Trang mới   https://gpquinhon.org

Qui Hòa – nơi tình người bao la

Đăng lúc: Thứ hai - 19/11/2012 19:51
QUI HÒA – NƠI TÌNH NGƯỜI BAO LA






Ngày 20.09.1940, thi sĩ Hàn Mặc Tử, một Kitô hữu, bệnh nhân phong thứ 1.134[1] đã đến Qui Hòa điều trị và an nghỉ tại đây ngày 11.11.1940.

Mẹ Charles Antoine[2] đã viết:  « Ngày 11.11.1940, phải nói đến cái chết rất lành thánh của nhà thơ trẻ François Nguyễn Trọng Trí, nổi danh với biệt hiệu Hàn Mặc Tử. Thi sĩ đến Qui Hòa ngày 20.9, dù đau đớn kinh khủng, như mẹ Juetta, y tá chăm sóc thi sĩ đã chứng kiến, thi sĩ không bao giờ thốt ra một lời than phiền. Thi sĩ đã cho biết ít lâu trước khi bay về trời:  “Chính ở Qui Hòa, tôi đã nhận được những ơn lành quý trọng nhất đời tôi ”. Ơn ánh sáng và ơn sức mạnh đã làm cho thi sĩ lập được biết bao công phúc. Biết bao người trong số 5.247[3] bệnh nhân đã đi qua Qui Hòa từ ngày thành lập trại, đã có thể và đang có thể nhắc lại những lời ấy và cho những nhận định tương tự ».

Nguyễn Văn Xê, người kề cận với Hàn thi sĩ tại Qui Hòa, đã viết trong hồi ký của mình về những phút giây cuối đời của Hàn:  “…Sáng ngày 09.11.1940, sau khi khám bệnh, mẹ Juetta bưng chén thuốc cho Trí uống xong nói: ‘Chiều nay có xe đi mời cha tuyên úy vào xức dầu cho con’. Trí gật đầu và dạ rất nhỏ.

Sáng 10.11.1940, lúc 6 giờ 45 phút, cha cho Trí chịu phép xức dầu và rước lễ… Đêm ấy tôi trực với mẹ Juetta và xơ Julienne. Chúng tôi có đến thăm trí ba lần, và lần thứ ba lúc khoảng 3 giờ thì xơ Julienne cho biết từ giờ đến sáng Trí sẽ chết. Ngày 11.11.1940 thì Trí đã tắt thở. Sau khi báo tin cho các mẹ, tôi và anh em cùng giúp thay áo quần cho Trí và khâm liệm. Xong xuôi đâu vào đó,  thì anh em bệnh nhân đến đọc kinh cầu nguyện. Khi ấy tôi thu gọn ‘tài sản’ của Trí gồm một bộ bà ba trắng cũ, một veston cũ, một đôi bata sắp hư, một gối con con, một cuốn sách dày 200 trang của Rousseau và một bài văn tiếng Pháp viết bằng bút chì, mà lúc thay đồ cho Trí tôi lấy ở trong túi ra xem qua, đó là bài văn ‘La pureté de l’âme’. Và tuyệt nhiên không có một xu hào nào trong túi Trí từ khi vào cho đến chết” [4].

            Bài văn bằng tiếng Pháp ‘La pureté de l’âme’ đã được cụ Phạm Đình Khiêm dịch sang tiếng Việt:

“HỒN THANH KHIẾT

1 Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an hoan lạc, xin mang xuống cho tôi một triều thiên.
2 Tôi những muốn tắm gội trong Đại dương ánh sáng và tình yêu Thiên Chúa
3 Vì nơi dương thế đã thể hiện những phép lạ khiến con người ngất ngây thán phục công trình huyền nhiệm của Đấng Tối Cao.
4 Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an hoan lạc, kìa các vị thấy chăng, hào quang đang rạng tỏ… màu tuyết trắng tinh…, hình hài trinh nguyên vô nhiễm…, hồn thiêng hiển hiện chốn dương trần… Thoạt nhìn, tưởng là hồn các thánh, là chất thơ, là tinh hoa kinh nguyện, đáng lẽ tỏa thành thanh hương, thanh khí, nhưng lại khiêm tốn nhận thân phận làm người!
5 Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an hoan lạc, xin vỗ tay mừng: Vì đấy là các Mẹ và các Chị dòng Phan Sinh, vào đời để thoa dịu những đau thương sầu khổ của người trần yếu đuối, người bệnh hoạn và cả những người phong cùi như chúng tôi.
6 Tôi muốn ca lên bài ca tán tụng, muốn uống thỏa thích những lời ngọt ngào khi các bà hát: Hosanna! Hosanna! (Hoan hô Chúa! Hoan hô Chúa!)
7 Tôi muốn đời đời cảm mộ vẻ trong trắng tinh tuyền và tươi mát ấy, hào quang ấy, chất thơ ấy, vì tất cả đấy là biểu hiệu của HỒN THANH KHIẾT.
8 Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an hoan lạc, xin cùng nhau tung lên những hoa hồng, hoa súng, cất lên những khúc hát du dương, tấu lên những điệu nhạc thơm, và hãy tuôn đổ chan hòa các nhân đức, lòng dũng cảm và nguồn hạnh phúc giữa các nữ tì của Chúa “[5] .

Phanxicô Trí


Deo gratias! (Tạ ơn Chúa!)
Đêm thứ tư, 24 tháng Mười 1940

Với những chứng từ trên, Qui Hòa đã có chỗ ưu tiên trong tâm khảm của Hàn thi sĩ. Qui Hòa – nơi tình người bao la.

 1. VỊ TRÍ  ĐỊA LÝ QUI HÒA

Bờ biển Qui Nhơn từ Ghềnh Ráng đến mũi Bãi Bàng (địa giới Qui Nhơn-Sông Cầu) với thế núi và biển quanh năm sóng bạc, ghềnh đá rêu đen, đã tạo nên những ghềnh và vịnh, bãi:  Bãi Nhỏ, Bãi Dại, Bãi Dài, Bãi Bàng, Bãi Rạng, Bãi Bàu, Bãi Xép…. Trong các vịnh, bãi ấy có một vùng đất rất rộng gọi là Xóm Cát hay Qui Hòa có núi đồi bao bọc ba phía Bắc, Tây, Nam; phía Đông  là vịnh Làng Mai, Biển Đông. Các vịnh, bãi dọc theo bờ biển Qui Nhơn –Sông Cầu ngày nay không còn là vùng hẻo lánh và hiểm trở khi đường Quốc lộ I D  (Qui Nhơn –Sông Cầu) được khánh thành vào ngày 31/ 03/2001.

            Trên Quốc lộ I D, tại đỉnh đèo Suối Tiên trước khi vào thành phố Qui Nhơn; hoặc từ  trung tâm thành phố Qui Nhơn đi về phía Nam, qua con đèo nhỏ ngoằn ngoèo và hiểm trở từ Ghềnh Ráng lên đến đỉnh đèo Suối Tiên có đường đến thung lũng Qui Hòa thuộc khu vực II, phường Ghềnh Ráng, thành phố Qui Nhơn.

            Theo địa bạ thời Gia Long (1802-1820), năm 1815, Qui Hòa được ghi là khách hộ ấp (thuộc thôn Trúc Lâm), thuộc Thời Tú, huyện Tuy Viễn. Diện tích điền thổ: 115 mẫu, 01 sào, 04 thước, 03 tấc 2. Trong đó:  - Tư điền 113 mẫu, 02 sào, 04 thước, 03 tấc 2;  - Dân cư thổ trạch 01 mẫu, 09 sào;  một khoảnh mộ địa;  một khoảnh hoang nhàn thổ cát [6].

            Theo địa bạ thời Minh Mạng (1820-1840), năm 1839 lập lại địa bạ, thôn Qui Hòa thuộc tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn. Diện tích điền thổ vẫn nguyên số như thời Gia Long. Trong đó:  - Công điền 54 mẫu, 08 sào, 01 thước;  - Tư điền 54 mẫu, 09 thước, 03 tấc 2;  - Tư điền lưu hoang 04 mẫu, 03 sào, 09 thước;  - Dân cư thổ trạch 01 mẫu, 09 sào;  - Mộ địa 01 khoảnh và hoang nhàn thổ 01 khoảnh [7] .

            2. LƯỢC SỬ

            Được sự ủng hộ của Đức cha Grangeon, Giám mục Đại diện Tông tòa giáo phận Qui Nhơn và chính quyền đương thời, năm 1929 cha Paul Maheu thuộc hội Thừa Sai Paris cùng với bác sỹ Le Moine, Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn thành lập trại Phong Qui Hòa. Bác sĩ Le Moine tường thuật việc cha Maheu đến Qui Hòa:  “Một buổi sáng đẹp trời, một chiếc thuyền cập bãi Bến Cát, chở theo một cái giường gỗ, một cái bàn, mấy cái ghế, một máy dĩa phono, rất nhiều sách, một nhà tu hành gầy gò có bộ râu dài, cặp mắt sáng quắc, đó là linh mục Paul Maheu, hiến dâng đời mình cho người cùi “[8].

 

                                               
  Nhà bệnh nhân sau trận bão năm 1933
 
Cha Paul Maheu làm Giám đốc trại phong, Bác sĩ Le Moine phụ trách việc chữa trị, băng bó và giải phẩu cho bệnh nhân. Lúc bấy giờ, tại Qui Hòa đã có một họ đạo gọi là Xóm Cát do Linh mục Louis Vallet, quản lý nhà chung (1898-1908), thành lập từ đầu thế kỷ 20.

Lúc đầu, Cha Paul Maheu chạy vạy xin các nhà hảo tâm ở Bình Định, ở Nam Việt và ở Pháp. Cha đã nhận được nhiều sự giúp đỡ rất quảng đại. Trại Phong được xây dựng bằng mái tranh vách đất gồm: Nhà thờ, nhà bệnh nhân và nhà phát thuốc. Sau một năm miệt mài làm việc quá vất vả, cha Maheu đuối sức. Cha được bề trên đưa về Pháp an dưỡng. Thứ Sáu, ngày 27 tháng Hai năm 1931, cha Maheu trút hơi thở cuối cùng tại Pháp.

Cha Maheu qua đời, cha Alexandre Pierre (Cố Trí)  đến tiếp tục công việc. Tháng 08.1931, cha Alexandre được bổ nhiệm làm quản lý giáo phận, cha Nicolas Gabriel (Cố Cận)  đến Qui Hòa và một số nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị đến cọng tác với cha. Lúc mới thành lập, Trại phong đã đón nhận 52 bệnh nhân, năm sau lên đến 140 bệnh nhân. Bệnh nhân ngày càng đông, bác sĩ Le Moine làm việc quá tải.

Cuối năm 1930, Đức cha Tardieu, Giám mục Đại diện Tông tòa giáo phận Qui Nhơn, gỏ cửa Nhà Dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ ở Roma, những người có chuyên môn, có kinh nghiệm và có khả năng kinh tế giúp cho Trại Phong. Lúc bấy giờ Dòng đã đảm trách 09 trại phong trên toàn thế giới.

Được sự ủy nhiệm của Nhà Mẹ ở Roma, ngày 23.09.1932, năm nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ thuộc tỉnh Dòng Thánh Tâm Paris: Soeur Marie Gisèle (trưởng đoàn), Soeur Marie de la Résurection, Soeur Marie de St. Venant, Soeur Marie Waberta,  Soeur Marie Martia du Sacré Coeur, đã đặt chân lên tàu Le Général Mesinger ở cảng Marseille, cập bến Sài Gòn ngày 20.10.1932. Vì thời tiết xấu, các nữ tu không đi đường thủy về Qui Nhơn nhưng đi tàu lửa đến Nha Trang, từ Nha Trang về Qui Nhơn bằng xe hơi.

Ngày 24.10.1932, Đức cha Tardieu và cha Nicolas vui mừng đón tiếp các nữ tu tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn (lúc bấy giờ là một dãy nhà trệt trên sân bóng rổ Chủng Viện Qui Nhơn ngày nay). Sau đó các nữ tu được đưa đến chân núi Xuân Vân (cổng vào khu du lịch Ghềnh Ráng ngày nay) bằng xe hơi, xe dừng lại vì đường đèo hẹp và quanh co, chỉ dành cho bộ hành. Các nữ tu phải đi kiệu. Mỗi người ngồi trên một chiếc ghế có hai đòn khiêng, bốn thanh niên khỏe mạnh khiêng trên vai. Đoàn đi như một đám rước, có cờ và chiêng trống dẫn đầu. ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy’ đã được một soeur trong đoàn ghi lại: “Ai chẳng não lòng khi thấy những khuôn mặt biến dạng xù xì bừng lên niềm vui phấn khởi lúc đám rước đến gần. Chúng tôi đi qua một nghĩa trang nhỏ, ở đó đã có nhiều ngôi mộ vây quanh bia đá tưởng nhớ cha Maheu, người bạn chân tình của các bệnh nhân, linh hồn của công cuộc thành lập Qui Hòa, mất ở Pháp năm 1931. Chúng tôi xuống kiệu trước nhà thương, hai bệnh nhân, đại diện cho các bạn bệnh nhân, lần lượt đứng ra đọc diễn văn chúc mừng, một bài bằng tiếng Pháp, một bài bằng tiếng Việt. Thật đau lòng khi nghe họ tự xưng là những “thân tàn ma dại”. Một tràng pháo, đỉnh cao của niềm vui được đốt, kết thúc cuộc tiếp đón và chúng tôi được long trọng hướng dẫn về nhà ở dành cho chúng tôi, nhà ở có chưng đèn kết hoa. Nhà thờ tạm cũng sát ở đó, cách hai bước. Mọi người cùng vào nhà thờ. Trong số 200 bệnh nhân, một nửa là công giáo và là công giáo đạo đức sốt sắng”  [9].

Ngày hôm ấy là một ngày hồng phúc.

Ngày hồng phúc của những nữ tu thực hiện đoàn sủng của mình:  Hiến dâng triệt để cuộc đời mình, trở nên của lễ cho Giáo hội và để góp phần cứu độ thế giới.

Ngày hồng phúc của những bệnh nhân phong, những người mà Hàn thi sĩ, kẻ cùng cảnh ngộ đã diễn tả:  

“Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên…”
[10],

những người đang quằn quại trong đau đớn nay gặp được những người mang cả trí, tâm, lời nói, đôi tay của ‘mẹ’ đến xoa dịu nỗi đau.

Ngày hồng phúc của các nữ tu Mến Thánh giá Gò Thị đang phục vụ tại Trại phong, những nữ tu đã chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất, mà các chị đang chứng kiến Chúa Kitô đang bị đóng đinh nơi thân xác anh chị em bệnh nhân phong của mình, rất xót xa, nhưng khả năng hạn hẹp của mình, không chuyên môn, lắm lần chỉ biết khóc thôi. Khi hay tin các nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ thuộc tỉnh Dòng Thánh Tâm Paris xuống tàu, các nữ tu Mến Thánh Giá Gò Thị tại Qui Hòa đã thắp một ngọn đèn dầu đêm ngày cháy sáng trước tượng Đức Mẹ để xin Mẹ bầu cử cho chuyến đi của các nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ được thuận buồm xuôi gió. Ngọn đèn dầu cháy sáng, hành động của niềm tin, dấu chỉ của tình yêu, mõi mòn chờ trông có người chuyên môn giúp đỡ cho các bệnh nhân.

Ngày 24.10.1932, đó cũng là ngày hồng phúc của Đức cha Tardieu, cha Nicolas và bác sĩ Le Moine, những người đã hết sức hết lòng với anh chị em bệnh nhân phong.

Đến nhiệm sở, các nữ tu vào việc, trước hết là việc chọn thánh Phanxicô làm bổn mạng cho Trại phong và cộng đoàn, sau đó là những cật lực trong lĩnh vực chuyên môn. Trên mặt bằng đất được chính quyền cấp 01 km², các nữ tu ổn định cơ sở để phục vụ bệnh nhân được hiệu quả hơn, khai quang mở rộng mặt bằng, tổ chức và ổn định đời sống bệnh nhân cũng như gia đình của họ. Phía bờ biển được qui hoạch dành cho nhà thờ, nhà tuyên úy, nhà các nữ tu, nhà chẩn bệnh, nhà điều trị, nhà dược. Phía bên trong là làng bệnh nhân, giữa làng có chợ. Các con đường trong làng đều tập trung về chợ, chia thành nhiều khu vực. Bệnh nhân sau khi điều trị, được cùng với gia đình ở từng nhà riêng, mỗi nhà mang kiểu dáng theo sở thích, chất liệu bằng tranh tre gỗ đất.

Qui Hòa nằm trong vùng bờ biển miền Trung, một vùng thường bị gió bão. Trận bão ngày 01.11.1933 đã làm sập đổ tất cả nhà cửa trại Phong. Bệnh nhân lúc này đã lên tới 350 người. Nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân xa gần, đặc biệt những nỗ lực của các nữ tu Phan Sinh hậu quả bão tố dần được khắc phục.

Năm 1935, Tỉnh Dòng gởi thêm bốn nữ tu đến Qui Hòa, trong đó có soeur Marie Ozithe là một kiến trúc sư năng nổ tháo vát góp sức mình trong việc tái thiết Trại Phong kiên cố hơn. Nhà Thờ mới được dời vào trung tâm của trại Phong, chiều dài 36m, chiều rộng 16m, có tháp cao 22m. Ngày 08.12.1937 Đức cha Tardieu đến chủ lễ khánh thành.

Ngày 22.11.1945, các nữ tu Phan sinh phải rời khỏi Qui Hòa theo lệnh của Ủy Ban Kháng Chiến Khu V. Trong thời gian các Nữ tu Phan Sinh vắng mặt,  các Linh mục: Phaolô Huỳnh Biên, Giuse Võ Ngọc Nhã và Phaolô Nguyễn xuân Bàn, lần lượt điều hành trại phong gần 700 bệnh nhân với sự cọng tác của các nữ tu Mến Thánh Giá Gò Thị.

Ngày 06.07.1955,  năm nữ tu Phan Sinh gồm 02 nữ tu ngoại quốc:  Ozithe và Charles Antoine và 3 nữ tu Việt nam: Anna Trần Thị Mộ, Martha Nguyễn Thị Nghi và Anna Phùng Thị Khóa trở lại Qui Hòa. Từ đây các nữ tu Phan Sinh điều hành bệnh viện cho đến ngày 25 tháng 6 năm 1976.

Trong thời gian dài phục vụ tại Qui Hòa, nữ tu Charles Antoine, người Pháp, là một kiến trúc sư, đã cùng các nữ tu Phan Sinh góp nhiều sáng kiến để tổ chức đời sống cho bệnh nhân: Xây nhà thương, phòng cho bệnh nhân nặng; cất khoảng 250 căn nhà ở xinh xắn, lát gạch, lợp ngói, mỗi nhà một vẻ, với vườn bông trước thềm. Trại phong lúc này trở thành một khu phố nhỏ, có đường ngang dọc ngăn nắp, nhà cửa khang trang. Trong Trại phong có chợ, có xích lô, xe đạp, có một trường học cấp một, có hội trường, có sân bóng giải trí. Ngoài ra, còn có các cơ xưởng ngành nghề như: Rèn, mộc, hàn xì, hồ, đúc gạch bông, đá mài granitô. Các ngành thủ công như:  Dệt vải, dệt chiếu, đan, may, thêu, vẽ. Ngoài ra, còn có xưởng làm nước mắm, sản xuất dầu dừa, làm xà phòng, vừa giúp thêm thu nhập cho anh chị em bệnh nhân, vừa giúp họ phát huy khả năng, gây niềm tự tin và vui sống trong xã hội. Với tổ chức và phát triển như thế, Trại Phong Qui Hòa đã đủ tầm trở thành Bệnh Viện Phong Qui Hòa.

Để đạt được tầm như thế, các nữ tu Phan Sinh đã hết mình cho đoàn sủng của mình. Nhật ký của nữ tu Magarita Phùng Thị Khóa (21.08.1920-28.03.2001) có đoạn ghi thời bệnh viện lên đến hơn 1.000 bệnh nhân mà chỉ có 10 nữ tu phục vụ. Có hôm các nữ tu phải vắng nhà đi ‘khất thực’ cho các bệnh nhân, chỉ còn hai nữ tu ở nhà, một người trực giải quyết công việc bệnh viện, một người quán xuyến cộng việc ở cộng đoàn, sợ lắm, nhưng rồi mọi sự cũng được hoàn tất tốt đẹp. Các anh chị em bệnh nhân được huấn luyện và được cổ võ giúp nhau trong nhiều công việc mà các nữ tu không thể đủ sức. Chung Nhi, tác giả bài báo ‘Người Bác sĩ 40 năm chung sống cùng bệnh nhân phong’ đã viết:  “Tôi được nghe các bệnh nhân kể về xơ Charles Antoine, Giám đốc cũ của viện, đêm đêm ngồi trực bên giường bệnh nhân, sẳn sàng tận tay dọn cả nhà vệ sinh nếu gặp thấy bẩn” [11]. Bác sĩ  Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc bệnh viện Qui Hòa (1985-1994), người được đề cử nhận giải thưởng Gandhi, giải thưởng quốc tế dành cho người có công với bệnh nhân phong, nhưng ông đã từ chối. Ông nói:  “Ba mươi năm qua tôi mới làm được rất ít trong phạm vi nghĩa vụ vủa mình. Ngược lại, tôi đã chứng kiến bao nhiêu tấm gương hy sinh âm thầm của những người vô danh phục vụ trong trại phong. Tôi thực sự thấy mình bé nhỏ trước những con người ấy. Tôi đã im lặng quan sát và học hỏi ở họ trong nhiều năm. Có người ở sát bên buồng tôi mà mấy tháng trời tôi không biết, vì ngày nào cũng thế, tôi chưa dậy thì bà đã xuống buồng bệnh, tôi đi ngủ, bà vẫn chưa về. Có người cả một đời cống hiến rất nhiều cho người bệnh, tới lúc chết vẫn không cho phép ai nhắc đến việc làm của mình ” [12].

Theo chủ trương của nhà nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976, các nữ tu Phan Sinh trao Bệnh Viện Phong Qui Hòa cho Bộ Y Tế điều hành. Bệnh Viện Phong Qui Hòa được đổi tên thành Khu Điều trị Phong Qui Hòa.

Ngày 26 tháng 8 năm 1999, Khu Điều trị Phong Qui Hòa được đổi tên thành Bệnh viện Phong – Da liễu Qui Hòa. Tại Quyết định số: 539/QĐ-BYT, ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Qui Hòa có chức năng và nhiệm vụ ở tuyến cao nhất của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên (gồm 11 tỉnh).

3. HIỆN TÌNH

Làng phong Qui Hòa hiện có gần 300 hộ gia đình với hơn 1.000 nhân khẩu là bệnh nhân và con em của các bệnh nhân. Ở đây, những ngôi nhà nhỏ bé, xinh xắn, kiến trúc đa dạng, mỗi nhà một kiểu, dưới bóng mát rặng dừa và dương liễu trên các trục đường bê tông sạch sẽ do các nữ tu Phan Sinh điều hành xây dựng thuở nào vẫn còn đó. 

Cuộc sống của các bệnh nhân và con em của họ khổ nghèo giản dị nhưng không thiếu sự sinh động, ngoài khoản trợ cấp của nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước… mỗi bệnh nhân, mỗi gia đình đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn bệnh tật. Với sức lực còm cỏi còn lại của mình, họ trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đi biển đánh bắt hải sản, thậm chí có người lên núi chặt củi đốt than.

            Từ ngày nhà nước quản lý Bệnh viện Phong Qui Hòa, một ít nữ tu Phan Sinh chỉ phục vụ như công nhân viên theo một số lãnh vực chuyên môn. Ngoài ra, nhờ sự trợ giúp của Hội Dòng và của các nhà hảo tâm, các nữ tu Phan Sinh tập trung vào việc trợ giúp các bệnh nhân khó khăn về lương thực, thăm viếng, an ủi, tạo quĩ tín dụng giúp vốn làm ăn, trợ giúp làm nhà cho những gia đình mới, giúp phương tiện xe đưa đón các em đi học ở thành phố Qui Nhơn, giúp học bổng cho những em học nghề hoặc đại học.
Đến với Qui Hòa hôm nay không những để thưởng ngoạn một bức tranh thiên nhiên thanh bình, hay chỉ để ghé thăm phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử, căn phòng ngày xưa Hàn Mạc Tử đã ở để chữa bệnh cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Hoặc chỉ để dạo mát trong khu vườn tượng hai vị sáng lập bệnh viện và các danh nhân y học nổi tiếng như: Hippocrate (460-377), Pasteur (1822-1895), H. Dunant (1828-1910), Hải Thượng Lãn Ông, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch... đang nằm yên ả dưới những tàn dương liễu cùng eo biển với bờ cát vàng mịn trải dài ngút mắt, mà còn để cùng với các nữ  tu Phan Sinh, linh mục quản xứ, các nhân viên bệnh viện, các nhà hảo tâm làm nên một nỗ lực cộng sinh để “nơi tình người bao la” thêm chút mặn mà.

4. ĐIỆN THOẠI LIÊN LẠC

- Cha sở 056.3646258         - Các nữ tu 056.3646252
           

 

 

[1] Con số bệnh nhân lưu trú.
[2] Mẹ Charles Antoine là một nữ tu, thường được gọi là ma-xơ, nhưng các bệnh nhân phong thường gọi các nữ tu săn sóc mình là mẹ. Các nữ tu vui nhận tên gọi ấy như sứ mạng của mình.
[3] Con số bệnh nhân được khám chữa bệnh.
[4] Phan Cự Đệ, Hàn Mặc Tử tác phẩm phê bình và tưởng niệm, nxb. Văn Học, Hà Nội 2002, trang 380
[5] Dục Đức Phạm Đình Khiêm, Hàn Mặc Tử  La pureté de l’âme, 1974.
[6] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Bình Định, Q.I, NXB. Tp. HCM, trang 424.
[7] Nguyễn Đình Đầu, Sđd, Q.II, trang 819.
[8]Archives des Missions Étrangères de Paris, Biographique, Maheu Paul , numéro 2170, pays Vietnam. 
[9] Antôn Trần Phổ, Kỷ yếu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mừng 70 năm hiện diện tại Việt Nam, trang 128.
[10] Hàn Mặc Tử, trích trong bài “Hồn Là Ai ”
[11] Chung Nhi, Báo Gia Đình và Xã Hội, số 19, ngày 05/03/2002.
[12] Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn, Kỷ yếu  Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mừng 70 năm hiện diện tại Việt nam, tr. 18
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hành hương, Qui Hòa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 4554
  • Tháng hiện tại: 108557
  • Tổng lượt truy cập: 12252817