Trang mới   https://gpquinhon.org

Đức ái mục tử

Đăng lúc: Thứ tư - 06/08/2014 19:23
 

Chúa Giêsu đã hỏi Thánh Phêrô tới ba lần và sau mỗi lần Chúa Giêsu hỏi: “Này anh Simon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Simon Phêrô đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.” thì Chúa Giêsu đều nói: “ Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21, 15-17). Như vậy, điều kiện, tiêu chuẩn trên hết và trước hết để Chúa Giêsu trao đoàn chiên của Ngài là Yêu mến. Dĩ nhiên, Yêu mến đây là yêu mến Thầy Giêsu. Nhưng nếu Chúa Giêsu đã chọn mặt gửi vàng theo tiêu chuẩn yêu mến thì yêu mến đây cũng chính là yêu mến những con chiên “vàng”, những con chiên yêu quí mà Ngài đã thí mạng cho chúng được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Tông huấn NHỮNG MỤC TỬ NHƯ LÒNG MONG ƯỚC nói đến những mục tử như lòng Chúa mong ước mà cũng là Giáo hội mong ước và ngay cả giáo hữu ước mong. Thế mà có thể nói rằng toàn bộ Tông huấn NHỮNG MỤC TỬ NHƯ LÒNG MONG ƯỚC xoay quanh “Đức ái mục tử”. Chính Đức ái mục tử cho chúng ta khởi điểm mà cũng là tận điểm cho sứ vụ mục tử của các linh mục. Xin chia sẻ Đức ái mục tử qua 3 cụm từ: Với anh em, Cho anh em và Vì anh em.
 
Rất nhiều lần chúng ta đã đọc câu Xướng-đáp trong giờ Kinh chiều II lễ các Thánh Mục tử rằng:

Đây là người đã sống hết tình Với anh em,
Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.
Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.

Câu Xướng-đáp vần điệu tuy rất vắn gọn và đơn sơ nhưng lại chất chứa tất cả nội hàm của Đức ái mục tử.
 
Trước hết, Đây là người đã sống hết tình Với anh em.

ĐGH Phanxicô nhắn nhủ các đại chủng sinh chủng viện liên giáo phận Leoniano ngày 14-4-2014 rằng : ”Các chủng sinh quí mến, các thầy không chuẩn bị để thi hành một nghề, hoặc trở thành những nhân viên của một xí nghiệp hoặc một cơ quan hành chánh. Tôi nhắn nhủ các thầy đừng rơi vào tình trạng đó. Các thầy đang trở thành những mục tử theo hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành, để giống như Chúa và ở giữa đoàn chiên trong cương vị của Chúa, để chăn dắt các chiên”. Trong Thánh Lễ ngày 6-6-2014, tại nhà nguyện Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha đã giảng giải lời Chúa mời gọi chăm sóc dân Chúa: “Hãy chăm sóc đoàn chiên của Ta.” Tôi phải tự hỏi: “Tôi có phải là chủ chiên hay chỉ là nhân viên của một tổ chức dân sự, thiện nguyện có tên là Giáo Hội? Có một sự khác biệt.” Ngài nhấn mạnh: linh mục được mời gọi để trở nên trước hết một chủ chăn, trước tất cả học vấn, kiến thức về triết học và thần học. Tất cả mọi thứ khác đến sau.

Thế nhưng linh mục cũng chỉ là một con người đầy hạn chế, yếu đuối và tội lỗi thì làm sao mà làm việc của Chúa được? Trong loạt bài Giáo Lý về các Bí Tích vào ngày 26 tháng 3 năm 2014, ĐGH Phanxicô nói về Bí Tích Truyền Chức Thánh như sau: Bí Tích Truyền Chức Thánh là Bí Tích làm cho việc thi hành tác vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông Đồ, để chăn nuôi đàn chiên của Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, theo con tim của Người, có thể xảy ra được. Chăn nuôi đàn chiên của Chúa Giêsu không phải bằng quyền năng của sức con người hoặc sức riêng của mình, nhưng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần và theo con tim của Người, con tim của Chúa Giêsu, là một con tim yêu thương. Linh mục, Giám mục, Phó tế phải chăn nuôi đàn chiên của Chúa với tình yêu.  Nếu không làm điều ấy với tình yêu thì không phải là phục vụ.  Một linh mục mà không phục vụ cộng đồng của mình thì không làm tốt, mà làm sai. Những người được truyền chức thánh được đặt làm đầu của cộng đồng theo Chúa Giêsu có nghĩa là đặt quyền hành của mình vào việc phục vụ, như chính Người đã cho thấy và dạy cho các môn đệ của Người với những lời này: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:25-28; Mc 10,42-45). 

Thì ra để làm đầy tớ anh em theo gương Chúa, chính linh mục phải cảm nhận Chúa đã yêu thương phục vụ mình thế nào. Sáng 11-6-2010, ĐGH Bênêđictô XVI đã chủ thánh lễ đồng tế đông đảo nhất trong lịch sử, nhân dịp bế mạc Năm Linh Mục. Trong bài giảng, Ngài quảng diễn các đoạn Kinh Thánh của ngày Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt là đáp ca trích từ thánh vịnh 23: ”Chúa là mục tử chăn dắt tôi” và qua đó ngài nêu bật lòng từ nhân, sự ân cần quan tâm chăm sóc của Chúa đối với chúng ta. Chúa biết tôi, ngài lo lắng cho tôi, và linh mục cũng phải phản ánh trong sứ vụ của mình: Thiên Chúa muốn chúng ta, trong tư cách là linh mục, trong một điểm nhỏ của lịch sử, chúng ta chia sẻ những quan tâm của Chúa đối với con người.

Thánh GH Gioan XXIII đã sống thế nào để chia sẻ những quan tâm của Chúa đối với con người? Chúng ta hãy đọc những điều ngài viết trong cuốn ”Nhật Ký của Tâm Hồn: “ Từ lâu tôi đã chọn hướng đi: Trong mọi công tác mục vụ, tôi nhất quyết hy sinh, hy sinh vô điều kiện cho các linh hồn”. Thực tế, đây là một dốc quyết không dễ thực hiện. Đức Cha Mátthêô trong cuốn Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin đã nói: “ Theo Thánh Gioan Maria Vianney, không thể có chuyện linh mục làm việc cầm chừng, làm việc vừa đủ với bổn phận thôi, để đời sống được dễ dãi thoải mái. Cám dỗ bằng lòng với cái tối thiểu là cám dỗ rất nguy hiểm, nó hạ thấp lý tưởng linh mục, làm nguội nhiệt tình và người linh mục rảnh rỗi dễ bị sa vào điều không tốt”. Nhớ lại lúc học về Mục vụ giáo xứ, Cha giáo có in đậm trong cours: Cha xứ cần hai điều: tận tâm và có phương pháp. Tận tâm là sống hết tình với đoàn chiên như Thánh GH Gioan-Phaolô II nói: “ Đời sống của các linh mục, sự tận tâm triệt để cho dân Thiên Chúa, chứng tá phục vụ yêu thương của họ cho Chúa và cho Giáo Hội của Ngài – một chứng tá được đánh dấu bằng dấu chỉ thập giá, được chấp nhận trong niềm hy vọng và niềm vui phục sinh (Pastores dabo vobis, 41). Trong bài Huấn dụ ngày 03/7/1993 Ngài đã nói:” CĐ Vatican II nói chức linh mục như suối nguồn của Đức ái mục tử làm cho các linh mục hiểu biết rõ các con chiên của mình cũng như có khả năng phục vụ xả kỷ mà không bao giờ cho người khác cảm tưởng mình là ân nhân, đặc biệt là cuộc sống của những anh chị em nghèo túng nhất theo gương Vị Mục tử nhân lành. Thánh Gioan Maria Vianney chia sẻ: "Bí quyết của tôi là rất đơn giản, đó là cho đi tất cả và không giữ lại gì". Xảy ra là khi ngài không còn gì, thì ngài nói với những người nghèo gõ cửa nhà ngài: "Tôi cũng nghèo như ông/bà vậy; hôm nay tôi là một người trong số ông bà".

Bà Madeleine Delbrêl (1904-1964), một “khuôn mặt toả sáng” của công giáo Pháp thế kỷ XX cảm nhận: Khi giáo dân đã gặp được một linh mục hiểu họ, một linh mục với trái tim nhân loại của mình đã đi vào đời họ, thì họ sẽ không bao giờ quên được nữa. Quả thế, ĐHY Manning, TGM Westminster, khẳng định: “ Một linh mục tận tâm, cho dù chết, nhưng ngài vẫn còn nói được vì những công việc ngài đã làm sẽ còn sống mãi sau khi ngài đã qua đi!”. Nhiều Cha đàn anh đạo đức chia sẻ rằng cứ chân thành sống hết tình với giáo dân thì thấy bình an cho dù gặp khổ, gặp khó, dù bị ngay cả bề trên hiểu lầm, anh em khích bác, gièm pha. Hơn 20 năm rồi mà những giáo dân ở giáo xứ Châu Me vẫn cầu nguyện cho Cha cố Giuse hằng ngày và cứ luôn nhắc đến Ngài. Quả là giáo dân rất nhạy bén cảm nhận được sự tận tâm hết tình của các linh mục và họ cũng nhớ đời sự tận tâm  tận tình đó. Chính Cha sở Ars đã chẳng bị Bề trên nghi ngại, hiểu lầm, anh em linh mục khích bác, gièm pha, chê bai và ngay cả giáo dân đã muốn trục xuất ngài đi khỏi Ars sao? Vì chống lại những đòi hỏi của ngài, họ nói xấu ngài đủ điều, cho ngài đạo đức giả để che lấp những tật xấu. Thấy ngài gầy ốm xanh xao, họ nói ngài đêm đêm lén lút truy hoan. Họ gởi thư nặc danh, dán tờ bướm lăng nhục trước cửa nhà xứ rồi còn tổ chức những đêm huyên náo, chen lẫn với những tiếng thú vật kêu và văng tục đủ thứ..... Đức Giám Mục Belley buộc phải cho điều tra. Để đáp lại, ngài giữ im lặng.

Chân Dung Người Mục Tử Lý Tưởng theo ĐGH Phanxicô là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của một Giáo Hội, chứ không đợi chờ một Giáo Hội khác. Là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì đoàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa nó, nhưng nhất là, làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các Mục Tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim. Là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Thánh Phêrô trong thư thứ 1 khuyên nhủ các bậc kỳ mục rằng: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy”

Trong lời khuyến dụ dành cho các giáo sĩ giáo phận Assisi trong cuộc thăm viếng ngày 4-10-2013, ĐGH Phanxicô đã xin các linh mục hãy nhớ rõ không những tên của những người giáo dân trong giáo xứ, mà còn cả các con thú cưng của họ nữa. Đây chính là con đường giúp người mục tử gần gũi với đàn chiên của mình. Sự gần gũi này là hết sức cần thiết, vì chỉ khi gần gũi với người tín hữu, người mục tử mới có thể trao ban cho họ hương thơm của Đức Giê-su. Hơn nữa, để có thể trao ban thứ hương thơm ấy, các ngài phải để hương thơm của Đức Ki-tô thấm đượm nơi chính bản thân mình.

ĐHY Manning, TGM Westminster, chia sẻ :” Vị chủ chăn biết con chiên mình, biết tên tuổi, nhu cầu của họ và nhất là :” Không gì làm tôi vui sướng hơn bằng khi nghe biết con cái tôi sống trong sự thật” (3Ga 4). Linh mục có thể nói như thánh Phaolô:” Anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi” (Pl 4,1) “Anh em hãy vui lên và chia sẻ niềm vui với tôi” (Pl 2, 18).

Một khi đã vui với con chiên và vì con chiên, các linh mục không còn sợ bị con chiên quấy rầy. ĐGH Phanxicô nói với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 11 tháng 5.-2014 rằng:  Hãy nhớ tới hình ảnh đẹp này của con bê con mà thánh Cesario thành Arles, một trong các Giáo Phụ thuộc các thế kỷ đầu của Giáo Hội đã diễn tả. Khi con bê đói, thì nó sà vào vú mẹ nó để bú. Nó cứ dí mõm vào vú mẹ nó để nút sữa, quấy rầy mẹ nó thế nào để mẹ nó cho nó bú sữa. Thánh nhân giải thích dân Chúa phải giúp chủ chăn như thế đó. Tôi xin anh chị em hãy quấy rầy các chủ chăn, quầy rầy tất cả chúng tôi là các chủ chăn, để chúng tôi có thể cho anh chị em sữa của ơn thánh, của giáo lý và sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy!

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Noi gương Chúa Giêsu, mỗi chủ chăn “đôi khi đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng . Những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gũi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 31) Ước chi tất cả mọi chủ chăn được như thế! Nhưng anh chị em phải quầy rầy các chủ chăn, để các vị trao ban sự hướng dẫn, giáo lý và ơn thánh cho anh chị em.
 
Thứ đến, Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.

Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Thánh Bộ Giáo sĩ  trong thư gửi các linh mục vào những ngày cuối của Năm Linh mục nói: “Anh em linh mục thân mếnCầu nguyện chiếm vị trí trung tâm trong đời sống linh mục. Điều này không khó hiểu vì cầu nguyện cổ vũ sự thân tình của người môn đệ với Thầy mình là Đức Giêsu Kitô. Nhưng trên hết, ở đây, tôi muốn nói đến sự cần thiết của cầu nguyện để, như Thánh Phêrô Kim Ngôn nói, chủ chăn có thể đánh bại ma quỷ và vì thế họ sẽ không sa sút. Thật vậy, không có lương thực đầy sức sống của lời cầu nguyện, Linh mục trở nên đau yếu, người môn đệ không thể tìm thấy sức mạnh để theo bước Thầy mình. Hậu quả là đàn chiên tản mác và chết đi. Hơn nữa theo gương của Môisen, cánh tay linh mục phải luôn giơ lên Trời trong tư thế cầu nguyện  để đoàn người không bị nguy hiểm.”           
  
Trong cuốn Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin, Đức Cha Mátthêô đã khẳng định: “Trong các cám dỗ, cám dỗ không cầu nguyện là căn bản và đáng sợ nhất”. Chẳng vậy mà ngay một giáo dân như Bà Madeleine Delbrêl (1904-1964), một người công giáo Pháp thế kỷ XX đã thốt lên rằng:Thiếu vắng một linh mục đích thực trong một đời người là một nỗi khốn cùng không diễn tả nổi! Nhưng những dấu hiệu mà chúng tôi chờ đợi về sự hiện diện của Chúa nơi linh mục là gì? Tiêu chuẩn đầu tiên là- Cầu nguyện: Có những linh mục, người ta không bao giờ thấy cầu nguyện” . Chẳng phải đùa mà Cha thánh Ars nhận xét: “Có một số người dường như nói với Chúa thế này: Con chỉ có đôi điều để nói với Chúa, vậy con nói cho mau chóng để còn đi làm việc khác.”

Trong SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI LẦN THỨ 47 hôm CN IV PS 25.04.2010  ĐGH Bênêđictô XVI nói: “ tôi muốn nhắc lại ba khía cạnh của đời sống linh mục, mà theo tôi là thiết yếu cho một chứng tá linh mục hữu hiệu. Đời sống cầu nguyện là chứng tá đầu tiên nơi các linh mục. Thánh Vianê đúng là con người của cầu nguyện. Trải qua những khoảng thời gian thật dài trước nhà Tạm, một sự thân tình chân thành với Thiên Chúa, một sự từ bỏ hoàn toàn để đón nhận thánh ý, một khuôn mặt biến đổi… Ngần ấy yếu tố thôi cũng đủ đánh động những ai gặp gỡ thánh nhân và đủ nhận ra nơi ngài một đời sống cầu nguyện rất nội tâm cũng như sự kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Nhà Tạm là niềm vui lớn của cha thánh và là điểm hẹn thân tình với Thiên Chúa”. Không vui sướng hạnh phúc sao được vì như Cha thánh Ars chia sẻ: “Khi Thiên Chúa thấy chúng ta tới, ngài nghiêng trái tim ngài xuống thật thấp ngang tầm với thụ tạo nhỏ bé của mình, như một người cha nghiêng mình để lắng nghe đứa con nhỏ bé của mình vậy!” Như thế, có thể nói là linh mục tha hồ nói đủ thứ chuyện với Chúa. ĐHY Manning, TGM Westminster, nói:” Linh mục hằng ngày đến báo cáo với Thầy Chí Thánh về những nỗi lo âu, những ưu tư mục vụ và những khó khăn riêng”.  Còn Giáo huấn của cha Chevrier lại xác quyết: « Thiên Chúa đã đặt Linh mục ở trần gian là để ngài làm nhiệm vụ cầu nguyện . Cầu Chúa cho dân đó là nhiệm vụ cao cả của Linh Mục.  Khi người ta giao chiến thì Linh mục, chẳng khác nào Mai sen xưa ở trên núi, ngài cầu nguyện cho họ thắng trận ».  

Trong Thánh Lễ Dầu ngày 28 tháng 3, 2014, ĐGH Phanxicô chia sẻ: “Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tại đời sống thường ngày của họ, những đau khổ và niềm vui, những lo âu và hy vọng. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, đến với họ qua chúng ta, họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn dâng lên Thiên Chúa: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”, “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con”, đó là dấu hiệu cho thấy dầu xức đã đạt tới gấu chiếc áo choàng, bởi lẽ nó đã biến thành lời khẩn cầu của Dân Thiên Chúa.” Và còn nhiều lần nữa, cả sau khi xưng tội, biết bao hối nhân trong đời linh mục chúng ta lại chẳng xin cha cầu nguyện cho con...
Khi đến họ đạo Ars, một ngôi làng nhỏ với 230 dân cư, mà vị Giám mục báo trước là Cha Vianney sẽ gặp phải một hoàn cảnh tôn giáo bấp bênh: "Không có nhiều tình yêu Thiên Chúa trong giáo xứ này, cha sẽ mang nó vào đó". Bởi thế, ngài hoàn toàn ý thức rằng ngài phải đến đó để nhập thể sự hiện diện của Chúa Kitô, làm chứng cho sự yêu thương cứu độ của Người: "[Lạy Thiên Chúa của con], xin ban cho con sự hoán cải của giáo xứ này; con bằng lòng chịu đau khổ những gì mà Chúa muốn trong suốt đời con !" , chính bằng lời cầu nguyện này mà ngài đã bắt đầu sứ mệnh của mình. Cha Sở Thánh đã hiến mình cho sự hoán cải của giáo xứ của ngài bằng tất cả sức lực, dành chỗ nhất trong những ưu tư của mình cho việc đào tạo giáo dân được giao phó cho ngài. Trong suốt 41 năm mục vụ, ngài có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, ngài mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Vậy mà ngài vẫn chưa lấy làm đủ! Vào một đêm khi toan tính đào tẩu khỏi Ars, Ngài cảm thấy lo âu: “Đây có phải là thánh ý Chúa mà tôi đang làm không? Sự trở lại của một linh hồn không đáng giá hơn tất cả các lời cầu nguyện mà tôi có thể dâng trong cô tịch sao?”

Bà Catherine Lassagne làm chứng rằng Ars bây giờ không còn là Ars trước đây, bà nói: “Chúng ta không bao giờ biết hết những ơn hoán cải mà Cha sở đã có được nhờ lời cầu nguyện của mình và nhất là nhờ việc dâng lễ…Đã có một cuộc cách mạng xảy ra trong các tâm hồn. Ân sủng mạnh đến độ ít ai có thể cưỡng lại được! Mọi người đều cố gắng hết sức để ra khỏi tội lỗi. Sự cả thẹn đã bị lật tẩy: người ta cảm thấy xấu hổ khi không làm điều tốt và không giữ đạo. Ai ai cũng tỏ ra nghiêm túc và đầy ưu tư. Có những người từ rất lâu không đi xưng tội, nay tuyên bố lớn tiếng: “Tôi muốn đi xưng tội”.
 
Cuối cùng, Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.

Hôm CN IV PS 25.04.2010  ĐGH Bênêđictô XVI nói khía cạnh thứ hai của một chứng tá linh mục hữu hiệu là:  Việc trao hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa là một khía cạnh khác của việc thánh hiến linh mục và của đời sống thánh hiến. Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3, 16). Cử chỉ của Chúa Giêsu mà, vào bữa Tiệc Ly, đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn rồi thắt lưng, và cúi xuống để lau chân cho các Tông đồ, diễn tả ý nghĩa phục vụ và sự trao hiến được biểu lộ trong toàn thể cuộc sống của Ngài, trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha ( Ga 13, 3-15). Bước theo Chúa Giêsu, toàn thể con người mà được kêu gọi sống một đời thánh hiến riêng biệt phải nỗ lực làm chứng cho sự trao hiến hoàn toàn chính mình này cho Thiên Chúa. Chính từ đó mà tiếp đến nảy sinh khả năng tự hiến cho những người mà Thiên Chúa Quan Phòng giao phó cho người ấy trong thừa tác vụ mục tử, bằng sự tận tâm trọn vẹn, thường hằng và trung tín, trong niềm vui trở nên bạn đồng hành với biết bao anh chị em, để họ mở mình ra cho sự gặp gỡ với Chúa Kitô và để Lời của Ngài trở nên ánh sáng trên đường đời của họ

Cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng, trong dịp kỷ niệm 40 năm linh mục, chia sẻ rằng: “Tôi cảm tạ Chúa đã không chấp tội lỗi tôi. Tôi cảm tạ Chúa vẫn mãi thương tôi. Trong thống hối, tôi thường ước ao được chết sớm còn hơn sống lâu. Bởi vì tôi rất sợ đời linh mục chỉ còn là cây vả không trái hoặc đã trở thành mảnh đất cứng khô!”. Nỗi sợ của Cha Phêrô cũng chẳng khác mấy so với nỗi sợ của Cha Vianney. Dù khao khát và sung sướng làm linh mục của Chúa nhưng Thánh nhân lại rất sợ làm cha sở! Ngài nói: “Thật là một việc khủng khiếp khi bước từ một giáo xứ đến tòa phán xét của Thiên Chúa! Nói cho cùng, tôi không sợ khó nhọc. Tôi sẽ là người hạnh phúc nhất nếu không có ý nghĩ này là rồi đây tôi sẽ phải ra trước tòa Chúa với cuộc đời làm cha sở tội nghiệp của tôi!”. Thật ra, Thánh Gioan Maria Vianney bị mê hoặc thực sự bởi ơn cứu rỗi nhân loại. Điều đó có thể tóm tắt chuỗi thời gian suốt 41 năm hiện diện của ngài tại Ars. Bị ám ảnh về phần rỗi của mình cũng như của giáo dân, đặc biệt là của những ai đến với ngài hay là ngài có trách nhiệm. Ngài nói: Là một cha xứ, Thiên Chúa sẽ đòi « cả vốn lẫn lời », Cũng vì thế mà cha thánh đã làm việc không ngừng đến nỗi Ngài cảm nhận rõ ràng: “ Nếu một linh mục chết do quá lao công lao lực cho vinh quang của Chúa và ơn cứu rỗi của các linh hồn, thì là không tồi đâu!”.

Thánh GH Gioan Phaolo II nói: “Toàn sứ mệnh chức thừa tác linh mục phát xuất từ Hiến tế Thánh Thể. Chính khi lặp lại lời truyền phép :”Này là Mình thầy….Này là Máu Thầy…” linh mục đạt điểm cao nhất trong chức vụ của mình. CĐ Vatican II nhấn mạnh rằng Chức linh  mục đòi buộc linh mục phải bắt chước Chúa Kitô tử nạn. Các linh mục phải hiến dâng mình với Chúa Kitô, bằng cách chấp nhận mọi hy sinh của đời linh mục, luôn sống với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, Linh Mục-Bánh Thánh. Vì vậy mà chúng ta hiểu lý do tại sao CĐ Vatican II lại khuyến khích các linh mục cử hành Thánh Lễ cả khi không có giáo dân tham dự” . Còn Mẹ Têrêxa khi nói chuyện với các linh mục về Thánh Thể đã chia sẻ: “Cũng như  từng giọt dầu không ngừng đốt cháy ngọn đèn bên cạnh Chúa Giêsu Thánh Thể, cuộc sống của anh em cũng phải là một tiếp nối của Thánh Thể mà chúng ta cử hành tức là phải được bẻ ra, đổ ra cho nhiều người”. Điều này cũng được cảm tác trong bài thơ LINH MỤC, MỘT HUYỀN NHIỆM ngày 11/8/2009 của Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng:

…Ôi linh mục
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như chiếc bánh thơm ngon
Được bẻ ra từng miếng nhỏ
Để mọi người có thể đến ăn
Nhất là những ai nghèo đói
Về tinh thần và thể xác…


Đức Cha Mátthêô trong cuốn Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin cũng đã nói: “ Linh mục cũng phải trở nên con người của Thánh Thể, phải sống theo khuôn mẫu của Thánh Thể, sẵn sàng để cho mình bị ăn. Khi đọc:”Này là Mình thầy….Này là Máu Thầy…” linh mục không lặp lại một cách máy móc lời của Chúa trong bữa tiệc ly, nhưng phải hiểu đây là một hành động chịu đóng đinh, chịu đâm thủng của linh mục, một sự tự hiến chính mình”. Vâng, “ Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm: Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53,5). “ Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,28).

Tiến sĩ Goldfrey thuật lại câu chuyện sau đây:
“Trong một làng nọ có một bà cụ là người tin Chúa sắp chết. Trải qua 80 năm, bà đã thành tâm bước theo con đường của Chúa, đến độ vinh quang của Thiên đàng tỏa sáng trên gương mặt bà. Một ngày nọ, có một người kia đến thăm bà, ông nghĩ rằng nếu ông không mở cửa thiên đàng, thì bà tín đồ này không sao vào đó được.
Ông nói:
-Thưa bà, tôi đến đây để ban phép giải tội cho bà.
Bà trả lời:
-Thế có nghĩa là gì?
Ông kia đáp:
-Tôi đến để tha tội cho bà.
-Xin cho tôi xem bàn tay của ông. Xem một hồi, bà cụ nói:
-Ông là một người giả mạo
Ông kia ngạc nhiên hỏi:
-Sao bà gọi tôi là giả mạo
Bà cụ đáp:
-Vì người tha tội cho tôi phải có dấu đinh trong tay đó!

Thật ra, ai không ngại khó sợ khổ huống hồ một linh mục khi gặp những hoàn cảnh khó khăn cùng cực. Thánh Gioan Maria Vianney đã phải thốt lên rằng: “Nếu tôi biết khi tới Ars tôi sẽ phải đau khổ như thế nào, tôi sẽ chết đứng tại chỗ!”. Ấy vậy mà thánh nhân đã giải thích cho một người anh em linh mục: "Tôi xin nói với cha phương pháp của tôi. Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ và tôi đền tội thay cho họ phần còn lại". Bên kia những việc đền tội cụ thể mà Cha Sở họ đạo Ars tiến hành, thì cốt lõi trọng tâm của giáo huấn của ngài vẫn luôn có giá trị cho mọi người: Chúa Giêsu đổ máu mình cho các linh hồn và linh mục không thể hiến dâng cho ơn cứu độ của họ nếu ngài từ chối tham dự cách cá nhân vào cái "giá cao" của ơn cứu độ.

Thánh GH Gioan XXIII  ngày nhận chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô ghi trong nhật ký: tôi đã có một dốc quyết: ”Tôi chỉ có một ý tưởng, một ý chí, là sống và chết cho các linh hồn đã được trao phó. Người mục tử tốt lành phải chết vì đàn chiên... Hôm nay, tôi tự hỏi: Cả cuộc đời hèn mọn 50 năm linh mục của tôi là gì? Phải chăng là một tiếng vọng rất bé của câu ‘Lòng thương xót Chúa thay cho tài đức của tôi’... Tôi xác tín hơn nữa rằng: Chủ chăn phải rất bác ái và nhân hậu. Bằng không sẽ thành con chó sói, là kẻ chăn thuê tác hại đàn chiên. Ôi Chúa Giêsu, xin cho con thấm nhuần trọn vẹn tinh thần mục tử của Chúa...”

Trong bài giảng thánh lễ sáng 11-1-2014, ĐGH Phanxicô lại chia sẻ: ”Thật là đẹp khi thấy những linh mục hiến mạng sống mình như linh mục, và dân chúng nói về các linh mục ấy: “Cha này, cha kia khó tính, nhưng đó là một linh mục! Dân chúng 'đánh hơi' giỏi lắm! Trái lại, khi dân thấy các linh mục thờ thần tượng, những linh mục thay vì có Chúa Giêsu, thì lại có những thần tượng nhỏ, tôn thờ cái thần tôi của mình, thấy các linh mục như thế, dân chúng chíp miệng: ”thật là một kẻ tội nghiệp!”.

Để kết, xin mượn tâm tình của Thánh GH Gioan Phaolo II trong dịp mừng Kim Khánh linh mục 01/11/1996 rằng: “…Tôi đã hiểu mỗi ngày một nhiều hơn rằng: linh mục không sống cho mình mà cho Giáo Hội và cho việc thánh hóa dân Chúa…”. Vâng, có thể nói điều đó được tóm gọn trong “Đức ái mục tử” vừa được diễn tả qua ba cụm từ: Với anh em, Cho anh em và Vì anh em.

Đây là người đã sống hết tình Với anh em,
Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.
Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.

Khi đọc kinh thần vụ với câu xướng-đáp trên thì đó không chỉ là lời kinh nguyện trên môi miệng linh mục mà còn là lời tuyên xưng đức tin bằng cả con người linh mục vì Luật cầu nguyện là luật đức tin.

Trong nghi thức phong chức linh mục, Đức Giám Mục nói: “ Con hãy tin điều con đọc. Hãy dạy điều con tin và hãy làm điều con dạy.”. Nếu nối ba mệnh đề trên lại thì sẽ là: “ Con hãy làm điều con đọc”. Như vậy, câu xướng đáp trên không chỉ là lời kinh nguyện, lời tuyên xưng đức tin mà còn là lời cam kết thi hành của linh mục nữa. Vả lại, Linh đạo linh mục có thể được tóm gọn trong câu: “Con hãy bắt chước điều con cử hành” nữa mà.

Xin Chúa Giêsu Linh Mục, Mục Tử Nhân Lành, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, Mẹ các Linh mục; Thánh Giuse; Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các linh mục; Thánh Stêphanô Thể; Thánh Anrê Kim Thông và Á Thánh Anrê Phú Yên chúc lành cho những nỗ lực nhỏ bé của chúng ta trong Năm Gia Tăng Đức Ái này để các Ngài sẽ nói với mỗi anh em linh mục chúng ta rằng:

 Đây là người đã sống hết tình Với anh em,
Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.
Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.                                                           
 
 
Tác giả bài viết: Lm. PM. Hà Đức Ngọc
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 29
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 5308
  • Tháng hiện tại: 117464
  • Tổng lượt truy cập: 12261724