Trang mới   https://gpquinhon.org

Hoan ca - diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh 2015

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/10/2015 18:36
NATIVITY SCENE - Christmas, holiday, disneyland, nativity, scene


CHƯƠNG TRÌNH HOAN CA – DIỄN NGUYỆN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2015

 
CHỦ ĐỀ : THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (1 Ga 4,8)
(Thương Xót – Cậy trông – Tân Phúc âm hóa xã hội)
 
PHẦN I : ỔN ĐỊNH CỘNG ĐOÀN, KINH KHAI MẠC
 
1. Hiệu triệu cộng đoàn tập trung ổn định.

+     Xin mời cộng đoàn chúng ta ổn định để đón tiếp quý cha, quý nữ tu, quý chức trong Hội đồng Chức Việc vào lễ đài để bắt đầu chương trình mừng Chúa Giáng Sinh năm 2015.
+     Xin trân trọng kính chào và kính mới tất cả bà con cô bác không có chung niềm tin Công Giáo có mặt trong khuôn viên thánh đường nầy hãy cùng chung chia niềm vui Giáng Sinh với chúng tôi trong tinh thần huynh đệ - đồng bào, và nhất là, trong ý nghĩa thiêng liêng và phổ quát của những người con cùng một Cha Chung là Thiên Chúa, trong một đại gia đình xuất phát từ Đấng Toàn Năng và là Vị Thượng Đế giàu lòng thương xót.
 
2. Giới thiệu khái quát ý nghĩa cuộc họp mừng Đêm Thánh Giáng Sinh.

Kính thưa cộng đoàn và toàn thể quý vị,
Đêm nay, Giáng Sinh một lần nữa lại về với chúng ta. Giáng Sinh – Noel, với hết mọi người trên hành tinh nầy đó là một lễ hội vừa đong đầy một niềm vui sâu lắng lại vừa chuyển tải một sứ điệp chan chứa yêu thương và hòa bình.
Đối với cộng đoàn Công Giáo trên khắp trái đất, ý nghĩa của Giáng Sinh năm nay, 2015,  càng được diễn tả đậm nét trong một Năm Thánh Đặc biệt vừa mới được “khai trương” : Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ diễn ra trong suốt thời gian từ 8/12/2015 cho đến ngày 20/11/2016.
Đây chính một Năm, mà theo ngôn ngữ của ĐTC Phanxicô, Vị đương kim Giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo, là để con người cảm nhận được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và từ đó, trở nên anh em với nhau :
“Lòng Thương Xót chính là hành vi cuối cùng và chung cuộc mà với nó, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ chúng ta. Lòng Thương Xót chính là quy luật nền tảng mà nó được bảo quản trong con tim của bất cứ một con người nào, và xác định cái nhìn khi một người nhìn ngắm một cách chân thành đối với người anh em và chị em của mình, tức những người mà họ gặp gỡ trên hành trình cuộc sống. Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta.” [1]
Mặc dầu đối với chúng tôi, những người tin và Chúa Giêsu-Kitô, thì cử hành đêm nay là một hành vi thờ phượng cốt yếu của niềm tin – niềm tin vào huyền nhiệm “Nhập Thể làm người” của Con Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô, Đấng sáng lập nên Ki-tô giáo, thì cuộc gặp gỡ thân tình đêm nay của tất cả chúng ta lại chính là một biểu hiện rõ nét của tình tự đồng bào, của sự hiệp thông huynh đệ, của tinh thần từ bi-bác ái và của những con tim rộng lượng sẻ chia…
Chính trong những ý nghĩa sâu xa của niềm tin và đầy tính nhân bản nầy, mọi người chúng ta giờ đây đã sẵn sàng cho Đêm cử hành Lễ Giáng Sinh 2015. Và để bắt đầu cho chương trình Khai mạc long trọng nầy, xin kính mời toàn thể cộng đoàn cùng sốt sắng trong tâm tình cầu nguyện với lời nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn và thánh hóa ; đồng thời, cùng chung lời kinh Truyền Tin để sống lại tâm tình “xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Ngôi Hai nhập thể.
 
3. Cộng đoàn hát kinh khai mạc (Cầu xin CTT). Kinh Truyền Tin.
 
PHẦN II : HOAN CA - DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH :
 
MỤC A : CHÀO CHÚC GIÁNG SINH
 
Lời dẫn : Và giờ đây, để biểu lộ niềm hân hoan được chào đón toàn thể quý vị đang hiện diện và chung chia niềm vui Giáng Sinh, cộng đoàn giáo xứ Quảng Ngãi xin trân trọng chào mừng bằng các tiết mục : vũ trống Noel, hoạt vũ “hoan ca Giáng Sinh” và đồng diễn “Đâu có tình yêu thương”.
 
1- Vũ trống Noel :
2- Hoạt vũ chào chúc Giáng Sinh : Một ca khúc GS quen thuộc, sinh động
3- Đồng diễn : Đâu có tình yêu thương.
 
Lời dẫn : Kính thưa quý vị,
            Chúng ta vừa chào chúc nhau bằng những tiếng trống rộn rã, bằng khúc nhạc Giáng Sinh tươi vui, và nhất là, bằng tâm tình huynh đệ yêu thương qua bài thánh ca “đi qua cùng năm tháng” của nhạc sĩ linh mục Vinh Hạnh “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”.   Giờ đây, để chính thức Khai mạc cho Đêm hoan ca – Diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh 2015, đồng thời xác định nội dung cũng như ý nghĩa trọng tâm cho chương trình đặc biệt nầy, chúng con xin trân trọng kính mời cha chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền, kiêm Hạt trưởng giáo hạt Công Giáo Quảng Ngãi, lên trước lễ đài ban huấn từ Khai Mạc.
 
4. DIỄN TỪ KHAI MẠC ĐÊM HOAN CA DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH 2015
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 
            Kính thưa :  Toàn thể cộng đoàn Phụng Vụ cùng bà con cô bác,
            Đặc biệt : các bạn trẻ và các cháu thiếu nhi rất thân yêu,
 
            Nếu tôi không lầm, có lẽ mỗi một người chúng ta, đều mang theo trong đời một kỷ niệm rất thân thương nào đó, đặc biệt, một kỷ niệm về một Mùa Noel. Phải chăng vì thế, mà nhạc sỹ Nguyễn Vũ đã thay cho chúng ta dệt lên một khúc hát với những ca từ sâu lắng luôn níu kéo chúng ta trở về với khung trời kỷ niệm của mỗi độ Giáng Sinh về :
            Bài thánh ca đó còn nhớ không em 
            Noel năm nào chúng mình có nhau…
            Thế nhưng hôm nay, giờ này, Giáng Sinh không còn là kỷ niệm của quá khứ, của “năm nào” xa lắc xa lơ, mà là một hiện thực, một “bây giờ” với tất cả không gian và thời gian : không gian chính là ngôi nhà thờ Quảng Ngãi thân yêu nầy và thời gian chính là đêm hôm nay, đêm thứ Năm 24.12.2015. 
            Và vì thế, chúng ta có thể xin phép nhạc sĩ Nguyễn Vũ để hát với nhau không phải “Noel năm nào” mà là “Noel năm nầy chúng mình có nhau”.[2]
            Vâng, lại một lần nữa lễ Giáng Sinh đã cho “chúng mình có nhau”, đã mang “chúng mình đến với nhau” và chắc chắn đã biến “chúng mình thành những kẻ thương nhau, yêu nhau”.
            Và lạ lùng thay, ý nghĩa nầy, nội dung nầy lại chính là điều cốt yếu, là chân lý nền tảng của lễ Giáng Sinh, của một huyền nhiệm, mà người Kitô hữu trân trọng gọi tên là “Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể”, hay “Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người”.
            Thật vậy, mục tiêu và động lực duy nhất của việc “Thiên Chúa làm người” đó chính là tình yêu : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một” (Ga 3,16), và “Người Con Một” đó cũng đã xác định mục đích yêu thương của mình khi nhập thể làm người : “Ta đến để chiên Ta được sống và sống phong phú” (Ga 10,10), “Người mục tử tốt lành sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11)…; đồng thời, Ngài cũng mời gọi mọi người hãy yêu thương nhau : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12), “anh em hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14), “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36) “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng kẻ dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13)…
            Vâng, kể từ khi Con Thiên Chúa “mang khuôn mặt của con người”, thì mọi người đều được gọi mời và biến đổi để “mang khuôn mặt của Thiên Chúa” [3], để thực sự trở nên “ảnh hình của Thiên Chúa”, hình ảnh mà tội lỗi đã làm cho méo mó, biến dạng. Và một khi đã “mang khuôn mặt của Thiên Chúa, tất cả nhân loại đều trở thành anh em với nhau, cho dù khác nhau về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm” [4]
            Tất cả những ý nghĩa trên đây lại được đong đầy và nhấn mạnh một cách đặc biệt trong năm 2016, là Năm Thánh ngoại thường của Giáo Hội Công Giáo, năm được đặt tên là “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, và đã được long trọng khai diễn vào ngày 8/12 vừa qua.
            Đây là một thời gian đặc biệt để mọi người tín hữu chiêm ngưỡng và cảm nhận thực sự dung mạo đầy thương xót của Thiên Chúa rồi từ đó “ra đi” trở nên những “Tông Đồ” rao giảng và làm chứng tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Điều nầy đã được Giáo Hội Công Giáo coi như căn tính và sứ mệnh cốt yếu của mình và một lần nữa được Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô tái nhấn mạnh trong Tông Sắc “Dung nhan lòng thương xót” :
 
Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. … Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha.
            Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người : một tình yêu tha thứ và thể hiện bản thân nó như như sự trao ban chính mình.
           Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên.” [5]
            Để sẻ chia với nhau và giúp nhau cảm nhận một đôi điều trong những ý nghĩa và nội dung phong phú đó qua bối cảnh của Đêm mừng Chúa Giáng Sinh, cộng đoàn giáo xứ Quảng Ngãi đã chọn chủ đề THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU cho đêm hoan ca-diễn nguyện nầy.
            Và như thế, tôi xin long trọng tuyên bố đêm hoan ca – diễn nguyện “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU” bắt đầu.
 
MỤC B : CHƯƠNG TRÌNH HOAN CA – DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH
 
I/. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
 
Lời dẫn : Kính thưa quý vị, có một điều mà chắc chắn hầu hết mọi người trên trái đất nầy, từ những nhà trí thức lừng danh như các nhà bác học Einstein, Pascal, Louis Pasteur…cho đến những bộ lạc vẫn còn ăn lông ở lổ, từ những người cùng đinh mạt hạng hay những nhà lãnh đạo uy quyền trên thế giới như tổng thống Nga Putin hay Tổng thống Mỹ Obama…gần như tất cả đều tin rằng : Có một Đấng Thượng Đế toàn năng, có một Vị Tạo Hóa.
            Riêng Kitô giáo, qua niềm tin vào chính lời Mặc Khải của Thượng Đế toàn năng đã tin rằng : Vị Thượng Đế toàn năng đó lại mang một dung mạo đầy lòng thương xót. Thánh sử Tông Đồ Gioan đã cô đọng tất cả nội dung và ý nghĩa của chân lý nầy bằng một định nghĩa chắc nịch : Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8). Chân lý đó đã bàng bạc trong từng trang Thánh Kinh, đã hiển hiện qua Thánh Truyền, qua giáo lý, kinh nguyện và các cử hành Phụng Vụ của Dân Chúa suốt qua bao ngàn năm, mà trong Năm Lòng Thương Xót nầy, một lần nữa được toàn dân Công Giáo tiếp tục đào sâu và học hỏi, cảm nhận và thể hiện, như lời khuyến dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Sắc “Dung mạo lòng Thương Xót” :
 
“Trong suốt lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa sẽ luôn luôn là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện và thương xót….
Tóm lại, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình. Không cường điệu chút nào khi nói rằng đây là một tình yêu “nội tại”. Nó tuôn ra từ những sâu thẳm cách tự nhiên, đầy dịu dàng và từ bi, thứ tha và thương xót” [6]
 
            Để cảm nhận chân lý huyền diệu nầy, chúng ta cùng lắng đọng qua hai ca khúc “Tình Yêu Thiên Chúa”  và “Chúa chăn nuôi tôi” được thể hiện sau đây qua những giọng ca và điệu múa của cộng đoàn giáo dân giáo xứ Quảng Ngãi.
 
5. Hát múa “tình yêu Thiên Chúa” (Nguyễn Duy)
6. Vũ khúc : Chúa chăn nuôi tôi (Phanxicô)  
 
II/. THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU QUA ĐỨC GIÊSU – KITÔ
 
Lời dẫn :  Thế nhưng, để loài người chúng ta nhận ra và thật sự cảm nhận được dung mạo đích thực của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu, một Thượng Đế giàu lòng thương xót, thì Thiên Chúa đã có một “sáng kiến lạ lùng” : đích thân đến với loài người qua Người Con Một và là Ngôi Hai Thiên Chúa. Và đó lại là một kế hoạch hoàn toàn chỉ vì tình yêu : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16), và đây chính là mặc khải tối hậu của Thiên Chúa về chính bản thân mình và chương trình cứu độ đầy yêu thương của Ngài. Bởi chưng, như chính Đức Giêsu-Kitô, Vì Thiên Chúa nhập thể-làm người đã từng xác nhận : “Không ai thấy Chúa Cha, trừ Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46), hoặc : “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7,29), hoặc : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).
            Mầu nhiệm Giáng Sinh, vì thế, là một dấu chỉ cụ thể đầu tiên để chỉ cho con người nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa, không phải một Thiên Chúa “trên các tầng mây” cách xa nghìn trùng, nhưng là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta - Emmanuel”, một Thiên Chúa của lòng thương xót như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái xác nhận trong tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” :
            “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời nầy có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm đức tin Kitô. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nới Đức Giêsu thành Nagiarét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài…
            Chúa Giêsu thành Nagiarét, qua lời nói, hành động, và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa.” [7]
           
            Và giờ đây có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng hơn để cùng cảm nhận chân lý nầy khi được hòa mình vào trong nhạc cảnh “Bước Ngài đi qua”, một khúc ca về Chúa Giêsu Nhập Thể - Giáng Sinh của linh mục nhạc sĩ Hoàng Đức, được trình bày bởi………………….cùng vũ khúc “Hình tường Ngài trong tôi” với tốp múa ………………………sau đây :
           
7. Nhạc cảnh : Bước Ngài đi qua (Hoàng Đức)
8. Vũ khúc : Hình tượng Ngài trong tôi
 
Lời dẫn :  Qua trình thuật của các Tin Mừng, quả thật, chúng ta đã tìm thấy Đức Giêsu Kitô chính “là khuôn mặt của lòng thương xót của Chúa Cha” ; và đó là điều một lần nữa được ĐTC Phanxicô nêu bật trong tông sắc “Dung mạo của lòng thương xót” :
“Sứ vụ của Chúa Giêsu được Chúa Cha trao phó là mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của tình yêu ấy. "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4: 8,16)
            Vâng Ngài đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với đám dân nghèo khố rách áo ôm bơ vơ và đói mệt (Mt 9,36), Ngài ra tay chữa lành những kẻ ốm đau tật bệnh (Mt 14,14), Ngài cảm thông trước nổi đau của bà mẹ Naim mất đứa con trai (Lc 7,15), Ngài trả lại niềm tin yêu hy vọng cho những cuộc đời tội lỗi như chàng thu thuế Matthêô, như cô gái làng chơi Mai-đệ-liên, hay như tên trộm tử tội bị đóng đinh bên cạnh Ngài…Giáo lý của Ngài là một Tin Mừng giải thoát và là một sứ điệp trình bày rõ nét dung mạo yêu thương của Thiên Chúa, đặc biệt qua các dụ ngôn Tin Mừng về tình yêu tha thứ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận trong tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” :
“Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. …
Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.”
            Và giờ đây, chúng ta hãy cùng các bạn trẻ sống lại dụ ngôn nầy bằng những hình tượng cụ thể trong khung cảnh đời thường nơi xã hội chúng ta hôm nay :
 
9. Hoạt cảnh : Người cha nhân hậu (hay Vòng tay cha đón đợi)
 
HOẠT CẢNH VÒNG TAY CHA ĐÓN ĐỢI
(Dựa theo một phần trong kịch thơ Tráng Sĩ Lang Thang của Sơn ca Linh)
 
Giới thiệu tổng thể :
            Hoạt cảnh gồm có 2 màn : Màn 1 : Cảnh người con thứ ăn chơi trác táng và rơi xuống kiếp lầm than. Màn 2 : Trở về nhà cha và gặp được vòng tay cha đón đợi.
 
MÀN 1 : NGƯỜI CON SA ĐỌA
 
Lời dẫn (Trong hậu trường) : Tin mừng Thánh Luca kể rằng : Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pharisieeu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông nầy đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giêsu kể cho họ dụ ngôn nầy :
“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với ch rằng : “Thưa cha, xin cha cho con phần tài sản con được hưởng.” và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đảng, phung phí tài sản của mình…”. Và đây, cuộc hành trình của người con thứ đó…
 
 
Sân khấu : Cảnh một nhà hàng, hay một quán nhậu…
Nhân vật :                
§         Người con hoang.
§         Cô ca sĩ và vài nhạc công.
§         Một số khách nhậu (bốn người)
§         (có thể thêm một toán ca vũ nữ để hợp diễn khi cô ca sĩ hát).
(Ca sĩ: Hát bài “ta đi lang thang”, hoặc “cát bụi”, hoặc một bài tình ca...trong khi đó các vũ nữ trình diễn cử điệu, khách nhậu chú ý thưởng thức... Hát xong, mọi người vỗ tay tán thưởng. Chỉ một mình Người con hoang hoàn toàn lãnh đạm, ngồi nhấp rượu và ngà ngà say... Cô ca sĩ đi tới bàn Người con hoang, vẻ hơi tức giận...)
 
Cô ca sĩ :      
            Chàng ơi sao hôm nay giữa hội vui,
            Mà riêng chàng mang cả bầu trời sầu oán.
            Tiếng ca của em và rượu nồng chếnh choáng,
            Chưa đốt hết nỗi buồn, trăn trở hay sao?
Người con hoang : (Giọng lè nhè)
            Cám ơn cô nhưng hãy để ta yên nào.
            Nếu được xin làm ơn hát tiếp.
            Hát tiếp đi, ôi giọng ca ngọt ngào tha thiết,
            Dìu hồn ta vào quên lãng say mơ... (nhấp rượu)
Cô ca sĩ :      
            Ồ được lắm chứ.
            Nhưng ở đây chưa có bao giờ,
            Tiếng hát của em được cất lên không công hay làm phúc.
            Đời bây giờ : mọi sự “tiền trao cháo múc”
            Tương quan con người là :
            Danh lợi, tiền tình, lạc thú xa hoa mà !
Người con hoang :           
            Thật vậy sao cô ?
            Không lẽ mọi người đến đây,
            Chỉ để tìm lạc thú xa hoa, bạc tiền danh lợi ?
Cô ca sĩ :      
            Và còn để như chàng,
            Đốt cháy cuộc đời trong men rượu đau thương,
            Trong hưởng thụ tận cùng,
            Trong phù phiếm kiêu căng...
            Nói tóm lại đến đây để mà sống.
Người con hoang :           
            Nếu đó là tất cả
            Điều ở đây người ta kiếm trông ngóng.
            Thì cuộc đời nơi này
            Chẳng qua là một nơi rác rưởi hôi tanh.
Cô ca sĩ :      
            Ông nói sao ? Ông là cái thá gì,
            Mà dám bảo nơi đây là rác rưởi hôi tanh.
            Nếu tôi không lầm,
ông chỉ là một tên du đãng nổi trôi.
            Hầu bao cạn, cù lần và tay trắng.
            Nếu không tiền xin hãy cút đi và im lặng
            Đừng lên mặt “Thầy đồ lên lớp với người ta”.
Người con hoang : (Lè nhè)
            Ồ, không ! xin lỗi cô.
            Những lời trên tôi nào muốn buông ra.
            Nhưng “tửu nhập ngôn xuất”...
            Hà... hà... hà cô thông cảm.
            À , mà này cô,
làm ơn cho tôi hỏi một câu mạo phạm
            Từ lâu ở nơi này cô có nghe, có gặp,
            Một người phú hộ có hai đứa con trai nhà ở đầu làng ?
Cô ca sĩ : (Chưng hững, ngạc nhiên quay sang hỏi các khách nhậu)
            Ê này các bạn, ở đây có ai biết hay quen
            Một ông phú hộ ở đầu làng có hai đứa con trai ?
Khách 1 :
            Tay phú hộ ở xóm trên hả ?
            Một lảo già tiều tụy,
            Nghe đâu đã gần đất xa trời !
Khách 2 :     
            Lảo nầy tui biêt rõ à nghen.
            Mấy năm nay, không hiểu sao, nhà đóng cử cài then,
            Chả ai biêt lão vẫn còn hay quy tiên về chín suối !
Khách 3 :     
            Không, theo tôi,
            Nghe nói mấy năm trước, lảo buồn đứt ruột.
Vì có một thằng con nghịch tử bỏ đi hoang.
Khách 4 :     
            Ồ, chắc đúng tên nầy đây
            Tên công tử đã một thời giàu sang nhung lụa
            Mà chắc hôm nay túi đã cạn tiền,
            Định mò về chốn cũ để giả khùng giả điên,
            Và dỡ quẻ “chà đồ nhôm” để hòng kiếm chút cháo !
(Cả bọn cười ồ) ... đúng đúng câu trả lời hết sẩy.
Người con hoang : (Tức giận, loạng quạng rút túi tiền đập xuống bàn).
            Hầu bao tao vẫn còn đây
            Không phải đủ chỉ để kiếm chút cháo,
            Mà còn có thể mua đứt các ngươi,
            Như nuốt một ly rượu xoàng tẻ nhạt
            Để các ngươi làm trò mua vui trong chốc lát
            Giải cho ta cơn vạn cổ thành sầu (kha.. kha.. kha..)
Khách nhậu : (Cả bọn tức giận đứng lên, xô ngã bàn ghế...Cô ca sĩ chạy vào trong...)
            A thằng này láo thật.
            Tụi ông sẽ cho mày biết tay,
            Đã say thì cho mày say luôn..
Người con hoang : (Đứng dậy, nhưng tư thế chếnh choáng)
            Chấp cả bọn bây
            Những con thiêu thân vô công rỗi nghề
            Sống quay cuồng trong lạc thú đam mê
            Chỉ biết kiếm tìm bạc tiền danh lợi.
            Còn ý nghĩa cuối cùng của kiếp nhân sinh
            Không bao giờ để tâm nghĩ tới...
Khách nhậu : (Nhào vô tấn công, cảnh tượng náo loạn... Người con hoang bị đánh nhừ tử vì say. Bọn khách lấy gươm lấy mũ, lấy tiền, lột áo...)
Khách 1 :     
            Đây là câu trả lời dành cho mi.
            Gia tài của cha mi là đây.
Khách 2 :     
            Tao nghe rằng nhà cha mi giàu có
            Hãy trở về mà chôm chỉa nghe con !.
            (Cả bọn cười ồ, quán trống trơn chỉ còn tiếng nhạc buồn...)
Người con hoang : (Một mình nằm lê lết, lồm cồm ngồi dậy...)
            Ôi, cha ơi, xin cha hãy cứu con,
            Tấm thân nầy đã rã rượi hoang tàn
            Hết chỗ dung thân hết đường sinh sống.
            Con biết nhà ta chẳng bao giờ thiếu cơm, thiếu mắm,
            Và biết lòng cha luôn quảng đại bao dung.
            Cha ơi, con muốn trở về,con muốn đứng lên,
            Xin cha hãy mở rộng vòng tay yêu thương tha thứ…!
 
            (Nhạc: nổi lên nhẹ nhẹ, người con đi vô...)
MÀN 2 : VÒNG TAY CHA ĐÓN ĐỢI
 
Lời dẫn (Trong hội trường) : Chúa Giêsu kể tiếp dụ ngôn : Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin cha coi con như một người làm công cho cha vậy.” Thế rồi anh ta đứng lên đi vè cùng cha.
            Và đây, đoạn kết cuộc hành trình của người con hoang.
 
Sân khấu : Cảnh một căn nhà
Nhân vật :                
§         Người cha già.
§         Người con hoang.
§         Hai gia nhân phục dịch
§         Đoàn gia nhân múa trong tiệc vui.
 
Người cha :
            ÔI, đã bao năm trường,
            Ta mỏi mòn ngóng tin con trở lại.
            Tóc bạc da mồi, không biết còn sống được bao năm.
            Để gặp con ta trước khi nhắm mắt lặng câm,
            Cho linh hồn thảnh thơi miền cực lạc…
 
Gia nhân 1 :
            Ông chủ ơi, hình như có ai ở ngoài đầu ngõ,
            Cứ thập thò như bọn kẻ cắp lang thang.
 
Ga nhân 2 :
            Thôi để con ra nhận diện rõ ràng
            Sẽ đuổi đi thẳng thừng cho khuất mắt.
 
Người cha :
            Không, không, cứ dẫn ta ra để xem cho rõ mặt,
            Biết đâu, biết đâu…chừng là cậu của chúng mầy,
            Là thằng ba ta ngóng đợi lâu nay,
            Là đứa con trai bao năm rồi ta miệt mài trông ngóng.
 
Gia nhân 1 :
            Ô kìa, cậu ba đó ông ơi
Gia nhân 2 :
            Có phải không, sao ăn mặc như thân tàn ma dại !
 
Người cha :  (Chạy đến ôm lấy người con)
 
            Ôi, trời đất quỷ thần, mắt ta có mờ không đấy,
            Con trai ta đây mà, làm sao ra nông nổi thế nầy con !
 
Người con hoang :
            Cha ơi, cha ơi. Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha,
            Con không xứng đáng được làm con cha nữa…
 
Người cha :
            Không, con không nói một lời nào nữa,
            Nào gia nhân, mau mau đem quần áo đẹp ra đây,
            Lấy đôi giày sang ta cất kỷ bấy lâu nay,
            Mang cả nhẫn vàng để ta đeo cho con trai ta hằng yêu quý.
            Và hạ con bê béo cùng mở tiệc ăn mừng.
            Vâng, phải mừng vui rộn rã tưng bừng,
            Vì con ta đã chết mà nay đang trở về sống lại,
            Tưởng chừng như đã mất
            nhưng nay tìm lại được ! Phải ăn mừng thôi !
 
Sau đó người cha dìu con trai đi vào bên trong bàn tiệc, đoàn vũ công gia nhân tiến ra, cả nhà cùng múa bài “Con Xin Trở về” (Sơn Ca Linh.
 
10. Vũ khúc : Con xin trở về (Sơn Ca Linh)
 
Lời dẫn : Sự mặc khải dung mạo yêu thương của Thiên Chúa đã đạt tới đỉnh cao nhất đó chính là tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trên thánh giá. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” đã nhận xét về chân lý nầy như sau :
 
“Cùng trong một bối cảnh của lòng thương xót như thế, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc thương khó và cái chết của Ngài, với ý thức về mầu nhiệm cao cả của tình yêu mà Ngài sẽ thành toàn trên thập tự giá.” [8]
 
            Vũ khúc “Tình yêu Thánh giá” sẽ cho chúng ta một cảm nhận sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa qua cuộc hy sinh chết trên thánh giá của Chúa Giêsu cách đây gần 2000 năm.
 
11. Vũ khúc (hoặc hát múa phụ họa) : Tình yêu thánh giá (Đỗ Vy Hạ)
 
III/. CHỨNG NHÂN CỦA THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
 
Lời dẫn : Chúng ta vừa nghe những gia điệu ngọt ngào cùng những ca từ thật sâu lắng :
“Giêsu con đã biết rồi, cuộc đời chỉ hạnh phúc, những khi nào yêu mến, trong tim người tìm đến với nhau hy sinh cho nhau.” 
            Phải chăng đó cũng chính tiếng gọi mời của huyền nhiệm Giáng Sinh. Bởi chưng, mỗi năm một lần, khi họp nhau cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh là một lần chúng ta tái chiêm ngưỡng dung mạo của Thiên Chúa qua Hài Nhi Giêsu trong hang lừa máng cỏ ; để từ nơi không gian đầy ắp yêu thương, hòa bình, khiêm hạ và khó nghèo nầy, chúng ta từng bước theo chân Ngài dấn thân trên mọi nẻ đường cuộc sống, trở nên nhân chứng của tình yêu như Lời Ngài nhắn gởi : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy : là anh em có lòng thương yêu nhau.” (Ga 13,35)
 
12. Hát múa : Chứng nhân tình yêu.
 
Lời dẫn (kết) 1 : Kính thưa quý vị,
           
            Trong cái se lạnh của những ngày Đông Chí, chúng ta có được những phút giây cùng ngồi bên nhau để cùng sẻ chia và cảm nhận những tình tự về Chúa Giêsu Đâng mà hôm nay cả nhân loại mừng ngày sinh nhật của Ngài, quả thật, chúng ta có thể lặp lại lời nhạc của Nguyên Vũ được cải biên mà linh mục chánh xứ đã nói ngay phút đầu khai mạc : Noel năm nầy chúng mình có nhau. Nhưng rồi chút nữa đây, mỗi người trong chúng ta lại tiêp tục tiến bước trên con đường của riêng mình đã chọn. Cho dù chọn con đường nào thì tiêu đích vẫn phải hướng ta đi về phía trước, phía của chân, thiện, mỹ, phía của hạnh phúc đầy tràn và yêu thương ngập lối.
            Riêng với chúng tôi, những người Kitô hữu, chúng tôi xin chọn con đường Giêsu. Chính Ngài là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” sẽ dẫn lối đưa đường cho những ai tin theo Ngài đi trên con đường chính lộ và sẽ dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng ; và cũng chính trên con đường Giêsu nầy, mọi người sẽ gặp nhau và sẽ trở thành anh em của nhau. Bởi vì Ngài chính là con đường của tình yêu và là tình yêu trọn hảo nhất để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà tất cả chúng ta được đoàn tụ trong Vương Quốc Tình Yêu, được trở thành anh em con cùng một Cha là Thiên Chúa toàn năng và là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng mà hôm nay chúng ta long trọng tung hô rằng : THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.
            Và như thế, xin kính mời toàn thể mọi người cùng đứng lên đồng diễn bài XIN CHON CON ĐƯỜNG GIÊSU, như một lời chúc tốt đẹp nhất dành cho nhau trong mùa Giáng Sinh 2015 nầy.
 
13. Đồng diễn : Con đường Giêsu (Lửa hồng)
 
Lời dẫn (kết) 2 : Và để tất cả những gì diễn ra trong giờ hoan ca diễn nguyện còn đọng lại trong tâm hồn mỗi người và trở thành một động lực để chúng ta cùng lên đường lên đường thắp sáng niềm tin yêu trên mọi nẻo đường cuộc sống, một cuộc sống đang sắp sửa mở ra với năm dương lịch 2016, xin mời cộng đoàn cùng đứng lên đọc chung lời Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót :
 
14. Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời,
và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát.
Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc;
đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo;
đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa,
và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.
Xin cho chúng con biết lắng nghe,
như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”
Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ
mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự:
xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,
gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối
để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc:
xin cho mọi người đến với các thừa tác viên
đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa hãy gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,
để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo,
loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức,
và cho người mù lại được nhìn thấy.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót,
chúng con nguyện xin Chúa
là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời.
Amen.
 

[1] Tông Sắc “Dung mạo lòng thương xót” của ĐTC Phanxicô. Số 2
[2] Theo gợi ý của bài diễn từ Giáng Sinh 2007 của anh Micae Trần Kim Đạt, CT/HĐGX Tuy Hòa.
[3] Thánh Grégoire de Naziance : ‘Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”
[4] Manna năm B, trang 18
[5] Tông Sắc “Dung mạo lòng thương xót” của ĐTC Phanxicô. Số 12.
[6] SĐD 6
[7] SĐD 1
[8] SĐD số 7

 
Tác giả bài viết: TĐH
Nguồn tin: quangngaicatholic
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 1852
  • Tháng hiện tại: 95276
  • Tổng lượt truy cập: 12239536