Trang mới   https://gpquinhon.org

Để “yêu thương và phục vụ” con người có hiệu quả

Đăng lúc: Thứ tư - 07/12/2016 05:36



Để “yêu thương và phục vụ” con người có hiệu quả,
chương trình mục vụ giáo xứ cần được định hướng và đề ra những giải pháp cụ thể nào?


A. NHẬP ĐỀ

Chủ đề "yêu thương phục vụ" là định hướng mục vụ của giáo phận theo Thư Đức Giám mục gửi Cộng đồng dân Chúa Qui Nhơn, ngày 24.11.2016. Ngài đã viết: “Giai đoạn II (của lộ trình sáu năm chuẩn bị gần cho Năm Thánh giáo phận) bắt đầu từ năm 2015 hướng về phía lương dân và sẽ kết thúc với chủ đề Yêu Thương Phục Vụ trong thời gian từ ngày 27 tháng 11 năm 2016 đến ngày 25 tháng 7 năm 2017.” Ngày 26.07.2017 sẽ là ngày khai mạc Năm Thánh giáo phận.

Chủ đề này được gợi hứng từ ý nghĩa của ngày thứ Sáu trong công trình sáng thế khi Thiên Chúa tạo dựng loài người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,26-31). Nếu tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa, thì không thể giới hạn tình yêu thương vào một phe nhóm nào (x. Mt 5,46). Vì thế, Đức Giám mục mời gọi “sau khi đã gia tăng đức ái đối với nhau (giai đoạn I), thì giờ đây hãy thực thi tình yêu thương phục vụ đối với anh chị em đang sống bên ngoài Giáo Hội, vì họ cũng là con cái của Cha trên trời.” “Chủ thể phục vụ là cộng đoàn tín hữu, còn đối tượng phục vụ ưu tiên là những anh chị em lương dân.”.

Đồng thời, Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa ngày 07.10.2016, nhằm để “hòa với nhịp sống của Hội Thánh toàn cầu cũng như Hội Thánh Á châu”, HĐGMVN đã đưa ra chủ đề mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019), với những điểm nhấn cho từng năm, mà năm 2016-2017 là “chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.

Và Thư của Đức Giám mục giáo phận cũng viết: "Đời sống hôn nhân cũng là nơi thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa là Tình yêu và cũng là nơi con người được chúc phúc để làm cho tình yêu sinh hoa kết trái đầy mặt đất bằng những cử chỉ yêu thương phục vụ”. Bởi vậy “chủ đề của Giáo hội Việt Nam trong năm nay có thể được lồng vào chủ đề “yêu thương phục vụ” của giáo phận Qui Nhơn chúng ta.”

B. CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ GIÁO XỨ CẦN ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐỀ RA NHỮNG GIẢI PHÁP CỤ THỂ NÀO?

I. Định hướng

Chương trình mục vụ giáo xứ cần được định hướng bằng sự hòa nhịp với Hội Thánh toàn cầu, với Hội Thánh tại quê hương Việt Nam, và giáo phận nhà Qui Nhơn chúng ta, cách cụ thể qua hai thư mục vụ của HĐGMVN và của Đức Giám mục giáo phận.

Thư chung của HĐGMVN viết:“Tiếp theo đây, chúng tôi muốn nói với anh chị em về định hướng mục vụ cho những năm sắp tới. Ngày 8 tháng 4 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong thế giới ngày nay. Tại Châu Á, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng sẽ tiến hành Đại hội toàn thể, được tổ chức tại Colombo, Sri Lanka, vào cuối năm 2016, với chủ đề Niềm vui của Tin Mừng và Gia Đình trong ánh sáng của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Hòa với nhịp sống của Hội Thánh toàn cầu cũng như Hội Thánh Á Châu, chúng tôi đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm:

  • Năm 2016-2017: chuẩn bị người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;
  • Năm 2017-2018: đồng hành với các gia đình trẻ;
  • Năm 2018-2019: đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.”
* Theo Thư của Đức Cha giáo phận, có hai đối tượng mà chương trình mục vụ giáo xứ nhắm đến:
  • Những anh chị em đang sống bên ngoài Giáo Hội
  • Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân.
II. Giải pháp

1) Vâng phục và hiệp thông

Sắc lệnh Truyền giáo số 30 dạy: “Để thi hành công cuộc truyền giáo đạt tới mục đích và kết quả, mọi người làm việc truyền giáo phải có một “con tim duy nhất và một tâm hồn duy nhất” (Cv 4,32).

Ðức Giám Mục là vị chỉ huy và là trung tâm hiệp nhất việc tông đồ giáo phận, có nhiệm vụ phát động, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo thế nào để duy trì và cổ võ lòng nhiệt thành của những người tham gia vào công việc này.”

“Cần có sự phối hợp đồng bộ từ cấp giáo phận đến cấp giáo hạt, giáo xứ và cộng đoàn dòng tu.” (Thư ĐGM, số 5).

Trong tông huấn Người Kitô hữu giáo dânChristifideles laici, số 32, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý cuộc “vĩnh hôn” giữa sự hiệp thông và sứ vụ truyền giáo: “Hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo : hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông. Luôn luôn cùng một Thánh Thần duy nhất kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội, sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2) Theo hướng dẫn của HĐGMVN và Đức Giám mục giáo phận
a) Yêu thương phục vụ những người trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân

  • Thư chung của HĐGMVN gửi cộng đồng dân Chúa ngày 07.10.2016, số 5 viết: “Trong thư này, chúng tôi muốn trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đặc biệt đến lãnh vực này. Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo. Mỗi giáo phận có thể có chương trình riêng tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các khóa chuẩn bị hôn nhân phải giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này, do đó nên quan tâm những yếu tố sau:
  •  
    • Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và theo giáo huấn của Hội Thánh, khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách nhiệm xây dựng một gia đình mới.
    • Dẫn vào bí tích Hôn Phối, giúp đôi bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc cho đời sống gia đình. Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân. Vì thế, phải giúp họ cử hành bí tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa và trân trọng ý nghĩa của từng lời nói và dấu chỉ trong cử hành bí tích.
    • Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo luận với nhau: họ mong chờ gì từ hôn nhân và từ người bạn đời; họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một gia đình.
    • Giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Trong những lớp chuẩn bị hôn nhân, ngoài sự hướng dẫn của các linh mục và chuyên viên, thì chứng tá cụ thể của các gia đình đóng vai trò quan trọng, do đó nên mời những người sống đời gia đình chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, đừng quên rằng “những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo” (Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu, số 208). Vì thế, chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình.”
“Sau Thư Chung này, chúng tôi sẽ gửi Tâm Thư đến các gia đình Công giáo và ước mong mỗi gia đình đều nhận được một bản. Xin anh em linh mục đang làm việc tại các giáo xứ giúp chúng tôi thực hiện ước nguyện này. Chúng tôi cũng xin anh em hãy coi mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ của mình, vì gia đình là con đường Hội Thánh phải đi và mọi chương trình mục vụ của Hội Thánh phải đi qua gia đình.” (số 6)

  • Thư Đức Cha giáo phận: “Ban mục vụ gia đình của giáo phận cần tổ chức các khóa tập huấn tác viên mục vụ gia đình cấp giáo xứ, để mỗi giáo xứ có đủ người có khả năng chuyên môn cộng tác với cha xứ trong việc tổ chuẩn bị hôn nhân thật chu đáo, theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục.”
  • Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem), số 11, đề cập đến môi trường thứ nhì để hoạt động truyền giáo, đó là gia đình: “Ðấng Tạo Hóa đã đặt cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người và dùng ơn thánh Ngài nâng lên hàng bí tích cao cả trong Đức Kitô và trong Hội Thánh” (AA 11). Việc tông đồ của những người đã lập gia đình và chính các gia đình là quan trọng đặc biệt đối với Hội Thánh. Chính cha mẹ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Rồi bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. b) Yêu thương phục vụ những người ngoài Giáo Hội
  • Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem), số 11, đề cập đến môi trường thứ ba để hoạt động truyền giáo, đó là xã hội.
Giáo dân phải làm tông đồ trong môi trường xã hội, tức là cố gắng đem Tin Mừng giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: bổn phận và trách nhiệm này không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ được.
  • Thư ĐGM giáo phận viết: “Mặc dầu Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc, nhưng lòng thương xót phải tiếp tục sinh hoa kết trái qua những hành vi yêu thương phục vụ của mỗi người chúng ta, nhất là trong thời gian chuẩn bị cuối cùng cho việc cử hành Năm Thánh giáo phận. Đặc biệt, bằng yêu thương phục vụ, chúng ta hãy hướng lòng thương xót ấy đến với các anh chị em còn ở ngoài Giáo Hội, nhưng vẫn đang sống hay đang làm việc bên cạnh chúng ta, trong cùng một khu phố, một làng xóm, một công ty xí nghiệp, một ngành nghề v.v., hay bất cứ ai đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, đau khổ mà chúng ta có thể gặp thấy trên đường đời”.
Một cách cụ thể, Thư mục vụ của Đức Cha giáo phận yêu cầu: “Trước hết, Ban bác ái xã hội của giáo phận sẽ vận động các giáo xứ tham gia quỹ Caritas và tổ chức những khóa tập huấn để các giáo xứ không những có khả năng trợ giúp kịp thời cho những trường hợp khẩn cấp mà còn có thể góp phần thường xuyên vào việc thăng tiến con người và phát triển xã hội.”

c) Các phương thức hoạt động tông đồ


  • Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem) ở chương IV đề cập đến các phương thức hoạt động tông đồ: số 16 nói đến “Tầm quan trọng và những hình thức của việc tông đồ cá nhân. Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo (x. Gio 4,14). Ðó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế việc đó được.”.
  •  
  • Số 18 (sđd) nói đếnTầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Ðấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).
Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.

Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các Hội Ðoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.

Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó. Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế.”

Cũng nên nói thêm về nguyên tắc bổ trợ và liên đới (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1883) được Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem) số 21 khuyến cáo mọi người phải “Tôn trọng các đoàn thể tông đồ. Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó ngày nay đặc biệt phải kể đến những đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách quốc tế.”

d) Các ý kiến đóng góp của Đại hội đồng mục vụ giáo phận

Thư ĐGM giáo phận còn lưu ý: “Ban điều phối Hội đồng mục vụ giáo phận cũng sẽ nghiên cứu các ý kiến đóng góp của Đại hội đồng mục vụ ngày 17.10.2016 vừa qua, để giúp các Ban mục vụ phối hợp nhau hoạt động cách đồng bộ, vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chủ đề “yêu thương phục vụ” của năm chuẩn bị cuối cùng này, vừa để đặt nền cho những hoạt động trong Năm Thánh giáo phận sắp đến.”
 
C. KẾT LUẬN

Hội Thánh là “dân Thiên Chúa” được Đức Kitô triệu tập từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 781; LG. 9). Mệnh lệnh truyền giáo của Đấng Phục sinh đã trao cho các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21). Và dấu chỉ người môn đệ Đức Kitô, đó là “anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35) theo mẫu gương của Đấng đến để “phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (x. Mt. 20,28). Hướng về Năm Thánh Giáo phận đã gần kề, các Linh mục giáo phận Qui Nhơn chúng ta, với tư cách là người được 'sai đi', và tiếp nối bước chân tiền nhân, chúng ta nhận ra mình phải dấn thân hơn nữa vào công cuộc truyền giáo. Không nhiệt tình truyền giáo, Linh mục không thể sống chân thực căn tính của mình. (x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 4-6; Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề cập đến nhiều trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 26; Thư luân lưu của Bộ Giáo sĩ về căn tính truyền giáo của Linh mục; Thông tin giáo phận Qui Nhơn 17.10.2011)

“Thực thi tình yêu thương phục vụ đối với anh chị em đang sống bên ngoài Giáo Hội, vì họ cũng là con cái của Cha trên trời” và chăm sóc mục vụ cho các bạn trẻ sắp lập gia đình, vì “đời sống hôn nhân cũng là nơi thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa là Tình yêu”, chắc chắn đó là phương cách truyền giáo hữu hiệu để thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô.




 

Tác giả bài viết: Lm. Grêgôriô Văn Ngọc Anh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3252
  • Tháng hiện tại: 159059
  • Tổng lượt truy cập: 12135846