năm 1623, cha lập cư sở Thanh Chiêm và chết đuối tại bờ biển Quảng nam vào ngày 15 tháng 12 năm 1625. Cha Chiristoforo Borri sang Việt Nam và chỉ ở tại Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1621 rồi trở về lại Ma Cao.

Cha de Pina là người dạy tiếng Việt cho cha Antonio de Fontes và cha Đắc Lộ tại Thanh Chiêm[14]. Cha Gaspar Luiz đến Đàng Trong năm 1624 và học tiếng Việt tại Nước Mặn. Khi viết báo cáo năm 1621, Cha Joaõ Roiz  và cha Gaspar Luiz chưa đến Đàng Trong mà chỉ tổng hợp những báo cáo từ Đàng Trong gởi về nhà Dòng.

Từ những gì đã nêu trên, Nước Mặn chẳng những là một trong ba trung tâm truyền giáo tiên khởi ở Đàng Trong do các thừa sai Dòng Tên đảm nhiệm mà còn là nơi các thừa sai Dòng Tên nghiên cứu và phiên âm chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. Do đó, có thể nói Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. 
 
 

[1] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, nxb. Tp. HCM 1998, tr. 99.
[2] Cordier. Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, description de la Cochinchine, REO, T.III, 1887.
[3] Xem Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất, Sài Gòn 1959, phụ bản số 20, trang 88.
[4] Cửa Kẻ Thử còn gọi là cửa Cách Thử.
[5] Xem Đỗ Bang – Nguyễn Tấn Hiểu, Lịch sử thành phố Qui Nhơn, nxb Thuận Hóa, 1998, tr. 76-83.
[6] Cristophoro Borri, sđd, tr. 95 – 104.
[7] Đỗ Quang Chính SJ.,  Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, Antôn & Đuốc Sáng, USA  6/2006, tr. 66.
[8] Cha Giuse Trang, nguyên quán Quảng Ngãi,  là linh mục Việt nam đầu tiên được Đức cha Lambert truyền chức linh mục vào  ngày 31 tháng 3 năm 1668 tại Thái Lan.
[9] Cha Vachet và cha Giuse Trang tháp tùng Đức cha Lambert trong suốt chuyến viếng thăm mục vụ nầy.
[10] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823,  Paris 2000, Tom I, p. 113-114.
[11] Dòng chữ gồm các thứ tiếng: Việt Nam, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Anh, La Tinh, Nôm.
[12] Xem Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn 1972, trang 20-38
[13] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ,  Sài Gòn 1972, trang 79
[14] Đỗ Quang Chính, sđd. Trang 35


 
Đức TGM Leopoldo Girelli viếng Đài kỷ niệm Nước Mặn ngày 08/9/2011
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 1110
  • Tháng hiện tại: 94534
  • Tổng lượt truy cập: 12238794