Trang mới   https://gpquinhon.org

Đôi điều cần xem xét lại về việc dùng chiêng và trống trong phụng vụ

Đăng lúc: Thứ năm - 14/08/2014 18:12



Cách đây trên mười năm, chúng tôi từng viết bài đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử Xưa & nay, để nêu thắc mắc về cách đặt lầu chuông và lầu trống nhầm chỗ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Nhiều năm trôi qua, câu hỏi đặt ra vẫn chưa được giải đáp, trong khi công việc thời gian gần đây giúp chúng tôi có những ghi nhận mới ít nhiều liên quan đến chuyện này. Chúng tôi xin được nêu ra ở đây một số ghi nhận và ý kiến để các vị hữu trách trong Hội Thánh cân nhắc.

Vài ghi nhận thực tế

Gần một năm qua, chúng tôi có dịp dự thánh lễ tại một số nhà thờ thuộc các giáo phận Huế và Kontum. Chúng tôi nhận thấy rằng khác với một số nhà thờ ở miền bắc, chỉ dùng chiêng thay thế chuông nhỏ, tại những nơi này, người ta thường dùng cả chiêng và trống. Thiết nghĩ đây là một nét đẹp trong việc hội nhập văn hóa. Tuy nhiên, dường như cách đặt chiêng và trống lại chưa thống nhất. Chúng tôi đặt câu hỏi với một vài người, câu trả lời thường rất đơn giản: nơi nọ nơi kia dùng chiêng và trống, chúng tôi thấy hay nên cũng dùng. Việc hội nhập văn hóa không chỉ đơn thuần là chuyện bắt chước, nhưng phải là hiểu biết nét đẹp của một nền văn hóa để biết trân trọng và mặc cho nét đẹp ấy giá trị Tin Mừng. Do vậy, chúng tôi cho rằng khi đem các nhạc khí này vào phụng vụ, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa việc sử dụng chúng trong truyền thống.

Vài ghi nhận về truyền thống

Việc dùng chiêng, chuông, khánh và trống trong cung đình, đền chùa miếu mạo đã có lịch sử hàng ngàn năm. Ở đây, chúng tôi không dám lạm bàn về chuyện này. Điểm chúng tôi muốn được nêu ra ở đây là khi sắp xếp những nhạc khí này, người xưa tuân theo những nguyên tắc trong triết lí âm – dương: tả dương hữu âm, tả chung hữu cổ, nghĩa là dương bên trái âm bên phải, chuông bên trái trống bên phải. Phải nói thêm rằng cách xác định hai bên trái – phải phụ thuộc vào hướng của công trình.Chúng ta có thể thấy rõ cách bài trí này nơi những công trình cổ như lầu chuông và lầu trống tại Đền Thượng thuộc khu vực Đền Hùng, lầu chuông và lầu trống tại Hiển Lâm Các trong Tử Cấm Thành Huế, lầu chuông và lầu trống tại Chùa Linh Mụ.

 

Lầu chuông và lầu trống ở hai bên tả hữu Hiển Lâm Các, tức cổng vào Thế Miếu[1]

Lầu chuông và lầu trống ở hai bên tả hữu cổng chính tại chùa Linh Mụ[2]

Hiện nay, nguyên tắc sắp xếp này vẫn được áp dụng trong các dịp kị nhật tại Cấm Thành Huế. Dưới đây là một số hình ảnh minh chứng điều đó:

Những hình ảnh dịp kị nhật Đức Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế (Nguyễn Phúc Côn),
tại Hưng Tổ Miếu, Cấm Thành Huế, năm 2011
[3]

Vài đề nghị

Chúng tôi nghĩ rằng nếu muốn thay thế chuông nhỏ vẫn quen dùng trong phụng vụ, tốt nhất chúng ta nên sử dụng cả chuông và trống theo nguyên tắc âm – dương, nghĩa là theo hướng nhìn của bàn thờ, chúng ta nên đặt chuông ở phía trái và trống ở phía phải của gian cung thánh. Tuy nhiên, việc đúc một quả chuông nam có kích cỡ nhỏ cho phù hợp với từng ngôi nhà thờ không phải là chuyện dễ dàng. Trong trường hợp này, dùng chiêng thay thế chuông có lẽ là giải pháp dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn nên theo nguyên tắc xếp đặt theo âm – dương, tức là đặt chiêng bên trái, trống bên phải.   

Chúng tôi vừa nêu ra một vài ghi nhận và đề nghị, rất mong các bậc thức giả góp ý bổ sung để công việc hội nhập văn hóa trong Hội Thánh tại Việt Nam đạt kết quả tốt đẹp hơn.

  KIM ÂN


[1]  Hình ảnh được lấy từ trang điện tử:
http://www.skyscrapercity.com/showthread.php?t=1156477, truy cập ngày 12-8-2014.

[2]Hình ảnh được lấy từ trang điện tử:
http://www.skyscrapercity.com/showthread.php?t=1156477, truy cập ngày 12-8-2014.

[3] Những hình ảnh được lấy từ trang điện tử:
http://www.skyscrapercity.com/showthread.php?s=f6e70bb303b2681f8c9140c40b1d691a&t=1156477&page=236, truy cập ngày 03-8-2014.


Tác giả bài viết: Kim Ân
Nguồn tin: xuanbichvietnam.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93804
  • Tổng lượt truy cập: 12238064