Trang mới   https://gpquinhon.org

Khủng hoảng trong đời tu

Đăng lúc: Thứ năm - 19/05/2016 22:06
 
Đọc lịch sử dòng tu, ta thấy ngay từ đầu Giáo Hội có rất nhiều người đã trốn thế gian, bỏ vào rừng vắng để một mình với Chúa tu luyện. Nhưng sau đó, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh Bênêđitô bắt đầu lập nên nếp sống tu cộng đoàn, có đời sống chung vững chắc, có luật lệ nghiêm minh. Từ đó đến nay trong Giáo Hội không biết bao nhiêu dòng tu mà kể. Nhưng đời tu không phải luôn hấp dẫn, nó có mặt trái của nó; nếu nói : “vui sướng thay anh em ở chung một nhà”, như thánh vịnh gia đã ca tụng mối tình đầm ấm huynh đệ, thì nhiều lúc cũng có cảnh huynh đệ xung khắc trong nhà tu. Nhiều khi tiếp xúc với các tu sĩ tôi được nghe nhiều chuyện buồn hơn vui. Do đó tôi càng tò mò và phân tích, tại sao lại đi tu mà buồn quá vậy. Tiện đây tôi xin phép đưa ra một vài nhận xét và lưu ý các bạn một vài căn nguyên tại đâu có sự khủng hoảng trong nhà tu không phải chỉ nay mới có, nhưng từ ngàn xưa đến nay, mặc dầu mang nhiều hình thức và phản ứng khác nhau. Tôi xin tạm chia làm ba loại và để cho dễ nhớ tôi xin nêu lên một câu làm tiền đề.

Khủng hoảng trước tiên là khủng hoảng về quyền bính : Giới trẻ ngày nay thường đưa ra câu “bề trên đâu có phải là Chúa ?”. Câu này hàm hồ, phải phân biệt bề trên xét về phương diện con người, đầy những tật, những nết xấu, những lỗi lầm. Trong vấn đề này, bề trên không phải là Chúa. Nhưng khi bề trên truyền khiến, dạy bảo những điều lành những điều tốt, giúp mình nên thánh, thì bề trên quả có ơn đặc biệt Chúa ban, đại diện Chúa để giúp đỡ chúng ta và chúng ta phải hết mực kính mến, vâng nghe  các đấng. Chúng ta đọc trong Kinh Thánh, có chuyện ông quan nước Syria bị phong cùi, được người ta cho biết tiên tri Elisa ở Israel có thể chữa bệnh cho ông. Ông lập tức trẩy đi đến cùng tiên tri. Ông  tưởng tiên tri sẽ bắt mạch, sẽ sờ vào vết thương để chữa, nhưng tiên tri chỉ nói vẻn vẹn một câu : “xuống tắm sông Yorđan 7 lần sẽ khỏi”. Ông quan tức giận, vì nước sạch thì hiếm gì bên Syria, lại phải sang tận sông Yorđan, ông chửi thề quay xe về, nhưng một cận vệ đã thưa với Naaman : nếu tiên tri bảo gì nặng nhọc, ngài cũng lo làm để khỏi bệnh, còn đàng này chỉ đi tắm là việc quá dễ, dầu làm 100 lần cũng dễ. Hãy nghe lời tiên tri vì đó là lời người của Chúa. Naaman như vụt tỉnh lại, ông đã nghe theo và đã được khỏi bệnh. Chúng ta  tin vào Kinh Thánh, thì hãy tin vào chuyện này và khi tin, hãy cố tâm thực hiện đức vâng lời, mặc cho có nhiều khi lệnh truyền làm mình khó chịu. Có người thấy bề trên mình quá tầm thường, mà bắt mình phải vâng lời thì đâm ra bất mãn. Nhưng ta nên nhớ, bề trên thay mặt Chúa nhắc bảo chúng ta làm lành lánh dữ. Còn việc của bề trên với Chúa thì để Người định liệu, Chúa sẽ làm quan xét xử, ta đừng lo vội. Người bệnh đi tìm thầy thuốc, gặp bác sĩ, bác sĩ không cần phải đô con khỏe mạnh. Có khi bác sĩ mang nhiều thứ bệnh, mà vì ông giỏi thuốc nên mách thuốc chữa bệnh hay. Người bệnh tin thì uống sẽ khỏi chứ cứ ngồi gạn hỏi về sức khỏe của vị bác sĩ mà làm chi.

Có người lại nói, bề trên như vậy, nhiều khuyết điểm như vậy tại sao chọn lựa mà làm gì ? Chúa có đặt lên vị bề trên ấy hay không, hay là rủi cho mình mà may cho người đó làm bề trên. Đó là suy luận thiếu đức tin. Trong một cộng đoàn của dòng tu, không ai có tham quyền cố vị mà được đâu, chỉ vì ý Chúa muốn, nên một người anh chị em chúng ta mới đảm nhiệm trọng trách, coi sóc và lo lắng cho cộng đoàn. Đó là tế vật hy sinh, ta phải đem lòng cảm thương và cầu nguyện. Nhiều khi bên ngoài, người hữu trách ấy xem không đủ tư cách, nhưng bên trong, lại là người lý tưởng để Chúa giao phó trọng trách thanh luyện con cái Người. Đến đây tôi nhớ câu chuyện kén chồng của một cô gái nọ : Cô ta đẹp, nhiều người muốn cưới, nhưng vì quá nhiều người nên cô không biết lựa chọn ai, cô mới ra một cuộc thi : anh nào cũng lo kiếm củi nấu và để vào nhà bếp của cô, sáng cô lấy củi của ai nấu trước thì người ấy sẽ là chồng cô. Các cậu nghe vậy, lo đi lấy củi về róc sạch sẽ trơn tru, có người lại sơn son thiếp vàng, trông sao củi mình hợp nhãn với cô nàng. Có một anh vì tánh lười cố đế, hơn nữa cũng chẳng tha thiết gì với việc cưới hỏi con nhỏ khó tính ấy, dầu vậy anh ta cũng thi cho có lệ, anh quơ nắm củi vụn và quăng vào nhà bếp. Sáng hôm sau, cô con gái nấu cơm, thấy củi vụn dễ cháy nhen lửa mau, nên đã chọn bó củi thô sơ mộc mạc đó. Dưới con mắt chúng ta, chúng ta thấy người này thông minh, người kia được quá về cách xử thế, chúng ta muốn chọn người đó làm bề trên chúng ta, nhưng khốn nỗi Chúa lại không muốn, nên người đó nhiều lần làm bề trên hụt. Còn người xem ra nhăn nhó khó ưa, thế mà cứ bị đặt trên đầu trên cổ mình hoài.  Nhưng đường lối của Chúa khác với đường lối ta, cảm nghĩ Chúa khác với cảm nghĩ ta. Chúng ta không thể hạch sách Chúa, đã đi theo Chúa mà còn hạch sách làm gì ? Không tin ở Chúa sao ? Ngày nay người ta thường hay phê bình kiểm thảo bề trên là vì người ta muốn theo lề lối làm việc của những người làm chính trị. Thế gian thì tìm cách hạ bệ người này, để người khác lên, để được vinh dự, lương to bỗng lớn; còn người bề trên trong dòng nói cho thực chỉ làm đầy tớ cho mọi người mà thôi: “Vua Chúa thế gian thì đè đầu đè cổ người ta, còn các con thì không thế, ai muốn làm lớn hãy làm người phục vụ” (Mt 20,28). Thánh Gioan còn nói : “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người là nói dối, vì người sờ sờ trước mắt mà ta không yêu được thì làm sao yêu Chúa là Đấng mà ta không thấy” (1Ga 4,20 ). Cũng vậy ta có thể bảo : “Ai nói mình sẵn sàng vâng lời Chúa dạy mà không vâng lời bề trên là người thay mặt Chúa, thì người đó nói dối, vì bề trên có tiếng nói, dạy bảo trực tiếp mà còn chưa nghe, thì làm sao nghe tiếng Chúa vô âm nói trong tâm hồn mình được”.

Khủng hoảng thứ hai là khủng hoảng đối với tha nhân, với người cùng chung sống với mình trong một cộng đoàn. Người ta trưng lời của Jean Paul Sartre : “Tha nhân là hỏa ngục” để phê cho cái thực tại trong dòng mình. Đó là một cách trích dẫn bừa bãi, không đúng chỗ. Tha nhân quả thực là hỏa ngục nếu chúng ta theo thuyết hiện sinh vô thần của Jean Paul Sartre. Vì không tin có ai trên đầu trên cổ mình, không nhìn nhận tha nhân mang hình ảnh của Chúa, nên thấy tha nhân là một chướng ngại trên đường đời mình, chuyên báo hại mình, chuyên làm khổ mình, do đó nói tha nhân là hỏa ngục quả không sai.

Nhưng đối chọi với thuyết hiện sinh vô thần của Jean Paul Sartre, Gabriel Marcel chủ trương thuyết hiện sinh hữu thần. Con người cởi mở đón nhận người khác như người anh em ruột thịt của mình, thì đời sẽ triển nở và thăng hoa. Lấy một ví dụ dễ hiểu ở ngoài đời : một cô con gái cứ nghĩ người ta quen mình là người ta có thể lợi dụng mình, mình có thể thua thiệt mất mát, nên không thích làm quen với ai cả, sáng dậy sớm ra đồng, trưa về thêu vá trong nhà, tối khóa cửa hai lớp không quen với ai. Ai đến hỏi cũng không ưng, cứ ở vậy cho đến lúc tuổi già, thành một cô gái già, không con không cháu, cha mẹ thì chết hết không nơi nương tựa, chống gậy lang thang, mà từ trước đến giờ không quen ai, không giúp đỡ ai, coi mọi người như hỏa ngục, thì cô ấy sẽ thấy thấm thía đời là vô nghĩa, đời là buồn nôn, đúng như hậu quả mà Sartre đã rút ra từ tiền đề vô thần của triết lý ông. Trái lại, nếu cô con gái ấy chịu cởi mở có phương pháp, biết kính trọng tha nhân và biết chọn lựa đúng mức để tìm một người bạn trăm năm, thì chính khi coi tha nhân như là một thành phần bổ túc cho mình, đời người con gái sẽ trở nên tròn đầy trong thiên chức làm mẹ, làm vợ và luôn có danh dự trước mặt Chúa và con người.

Còn hơn nữa, chúng ta là những Kitô hữu, những tu sĩ, nghĩa là những người theo Chúa Giêsu để sống đời sống nhập thể cứu chuộc, thế thì cũng như Chúa đã không chê con người, đành xuống trần gian ở với con người và thánh hóa con người do sự nhập cuộc của Ngài trong bản thể nhân loại. Cũng thế, chúng ta biết con người là ích kỷ, tha nhân có thể trở nên sói lẫn nhau, nhưng đó là vì con người chưa nhận biết Chúa Cha và chưa nhận ra Đấng Cha sai đến là Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Cho nên bổn phận của chúng ta là đem tình thương đến cho mọi người để biến tha nhân là thiên đàng của nhau. Muốn được như thế chúng ta phải tập yêu thương ngay từ bây giờ, áp dụng gấp với những người trong nhà và biết cởi mở để đón nhận tha nhân, đừng nghi kỵ, đừng mang nhiều thành kiến hay mặc cảm mà liên hệ đại đồng bị cắt đứt. Người ta sống trong một cộng đoàn mà không có khả năng yêu thương và không có khả năng tha thứ, để chấp nhận yêu thương ngay cả nghịch thù, thì quả thật người ta sống trong hỏa ngục.

Khủng hoảng thứ ba là khủng hoảng do chính mình gây ra cho mình: Thế hệ hôm nay người ta mệnh danh là “Thế hệ tự nhiên”. Có lần một cha già hỏi tôi : “Thời xưa chúng tôi tu không có vấn đề, ngày nay sao các người trẻ lắm vấn đề quá vậy ?” Tôi nghĩ nhiều về câu hỏi đó và phát hiện rất nhiều lý do đưa đến sự khác biệt : khác biệt trước hết là thời gian. Năm 1950 chắc rất khác với năm 2016. Người già không thể lấy tiêu chuẩn mình để đo người trẻ được. Dĩ nhiên có những điều bất biến như trong lĩnh vực đức tin và phong hóa. Nhưng cách trình bày cũng phải thay đổi khác đi nhiều. Xưa uống thuốc phải để nguyên si cho đắng vì “thuốc đắng đã tật”. Ngày nay người ta bọc đường ngoài thuốc đắng cho dễ uống. Nhưng cái khác căn bản là do tâm lý của con người thay đổi rất nhiều và những phương tiện giáo dục cũng rất thay đổi. Xưa kia là một xã hội nho phong, nề nếp. Tu trì thì có thành quách có nội quy nhiệm nhặt che chở. Ngày nay tuy cũng có những điều trên, nhưng người tu sĩ phải xông xáo rất nhiều, tiếp xúc với đủ hạng người. Cả đời sống bên ngoài bị chi phối mạnh.

Chính để đề phòng cái khủng hoảng này mà Giáo Hội muốn cho các tu sĩ ngay từ lúc thỉnh sinh sang nhà tập đã phải có mức trưởng thành tối thiểu : Trong huấn thị bộ dòng tu ra ngày 6 tháng 01 năm 1969, tựa đề : “Renovationis causam” số 14 có viết : “Để năm tập đạt được mục đích của nó, thỉnh sinh (đệ tử) phải có một chuẩn bị tối thiểu về nhân cách, cũng như về thiêng liêng ... Quả vậy mỗi thỉnh sinh (đệ tử) chỉ vào nhà tập khi nào họ có ý thức được tiếng Chúa gọi, có trình độ trưởng thành về nhân phẩm và về thiêng liêng khả dĩ đáp lại tiếng Chúa gọi với tinh thần trách nhiệm và đầy đủ tự do ...Kinh nghiệm cho hay, phần lớn những trở ngại gặp thấy trong sự huấn luyện các tập sinh đều nẩy sinh do những người được nhận vào nhà tập chưa có mức trưởng thành cần thiết ấy.

Thế giới càng lìa xa ảnh hưởng Kitô giáo, việc chuẩn bị vào nhà tập càng khẩn thiết hơn với một thỉnh sinh. Nghĩa là họ cần có một đường hướng thiêng liêng và thái độ tâm lý thích hợp để sẵn sàng dứt khoát với nếp sống và thói tục trần gian. Nhiều thanh niên thiếu nữ cảm thấy đời tu hấp dẫn, muốn sống nhiệm nhặt và khát vọng tuyệt đối, nhưng đời sống đức tin của họ chỉ dựa trên ít nhiều kiến thức giáo lý sơ đẳng, sai lệch và không ăn nhịp với kiến thức trần tục của họ.”

Như vậy, trưởng thành rất cần, người trưởng thành là người sống theo đúng với lý trí và biết dung hòa lý trí với tình cảm. Nói cách khác, người trưởng thành là người có trí phán đoán đúng và có con tim biết yêu cách phải lẽ. Còn người không trưởng thành là người sống bừa bãi, theo bản năng, đó là đặc điểm của thế hệ gọi là thế hệ tự nhiên. Muốn ăn là ăn, muốn ngủ là ngủ, muốn chơi là chơi, muốn làm gì thì làm! Con người trưởng thành nhờ phán đoán của lý trí mà biết chọn lựa sự gì mình phải làm, sự gì phải lánh; biết dùng con tim của mình, không để nó theo tình cảm, mà phải biết nấc thang giá trị của cái tốt để chọn lựa đối tượng tình yêu mình, một khi chọn lựa tất nhiên phải hy sinh.

Mến chúc những ai muốn dâng mình cho Chúa thấy rõ ý nghĩa của đời tu, đời tu đòi hy sinh nhiều, nhưng là đáng sống. Càng có nhiều khổ đau, các tu sĩ mới càng đạt được lý tưởng của mình như lời Chúa dạy : “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta”.
                                                  
Qui Nhơn, ngày 17 tháng 04 năm 2016

Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn
                                                                                                                                                                                                
 
Tác giả bài viết: Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 94025
  • Tổng lượt truy cập: 12238285