Trang mới   https://gpquinhon.org

Về với cội nguồn

Đăng lúc: Thứ năm - 21/02/2013 01:12
ĐẠO HIẾU THEO GIÁO LÝ CÔNG GIÁO


 
 
 
Theo ngữ nguyên, chữ Hiếu (孝) gồm chữ lão (老V) có nghĩa là “cụ già” ở trên, và chữ tử (子) có nghĩa là “người con” ở dưới. Nó vẽ ra trước mắt ta hình ảnh một người con (子) cõng một người có tuổi (老V), nghĩa là một đứa con cõng cha hoặc mẹ mình. Cựu ước có những trang rất đẹp về điều răn đạo hiếu. Chẳng hạn như sách Huấn ca, chương 3, câu 1-16:

Hỡi các con, hãy nghe luật nghiêm phụ,
hãy xử sao để được độ sinh.
Vì Chúa đặt vinh quang người cha ở trên con cái
và để quyền người mẹ vững chãi lướt hẳn đàn con.
Kẻ tôn kính cha thì được xoá lỗi lầm,
và trọng kính mẹ thì khác gì tích trữ bảo tàng.
Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,
nó sẽ làm tôi các bậc sinh thành nó như chủ của nó.
Nơi việc làm và nơi lời nói, con hãy tôn kính cha con,
ngõ hầu mọi chúc lành đổ xuống trên con.
...
Hỡi con, hãy chăm sóc cha con lúc tuổi già.
Lúc người sinh thời,
chớ làm người sầu tủi.
Trí khôn người có suy giảm, con cũng nể vì.
Đừng nhục mạ người, thời con đang sức.
Vì việc nghĩa con làm cho cha sẽ không bị xoá,
nó sẽ đắp điếm các lỗi lầm.
Vào ngày bĩ cực, công việc của con sẽ được nhớ đến,
như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.
Kẻ bỏ bê cha là lộng ngôn phạm đến Chúa,
Kẻ khinh bỉ mẹ là chọc giận Đấng tạo thành ra nó”.

Hoặc sách Cách Ngôn, chương 6, câu 20-23:

“Con ơi giữ lấy lời cha,
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.
Đèn soi trong chốn tối tăm,
Ấy là chính những lời răn lệnh truyền.
Và lời dạy dỗ nhủ khuyên,
Ví như ánh sáng dịu hiền toả lan.
Còn lời khiển trách can ngăn,
Chính là sự sống là đàng con đi.”

Chữ hiếu là nhân đức bao trùm tất cả mọi quyền lợi và bổn phận trong gia đình. Nó là nguyên tắc chủ đạo cho tất cả mọi hành vi của bất cứ người Việt Nam nào, tựa như đức mến gợi hứng cho toàn bộ cuộc sống của mọi Kitô hữu. Chữ hiếu vừa tóm tắt mọi bổn phận của con cái đối với cha mẹ vừa hình thành một trong các nền tảng cơ bản của gia đình cũng như xã hội Việt Nam. Đó cũng là điều được nhấn mạnh trong Kinh Thánh Tân Ước: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất”. Đó là lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta trong thư gửi tín hữu Êphêsô 6,1-2. Thảo kính cha mẹ là lệnh truyền thứ nhất trong đạo yêu người.

Thật vậy, bản mười điều răn chia làm hai phần: Mến Chúa và yêu người. Phần đầu gồm 3 điều dạy ta phải kính thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối. Phần sau nói về bổn phận đối với tha nhân và đối với chính mình, gồm 7 điều, trong đó điều đầu tiên là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xh 5,16). Vậy mà oái oăm thay, suốt một thời gian dài hơn hai thế kỷ, nhiều người Việt Nam lại có suy nghĩ rằng theo đạo Chúa là bất hiếu, là “bỏ ông bỏ bà”. Trước khi giải tỏa cái ngộ nhận lâu đời ấy, ta hãy cùng tìm hiểu điều răn về sự hiếu thảo theo Kitô giáo.

1. HIẾU THẢO LÀ ĐIỀU RĂN ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠO YÊU NGƯỜI

Tin mừng Marcô 12,28-39 kể lại: “Một lần kia có vị ký lục nghe Chúa... Và tiến lại hỏi Ngài rằng: “Điều răn trên hết là điều răn nào?” Đức Giêsu đáp: “Đây là điều răn thứ nhất: Hỡi Israel, hãy nghe, Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi phải đem hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mình mà kính mến Chúa là Thiên Chúa ngươi. Thứ đến là: Ngươi phải yêu mến người bên cạnh như chính mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó”... Hãy yêu người bên cạnh như chính mình. Người bên cạnh đầu tiên trong đời ta là ai nếu không phải là cha mẹ? Chính cha mẹ đã thông truyền sự sống cho ta, lo nuôi nấng dạy dỗ ta. Ta lớn lên trong tình yêu thương và sự che chở của cha mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, cha nhọc nhằn nuôi dạy. Thế nên, lòng yêu thương đối với cha mẹ phải trổi vượt lòng yêu thương đối với những người khác. “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất” (Ep 6,2). Điều ấy thật gần gũi với người Việt chúng ta. Trong cuộc sống người Việt, sau nghĩa vụ đối với trời cao, điều quan trọng nhất là đạo hiếu. Kính yêu và biết ơn cha mẹ quả là một con đường tuyệt vời dọn tâm hồn chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tình thương và công ơn cha mẹ giúp ta hiểu được phần nào tình thương của Cha trên trời. Lòng hiếu kính cha mẹ cũng là trường dạy ta biết báo đền tình thương của Cha trên trời.

Kinh Thánh đã dùng lòng hiếu thảo đối với cha mẹ để diễn tả tình yêu mà ta phải có đối với Thiên Chúa. Không phải ta yêu thương cha mẹ trước, nhưng chính cha mẹ đã yêu thương ta. Khi chưa có ta, cha mẹ đã nghĩ đến ta. Cũng thế “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta” (1Ga 4,4). Có thể so sánh tình cha mẹ với tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu và công ơn của cha mẹ cũng có một cái gì trường cửu. Không chỉ khi cha mẹ ở gần ta, mà cả khi các ngài vắng mặt hoặc đã qua đời, tình yêu thương ấy vẫn ở bên ta. Chính con người chúng ta mang dấu vết của cha mẹ. Chính chúng ta là kết quả của lòng cha mẹ yêu thương. Vì thế, chúng ta hiếu kính các ngài, không những lúc các ngài còn sống, mà cả khi các ngài đã qua đời. Bao lâu ta còn sống, ta còn nhớ công ơn cha mẹ. Cũng thế, trước tình thương của Thiên Chúa, chúng ta sẽ một lòng hiếu thảo, ở đời này cũng như ở đời sau.

2. NGƯỜI KITÔ HỮU PHẢI HIẾU KÍNH CHA MẸ NHƯ THẾ NÀO?

Trong truyền thống Công giáo Việt Nam, ý nghĩa Kitô giáo được Giáo hội đã mặc cho những ngày đầu năm, thật đáng cảm kích. Ngày mùng một là ngày tạ ơn Thiên Chúa, ngày mùng hai dành để kính nhớ tổ tiên. Việc xếp đặt đó quả là một lời tuyên xưng đức tin rất chính xác. Người Kitô hữu Việt Nam biết ơn ông bà tổ tiên, nhưng họ không để lòng hiếu thảo này làm phương hại đến lòng hiếu thảo đối với Cha trên trời.

Thật ra, không bậc tổ tiên nào có ý nghĩ lấn chiếm chỗ dành cho Thiên Chúa trong lòng con cháu. Bạn cứ tự đặt mình vào trường hợp các ngài xem, nhất định bạn không đòi con cháu bạn sau này phải nhớ ơn bạn thay vì nhớ ơn Thiên Chúa. Tổ tiên chúng ta thừa biết mọi điều các ngài đã làm cho con cháu đều là ơn lành của Thiên Chúa Tạo Hóa. Hẳn các ngài mong rằng ta càng nhớ ơn các ngài, càng phải biết ơn Thiên Chúa. Các ngài cũng mong chúng ta nhớ ơn các ngài một cách cụ thể bằng cách cầu nguyện với Thiên Chúa cho các ngài. Trong lời nguyện mở đầu thánh lễ ngày mùng hai tết, người Công giáo thưa với Thiên Chúa:“Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải thờ cha kính mẹ. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc sinh thành dưỡng dục chúng con, và cho chúng con biết trọn niềm hiếu thảo với các ngài”.

Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải hiếu thảo như thế nào đối với ông bà cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Ngài còn dạy chúng ta phải đặt tình hiếu thảo đối với cha mẹ trên trần gian thật đúng chỗ để trọn đạo hiếu với Cha trên trời.

a. Khi cha mẹ còn sống

Từ Cựu ước đến Tân ước, Kinh Thánh nhấn mạnh con cái phải kính mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống. Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu đã nhắc lại điều răn đạo hiếu và khẳng định đó là ý muốn của Thiên Chúa:“Một lần kia, các biệt phái và ký lục từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà rằng: “Vì lẽ gì mà môn đồ Thầy phạm đến lệ truyền của tiền nhân? Quả thế, họ không rửa tay khi dùng bữa”. Đáp lại, Ngài nói với họ: “Còn các ông, vì lẽ gì các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông? Vì Thiên Chúa đã phán: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ” và “kẻ nào chúc dữ cha mẹ thì phải chết tử hình”. Còn các ông lại bảo: “Ai nói được với cha hay mẹ rằng: Mọi điều người trông nhờ vả nơi tôi, tôi đã dâng cúng hết rồi, thì người ấy khỏi giữ hiếu đối với cha mẹ mình”. Thế là các ông đã hủy bỏ lời của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông” (Mt 14,1-6).

Không chỉ nói suông, Đức Giêsu đã đi đầu trong việc thực hiện đạo hiếu. Trong đời Ngài, Ngài đã sống trọn đạo làm con đối với cha mẹ. Kinh Thánh chỉ nói về cuộc sống của Ngài ở gia đình có mấy trang, nhưng ghi rõ: “Ngài theo cha mẹ trở về Nadarét và vâng phục cha mẹ” (Lc 2,51). Thánh thư gửi tín hữu Do Thái cũng viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học cho biết vâng lời” (Dt 5,8). Chính nhờ vậy, “Đức Giêsu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn càng được đẹp lòng Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Là một người thợ mộc (Mc 6,3), Ngài đã lo làm ăn nuôi sống cha mẹ. Về sau, thánh Phaolô viết: “Ai không biết lo lắng đến người thân thuộc và nhất là gia quyến mình thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không tin” (1 Tm 5,8). Đối với Đức Giêsu, phụng dưỡng cha mẹ không những là một bổn phận mà còn là một tâm tình tha thiết nhất của con người. Vì thế, khi muốn diễn tả tính cách quyết liệt của lời Ngài mời gọi, Ngài đã nói ai muốn theo Ngài phải từ bỏ cả mối tình thâm sâu ấy nữa. Chẳng hạn, có lần Ngài gọi một người: “Hãy theo Ta”. Người ấy đáp: “Xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Nhưng Ngài bảo: “Hãy để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng, còn ngươi, hãy cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Lần khác, dân chúng theo Ngài đông đảo, Ngài quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26). Chúa Giêsu muốn khẳng định: Đòi hỏi của Ngài là đòi hỏi của Thiên Chúa tuyệt đối, người ta phải dành ưu tiên số một cho đòi hỏi đó, không nên viện bất cứ lý do gì để thoái thác chần chừ, cho dù đó là tình yêu đối với cha mẹ, vợ con. Nếu người ta không thể lấy cớ lệ truyền của tiền nhân để thoái thác bổn phận làm con cái đối với cha mẹ trần gian, thì người ta càng không thể vịn vào bất cứ lý do gì để thoái thác đạo làm con đối với Cha trên trời.

“Được thuộc về Thiên Chúa” là giá trị lớn nhất của cuộc sống. Vì thế, trong việc báo đáp công ơn của ông bà cha mẹ, điều quan trọng nhất là lo phần rỗi của các Ngài. Đối với người Công giáo, việc phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già không chỉ là lo cho các ngài có nơi ở ấm cúng, đủ ăn đủ mặc, chạy chữa thuốc men lúc các ngài đau ốm, cũng như an ủi các ngài về tinh thần, mà hơn nữa, còn phải lo cho đời sống Kitô hữu của các ngài được bảo đảm, giúp các ngài được lãnh nhận các bí tích cần thiết: xưng tội, rước Thánh Thể, được xức dầu bệnh nhân khi đau ốm, và tạo điều kiện để giúp cha mẹ chuẩn bị cuộc sống đời đời một cách chu đáo.

b. Khi cha mẹ đã qua đời

Cuối thánh lễ ngày mùng hai tết, linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con sống ngày nay sao cho tròn chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ, và mai sau được cùng các ngài hưởng phúc trường sinh”. Mặc khải Kinh Thánh cho biết cuộc thanh tẩy ở cửa thiên đàng hết sức cần thiết để con người khốn cùng có thể hiệp nhất với Thiên Chúa Chí Thánh. Vì thế, người Kitô hữu cầu nguyện cho các tiền nhân đã khuất. Điều người Kitô hữu bận tâm khi kính nhớ các bậc tổ tiên là góp phần giúp các ngài sớm vượt qua cuộc thanh tẩy ấy để được hưởng phúc trường sinh. Vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch, bà con lương dân nghĩ tới những linh hồn bị bỏ rơi, đồng thời cũng bận tâm mưu tìm sự cứu giúp cho những bậc sinh thành chưa được giải thoát. Những người Công giáo và nhiều nhà thờ cũng dâng thánh lễ nhân ngày Vu Lan để hiệp thông với tâm tình tốt lành ấy của anh chị em lương dân. Người Công giáo cầu nguyện cho tiền nhân không chỉ trong ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn, 02-11, và suốt tháng 11 dương lịch hằng năm, nhưng mọi ngày trong năm, mỗi khi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ mỗi ngày, đều có đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hi vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”.

Khi cha mẹ đã qua đời, người tín hữu có bổn phận lo an táng, lo phần mộ tươm tất, vì phần mộ là nơi thân xác đợi ngày sống lại. Ngày kỵ giỗ hay những dịp đặc biệt khác, họ xin linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha mẹ. Người Kitô hữu cũng xin các bậc tiền nhân đã an nghỉ trong Chúa chuyển cầu cho họ trước nhan Ngài. Việc cầu nguyện với Tổ Tiên được thực hiện đặc biệt trong dịp cúng giỗ mà ngày nay Giáo hội chấp thuận cho người Công giáo Việt Nam được thực hiện theo hình thức Đông phương để tỏ lòng kính nhớ và biết ơn ông bà cha mẹ. Nghi lễ cúng tế làm cho con cháu thấy gần gũi tổ tiên, dường như các ngài đang cảm thông với họ. Điều này không có gì xa lạ với giáo lý về sự hiệp thông giữa các tín hữu. Nó cũng nói lên niềm tin mãnh liệt về đời sau và nhắc nhở con cháu biết nối chí cha ông. Cha ông đã ăn ở ngay lành, con cháu sẽ noi gương ấy. Cha ông đã ra công tìm kiếm chân lý, con cháu sẽ tiếp tục công cuộc của các ngài. Uống nước nhớ nguồn, Con Thiên Chúa khi làm người cũng không hề quên những bậc tổ tiên hằng được nhắc đến trong gia phả (Mt 1,1-18). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng còn nhắc ta rằng nếu phải nhớ công ơn tổ tiên, thì càng phải biết ơn Thiên Chúa hơn nữa, vì Thiên Chúa là cội nguồn đầu tiên, là Đấng đã sinh dựng nên tổ tiên ta. Cứ lần theo gia phả nhà mình mà lên mãi, ta sẽ thấy rằng lòng hiếu kính tổ tiên phải là trường dạy cho ta biết hiếu kính Cha trên trời. Thánh Luca đã viết gia phả của Đức Giêsu theo ý hướng đó: “Ngài là con của Giuse, con của Hêli... , con của Hênon, con của Set, con của Ađam, và Ađam con của Thiên Chúa” (xem Lc 3,23-28). Đó cũng là điều chúng ta đọc thấy trong bài tiền tụng của ngày lễ kính nhớ tổ tiên: “Lạy Cha, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, chúng con thấy mọi sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha mẹ. Nhờ Cha mặc khải, chúng con được nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của hết mọi loài chúng con. Cha đã ban sự sống cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng con để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng thờ Cha”.

3. VẤN ĐỀ THỜ CÚNG ÔNG BÀ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM

Tự bản thân, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa. Đang khi một số tôn giáo Á Đông tin luân hồi, cho rằng con người chết rồi đầu thai hóa kiếp thành loài này loài khác thì Đạo Hiếu dạy rằng linh hồn Ông Bà Tổ Tiên bất tử, linh hiển và gần gũi con cháu. Đạo Hiếu và Đạo Chúa có chung một niềm tin linh hồn bất tử, tiếc thay, đã gặp một sự hiểu lầm suốt mấy thế kỷ.

a. Vài chứng từ

Chị Dương thị LH, 25 tuổi, là người thứ ba trong gia đình gia nhập đạo Công giáo. LH kể lại: Tuy mẹ LH là người cởi mở, nhưng khi hay tin LH tìm hiểu Kitô giáo, bà đã thốt lên: “Bữa nay con cũng đi nhà thờ nữa à? Thôi chớ, hai đứa kia theo đạo đủ rồi, còn con thì thôi, để má chết còn có người cúng chớ!”. Năm 1964, Toà Thánh đã chấp thuận cho người Công giáo Việt Nam được thờ cúng ông bà theo truyền thống Việt Nam. Tuy thế, cũng còn lâu người ta mới đánh tan được cái ngộ nhận nơi người ngoài Công giáo: theo đạo là bỏ ông bỏ bà. Chị Phạm MV là người độc nhất trong gia đình theo đạo Công giáo. Chị kể lại: Một lần kia, một ông bác của chị nhân nói về những người theo đạo đã chua chát nói: “Thờ cúng ông bà mà nó bảo là tà ma. Không biết mình tà ma hay nó tà ma”.

Quả thật, có một thời, việc thờ cúng ông bà là một vấn đề sóng gió cho những ai gia nhập Kitô giáo. Tâm sự sau đây của một người tân tòng, đăng trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tháng 6 năm 1963 (tức là một năm trước khi có quyết định trên đây của Tòa Thánh), có thể nói lên phần nào những khó khăn của những anh chị em trở lại thời ấy: “Cũng như cha đã biết, con đứng ngoài ngưỡng cửa Giáo hội 30 năm, rồi nhờ ơn đặc biệt của Đức Mẹ, mới được gia nhập gia đình Công giáo. Con đã cố gắng sống như một giáo hữu bình thường, như tất cả những giáo hữu khác, trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa Tội. Nhưng cái vẻ bình thản bên ngoài của con bao phủ rất nhiều băn khoăn lo âu trong lương tâm. Xin cha cho phép cởi mở tâm sự. Cả gia tộc con, ngót 1000 người, có thể nói không theo tôn giáo nào cả. Chỉ công nhận có Thượng Đế, về thờ phụng chỉ biết cúng tổ tiên. Từ khi con tòng giáo, mọi người nhìn con với cặp mắt lãnh đạm hoặc mỉa mai, khinh bỉ. Họ coi con như một người “hỏng”, đã xa gia đình và gia tộc, đã “mất gốc”. Tại sao? Chỉ vì ngày tết, ngày giỗ, con không cúng vái cha mẹ, tổ tiên như trước nữa. Mà trước đây, con lại là người sùng kính tổ tiên, không những bên trong rất thành tâm, mà bên ngoài cũng thận trọng, kính cẩn đúng mức không kém ai. Bây giờ con như kẻ cô đơn, vì con đã tự ý “ly khai” với mọi người. Giải thích, họ không nghe. Cắt nghĩa cho họ rằng: Người Công giáo tuy không cúng giỗ nhưng vẫn cầu nguyện hằng ngày cho tiền nhân. Họ trả lời: “Hữu ư trung tất hình ư ngoại”, có bên trong phải lộ ra bên ngoài. Cầu nguyện là một việc; tình cảm huyết mạch gia đình, họ hàng, cũng phải biểu lộ ra bằng hình thức. Mà không có hình thức nào đẹp đẽ, tự nhiên bằng hình thức thờ phượng tổ tiên để biểu dương tinh thần “uống nước nhớ nguồn, tương thân máu mủ”... ... Con bị coi như một người lạ giữa những người thân yêu... ... Khổ tâm nhất là khi cúng giỗ bố mẹ. Mọi người đồng tâm nhất
trí thành khẩn thắp hương vái lạy, khấn xin tiền nhân chứng minh cho lòng kính nhớ, thì con, “con người lạ” phải co ro ngồi một xó lẩm nhẩm đọc kinh, lần chuỗi. Lương tâm tự vấn: Tỏ lòng sùng kính cha mẹ bằng cách này hay cách khác có gì phạm đạo Chúa, có phải là thờ cúng ma quỷ theo ngoại đạo... chăng? ... Có lần, con chuyện trò tri kỷ với người anh ruột. Anh con lắng nghe con nói về đạo. Kết luận, anh nói: “Có lẽ đúng, nhưng tôi không bỏ cha mẹ, tổ tiên được! Mắt anh nhìn lên bàn thờ rướm lệ: “Chú nghĩ xem, công ơn cha mẹ như trời bể, tôi một ngày không thắp hương trên bàn thờ để tỏ lòng kính nhớ, thì thấy đời lạnh lẽo, tâm hồn bơ vơ. Nhà có bàn thờ, tôi thấy ấm cúng, người sống như ở bên cạnh người chết, nhắc nhở đến tiền nhân để nối chí tiền nhân, nhắc nhớ đến hậu thế để làm tròn bổn phận đối với hậu thế. Nuôi dưỡng trong tâm hồn bạn trẻ cái nghĩa lớn gia đình gia tộc, cho chúng sống ra con người có chủng tộc, bao quát rộng rãi. Bắt đầu từ bản thân, lan tràn ra gia đình, xã hội, nhân loại... không hiếu với cha mẹ thì ái quần, ái quốc, bác ác với đồng loại thế nào được? Và nói đến thờ trời, kính Chúa còn có nghĩa gì nữa”. Con cổ động anh, lại hoá ra bị anh cổ động. Con khuyên anh trở lại đạo. Anh trả lời: “Thì chú cứ trở lại với cha mẹ trước đã...”

b. Lý do sâu xa đưa đến sự ngăn cấm

Kinh Thánh ghi rõ hiếu thảo là điều răn đầu tiên của đạo yêu người, tại sao suốt 300 năm lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, Giáo hội đã có thái độ cứng rắn đối với việc thờ cúng ông bà là hình thức tiêu biểu của Việt Nam? Như bạn biết, một dân tộc nhỏ bé muốn tự tồn phải có tinh thần yêu thương đoàn kết. Có lẽ cha ông ta xưa đã thấy rõ: Muốn có được tinh thần ấy trong xã hội, phải đi từ căn bản tiểu gia đình êm đềm hạnh phúc đến đại gia đình hoà hợp yêu thương, mới dễ thực hiện tình tương thân tương ái giữa đồng bào một nước. Người xưa lập ra việc thờ cúng tổ tiên, là để nối kết mọi người trong gia tộc, nhắc con cháu nối chí cha ông. Việc thờ cúng ông bà chính là hình thức nhắc nhở hậu sinh. Mọi tế tự được giao cho người trưởng tộc chủ sự để nhắc người ấy nhớ duy
trì và phát triển tình thân trong đại gia đình, bảo toàn gia sản tinh thần của cha ông để lại. Tiền nhân chỉ sợ rằng ngày nào truyền thống yêu thương bị dứt đoạn, ngày ấy con cháu sẽ bị nguy cơ diệt chủng. Rất may, với niềm tin về linh hồn bất tử sẵn có cũng như với ảnh hưởng văn hoá Khổng Mạnh du nhập về sau, truyền thống ấy ngày càng ăn sâu vào tâm hồn dân tộc. Xét như vậy, ta thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên trong việc xây dựng gia đình và xã hội.

1. BỊ NGỘ NHẬN LÀ MỘT TÔN GIÁO

Thế nhưng, thật đáng tiếc, hoàn cảnh thế kỷ XVII đã khiến một số nhà truyền giáo ngộ nhận, cho rằng việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một tôn giáo, trong đó tổ tiên được coi như những vị thần. Ngộ nhận này một phần là do chưa nghiên cứu cặn kẽ:

- Nhiều vị tưởng rằng khi cúng lễ gia tiên, gia chủ phải đọc những lời thần bí rất tỉ mỉ. Thật ra, gia chủ không tụng kinh (đọc lớn một
công thức) cũng không niệm kinh (đọc thầm) mà chỉ nói với tổ tiên của mình như một đứa con nói với người cha hiện đang còn sống, trong ngôn ngữ thông thường.

- Nhiều vị tưởng chữ “lễ” trong lễ gia tiên có cái ý nghĩa nguyên thủy của nó là “các quy tắc của các lễ nghi tôn giáo”. Thật ra, chính Đức Khổng Tử đã giải thích chữ “lễ” theo một nghĩa khác. Theo ngài, các “lễ” hoặc các nghi thức chỉ là phương tiện cho người quân tử dùng để xử kỷ tiếp vật trong mỗi tình huống cuộc sống. Chúng nêu rõ cách ứng xử người ta phải có trong nhà, ngoài phố, ở triều đình, ở các lễ hội; chúng bộc lộ ra bên ngoài những tình cảm bên trong mà người ta cảm thấy trong tình huống này hoặc tình huống nọ. Vậy, các nghi thức chỉ là những quy phạm của phép xã giao, các quy tắc phép lịch sự mà mục đích gần nhất là giáo hóa con người. Đó là những quy luật của “lễ phép xã hội”, như chính Khổng Tử nói, khiến ngày qua ngày người ta đến gần điều thiện và tránh xa điều ác mà không ngờ. Nghi thức khi cúng gia tiên cũng mang ý nghĩa ấy, chỉ là những lễ phép bày tỏ lòng kính trọng quý mến đối với tổ tiên mình.

- Lý do mạnh nhất đẩy Giáo hội đến chỗ chấp nhận theo một thái độ ngờ vực đối với sự thờ cúng tổ tiên, chính là vì một số người tin rằng vong hồn của những người chết ở trong các bài vị, và người ta ghi rõ “đây là nơi ở của hồn (ông A, bà B)”, cách riêng là ở trong tấm lụa đặt trước bài vị, được gọi là “hồn bạch”, thường là tấm lụa đã phủ trên khuôn mặt người hấp hối và được cho là hồn đã nhập vào đó. Tuy nhiên đó chỉ là tin tưởng sai lạc của một số người. Theo những tin tưởng chính thống của người Hoa cũng như người Việt, sau khi chết, con người được coi như đã vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này để an nghỉ ở cõi “suối vàng”. Tại các từ đường, người ta chỉ giữ lại bài vị của năm đời, còn các bài vị của những thế hệ xưa được đem chôn. Nếu thật người ta tin bài vị là nơi hồn nương tựa thì sẽ không chôn như thế, vì không còn bài vị, những hồn ấy sẽ ở đâu? Vả lại, ngày nay, các gia đình dễ dàng thay thế các bài vị bằng những bức chân dung, cho thấy họ không nghĩ rằng linh hồn các bậc tổ tiên ở trong các bài vị. Nếu hồn không ở trong các bài vị thì vai trò của các bài vị ấy là gì? Dưới con mắt của người Hoa cũng như là người Việt, ít ra là của các nhà
nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.

2. MỘT SỐ THỰC HÀNH GÂY ÁI NGẠI

Những nhà truyền giáo khác khẳng định rằng người Việt không bao giờ xem tổ tiên của họ là “những vị thần”, cũng không bao giờ xem cha mẹ họ là “những vị thần tương lai”31 . Có bàn thờ dành cho Tổ tiên. Tổ tiên là đối tượng của một sự phụng tự nhưng phụng tự này chẳng là gì khác hơn một phụng tự tưởng nhớ, khác với sự thờ Trời. Do đó có thể kết luận ngay rằng sự thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo theo nghĩa đen của từ này 32 . Hơn nữa, khi truyền bá sự thờ cúng này, Đức Khổng Tử nhắm thiết lập những mối liên hệ xác thực giữa những người sống và những người chết, củng cố sự liên đới giữa các thế hệ và phát huy kỷ luật xã hội, tức là chỉ vì những mục tiêu xã hội và chính trị chứ không hề có ý tưởng tôn giáo nào. Ta cứ giả thiết như việc thờ cúng này bắt đầu có ý nghĩa từ khi có loài người, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai chữ “thờ” ấy. Con cháu thờ ông bà, thế hệ sau thờ thế hệ trước. Còn người đầu tiên của loài người thờ ai? Dĩ nhiên họ chỉ thờ Thiên Chúa. Hai chữ thờ đó khác nhau trời vực. Thờ Thiên Chúa là tâm tình của thụ tạo lệ thuộc Tạo Hoá, tùng phục Ngài một cách tuyệt đối và yêu mến Ngài với trọn tình con. Còn thờ tổ tiên là tưởng nhớ người xưa và cố gắng không làm ô danh người xưa.

Thế nhưng trong thực tế, đối với nhiều người, các nghi lễ dành cho tổ tiên cũng dần dần mang thêm một ý nghĩa tôn giáo. Người ta
đi đến chỗ thờ tổ tiên như thần thánh, và có khi dành cho tổ tiên một tâm tình thờ phượng tuyệt đối như thờ phượng Thiên Chúa. Chính đây là điều không thể nào đi đôi với giáo lý Kitô giáo. Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chân thật. Không thể thờ bất cứ thụ tạo nào như Thiên Chúa được.

Nghi lễ thờ cúng ông bà ở các thế kỷ trước quả thật có bị lây nhiễm một số tin tưởng sai lạc đáng ngại. Chẳng hạn, tin rằng hồn ông bà về hưởng của cúng. Có thể là bạn không hề tin như vậy, nhưng có nhiều người, và nhất là ngày xưa, đại đa số người mình đã tin như vậy 33. Mới đây, một người vừa gia nhập Công giáo phải giải thích cho cha mẹ hiểu là khi ông bà qua đời, anh vẫn cũng tế như người khác. Mẹ anh bảo: “Nhưng con theo Công giáo thì có cúng cũng chưa chắc cha mẹ được hưởng... ”. Người ta sợ rằng không cúng tế thì hồn người chết sẽ đói khát, không đốt vàng mã thì hồn người chết không có tiền tiêu. Những tin tưởng sai lạc như thế cũng không thể đi đôi với giáo lý Kitô giáo.

Ngoài ra còn có những mê tín khác. Các nhà truyền giáo đã tranh luận hết sức nghiêm túc qua nhiều năm, một bên cho rằng những sai lạc trên đây có thể điều chỉnh được, một bên cho là khó lòng thay đổi được não trạng của dân chúng. Cuối cùng, để bảo đảm cho niềm tin của tín hữu được tinh ròng, Giáo hội đã quyết định rằng người Công giáo chỉ được tôn kính tổ tiên theo cách Giáo hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Giáo hội biết đây là một chọn lựa phải trả giá đắt, rất bất lợi cho công cuộc truyền giáo. Trước khi có quyết định ấy, số người hưởng ứng Đạo Chúa tại Việt Nam càng lúc càng đông, cả đến
trong triều đình vua Lê cũng có nhiều người theo Đạo. Việc cấm thờ cúng tổ tiên theo lối cũ đã khiến người ta tẩy chay tôn giáo mới, thậm chí đã thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân. Đã hẳn việc cấm thờ cúng nói đây có phần do ngộ nhận nhưng dù sao nó cũng cho thấy đức tin Kitô giáo phải là một chọn lựa quyết liệt đến mức nào.

c. Quan điểm mới của Tòa Thánh

Mãi đến thế kỷ 20, khi ngộ nhận trên đã được giải tỏa và những tin tưởng sai lạc kia cũng không còn phải là chuyện chung của quảng đại quần chúng, năm 1964, Toà Thánh đã chấp thuận cho người Công giáo Việt Nam được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về vấn đề này.

Sau phần đầu nhắc lại mấy nguyên tắc về thái độ của Giáo hội đối với nền văn hoá và truyền thống của dân tộc, bản thông cáo nói đến thể thức áp dụng Huấn thị “Plane compertum est” của Toà Thánh. Nguyên văn:

1. Nhiều hành vi, cử chỉ xưa, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo,
nhưng nay vì tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quá đã thay
đổi nhiều, nên chỉ còn là những cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính
đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ,
nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo
chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích
cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ,
và tuỳ theo trường hợp.

Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh,
có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu
thảo, tôn kính, hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ
(như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng đèn
hoa, tổ chức ngày kỵ giỗ) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

2. Trái lại, vì có nghĩa vụ bảo vệ cho đức tin Công giáo được tinh
tuyền, Giáo hội không thể chấp thuận cho người tín hữu có những
hành vi, cử chỉ hoặc tự nó hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo
trái với giáo lý mình dạy.

Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo
lý Công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng tùng phục và sự lệ
thuộc của mình đối với một thụ tạo như là đối với Thiên Chúa) hay
những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những
nơi dành riêng cho việc tế tự (của các tôn giáo khác)... thì giáo hữu
không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ
được hiện diện một cách thụ động, như đã ấn định trong giáo luật
khoản 1258.

3. Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo thì phải
dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân
chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một
tôn giáo (ngoài Kitô giáo) mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì
được coi như không trái với đức tin, nên được thi hành và tham dự.

Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo
tiếng lương tâm lúc ấy: Nếu cần thì phải giải thích chủ ý của mình
một cách thật khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ
được có tính cách thụ động.

Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà
xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi,
mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán
theo chỉ thị của Toà Thánh, và sẽ bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.
Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông
cáo này không những trong những nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp,
không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài Công giáo.

d. Từ đạo hiếu dưới đất tới đạo hiếu trên trời

Trong lịch sử, việc thờ cúng tổ tiên theo truyền thống Việt Nam không chỉ gây hao tốn giấy mực tranh cãi giữa các nhà truyền giáo, nhưng còn kéo theo một thực tế bi hùng. Nhiều người ngoài Công giáo thà mất Nước Trời hơn là bỏ ông bỏ bà, như câu thơ tha thiết của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu:

Thà đui giữ lấy đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

Đang khi đó người Công giáo thì chọn lựa ngược lại. Có hàng vạn Kitô hữu đã chấp nhận chết vì dành cho đạo hiếu đối với Cha Cả trên trời sự ưu tiên vượt trên đạo hiếu đối với tổ tiên dưới đất. Giờ đây sóng gió đã qua nhưng bài học còn mãi. Trong lễ kỷ niệm các vị tuẫn đạo tại Việt Nam, Giáo hội đã thốt lên lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã làm cho xuất hiện trên toàn cõi Việt Nam rất nhiều chứng nhân anh dũng cho Chúa: Vì lời các đấng ấy bầu cử, xin Chúa thương ban cho mọi dân tộc nhận biết chỉ có Chúa là Cha thật và phụng sự Chúa với hết tình con thảo” .33b

Đang khi tưởng nhớ các vị tuẫn đạo Việt Nam, Giáo hội cầu nguyện cho mọi dân tộc nhận biết Thiên Chúa tuyệt đối, chỉ có Ngài là Cha thật của mọi người và là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Lời nguyện ấy đặt các Kitô hữu Việt Nam trước một trách nhiệm rất lớn với hai chiều kích: Phải sống thật tuyệt vời cả về đạo hiếu trần gian lẫn đạo hiếu trên trời, để giúp cho cả đồng bào người Việt lẫn các dân tộc trên thế giới nhận biết tình cha của Thiên Chúa.
 
 ------------------------------------------------------------
31 Chỉ một số nhỏ tiền hiền ở các địa phương được các triều vua phong thần làm
“thành hoàng” của làng xã, với cái nhìn tương tự như các thánh bổn mạng trong
Kitô giáo chứ không phải là những vị thần đúng nghĩa.

32 Chúng ta vẫn thường được nghe trả lời như sau: “Chúng tôi chỉ thờ cúng ông bà
chứ không theo đạo nào cả.”

33 Có thể nêu ví dụ từ quyển “Tập Văn tế mẫu Cúng Gia Tiên”, Thái Vy biên soạn,
Nxb Thanh Hóa, 2007. Phần I của tập này có 16 mẫu văn tế gia tiên. 11 mẫu ghi:
“Nhân ngày... theo nghi lễ cổ truyền, kính cẩn sắm sửa các loại lễ vật gồm...”, trong
đó có 8 mẫu ghi thêm: “Kinh dâng... và các vị tiên linh tổ bá, tổ thúc, tổ cô, các vong
linh phụ thờ theo tổ tiên cùng về phối hưởng”. Cụm từ “theo nghi lễ cổ truyền” cho
thấy các lễ vật ở đây mang tính tượng trưng, và vì thế cụm từ “cùng về phối hưởng”
cũng mang ý nghĩa tượng trưng. Tuy nhiên có thể lắm độc giả không nhận ra được
nét ý nhị nơi mấy chữ “theo nghi lễ cổ truyền”.

33b Lễ các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam, Ngày 1 tháng Chín, SÁCH LỄ RÔMA, Ủy
ban Giám mục về Phụng vụ, Sài Gòn 1971, trang 745


(Trích Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, Về với cội nguồn, Nxb Phương Đông, Tủ sách Nước Mặn, Giáo phận Qui Nhơn, 2013, Tr. 129-145)

 
Tác giả bài viết: Lm. TTT Võ Tá Khánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 16
  • Khách viếng thăm: 13
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 90759
  • Tổng lượt truy cập: 12235019