Trang mới   https://gpquinhon.org

Đánh giá lại cung cách yêu thương và phục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/01/2017 15:43


Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã thấy và nhận định được gì về hiện trạng xã hội
và con người hôm nay để từ đó
đánh giá lại cung cách yêu thương và phục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng

 
  1. Nhận định hiện trạng xã hội
Nói về thực trạng xã hội hội hôm nay, chúng ta thường nghe những nhà tâm huyết xã hội có những nhận định chung như sau: Đó là  một  xã hội bị tục hóa trầm trọng, con người bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, hưởng thụ. Thước đo giá trị dựa vào sự thành công của vật chất hơn là giá trị tinh thần. Với những thành tựu khoa học và công nghệ, cuộc sống dường như mở ra với nhiều hy vọng, xem ra thành công trong nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, song hành với nó là những thách đố, chán nản, lo âu và thất vọng.

Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam gởi cộng đồng dân chúa năm 2016 đã nhận định: “Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ![1]

Điều này cũng được Đức cha Giáo phận Qui Nhơn một lần nữa nhận định trong lá thư Mục vụ truyền giáo năm 2016:“Xã hội chúng ta đang sống ngày càng sung túc nhờ những thành tựu khoa học kỹ thuật và kinh tế. Khoa học đã giúp con người phát huy khả năng của mình và văn minh vật chất đem lại cho con người rất nhiều thiện ích, khiến nhiều người cảm thấy không cần cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa… Ngoài ra, nền văn minh vật chất và con đẻ của nó là chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ hàm chứa những mâu thuẫn nội tại, đồng thời kéo theo những hệ quả tệ hại. Người giàu ngày càng giàu thêm và người nghèo ngày càng trở nên nghèo khổ. Sự phân hóa giữa người giàu và người nghèo trong xã hội ngày càng trở nên sâu đậm. Từ đó xảy ra chiến tranh, xung đột, hận thù, chia rẽ, chết chóc, bệnh tật, khiến cho biết bao nhiêu người phải đau khổ và rơi vào tuyệt vọng.”[2]

Thật vậy, hơn bao giờ hết, sự hưởng thụ lên ngôi và lối sống cá nhân ích kỷ ngày càng nhiều, đã đẩy đưa con người đi vào một cuộc sống bất an, tuyệt vọng với những chứng bệnh thời đại đang lan tràn, nhất là căn bệnh nan y khó chữa là vô cảm và thiếu trung thực của một xã hội thực dụng.

  1. Bệnh vô cảm
Truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt nam vốn giàu tình nặng nghĩa, luôn sống tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” hoặc “Thấy ai đói rách thì thương, rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”. Sự chia sẻ đùm bọc giúp đỡ nhau là một thói quen tốt mà người Việt nam thường thể hiện. Đặc biệt tại những vùng nông thôn, “tình làng nghĩa xóm” càng rõ nét hơn, người ta chơn chất chân thành chia sẻ cho nhau từng bát cơm, manh áo trong tinh thần “chị ngã, em nâng” đối với những ai có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Thế nhưng, cách sống và lối ứng xử đậm nét nhân văn đó dường như không còn chỗ đứng trong một xã hội ích kỷ và chạy theo đồng tiền như hiện nay. Con người dửng dưng trước nỗi đau của tha nhân, lạnh lùng thờ ơ trước nỗi bất hạnh của người khác, giả điếc làm ngơ trước những bất công của xã hội!

Thật vậy, chúng ta đã từng chứng kiến hay được nghe thấy những cảnh đau lòng bởi căn bệnh vô cảm ngày càng lan tràn với đủ mọi sắc thái khác nhau. Đi đường gặp những người bị tai nạn gãy tay, gãy chân hoặc nằm bất tỉnh, những kẻ vô cảm chẳng có phản ứng nào mà chỉ vội vàng lấn chạy cho nhanh để không bỏ lỡ công việc của mình, thậm chí có kẻ còn nhân cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh tại Qui nhơn chúng ta đây. Khi một chiếc xe tải gặp nạn bốc cháy giữa đường, thay vì giúp đỡ người gặp nạn, nhiều người tranh thủ mang bao tải ra lấy hàng hóa trên xe, mặc cho tài xế khóc lóc và van xin, thế nhưng họ vẫn tiếp tục hôi của và cười đùa khi lấy được hàng! Và cái vô cảm nhan nhản khắp nơi trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều người, nhất là thanh niên nam nữ, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Trên xe buýt hoặc nơi công cộng, có mấy ai biết nhường chỗ cho người lớn tuổi, người tàn tật, có khi lại còn cười giễu trước những khuyết tật của họ.

Hơn bao giờ hết, cái vô cảm lạnh lùng đến phát sợ khi người ta sẵn sàng đâm chém nhau vì chỉ một cái nhìn không thiện cảm, vì một lời nói không vừa lòng. Vô cảm như mọi loại virus nguy hiểm đang có chiều hướng lan rộng trong mọi cuộc sống của con người. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong các gia đình, những người thân ruột thịt. Đã có bao hoàn cảnh cha mẹ bị bệnh nặng nằm liệt giường mà con cái không đoái hoài gì đến, có khi tống khứ vào viện dưỡng lão cho xong việc. Biết bao bà mẹ lạnh lùng giết chết sự sống của con mình khi còn trong bụng mẹ mà không chút áy náy lương tâm! Theo Gs.Bs Nguyễn Thị Ngọc Phương – Phó Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, Việt nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.[3] Bên cạnh đó, môi trường Học đường và Bệnh viện lẽ ra phải là nơi được đào tạo để sống đúng mức về đạo làm người và là nơi tình yêu thương được thể hiện, thế nhưng những cảnh đau lòng ngày càng gia tăng. Vì vô cảm mà bác sĩ để cho bệnh nhân cần được cấp cứu phải nằm chờ hàng tiếng đồng hồ, hậu quả dẫn đến là những cái chết một cách oan khuất. Nhiều thầy giáo không hề quan tâm đến hoàn cảnh éo le của học sinh, cứ mắng mỏ quát nạt dẫn đến tình trạng nhiều em bị bệnh trầm cảm, hậu quả là  những cái chết oang uổng. Vì vô cảm mà ngày càng nhiều những vụ học sinh đánh Hội đồng và bạo hành, còn những học sinh khác thờ ơ đứng nhìn và vỗ tay cổ vũ, sau đó quay clip tung lên mạng coi như không phải chuyện của mình! Bệnh vô cảm có nguy cơ không phải chỉ xuất hiện ở những kẻ được cho là xấu mà còn ở những người được coi là tốt, vì để an nhàn cho bản thân và an toàn cho cuộc sống riêng mình, họ im lặng và giả điếc làm ngơ trước những điều xấu và bất công xảy ra mà họ có khả năng để bênh vực và giúp đỡ.

Chính căn bệnh vô cảm này đã làm cho cuộc sống của con người ngày càng lạnh lẽo, cô đơn vì vắng bóng tình thương, thiếu niềm thông cảm và khép kín trong việc chia sẻ. Còn đâu nữa những đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt nam “thương người như thể thương thân”, nhưng thay vào đó là một triết lý sống “Mackeno” với kiểu sống “đèn nhà ai nấy sáng”!

  1. Bệnh dối trá
Trung thực là một đức tính căn bản của con người, bất cứ thời đại và tín ngưỡng tôn giáo nào cũng đều khuyên dạy con người phải ăn ngay ở lành và biết sống trung thực. Trung thực còn là cái gốc của xã hội để đem lại sự bình an và hạnh phúc cho nhau. Ngược lại, sự dối trá sẽ làm cho con người bất an và xã hội bị xáo trộn vì không biết đâu là sự thật, là chân lý!

Thế nhưng ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta đang đối diện với một thực trạng xã hội đầy dẫy sự dối trá, thiếu trung thực trong mọi góc cạnh của cuộc sống. Những lời nhắc nhở dạy dỗ của cha ông dành cho con cháu như: “ăn ngay nói thật” hoặc “một lần bất tín, vạn lần bất tin” dường như bị lãng quên. Còn đâu nữa những giá trị cuộc sống thường được tâm niệm: “những người tính nết thật thà, đi đâu cũng được người ta tin dùng”; nhưng thay vào đó là chủ trương sống được rút ra từ thực tế xã hội: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Lừa lọc, lươn lẹo lại lên lương”. Vâng, chưa bao giờ hai chữ “sự thật” bị ruồng bỏ như trong thời đại hôm nay. Gian dối, lừa lọc, dối trá được xem như một lối sống, một cách ứng xử thường tình trong mọi  ngành nghề, mọi hoàn cảnh sống. Bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra, miễn làm sao mang lại lợi ích cho cá nhân và gia đình là được.

Hàng ngày, truyền hình, báo chí truyền tải những tin nóng về những mưu mẹo lừa dối cách công khai và tráo trợn trên thị trường. Vì lợi nhuận người ta sẵn sàng tung ra  những thứ hàng hóa ôi thối, nhiễm khuẩn, độc hại, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Rồi hiện tượng chạy bằng, chạy điểm, quay cóp trong thi cử được xem như là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi! Việc mua bằng giả để tăng lương tiến chức diễn ra hàng ngày trong cuộc sống để rồi kết cục phũ phàng là những người có trình độ, có khả năng lại phải thất nghiệp, còn kẻ ít học nhưng lắm của nhiều tiền thì lại nắm giữ quyền này, chức kia. Hậu quả cuối cùng là một chuỗi mốc xích của những trò lừa đảo, gian lận, dối trá  diễn ra hàng ngày trong xã hội hiện nay.

Nhận thấy hoàn cảnh bi đát này, nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa!”[4]

Thật vậy, hơn bao giờ hết, nhân loại ngày nay đang trăn trở và đau đớn kêu gào đến hai chữ “sự thật”. Một điều chắc chắn là sự thật vẫn luôn tồn tại nơi xã hội loài người và trong lương tâm mỗi người. Nhưng thực tế là con người hoàn toàn bế tắc trước xu hướng của một xã hội duy vật và vô thần, loại bỏ tôn giáo hay đúng hơn là lối sống không “chất Tin mừng”. Đó chính là nguyên nhân của những căn bệnh nan y của thời đại. Vậy đâu là kim chỉ nam để giúp con người và xã hội tìm ra một hướng đi,  một con đường,  một chân lý để sống và tìm thấy hạnh phúc đích thực trong một xã hội “đồng thau lẫn lộn” như hiện nay?  

   
2. Cung cách yêu thương và phục vụ dưới ánh sáng Tin mừng
 
Chúng ta đang sống tâm tình của Mùa Giáng Sinh, khi ngắm nhìn Con Thiên Chúa làm người nơi mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cảm nhận sâu lắng một tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu hoàn toàn biến mình ra không để yêu thương và thương yêu cho đến tận cùng “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.(Pl  2, 6-7). Vì tình yêu, Ngài đã có sáng kiến độc đáo để đi vào thế giới của con người và dạy con người “nghệ thuật sống”: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”(Mc 10, 45). Và rồi sự phục vụ yêu thương đó được biểu lộ trong từng cử chỉ lời nói và hành động của Ngài. Ngài đã làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ câm được nói và kẻ chết sống lại. Những đối tượng được ngài quan tâm không phải là những đại gia giàu có mà là những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi bị gạt ra bên ngoài xã hội. Chính tình yêu là động lực để Ngài dám nghĩ, dám sống và dám làm. Vì thế Ngài không ngần ngại nhắc nhở các môn đệ và với mỗi chúng ta “Anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).


Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn luôn được Giáo Hội nổ lực để sống. Một năm Thánh Lòng Thương xót đã được mở ra với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô : “Hiện có biết bao tình cảnh đói nghèo và khổ đau trong thế giới ngày nay….  ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ”.[5] Và để duy trì tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhau , trong Tông thư hậu Năm Thánh, vị cha chung lại tiếp tục mời gọi: “Năm Thánh đã kết thúc và Cửa Thánh đã đóng lại. Nhưng cửa lòng thương xót của tâm hồn chúng ta luôn mở rộng. Chúng ta đã học biết rằng Thiên Chúa cúi mình trên chúng ta để chúng ta cũng có thể bắt chước Chúa cúi mình trên anh chị em”.[6]

Và sứ điệp yêu thương phục vụ của Tin mừng đã được diễn tả rõ nét qua các chứng nhân thời đại sống rất gần gũi với chúng ta. Hình ảnh của một linh mục Maximilian Kolbe đã tình nguyện chết thay cho một người tù không hề quen biết trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã xin nhà cầm quyền Ý tha tội cho kẻ đã ám sát mình, ngài đích thân vào tù thăm Mehmet Ali Agca và nói với anh rằng: “Tôi tha thứ cho bạn”. Mẹ Têrêxa Calcutta mà Giáo hội vừa mới phong thánh trong dịp tháng 9 vừa qua là chứng từ sống động của lòng bác ái yêu thương, mẹ lặn lội khắp cùng ngõ hẻm của những khu nhà ổ chuột để chăm sóc và mang lại sự sống cho những người nghèo, những người hấp hối. Chính tình yêu vô vị lợi của mẹ đã lay động hàng triệu trái tim trên thế giới không phân biệt tôn giáo, địa vị, sắc tộc. Cái chết của mẹ làm cho bao người nối tiếc và làm cho thế giới dường như cảm thấy lạnh lẽo hơn như lời chia sẻ của vị Tổng thống Pháp - Jacques Chirac: “Đêm nay có ít tình yêu hơn, có ít lòng trắc ẩn hơn, có ít ánh sáng hơn trên trái đất này”. Và mới đây, trong ngày 17.12. 2016 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi bằng cách chia sẻ bữa điểm tâm với 8 người vô gia cư tại Vatican.[7] Một hình ảnh tuyệt vời của gương sống Tin mừng mà Đức Thánh cha đã sống và thực hiện theo lời Chúa Giêsu dạy. 

            Thiên Chúa không những là Tình yêu như lời thánh Gioan đã định nghĩa, nhưng Ngài còn là Chân lý như lời Ngài xác tín “Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14. 6). Chính ngài đã đến trong thế gian này để làm chứng cho công bằng và sự thật “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18, 37) và lời Kinh thánh đã mạc khải về Ngài “Luật Chúa và Lời Chúa là sự thật” (2Sm 4, 28).

Như vậy, Chúa Giêsu chính là sự thật, là tiêu chuẩn để những ai sống theo Tin mừng luôn biết tôn trọng công bằng và lẽ phải, dám can đảm chấp nhận sự thua thiệt để làm chứng cho sự thật dầu phải đón nhận những thử thách đau thương và ngay cả cái chết. Kinh thánh đã cho chúng ta biết bao mẫu gương sống động, đặc biệt mẫu gương chứng nhân của Gioan Tẩy Giả trong Tân ước. Lịch sử Giáo Hội Việt nam cũng tự hào với biết bao mẫu gương của các Thánh tử đạo Việt nam, những người dám nói, dám sống và dám chết để bảo vệ cho sự thật và chân lý.

Cùng song hành với Giáo Hội hoàn vũ, Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang trong lộ trình chuẩn bị gần cho Năm thánh Giáo phận kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin mừng. Đức cha Giáo phận mời gọi từng thành phần dân chúa nổ lực thực thi tình thương và gia tăng đức ái đối với nhau qua chủ đề “YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ”. Đây chính là một cơ hội tốt để chúng ta góp phần chữa lành những căn bệnh thời đại bằng việc nổ lực sống yêu thương và can đảm sống trung thực với Thiên Chúa, với chính mình và tha nhân. Nhưng làm cách nào để thực thi điều này nếu chúng ta không tỉnh thức để nhận ra đâu là điều Chúa muốn và đâu là điều thế gian muốn? không dám bơi ngược dòng với những khuynh hướng và lối sống của con người và thời đại?  

Thực tế cho thấy“Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” (ĐGH. Phaolô VI). Đã đến lúc chúng ta cần chân thành duyệt xét lại cung cách sống và phục vụ của chúng ta trong quá khứ và hiện tại để tìm ra một lối sống và phục vụ theo Tin mừng trong một năm mới đang bắt đầu. Nếu xã hội đầy dẫy sự vô cảm, chúng ta có nhạy cảm trước những nỗi đau của tha nhân không? Nếu xã hội nhan nhản sự dối trá, chúng ta có dám sống thẳng thắn và trung thực để bảo vệ cho sự thật và chân lý không? Hay chúng ta cũng đang mắc phải những chứng bệnh thời đại để rồi vô tình dửng dưng trước trách nhiệm cần làm và an nhàn trong tháp ngà ích kỷ? Ai đang là đối tượng để chúng ta quan tâm phục vụ? Những người giàu sang, có địa vị trong xã hội hay những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, hoặc tội lỗi? Chúng ta chạnh lòng trước những nỗi đau của tha nhân và tìm cách phục vụ? hay người khác đang cung phụng và phục vụ chúng ta? Chúng ta đến với tha nhân với cung cách của Thiên Chúa để an ủi nâng đỡ hay chúng ta đến với người khác bằng thái độ kẻ cả và thiếu sự cảm thông tha thứ?

Quả thật, bệnh vô cảm sẽ giảm đi nếu chúng ta biết mặc lấy đôi tay và quả tim của Chúa để thấu cảm, lắng nghe, yêu thương và phục vụ. Bệnh giả dối sẽ bớt hoành hành nếu chúng ta biết sáng suốt nhận định điều đúng sai và can đảm bênh vực cho sự thật và lẽ phải. Muốn được như vậy, chúng ta cần có Chúa trong cuộc đời và cần đặt Chúa trong từng công việc, sự kiện. Chính Ngài là vị thầy của Tình yêu và Chân lý sẽ hướng dẫn chúng ta biết cách yêu thương phục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng. Hãy dùng ánh sáng Phúc Âm và lòng nhiệt thành Chúa ban để bắt tay vào cuộc cảm hóa môi trường mình sống. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là những môn đệ tín trung của Chúa, cộng tác với ơn Ngài để giúp cho con người và xã hội hôm nay tránh đi những khuynh hướng tiêu cực, tin nhận Thiên Chúa và Tin mừng của Ngài là thước đo chuẩn mực, là nguồn hạnh phúc đích thực để bước đi trong Thần Khí của SỰ THẬT và TÌNH YÊU.
 
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng



[1] Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Cộng đồng dân Chúa, năm 2016, số 2
[2] Thư Đức Giám Mục Giáo phận gửi cộng đồng dân Chúa Giáo phận Qui nhơn về chương trình mục vụ truyền giáo năm 2016,
số 2
[5] Tông sắc Misericordiae vultus ấn định Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương xót, số 15

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 31
  • Khách viếng thăm: 28
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 684
  • Tháng hiện tại: 156491
  • Tổng lượt truy cập: 12133278