Trang mới   https://gpquinhon.org

Chiếu tỏa niềm tin khi ưu tiên phục vụ người nghèo

Đăng lúc: Thứ bảy - 11/07/2015 20:27
CHIẾU TỎA NIỀM TIN KHI ƯU TIÊN PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO



1. Người nghèo khó về vật chất

Người nghèo khó về vật chất là những người thiếu thốn về của cải để sinh sống, những người bị áp bức và những người đang gặp hoạn nạn thử thách. Tình trạng này đã có từ ngàn xưa. Trong thời Cựu Ước tiên tri Amốt đã viết: “Vì tội của Israel đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” (Am 2, 6). Tiên tri Êdêkiel cũng đã lên án sự đối xử tàn tệ với người nghèo: “Dân trong xứ đã bóc lột người khác, cướp giật của người ta, ngược đãi kẻ bần cùng nghèo đói, bóc lột ngoại kiều, không đếm xỉa gì đến lẽ chính trực” (Ed 22, 29).
Tình trạng này vẫn không thay đổi trong thời Chúa Giêsu. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy hoàn toàn thiếu lòng quan tâm đến người nghèo. Kinh Thánh miêu tả họ là “kẻ ham tiền”, “nuốt gia tài của bà góa”. Ví dụ điển hình là sự thiếu quan tâm người đau khổ, hoạn nạn trong câu chuyện về người Samari nhân lành, thầy tư tế và thầy Lêvi đã bỏ mặc người bị nạn, chỉ có người Samari nhân hậu là ở lại giúp đỡ cho nạn nhân (x.Lc 10, 30-37).

2. Người nghèo khó trong tinh thần

Người nghèo khó trong tinh thần chính là những người nghèo mà Cựu Ước gọi là người nghèo của “Giavê Thiên Chúa”. Đây là những người ý thức và chấp nhận kiếp sống mong manh của mình, nên hoàn toàn phó thác tin tưởng nơi Chúa. Ngôn sứ Xôphônia đã viết: “Ta sẽ chừa lại giữa ngươi một dân khiêm ti khó nghèo” (Xp 3,12). Sau này Isaia cũng viết: “Cả vũ trụ này ai Ta đoái đến? Đó là những nghèo khó với lòng sám hối ăn năn”(Is 66, 2).
Người nghèo khó trong tinh thần chính là đối tượng chính yếu để Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng khi Ngài nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18).
Thật sự thì không phải là Chúa Giêsu phân biệt giàu nghèo, nhưng chính những người nghèo trong tinh thần chính là những người dễ dàng đón nhận Tin Mừng và tin vào Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chính những người khiêm nhường, đơn sơ, bé nhỏ là những người dễ dàng đón nhận. Các tông đồ, những người phụ nữ theo Chúa là những con người đơn sơ như thế. Những người biệt phái vì quá kiêu ngạo, tự phụ họ đã không đón nhận được Tin Mừng.
Vì thế chính những “Người nghèo của Giavê” sẽ là những người đầu tiên lãnh nhận ơn cứu độ, sự giải thoát (x.Is 28, 18-19). Cũng chính “tinh thần nghèo khó” này đã trở thành một chủ đề của Phúc âm Matthêu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (5,3).

3. Chúa Giêsu sống nghèo và quan tâm đến người nghèo

Chúa Giêsu đã sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo khó, Ngài đã sinh ra nơi máng cỏ hang lừa. Thời gian sống ẩn dật cũng là thời gian Chúa sống nghèo trong gia đình Thánh Gia. Đặt biệt là thời gian rao giảng Chúa sống trong hoàn cảnh khó nghèo gồm tóm qua câu nói của Chúa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).
Và Ngài cũng muốn sống nghèo vì chúng ta: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9).
Chúa Giêsu cũng hiểu thấu đáo những nỗi khó khăn và nhu cầu của người nghèo, và đồng cảm sâu sắc với họ: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36).
Lời tường thuật của Kinh Thánh về bà góa nghèo cho thấy Chúa Giêsu không đánh giá cao sự đóng góp rộng rãi của người giàu, là những người “lấy của dư” làm của dâng, nhưng ngài quý sự đóng góp rất nhỏ của bà góa này. Hành động của bà đã làm Chúa Giêsu cảm động, vì bà “đã dâng hết của mình có để nuôi thân” (Lc 21, 4).
Không những động lòng trắc ẩn đối với người nghèo, Chúa Giêsu còn đích thân quan tâm đến nhu cầu của họ. Ngài và các tông đồ có một quỹ chung, dùng để giúp đồng bào thiếu thốn. (x.Mt 26,6-9; Ga 12,5-8; 13,29)
Chúa Giêsu khuyến khích những người muốn trở thành môn đệ của Ngài hãy ý thức bổn phận giúp đỡ người thiếu thốn. Ngài bảo một anh thanh niên trẻ giàu có: “Hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Lc 18, 22). Việc anh thanh niên đó không sẵn lòng bỏ hết gia sản đã cho thấy anh yêu của cải nhiều hơn yêu Thiên Chúa và người đồng loại. Vì vậy, anh không hội đủ những đức tính để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.

4. Các tông đồ quan tâm đến người nghèo

Sau cái chết của Chúa Giêsu, các tông đồ và những người theo các ông đều biểu lộ lòng quan tâm đối với người nghèo xung quanh họ. Tông đồ Phaolô gặp Giacôbê, Phêrô và Gioan để bàn về nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đã giao cho ông là đi rao giảng Tin mừng. Giacôbê, Phêrô và Gioan tán thành việc Phaolô và Banaba đi đến “dân ngoại”, tập trung vào việc rao giảng cho những người không phải là Do Thái. Tuy nhiên, họ khuyên Phaolô và Banaba “phải nhớ đến kẻ nghèo nàn”. Và đó là điều mà Phaolô “đã ân cần làm” (x.Gl 2, 7-10).
Trong thời Hoàng Đế Cơlauđiô trị vì, một cơn đói kém dữ dội đã xảy ra trong nhiều miền thuộc Đế Quốc La Mã. Đáp ứng nhu cầu lúc bấy giờ, các Kitô hữu ở thành Antiôkia “Quyết định là mỗi người tuỳ theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giuđê. Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Banaba và ông Saolô.” (x.Cv 11, 27-30).

5. Đến với người nghèo qua mẫu gương Mẹ Maria

Đức Maria quả là một người mẹ nghèo. Vì nghèo nên Mẹ đã không có đủ tiền thuê quán trọ. Vì nghèo nên mới sinh con trong hang bò lừa. Vì nghèo nên chỉ có thể mua được một cặp bồ câu tơ để làm lễ chuộc con. Vì nghèo nên đã phai sống ẩn dật ở làng quê Nadarét. Tuy Mẹ sống nghèo nhưng Mẹ Maria chính là điểm hội tụ những hồng ân cao quí nhất của Thiên Chúa. Qua bài Magnificat, Đức Maria đã nhận mình thuộc nhóm những “người nghèo của Giavê”. Tuy bề ngoài họ là những thành phần thấp nhất trong xã hội vì bị bóc lột, bị đói khát, bị khinh khi, nhưng thực ra họ lại rất hạnh phúc, vì biết rằng Chúa ở gần gũi họ, vì họ chỉ tin tưởng nơi Ngài chức không cậy dựa vào thế lực nào khác. Có thể nói bài ca Magnificat chính là một hợp tuyển bài ca “Người nghèo của Giavê”:
“Thần trí tôi hơn hở vui mừng.
Vì thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tì hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng”( Lc 1,47-53).

6. Chọn lựa người nghèo, chọn lựa của Giáo hội

Giáo hội đã nhận thức rằng Thiên Chúa là Cha giàu tình yêu và lòng thương xót, Ngài luôn yêu thương và quan tâm đến những người nghèo về vật chất và trong tinh thần. Trong ý định của Thiên Chúa, Ngài mong muốn Giáo hội nghèo hơn cả trong tinh thần lẫn vật chất. Đức Giêsu vẫn mời gọi Giáo hội đừng cậy trông vào của cải, để sống cậy trông hơn vào sự quan phòng của Chúa Cha, để tự tách mình ra khỏi mọi sự vì lợi ích của Nước Trời.
Bên cạnh đó, giáo hội nhận thấy rằng mình không thể mãi làm ngơ trước sự gia tăng không ngừng của tình trạng nghèo đói, đang ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Việc chiêm nghiệm về thực tại đáng buồn này không ngừng thôi thúc lương tâm Giáo hội, thúc bách Giáo hội hướng đến sự liên đới, đến việc tìm kiếm những giải pháp, để thế giới ngày càng xóa đi khoảng cách giàu nghèo.
Việc chọn lựa người nghèo đó là một điều thiết yếu, một sự chọn lựa đặc biệt ảnh hưởng đến sự chọn lựa hết sức căn bản vốn làm nên Giáo hội của Đức Kitô: Giáo hội của tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Sự chọn lựa ấy là một trong những đòi hỏi căn bản của niềm tin. Bất cứ ai muốn trở thành “người bạn của Thiên Chúa”, phải ưu tiên yêu mến những kẻ nghèo nhất và cần được trợ giúp nhất. Và yêu thương không phải là sự cảm xúc và cảm tính. Yêu thương, trước hết và trên hết, là một sự quyết định khiến chúng ta trở nên những người Samaritanô tốt lành thứ thiệt cho những anh chị em của chúng ta.

7. Phục vụ người nghèo là sự chọn lựa ưu tiên của người mục tử

Noi gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các tông đồ, chúng ta là những mục tử của Chúa, trước hết phải sống thật sự nghèo trong nhu cầu thường ngày và trong tinh thần phó thác, khiêm nhường và đơn sơ.
Chúa Giêsu vị thầy của chúng ta biểu lộ sự quan tâm đến người nghèo và người thiếu thốn, chúng ta là những mục tử chúng ta đã và đang quan tâm đến những anh chị em còn đói nghèo trong đàn chiên của mình như thế nào?
Đây là nơi chúng ta, như những mục tử, phải thi hành vai trò chứng nhân của chúng ta. Để trở nên giống Chúa Giêsu hơn là chúng ta yêu thương người nghèo với “tất cả sức lực của chúng ta”, nghĩa là, với tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta phải chia sẻ của cải cho những người nghèo túng, cho đến khi “không còn người nghèo” nào ở ngoài tầm tay của chúng ta.
Tình yêu phổ quát, khắc hoạ chúng ta như những mục tử sống Đức ái trọn hảo, trở nên phổ quát hơn khi chúng ta ưu tiên yêu thương những người nghèo khổ nhất.
Việc chia sẻ của cải với người nghèo là lối hành sử đúng đắn duy nhất mà Thiên Chúa ưa thích nhất. Đó cũng là chuẩn mực duy nhất mà ngôn sứ Isaia mong đợi: “Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các người muốn đẹp lòng Đức Chúa? Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây !” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẻ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ. (Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ”) (Is 58, 5-11)
 Và Chúa Giêsu cũng mong đợi nơi những mục tử của chúng ta khi Ngài nói: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 34-36). 
Ước gì các mục tử chúng ta luôn sống nghèo trong tinh thần và vật chất cũng như biết quan tâm đến người nghèo ở xung quanh chúng ta, đó là cách chiếu tỏa niềm tin hữu hiệu nhất khi chúng ta ưu tiên phục vụ người nghèo.


 
Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Đức Minh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 2921
  • Tháng hiện tại: 91935
  • Tổng lượt truy cập: 12236195