Trang mới   https://gpquinhon.org

Tổng quát về tố tụng và tòa án trong Giáo Hội (I)

Đăng lúc: Thứ tư - 30/07/2014 05:49
TỔNG QUÁT
VỀ TỐ TỤNG VÀ TÒA ÁN HÔN PHỐI TRONG GIÁO HỘI
 


Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
 

DẪN NHẬP

Trước hiện trạng ngày càng nhiều giáo dân đến xin cứu xét hôn nhân của họ, nhiều mục tử rất quan tâm tìm hiểu để biết cách giải quyết vấn đề thích hợp. Có khi gặp hoàn cảnh khó xử và hồ nghi, các linh mục không dám giải quyết và cũng muốn tránh sự phiền toái, nên đành để vấn đề “chìm xuồng” theo thời gian; hoặc có khi vì bị bao vây giữa hàng đống công việc trước mắt, nhiều linh mục từ chối không giải quyết vì sợ mất thì giờ và cũng có thể chẳng biết bắt đầu như thế nào…
Trước hết, chúng ta cần biết ý nghĩa, mục đích và giới hạn xét xử của tòa án Giáo Hội nói chung và cách riêng về tòa án hôn phối cấp giáo phận. Tiếp đến cần thiết tìm hiểu về việc thành lập, tổ chức, hoạt động và thẩm quyền của tòa án giáo phận. Một trong những điều quan trọng để tòa án xét các đơn xin tiêu hôn là phải có lý do hợp lý và hợp giáo luật[1]. Bởi vậy cũng nên biết qua các lý do nầy dựa theo giáo luật và án lệ của Giáo Hội[2].

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH VÀ ĐẶC ĐIỂM VỀ TÒA ÁN GIÁO HỘI

1. Tố tụng trong Giáo Hội

Thủ tục tố tụng theo giáo luật có vài đặc điểm sau đây:
a. Nặng về viết, hơn là tranh biện đối khẩu.
b. Kín đáo hơn là công khai: ai có liên can đến vụ kiện mới tham dự. Án văn thường không công bố trên báo chí hay cơ quan ngôn luận, nhằm bảo vệ thanh danh của các đương sự[3].
c. Hết sức tôn trọng sự thực khách quan; nếu cần chính các thẩm phán phải tìm chứng cứ, chứ không đơn thuần dựa vào lời khai của đương sự.
d. Đối tượng (nội dung) (đ. 1400):
- Đòi hỏi hay bảo vệ quyền lợi của thể nhân hay pháp nhân;
- Tuyên bố một sự kiện pháp lý;
- Xác định tội phạm để tuyên hình phạt.
e. Thủ tục: Thường thường các vụ kiện được đưa ra tòa án nhờ các thẩm phán phân xử theo thủ tục tư pháp. Tuy nhiên đôi khi các vụ kiện được cơ quan hành chính phân xử, theo thủ tục hành chính.
f. Giới hạn: nói chung chỉ xét xử các vấn đề sau (đ. 1401):
- Các vụ kiện liên hệ đến các vấn đề thiêng liêng hay dính dáng đến vấn đề thiêng liêng.
- Sự vi phạm luật Giáo Hội.
- Các vấn đề có tính cách tội lỗi, phải bị trừng phạt bằng hình phạt giáo luật
Khuynh hướng chung là Giáo Hội muốn tránh các vụ kiện tụng. Trước khi nhận đơn và suốt các giai đoạn vụ kiện, giáo luật mong muốn hãy khuyên các bên tranh tụng hãy tìm đường lối hòa giải. Sự kiện tụng chỉ là biện pháp bất đắc dĩ (đ. 1446); nhưng đối với vấn đề công ích thì việc phân xử có tính cách bó buộc.
Cơ quan phân xử các tranh chấp nói chung là tòa án và đặc biệt là xét các vụ liên quan đến kết ước hôn nhân, thường là thuộc thẩm quyền tòa án hôn phối.

2. Tòa án hôn phối

Ý nghĩa: Những trường hợp xét hôn nhân vô hiệu luôn được Giáo Hội quan tâm vì ảnh hưởng của nó khá lớn không chỉ đối với cá nhân mà còn ích chung nữa. Luật tố tụng về hôn nhân còn nhằm đến bảo vệ những giá trị cơ bản như sự trung thành với sự thật, bảo vệ lợi ích thiêng liêng cá nhân, đề cao tính thánh thiêng của hôn nhân, đồng thời nhấn mạnh những thiện ích chung của Giáo Hội. Do đó phải hiểu và giữ những thủ tục tố tụng tiêu hôn theo những giá trị nền tảng vừa nói, tránh nặng hình thức thuần túy pháp lý.

Mục đích chính của tòa án hôn phối trong Giáo Hội là điều tra, cứu xét các bằng chứng để tuyên bố về sự hữu hiệu hay vô hiệu, sự hiện hữu hay không hiện hữu của dây hôn phối và từ đó xác định nghĩa vụ, quyền lợi cho người liên quan (x. đ. 1400§1,1°). Nói chung, tòa án hôn phối thường không giải quyết vấn đề thuần túy dân sự của hôn nhân, chẳng hạn tư vấn hôn nhân, ứng xử vợ chồng, trợ cấp con cái, tài sản vợ chồng… (x. đ. 1672).

Đặc điểm chính
- Theo điều 1691, tố tụng về tiêu hôn có hình thức vừa của việc xử án nói chung (đ. 1400-1500), vừa của việc xử án hộ sự thông thường (đ. 1501-1655); phải theo những trình tự được qui định (đ. 1671-1685; 1691).
- Các vụ án hôn nhân của những người đã được rửa tội (dù chỉ một người) thuộc quyền Giáo Hội[4] (x. đ. 1671; đ. 1401,1°) miễn là vẫn tôn trọng thẩm quyền của quyền bính dân sự đối với những hiệu quả thuần tuý dân sự của hôn nhân này (x. đ. 1059).
- Tòa án hôn phối chỉ được tiến hành xét xử khi có đơn của đương sự (x. đ. 1501; 1502).
- Phải do toà án có thẩm quyền mà giáo luật qui định xét xử, tránh do một tòa án vô thẩm quyền đảm nhận (đ.1673, 1674).
- Phải được xét xử của một tòa án hiệp đoàn (đ. 1425 §1,10).
- Có khi áp dụng xét xử tố tụng dựa trên tài liệu (đ. 1686-1688).
- Tuyệt đối không áp dụng xử án hộ sự khẩu biện (đ. 1690).
- Bó buộc phải chuyển bản án và các án từ đến toà kháng cáo (cấp II) để giải quyết (đ. 1682; 1683).
- Vụ án tiêu hôn hay ly thân của vợ chồng không bao giờ trở thành vấn đề quyết tụng (đ. 1643).
- Kết quả tiêu hôn phải được ghi vào sổ rửa tội và hôn phối (đ. 1123; 1685).
- Khi có xác nhận tiêu hôn ở tòa kháng cáo (cấp II), đương sự có quyền tái hôn, trừ khi có lệnh cấm tái hôn (đ. 1684). Lệnh cấm tái hôn có thể là do tòa án mà cũng có thể do bản Quyền địa phương ấn định (ví dụ vì lý do tiêu hôn là bất lực vĩnh viễn).

II. SƠ LƯỢC VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN

A. TỔ CHỨC TÒA ÁN

1. Tiêu chuẩn tổ chức tòa án
- Tiêu chuẩn theo lãnh thổ: mỗi giáo phận, giáo tỉnh, miền, có tòa án riêng, với thẩm quyền giới hạn trong khu vực ấy;
- Tiêu chuẩn theo đối tượng của vụ kiện: có tòa án xử các vụ kiện tụng giữa tư nhân (hình sự và hộ sự); có tòa án xử các vụ kiện tụng giữa tư nhân với cơ quan hành chính (tòa án hành chính); có tòa án xét các hồ sơ phong thánh...
Tòa án hôn phối thông dụng hiện nay được tổ chức theo tiêu chuẩn lãnh thổ. Theo đó, có 3 cấp tòa án: giáo phận (cấp I), giáo tỉnh (cấp II), Tòa Thánh (cấp III).
2. Các cấp tòa án
Theo tiêu chuẩn lãnh thổ, tòa án được tổ chức thành 3 cấp:

a. Tòa án cấp một (sơ cấp)

- Tòa án giáo phận: Mỗi giáo phận có tòa án riêng, do chính Giám Mục chủ tọa, hoặc đích thân hoặc qua linh mục đại diện tư pháp (đ. 1419). Giám Mục giáo phận buộc phải đặt một vị đại diện tư pháp (vicarius iudicialis)[5] có thường quyền xét xử và nói chung vị nầy phải khác với cha Tổng Đại Diện (x. đ. 1420§1). «Vị đại diện tư pháp thiết lập một tòa án duy nhất cùng với Giám Mục nhưng không xét những vụ Giám Mục dành riêng cho mình» (đ. 1420§2). Có những vụ mà tòa án giáo phận không được xử, như:
+ Những vụ mà luật dành cho tòa án khác;
+ Những vụ liên can đến quyền lợi và tài sản của pháp nhân do Giám Mục đại diện; khi đó, tòa án cấp I sẽ do tòa kháng án xử;
+ Những vụ kiện pháp nhân giáo phận hoặc kiện chính Giám Mục sẽ do tòa Rota xử cấp thứ nhất.
- Tòa án liên giáo phận: Các Giám Mục có thể thỏa thuận để thành lập tòa án liên giáo phận với thẩm quyền xử vài vụ kiện hay tất cả các vụ kiện trong các giáo phận ấy. Sự thành lập tòa án liên giáo phận cần được Tòa Thánh châu phê (đ. 1427 §1).

b. Tòa án cấp hai

Tòa án cấp hai giữ vai trò xét lại các bản án của tòa án cấp một và trong trường hợp có kháng án.
- Địa điểm: Tòa án thứ hai được thiết lập tại trụ sở của Tổng Giám Mục. Nếu vụ án cấp một được xử tại trụ sở của Tổng Giám Muc, thì tòa án cấp hai được đặt một tòa án mà đức Tổng Giám Mục chỉ định vĩnh viễn một lần, với sự chấp thuận của Tòa Thánh (đ. 1438, 10 và 20)[6]
- Tòa án liên giáo phận: Nếu tòa án cấp một là liên giáo phận, thì Hội Đồng Giám Mục sẽ chỉ định một tòa án cấp hai cũng liên giáo phận, với sự chấp thuận của Tòa Thánh; đừng kể khi tòa án liên giáo phận cấp một chỉ bao trùm giới hạn của một giáo tỉnh, vì như vậy, thì trở về với luật chung (đ. 1439).

c. Tòa án cấp ba

Tòa án cấp ba là Tòa Thánh, với thẩm quyền đối với toàn Giáo Hội, được phân biệt như sau:
- Đức Giáo Hoàng: Ngài có quyền xét xử bất cứ vụ kiện nào, đang ở bất cứ giai đoạn nào. Các tín hữu có quyền nại đến Đức Thánh Cha để xét vụ án của mình (đ. 1417 §1).
- Tối cao pháp viện (Signatura Apostolica): có thẩm quyền như sau (đ. 1445):
+ Xử lại các kháng cáo hay kháng án của Tòa Rota.
+ Xét lại các hành vi hành chính của các bộ giáo triều Rôma.
+ Kiểm soát sự thi hành phận sự của các thẩm phán, luật sư, và việc điều hành tư pháp nói chung của các tòa án.
- Tòa Thượng thẩm Rota: với thẩm quyền là (đ. 1405 §3):
+  Xử các Giám Mục trong các vụ kiện về hộ sự.
+  Xử các Tổng viện phụ, Viện phụ hội trưởng chi dòng, Bề trên cả các Dòng thuộc quyền Tòa Thánh.
+  Xử các giáo phận và các pháp nhân hay thể nhân không có Bề trên nào khác ngoài Đức Thánh Cha. Xử các vụ kháng án do các tòa án cấp hai hay cấp một xử (đ. 1444). Nếu tòa Thượng Thẩm đã xử vụ án ở cấp một, thì cấp hai cũng sẽ do tòa ấy xử, nhưng với một thẩm phán đoàn khác.
Tòa án Tối cao pháp viện và Thượng thẩm Rota còn xử những vụ kiện do Đức Giáo Hoàng ủy thác, nhất là các vụ kiện đã được dành cho ngài.
Việc tổ chức tòa án thành nhiều cấp như vậy về mặt kỹ thuật pháp lý, sẽ giúp cho việc xử án được công minh hơn, tránh những thiên vị và chính xác hơn.
Đối với tòa án hôn phối giáo phận, nói chung là tòa án cấp một (sơ cấp), do Đức Giám Mục giáo phận thiết lập trong giáo phận của mình để phân xử ở cấp thứ nhất những về vấn đề hôn nhân (x. đ. 1419§1)[7]. Tòa án hôn phối có nhiệm vụ chính yếu là xác định những giới hạn của việc tranh tụng hôn nhân, thu thập các tài liệu, chứng cớ, và ghi nhận những khước biện chính yếu để làm cơ sở phán xử rồi ra phán quyết sơ cấp rằng hôn nhân đó hữu hiệu hay không hoặc có thực sự tồn tại hay không dây hôn phối đó.

B. NHÂN SỰ TÒA ÁN

Các nhân sự chính của tòa án là: thẩm phán, chưởng lý, bảo hệ và lục sự. Ngoài ra còn có: thư ký, thông dịch viên, chuyên viên giám định viên...

1. Thẩm phán

a. Đại diện tư pháp và thẩm phán giáo phận
- Trong mỗi giáo phận, Giám Mục nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (đ. 391§1). Tuy nhiên, để tiện việc tổ chức, phận sự hành chính được giao cho cha Tổng Đại Diện (và các đại diện Giám Mục), còn nhiệm vụ tư pháp giao cho đại diện tư pháp (Vicarius iudicialis) (đ. 391§2). Hai chức vụ Tổng đại diện và Đại diện tư pháp không nên kiêm nhiệm, trừ khi giáo phận nhỏ hoặc công việc ít. Đại diện tư pháp phải là linh mục, có bằng tiến sĩ hoặc ít là cử nhân giáo luật và đã đủ 30 tuổi trọn. Khi tòa giám mục trống ngôi, đại diện tư pháp vẫn tại chức và vị quản trị giáo phận không thể truất chức đại diện tư pháp. Khi tân Giám Mục nhận chức, ngài sẽ quyết định tái bổ nhiệm hay đặt người khác (đ. 1420). Đại diện tư pháp, nếu cần, có thể có một hay nhiều phó đại diện phụ tá. Đại diện tư pháp có nhiệm vụ điều hành tòa án giáo phận. Chức vụ đại diện tư pháp được bổ nhiệm có thời hạn nhất định.
- Các thẩm phán giáo phận do Giám Mục bổ nhiệm. Thẩm phán phải là giáo sĩ. Tuy nhiên Hội Đồng Giám Mục có thể cho phép khi xử tập đoàn, một giáo dân được dự vào thẩm phán đoàn ấy. Thẩm phán cần có bằng tiến sĩ hoặc ít là cử nhân giáo luật, và có thanh danh. Thẩm phán được bổ nhiệm có thời hạn nhất định (đ. 1421), và chỉ có thể bị bãi chức trước thời hạn khi có lý do hợp pháp và trầm trọng (đ. 1422).
b. Thẩm phán hiệp đoàn và thẩm phán duy nhất
Trong những vụ kiện quan trọng, giáo luật buộc phải xử hiệp đoàn (collegium):
- Ba thẩm phán nếu là các vụ:
+ tuyên bố vô hiệu việc truyền chức;
+ tuyên bố vô hiệu việc hôn nhân;
+ các vụ hình sự đưa đến sự trục xuất khỏi hàng giáo sĩ;
+ các vụ hình sự tuyên án vạ tuyệt thông.
- Ba hoặc năm thẩm phán, đối với những vụ khó khăn hoặc quan trọng hơn.
Khi xử tập đoàn, các thẩm phán sẽ biểu quyết bằng cách bỏ phiếu. Trước khi bàn luận, chủ tịch của phiên họp cử một thẩm phán làm thuyết trình viên (ponens vel relator) tóm tắc các điểm chính của nội vụ (đ. 1429). Việc chỉ định các thẩm phán vào các phiên tập đoàn sẽ do Đại diện tư pháp, thường thường theo thứ tự luân phiên.
Nơi nào không thể thành lập thẩm phán tập đoàn được, thì Hội Đồng Giám Mục có thể cho phép ở tòa án cấp một chỉ cần một thẩm phán duy nhất. Thẩm phán duy nhất nên được chọn dự thẩm hay phụ thẩm (đ. 1425). Tuy nhiên, ở tòa án cấp hai, buộc phải xử tập đoàn (Collegium) (đ. 1441).

2. Dự thẩm, phụ thẩm và phúc trình viên

a. Phụ thẩm (Assessor): Phụ thẩm (có khi được gọi là Hội thẩm) có thể được chọn giữa các giáo sĩ và giáo dân nam nữ, với nhiệm vụ giúp đỡ thẩm phán. Trong các vụ kiện với thẩm phán duy nhất, có thể kèm thêm hai phụ thẩm (đ. 1424).
b. Dự thẩm (Auditor): Giám Mục có thể đặt các dự thẩm, lấy từ các thẩm phán hay người chuyên môn, giáo sĩ hoặc giáo dân nam nữ, với nhiệm vụ là để thu thập tài liệu, chứng cớ, lời khai (đ. 1428).
c. Phúc trình viên (ponens) Sau nữa thẩm phán hiệp đoàn có thể chỉ định một Phúc trình viên (hoặc Báo cáo viên, Relator, đ. 1429). Vị nầy có nhiệm vụ tường trình vụ án trong phiên họp và soạn thảo bản án[8].

3. Chưởng lý và Bảo hệ

a. Chưởng lý (Promotor iustitiae): Nhiệm vụ là bảo vệ công ích trong các vụ kiện hình và hộ[9]. Đối với các vụ kiện hộ sự, Đức Giám Mục sẽ xét khi nào có liên can đến công ích. Đối với vụ hình, thì chưởng lý bao giờ cũng phải có mặt (đ. 1430-1431).
b. Bảo hệ viên (còn gọi là kháng lý, defensor vinculi): Nhiệm vụ của bảo hệ viên giống vai trò của chưởng lý, nhưng áp dụng trong hai vụ kiện đặc biệt: tuyên bố sự truyền chức vô hiệu, và tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Trong hai vụ kiện này, vị bảo hệ đại diện công ích bảo vệ dây (vinculum) chức thánh và dây hôn phối; vị nầy cần có sự can thiệp khi đề nghị và trình bày hợp lý để chống lại sự giải gỡ hôn nhân (đ. 1432; 1436). Án từ sẽ vô hiệu nếu không có sự can thiệp của bảo hệ viên (đ. 1433). Vị nầy cần có thanh danh, và bằng tiến sĩ hay ít là cử nhân giáo luật (đ. 1435).
Bảo hệ và chưởng lý do Giám Mục bổ nhiệm, có thể là giáo sĩ hay giáo dân, có bằng tiến sĩ hoặc ít là cử nhân giáo luật. Hai chức vụ có thể kiêm nhiệm, nhưng không được thi hành trong cùng vụ án. Có thể được đặt cho tất cả các vụ kiện hay một vụ kiện nhất định (đ. 1436).
Khi luật đòi hỏi sự hiện diện của chưởng lý và bảo hệ trong vụ án, thì sự hiện diện ấy có tính cách thành hiệu, nghĩa là nếu họ vắng mặt, bản án sẽ vô hiệu. Họ phải dự các buổi thẩm vấn, duyệt xét các chứng cớ, tài liệu và án văn (đ. 1433).

4. Lục sự (notarius)

Lục sự, (còn gọi là công chứng viên) phải có mặt trong tất cả các vụ kiện. Lục sự có nhiệm vụ ký vào án văn, và gây tín lực cho các văn kiện (đ. 1437). Lục sự có thể vừa là lục sự của giáo phủ, vừa là lục sự tòa án; hoặc chỉ là lục sự tòa án. Lục sự có thể là giáo dân, trừ vụ kiện nào có liên quan đến thanh danh của một linh mục thì lục sự phải là một linh mục (đ. 483).
Thực tế hiện nay vì khó khăn về nhân sự hay công việc không nhiều, thì chưởng lý và Bảo hệ viên do một người đảm nhiệm; còn thư ký văn phòng Tòa Giám Mục có thể làm lục sự tòa án với vài lưu ý nêu trên.

5. Luật sư (avvocatus) và người đại diện (procurator)

Nguyên đơn hay bị đơn đều có thể tự ý tìm cho mình một luật sư và người đại diện (đ. 1481-1490).
Theo điều 1481§3, thì trong một số vụ án tranh tụng, vị thẩm phán phải cắt cử một người biện hộ, ngoại trừ các vụ án hôn nhân. Vì thế tòa án hôn phối không buộc phải có luật sư hay người đại diện. Tuy nhiên giáo luật khuyên, ở mức độ có thể được, mỗi tòa án phải đặt những người biện hộ cố định, nhất là trong các vụ án hôn nhân, để các bên có thể lựa chọn (đ. 1490).

6. Về việc giáo dân tham gia trong tòa án giáo phận

Theo tinh thần của công đồng Vatican II, bộ giáo luật 1983 đã dành nhiều chỗ cho giáo dân giữ nhiều chức vụ trong Giáo Hội (đ. 228), cách riêng trong công việc tòa án, giáo dân có thể giữ những chức vụ sau:
- lục sự, đ. 1437;
- chưởng lý, đ. 1435;
- bảo hệ, đ. 1435;
- dự thẩm, đ. 1428§2;
- phụ thẩm, đ. 1424;
- thẩm phán và thành viên thẩm phán đoàn, đ. 1421§2.
Bởi vậy, cần cho giáo dân, cách riêng là các tu sĩ có khả năng tham gia vào công việc nói trên, đặc biệt là những giáo phận thiếu nhân sự thuộc hàng giáo sĩ. Và những vị nầy cũng cần tham gia vào những khóa bồi dưỡng về tòa án hay tổ chức những khóa đào tạo riêng cho họ.

7. Quy tắc chung cho các nhân viên tòa án

Những quy tắc chung phải giữ đối với thẩm phán và các nhân viên tòa án được giáo luật qui định tại các điều từ 1446 đến 1447. Chúng ta lưu ý một vài điểm sau đây.
a. Những người được ủy thác xét xử vụ kiện có nhiệm vụ phải thi hành. Tuy nhiên có những trường hợp luật cho phép khước từ, để tránh nghi ngờ thiên vị, theo giáo luật đ. 1448, 1449, đó là:
- khi chính mình có vài ích lợi cá nhân;
- khi phải xử thân nhân huyết tộc hay hôn thuộc (trực hệ), và họ hàng cho đến bốn cấp bàng hệ[10];
- khi liên can đến người mà mình được đặt làm giám hộ hoặc quản tài;
- khi có tình nghĩa riêng hoặc thù địch riêng;
- khi có hưởng lợi hay tránh thiệt hại nào đó do vụ kiện.
Trong những trường hợp ấy, thẩm phán, phụ thẩm, dự thẩm, chưởng lý, bảo hệ nên tránh dự vào vụ kiện. Nguyên đơn và bị đơn có thể khiếu nại các nhân viên tòa án vì những lý do ấy
b. Người đã tham dự và một vụ kiện như là thẩm phán, chưởng lý, bảo hệ, đại nhiệm, luật sư, chuyên viên, thì không thể làm thẩm phán (hay phụ thẩm) thành hiệu trong cùng một vụ kiện ấy ở cấp kháng cáo (đ. 1447).
c. Các nhân viên tòa án phải tuyên thệ tận tâm thi hành bổn phận (đ. 1454). Họ cũng phải giữ bí mật trong các vụ kiện hình sự, và những gì thẩm phán buộc phải giữ kín (đ. 1455).

C. TIẾN TRÌNH CHÍNH TRONG XÉT XỬ

Theo nguyên tắc chung, việc xét xử ở cấp I được tiến hành theo thể thức hiệp đoàn, theo đó, «đại diện tư pháp phải mời các thẩm phán theo thứ tự luân phiên để xét xử từng vụ án một, trừ khi Giám Mục ấn định cách khác cho mỗi trường hợp» (đ. 1425). Tuy nhiên, nếu không thể thiết lập thẩm phán đoàn, bao lâu tình trạng bất khả thi ấy còn kéo dài, thì Hội Đồng Giám Mục có thể cho phép Giám Mục uỷ thác các vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời một hội thẩm và một dự thẩm giúp mình (đ. 1425§4).

Tiến trình chính xét xử tiêu hôn cấp I (giáo phận)

Giáo luật trình bày thủ tục tòa án nói chung nên Tòa Thánh có ra huấn thị Dignitas connubii (25/1/2005)[11] để hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục tòa án hôn phối. Ở đây chúng ta chỉ xét giản lược trình tự thủ tục chính yếu của tòa án hôn phối giáo phận.
1) Tòa nhận đơn[12] (x. đ. 1505; 1506; 1507; 1513; 1673)
2) Ra quyết định chấp thuận thụ lý đơn và triệu tập các bên (đ. đ. 1511; 1507§3; 1508§1; đ. 1677).
3) Chấp thuận công thức nghi vấn (lý do tiêu hôn cần làm sáng tỏ của nguyên đơn) (x. đ. 1505§1; 1507§1; đ. 1513).
4) Ra quyết định thẩm tra.
5) Tuyên bố bị đơn vắng mặt nếu họ từ chối cộng tác (đ. 1592).
6) Thẩm vấn (nguyên đơn, cha mẹ của nguyên đơn, các nhân chứng, đ. 1530-1538; 1558-1571).
7) Điều tra thêm, nếu thấy cần thiết.
8) Ra quyết định kết thúc thẩm tra (đ. 1598-1606).
9) Nghị án. Ra phán quyết sơ thẩm cách đầy đủ (đ. 1607-1612).
10) Thông báo phán quyết sơ thẩm (đ. 1613-1615; 1682).
Trong phán quyết sơ thẩm, có hai trường hợp:
- Nếu kết quả là “phủ nhận” (negative), tiêu hôn thì chấm dứt vụ án. Tòa cấp I không bị buộc chuyển phán quyết sơ thẩm đến Tòa cấp II nữa. Nếu có kháng cáo thì đương sự sẽ chuyển hồ sơ lên tòa cấp hai (tòa kháng cáo) với đơn khởi tố mới (đ. 1504).
- Kết quả nếu “xác nhận” (affirmative) tiêu hôn thì trong vòng 20 ngày chuyển hồ sơ và đơn khiếu nại của bị đơn (nếu có) lên cấp hai để "xác nhận" lại (đ. 1682§1).
Trong cả hai trường hợp, tòa kháng cáo phải thực hiện theo qui định ở các điều 1628-1640; 1681-1685.

Tiến trình chính tại Tòa án cấp II (tòa kháng cáo)

Nguyên tắc chung: theo điều 1640 thì cách thức kiện tụng ở toà kháng cáo cũng giống như ở toà cấp một, với những thích nghi xứng hợp; tuy nhiên, nếu không phải bổ sung thêm các chứng cớ, thì bước sang việc tranh luận vụ án và tuyên án, ngay sau khi đã đối tụng chiếu theo quy tắc của điều 1513 §1 và điều 1639 §1.
Những nét chính về tòa kháng cáo (cấp II) được giáo luật đề cập tại các điều 1505§4; 1628-1640, riêng đối với tố tụng hôn nhân vô hiệu, tại các điều 1681-1685.
Trong giới hạn bài viết, nên ở đây xin không đề cập chi tiết tiến trình nầy.

III. TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN

Không thể bất cứ tòa án nào cũng có thể xử bất cứ vụ kiện nào. Trừ những vụ được dành cho tòa án cấp cao (thí dụ tòa án cấp giáo tỉnh và cấp toàn Tòa Thánh), hoặc cho tòa án đặc biệt (thí dụ về việc tuyên bố sự truyền chức vô hiệu), thì tòa án cấp I có thẩm quyền được thụ lý một số vụ nào đó mà thôi.

1. Tiêu chuẩn

Tòa án có thẩm quyền là nơi cư sở hay bán cư sở của bị đơn (đ. 1408). Nếu bị đơn là người vô gia cư, thì tòa án có thẩm quyền là nơi người ấy đang cư ngụ (đ. 1409 §1). Khi không biết cư sở, bán cư hay nơi trú ngụ của bị đơn, thì nguyên đơn có thể khởi tố tại tòa án cư sở hay bán cư của mình (đ. 1409 §2).
Những lý do khác tạo thẩm quyền cho tòa án:
- Nếu kiện tụng về một đồ vật, thì nguyên đơn có thể khởi tố tại tòa án nơi đồ vật tương tranh tọa lạc (đ. 1410).
- Nếu là khế ước, có thể kiện tại nơi đã lập ước hay nơi phải thi hành, trừ khi đôi bên đã thỏa thuận đến một tòa khác (đ. 1411 §1). Nếu nghĩa vụ khác không do khế ước, thì có thể kiện tại nơi phát sinh nghĩa vụ hay nơi thi hành nghĩa vụ (đ. 1411 §2).
- Trong vụ hình sự, có thể khởi tố nơi tội phạm đã xảy ra (đ. 1412).
- Nếu kiện tụng về quản trị, thì có thể khởi tố tại nơi quản trị (đ. 1413 §1). Nếu kiện về di sản đạo đức, thì khởi tố tại cư sở, bán cư sở, nơi cư trú cuối cùng của người để lại di chúc, trừ khi tranh tụng thuần túy về việc thi hành, thì theo nguyên tắc chung về thẩm quyền (đ. 1413 §2).
- Nếu các vụ kiện có liên can đến nhau, thì tòa án nào đang xử một vụ cũng có thể xét đến các vụ liên hệ, trừ khi các vụ kiện liên hệ được dành cho tòa án cấp cao hơn (đ. 1414).
- Khi nhiều tòa án cùng có thẩm quyền như nhau, thì tòa án nào đã thụ lý trước (nghĩa là đòi bị đơn trước) sẽ ngăn cản thẩm quyền của các tòa khác (đ. 1616). Nếu có sự phân tranh thẩm quyền, thì tòa án kháng cáo sẽ xử sự phân tranh, nếu hai tòa dưới thuộc cùng hạt; nếu khác hạt, thì sẽ đem lên tối cao pháp viện để xử (đ. 1416).

2. Tòa án vô thẩm quyền tuyệt đối và tương đối

Tòa án gọi là vô thẩm quyền tuyệt đối tức là không có quyền xét xử những vụ không thuộc quyền mình và nếu đã xét xử thì bản án đều vô hiệu mà không thể sửa chữa được. Chẳng hạn Tòa án là vô thẩm quyền tuyệt đối trong những vụ:
- luật dành riêng cho thẩm quyền tối cao là Đức Giáo Hoàng (đ. 1401 và 1405);
- dành riêng cho Tòa thưởng thẩm Roma (đ. 1405§3).
Tòa án gọi là vô thẩm quyền tương đối là khi luật không dành ưu tiên xét xử cho tòa nào, tức là giữa các tòa có quyền ngang nhau, mà tòa nào thụ lý trước tiên, tức là đã triệu tập hợp pháp bị đơn đến trước, thì sẽ ngăn cản thẩm quyền của tòa khác (đ. 1415).
Theo luật, sự vô thẩm quyền của thẩm phán gọi là tương đối, khi thẩm phán không có danh nghĩa nào trong số các danh nghĩa được ấn định ở những điều 1408-1414 như vừa nói trên đây.
Hiệu quả khác biệt giữa tòa án vô thẩm quyền tuyệt đối hay tương đối, theo đ. 1620,10 là: không thể sửa chữa được một bản án bị vô hiệu nếu bản án được ban hành do một thẩm phán tuyệt đối vô thẩm quyền.

3. Tòa án hôn phối có thẩm quyền

Tòa án hôn phối phải xem coi mình có thẩm quyền xét xử vụ việc được gởi cho mình hay không vì nếu không có quyền xét xử mà cứ nhận xử thì bản án sẽ vô hiệu (x. đ. 1415).
Nói chung, theo điều 1673 nếu là vụ án Tòa Thánh không dành riêng cho mình, thì tòa án có thẩm quyền là:
- Toà án tại nơi hôn nhân đã được cử hành;
- Toà án tại nơi bị đơn có cư sở hay bán cư sở;
- Toà án tại nơi nguyên đơn có cư sở, miễn là cả hai bên đều cư ngụ trong địa hạt của cùng một Hội Đồng Giám Mục, và miễn là có sự đồng ý của vị đại diện tư pháp tại nơi bị đơn có cư sở, sau khi bị đơn đã được hỏi ý kiến;
- Tòa án tại nơi mà trong thực tế đã thu thập được hầu hết các chứng cớ, miễn là có sự đồng ý của vị đại diện tư pháp tại nơi bị cáo có cư sở, sau khi đã hỏi bị đơn có khước biện hay không.
Thật ra, quy định số 1 và 2 của điều 1673 này không xác định rõ tòa án nào ưu tiên hơn, nên Toà án tại nơi hôn nhân đã được cử hành và tại nơi bị cáo có cư sở hay bán cư sở, đều có quyền xử, không cần hỏi ý bên kia.
Theo luật, vì không tòa nào ưu tiên hơn, nên Tòa nào nhận đơn và thông báo cho thụ đơn trước là có quyền xử; Tòa nhận đơn sau, nếu nhận xử, là vô hiệu (x. đ. 1415). Thực tế nên ưu tiên cho Tòa nào có khả năng tìm hiểu dễ hơn hay dễ xử xong sớm hơn và Tòa ít có khả năng nên nhượng quyền như số 4 của điều 1673 qui định.
Về việc ly thân vợ chồng, điều 1694 nói rõ phải giữ những quy định của điều 1673 trong những điều liên quan đến thẩm quyền của toà án và xem thêm các đ. 1692-1693 về vụ án vợ chồng ly thân.
Cách riêng, với việc xét xin đặc ân giải hôn nhân thành nhận và bất hoàn hợp (ratum et non consummatum) cũng như về đặc ân thánh Phêrô còn gọi là đặc ân đức tin (in favorem fidei) thì Giám Mục giáo phận tại nơi đương sự có cư sở hay bán cư sở nhận đơn và ra lệnh tiến hành điều tra[13] nếu xét thấy có cơ sở (x. đ. 1699§1)[14]. Sau khi điều tra cấp ở giáo phận, hồ sơ gởi về Bộ phụng tự bí tích nếu là vụ về hôn nhân thành nhận và bất hoàn hợp hoặc gởi về bộ Giáo lý đức tin nếu là vụ về đặc ân đức tin[15].
Trong hai trường hợp trên, quyền xét xử là của Tòa Thánh (đ. 1698§1) và chỉ có Đức Giáo Hoàng mới ban đặc ân (đ. 1698§2).
Cũng nên biết rằng trong Giáo Hội có hai con đường giải quyết các nố giải gỡ hôn nhân là hành pháp[16] và tư pháp[17]. Hình thức hành pháp bao gồm: đặc ân thánh Phaolô (đ. 1143-1147), đặc ân thánh Phêrô cũng được gọi chính thức là đặc ân đức tin (in favorem fidei) và hôn nhân ratum et non consummatum. Hình thức tư pháp là cách như chúng ta đang bàn và Tòa án tư pháp không có quyền ban đặc ân hay chuẩn chước.
 

[1] Trong bài nầy có sử dụng cuốn “Các thủ tục về tòa án hôn phối” của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm (tài liệu lưu hành nội bộ).
[2] Phân tích và tìm hiểu một số nguyên nhân có thể dẫn đến tiêu hôn sẽ được trình bày theo những đề tài khác một cách chi tiết hơn.
[3] Đôi khi những án văn được sử dụng trong nghiên cứu và học hỏi (in ấn và xuất bản thành sách), nhưng thường phải sau thời gian dài (khi đó các đương sự đã qua đời) và nếu cần phải thay đổi nơi chốn hay tên tuổi các đương sự .
[4] Nên biết Tự sắc (Motu proprio) Omnium in Mentem của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành ngày 15.12.2009, đã sửa đổi 5 điều trong bộ Giáo luật 1983, trong đó liên quan đến hôn nhân tại các điều 1086§1; 1117 và 1124. Theo đó tại các khoản luật nầy đã bỏ cụm từ «và đã không rời bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát » (neque actu formali ab ea defecerit). Sở dĩ có sự điều chỉnh nầy vì một vài lý do đã được nêu ra trong tự sắc, chẳng hạn như do có khó khăn trong việc qui định và thể thức thực hiện hành vi chính thức rời bỏ Giáo Hội xét về khía cạnh bản chất thần học lẫn khía cạnh giáo luật; khó khăn trong mục vụ và trong hoạt động các tòa án; khó khăn cho sự trở lại của những người đã được rửa tội, sau khi thất bại trong hôn nhân trước, họ rất muốn được tái kết hôn theo giáo luật… Hơn nữa, semel Catholicus, semper Catholicus, một khi đã là người công giáo thì là người công giáo suốt đời vì ấn tích của bí tích rửa tội không thể xóa bỏ được. Bởi vậy họ bị chi phối bởi luật Giáo Hội, cách riêng về những qui định đối với hôn nhân. Theo tự sắc, từ nay, việc làm đơn rời bỏ Giáo Hội không có hiệu lực về giáo luật đối với hôn phối nữa.
[5] Trong luật cũ đại diện tư pháp được gọi là officialis.
[6] Nên biết, hiện nay trụ sở Tòa án cấp II của giáo tỉnh Huế không đặt tại Huế mà là tại Nha Trang. Theo văn thư của Tòa án tối cao pháp viện, số 3448/14 SAT, ngày 28.2.2014 (đã gởi cho các Tòa Giám Mục liên hệ), với sự thỉnh cầu và đồng ý của các Giám mục trong giáo tỉnh Huế, Tòa Án tối cao pháp viện đã quyết định rằng: chỉ định Tòa án giáo phận Nha Trang là Tòa án cấp II cho những nố đã được tiến hành và giải quyết ở Tòa cấp I của Tổng giáo phận Huế và cũng như của các giáo phận Đà Nẵng, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột và Kon Tum; đồng thời Tòa án giáo phận Qui Nhơn là Tòa án cấp II cho những nố xét ở cấp I của Tòa án giáo phận Nha Trang.
[7] Tuy nhiên, nhiều Giám Mục giáo phận có thể đồng ý với nhau để thiết lập một toà án cấp một duy nhất cho các giáo phận của mình với sự chuẩn y của Tông Toà (đ. 1423, § 1).
[8] Ngoài ra cũng có thể kể đến: Chuyên viên tư pháp (đ. 1447; 1455§3), giám định viên y khoa (đ. 1574; 1575; 1581; 1678§1, 1°; 1680).
[9] Trong ngôn ngữ tòa án hiện nay thường dùng, chưởng lý hay bảo hệ được gọi chung là công tố viên. Nên biết, bên cạnh chuyện kiện tụng vì quyền lợi giữa tư nhân với nhau thì cũng có trường hợp mà sự vi phạm ảnh hưởng tới công ích, chẳng hạn sự phạm pháp hay trong Giáo Hội vụ xét hôn nhân vô hiệu cũng được xếp vào loại công ích vì ảnh hưởng đến Giáo Hội, xã hội và hơn nữa có khi do đôi vợ chồng thông đồng với nhau để xin tháo gỡ dây hôn phối của họ nên việc xét xử có thể bị lệch lạc. Trong trường hợp vì công ích như vậy, người vi phạm không thể tự tố cáo mình, vạch áo cho người xem lưng, nên cần đến những công tố viên đứng ra tố cáo, luận tội (đối với vụ phạm pháp) hay có Bảo hệ viên đứng ra tìm những lý lẽ để bảo vệ dây hôn phối.
[10] Ví dụ như: Anh chị em đồng phụ mẫu hay cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha (2 bậc); Chú, bác, cậu với cháu gái; cô dì với cháu trai (3 bậc); Ông chú, ông bác, ông cậu với cháu gái; bà cô, bà dì với cháu trai (4 bậc); Anh chị em con chú, con bác, con cậu, con cô, con dì (4 bậc).
[11] Huấn thị nầy ngoài đoạn dẫn nhập, có 15 đề mục với 308 điều khoản do Ủy Ban Giáo Hoàng về văn bản luật ban hành ngày 25/1/2005. Có thể xem nguyên văn huấn thị nầy bằng nhiều thứ tiếng khác nhau tại:
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/intrptxt/documents/rc_pc_intrptxt_doc_20050125_dignitas-connubii_it.html
[12] Đơn phải có nội dung như đòi hỏi ở đ. 1504, kèm theo một số giấy tờ như: bản tường trình hôn nhân, các nhân chứng, bản sao giấy chứng chỉ rửa tội, bản sao giấy chứng chỉ hôn phối đạo, bản sao giấy ly dị toà đời (nếu có), và các tài liệu khác (ví dụ, thư từ trao đổi ngày xưa, vật kỷ niệm, các xét nghiệm y khoa…)
[13] Nếu Giám Mục ra quyết định lệnh bác đơn, thì người thỉnh nguyện có thể kháng án lên Tông Toà để chống lại quyết định nầy (x. đ. 1699§3).
[14] Đối với hôn nhân thành nhận nhưng bất hoàn hợp, theo giáo luật điều 1061, hành vi vợ chồng trao hiến phải “theo cách thức hợp nhân tính (humano modo)”. Bởi đó theo án lệ trong Giáo Hội, sẽ không có giá trị hoàn hợp nếu hành vi vợ chồng được thực hiện: do bạo lực, trái ý muốn; do sợ hãi; trong sự mê man; do người có bệnh tâm thần; trong ý định trả thù (để truyền bệnh…).
Còn đối với đặc ân đức tin, cần có những điều kiện chính yếu như: gia đình đã tan vỡ, không còn cơ hội hàn gắn; không tạo gương mù gương xấu; đương sự không phải là người gây ra tan vỡ và người phối ngẫu sau cũng cũng không là nguyên cớ gây ra tan vỡ gia đình. Người phối ngẫu trước phải dược thông báo và không chống đối hợp lý. Về vấn đề nầy Bộ giáo lý Đức tin đã ra huấn thị Potestas Ecclesiae ngày 30/4/2001, hướng dẫn thủ tục xin đặc ân in favorem fidei. Huấn thị có một phần nói về lịch sử vấn đề và 25 điều khoản cụ thể (đã được dịch ra việt ngữ).
[15] Trong thực tế với những nố hôn nhân ratum et non consummatum hoặc về in favorem fidei, tòa án các giáo phận rất ngại đụng đến vì hồ sơ điều tra rất phức tạp và phải chuyển ngữ rất nhiều tài liệu có tính chuyên môn để gởi về Tòa Thánh. Bên cạnh đó, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
[16] Gọi là hình thức hành pháp vì không yêu cầu các thủ tục tòa án thông thường và quyết định cuối cùng không phải là bản án mà là đặc ân, chuẩn chước; trong đó tòa án giáo phận không xét xử mà chỉ có vai trò điều tra, thu thập chứng cứ và cho nhận xét để gởi lên Tòa Thánh xét.
[17] Tức là qua các thủ tục tòa án như chúng ta đang đề cập. Phán quyết cuối cùng là một bản án chứ không phải một đặc ân.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 1430
  • Tháng hiện tại: 157237
  • Tổng lượt truy cập: 12134024