Trang mới   https://gpquinhon.org

Bác ái trong tư tưởng

Đăng lúc: Thứ tư - 08/10/2014 01:28
BÁC ÁI TRONG TƯ TƯỞNG 
 
 CGS luôn nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời”. Trong đời sống Kitô giáo, chúng ta không thể nào đạt đến đỉnh trọn lành nếu chúng ta không lấy đức mến Chúa, yêu người làm căn nguyên cho mọi tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta. Vì chỉ có giới luật yêu thương cao trọng nhất và vĩnh tồn trong ngày sau hết.

Quả thực, đức mến sẽ tồn tại vì lẽ chính Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong Tình Yêu thì kẻ ấy ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ ở lại trong kẻ ấy (1Jn.4:16). Đức ái là cốt tủy và là sức sống của người Kitô hữu muốn tiến trên con đường hoàn thiện. Sống đức ái là họa lại hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương trong tâm tư, trong lời nói và trong cách cư xử hằng ngày của ta đối với tha nhân. 

Chúng ta muốn sống đời Kitô hữu cho đúng nghĩa thì tư tưởng, hành động của chúng ta phải là tư tưởng của Đức Kitô. Một khi chúng ta để đức ái chiếm vai trò cốt yếu trong tư tưởng, thì đức ái cũng sẽ được trào ra bên ngoài trong lời nói và trong hành động. Tư tưởng hướng dẫn hành động. Các quan năng suy xét, cần phải đặt trên nền tảng của đức ái khi phán đoán một điều gì. Vắng bóng đức ái, thì đời sống Kitô hữu sẽ chẳng đạt đến sự hoàn thiện. 

 Nói đến bác ái là nói đến yêu thương. Yêu thương là hành vi của trái tim, nên khởi sự trong tâm tình. Chưa có tâm tình yêu thương là chưa yêu thương.
 
1. Hãy mặc lấy tâm tình của Đức Kitô

Vì vậy, trước hết hãy mặc lấy tâm tình như Đức Kitô. Trong Tin Mừng Luca, CGS phán: "Các con hãy có lòng nhân từ, như Cha các con là Đấng nhân từ" (Lc. 6:36). Lòng nhân từ của Thiên Chúa Cha ở đây đã được thể hiện nơi Đức Kitô khi Ngài không lên án người phụ nữ đã bị bắt gặp quả tang phạm tội ngoại tình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Lc.6:7). "Ta không lên án chị đâu! Chị hãy về bình an, và đừng phạm tội nữa!" (Lc.6:11). Qua đó, chúng ta xác tín rằng tâm tư của Đức Kitô không như người thế gian luôn khép kín, xét đoán...để rồi gạt bỏ đức ái bên lề cuộc sống. Điều này thật đáng cho chúng ta phải suy tư và phải xét lại khi chúng ta có những cái nhìn về người khác. Chúng ta xét đoán ai thế nào thì chính chúng ta cũng sẽ bị Thiên Chúa đoán xét như vậy...chúng ta lấy đấu nào đong cho ai, thì chính Thiên Chúa sẽ lấy đấu ấy đong lại cho chúng ta (Lc. 6:38). Lòng nhân từ của Thiên Chúa không biên giới, sự phán đoán của Người hằng luôn công minh chính trực, nhưng cũng đầy lòng thương xót. Đức ái chỉ được lớn lên trong lời nói khi chúng ta nói trong sự thật, sự thật đó chính là Đức Kitô, vì Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết chính Ngài là con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Jn. 14:6).

              a/ Không xét đoán

            Cũng như Đức Kitô không lên án người phụ nữ phạm tội. Không lên án đồng nghĩa với không xét đoán. Người ta thường lỗi đức ái rất nhiều trong tư tưởng, vì hay xét đoán người khác. Đó là điều Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại không ngừng, và đôi khi Người còn nhấn mạnh nữa : Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Có khi Người dùng lời lẽ rất nặng để nói về những ai hay lên án kẻ khác : “Đồ giả hình”. Theo các sách Tin mừng, hạng người đáng ghét nhất là hạng người này.
 
Ðừng xét đoán, trên bình diện tự nhiên tự nó đã nói lên phần nào tính chất mơ hồ rồi. Xét đoán được ghép bởi hai động từ khác nhau là xétđoán. Xét là tìm hiểu. Ðoán là phỏng chừng. Xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, phải kiếm nguyên nhân, phải phân tích để có dữ kiện rõ ràng. Ðoán thì dễ hơn, chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy. Ðộng từ đoán dựa trên những điều không đủ chắc, không rõ sự thật. Khi nói xét đoán một người thì có phần xét và cũng có phần đoán. Nhiều khi phần đoán lại nhiều hơn phần xét. Sai lầm nẩy sinh từ đó.

Chẳng hạn, ai cũng hiểu nụ hôn là biểu tượng của tình yêu. Thế nhưng, cái hôn của Juda lại có ý nghĩa khác: nụ hôn phản bội. Nên vấn đề xét đoán thật phức tạp. Có hai thứ phức tạp. Phức tạp nơi đối tượng bị xét đoán: như hoàn cảnh, lương tâm của khách thể. Và phức tạp nơi chủ thể xét đoán: như giới hạn tri thức của chủ thể, ảnh hưởng tình cảm của chủ thể khi xét đoán theo nguyên tắc :”Suy bụng ta ra bụng người".

Một cái khó khác. Xét đoán rất gần với xét xử. Vì xét đoán là một khả năng trời ban  tự nhiên như thế, nên mọi người đều có khuynh hướng ngồi ghế chánh án xét xử người khác. Chúng ta xét đoán người, thì người lại xét đoán ta. Mọi người xét xử lẫn nhau. Cổ nhân nói :”Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê” : việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Đúng như lời ông Térence nói : “Người ta xét đoán việc của người khác hay hơn chính cả việc của mình”. “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt của ngươi trước đã rồi mới thấy cái rác nơi mắt anh em ngươi”

 Kinh nghiệm cho hay, một khi làm quan án, bao giờ người ta cũng thích lên án nặng hơn tội trạng của đương sự, ít khi xem xét những hoàn cảnh chi phối mà giảm án cho họ, bởi vì con người thường hay thích “vạch lá tìm sâu tìm cái lỗi của người khác, mà không tự xét đến cái lỗi của mình”

            Nhưng, con người  có khả năng đoán xét, nếu thiếu khả năng xét và đoán hiểu  thì con người và các sinh vật không thể tồn tại. Ngay con vật cũng có đoán xét tuy không sáng suốt bằng con người. Con chim đã một lần bị mũi tên bắn phải, lần sau thấy cành cây cong cũng sợ, do đó mới có thành ngữ “kinh cung chi điểu”. Tất nhiên, đây chỉ là ý nghĩa tượng trưng mang tính ước lệ, nhưng không vì thế  mà mất đi chút giá trị nào.

            Người Việt nam chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm về nhận xét và đoán hiểu được cô đọng lại trong những câu ca dao tục ngữ từ thiên nhiên, thú vật đến con người.

            Nhìn trời nước mây gió người ta nói :”Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”.

            Nhìn vào mặt người nào đó, người ta nói :

                                    Xem mặt mà bắt hình dong
                                    Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

            Tuy nhiên, đấy chỉ là ước chừng theo kinh nghiệm chứ nhiều trường hợp không xẩy ra như vậy và có khi còn ngược lại nữa. Dầu có những sai lầm như thế, nhưng xét đoán vẫn là một thuộc tính bẩm sinh của con người vì chính nhờ nó con người ngày một tiến bộ và thăng hoa.  Nếu thiếu xét đoán ta có thể đón kẻ cướp vào nhà mà cứ tưởng đón nhận hiền nhân.

            Thiếu xét đoán, ta rất có thể lầm lẫn biết bao điều trong đời sống, cả những lầm lẫn có thể dẫn chính ta, hoặc các người thuộc trách nhiệm, mà Chúa đã trao phó cho ta trông nom quản lý bị nguy hại hoặc tử vong.

            Những đoán xét ấy, có thể nhiều khi không chính xác hoàn toàn, nhưng lại rất cần thiết vì nhờ đó, ta được an tâm và biết rõ mình đang làm chủ vận mệnh mình. Không thể đoán xét nếu không có trí khôn, trí hiểu. Mà trí khôn, trí hiểu đều do Chúa ban để nhờ đó, con người biết xét đoán.

Nếu hiểu thuần tuý không được xét đoán ai, có thể coi là thiếu thực tế. Là vì, làm sao chúng ta sống mà không có một sự xét đoán nào? Ta không thể thấy, không thể nghe, không thể biết, mà không có ít nhiều đánh giá về con người hay sự việc mà ta thấy, ta nghe, ta biết, nghĩa là có xét đoán.
 
            b/ Xét đoán trong tình thương
 
Thật ra, điều phải khai trừ khỏi lòng ta, không phải là sự xét đoán cho bằng sự độc địa trong xét đoán, tức là một cách lên án người khác. Theo Luca, Chúa nói: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán", rồi tiếp ngay sau là một lời khác như để minh giải cho lời trên: "Anh em đừng lên án thì anh em sẽ không bị lên án" (Lc 6,37).
 
Tự nó, hành vi xét đoán vô thưởng vô phạt. Nó có thể đưa tới điều xấu, mà cũng có thể đưa tới điều tốt. Lời Chúa chỉ kết án những việc xét đoán xấu. Một người mẹ trong gia đình và một người xa lạ với gia đình có thể cùng xét đoán về một lầm lỗi nào đó của người con trong gia đình này. Xét đoán của hai người sẽ khác nhau xa. Người mẹ xét con trong tâm trạng đau khổ vì lầm lỗi của con, cảm thấy mình cũng có trách nhiệm, thấy phải giúp con sửa lỗi này, không muốn cho người khác biết con mình có lỗi. Còn như nếu là người ngoài xét đoán, thì có thể có ít xít ra nhiều, có thể tìm cách hạ giá người khác để đưa mình lên. Xét đoán của ta về người khác cũng phải giống như của bà mẹ trên đây, vì như Phaolô nói, chúng ta là những bộ phận của một thân thể (Rm 12,5).
 
Chúng ta nhận rằng bất cứ ai có một trách nhiệm nào về người khác (cha mẹ, bề trên, cha giải tội.) đều phải xét đoán. Ðôi khi xét đoán còn là cách phục vụ cho Giáo Hội hay cho xã hội. Tương tự như nơi thân xác chúng ta, đôi mắt có nhiệm vụ quan sát. Nhưng ăn thua là phải có tình yêu kitô giáo. Tình yêu có khả năng thay đổi ngay cả xét đoán, biến một hành vi không yêu thương thành một hành vi yêu thương. Chính Phaolô cũng đã xét đoán đồng bào Do thái của mình ở đầu thư Rôma (Rm 2,17tt), nhưng trước mặt Thiên Chúa và đối diện với lương tâm, ngài biết rằng mình yêu họ mà làm thế. Một tình yêu chân thật, không giả hình.
 
2. “Bác ái không được giả hình" (Rm 12,9)
 
          Như trên đã nói: Đức ái chỉ được lớn lên trong lời nói khi chúng ta nói trong sự thật, sự thật đó chính là Đức Kitô, vì Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết chính Ngài là con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Jn. 14:6). 
 
Trong lời khuyên về đức ái của thánh Phaolô, Ngài nói: "Lòng bác ái của anh em không được giả hình". "Không giả hình" là một hạn từ hiếm hoi trong Tân ước, hầu như chỉ được dùng để xác định đức ái kitô giáo. Nó cũng có nghĩa là "không bôi bác" (2Cr 6,6; 1Pr 1,22). Vậy đức ái không giả hình là nó phải thành thật, chính thực, không bôi bác, hết lòng. Cũng như rượu nho phải ép ra từ trái nho mới "gin", tình yêu cũng phải phát xuất từ tấm lòng mới thật.
 
Tư tưởng của Phaolô đúng là rập theo tư tưởng của Ðức Giêsu. Quả thực, có lần Chúa nói: lòng là chỗ quyết định giá trị việc làm của người ta: "Tự lòng phát xuất những ý định gian tà" (Mt 15,19). Về đức ái, có thể nói Phaolô đã trực giác thấy một thế giới hoàn toàn nội tâm, vượt lên trên thế giới hữu hình và bên ngoài của nó, tức những hành vi và lời nói bác ái.
 
Trực giác này còn được thấy rõ trong đoạn thư Corintô nói về đức ái (1 Cr 13). Ðọc kỹ đoạn này, ta thấy Phaolô hoàn toàn nhấn mạnh về đức ái nội tâm, về những tình cảm bác ái: bác ái thì rộng lượng, không ghen tương, không nổi giận, tha thứ hết, tin mọi sự, trông cậy mọi sự. Ta không thấy có gì liên hệ trực tiếp với việc làm điều thiện, với những việc bác ái. Tất cả đều đưa về cội rễ là muốn điều thiện. Ý muốn đi trước việc làm.
 
Phaolô cũng nói lên sự khác biệt giữa bác ái bên ngoài và bác ái bên trong. Bác ái bên ngoài, cho dù là việc lớn mấy đi nữa, cũng chẳng ích gì cho mình, nếu không có bác ái bên trong. Không có bác ái bên trong, thì đó là bác ái giả hình. Bác ái giả hình là làm điều tốt mà không yêu mến. Cái bên ngoài không tương ứng với cái bên trong. Nó chỉ có cái mã ngoài là bác ái. Có thể nó che giấu một sự ích kỷ, bác ái vụ lợi, hoặc làm vì do áy náy hay hối hận trong lương tâm mà thôi.
 
Vấn đề không phải là coi nhẹ việc bác ái bên ngoài cho bằng tạo cho nó một nền tảng chắc chắn, chống lại sự ích kỷ hoặc những hình thức gian trá của ta. Nền tảng này là bác ái. Chính Thiên Chúa đã đặt nền tảng này khi dạy: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22,39). Ngài không dạy: phải yêu người thân cận như yêu mến Thiên Chúa. Vì sao? Là vì, người ta có thể gian dối khi yêu mến Thiên Chúa, nhưng không thể gian dối khi yêu mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ai nấy đều rõ phải yêu mình ra sao.
 
Yêu mến không giả hình là yêu đến độ không thể dối trá được, vì chỉ có mình ta đối diện với ta, và có Thiên Chúa biết. Nhờ con đường này, người anh chị em đi vào tận thâm sâu con người của tôi, cái mà Kinh Thánh gọi là "con người bên trong". Người anh chị em đó trở thành người thân cận, vì tôi mang người đó trong tâm hồn tôi, cho dù chỉ có mình tôi với Chúa và với chính tôi. Ðó là điều cao quý nhất mà một người có thể ban tặng cho người khác. Thì từ đời dời, Thiên Chúa đã làm như thế cho ta. Ngài mang ta trong trái tim Ngài. Ngài đã làm điều tốt cho ta, vì Ngài muốn điều tốt cho ta.
   
3. Kết: “Xin tạo cho con một trái tim mới”
 
Bác ái trong tư tưởng, không có nghĩa là không hành động. Nhưng thiết nghĩ rằng để có thể sống yêu thương nhau như lời truyền dạy của Chúa Kitô thì phải phát xuất từ tấm lòng. Tấm lòng đó là niềm tin sâu sắc vào Đấng dựng nên chúng ta là Cha Toàn Năng chí ái và tiếp bước theo chân Người.
 
Dõi theo chân Chúa Giêsu để sống yêu thương thì luôn có đó thập giá phải gánh vác. Ai không can đảm vác thập giá mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Chúa Kitô. Yêu thương ai không phải là nhắm mắt làm ngơ hay tự bó tay chịu trận để người đó mãi đắm chìm trong tội, mà phải nỗ lực làm cho họ hoán cải, đổi thay. Cầu nguyện cho họ  chúng ta không chỉ dừng lại ở động thái  “lâm râm” mà còn phải nắm tay lại giúp họ sửa đổi cung cách hành xử bất công của họ. Tin mừng cho chúng ta thấy rằng sau khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu không ngồi đó mà chờ đợi nhưng mau mắn thực thi thánh ý Chúa Cha bằng cả mọi nỗ lực của mình, có khi sau đó lênh đênh trên thuyền giữa sóng biển mà vẫn ngủ say, có khi phải toát cả mồ hôi pha lẫn máu và đến cả khi thân thể chẳng còn hình tượng người ta nữa với trái tim bầm dập nát tan.
 
Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới. Đã tin nhận Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Cha Toàn Năng thì phải nên hoàn thiện ngày mỗi hơn cho xứng với phận làm con.

            Do đó, hãy nhìn anh em bằng đôi mắt tình thương. Tình yêu chân thành là cách giải quyết tổng quát. Nếu ta có lòng bác ái, thì bất cứ ta làm điều gì, đó sẽ là điều phải làm, vì "đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại" (Rm 13,10). Chính theo nghĩa này mà Augustinô đã nói: "Cứ yêu đi và làm điều bạn muốn. Nếu bạn yên lặng, hãy vì yêu mà yên lặng; nếu bạn lên tiếng, hãy vì yêu mà lên tiếng; nếu bạn sửa lỗi, hãy vì yêu mà sửa lỗi; nếu bạn tha thứ, hãy vì yêu mà tha thứ; hãy có cội rễ tình yêu trong đáy lòng bạn, từ cội rễ này, không thể phát xuất điều gì khác hơn là điều tốt".
           
Trên nền tảng đức ái đối với Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết yêu thương nhau như anh chị em một nhà. Vì yêu thương nhau nên chúng ta không chỉ không làm những gì cho tha nhân điều mà ta không muốn tha nhân làm cho mình mà còn tiến đến chỗ tích cực làm cho tha nhân những gì ta muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).
 
           
 


 
 
 
 
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Huỳnh Công Tân
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 66
  • Khách viếng thăm: 48
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 121304
  • Tổng lượt truy cập: 12265564