Trang mới   https://gpquinhon.org

Rao Giảng và thể hiện Lòng Thương Xót đối với những người đau khổ thể lý và tinh thần

Đăng lúc: Thứ tư - 10/08/2016 03:47



Rao Giảng và thể hiện Lòng Thương Xót
đối với những người đau khổ thể lý và tinh thần,
để họ đặt niềm cậy trông vào sự an ủi nâng đỡ của Thiên Chúa.
 

1.      Rao giảng  và thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
Ngay từ đầu Tông chiếu Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Chúa Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Lòng thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu thành Nazaret, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài.” (số 1) Và Ngài mời gọi mọi người liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót vì Lòng Thương Xót là: Suối nguồn của niềm vui và bình an, là từ ngữ mạc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, là hành động tối thượng Thiên Chúa đến gặp con người, là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi người chân thành đang nhìn vào anh chị em mình, là cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. (số 2). Vì thế khi con người chăm chú nhìn vào lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể trở thành dấu chỉ thuyết phục hơn nhờ tác động của Chúa Cha trong cuộc sống chúng ta. (số 3)

Lòng Thương Xót còn là nền tảng của đời sống Giáo Hội, vì tất cả các hoạt động mục vụ rao giảng và chứng tá của Giáo Hội luôn thể hiện sự dịu dàng và lòng thương xót đối với các tín hữu và cả thế giới (số 10). Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn tìm cách thâm nhập vào trái tim và tâm trí của mỗi người. Giáo Hội là Hiền thê Chúa Kitô nên phải rập khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ. (số 12). Vì thế trong Năm Thánh này, Giáo Hội trông đợi những trải nghiệm của mọi người khi mở lòng ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: chính xã hội hiện đại đã tạo ra những vùng ngoại vi như thế. Cho nên Giáo Hội càng được mời gọi nhiều hơn nữa để chữa lành những vết thương này, xoa dịu, băng bó chúng với lòng thương xót và chữa lành chúng với tình liên đới và chăm sóc chu đáo. Đức Thánh Cha Phanxicô còn mời gọi chúng ta hãy mở to mắt để nhìn thấy sự đau khổ của thế giới, nhận ra rằng mình buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đở của họ, và cầu xin cho mọi người có thể tiếp cận, hổ trợ để họ cảm thấy ấm áp với sự hiện diện của chúng ta. (số 15)

Để thực hiện những điều ấy chính Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta những hoạt động của lòng thương xót thể hiện trong lời rao giảng và hành động của Ngài, để chúng ta có thể bắt chước và đem ra thực hành ngay trong đời sống của mình và với anh em.

Trong kinh ngày Chúa Nhật mà chúng ta thường đọc, có kinh thương người có mười bốn mối, trong đó có: (thương xác bảy mối (thể lý) và thương linh hồn bảy mối (tinh thần), đây có thể là những thực hành để thể hiện Lòng Thương Xót đối với người đau khổ thể lý và tinh thần trong năm Lòng Thương Xót này. 
 
2.      Rao giảng và thể hiện Lòng Thương Xót đối với người đau khổ thể lý.

-         Cho kẻ đói ăn : Lc 9, 12-17  “…. Đức Giêsu bảo : “Chính anh em hãy cho họ ăn…. ”.

Ai là người đói ăn, và ai là người cho người kẻ đói. Trong cuộc sống xã hội hôm nay có quá nhiều người đói, cho nên những người cho đi cũng dựa vào đó mà khước từ lòng thương xót của mình với họ. Có người cho rằng tôi nghèo nên không thể cho họ được, có người cho rằng tôi đủ ăn không dư nên không thể cho được, có người cho rằng tôi có thể cho nhưng họ đông quá không biết cho ai, thôi thì không cho, còn có người dư thừa nhưng không cho vì họ keo kiệt. Xem Tin Mừng Lc 9, 12-17 – Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy cho họ ăn. Tin Mừng cho thấy :

          - Những người đói là người hiện không có gì để ăn, nhưng lòng họ không đói vì đang no đầy lòng yêu mến lời Chúa giảng, nên họ không bỏ đi.
          - Các môn đệ là những người theo lệnh Chúa cho họ ăn, nhưng bất lực lấy gì cho hơn năm ngàn người ăn trong khi mình chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng vâng lời Thầy các ông vẫn làm vì hai lý do : Một là các ông có một niềm tin vững mạnh vào Thầy Giêsu của mình. Hai là các ông dám hy sinh phần nhỏ bé của các ông cho Chúa để Chúa cho nhiều người và phép lạ xảy ra. Bài học có thể rút ra cho chúng ta hôm nay : muốn cho đi, phải biết vâng lời Chúa dạy và tin tưởng vào quyền năng quan phòng của Thiên Chúa. Thứ đến phải dám hy sinh những gì mình đang có dù là nhỏ bé cho Chúa và cho mọi người thì phép lạ mới xảy ra, lòng thương xót theo gương Chúa mới tỏ hiện.
         
-         Cho kẻ khác uống : Mt 25, 35 “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khác các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước”I.

Theo chỉ dẫn của Tin Mừng, người cho đi phải có một cái nhìn siêu nhiên hơn nơi người anh em mình, nghĩa là nhìn thấy Chúa hiện diện nơi người anh em đó thì việc giúp đỡ sẽ để dàng hơn vì giúp cho họ là cho chính Chúa.

Cũng giống như chúng ta, giữa trưa có người ăn xin vào xin, chắc rất khó chịu vì giờ nghỉ, nhưng nếu có Đức Giám mục tình cờ ghé thăm vào giữa trưa, có lẽ chúng ta không khó chịu mà vui mừng là khác.

-         Cho kẻ rách rưới ăn mặc : Lc 3, 11 “Ông Gioan trả lời :”Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”.

Gioan Tiền Hô là người được thiên Chúa sai đến mở đường cho Đấng Cứu Thế, cho nên lời mời gọi của ông cũng giúp cho người thực hiện đón nhận và thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua anh em mình để đón nhận Chúa đến. Đòi hỏi này quả thật cam go vì phải cho đi một nữa cái mình đang có, hay nói cách khác phải coi người khác như chính mình và đây mới là chiều sâu, chiều cao của Tin Mừng để phần nào bày tỏ lòng thương xót với anh em để trở nên giống Chúa.
 
-         Chôn xác kẻ chết :

Đây là một việc làm tốt lành đã có từ lâu trong truyền thống Giáo Hội ở các Giáo xứ, tuy nhiên việc chôn xác kẻ chết không chỉ dừng lại trong khuôn khổ Giáo xứ hay bà con, nhưng nên mở rộng đến với mọi người, vì điều này sẽ để lại một thiện cảm rất tốt đẹp đối với nhiều người. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn còn ràng buộc bởi những tập tục hay truyền thống địa phương làm cản trở những nghĩa cử tốt đẹp này, vì thế trong năm Thánh Lòng Thương Xót này, xin Chúa cho chúng ta biết gạt bỏ những ngăn trở ấy để góp phần thể hiện lòng thương xót giống Thiên Chúa, xoa dịu những đau thương mất mát cho nhiều người.

-         Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc : Mc 1, 29-31
-         Cho khách đổ nhờ : Mt 25, 36
-         Chuộc kẻ làm tôi : Ga 15, 15
 
3.      Rao giảng và thể hiện Lòng Thương Xót đối với người đau khổ tinh thần.
 
Đối với những người đau khổ về tinh thần thì việc rao giảng và thể hiện lòng thương xót càng khó hơn, vì có thể họ không thiếu về vật chất, nhưng họ thiếu về tình thương, thiếu lòng nhân hậu, thiếu lòng trắc ẩn với tha nhân và nhất là đang tràn ngập sự hận thù và những đam mê thế tục làm cho lương tâm họ mờ tối và sống trong đau khổ. Để giúp đở những người này đòi hỏi người rao giảng cần có một niềm tin phó thác vào hồng ân Thiên Chúa, một lòng khiêm nhường để Chúa hành động trong công việc của mình, qua đó thể hiện được lòng thương xót của Chúa nâng đỡ họ. Giáo hội có kinh thương linh hồn bảy mối giúp ta ta thực hành và cầu nguyện để có thể biến đổi mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn: Lấy lời lành mà khuyên người- Dạy kẻ mê mụi – An ủi kẻ âu lo – Răn bảo kẻ có tội – Tha kẻ dể ta – Nhịn kẻ mắc lòng ta – Cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết,
 
-         Lấy lời lành mà khuyên người : Ga 8, 7-9 “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẫn lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cuối xuống viết trên đất. Nghe vậy họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ đứng ở giữa”.

Thay vì kết án người phụ nữ như những kinh sư đòi hỏi Đức Giêsu, thì Ngài đã dùng chính tình thương giúp cho những người kinh sư và những người Pharisiêu nhận ra chính bản thân mình với một tinh thần khiêm nhường: “Ai trong các ông sạch tội….” đã làm cho họ tự hối và rút lui. Đây là một bài học quí báu cho chúng ta trong năm Thánh lòng thương xót này, để khi đối diện với nghững người sai lỗi, ta không những khiêm nhường tha thứ, an ủi nâng đỡ cho người có tội mà còn can đảm khuyên bảo những người kết án nhận ra thiếu xót của mình mà tự nguyện rút lui.
 
-         Răn bảo kẻ có tội : Ga 8, 10-11 “Đức Giêsu ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Đứng trước tội nhân phạm tội công khai, lòng thương xót của Chúa Giêsu càng mãnh liệt hơn, không những không kết án mà còn khơi mở cho người có tội cơ hội đối thoại, để qua đó chị nhận ra tình thương tha thứ của Chúa và phẩm giá cao quí của chính mình, để rồi từ nay chị sẽ theo lời khuyên của Đức Giêsu thay đổi cuộc đời “Từ nay đừng phạm tội nữa”.

     Xin cho chúng ta bắt chước noi gương Chúa khi đứng trước những tội nhân, biết khiêm nhường tha thứ thay vì kết án, biết an ủi, nâng đở, khuyên bảo nhẹ nhàng, giúp họ nhận ra giá trị của mình hơn là nghiêm khắc sửa trị làm cho họ sợ không dám đến nữa.
-         Mở dạy kẻ mê muội : Mt 9, 35-36 “…..Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bày chiên không người chăn dắt”.
-         Tha kẻ dể ta : Lc 23, 34 “Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm”.

Tha thứ là một hành vi đầy can đảm và anh hùng đòi hỏi người tha thứ có một tấm lòng vị tha bao la mới có thể thực hiện được. Nhất là người ấy nhận ra mình cũng là người tội lỗi cần được thứ tha thì mới dể tha thứ cho người khác. Trong khi ấy Đức Giêsu là Thiên Chúa, không những Người vô tội mà còn vì yêu thương nhân loại Ngài đã nhập thế làm người để nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa, thế mà loài người xúc phạm đến Người, còn giết Người. Vậy mà trên Thập giá Đức Giêsu vẫn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. Đây là đỉnh cao của lòng tha thứ mà Chúa muốn dạy cho chúng ta, để nhờ đó ta học lấy bài học tha thứ này để thể hiện lòng thương xót với anh em mình.   


 
Tác giả bài viết: Lm. Augustinô Nguyễn Văn Phú
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 2527
  • Tháng hiện tại: 158334
  • Tổng lượt truy cập: 12135121