Trang mới   https://gpquinhon.org

Cậy trông phó thác để phúc âm hóa xã hội

Đăng lúc: Thứ tư - 06/07/2016 12:40


Cậy trông phó thác để phúc âm hóa xã hội
bằng cách rao giảng và thể hiện  lòng thương xót của Thiên Chúa
và kêu gọi sự cậy trông phó thác của con người.
 


Lm. Giuse Nguyễn Đình Bút

Cậy trông và phó thác xét về ngôn ngữ là những từ xem ra thụ động, hết đường, không còn cách nào khác, nhắm mắt đưa chân, đến đâu hay đến đó. Nhưng thực ra, cậy trông phó thác là biết chấp nhận giới hạn của mình “Phaolô trồng Apôlô tưới chính Thiên Chúa mới cho mọc lên”. Cũng rất phù hợp với mệnh trời của người Việt Nam “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Cậy trông phó thác còn là niềm hy vọng sâu xa đến chắc chắn. Xét về mặt tín lý, cậy trông và phó thác là hai thái độ ứng xử và đáp trả tuyệt vời, đan xen với hành động đức tin. Theo thánh Phaolô “tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng là phương nhận thực các thực tại mà người ta không thấy”. Năm nay (08/ 12/ 2015 – 20/ 11/ 2016) là năm thánh LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra một cách ngoại thường nói lên hai điều. lòng thương xót của Chúa luôn cần cho con người và cần hơn với nhân loại hiện nay. Tội lỗi, hận thù, chiến tranh, khủng bố, dửng dưng, đói nghèo, bệnh tật, bất công, vô cảm lan tràn và nước nào cũng sở hữu trong tay mình những vũ khí hủy diệt. Tính ngoại thường, nói lên sự cấp bách không thể chần chừ và sự quan tâm đặc biệt của Đức Giáo Hoàng đối với thế giới này.

LÒNG THƯƠNG XÓT ở đây không chỉ là một sự cảm thông theo cảm tính của con người vốn có sẵn “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Lòng thương xót cũng không phải là một sự đau khổ tột cùng chỉ vì “đời là bể khổ” hay trả lại sự công bằng cần thiết cho ai đó bị thiệt thòi do bất công mà chính là sự tồn vong của con người trong Thánh ý Thiên Chúa và sự sống đời đời cho con người. Vì vậy nguồn gốc của Lòng thương xót đích thực là ở nơi Chúa.

Nơi Chúa Cha, vũ trụ được khai sinh, con người được tạo dựng và tái tạo khi Giao Ước vườn Địa Đàng bị đổ vỡ. Vũ trụ là một sân chơi thể hiện Lòng Thương xót Chúa Cha, ngoài lòng xót của Chúa Cha chúng không có lý do để hiện hữu. Tương tự, con người được tạo thành, tạo thành giống Hình ảnh của Thiên Chúa và “để chúng nên một như Chúng Ta”. Nhiều lúc chúng ta tưởng tạo dựng con người là một sai lầm của Thiên Chúa bởi sự ngỗ nghịch và phản bội của nó. Nhưng không, Lòng Thương Xót của Chúa Cha bao trùm lên tất cả. Tội lỗi lẽ ra không có nhưng nó đã có và hậu quả của nó là đau khổ, bệnh tật và chết chóc. Yêu thương con người, Thiên Chúa ôm trọn con người bằng lòng thương xót. Nhiều lúc con người phản bội nhưng với lòng thương xót tự bản tính không cho phép Ngài giận lâu “Ngài  giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương yêu thương suốt đời”. Lòng thương xót của Chúa Cha đối với con người là không giới hạn đến độ liều lĩnh hiến dâng Con Một yêu dấu của mình là “trao nộp chính Ngôi Con”. Đây là bằng chứng hùng hồn nhất của lòng thương xót từ Chúa Cha đối với chúng ta.

“Hổ Phụ sinh Hổ Tử” nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Chúa Cha, cũng vì yêu thương con người sẵn sàng trút bỏ mọi vinh quang, chập nhận thân phận làm con người khốn cùng để cứu lấy chúng ta “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập giá…”. Không sai,  Khai sinh ngày rao giảng trên bờ sông Giodan, Chúa Cha đã long trọng giới thiệu cho mọi người “đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Từ dòng sông Giodan đi lên mỗi bước chân Người đến là mỗi bước chân của sự cứu độ. Việc kêu gọi các môn đệ “hãy theo ta” khởi đầu của một sự thông dự từ đau khổ cho đến vinh quang giống hệt như con đường Người đi. Khi không có việc làm lại có người mời gọi đi làm để cùng ăn chia ấy không phải là lòng thương xót Chúa sao (câu chuyện những người được mời làm vườn nho). Chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người mù sáng mắt, kẻ què đi được và người chết sống lại (toàn bộ những phép lạ) Chữa lành những tâm lòng tan vở “ta cũng không kết tội chị đâu, chị đi bình an và từ nay đừng phạm tội nữa” (người phụ nữ bị bắt quả tan phạm tội ngoại tình). Mở mang sự bế tắt của con người do mặc cảm tội lỗi và sự giàu có bất chính “Hôm nay tôi sẽ trọ lại nhà ông”. Khai thông lối về cho Nicôđêmô tìm gặp Chúa Giêsu vào ban đêm. Hoàn thiện kẻ đạo đức nghiêm túc sống theo lề luật (chàng thanh niên giàu có). Trả lại niềm vui đích thực cho người phụ nữ ủ dột hàng ngày kín nước bên bờ giếng Giacóp mà vẫn khát. Không loại trừ kẻ phản bội chỉ đợi lòng ăn năn  (Phêrô chối Chúa). Đặc biệt, trên thập giá Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ phỉ báng giết mình “xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Quý báu hơn nữa, là sự thông ban chức Linh Mục Đời Đời cho linh mục vốn những con người bất toàn làm cho bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa, kéo dài sự hiện diện muôn đời của Chúa Giêsu ở trần gian. Trao quyền cho linh mục tha tội cho kẻ có tội “các con tha tội ai thì tội người ấy được tha, các con cầm buộc ai thì tội người ấy bị cầm buộc”

Cũng là con người, nhưng hơn ai hết linh mục là người mắc nợ nhiều nhất, đơn giản là được nhận nhiều phải cho đi nhiều thôi. Món nợ được làm linh mục thông dự trọn vẹn vào chức Tư Tế của Chúa Giêsu “hỏi thánh lễ trên bàn thờ và thánh lễ trên cây thánh giá có giống nhau không ? thưa giống, nhưng ngày nay Chúa Giêsu không còn đổ máu và đau đớn như xưa nữa”(GL BỔN ĐỒNG ẤU) khiếp. Hỏi lấy gì mà đền đáp ơn này cho cân ? chỉ có lòng thương xót Chúa bao phủ, linh mục mới được bình an mà thi hành bổn phận. Vì yêu thương linh mục trổi vượt, Chúa không đòi linh mục phải trả ơn này cho cân xứng. những mong một chút cố gắng, một chút cố gắng như 5 chiếc bánh và 2 con cá trong bổn phận đã trao cho linh mục. Trước mắt linh mục là một thực trạng của cuộc sống dửng dưng và vô cảm đang lan tràn. Con người ngày nay mất dần sự cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa. Hai mặt của sự phát triển khoa học có thể coi là nguyên nhân chính của sự đánh mất này. Khoa học dần thay thế khả năng con người và mang lại cho con người sự hưởng thụ tuyệt vời mà giả sử không có Thiên Chúa cũng chẳng sao. Mặc khác, con người chạy theo sự phát triển của khoa học để tìm hạnh phúc hơn, chủ nghĩa tương đối làm cho con người hôm nay bắt đầu có khuynh hướng lạm dụng lòng thương xót của Chúa, thôi thì.. và tiếp tục bước đi trong thỏa hiệp với tội lỗi. Niềm tin và đạo đức phải luôn là giềng mối của cuộc sống nhất là cuộc sống của người Kitô hữu. Khoa học phát triển là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng sự phát triển ấy phải đi trong trật tự của yêu thương qua đời sống đức tin và đạo đức. Tiếc là điều này đã không được như thế. Kẻ giàu có thì quên Chúa hoặc cố tình loại Chúa ra khỏi cuộc đời. Kẻ nghèo thường mặc cảm và luôn tự hỏi sao những kẻ tội lỗi lại giàu có sung túc. Họ mất hết lòng trông cậy và phó thác vào Chúa là người Cha Nhân Hậu và công bằng. Hãy có những điểm dừng cần thiết trong cuộc sống để nhìn lại một chút chặn đường mình đã đi qua. Nhìn về ngày mai ta sẽ ra sao. Vật chất có đảm bảo cho chúng ta cuộc sống đời đời không ? “đồ ngốc nội trong đêm nay, Người ta đòi mạng sống ngươi …” Kẻ tội lỗi vì giàu có bất chính hay vì tục hóa cũng dừng lại nhìn một chút lòng thương xót Chúa để nương tựa. Người đạo đức  đừng ghét người tội mà sinh ra tội, người nghèo khó đừng nguyền rủa người giàu mà sinh ra tội, người có ăn có mặc đừng chê người nghèo mà sinh ra tội hay người có cuộc sống ổn định dửng dưng trước sự bất công và  người anh em cơ cực mà sinh ra tội.

Lòng thương xót Chúa luôn bao trùm tất cả nhưng đặc biệt nhất vẫn là đối với các tội nhân. Linh mục của Chúa cũng phải có lòng thương xót đặc biết đối với họ. Tội lỗi thường làm cho người ta chai lì. Đã vậy nhiều khi cộng đoàn lại là một rào cản cô lập họ trong tội lỗi. Khi họ lên tiếng, cộng đoàn không ngại hét to “mầy im đi”. Im thì im, đàng nào tao cũng là tội thôi thì mầy có thế giới của mầy tao có thế giới của tao. Thế là hết lối về.

Bênh cạnh những tội nhân, một lớp người khác không ít chung quanh họ là những người nghèo khổ bé mọn. Có thể nói được người nghèo khổ bé mọn thường là những người có lòng trông cậy hơn những người khác “phúc cho những ai nghèo khó vì nước trời là của họ” (Lc). Tuy nhiên, con người vốn yếu đuối và có hạn. Nếu nghèo khó quá cùng cực quá cũng dễ sinh ra tội “bần cùng sinh đạo tặc”. Vì vậy, linh mục phải biết kêu gọi lòng thương xót trong cộng đồng “lá lành đùm lá rách”, “con béo kéo con gầy” giúp họ nhìn thấy lòng thương xót Chúa qua cộng đồng. Chính linh mục, tự bản chất phải là người nghèo vì chỉ khi chúng ta nghèo thật sự mới có thể cảm thông đủ với người nghèo như Chúa Giêsu không có nơi gối đầu. Đau khổ thật sự mới hiểu hết nổi đau của kẻ khốn cùng như Chúa Giêsu trên thập giá. Lòng thương xót không đơn giản là một sự hô hào hay cổ võ người ta biết chia sẽ và nâng đỡ nhau thôi mà thật sự trở nên giống họ để nói như thánh Phaolô “vui với người vui, khóc với người khóc”.

Nếu phải chọn giữa nghèo khổ và đau khổ thì chắc ai cũng chọn cái nghèo khổ. Nghèo khổ có thể được giúp đỡ, ăn biết ngon khi có gì ăn, ngủ ngon khi có chỗ ngủ nhưng đau khổ về thể lý làm sao ăn được ngủ được. Cũng như  đau khổ về tinh thần thật khó mà sang sẻ. Tiền bạc, sức khỏe, thuốc men chẳng tác dụng chi đối với họ. Loại thuốc họ cần là yêu thương, niềm hy vọng, cậy trông và phó thác. Sự thăm viếng khơi dậy nơi họ niềm vui. Một chút niềm vui có thể thắp lên hy vọng, cậy trông và phó thác. Sự  sự năng thăm viếng rất có ích cho người đau khổ về thể lý cũng như tinh thần nhưng cũng chỉ có tính khơi dậy niềm vui thôi. Làm sao giúp họ biết tìm đến với Chúa Kitô là niềm vui đích thực để luôn biết cậy trông và phó thác khi cô đơn khi mọi chuyện như không còn gì. Mọi chuyện rồi sẽ qua, dù hôm nay không đau ngày mai cũng đau thân phận con người là thế. Xét cho cùng thân phận con người ai cũng có nỗi đau. Nhưng tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại Lòng Thương Xót là cứu cánh mọi người.

Năm Thánh Lòng Thương Xót là một dịp quí báu đối với chúng ta. Rất nhiều người cả đời không một lần nhìn thấy năm thánh vì thông thường 25 năm hay 50 năm mới có một lần. Nên chi “hương trầm có còn đây ta thắp nốt chiều nay”. Ráo riết canh tân đời sống, mọi hành vi của đời sống hướng về năm thánh như người lữ hành. Năm thánh này rồi sẽ qua đi nhưng tinh thần năm thánh kéo dài cho đến Năm Thánh Thật Sự là quê trời nơi Chúa sẽ thưởng ban cho những ai có lòng cậy trông và phó thác.

Lạy Mẹ Maria là mẫu gương cậy trông phó thác. Thánh ý Chúa, Mẹ không hiểu hết ngày truyền tin, nhờ lời Chúa Mẹ năng suy đi nghĩ lại trong lòng và từng ngày trong đời sống Mẹ được chỉ dẫn. Xin cho con biết noi gương Mẹ luôn cậy trông phó thác, dù phải thiếu thốn cơ hàn nơi đồng vắng ngoài đồng, dù trốn chạy trong đêm sang đất khách quê người, dù phải hụt hẫn mất người thân cũng một niềm cậy trông phó thác đến cùng. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và con là Linh Mục của Chúa nên Mẹ cũng là Mẹ con. Năm xưa Mẹ cậy trông thế nào để nên trọn lành theo ý Chúa, hôm nay Mẹ cũng giúp con biết cậy trông như thế trong suốt đời Linh mục của con.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 27
  • Hôm nay: 6539
  • Tháng hiện tại: 155681
  • Tổng lượt truy cập: 12132468