Trang mới   https://gpquinhon.org

Lý Sơn đón Chúa trong mưa

Đăng lúc: Thứ tư - 31/12/2014 20:21
ĐÓN CHÚA TRONG MƯA
 

Ở Lý Sơn, nhà thờ sát biển, mỗi lần mưa về thường đi với gió, như mới đây gió nổi, quất mạnh vào sân, giật cờ, xé phông, xô đổ không một chút thương dù người ta làm tốn đến bạc triệu. Tổ chức canh thức Giáng Sinh trong nhà thờ, người lương[1] đến xem chen chúc thấy tội, ai cũng ao ước làm ngoài trời. Năm nay có nhà thờ mới, sân rộng tha hồ diễn chỉ phập phồng lo gió rủ mây về làm mưa phá đám. Cha xứ tìm cách trị, tất cả giáo dân cũng xúm lại đồng lòng. Giáo xứ dâng lễ cầu nguyện xin ơn, làm tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khấn mưa tạnh gió ngừng. Cuối cùng mưa gió ở lì nên đành: đón Chúa trong mưa!
 
1.      Một chút hờn và hơi ghen tị
 
Năm nay mưa nhiều đến độ làm úng cây tỏi. Qua tuần đầu Mùa Vọng, không còn nắng dịu và gió mát như mùa này trước đây. Suốt mấy tuần liền, trời lúc nào cũng đầy mây, sẳn sàng mở nước có lúc xối xả, có khi rỉ rả như là đùa cợt vì biết nhiều người đang mong: mưa ơi, đừng rơi nữa! Tuần cuối của Mùa Vọng, cha xứ thông báo: tối 22 vào lúc 19 giờ tổng dợt chương trình canh thức; ngày 24, 19 giờ giáo xứ sẽ bắt đầu diễn nguyện, kế đến là kiệu Chúa Hài Đồng, 21 giờ 30, lễ đêm mừng Chúa Giáng Sinh.
 
Chúa Nhật, 22 tháng 12, chương trình bị cháy vì mưa suốt cả ngày lấn sang đến tối, thay vì làm ngoài trời trước tiền đường nhà thờ, cả xứ phải vào phòng hội nhỏ để tổng dợt, thực ra chỉ nhắc lại vai diễn, sợ các em quên, chứ phòng chật đâu làm được gì. Ngày 24, vừa mở mắt đã nghe tiếng mưa rơi, gió rít qua khe, bức phong trước tiền đường nhà thờ vỗ những tiếng to phành phạch như đang kêu cứu. Tuy vậy, người ở đảo nhiều năm vẫn còn hy vọng, vì buổi sáng trời mưa đến chiều có thể tạnh. 16 giờ, các diễn viên đội áo mưa về điểm tập trung đúng hẹn, thay y phục và trang điểm, từ trẻ nhỏ đến người lớn vẽ mặt hân hoan, dường như hạnh phúc nhất lúc này là được lên sân khấu, chỉ tội phải đứng chờ vì mưa cứ còn rơi.
 
Từng giờ trôi qua, chưa bao giờ có cảnh người ra đứng nhìn trời nhiều lần như thế. Có lúc mưa nhẹ dần chỉ làm rung vũng nước đọng trên nền gạch, ai cũng khấp khơi mừng chuẩn bị ào ra sân lau nền xong là diễn. Nhưng chưa kịp làm, mưa lại rơi nặng hạt. Chờ mãi, gần đến 8 giờ tối mưa vẫn không dứt, gọi điện vào đất liền hỏi, cả hai nơi Châu Ổ và thành phố Quảng Ngãi đều trả lời ở đây thời tiết tốt. Tức không chịu được, vì những mùa mưa trước, trong đất liền mưa thường nhiều hơn. Năm nay sao thế nhỉ ?! Lời cầu nguyện của cha xứ không linh!... Thiệt bực mình! Đối với Chúa ngăn mưa lại tí cho chúng con tổ chức lễ đâu khó gì. Vậy mà cũng không! May ra còn chút an ủi là dù mưa, anh chị em bên lương vẫn kéo đến nhà thờ, như thế mới thấy Chúa Hài Đồng của mình rất là hấp dẫn.
 
2.      Thay đổi phương án
 

Đồng hồ chỉ qua ngưỡng 20 giờ, tiếng cha xứ phát ra trong loa: “Kính thưa quí vị và cộng đoàn thân mến…” Như thế là hết, canh thức đành gác lại, kiệu Chúa Hài đồng cũng không, chỉ còn lễ ở trong nhà thờ. Vẫn biết chẳng do ai, chỉ tại Chúa không nhậm lời mà sao khuôn mặt người nào cũng thế, nhất là các diễn viên, xìu như bóng bóng không còn tí hơi.  Lễ sớm hơn tiếng đồng hồ, anh chị em người lương đứng kín mấy lối ra vào, hơi ồn ào nhưng không đến nỗi, chắc Chúa cũng thương vì Ngài đâu đòi ai điều gì quá mức.

Ở xứ đạo toàn tòng chuyện thời tiết đâu có gì lạ, nhưng ở đây, xứ của người lương, cảnh trời đất thế này thường làm họ nghĩ, Chúa của người Công Giáo không linh. Cha xứ quyết định đổi bài giảng, thay vì mở đầu bằng mấy câu thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử : “Ai hãy lặng im chớ nói nhiều… và để nghe trời giải nghĩa yêu.” Rồi tiếp tục nội dung bài giảng: “Kính thưa quí vị và cộng đoàn Phụng vụ thân mến, Trời giải nghĩa yêu là đây: Thiên Chúa yêu loài người chúng ta đến độ giáng trần làm người sinh ra trong hang chiên lừa giữa đêm đông…” Cha xứ đổi hoàn toàn bài giảng, không còn mượn lời thơ hay ca từ bản nhạc mà trực tiếp đi vào thực tế; mời gọi cộng đoàn đặt mình vào chính tâm trạng bị từ chối của thánh Giuse và Đức Mẹ, khi các ngài vào thành tìm chỗ trọ. Hỏi lúc đó thánh Giuse muốn gì? Một chỗ cho Mẹ vì đường xa kiệt sức và nhất là “đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa”. Nhưng có được không? Không! Thánh Giuse và Mẹ Maria đã không được điều mình mong muốn…

Ta thử nghĩ xem, nếu các ngài được điều mình muốn là chủ quán trọ mở cửa cho vào thì sao? Hẳn là việc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cứu độ chúng ta không có gì thay đổi, nhưng có một sự thay đổi là không có máng cỏ cho Hài Nhi Giêsu nằm, không có hàng lừa cho Con Thiên Chúa làm người trú ngụ giữa đêm đông, Ngài không cần những thứ đó vì đã có chăn ấm nệm êm… Vì ngày xưa thánh Giuse và Mẹ Maria không có chỗ trọ nên được Chúa lo, khiến bây giờ chúng ta mới có: mỗi năm Giáng Sinh về, cảnh nghèo hèn của hang Bêlem, quạnh hiu trên đồng vắng với tiếng hát thiên thần làm thổn thức nhiều triệu con tim nhân loại, làm cho lòng người dấy lên niềm thương cảm, ý thức thật sâu rằng sống trên đời đã làm người là phải nghĩ đến nhau. Thánh Giuse và Mẹ Maria không được điều mình muốn thì Thiên Chúa làm cho các ngài những điều khác lớn hơn mà chắc chắn lúc ấy, cả Mẹ và thánh Giuse cũng không ngờ…

Diễn giải một chút ngài lại kể câu chuyện ngắn[2]: Giáng sinh năm ấy thầy giáo lớp 2 được phân công, lớp của thầy thực hiện tiết mục hoạt cảnh “Tìm quán trọ” trong ngày cả trường mừng Noel. Ralph, tuổi lớn hơn các bạn, mập quá khổ, đúng ra phải học lớp 4 nhưng do em chậm chạp, vụng về nên vẫn còn học lớp 2. Ralph có điểm ưu là luôn tỏ ra mình làm anh, phải bảo vệ và bênh vực các em nhỏ, tính dễ thương này của Ralph khiến các bạn quí mến. Thầy phân cho Ralph thủ vai chủ quán trọ, vì rất đơn giản, chỉ cần nhớ vài câu đối đáp là được. Vào ngày diễn, khi tiết mục lên sàn, mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến lúc thánh Giuse nói câu năn nỉ : “Thưa ông quản lý nhân lành, xin làm ơn, đây là Maria, vợ tôi. Cô ấy đang có thai gần đến ngày sinh và cần một chỗ để nghỉ qua đêm. Cô ấy đã mệt mỏi quá rồi. Chắc là ngài có một góc nhỏ nào đó, chổ nào cũng được, cho cô ây nghỉ đỡ.” Ralph chỉ cần nói gằn giọng: “Không năn nỉ ỉ ôi gì cả, xéo ngay, xéo” và đóng mạnh cửa là xong. Thế nhưng Ralp lại đứng tần ngần mãi. Trong cánh gà, thầy giáo và các bạn của Ralph liên tục nhắc lời thoại. Cuối cùng Ralph cũng nói được, nhưng khi Thánh Giuse và Đức Mẹ vừa quay lưng ra đi, Ralph lại rướn người tới trước, giang hai tay, nước mắt lưng tròng và nói lớn: “Ông Giuse ơi, đừng đi vội. Làm ơn đừng bỏ đi. Đưa cô Maria trở lại đây… Các bạn có thể ở trong phòng của tôi mà”… Sân khấu chết lặng không còn diễn được nữa. Nhưng chính lúc ấy, thầy giáo bật khóc vì có cái gì đó linh thiêng chạm vào chính trái tim của mình. Cha xứ nói tiếp: như thế hoạt cảnh Giáng Sinh cũng không đạt như mình mong muốn là suôn sẻ, tái hiện sống động, giàu chất nghệ thuật cho đến hết cảnh Chúa sinh ra đời. Nhưng ý nghĩa lớn của câu chuyện là ở chỗ, ngay lúc tưởng rằng điều mình muốn đã không đạt được thì người ta được nhiều hơn cả, là xúc động đến bật khóc khi lòng trắc ẩn thật của con người nơi Ralph toát lên trong đêm linh thiêng Chúa sinh ra đời.

Kể xong cha xứ mời cộng đoàn trở về với chính hoàn cảnh của mình đêm nay, đón Chúa trong mưa, bao nhiều chuẩn bị, bao nhiêu háo hức vỡ tan như bông bóng xà phòng, nói chung “không đạt được điều mình mong muốn!”. Ngài nói tiếp: nhưng như thánh Giuse và Mẹ Maria năm xưa đã không được điều mình muốn thì được Chúa làm cho nhiều điều khác lớn hơn; hay trong câu chuyện hoạt cảnh Giáng Sinh cũng thế. Vậy hôm nay chúng ta cũng không đạt được điều mình muốn nhưng ta có tin là Chúa sẽ làm cho ta những điều khác lơn hơn không? Ngài bỏ lửng câu hỏi, rồi kết thúc bài giảng bằng một câu ngắn như là sứ điệp Giáng Sinh: “Trong cuộc sống này, chúng ta hãy chăm chú nhìn để thấy!”

3.      Đúc kết một cuộc lễ

Ngày 25 mưa vẫn rơi mãi đến 6 giờ chiều mới tạnh, các em đang liên hoan mừng lễ thấy trời ráo, dục cha xứ: “Diễn đi cha”. Cha xứ đồng ý, thế là cả xứ lăng xăng, lớp thì gọi diễn viên về cho đủ, số người phụ trách hậu trường vội vàng lắp âm thanh, ánh sáng, các mẹ lau sân khấu, các ông lo trật tự. Số người lương đến nhà thờ cũng đông. 20 giờ bắt dầu diễn, nhưng được hơn nữa chương trình mưa lại tiếp tục rơi. Sân trơn nhưng diễn viên không chịu nghỉ, cha xứ ngồi giữa mưa ủng hô tinh thần. Tạ ơn Chúa, mưa chỉ đủ thử thách, chương trình canh thức đổi thành hoan ca Giáng Sinh, diễn hết các tiết mục, kết thúc cả giáo xứ rất vui. Tối Chúa Nhật, lễ Thánh Gia Thất, giáo xứ mới rước kiệu Chúa Hài Đồng.

Sau cuộc lễ cha xứ ngồi “tính sổ” thấy mình lời nhiều thay vì lỗ. Thứ nhất là trải nghiệm tổ chức lễ trong mưa. Qua lần này, những năm sau khi Giáng Sinh về, tất nhiên xin Chúa ban cho trời khô ráo, nhưng tâm trạng phập phòng lo chắc không còn nữa, vì mùa lễ năm nay đã lấy hết “cái lo” đó trong người. Thứ hai, điều thú vị là tối 25 dù trời mưa người lương vẫn đến dự, thực tế này cho ngài một định hướng thay vì tập trung vào tối 24, nên kéo dài thành hai, tối 24 là lễ, 25 làm hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh. Tách ra như vậy thêm dịp cho người lương đến nhà thờ. Ở xứ truyền giáo điều đó rất nên làm cho những năm sau.

Lễ Noel đến, khắp nơi rộn ràng niềm vui, có lẽ đây là dịp thuận tiện nhất để dễ dàng “Chiếu toả niềm tin bằng niềm vui Tin Mừng”. Nếu giáo xứ Quảng Ngãi tổ chức lễ làm người dự tấm tắc khen “xứng tầm thành phố” thì Lý Sơn đúng nghĩa là giáo xứ miền quê. Từ cách chụp những bức ảnh đến nội dung bên trong đều thể hiện nét nhà quê dễ thấy. Trong cánh đồng Hội Thánh, mỗi nơi mỗi vẻ nhưng đều có chung một tâm tình Giáng Sinh, là tạ ơn vì được làm Kitô hữu nên có Chúa ở cùng, từ đó toả ra muôn nẻo bao lời cầu nguyện dâng lên:
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian, Chúa không cất hết những trắc trở trong cuộc sống như lòng con rất muốn. Con hỏi tại sao? Chúa trả lời, vì Chúa không muốn chúng con ở lại trên trái đất cũ, mà Chúa muốn đến ở cùng chúng con để dẫn chúng con vào trong Trời đất mới. Đến đây con hiểu, đón Giáng Sinh cũng là lúc chờ Chúa quang lâm. Sự thật là vậy nhưng Chúa cũng rất “tâm lý”, một khi Chúa không cho như lòng con muốn thì Chúa bù lại bằng cách khác, cuộc sống vẫn luôn đầy ơn của Ngài, cũng như Giáng Sinh này, khi chúng con đón Chúa trong mưa./
 
     
 Lý Sơn, ngày cuối năm Dương lịch 2014
 
 

[1] Từ người lương ở đây được dùng để chỉ anh chị em thuộc tôn giáo bạn nói chung, không hiểu theo đúng nghĩa tôn giáo của từ này.
[2] “Khó khăn nơi nhà trọ”. Truyện ngắn của Dina Donohue do Phạm Vinh Sơn dịch (Sưu tầm).

 








































 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 94158
  • Tổng lượt truy cập: 12238418