Trang mới   https://gpquinhon.org

Yêu thương và sống thực

Đăng lúc: Thứ ba - 30/08/2016 18:43

YÊU THƯƠNG VÀ SỐNG THỰC

Một trong những điều ta ngại bàn tới nhất, một trong những "điểm hẹn gặp gỡ Chúa" mà chúng ta muốn tránh né nhất: đó là quan hệ với người khác hay thực thi tình bác ái. Chúng ta có thể bàn bạc, suy nghĩ, cầu nguyện về những bổn phận ta đối với Chúa. Dường như Chúa không quấy rầy chúng ta bằng những người luôn luôn kề cận ta, những gương mặt cau có, khó thương ngày nào chúng ta cũng gặp. Thế nhưng Thánh Gioan đã thẳng thắn tố giác: "Nếu ai nói mình yêu Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối, bởi vì kẻ mình trông thấy mà chưa yêu được, thì làm sao nói tới chuyện yêu Đấng Vô Hình? " (1Ga 4, 20-21).

Giờ đây ta mạnh dạn nhìn thẳng vấn đề, suy nghĩ về tình yêu thương của ta đối với người khác, không phải để hy vọng chinh phục được nhiều người đứng về phe mình, hay để chu toàn cho xong một bổn phận, thanh toán cho xong một món nợ, nhưng vì đây là con đường duy nhất để ta chiếm lĩnh hạnh phúc bất diệt. "Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn ; Ta khát, các ngươi cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han... Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta. " (Mt 25, 35-46). Kể từ khi Thiên Chúa nhập thể làm người, thì yêu mến tha nhân không còn là chuyện tùy nghi nữa, nhưng là con đường tất yếu để yêu mến Thiên Chúa.

Người ta định nghĩa tình yêu rất nhiều cách, nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn đến hai khía cạnh của thực tại phức tạp này: "YÊU LÀ CHO VÀ YÊU LÀ NHẬN"

I. YÊU LÀ CHO:

Cho là nhường không những gì của mình để người khác làm của riêng.

Cho những gì của riêng mình: khi mới yêu nhau người ta có thể chỉ cho những gì của mình, nhưng còn ở ngoài bản thân mình, như một món quà... Rồi sâu xa hơn nữa, người ta cho nụ cười, ánh mắt, lời nói, lá thư... cuối cùng, người ta trao ban chính bản thân mình, cả quyền lợi, danh dự và ngay cả mạng sống nữa. Bất cứ tình yêu nào, chứ không riêng gì tình yêu vợ chồng, cũng đều hướng tới chỗ cho đi hết (Ga 15, 13). Cho không bao giờ là chuyện của một lần, nhưng là một hành vi liên tiếp mãi cho tới khi mình không còn gì để cho và người nhận không còn có thể nhận thêm gì được nữa. Đàng khác, nên nhớ rằng chúng ta không lấy của người thứ ba để cho người thứ hai, nhưng là lấy từ những gì của chính mình.

Cho là nhường không: Khi cho một cái gì, người cho không bao gìờ đặt điều kiện với người nhận. Nếu không, nó sẽ trở thành một sự cầm cố, vay mượn, mua bán hay đổi chác. Khi cho mà có một dụng ý gì, dù là một dụng ý chính đáng theo suy nghĩ của mình, đều không đáng gọi là cho nữa. Cho đi mà không đòi hỏi sự truy nhận hoặc của người nhận, hoặc của một người thứ ba nào khác. Đó mới là đúng nghĩa cho như Chúa đã nói: "Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm" (Mt 6, 1-4).

Để người khác làm của riêng mình: Một vật khi đã cho rồi thì không thuộc về người cho nữa, nhưng nằm trong tay người nhận. Gốc tích của vật cho thay đổi. Bởi đó khi cho đi ta không được quyền yêu cầu hay mơ ước vật đó trở về với mình. Cho mà lúc nào cũng nhắc tới người chủ cũ của vật đó là kể như chưa cho đứt, mới chỉ cho mượn thôi hay đúng hơn, cho mà muốn duy trì dấu vết và quyền lợi trên vật cho là đã "thí con tép, bắt con tôm", nghĩa là thả một nhưng bắt được hai: cả vật cho lẫn người nhận.

Thiên Chúa Cha cho đi hết mà không đặt một điều kiện nào. Thánh Phaolô nói rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, ngay khi chúng còn là những tội nhân, nghĩa là ngay khi ta còn phản bội Ngài, ngay khi ta không có gì để có thể nói là đáp lại Ngài, trước khi ta nhận ra tình yêu của Ngài (Ga 10, 18). Thế nên không có gì tách ta ra khỏi tình yêu của Ngài, không phải vì ta yêu Ngài keo sơn, nhưng chỉ vì Ngài đã yêu mến ta quá sâu đậm đến nỗi không gì gỡ ta ra khỏi Ngài được. Nếu cho đi với điều kiện, thì khi điều kiện mất, vật cho cũng bị thu hồi. Ngay trước khi con mình trở về và chưa kịp nói xong lời thú tội, Thiên Chúa là Cha đã tha thứ, tha thứ trước khi con cam kết đoan hứa. "Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy, ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để”. (Lc 15, 20-24)

Thiên Chúa cho đi hết và cho đứt, không bao giờ đòi lại. Tình yêu đã trao thì chẳng bao giờ đòi lại. Dù cho con người có bất tín bội nghĩa thì Ngài vẫn cứ trung thành, vì Ngài không thể phản bội mình (2Tm 2, 13).

Đức Kitô cũng vậy, Người đã cho con người thân thể của Người và chấp nhận để con người được quyền sử dụng. Linh mục trao Thịt Máu Người cho hết mọi người, cho cả những người có thể đang phủ nhận Người trong lòng, như xưa Người đã chấm bánh trao cho Giuđa (Ga 15, 26) cho cả những người đang hồ nghi tình thương của Người (1C 11, 28-38). Hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa ban cho con người khi tạo dựng con người sẽ không bị rút lại, dù con người đã phản bội, nhưng vẫn tiếp tục được chuẩn bị và trao đứt cho con người: Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ, ngay khi tổ tông chúng ta phạm tội (Kn 3, 15).

Chúa Kitô đã thực sự cho nhưng không, cho hết và cho đứt. Người không phải chỉ cho ta mạng sống của Người (Ga 15, 13), mà có thể nói Người đã cho đi, cho hết, đến nỗi theo lời Kinh Thánh: Người đã trở nên trống rỗng, không còn gì hết (Phil 2, 7). Tiên tri Isaia nói rằng người ta không nhận ra đó là một người nữa. Có lẽ phải nói thêm: người ta không còn nhận ra một tí gì là con người hay Thiên Chúa nơi khuôn mặt Người nữa, bởi lẽ Người đã cho đi hết, cho đi cả danh dự và tư cách của một vì Thiên Chúa.

II. YÊU LÀ NHẬN:

Cho mà không biết nhận là sẽ nghèo đi và rơi vào thái độ tự kiêu, cũng như nhận mà không biết cho cũng làm cho con người nghèo đi, vì rơi vào thái độ ích kỷ và hưởng thụ. Có lẽ phải nói nhận còn khó hơn cho nữa. Có thể ta không cảm thấy khó khăn lắm khi nhận một món quà, một nụ cười, một biểu lộ thiện cảm của người khác, nhưng thật là khó khi phải nhận toàn thể con người của người khác, với bao tính xấu, khuyết điểm, hay với những dự định ưu tư, lo lắng, ước mơ của họ. "Lòng ông cũng đầy như chiếc ly này, thì làm sao có thể nhận thêm gì nữa, có ích gì để đến học đạo với tôi? " Đó là câu trả lời của vị thiền sư cho một người đang tầm sư học đạo và thắc mắc khi thấy ông cứ đổ nước vào chiếc ly đầy, không để ý rằng nước đang trào ra lênh láng. Trí ta đầy bao tư tưởng, dự định, để không bao giờ nhận một ý kiến, một dự định của người khác làm của mình. Ta đinh ninh rằng mình đã tốt, đã thập toàn rồi, nên không thể nào chấp nhận một khuyết điểm, một sơ xuất của người khác. Ta sẽ yêu với điều kiện họ phải thế này thế nọ, phải đi vào trong khuôn mẫu mà ta đang có trong đầu óc. Ta đã yêu một cái bóng mất rồi, bởi vì có con người cụ thể nào giống hoàn toàn hình ảnh mẫu ta đang có trong đầu? Huống nữa là ta chỉ có thể làm giàu cho mình bằng cách nhận người khác vào đời mình: mắt không thể bảo chân tôi không cần bạn, hơn nữa, chính những bộ phận yếu đuối nhất lại là những bộ phận cấn thiết nhất (1Cr 12, 12-16).

Thiên Chúa đã tình nguyện trở nên nghèo nàn và trống rỗng để đón nhận ta, dù ta chẳng thêm được gì cho Người. Người đã bỏ tất cả những vẻ đẹp uy quyền của Thiên Chúa để nhận lấy cái ghê tởm và yếu đuối của thân phận chúng ta. Người không đòi sinh ra trong một quê hương tăm tiếng, từ một cha mẹ danh giá, Người không đòi thính giả và môn đệ của Người phải là những người thông minh ngoan ngoãn. Nhưng quê hương Người là một nơi vô danh, cha mẹ Người là những người tầm thường nhất, thính giả Người là những dân quê chậm tiến và cuồng tín, môn đệ Người là Phêrô kiêu ngạo, Gioan và Giacôbê nóng tính, Tôma cứng đầu, Giuđa gian dối... Để một ly nước đầy có thể nhận nước thêm, chỉ còn cách là đổ bớt đi. Để nhận lấy thân phận tội lỗi ta, Thiên Chúa trút hết cái phong phú sung mãn của Người.

Sau khi đã xác định thế nào là yêu, tức là cho và lãnh, giờ đây chúng ta dùng tình yêu để sống. Nhiều người hỏi phải sống mạnh, sống cao và sống trổi vượt. Thậm chí có người đánh đổi cả một cuộc đời để mua lấy cái huy hoàng trong chốc lát"
"Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn buồn leo lét suốt năm canh"

Nhưng làm gì có những giây phút thật sự huy hoàng nếu không chịu sống và làm việc tầm thường với tất cả đam mê? Không riêng gì chúng ta, mà tất cả mọi người đều dành phần lớn thời giờ mỗi ngày và phần lớn thời gian cho những công việc vặt vãnh tầm thường, những sinh hoạt không đáng ghi vào sổ sách như ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc... Những công việc ấy gắn chặt với cuộc đời ta đến nỗi ta chẳng còn thấy chúng có gì là quan trọng đối với chúng ta. Nhưng nếu không có những sinh hoạt tầm thường đó, thì cũng không có cuộc đời và xã hội. Có thể nói một cách đơn sơ rằng không có bữa điểm tâm sáng nay, không có người phu quét đường mỗi ngày, không có những giờ loay hoay trong bếp thì cũng không có những tư tưởng cao siêu, những sinh hoạt quan trọng, những vĩ nhân danh tiếng. Người ta không để ý đến sự hiện diện khiêm tốn và hoạt động thầm lặng đó, nhưng sự vắng mặt của những người đó sẽ làm cho người ta thấy ngay môi trường trống rỗng và chết lạnh. Không ai chú ý và quý trọng muối biển, ánh sáng, khí trời, nhưng thiếu chúng, vũ trụ sẽ chết ngay. Không ai để ý đến quả đất đang hoạt động, xoay vần, nhưng nếu nó dừng lại chúng ta sẽ bị tiêu diệt ngay. Có lẽ ai cũng có thể hiểu được vai trò quan trọng và cần thiết của những công việc tầm thường và bổn phận hằng ngày. Nhưng làm những công việc đó với tất cả đam mê và ý thức thì thật là khó. Cái đều đặn, tăm tối của những công việc hằng ngày đó làm cho ta mệt mỏi và chán ngán, chúng ta bị cám dỗ mơ tới những chuyện cao xa vĩ đại hay quay ra lười lĩnh, thụ động trong công việc hằng ngày đó. Chỉ khi nào đặt vào đó tất cả tình yêu thì vẻ tăm tối của chúng trở nên sáng láng, cái buồn tẻ của chúng sẽ trở thành vui tươi, cái vô nghĩa của chúng sẽ trở nên trường cửu. Do đó có người đã bày tỏ tâm tình một cách đầy ý nghĩa: "Tôi yêu người đang vừa làm vừa hát".

1. Chu toàn bổn phận là cách thế hay nhất để làm chứng về một Thiên Chúa đang sống:

Quả thật khi làm những công việc tầm thường và bó buộc với tình yêu, nghĩa là với tâm tình một người đang hướng về một người khác, ta sẽ nhận thấy những công việc mình làm chẳng có gì là tầm thường, bó buộc và nhỏ bé cả. Ta sẽ làm chứng với thái độ kính cẩn và thận trọng. Ta cũng không còn cảm thấy cô đơn nữa, cũng chẳng thấy có gì là vô nghĩa trong các công việc mình làm nữa. Tất cả đều trở nên quan trọng, có ý nghĩa trong tình yêu. Khi nhìn thấy một con người đang làm những công việc nhỏ nhặt với tất cả say mê và chú ý, dường như ta có cảm tưởng như người đó đang làm việc dưới sự hiện diện của người họ mến thương đang lẩn quẩn đâu đây, dường như hai bên đang nhìn nhau, đang nói chuyện: Một sự hiện diện còn sâu xa hơn sự hiện diện thể lý, bởi vì hình ảnh của người kia đã đi sâu vào tâm tư, ý nghĩ của người này và đang hiện ra nơi những bàn tay, nơi chính công việc của người ấy. Nếu nhân vật vô hình đó là Đức Kitô thì quả thật phải nói đây là một sự cầu nguyện thâm thúy nhất, một lời chứng mạnh mẽ nhất rằng Đức Kitô của chúng ta vẫn đang sống và đang tiếp xúc với chúng ta. Kitô giáo không phải là tôn giáo của quá khứ, Thiên Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa đã chết hoặc đã sống lại và về trời vĩnh viễn ở xa mãi cuối chân mây, nhưng các Kitô hữu thường vô tình biến niềm tin của mình thành một sự hoài cổ, nhớ nhung quá khứ và thường biến Thiên Chúa đang sống bên cạnh, sống với mình, thành một Thiên Chúa đã chết hay đang sống ở những nơi nào khác, chứ không phải trong cuộc đời này. Chúng ta đã làm chứng sai lạc như thế mỗi khi chúng ta làm các việc hằng ngày của mình tại gia đình, tại giáo xứ cũng như ngoài xã hội, một cách thiếu hứng thú, thiếu sáng kiến và an phận thủ thường. Nếu Đức Kitô còn sống cách hữu hình tại thế với chúng ta, thì hẳn người khác sẽ đọc nơi khuôn mặt chúng ta một niềm vui và tin tưởng, đọc được nơi tay chân chúng ta sự hăng hái và mau mắn, nơi ánh mắt chúng ta một sự trìu mến và quảng đại. Ngày nay, nếu người ta thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và thiếu gắn bó với Ngài, phần lớn cũng là vì các Kitô hữu, có khi một số người bạn thân tình thiết cốt của Chúa, đã để cho người khác nhận thấy ngay, đối với chính họ (những kẻ thuộc về Ngài) Thiên Chúa cũng chẳng có kí lô nào ráo, hay nếu có, thì chỉ trong một góc đời sống nào đó thôi, thua cả nhiều thần tượng khác. "Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao nhãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo". (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 19, Công Đồng Vatican II).
 
Đừng đòi làm chứng cho Thiên Chúa bằng những việc to tát vĩ đại. Một việc to tát chưa chắc có tác dụng sâu xa và hữu ích cho người khác bằng một việc nhỏ được làm với tất cả tình yêu (1Cr 13, 1-3). Thánh nhân và chứng nhân của thế kỷ thứ 21 này là những người đang làm các công việc bổn phận của mình tại các gia đình, ngoài xã hội với tất cả đam mê tình yêu. Đó có thể là một người cha, người mẹ đầu tắt mặt tối chỉ vì muốn cho cái mình được phát triển không phải chỉ trong đời sống vật chất, nhưng trong mọi phương diện. Đó có thể là một giáo viên tận tụy cho học sinh với tất cả sự vô tư và vô vị lợi. Đó có thể là người công nhân luôn đặt lợi ích của tập thể, của đồng nghiệp lên trên lợi ích của mình. Đó có thể là một linh mục, âm thầm tận tụy trong thiên chức của mình.

Con đường nên thánh ấy dễ vì nó không đòi đương sự phải thực hiện được những phép lạ phi thường, những thành tích đáng kể. Nhưng đó cũng là một con đường nên thánh khó vì nó đòi ta phải đặt cả con người mình trong những cái tầm thường và vô nghĩa nhất. Đức Kitô đã làm chứng về Cha cũng như đã cứu chuộc người khác không phải chỉ bằng những phép lạ phi thường cho bằng tâm tình yêu thương Cha và nhân loại, mà lúc nào Người cũng đặt vào trong mọi lời nói và việc làm của mình.

2. Chu toàn bổn phận là cách thế duy nhất để đáp lại tình yêu và đòi hỏi của Thiên Chúa trong hiện tại:

Chúng ta không bao giờ được quên: đòi hỏi của tình yêu trước hết là một đòi hỏi trong hiện tại. Chỉ có tình yêu hiện tại mới là đáng kể. Có thể trước đây người ta đã yêu thương rất nhiều, nhưng nếu trong giây phút hiện tại này không còn yêu thương nữa thì kể như tình yêu đã chết. Ngược lại, tình yêu hiện tại có thể xóa nhòa được những lỗi lầm của quá khứ: "Tội của chị này nhiều thật đấy, nhưng đã được tha cả vì bây giờ chị đã yêu mến nhiều" (Lc 7, 47). Và nếu không yêu thương trong hiện tại, thì trong tương lai có hứa hẹn gì đi nữa, cũng đều là giả dối. Bởi vì, ta chỉ làm chủ hiện tại. Hiện tại có thể sửa lại dĩ vãng và bảo đảm tương lai. Đừng quá xót xa vì quá khứ đã thất trung, cũng đừng bồn chồn lo lắng vì sự trung thành của mình trong tương lai.

Nếu bổn phận hiện tại, công việc trước mắt của ta là điều duy nhất ta có thể làm được để diễn tả tình yêu, thì hãy đón nhận nó. Nếu ta không biết Chúa muốn ta điều gì trong tương lai, thì ít nữa chúng ta đã biết Ngài muốn gì trong hiện tại. Nếu công việc và bổn phận của ta hiện tại là thánh ý Chúa thì hãy tin chắc rằng trong công việc và bổn phận đó có cả kho tàng hạnh phúc rồi, đừng tìm đâu xa nữa. Nếu biết quảng đại đón nhận và say sưa thực hiện, chắc chắn đó sẽ là điều kiện và cơ hội tốt nhất để thăng tiến bản thân và người khác. Nếu bị cám dỗ chạy trốn hiện tại và công việc trước mắt, đó có lẽ là vì ta quá tham lam, không chấp nhận giới hạn của mình hay tưởng rằng mình quá giàu khả năng. Đức Giêsu thì trái hẳn; khi làm người, Người đã trở nên nghèo đi, để luôn sẵn sàng đón nhận ý Cha trong từng giây từng phút.

Chúng ta được mời gọi biến đổi môi trường và thế giới gần nhất của mình. Nhưng muốn thực hiện ơn gọi ấy thì phải yêu mến môi trường đó trước đã và một cách cụ thể yêu mến bổn phận và nghĩa vụ của mình trong môi trường. Thiên Chúa đã có sáng kiến thí hẳn Con mình để cứu độ thế gian, nhưng sở dĩ Ngài có sáng kiến độc đáo và kỳ diệu đó là vì Ngài đã yêu mến thế gian trước: Ngài đã yêu thế gian và chính vì yêu thế gian quá, nên Ngài đã có sáng kiến thí Con mình cho thế gian (Ga 3, 16). Không yêu công việc, bổn phận và môi trường mà công việc của mình phục vụ, thì làm sao có thể cứu độ môi trường được?

Những nhận định trên là những nhận định cũ như trái đất, nhưng là những nguyên tắc ngàn đời cho cuộc sống tâm lý và thiêng liêng. Khoa học nào cũng có sự tiến bộ nhiều hay ít, nhưng khoa tâm lý thì hình như dậm chân tại chỗ, bởi lẽ từ ngàn xưa cho đến hôm nay bản tính con người vẫn không thay đổi.

Cho nên phải nói rằng những nguyên tắc trên đây cũng rất hợp thời và hiện đại. Chúng ta hãy ý thức điều đó và đừng đi ngược, nếu ta muốn sống trọn vẹn đời sống linh mục, tu sĩ, giáo dân của ta. Có khi biết quá nhiều mà sống điều mình hiểu biết không bao nhiêu, thì thật là hoang phí. Blaise Pascal, nhà bác học người Pháp đã có lần ví von như sau: "Chén thuốc được đặt trên bàn, khoảng cách từ bàn lên miệng tuy ngắn, nhưng là khoảng cách quyết định. Nếu con người chịu nâng chén để uống thì sẽ được cứu sống. Còn không nâng lên, thì chén thuốc ấy cũng ngang hàng với chén nước lã mà thôi".

Qui Nhơn, ngày 22 tháng 08 năm 2016
ĐGM . Phêrô Nguyễn Soạn
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 44
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 22
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 119856
  • Tổng lượt truy cập: 12264116