Trang mới   https://gpquinhon.org

Chiếu tỏa niềm tin ngang qua đời sống gia đình

Đăng lúc: Thứ ba - 10/11/2015 17:02
family-cross-silhoutte[1]



CHIẾU TỎA NIỀM TIN NGANG QUA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
 
 
Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô có đoạn viết : “Khi cầu nguyện trước tượng Chúa chịu nạn, chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của Ngài, tình yêu đó ban cho chúng ta phẩm giá và nâng đỡ chúng ta. Đồng thời chúng ta nhận ra rằng tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu mở rộng ra ôm ấp dân Chúa và toàn thể loài người. Chúng ta một lần nữa nhận ra rằng Ngài muốn dùng chúng ta để lôi kéo dân yêu dấu của Ngài và tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Ngài đến gần Ngài hơn”.

 
Thiên Chúa “muốn dùng chúng ta để lôi kéo dân yêu dấu của Ngài…” chính là muốn chúng ta chiếu tỏa niềm tin ngang qua đời sống gia đình vì ai cũng có một gia đình, đem đến cho loài người chứng tá về niềm vui của Tin Mừng và một dấu chỉ của tình yêu Thiện Chúa, vượt qua những cám dỗ và áp lực nặng nề đe dọa nền tảng của gia đình và sự thánh thiện bền vững của bí tích hôn nhân; đứng trước những nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ của nhiều gia đình Kitô hữu, công cuộc Tân Phúc Âm hóa hôm nay cần khởi sự ngay từ mái ấm gia đình như lời Đức Thánh Cha Phanxicô dạy trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 66: “Gia đình đang trải nghiệm một khủng hoảng văn hóa sâu xa, và mọi cộng đồng và quan hệ xã hội…, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và học cách thuộc về lẫn nhau, gia đình cũng là nơi cha mẹ truyền thụ đức tin cho con cái”.
 
1. Tại sao phải chiếu tỏa niềm tin ngang qua đời sống gia đình?

Công Đồng Vaticanô II dạy : “Gia đình như một Hội Thánh nhỏ” ( Hiến chế Ánh sáng muôn dân số 11).
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa : “Gia đình là Hội Thánh tại gia” (Tông huấn đời sống gia đình số 11).

Gia đình là Hội Thánh tại gia, bởi lẽ:

- Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong gia đình Nazareth, có Thánh Giuse và Đức Mẹ. Thánh gia là mẫu mực cho mọi gia đình. 
- Gia đình Công giáo là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo. “Gia đình Công Giáo trở thành nơi gặp gỡ đặc biệt, có sức thánh hoá với tình yêu của Đức Kitô” (Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân số 15).
- Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa. Qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, gia đình toả sáng sự bình an, trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện.
- Cha mẹ là sứ giả, nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu chăm lo giáo dục nhân bản và tâm linh của con cái.
   
Để trở thành Hội Thánh tại gia, mỗi thành viên phải ý thức về căn tính cao cả và chức năng quan trọng của mình. Mỗi ngày, thể hiện rõ nét hơn những tính chất căn bản của Hội Thánh tại gia như hiệp thông, liên đới, yêu thương, thuận hoà, tôn ti trật tự, kinh nguyện sáng tối, sống phục vụ, làm chứng nhân Tin mừng.
 
2. Cần trách những cám dỗ và áp lực nặng nề đe dọa nền tảng của gia đình.

Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm, đe dọa nền tảng của gia đình và sự thánh thiện bền vững của bí tích hôn nhân :

       + Mỗi người có một phòng riêng để nghỉ và làm việc
       + Cách sống tự do thái quá
       + Buông lỏng con cái quá sớm
       + Khác biệt tâm lý giữa các thế hệ
       + sống kẻ cả, sai vặt
       + Sống với bạn bè nơi vui chơi giải trí nhiều hơn với người thân trong gia đình
       + Lối sống hưởng thụ
       + Hôn nhân thử nghiệm
       + Bình đẳng vợ chồng bị lợi dụng…      

 3. Gia đình “trường dạy đức tin”

Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ. Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên ”dùng gương lành và lời nói,truyền dạy đức tin cho con cái”. (Hiến chế tín lý về Giáo hội số 11). Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương, cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở. (Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 11).

Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt để hạt giống đức tin nơi trẻ em phát triển thành cây đức tin và đơm bông kết trái là những tín hữu đạo đức, nhiệt thành tông đồ.
 
4. Gia đình “mái ấm tình thương”.

Thánh Phaolô dạy: “ Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Đây là bí quyết làm cho gia đình là mái ấm tình thương. Mọi thành viên trong gia đình biết thông cảm với nhau, gặp ai sầu khổ, họ san sẽ và đỡ nâng, người tự ti, nụ cười của họ là tặng vật niềm tin, kẻ thành công thì khích lệ thăng tiến, khi giao tiếp, họ cởi mở cõi lòng, không khép kín quanh co nhưng chân thành thẳng thắn. Khi phải cho đi, họ rộng rãi ban phát, làm người thụ ơn quên đi cái nhục của phận nghèo, để tận hưởng niềm vui vì được người hiểu và thương mình. Bị xúc phạm luôn luôn rộng lượng bỏ qua, người ta thấy họ một lòng tha thứ bao dung, đích thực là dân Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế, cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền bá đức tin. Noi gương Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, hiến thân phục vụ mọi người.
 
Nhờ đó gia đình trở nên mái ấm với cuộc sống an hoà, yêu thương đầm ấm, chia sẽ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của người khác.
 
5. Tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái thánh thiện cho đời sống gia đình.

- Lòng bác ái: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên mọi đức tính anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).
- Niềm vui: “Niềm vui của tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh” (tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 1)
- Làm điều tốt trong gia đình: “Lòng tốt luôn có khuynh hướng lan tỏa. Tự bản chất, mọi kinh nghiệm đích thực về sự thật và lòng tốt đều tìm cách lớn lên trong chúng ta, và bất cứ ai đã từng trải nghiệm một sự giải thoát sâu xa đều trở nên mẫn cảm hơn với nhu cầu người khác. Khi lan tỏa, lòng tốt bén rễ và phát triển” (tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 9). 
 
6. Tâm niệm. 
Hãy gìn giữ mái ấm gia đình. Hãy đặt ưu tiên cho hạnh phúc gia đình.
 
7. Thực hành.

- Cha mẹ đừng dành hết thời gian cho công việc kiếm tiền mà quên dành thời giờ cho nhau và gần gũi con cái.
- Cha mẹ đừng để con mình cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương mà sinh ra: chán nãn, buồn phiền, bỏ học, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi theo sở thích.
- Cha mẹ không chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền, mà còn quan tâm đến đời sống đạo đức, lo giáo dục đức tin cho chúng.
- Cha mẹ đừng lấy làm đủ khi lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức vì, “Gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức” (thư HĐGMVN 2012).
 
Thay lời kết.

Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và sự ân cần chăm sóc. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.
 
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở về sự thánh thiêng của gia đình khi Ngài gọi gia đình là nền tảng của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi gia đình là Cung Thánh của Giáo Hội, là trường học đầu tiên của con cái mà cha mẹ là thầy cô.
 
Đức Cố Hồng Y Phanxicô xavie Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết: “Chủng Viện thứ nhất, Đệ Tử Viện thứ nhất, trường Sư Phạm thứ nhất là Gia Đình Công Giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ”.
 
Chiếu tỏa niềm tin ngang qua đời sống gia đình theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực sống lời mời gọi của HĐGMVN : “ Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta” (thư HĐGMVN 2012).



 
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 24
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7762
  • Tháng hiện tại: 88047
  • Tổng lượt truy cập: 12232307