Trang mới   https://gpquinhon.org

Nến ở các Thánh giá xức dầu được thắp những dịp nào?

Đăng lúc: Thứ năm - 16/07/2015 18:03


Nến ở các Thánh giá xức dầu được thắp những dịp nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sự thực hành truyền thống, bây giờ là tùy chọn, về việc đặt thánh giá cung hiến và nến sáng, để đánh dấu những nơi mà các bức tường nhà thờ được xức dầu trong nghi thức cung hiến, vẫn được duy trì ở nhiều nơi. Các chữ đỏ của nghi thức cung hiến bao gồm một nghi lễ thắp sáng chúng trong nghi thức này (xem Caeremoniale Episcoporum, số 907, Ordo dedicationis Ecclesiae et altaris, cap. II, số 72). Tôi không thể tìm thấy chỗ nào trong các chữ đỏ kêu gọi hay thậm chí cho phép chúng được thắp sáng vào các dịp khác. Ngay cả phần tóm tắt trong Nghi thức cung hiến (Ordo dedicationis) về các ngày kỷ niệm cung hiến cũng im lặng về điểm này (xem cap. II, số 26-27). Các sự thực hành dường như thay đổi từ không bao giờ thắp sáng chúng, chỉ thắp sáng chúng vào ngày kỷ niệm cung hiến nhà thờ, thắp sáng chúng vào ngày lễ tước hiệu nhà thờ, thắp sáng chúng Đêm Vọng Phục Sinh, thắp sáng chúng vào tất cả các lễ trọng, thắp sáng chúng mỗi Chúa Nhật, …Xin cha cho biết có nguồn sách nào xác định một qui định thẩm quyền về điểm này không? - J.S., St. Louis, Missouri, Mỹ.


Đáp: 12 thánh giá cung hiến hoặc đá cung hiến, và nến sáng được đề cập bởi độc giả chúng ta thường được đặt trên các bức tường của bất kỳ nhà thờ Công Giáo nào đã được cung hiến. Các thánh giá này thường bằng đá hoặc một vật liệu bền chắc khác; đôi khi chúng được sơn vẽ nữa. Các thánh giá và nến này đánh dấu 12 điểm, ở nơi mà bức tường nhà thờ đã được long trọng xức dầu và các ngọn nến được thắp sáng lần đầu tiên. Trong các nhà thờ xưa, cũng có 12 thánh giá trên bức tường bên ngoài của nhà thờ nữa.

Từ ngữ cung hiến (dedication) nhà thờ hiện nay được ưa chuộng hơn từ ngữ thánh hiến (consecration) nhà thờ. Tữ ngữ này được mô tả trong Nghi thức Cung Hiến nhà thờ:

"Nghi thức Xức Dầu, Xông hương, Dọn bàn thờ (trải khăn…) và Thắp đèn Bàn thờ.

"16. Nghi thức Xức Dầu, Xông hương, Dọn bàn thờ (trải khăn…) và Thắp đèn Bàn thờ diễn tả, bằng các dấu hiệu hữu hình, một số khía cạnh của công việc vô hình, mà Chúa hoàn thành thông qua Giáo Hội trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

"a) Xức dầu bàn thờ và các bức tường của nhà thờ: Việc xức dầu thánh làm cho bàn thờ trở nên một biểu tượng của Chúa Kitô, Đấng mà trước tất cả các danh hiệu khác, được gọi là “Đấng Được Xức Dầu”; vì Chúa Cha xức dầu Người với Thánh Thần và đặt Ngưởi làm Linh mục Thượng phẩm, để trên bàn thờ thân thể Người, Người có thể hy tế đời mình để cứu độ tất cả. Việc xức dầu nhà thờ có nghĩa rằng nó được dùng một cách hoàn toàn và luôn mãi cho việc thờ phương Kitô giáo. Phù hợp với truyền thống phụng vụ, có mười hai thánh giá được xức dầu, hoặc, nơi nào thuận tiện hơn, bốn thánh giá được xức dầu, như là một biểu tượng rằng nhà thờ là một hình ảnh của thành thánh Giêrusalem.

"b) Hương được đốt trên bàn thờ để có nghĩa rằng hy lễ của Chúa Kitô, diễn ra mãi ở đó trong mầu nhiệm, bay lên Chúa Cha như một mùi hương dịu ngọt, và cũng để diễn tả rằng lời cầu nguyện của dân chúng là làm hài lòng và được chấp nhận, lên tới ngai Thiên Chúa. Việc xông hương lòng nhà thờ cho thấy rằng sự cung hiến nhà thờ làm cho nó trở thành nhà cầu nguyện, nhưng dân của Thiên Chúa được xông hương trước tiên, bởi vì họ là đền thờ sống động, mà trong đó mỗi thành viên là một bàn thờ thiêng liêng.

"c) Việc dọn bàn thờ cho thấy rằng bàn thờ Kitô giáo là bàn thờ của hy tế tạ ơn và là bàn của Chúa; xung quanh bàn thờ, các linh mục và dân Chúa, bằng một nghi thức như nhau nhưng khác nhau về phận vụ, cử hành việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô và chia sẻ bữa ăn của Người. Vì lý do này, bàn thờ được chuẩn bị như một bàn của bữa tiệc hy tế, và được trang trí cho một bữa tiệc. Do đó, việc trải khăn bàn thờ có ý nghĩa rõ ràng rằng đó là bàn tiệc của Chúa, mà tại đó dân Chúa vui vẻ gặp gỡ, để được hưởng của ăn thần linh, cụ thể là Mình và Máu của Chúa Kitô hy tế.

"d) Việc thắp sáng bàn thờ, sau đó là thắp sáng nhà thờ, nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô là “ánh sáng soi chiếu mọi dân nước”; sự sáng của Người soi chiếu toàn Giáo Hội và qua đó, soi chiếu toàn thể gia đình nhân loại”.

Lời nguyện được sử dụng vào dịp này là: "Xin Chúa dùng quyền năng của Người thánh hóa bàn thờ và thánh đường này, khi chúng con làm phận sự xức dầu, đề chúng trở nên dấu hiệu hữu hình diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh Người” (bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

12 cây nến bắt nguồn từ việc sử dụng biểu tượng của con số này trong truyền thống Kinh Thánh. 12 viên đá, được ông Mô-sê sử dụng để xây dựng bàn thờ của giao ước, đại diện cho 12 chi tộc Ít-ra-en. Có 12 cửa của thành Giêrusalem mới được đề cập trong sách Khải Huyền (21, 12-14). Tương tự như vậy, có 12 thánh tông đồ. Khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng "Tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”. Đức tin chúng ta là "tông truyền" vì nó được dựa trên những lời dạy của Chúa Giêsu, được trông nom bởi các tông đồ, những người thừa kế trực tiếp của các vị là các Giám mục của chúng ta, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Nghi thức cung hiến nhà thờ có lẽ bắt nguồn từ thời Hoàng đế Constantine (272-337), khi các Kitô hữu được tự do thờ phượng Chúa. Trong nhiều thế kỷ, nó bao gồm sự cử hành trọng thể lần đầu Hy lễ tạ ơn. Ở giai đoạn sau đó, một nghi thức đặt xương thánh được thêm vào. Hạt nhân của nghi thức hiện nay với các việc xức dầu khác nhau có nguồn gốc từ thời Trung Cổ.

Như độc giả chúng tôi đã đề cập, sự thực hành thay đổi khác nhau về thời gian các ngọn nến được thắp sáng Không có chỉ định chính thức trong luật hiện nay. Trong các trường hợp như vậy, phong tục truyền thống có thể được tuân giữ. Theo phong tục này, nến có thể được thắp sáng vào ngày 29-5 khi tất cả các nhà thờ mừng chung Lễ cung hiến. Nếu không, chúng có thể được thắp sáng để mừng các ngày lễ trọng trong năm của Giáo Hội. Đây là một khả năng và không phải là một điều buộc, nhưng có thể là hữu ích để tăng cường sự trọng thể của các ngày lễ. (Zenit.org 14-7-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Nguồn tin: Vietcatholic.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Hôm nay: 2970
  • Tháng hiện tại: 158777
  • Tổng lượt truy cập: 12135564