Trang mới   https://gpquinhon.org

Lòng thương xót đối với tội nhân

Đăng lúc: Thứ tư - 08/06/2016 00:20


LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI TỘI NHÂN


Lòng thương xót của Chúa Cha có đối tượng rất đa dạng, rộng lớn. Thế nhưng Lòng thương xót của Chúa Cha đối với tội nhân được thể hiện cách rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Trong Cựu Ước chúng ta thấy: Khi loài người phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng đến để ban lời hứa: Tha thứ tội lỗi của con người nhờ Con Một của Người. Như thế Thiên Chúa đã thi thố lòng xót của mình đối với tội nhân qua  Đức Giê su Ki tô, để tha thứ hết mọi tội lỗi của con người. Sự tha thứ này được thực hiện qua Hiền Thê của Đức Ki tô, chính là Hội Thánh nhờ vào bí tích hòa giải được ban bời các linh mục, qua muôn thế hệ. Như là những linh mục, chúng ta vừa là tội nhân, là đối tượng của lòng thương xót vừa là người cộng tác với ơn Chúa để đem lòng thương xót Chúa đến cho các tội nhân. Chúng ta hãy chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa Cha qua tông sắc của ĐTC  Phan xi cô.
 
1. Tình trạng tội lỗi của con người.
 
Trong những chương đầu tiên của sách Sáng Thế đã mô tả tình trạng tội lỗi của con người qua trình thuật A đam sa ngã.
Trong sách ngôn sứ I sa i a, chúng ta cũng đọc thấy:Hỡi trời, hãy nghe đây, hỡi đất, hãy nghe, vì Chúa phán: Ta đã nuôi nấng và làm cho con cái lớn lên, nhưng chúng nổi loạn chống lại Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết chuồng của chủ, nhưng Israel không biết, dân Ta không hiểu” (Is, 1,2-3). “Khốn thay, dân tội lỗi, [...] những người con hư hỏng! Chúng đã bỏ Chúa, đã coi rẻ Đấng Thánh của Israel, quay lưng lại với Ngài” (Is 1,4).
Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết: “Nếu ai nói rằng mình không có tội, thì người đó tự lừa dối mình” (1Ga 1,8).
Thánh Phao lô cũng đã từng quả quyết: Tội lỗi đã vào thế gian.
Đứng trước tình trạng bi thương của con người, Thiên Chúa không bỏ mặc cho sự đoán phạt công minh, nhưng lại thương xót con người.
 
2. Lòng thương xót của Thiên Chúa
 
Theo thánh Phao lô dường như Thiên Chúa tìm mọi cách để tỏ lộ lòng thương xót của Người, ngay cả dùng cách có vẽ như không mấy thuyết phục.
“[...], Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rom 11,32).
Thánh Ca ta ri na Xi en na thấy được lòng thương xót của Chúa Cha thật lớn lao vượt qua mọi tội lỗi khi người viết:"Lòng thương xót Cha lớn lao không có bất kỳ so sánh nào sánh được, hơn tất cả các tội lỗi mà bất kỳ sinh vật nào có thể phạm".
Thánh  Phan xi cô Xa lê dường như có cùng ý tưởng với Thánh Phao lô khi người viết: "Sự khốn nạn của chúng ta là ngai vàng của lòng thương xót Chúa"(D.1622).
Thánh nữ Ma ga ri ta Ma ri a đã được nghe Chúa nói rằng "Những kẻ tội lỗi sẽ tìm thấy nơi Trái Tim Cha một đại dương của lòng thương xót "(D.1690).
Với lòng thương xót, Thiên Chúa không đối xử với chúng ta theo tội của chúng ta (x. Tv 103,10), nhưng Người rộng lòng tha thứ.

2.1. Sự tha thứ của Thiên Chúa

Chúng ta có thể tìm thấy sự tha thứ của Thiên Chúa trong Cựu Ước: Trong sách ngôn sứ I sa i a:"Chúa phán, khi ấy các tội lỗi, dù chúng đỏ chót, cũng sẽ trở nên trắng tinh như tuyết, trắng như len" (Is1,19).
Trong Thánh Vịnh 103 trình bày cách đặc biệt sự lớn lao của hành động tha thứ đầy lòng thương xót của Thiên Chúa: “Ngài tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Ngài chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Ngài cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Ngài trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103, 3-4). “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành[...] kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.” (Tv 147, 3; 6).
Như thế, Thiên Chúa không chỉ tha thứ mà còn nâng tội nhân dậy và trả lại cho họ địa vị ban đầu.
Đức Thánh Cha  Phan xi cô không chỉ lấy trong Kinh Thánh mà còn trong phụng vụ để nhấn mạnh lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa: Trong Kinh Tiền Tụng vào thế kỷ thứ tám trong số các văn bản cuối cùng  của Sách Lễ Ghê la si a (1198): "Lạy Chúa, Đấng mạc khải sức mạnh của mình, trên hết tất cả, nơi lòng thương xót và tha thứ... ”(Số 6, Dung mạo Lòng Thương Xót:MV).
Đức Thánh Cha  Phan xi cô nhận ra trong các dụ ngôn của Tân Ước, Đức Giê su bộc lộ bản tính của Thiên Chúa  khi người viết trong số 9(MV): "Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15, 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ".
Sự xác quyết nầy được lặp lại trong bài giảng của Đức Thánh Cha  Phan xi cô trong thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01.03.2016, tại nguyện đường thánh Mát ta: Khả năng vô hạn trong việc tha thứ như là sự toàn hảo nơi bản tính Thiên Chúa. Trong bài giảng nầy Đức Thánh Cha cũng nói thêm: "Khi tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết" và tha thứ như Thiên Chúa là tha thứ đến cùng.
Với sự tha thứ vô giới hạn cho đến tận cùng, chúng ta thấy được lòng thương xót của Chúa dường như vượt qua công lý.

2.2. Công lý và lòng thương xót

Khi đọc Thánh Vịnh 51 chúng ta thấy rằng: Công lý của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người (x.Tv 51, 11-16).
Trong số 21(MV), ĐTC Phan xi cô đã  thấy kinh nghiệm của ngôn sứ Hô sê để khẳng định: “Lòng thương xót không chống lại công lý nhưng đúng hơn nói lên cách Thiên Chúa vươn tay ra với người tội lỗi, đề nghị với họ một cơ hội mới để họ tự nhìn vào mình, hồi tâm và tin. Kinh nghiệm của ngôn sứ Hô sê có thể giúp ta thấy cách trong đó, lòng thương xót trổi vượt công lý ra sao". ĐTC Phan xi cô cũng xem những lời của Thánh Giáo Phụ Au gút ti nô như là chú giải các lời lẽ của vị ngôn sứ, ‘Đối với Thiên Chúa, hãm giận dữ còn dễ hơn việc hãm lòng thương xót’. ĐTC Phan xi cô đã quả quyết:"Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chỉ kéo dài trong chốc lát, nhưng lòng thương xót của Người thì kéo dài mãi mãi".
Sự khẳng định: "Công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót Người ban cho mọi người " không phải là một suy đoán vô căn cứ nhưng là một khẳng định xuất phát từ " một ơn thánh chảy ra từ cái chết và việc phục sinh của Chúa Ki tô" (số 21, MV).
Khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, Thánh Bê na đô dạy rằng "Thiên Chúa không phải là cha của phán xét, nhưng chỉ là cha của lòng thương xót, và hình phạt chỉ đến từ chính tại chúng ta mà thôi" (D.1153).
Nội dung của dụ ngôn "người cha nhân hậu" diển tã cách rõ rệt và mạnh mẽ  lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thế, qua tình yêu của người cha nhân hậu dành cho đứa con hoang đàng ngỗ nghịch, chúng ta thấy lòng thương xót này của người cha vượt trên sự công bằng mang tính cách lô gic bình thường.
Lòng thương xót của Thiên Chúa không để cho con người dù tội lỗi  nặng nề phải đánh mất phẩm giá cao quý làm người và làm con Thiên Chúa. Một tình yêu kiên trung với người con, dù người con đó bị biến dạng như thế nào đi nữa.Tình yêu đồng hành của cha luôn mạnh mẽ, đến nỗi không có vết bẩn nào của cuộc đời có thể làm cho cha không còn nhận ra con mình.

2.3. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thực hiện viên mãn qua Đức Ki tô.

Tình yêu xót thương của Thiên Chúa luôn đi bước trước[x. 1 Joh,10],  "Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta". Điều này đã được Đức Thánh Cha  Phan xi cô xác quyết trong số 22(MV):“Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giê su Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ”. Cũng trong số 22 nầy, ĐTC Phan xi cô lại thêm:"Trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm rõ hơn nữa tình yêu của Ngài và quyền năng tiêu diệt tất cả tội lỗi nhân loại của tình yêu ấy".
Theo ĐTC Phan xi cô, Chúa Giêsu cũng mạc khải bản tính Thiên Chúa "như một Người cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót"(số 9,MV).
 
3. Chúa Giê su với người tội lỗi
 
3.1. Chúa Giê su tự nguyện đứng vào hàng tội nhân

Chúa Giê su chịu phép rửa tại sông Gio-đan cho chúng ta thấy rằng: Mặc dầu hoàn toàn vô tội, Chúa Giê su đã tự nguyện đứng vào hàng tội nhân và đến chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giã.
Chúa không chỉ tự nguyện đứng vào hàng tội nhân, mà Người con bị người ta liệt vào hàng tội nhân.
 
3. 2. Chúa Giê su bị liệt vào hàng những tội nhân

Thập giá của Đức Giê-su bị đặt nằm giữa hai tên gian phi. Chúa Giê su là một trong ba người bị kết án tử và bị đóng đinh thập giá (x. Lc 23,32). Quả thật, lời ngôn sứ I sa i a đã nên ứng nghiệm: “Người đã phơi thân mình chịu chết, và bị kể như quân phản loạn” (Is 53,12). Đức Giê-su, Đấng công chính bậc nhất, đã bị đặt ngang hàng với những kẻ gian phi.
Chúa giê su đứng vào hàng tội nhân để yêu thương họ và cứu độ họ.
 
3. 3. Chúa Giê su yêu mến tội nhân

3.3.1. Chúa Giê su tìm kiếm tội nhân

"Thực vậy, tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà là kẻ tội lỗi” (Mt 9,13).
Ở trong chương 15, Lu ca đặt ba dụ ngôn vào trong một chủ đề lòng thương xót, với sự tranh luận giữa Chúa Giê su và các người Pha ri sêu cùng các kinh sư. Họ đã bàn tán về một chuyện mà họ không thể chấp nhận nơi Chúa Giê-su: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Tiếp đến Chúa Giê-su nêu dụ ngôn đầu tiên về con chiên bị mất (Lc 15,1-7). Dụ ngôn thứ hai nói về đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10), và dụ ngôn thứ ba quen thuộc và dài nhất nói về người cha nhân hậu, mà cũng có người nói là dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-32).
Hơn thế nữa, Lc 15 là một tuyệt tác diễn tả niềm vui tìm được điều đã mất, trong đó, các cầu 11-32 là một dụ ngôn tuyệt hảo phác họa lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Người dám “để chín mươi chín con chiên ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15,5).Quả thật, đây là vị Mục Tử Nhân Lành hay thương xót sẵn sàng lên đường khi cần phải cứu thoát một con chiên đang đi lạc.
Qua các dụ ngôn, ĐTC Phan xi cô đã tìm thấy điểm chính yếu của đức tin và Phúc Âm: "Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ"(số 09,MV).
Chúa Giê su đi tìm từng tội nhân như là sứ mệnh của Người. Người đến tìm từng người trong chúng ta, để chữa lành các vết thương của chúng ta, và mời gọi chúng ta theo Ngài với tình yêu thương. Chúa nói rõ điều đó: “Không phải các người khỏe mạnh cần thầy thuốc, nhưng là các người đau yếu” (Mt 9, 12).  ĐTC Phan xi cô đã nói như trên với 70.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 13.04.2016.
Cũng trong buổi tiếp kiến chung nầy, ĐTC Phan xi cô đã nói: Đối với Chúa Giêsu, không có người tội lỗi nào bị loại trừ, bởi vì quyền năng chữa lành của Thiên Chúa không biết tới tật bệnh nào mà không chữa được. Và điều này phải trao ban cho chúng ta sự tin tưởng, và rộng mở con tim của chúng ta ra cho Chúa để Chúa đến và chữa lành chúng  ta.
ĐTC Phan xi cô lại thêm: Chúa Giê su cùng chia sẻ các bữa ăn với những người tội lỗi, họ ngồi vào bàn với Chúa Giêsu, có nghĩa là được Ngài biến đổi và cứu rỗi. Chúa Giêsu không sợ hãi đối thoại với các người tội lỗi, các người thu thuế, các đĩ điếm. Không, Ngài không sợ hãi: Ngài yêu thương tất cả mọi người!
Chúa Giê su tìm kiếm tội nhân, đến với họ, để tha thứ cho họ.
 
3.3.2. Chúa Giê su tha thứ cho tội nhân

Chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm: Sự tha thứ là chóp đỉnh của lòng thương xót Chúa. Điều này được thể hiện cách sống động, cụ thể, rõ ràng nơi Đức Giê su Ki tô.
Quả thật, Đức Giê su đã không ngần ngại để lại một hình ảnh sống động về sự tha thứ của Người, khi thấy sự sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi với lời như một công thức tha tội: “Tội của chị đã được tha rồi !” (Lc 7,48) cùng với sự trấn an đầy nhân ái: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an !” (Lc 7,50).
Chúa Giê su cũng như Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ như người cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu(x. Lc 15,20b-24). Không có tội nào là quá lớn đến độ không thể tha thứ được. Người không chỉ sẵn sàng tha thứ mà còn luôn chờ đợi tội nhân trở về. Chính Đức Giê-su cũng đã đi bước trước để đến với ông Da-kêu và phục hồi tình trạng ân sủng cho ông (x. Lc 19,1-10) bởi vì Người đến “để tìm và cứu cái gì đã mất” (Lc 19,10).
Ở trên Thập Giá, trong giây phút hấp hối, Chúa Giê su không quên cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ đã gây ra đau khổ cho Người:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Chúa Giê su không chỉ tha thứ cho người tội lỗi, mà Người còn mời gọi họ cộng tác vào công việc của Người.
Chúa Giê su mời gọi tội nhân cộng tác với Người. Trong số 8(MV), ĐTC  Phan xi cô đã viết: "Chúa cũng đã kêu gọi ông Mát thêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua cái quầy của người thu thuế, Chúa Giêsu nhìn chăm chú vào Mát thêu. Đó là một cái nhìn đầy lòng thương xót tha thứ cho những tội lỗi của người này, một kẻ có tội và là người thu thuế, mà Chúa Giêsu đã chọn – bất kể sự do dự của các môn đệ - để trở thành một trong số mười hai. Thánh Bê đa Đáng Kính, khi bình luận về đoạn Tin Mừng này, đã viết rằng: Chúa Giêsu đã nhìn Mát thêu với tình yêu thương xót và đã chọn ông: miserando atque eligendo [] Thành ngữ này gây ấn tượng mạnh cho tôi đến mức tôi đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của mình".
Mặc dầu Mát thêu như là người tội lỗi, Chúa Giêsu vẫn gọi ông theo Ngài và trở thành môn đệ của Ngài. ĐTC Phan xi cô đã nói trong một buổi tiếp kiến:"Họ nói: “Ông không đuợc đến nhà của loại người như thế!”. Thật ra, Chúa Giê su không xa lánh các kẻ tội lỗi, nhưng giao du lui tới nhà họ và ngồi bên cạnh họ. Điều này có nghĩa là cả họ cũng có thể trở thành các môn đệ của Ngài”. ĐTC Phan xi cô đã nói như trên với 70.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần, 13.4.2016.
Cũng trong buổi tiếp kiến nầy, ĐTC Phan xi cô đã rút ra từ sự kiện Chúa Giê su kêu gọi Mát thêu: Khi kêu gọi Mát thêu, Chúa Giêsu cho các kẻ tội lỗi thấy rằng Ngài không nhìn quá khứ, điều kiện xã hội, các thành kiến bề ngoài, nhưng rộng mở cho họ một tương lai mới.
Như thế đã rõ: Chúa Giê su yêu thương, tha thứ, phục hồi địa vị cho tội nhân, mời gọi họ cộng tác, dẹp bỏ quá khứ và mở ra một tương lai tươi sáng.
Vì thế, khi nhận ra lòng thương xót của Chúa, như những tội nhân, chúng ta hãy can đảm trở về với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, vì một khi chúng ta đã trở về thì chúng ta luôn luôn được Chúa chấp nhận và vui mừng đón nhận, bởi vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải hối cải”. Thật thế, một trong hai tên gian phi bị đóng đinh bên Chúa đã được Chúa hứa ban Thiên Đàng ngay khi ông ta kêu xin Người (x. Lc 23,40-43).
 
4. Người tội lỗi được mời gọi lãnh nhận lòng thương xót của Chúa.
 
4.1 Lời mời gọi ăn năn sám hối

Theo Thánh Phê rô, lòng thương xót của Thiên Chúa qua Chúa Giê su Ki tô cho phép chúng ta đến với Thiên Chúa, dù chúng ta thế nào đi nữa. Vì lòng thương xót vô bờ bến mà Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, để chúng ta có thể đến cùng Thiên Chúa (x. 1 Pr 3,18).
Thánh Giáo Hoàng Grê gô ri ô I  đặt câu hỏi và trả lời: "Bạn là tội nhân phải không? Vậy hãy tin vào lòng thương xót Chúa, rồi chỗi dậy"(D.604).
Trong số 20(MV), ĐTC Phan xi cô đã viết:"Chúa Giêsu đi xa hơn lề luật; sự đồng hành Ngài dành cho những ai bị lề luật xem là những người tội lỗi làm cho chúng ta nhận ra chiều sâu lòng thương xót của Ngài".
Khi nhận ra lòng thương xót Chúa đối với tội nhân, kẻ có tội có " một cơ hội mới để nhìn vào chính mình, hoán cải, và tin tưởng"(số 21, MV).
Vì thế, chúng ta được mời gọi : “Anh em hãy hối cải và trở lại cùng Thiên Chúa, để tội lỗi của anh em được xóa bỏ” (Cv 3,19. Một đảm bảo rõ ràng của sự tha thứ này là lời tha tội mà Chúa Giê su đã hứa ban Thiên Đàng cho kẻ trộm bên tay hữu biết nhìn nhận Người và cầu xin lòng thương xót của Người: “Lạy Đức Giê-su, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi” (Lc 23,42).
Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hàng tuần, 13.4.2016, ĐTC Phan xi cô cho chúng ta thấy sức mạnh của Lời Chúa đối với những lầm lỗi của chúng ta: Lời Chúa thấm vào chúng ta, và như là một con dao  giải phẫu trong chiều sâu để cứu thoát chúng ta khỏi tật bệnh ăn sâu trong cuộc sống chúng ta”.
Cũng trong buổi gặp gỡ nầy, ĐTC Phan xi cô lại một lần nữa nhắc đến  ngôn sứ Hô sê và nhấn mạnh: “Ta muốn lòng thương xót”, nghĩa là sự liêm chính của một con tim nhận biết các tội lỗi của mình, nhìn lại và trở về trung thành với giao ước của Thiên Chúa. “Chứ không muốn lễ tế”: không có con tim sám hối, mọi hành động tôn giáo không hữu hiệu!
Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ thúc đẩy người phạm tội đến chỗ thực tình thống hối, từ bỏ con đường tội lỗi và quay về với Người.
Chúa Giê su đã thiết lập bí tích hòa giải như một phương thế để tha thứ cho những tội nhân có lòng ăn năn thật lòng.
 
4.2. Tòa giải tội

Theo Cha Thánh Gioan Ma ri a Vi a nê: “Tòa giải tội là nơi Thiên Chúa dường như quên đi công lý của mình để chỉ còn biểu lộ lòng thương xót của Ngài. Những lỗi lầm của chúng ta chỉ là những hạt cát bên cạnh ngọn núi to lớn của lòng thương xót mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta".
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II  cũng cho chúng ta thấy giá trị của tòa giải tội: “Không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa giải” (Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và sám hối, số 28).
Khi chúng ta thực tâm trở về  với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, chúng ta tìm được niềm hạnh phúc thay vì những dằn vặt vì tội lỗi đè nặng. Thánh Phao lô đã có kinh nghiệm về hạnh phúc nầy khi Người đã trở về với Chúa sau thời gian bách hại đạo Chúa.
“Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Rm 4,7).
Bí Tích Hòa Giải không chỉ đem lại ơn tha thứ, niềm vui và hạnh phúc cho tội nhân mà còn làm cho tội nhân được lớn lên trong bác ái yêu thương và tránh được nguy cơ rơi trở lại vòng nô lệ tội lỗi.
Trong số 22, ĐTC Phan xi cô thấy hiệu quả lớn lao của Bí Tích nầy: "Trong Bí Tích Hòa Giải, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta những tội lỗi, mà Ngài thực sự tẩy sạch; nhưng tội lỗi để lại một ảnh hưởng tiêu cực trong cách nghĩ và hành động của chúng ta. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả điều này. Nó trở thành sự xá miễn về phía Chúa Cha, Đấng qua Hiền Thê của Chúa Kitô, là Giáo Hội của Ngài, vươn ra đến những tội nhân được tha thứ và giải phóng người ấy khỏi mọi cặn bã sót lại do hậu quả của tội lỗi, để người ấy có thể hành động với lòng bác ái, ngõ hầu lớn lên trong tình yêu hơn là rơi trở lại vào vòng tội lỗi".
Tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, chúng ta lặp đi lặp lại: "Lạy Thiên Chúa, xin rủ lòng thương con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
Chúng ta nhìn nhận mình là kẻ có tội, nhưng chúng ta cũng nhận ra chúng ta là những người đem lòng thương xót Chúa đến cho tội nhân.
 
5. Sứ vụ linh mục
Là những linh mục, chúng ta lắng nghe  lời dạy của vi Cha Chung: “Khi chúng ta đến tòa giải tội để tiếp đón các anh chị em, trong tư cách là cha giải tội, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ; vì thế, chúng ta phải chú ý đừng đặt chướng ngại cho hồng ân cứu độ của Chúa. Chính cha giải tội cũng là một người có tội, một người luôn cần ơn tha thứ: Cha giải tội là người đầu tiên không thể không cần lòng thương xót của Chúa, Đấng đã chọn và thiết định cha giải tội (x. Ga 15,16) cho công việc cao cả này. Vì thế, cha giải tội phải luôn có thái độ khiêm tốn và quảng đại, với ước muốn duy nhất là làm sao để mỗi tín hữu có thể cảm nghiệm tình thương của Chúa Cha”(Buổi tiếp kiến sáng ngày 4-3-2016 dành cho 500 LM trẻ và chủng sinh sắp thụ phong LM tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức từ ngày 29-2 đến 4-3-2016).
Khi cha giải tội làm được những điều như thế, hy vọng người sẽ là nhân tố đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tội nhân.
Trong buổi tiếp kiến đó ĐTC Phan xi cô không quên nhắn nhủ:"[...]điều quan trọng là cha giải tội cũng phải là “máng chuyển niềm vui mừng” và tín hữu, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ, không cảm thấy bị tội lỗi đè nén nữa, nhưng có thể nếm hưởng công trình của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ, tín hữu ấy sống trong tâm tình tạ ơn, sẵn sàng đền bù sự ác đã phạm, và đi gặp gỡ anh chị em với tâm hồn tốt lành và sẵn sàng”.
Trong số 17, ĐTC Phan xi cô đề cập đến việc gửi  “các nhà thừa sai Của Lòng Thương Xót” đi khắp các giáo phận để “tha cả các tội vốn chỉ dành riêng cho Tòa Thánh tha”.
ĐTC Phan xi cô có những mong muốn nới các cha giải tội trong buổi tiếp kiến sáng ngày 4-3-2016:
- Ý thức mình cũng là tội nhân.
- Ý thức mình được tham dự vào sứ mệnh của chính Chúa Ki tô.
- Chịu trách nhiệm.
- Có cuộc sống phù hợp hơn với Tin Mừng.
- Có tâm tình và cách ứng xữ như người cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu.

Với ơn thánh mà Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta trong chức linh mục, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta lên đường, đứng dậy và rời khỏi nơi yên bình thư thái, để ra đi rao giảng lòng thương xót Chúa cho muôn người, để họ trông cậy vào tình yêu thương không bờ bến của Thiên Chúa. Thật vậy, niềm vui lớn lao của đời phục vụ là khi tìm thấy những tội nhân và đưa về với lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 1446
  • Tháng hiện tại: 76992
  • Tổng lượt truy cập: 12221252