Trang mới   https://gpquinhon.org

Ngăn trở công hạnh?

Đăng lúc: Thứ hai - 10/08/2015 18:36
GIÁO LUẬT
NGĂN TRỞ CÔNG HẠNH
 
 


“Thưa cha, ngăn trở công hạnh trong bí tích hôn phối là   ngăn trở gì?”
 
Trả lời:
 
 
Ngăn trở công hạnh được quy định trong điều 1093 của Bộ Giáo luật hiện hành: “Ngăn trở công hạnh phát sinh từ một cuộc hôn nhân bất thành sau khi đã sống chung do tư hôn công khai hay hiển nhiên; ngăn trở này tiêu hôn ở bậc thứ nhất thuộc hàng dọc giữa người chồng với những người nữ có họ máu với người vợ, và ngược lại”.
 
Bản dịch này không rõ nghĩa. Xin bổ túc như sau: “Ngăn trở công hạnh phát sinh từ một cuộc hôn nhân bất thành sau khi đã sống chung hoặc do tư hôn công khai hay hiển nhiên; ngăn trở này tiêu hôn ở bậc thứ nhất thuộc hàng dọc giữa người chồng với những người nữ có họ máu với người vợ, và ngược lại”.
 
1. PHÁT SINH NGĂN TRỞ CÔNG HẠNH
 
Ngăn trở công hạnh (publica honestas) phát sinh do hai nguồn: hôn nhân bất thành và tư hôn.
 
1.1. Từ một cuộc hôn nhân bất thành sau khi đã sống chung
 
Có ngăn trở công hạnh giữa một người chồng với các người huyết tộc trực hệ ở cấp thứ nhất của vợ, và ngược lại, từ một hôn phối bất thành phép (nghĩa là hôn phối vô hiệu theo phép đạo vì một lý do nào đó) sau khi đã sống chung (tức phỏng đoán là có sự hoàn hợp theo điều 1061 §2). Nếu chỉ có hôn phối theo luật đời mà thôi và không có chung sống, thì không có ngăn trở công hạnh.
 
1.2. Hoặc từ một tình trạng tư hôn công khai hay hiển nhiên
 
Có ngăn trở công hạnh giữa một người chồng với các người huyết tộc trực hệ ở cấp thứ nhất của vợ, và ngược lại, khi hai người tự ý sống chung với nhau như vợ chồng, mặc dù không có phép hôn phối (tình trạng tư hôn, tình trạng rối). Để phát sinh ngăn trở, tình trạng tư hôn này phải công khai hay hiển nhiên, nghĩa là phổ biến, được cộng đồng biết rõ, tự nó không thể giấu được nữa.
 
2. NGĂN TRỞ TIÊU HÔN
 
Ngăn trở công hạnh tiêu hôn ở bậc thứ nhất thuộc hàng dọc (trực hệ) giữa người chồng với những người nữ có họ máu với người vợ, và ngược lại. Như vậy, một người nam đã sống chung như vợ chồng với một người phụ nữ thì sau khi đã bỏ người này không thể kết hôn thành sự với mẹ hay con gái riêng của người này (bậc thứ nhất thuộc hàng dọc). Hoặc một người nữ đã sống chung như vợ chồng với một người đàn ông thì sau khi đã bỏ người này không thể kết hôn thành sự với cha hay con trai của người này.
 
Ngăn trở công hạnh là ngăn trở thuộc luật Giáo Hội và có thể được miễn  chuẩn do Đấng Bản Quyền địa phương trong trường hợp bình thường (Điều 1078) và do những vị khác trong những trường hợp ngoại thường được quy định ở các điều 1079-1080. Tuy nhiên, phải cẩn thận cứu xét kẻo xảy ra trường hợp người cha kết hôn với chính con gái của mình do hôn nhân vô hiệu trước kia.
 
Lm LG Huỳnh Phước Lâm

Nguồn tin: Gplongxuyen.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93641
  • Tổng lượt truy cập: 12237901