Trang mới   https://gpquinhon.org

Đặc ân Thánh Phêrô

Đăng lúc: Chủ nhật - 08/02/2015 05:39
ĐẶC ÂN THÁNH PHÊRÔ
 
* Câu hỏi : 

Thưa Cha, con đã nghe nói đến đặc ân thánh Phaolô để tháo gỡ hôn phối cho hai người ngoại giáo đã kết hôn và đã chia tay nhau mà nay có một người xin rửa tội để kết hôn với một người công giáo khác. Nhưng con còn nghe nói có Đặc ân thánh Phêrô. Thưa Cha, phải chăng đây là một đặc ân mới ? Xin cha cho biết đặc ân ấy là gì và tháo gỡ hôn nhân thế nào ?

Xin hết lòng cám ơn cha.


Trần vĩnh Phúc, Tam Biên.

* TRẢ LỜI :     

Anh Phúc thân mến,

Đặc ân Thánh Phêrô có tên chính thức là “Đặc ân vì lợi ích đức tin”. Đây không phải là một đặc ân mới hiểu theo nghĩa là Đức Giáo Hoàng có thể dùng quyền của mình để tháo gỡ những hôn nhân không phải là bí tích giữa một người đã được rửa tội và một người không rửa tội, điển hình như trong trường hợp một người Tin lành đã kết hôn với một người ngoại hay một người Công Giáo kết hôn với một người lương. Dựa vào thư I của Thánh Phao lô  gửi giáo đoàn Côrintô ( 1Cr 7, 10-16)“Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc”, Giáo Hội áp dụng cách rộng rãi đặc ân Thánh Phaolô và xác nhận quyền của của Đức Giáo Hoàng tháo gỡ một hôn nhân tự nhiên từ thế kỷ XVIII. Năm 1924, Đức giáo Hoàng Pio XI lần đầu tiên công khai ban đặc ân tháo gỡ hôn nhân cho một người chưa rửa tội là Gerard G. Marsh và Frances E. Groom thuộc Anh giáo để Gerard G. Marsh có thể kết hôn với một người Công giáo là Lulu LaHood. Những trường hợp tương tự như vậy xảy ra khá nhiều sau đó nên năm 1934 Tòa Thánh đã phải ban hành “Những quy định về việc tháo gỡ hôn nhân vì lợi ích đức tin do quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng”. Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng đã ban hành những văn kiện dẫn giải các thủ tục (1973) và năm 2001 ban hành một văn kiện cập nhật đầy đủ.

Thuật ngữ “Đặc Ân thánh Phê rô” được sử dụng bởi Franz Hürth năm 1946 trong bài thuyết trình về “Những quy định và thực hành của Tòa Thánh”. Các nhà giáo luật cho rằng thuật ngữ này không phù hợp nhưng nó vẫn được sử dụng khá phổ biến. Đặc ân này cũng không được quy định trong bộ Giáo Luật 1983 mà dựa vào những văn kiện được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn năm 1973 và năm 2001 do Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành.

Đặc ân thánh Phê rô là đặc ân Đức Giáo Hoàng dùng quyền Tông Đồ tháo gỡ một hôn nhân không phải là bí tích cho phép người đã kết hôn có thể tái hôn. Tuy nhiên, đặc ân cũng đòi buộc những điều kiện thiết yếu dựa vào văn kiện “ Những quy định cho việc chuẩn bị tiến hành tháo gỡ dây hôn nhân có lợi cho đức tin”(2001):

1.        Trong suốt thời gian hôn nhân, ít nhất có một bên chưa rửa tội hoặc sau khi người thứ hai rửa tội thì từ đó họ đã không có quan hệ vợ chồng (x. Art.1).

2.        Gia đình đã tan vỡ, không còn cách gì hòa giải được (x. Art.4).

3.        Người đứng đơn không phải là người gây ra sự tan vỡ gia đình cũ. Người mà đương sự sắp kết hôn với, cũng không phải là người chủ động tạo nên sự chia tay với người phối ngẫu của mình (x. Art.4).

4.        Người Công Giáo có ý định kết hôn với người không Công giáo phải tuyên bố và ký kết sẵn sàng loại trừ mọi nguy cơ mất đức tin; còn bên không công giáo cũng phải tuyên bố và ký kết sẵn sàng để cho bên công giáo tự do giữ đạo cũng như rửa tội và giáo dục con cái trong Giáo Hội Công giáo (x. Art. 5).

5.        Đặc ân chỉ được ban một lần cho người trước đó chưa từng hưởng đặc ân này (x. Art. 6).

6.        Người công giáo phải tái hôn với người được rửa tội và nếu là người chưa rửa tội xin tái hôn phải chắc chắn người này sẽ rửa tội (x. Art. 7).

7.        Nếu nghi ngờ về sự thiếu chân thành chịu phép Rửa tội thì Đức Giám Mục không được chuyển hồ sơ cho Tòa thánh (x. Art. 7)

Để được hưởng đặc ân còn tùy thuộc sự nhận định của Đức Giám Mục trước khi ngài gửi lên Bộ Giáo lý Đức Tin cứu xét rồi đệ trình cho Đức Giáo Hoàng. Chính đức giáo Hoàng là người ban đặc ân này.

Những yếu tố được Đức Giám Mục cân nhắc trong trường hợp này là:

1.        Không gây gương mù, gương xấu, nếu kết hôn lần sau đó.

2.        Thông báo cho người vợ hay chồng bị bỏ rơi và người đó không chống đối với những lý do chính đáng như trường hợp áp dụng đặc ân Thánh Phao lô.

3.        Phải dự liệu chu cấp cho người vợ hay chồng bị bỏ rơi, hoặc những đứa con, theo lẽ công bằng tự nhiên.

4.        Người Công Giáo mà đương sự sắp kết hôn với phải sống theo tinh thần đức tin và săn sóc gia đình mới sắp được thành lập.

Đức Giám Mục cũng sẽ nhận định xem hôn nhân cần được tháo gỡ có những lý do cân xứng, nghiêm trọng và chính đáng để xin đặc ân thánh Phê rô không.
Việc Đức Giám Mục giới thiệu xin đặc ân lên Tòa Thánh vẫn có thể bị từ chối. Vì là một đặc ân nên người đứng đơn không có quyền đòi hỏi gì mà tùy thuộc vào sự chấp thuận hoặc quyết định của thẩm quyền giới thiệu và ban cấp. Tại Việt Nam, theo như được biết, thì chưa có trường hợp nào được ban đặc ân này. 
 
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT
 

 

Nguồn tin: gpcantho.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 777
  • Tháng hiện tại: 156584
  • Tổng lượt truy cập: 12133371