Trang mới   https://gpquinhon.org

Thư hồi âm

Đăng lúc: Thứ ba - 06/01/2015 06:12

                                                                                                     



  Lý Sơn ngày 05 tháng 01 năm 2015,


“Giọt sương” thân mến,
 
Con giàu ý tưởng thật đó! Nào là “viên sỏi”, nào là “hạt cát”, bây giờ đến “giọt sương”, hy vọng thời gian tới con sẽ chọn”phiến đá đầu làng”.
 
Cha thích “giọt sương long lanh”, vì nó dễ gợi ta nhớ về một buổi ban mai yên bình, khi bình minh đến phản chiếu ánh nắng đầu ngày lên giọt sương sau một đêm nằm im trên lá, đọng thành giọt nặng trĩu chuẩn bị hóa thân làm hơi bay về đâu đó. Nó long lanh muôn sắc màu thật đẹp! Buổi sáng vào mùa sau Noel, ở nơi ngày xưa nhà ch sinh sống thường có như thế. Vùng quê của con có lẽ cũng không khác mấy vì cũng thuộc miền Đông.
 
Hồi đó cha thích mùa này lắm, nhất là sớm mai dự lễ về đi trong màn sương, đến lúc nắng lên, từng luồng sáng xuyên qua hàng cây bên đường, va vào những giọt sương làm chúng lóng lánh ánh lên muôn sắc màu. Rồi những đêm trăng sáng, vườn cây sắn trước nhà (giống sắn này bây giờ không còn nữa), mỗi bụi hai hoặc ba thân cao lêu khêu chỉ còn túm lá nhỏ xíu cuối ngọn, khi im phắc trang nghiêm, khi gió lay vít từng chỏm lá, in hình trên đất như cùng nhau nhảy múa say sưa dưới ánh trăng vàng. Rất yên tĩnh, hơi buồn mà thấy hay! Có hôm từ Bà Rịa trở về sau tuần trọ học, ngồi trước hiên bên chậu cúc vàng, gió lùa mái tranh xơ xác bỗng thấy lòng bâng khuâng. Năm ấy mấy anh chị đi xa, nhà rất vắng, các buổi chiều của những ngày gần tết cứ gợi lên trong cha nỗi buồn man mác, nó không rõ để đặt tên. Có lẽ thương quê nghèo nên lòng người như thế?! Những hình ảnh ấy theo ch mãi đến giờ, mỗi lúc nhớ lại thấy hay hay, rồi tự nhiên ch nghĩ : ngày xưa bình thường là vậy, một khi đi vào lòng thành kỷ niệm dễ thương, thì hiện tại nếu sống thật đầy với nó, ngày mai sẽ có bao chuyện đẹp khơi niềm cảm hứng một khi ta nhớ về. Hôm qua ch xem trên trang mạng của Giáo phận thấy có bài viết và hình ảnh của lớp Thanh Tuyển Dòng MTG Qui Nhơn đi thăm những người nghèo, neo đơn vùng quê… Nhớ lại mình ngày xưa ch liền nghĩ, hôm nay các bạn ấy có nhiều việc đẹp như thế mai sau sẽ có nhiều “vốn” để nhớ, để chia sẻ và cố để thêm lên.
 
Đọc thư con ch vui vì những điều con ước. Ch cũng ước một điều nhỏ: con về thăm ch. Lớn hơn tí là ước chi có con giúp ch trong dịp lễ, vì ở đây vốn nhạc rất nghèo, cha với thầy đều “tay mơ” nhưng cũng phải tập. Bà con hát được là mừng chứ chưa dám nghĩ đến chuyện hay hoặc sốt sắng. Về chuyện ước và mơ thường “dây mơ rễ má”, đâu dễ dứt được liền nên ch ước thêm một điều nữa, là ch và con luôn hăng say làm việc cho Chúa, nhưng luôn nhớ Chúa quan trọng hơn “việc của Chúa” như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie đã dặn.
 
Con nhớ giữ sức khỏe, trời trở lạnh rất dễ đau. Mùa Giáng Sinh sắp trôi qua, cuộc sống trởi lại vẻ bình lặng của nó, con sẽ bận rộn với chuyện học hành. Đừng quên cầu nguyện con nhé và cầu nguyện cho người khác nữa. Trong năm Thánh hiến ơn cần thiết nhất dĩ nhiên là “nên thánh”.
 
Ch cũng khoẻ. Việc truyền giáo ở đây rất khó con ạ. Xứ đạo chưa có bề dày truyền thống trong khi giáo dân lại tản mác giữa người lương. Dân vùng biển thường dị đoan mê tín, nên không dễ gọt sạch để tin Chúa một cách tinh tuyền. Áp lực bạn bè người lương, việc học hành kéo các em xa nhà thờ. Thực trạng là vậy, ch vẫn loay hoay tìm bến bãi để buông câu. Nhưng tạ ơn Chúa đã ban cho ch một tinh thần mới: ch không đòi hỏi, thái độ của ch là đón nhận những gì họ đang có, rồi từ đó xây lên; ch nghĩ đây là việc của Chúa, nếu Chúa ban ơn thì khó mấy cũng thành dễ, ít rồi sẽ đông.
 
Chia sẻ hơi dài tí để con thêm lời cầu nguyện, hiệp thông với ch nơi miền truyền giáo. Ch chúc con khỏe, bình an, sống vui trong đời dâng hiến. Lần này ch viết có dấu để con đọc đỡ mệt. Bye!...
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 1204
  • Tháng hiện tại: 157011
  • Tổng lượt truy cập: 12133798