Trang mới   https://gpquinhon.org

Người Hồi giáo chia sẻ quan điểm thay cho bài giảng Thánh lễ được không?

Đăng lúc: Thứ tư - 25/06/2014 02:04


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
 
Hỏi: Trong phụng vụ thánh của Chúa Nhật Hiện Xuống vừa qua, thay vì linh mục giảng lễ, hai giáo sĩ của nhà thờ Hồi giáo địa phương được mời đến "tham gia với chúng tôi trong lời cầu nguyện trong ánh sáng của gương Đức Thánh Cha nêu ra". Giáo sĩ thứ nhất chia sẻ quan điểm của mình về Thiên Chúa, làm thế nào chúng ta tìm kiếm hòa bình và làm thế nào hòa bình chỉ có thể được tìm thấy trong Thiên Chúa. Ông giải thích rằng người Hồi giáo tin cùng một Thiên Chúa như các Kitô hữu, và rằng họ cũng tin "Chúa Giêsu là một ngôn sứ, như đức Mohammed cao cả". Tiếp đến, giáo sĩ thứ hai đọc một số đoạn trích từ sách Kinh thánh Quran bằng tiếng Anh, và hát các đoạn văn ấy bằng tiếng Ả Rập. Ông cũng đọc một số đoạn nói về Đức Maria nữa. Cuối cuộc "cầu nguyện cho hòa bình," người phụ nữ giới thiệu hai vị đã giải thích cho cộng đoàn, tôi xin trích dẫn nguyên văn, rằng "giờ đây các anh em Hồi giáo của chúng ta ra về, không tham gia hết phần Phụng Vụ Lời Chúa khi chúng ta chuẩn bị đọc Kinh Tin Kính, vốn cô lập chúng ta với họ thêm nữa”. Thưa cha, tôi không thắc mắc về việc người Hồi giáo được mời và có mặt tại Thánh Lễ của chúng ta như là người quan sát. Tôi chỉ muốn hỏi: liệu có là sự xúc phạm nặng không, khi đề họ chia sẻ thay cho bài giảng, họ đọc các đoạn trong Kinh thánh Hồi giáo, và nói nhiều lần rằng họ cũng "tin rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ vĩ đại"? Cá nhân tôi, tôi cảm thấy mình như là một tù nhân trong chính ngôi nhà của tôi, và cảm thấy xấu hổ vì tôi đã không có sự can đảm của các vị tử đạo tiên khởi để đứng lên và nói: "Chúa Giêsu không chỉ là một ngôn sứ nhưng là Con Thiên Chúa". Tôi kinh hoàng khi nghe Kinh Tin Kính được nhắc đến trong nhà chúng ta như là một điểm "cô lập" chúng ta. Tôi cảm nhận rằng Kinh Tin Kính không phải là một điểm cô lập, nhưng là chân lý mà chúng ta không cần phải xin lỗi, chỉ vì chúng ta đang có các vị khách thuộc tôn giáo khác hiện diện giữa chúng ta. Tôi đã phản ứng thái quá không, thưa cha? - H. C., Orlando, Florida, Mỹ.

Đáp: Trong khi Đức Thánh Cha của chúng ta đã có nhiều bước tiến lớn, để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và chấp nhận nhau giữa các người khác niềm tin tôn giáo, Ngài cũng như các vị tiền nhiệm đã cố gắng hết sức, để tránh bất cứ chủ nghĩa hỗn tạp tôn giáo nào, và tôi chưa hề thấy một sự kiện nào, mà trong đó lời cầu nguyện của người ngoài Kitô giáo được đưa vào trong hành vi phụng vụ của việc thờ phượng Kitô giáo cả, huống hồ là đưa vào một Thánh Lễ

Vì vậy, trước hết tôi nghĩ rằng việc nại đến mẫu gương của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hành động ấy là đơn thuần không đúng.

Thứ đến, tôi không tin rằng các giáo sĩ Hồi giáo tham gia vào sự việc trên, sẽ có lần mời một thừa tác viên Kitô giáo đến chia sẻ trong một buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu của họ, rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là mặc khải dứt khoát của Thiên Chúa cho con người. Khi nói như thế, tôi không chỉ trích các người Hồi giáo thiếu việc có đi có lại, nhưng chỉ đơn giản nói rằng đây là điều thống nhất tbeo quan điểm Hồi giáo xem, bởi vì việc cho phép Kitô hữu phát biểu như thế sẽ là tương đương với việc phủ nhận nội dung thiết yếu của Hồi giáo.

Tôi tin rằng cũng là thật rõ ràng cho một thừa tác viên Công Giáo là không thể có chỗ cho việc trình bày một tôn giáo ngoài Kitô giáo, trong bối cảnh của một nghi thức phụng vụ Kitô giáo.

Chắc chắn rằng có những lần và địa điểm, mà ở đó việc giải thích một tôn giáo ngoài Kitô giáo có thể được thực hiện với lợi ích chung, nhưng không bao giờ trong một bối cảnh phụng vụ Kitô giáo. Mọi phụng vụ Kitô giáo là một lời tuyên xưng đức tin, và việc trình bày một tôn giáo khác là phủ nhận lý do cho việc có mặt của Kitô hữu tại một hành vi thờ phượng. Trong nghĩa này, chúng ta không chỉ "bị cô lập" khỏi người Hồi giáo bởi Kinh Tin Kình của mình, mà còn khỏi thời điểm mà chúng ta làm dấu thánh giá và tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi ở đầu Thánh Lễ nữa.

Để cho rõ ràng hơn: Mặc dù có thể và cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau và hòa bình với nhau, xét theo quan điểm của niềm tin tôn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo là các tôn giáo không tương thích với nhau. Tuy nhiên, có một số giá trị được chia sẻ và điểm chung của việc thực hành sống đạo, nhưng cả hai tôn giáo có các nội dung chân lý tuyệt đối riêng, vốn là loại trừ lẫn nhau. Chúng ta có thể đồng ý hay không đồng ý một cách thân thiện, nhưng phải chấp nhận rằng không có nền tảng chung trong vấn đề niềm tin trung tâm của tôn giáo. Chỉ như thế việc đối thoại hiệu quả có thể diễn ra.

Trong nghĩa này, giờ đây chúng ta có thể giải quyết các khẳng định do người Hồi giáo đưa ra trong Thánh Lễ ấy. Cả hai tôn giáo tin rằng chỉ có một Thiên Chúa, và chắc chắn rằng cả hai tôn giáo tôn thờ cùng một Thiên Chúa. Tuy nhiên, từ một quan điểm suy lý hơn, một số học giả cho rằng các khái niệm cơ bản về bản thể và các thuộc tính của Thiên Chúa không phải là luôn luôn tương thích trong cả hai tôn giáo.

Tương tự như vậy, sự khẳng định của người Hồi giáo rằng Chúa Giêsu được xem như là một ngôn sứ vĩ đại như Mohammed là thực tế vô nghĩa cho các Kitô hữu.

Xin dùng một thí dụ khác: Một Kitô hữu có thể nói với người Do Thái giáo rằng Kitô hữu xem I-sa-ia (Isaiah) là một ngôn sứ vĩ đại. Đây là là một tuyên bố đúng thật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng một người Do Thái giáo có thể chấp nhận niềm tin Kitô giáo, mà các văn bản của ngôn sứ I-sa-ia đã báo trước về cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu. Làm như vậy là chối bỏ đức tin Do Thái giáo.

Đối với Kitô hữu, Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là mặc khải dứt khoát của Thiên Chúa cho con người. Một Kitô hữu không thể chấp nhận rằng Mohammed là một ngôn sứ theo nghĩa Kitô giáo, vì tất cả sứ ngôn đã chấm dứt trước khi Chúa Kitô đến, và nhất thiết phải hướng tới Ngài. Kitô giáo cũng không hề xem Kinh Thánh Hồi giáo như là Mặc khải của Thiên Chúa, bởi vì không thể có Mặc khải công khai sau thời các thánh Tông đồ nữa. Khẳng định khác đi có thể là phủ nhận một niềm tin trung tâm của đức tin chúng ta.

Cuối cùng, mặc dù có thể xem là đúng luật, bài giảng không thể được bỏ qua trong lễ trọng. Bài giảng không được thực hiện bởi ai khác ngoài một thừa tác viên có chức thánh và phải phản ánh đức tin.

Về việc này, huấn thị Redemptionis Sacramentum nói rõ như sau:

"64. Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ, “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”.

“65. Xin nhắc lại điều 767 §1 của Bộ Giáo luật đã bãi bỏ mọi quy tắc trước đây cho phép các tín hữu không có chức thánh giảng trong cử hành Thánh Thể. Quả nhiên, một việc cho phép như thế phải bị dứt khoát bác bỏ, và không tục lệ nào có thể chứng minh việc cho phép như vậy.

“66. Việc cấm giáo dân giảng trong lúc cử hành Thánh Lễ cũng liên quan đến các chủng sinh, các sinh viên thần học, đến tất cả những ai thi hành chức vụ “phụ tá mục vụ”, và đến bất cứ nhóm, phong trào, cộng đoàn hay hiệp hội giáo dân nào.

“67. Đặc biệt, phải quan tâm theo dõi bài giảng được hoàn toàn tập trung vào mầu nhiệm cứu độ, bằng cách trình bày, suốt năm phụng vụ, từ các bài đọc kinh thánh và những bản văn phụng vụ, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống kitô-hữu, và bằng cách chú giải các bản văn của phần Chung hay phần Riêng của Thánh Lễ, hay nữa của nghi lễ khác của Giáo Hội. Tất nhiên là tất cả những giải thích Thánh Kinh phải hướng về Đức Kitô như là cột trụ tuyệt đỉnh của kế hoạch cứu độ ; tuy nhiên, việc đó phải được thực hiện cũng có quan tâm đến bối cảnh đặc thù của việc cử hành phụng vụ. Người giảng phải chăm lo chiếu rọi ánh sáng Đức Kitô vào các sự kiện của đời sống, mà không phải vì thế tước đi ý nghĩa chân chính và đích thật của lời Thiên Chúa, ví dụ, bằng cách chỉ dựa vào các nhận xét chính trị hay những luận chứng ngoại đạo, hay bằng cách dựa theo các quan niệm vay mượn của những phong trào tôn-giáo-giả phổ biến trong thời đại của chúng ta" (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). (Zenit.org 24-6-2014)
Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ
Nguồn tin: Vietcatholic.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 6
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1911
  • Tháng hiện tại: 78019
  • Tổng lượt truy cập: 12222279