Trang mới   https://gpquinhon.org

Cha Auguste Macé Sĩ (1844-1885)

Đăng lúc: Thứ ba - 30/09/2014 19:16
CHA AUGUSTE MACÉ SĨ
 (1844-1885)



“Không gì đem lại sự tin cậy và thanh thản bằng biết mình đang ở chỗ mà Thiên Chúa muốn”
Auguste Macé



Trích dịch từ
ADRIEN LAUNAY,
Nos missionnaires précédés d’une étude historique
sur la Société des Missions Étrangères
,
Retaux-Bray, Paris, 1886, tr. 207-307


Đầu óc linh hoạt, trí tuệ rất cởi mở, không lay chuyển trong các ý tưởng của mình, một lòng đạo đức nồng cháy và suy lý, Cha Macé là hậu duệ xứng đáng của những người nông dân xứ Vendée, hào hiệp đến hy sinh, đôi khi thẳng thắn đến thô bạo, những con người bổn phận, đặt bổn phận lên trên hết, bởi vì bổn phận là mệnh lệnh của Thiên Chúa.

I

Ngài sinh ở Bazoges-en-Paillers, ngày 19 tháng 6 năm 1844, và đã học ở tiểu chủng viện Chavagnes. Chính nơi đây Thiên Chúa đã tỏ cho ngài định mệnh mà Người kêu gọi ngài hướng đến, và nếu có một sự gì gây ấn tượng mạnh trong đời sống của ngài thì chắc chắn đó là tính kiên trì để đạt được mục đích, một mục đích sớm bộc lộ nhưng đạt được cách chậm chạp.

Từ mười một hoặc mười hai năm nay, ngay lúc con ở Chavagnes, tiếng từ Trời đã gọi con đến với ơn gọi cao quý này. Một ngày nọ, ngay sau khi rước lễ, con thấy mình ở bên trong một ánh sáng khó tả và đột nhiên được ân sủng thôi thúc tâm hồn, con đặt tay lên ngực và con thốt ra những lời này: “Vâng, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ là nhà truyền giáo!” Từ lúc đó, thưa cha kính yêu, chưa bao giờ con trải qua một ngày nào mà lại không nghĩ đến điều chắc chắn này, hoặc lại không làm điều gì cho ý hướng này. Cho đến lúc ấy, sức khoẻ của con đã là một trở ngại không thể vượt qua được. Tất cả những người con đã tham khảo ý kiến, các y sĩ hoặc những người khác, đều không tin rằng con có thể thành công. Còn con, dựa vào sự cứu giúp của Thiên Chúa và đầy lòng tin cậy Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, con đã không bao giờ do dự một giây phút nào. Con đã không bao giờ tuyệt vọng ngay cả khi con một mình chống lại toàn vũ trụ. Con đã hoãn việc thực hiện dự định của con; nhưng từ bỏ hẳn nó, thì không bao giờ, chính là vì hình như con cảm thấy rằng hành động như vậy, con sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và Đức Thánh Nữ Trinh, những Đấng mà, theo con nghĩ, đã bảo đảm sẽ trợ giúp con. Tin cậy vào các Ngài và can đảm lên! Đó luôn luôn là khẩu hiệu của con.

Chính bằng những lời này, thừa sai Macé đã thuật lại cho cha mình nguồn gốc ơn gọi tông đồ của ngài, khi báo cho cha ngài biết việc mình vào Chủng Viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài.

Quả thực, trong mười một năm, trong nhiều địa vị khác nhau, ngài chỉ có một ước muốn: là nhà truyền giáo. Trước là ý muốn của bề trên sau là bệnh hoạn đã giữ ngài lại; ngài đã không lo lắng, không buồn phiền, không tuyệt vọng; nhìn lên trời, không trách móc hiện tại, không sợ tương lai, ngài đã sống trong hy vọng, hay nói đúng hơn và thật hơn, trong sự chắc chắn thành công. Ngài đã nghiên cứu ơn gọi của ngài dưới tất cả mọi mặt; sau khi đã học các nguyên tắc nhận biết ơn gọi, ngài đã áp dụng chúng.

Ngài viết từ năm 1865: “Trong việc xem xét một ơn gọi, phải suy nghĩ, với một ý hướng trong sạch và ngay thẳng, cầu nguyện nhiều, nói chuyện với Đức Thánh Nữ Trinh, sẵn sàng thực hiện ý muốn của Thiên Chúa dù là ý muốn thế nào đi nữa, lượng xét những ý hướng của mình, các phương tiện và sức lực của mình, đặt mình theo quan điểm vì vinh quang của Thiên Chúa, sự chết và sự vĩnh cửu, cuối cùng cầu viện đến một vị hướng dẫn có kinh nghiệm và hoàn toàn theo các ý kiến của ngài. Mỗi bậc sống đều có những thế lợi và những vất vả của nó; bất cứ đâu người ta cũng đều thoải mái khi người ta ở đó bằng cách vâng theo ý muốn của Thiên Chúa.

“Tôi muốn làm nhà truyền giáo. Chắc chắn đó là một dự định rất nghiêm trọng và không thể được suy nghĩ chín chắn quá lâu. Đây không phải là trò chơi con trẻ khi dứt khoát với thời niên thiếu, cắt đứt hàng nghìn mối quan hệ gia đình, tổ quốc, từ khước mọi niềm vui, mọi hạnh phúc trần thế, tự nguyện đày đoạ mình cho đến chết phải chịu những thiếu thốn liên tục, những đau khổ triền miên. Đối với tôi, cho dù niềm hy vọng và giấc mộng tương lai của tôi là gì đi nữa, hẳn là tôi cũng không muốn dấn mình vào một sự nghiệp mà không thật chắc chắn về ơn gọi của mình.

Vả lại, không thoả mãn với việc thăm dò tâm hồn, ngài tìm kiếm trong các tình huống bên ngoài dấu hiệu của ý muốn Thiên Chúa; không gì phải vội vã, ngài nhẫn nại bởi vì ngài mạnh mẽ, và ngài mạnh mẽ bởi vì được soi sáng và dẫn dắt bởi đức tin.

Khi ngài được bổ nhiệm làm giáo sư toán, và sau đó làm giám luật ở Tiểu Chủng Viện Sables d’Olonne, ngài không xúc động chút nào; ngài viết cho chị mình, người được tin cậy để chia xẻ những niềm vui và những nỗi đau khổ của ngài: “Và em tin chắc rằng chức vụ mới đã được phó thác cho em do một sự sắp đặt hiển nhiên của sự Quan Phòng Thiên Chúa, do đó, đến lúc làm việc gì thì em làm việc đó mà không quá lo lắng bất cứ điều gì. Không gì đem lại sự tin cậy và thanh thản bằng biết mình đang ở chỗ mà Thiên Chúa muốn. Không phải là em quên Hội Truyền Giáo Nước Ngoài, nhưng hiện nay em chỉ thấy nó ở một nơi xa bất định, và em bình tĩnh chờ đợi thời cơ thuận tiện xuất hiện, sớm hơn một chút hay chậm đi một chút. Các chức vụ của em là thật khó khăn, em biết, nhưng em đã không thể nào tránh né chúng và bây giờ em phải ra sức làm cho trọn. Dù xảy ra thế nào cũng được. Nói về việc đầu hàng cái mà em tin là một bổn phận thì em thà để cho mình bị xẻ ra làm tư hơn là chịu thua, và dầu là người lớn hay trẻ em thì đều phải bước đi, và nhanh nhẹn.”

“Phải bước đi và nhanh nhẹn”, ngài nói điều đó và đúng như vậy; ở Sables, người ta không quên người giám luật trẻ mà bàn tay sắt không phải lúc nào cũng bọc nhung này. Chính vì thế, như chính ngài đã nói rằng “với lòng khát khao cứng nhắc và kiên quyết để đạt điều thiện và vì điều thiện”, ngài chạm trán với những trở ngại bằng một sự mạnh mẽ có lẽ là thiếu sự mềm dẻo; trong linh hồn ưu tú này, người ta đã muốn một điều gì đó dịu dàng một chút để đem lại cho tính kiên quyết những nét hài hoà.

Một công đôi việc; trong vài năm, ngài đã học năm ngôn ngữ: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Nga. – Tôi không biết tôi được sai đi đến đâu, ngài nói, nên tôi chuẩn bị mọi sự.

Các công việc và các giấc mơ đã không ngăn cản ngài nhìn xem thế giới tiến hành như thế nào, hoặc đúng hơn là Giáo Hội Công Giáo, “Mẹ thánh, vĩ đại và dịu dàng này” như ngài gọi. Ngài viết năm vào năm 1870 rằng: “Định nghĩa về ơn Bất Khả Ngộ khiến tôi hết sức quan tâm đến đến nỗi tôi tự nguyện giữ lại bệnh viêm thanh quản của tôi trong vòng mười năm, nếu điều đó là cần thiết để đạt được điều ấy”. Vào thời kỳ này, những cơn đau của ngài đã trở nên dữ dội hơn, ngài đã không lo lắng hay lo sợ hơn về chúng.

Sự bình tĩnh không thể lay chuyển, sự thanh thản và niềm vui tâm hồn mà thừa sai Macé mang đi khắp nơi, chính ngài sắp nói cho chúng ta biết nguồn của chúng.
Có bao giờ người ta cô độc hoặc đau khổ khi người ta gắn kết với một mình Thiên Chúa không? Không phải người ta gặp thấy Người khắp nơi, luôn luôn, lúc nào cũng đáng yêu đáng mến như vậy sao? Sự buồn phiền là những niềm vui khi ta trút chúng vào trong trái tim của Người, và ta chịu đựng chúng vì tình yêu đối với Người. Không có gì buồn hơn là sự buồn. Điều đó không dẫn đến cái gì tốt cả. Ngược lại, một niềm vui dịu dàng, một sự vui vẻ dễ thương với tất cả mọi người, trong tất cả mọi tình trạng của tâm hồn, làm nên một điều tốt vô biên. Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa hết sức chúng ta, và hãy vui vẻ làm theo ý muốn của Người trong mọi sự.” Rồi sự tín thác  vào Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm nâng đỡ ngài, và tận đáy lòng, ngài dâng lên Người kinh nguyện này: “Ôi, lạy Mẹ Maria! Con ở đâu, nếu không có Mẹ? Mỗi bước chân cuộc đời của con, con đều gặp lại Mẹ, ôi bạn, ôi mẹ, ôi thiên thần hộ thủ dịu dàng! Bàn tay Mẹ ngọt ngào và mạnh mẽ đẩy con đến một cái đích nhân hậu. Nếu con bước hụt trên đường, Mẹ đỡ con; nếu con ngã xuống, Mẹ nâng con dậy, nếu con lạc lối, Mẹ đưa con về. Ôi dịu dàng, ôi dịu ngọt, ôi dịu hiền, ôi Maria! Mẹ tốt đối với tất cả mọi người, nhưng đối với các con cái của Mẹ, Mẹ là một phép lạ tình yêu!

Sự nhẫn nhục kiên cường của ngài là thật, nó không phải là một mặt nạ ngài dùng để che; ngài đứng vững hứng chịu tất cả mọi sự tấn công và không yếu đi: Spes contra spem (vẫn trông cậy dầu hết lẽ cậy trông – Rm 4, 18) hình như là khẩu hiệu của ngài.

Sau một ngày các y sĩ tuyên bố là không bao giờ ngài có thể là nhà truyền giáo, và vị hướng dẫn của ngài xác quyết điều định đó, ngài đã viết: “Nếu tôi chiến đấu ngoan cường hơn bao giờ hết thì đó cũng là vì tôi có ít hy vọng hơn; dường như là ơn gọi và cuộc đời mà tôi đã đánh cược và đã thua ngày hôm ấy. Vả lại, dẫu điều gì xảy ra, tôi cũng sẽ không bao giờ đầu hàng. Mục đích luôn ở trước mắt tôi, và tôi sẽ làm tất cả mọi cố gắng có thể hình dung được để đạt đến đó.”

Ngài đã cố gắng với tất cả nghị lực có thể được; nhưng căn bệnh hình như không muốn rời bỏ ngài. Uổng công ngài hỏi ý kiến nhiều y sĩ; uổng công ngài đi cầu xin được lành bệnh mau chóng, trước tiên là ở Lộ Đức, sau đó là ở suối nước Canterets: trời không chịu nghe những lời cầu xin của ngài, còn đất thì bất lực. “Ma quỷ nắm lấy tôi ở cổ họng, và nó giữ chặt. Uổng công tôi đã khuấy động trời đất, tôi đã không thể thoát khỏi Sables, và trong tình trạng sức khoẻ hiện tại của tôi thì ra đi là một điều khinh xuất. Tôi nhận biết rõ ràng ý muốn của Thiên Chúa trong những gì xảy đến cho tôi, và không rời bỏ nửa bước những dốc quyết ban đầu của tôi, tôi chờ đợi lúc thuận lợi được tỏ rõ trong các lời khuyên của Quan Phòng Thiên Chúa.”

Cuối cùng, thời khắc đã đến, và ngài viết cho người chị thân yêu của ngài: “Chị đã hiểu,chị thân mến, đây là tương lai của em. Từ nay ván đã đóng thuyền dứt khoát: không có gì ở thế gian sẽ làm cho em lùi lại một bước. Thời gian còn lại em phải trải qua ở đây, trôi đi nhanh chóng. Trời cuối cùng đã lên tiếng, những nguyện ước của em được thoả lòng. Từ bây giờ chị hãy dâng cho các Trái Tim cực thánh của Đức Giêsu và Đức Maria đứa em thân thương này mà các Ngài xin chị, và hãy cam chịu thánh ý của các Ngài. Em vừa nói gì thế nhỉ? Cam chịu à! Đúng hơn, chị hãy vui mừng vì các Ngài đã khấn nhìn đến em để làm cho em trở thành nhà truyền giáo và tông đồ của các Ngài! Đó là một vinh quang lớn cho em và cũng là một vinh quang lớn cho chị. Bản tính chịu đau khổ, nhưng đức tin hướng mắt lên trời. Mối đau khổ là lớn, nhưng các phần thưởng trên trời còn lớn hơn nhiều. Trái đất không phải là quê hương, và muốn cố định lại ở nơi đây thì không phải là khôn ngoan. Trên trời, ở trên trời! Đó là nơi đoàn tụ của chúng ta, nơi an nghỉ của chúng ta. Ở trần thế này, tất cả đều qua đi, đều già đi và đều chết!

II

Tháng 9 năm 1874, thừa sai Macé vào Chủng Viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài, và một năm sau, ngài đi đến Đông Đàng Trong.

Cuối cùng, khi chạm đến miền đất rất ước ao này, ngài kêu lên: “Trong ngày này, trên đất này, nơi con đến để vắt hết sức lực và chết, như từ trên cao một giàn thiêu hoặc một thập giá, con dâng hiến mình cho Chúa, ôi, lạy Thiên Chúa của con! Qua bàn tay dịu dàng của Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội, làm vật hiến sinh của Chúa, vì phần rỗi của các linh hồn tội nghiệp này, và để cho vinh quang của Chúa được cả sáng hơn. Con không từ chối làm việc lâu dài, con sẵn sàng chết. Con dâng trước cho Chúa những việc làm của con, những nỗi buồn của con, những đau khổ của con, những điều nhục nhã của con, sự sống của con và hơi thở cuối cùng của con. Tất cả là cho Chúa, nhờ Đức Maria, với Đức Maria, trong Đức Maria, bây giờ và mãi mãi.

“Ôi Maria! Mẹ hãy đối xử với con như một người mẹ đối xử với con mình, nhưng cũng như một nữ hoàng đối xử với người lính của bà.

Sau khi đã học tiếng trong một xứ đạo nhỏ gần trường Làng Sông, ngài được gởi vào tỉnh Phú Yên và phụ trách một hạt có mười ba xứ đạo. Giáo xứ Cây Da, nơi Cha Chatelet đã tử đạo, ở trong số này.

Nhà truyền giáo trẻ bắt đầu làm việc hăng say. Đôi khi ngài rời xa các giáo dân để đi thăm một trong các bạn đồng hội của mình. Ngài viết cho bà chị:

Em vừa đi thăm người bạn láng giềng, thỉnh thoảng em đến đó.
“Em đã xưng tội và đã kể lại cho ngài những công việc của em, em đã xin ý kiến ngài về những nỗi khó khăn của em; sau bốn mươi tám giờ, em đã bắt tay ngài thật chặt và ôm ngài thân tình, rồi lên ngựa, tạm biệt và hẹn gặp lại. Em thật sung sướng.”

Đời sống của nhà truyền giáo thật cam go, công việc thì nặng nhọc, cuộc chiến thì khó khăn cho nên có bên mình một người anh em mà mình có thể cởi mở tâm hồn, thổ lộ những cực nhọc, những lo âu và những sợ hãi thì đó là một niềm vui thực sự và ấm áp.

Các tu hội hiến thân làm việc tông đồ không phải là không biết điều đó, đặc biệt là Hội Truyền Giáo Nước Ngoài biết rõ điều đó; sự tồn tại hai trăm hai mươi lăm năm không phải là đã cho Hội có kinh nghiệm về tất cả những khó khăn và những nhu cầu của đời sống tông đồ sao? Bởi đó, điều lệ của Hội buộc các giám mục phải “phân bổ các nhà truyền giáo thế nào để họ không bị cô lập quá đáng”. Vì thế, sự cô lập này không bao giờ là tuyệt đối, nhưng than ôi! trừ những lúc mà các cuộc bách hại thường xuyên xảy ra.

Nhưng các sử liệu các vị tử đạo và các thư của các chứng nhân đức tin đã nói lên khá rõ rằng chính những khi bị bách hại là những lúc mà ân sủng trở nên mạnh mẽ, nó thay thế lời nói của bạn hữu và sự chúc lành của một linh mục.

Vả lại, điều lệ còn đi xa hơn nữa: người ta khuyên nên xếp hai nhà truyền giáo sống cùng nhau, hoặc ít nhất là một nhà truyền giáo và một linh mục bản xứ; ngày nay số các nhà truyền giáo đã tăng lên, nên đó là điều được thực hành khắp nơi, ngoại trừ có lẽ là trong vài xứ truyền giáo mà sự phân tán quá lớn các giáo dân không cho phép làm điều đó.

Thực sự, khi xếp hai linh mục ở chung với nhau thì có thể nhờ đó mà giảm đi một nửa số trung tâm hoạt động, nhưng trong vài trường hợp, điều này ngăn cản một phần lớn giáo dân sống rải rác trên một diện tích rộng 50.000, 60.000 hoặc 80.000 cây số vuông, họ không thể tham dự thường xuyên hy lễ thánh hoặc siêng năng lãnh nhận các bí tích; điều đó hạn chế những cuộc thăm viếng trong mỗi hạt, để lại nhiều khó khăn đang bỏ ngõ, nhiều cuộc trở lại nửa chừng; tóm lại, đó là làm suy yếu đời sống Kitô hữu về nhiều mặt mà cũng không làm mạnh mẽ hơn về nhiều mặt khác.

Để phòng ngừa những điều bất lợi này, người ta chỉ đặt một linh mục duy nhất trong mỗi nhiệm sở; nhưng đồng thời, để cho ngài có phương tiện giữ gìn sự sốt sắng cần thiết, điều lệ quy định rằng cứ mười lăm ngày, ngài phải xưng tội một lần, và trong những trường hợp rất hiếm, ngài không được qua một tháng mà không làm tròn bổn phận này.

III

Sau năm tháng làm việc, Cha Macé đã điều hành đến mười giáo xứ trống chỗ.

Ngài viết: “Người ta nói rằng tôi đã quá vội và làm quá nhiều việc cùng một lúc. Tôi chỉ có một hối tiếc là đã không làm nhiều hơn nữa, và nếu có khi nào tôi có dịp tái xuất hiện trên vũ đài, tôi sẽ cố gắng bù lại những tháng nghỉ ngơi quá dài đã áp đặt cho tôi”.

Theo lệnh giám mục, nhà truyền giáo trẻ quả thực đã phải đi đến Nhà điều dưỡng được Hội Truyền Giáo Nước Ngoài thiết lập ở Hồng Kông.

Năm 1843, Hồng Kông chỉ là một hoang đảo. Sau cuộc chiến đầu tiên chống lại Trung Quốc, người Anh đã chiếm lấy nó, một thành phố đã được xây dựng lên ngay lập tức: các chi nhánh thương mại, nhà ngân hàng, nhà thờ, dinh thự mọc lên nhanh chóng; đồi và núi đá khô cằn và trơ trụi cho đến lúc bấy giờ, đã nhanh chóng phủ đầy những bãi cây nhỏ, vườn tược, vườn cây ăn quả bao quanh các ngôi biệt thự xinh xắn; hải cảng cách đây không lâu là hang ổ thực sự của bọn cướp đã trở thành nơi tụ họp tất cả các tàu thuyền của thế giới.

Hội Truyền Giáo Nước Ngoài đã không lần lữa chuyển sang Hồng Kông trụ sở quản lý mà Hội đã có ở Ma Cao; sau đó, Hội đã thành lập tại đây một Nhà điều dưỡng cho các thừa sai ốm đau. Chính trong nhà này, được sự ân cần chăm sóc sáng suốt của một vị bề trên lúc nào cũng tận tâm, Cha Macé đã sống gần một năm.
Khi trở lại xứ truyền giáo, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư tu từ học và quản lý ở nhà trường Nước Nhỉ.

Các giáo sư nhà trường này cũng được ủy thác chăm sóc hai giáo xứ lân cận và trông nom một cô nhi viện. Cha Macé đã làm việc hết lòng, và năm 1879, ngài đã rửa tội cho 53 người lớn và 340 con em của những người ngoại giáo; đồng thời, ngài dịch sang tiếng Annam một số sách giáo khoa. Ngài nói: “Thật khó khăn biết bao khi phải làm một bài tập mẫu về Cicéron bằng tiếng Annam … Nhưng, với ân sủng của Thiên Chúa, người ta sẽ làm điều gì đó về tu từ học, địa lý, lịch sử, v.v.” 

Năm 1880, ngài đã bị lây bệnh đậu mùa từ chiếc gối đầu giường của một bệnh nhân; ngài đã tin là mình sắp chết. Đấng Quan Phòng đã cứu ngài để dành lại cho một cái chết vinh quang hơn. Sau đó ngài viết cho bà chị: “Em nghĩ là em sẽ chết vì bệnh đó, Thiên Chúa đã quyết định cách khác, chúc tụng Người! Sống và chết, điều đó đối với em hầu như là như nhau cả. Hy lễ của em đã sẵn sàng từ lâu, vả lại, da của em không quá đắt giá! Một mình, ở cách gia đình em bốn ngàn dặm, em nghĩ rất nhiều đến tất cả và mỗi người bà con và bạn bè! Khi em cảm thấy quá mệt, em lê người đến bàn để viết cho chị một lời từ biệt cuối cùng, một lời hứa tưởng nhớ luôn mãi. Em đã nhớ đến những lời sau cùng của mẹ lúc sắp chết: “Chết không phải là quá khó”. Bây giờ, kìa, em đã sống lại. Nhưng em hạnh phúc là đã chịu đau khổ: sự đau khổ, kết hợp với tình yêu, là đồng tiền người ta mua nước trời.”

Khi những sự thù địch bắt đầu, và sự căm ghét của người Annam hầu như được buông thả, thì Cha Macé vừa mới được bổ nhiệm làm Bề trên Chủng Viện Nước Nhỉ đã nghĩ ngay đến sự tử đạo. Ngài nói: “Nếu ở đó có lưỡi dao cùn nào đấy để cắt cổ tôi, thì tôi tin là tôi sẽ xắn tay áo lên để giúp mài nó cho bén.”

Khi gia đình và bạn bè khiếp sợ vì những nguy hiểm ngài gặp phải, ngài trả lời họ rằng: “Nào bà con và các bạn đừng lo lắng: tôi đã đến đây chính xác là để có một cơ may hơn là ở nước Pháp, là được chết vì Thiên Chúa nhân lành.” Và đến giờ cuối cùng, khi ngài thấy ở xa ánh sáng lờ mờ của những ngọn đuốc cháy, khi ngài nghe tiếng la hú của những kẻ sát nhân, ngài không tái mặt, cũng không run rẩy. Mạnh mẽ trong sự chết cũng như sự sống, ngài viết cho gia đình rất thân yêu những lời từ biệt cuối cùng:

Từ vài ngày nay, trong tỉnh lân cận, tất cả đều chìm trong lửa và máu, vô số giáo dân và có lẽ nhiều Cha đã bị giết, tất cả đều bị cướp và đốt. Ở đây, điều đó cũng xảy ra từ một ngày rưỡi nay. Rất có thể là người Pháp đã không thể dập tắt cuộc nổi dậy kịp thời, và chúng tôi phải gánh chịu những bất hạnh cho đến bây giờ và có lẽ còn lâu hơn nữa. Tình thế vậy là rất nghiêm trọng, và tôi không biết Thiên Chúa dành cho chúng tôi điều gì. Tôi, cũng như nhiều người khác, đều ở trong tay Người; xin cho ý Người được thể hiện!

Tôi đã luôn luôn ước muốn được chết đi vì Người, và chính là để có cơ may này mà tôi đã đến Annam; vậy, nếu điều đó xảy ra, thì ước nguyện của tôi sẽ thành hiện thực.

Trong tất cả các ân sủng mà lúc nào tôi cũng xin Đức Thánh Nữ Trinh, được chết đi vì Chúa là ân sủng duy nhất mà Người đã không ban cho tôi: vậy thì, nghìn lời tạ ơn, nếu điều đó xảy ra.

Trước khi chết, trái tim tôi bay đến bà con và các bạn để nói với bà con và các bạn rằng tôi đã luôn luôn yêu mến, và sẽ luôn luôn yêu mến bà con và các bạn.
Tôi hy vọng Thiên Chúa, lưu tâm đến lòng nhân từ vô biên của Người, và Đức Thánh Nữ Trinh mà tôi hằng yêu mến, sẽ vui lòng chấp nhận tôi vào thiên đường của các Ngài. Chính ở đó, tôi hẹn gặp bà con và các bạn. Đừng có ai vắng mặt khi điểm danh; bà con và các bạn biết đường dẫn đến đó, hãy luôn luôn đi theo nó, hoặc hãy trở về lại đó thật nhanh và đừng bỏ nó nữa. Từ trên ấy, tôi sẽ cầu cho tất cả bà con và các bạn, và cho mỗi người.

“Nào! Can đảm lên! và đừng đau buồn. Tôi thanh thản tận đáy lòng, và tôi phó thác hồn xác trong tay Đức Giêsu và Mẹ Maria. Các Ngài sẽ làm cho tôi trở thành cái các Ngài muốn.
Vĩnh biệt tất cả, bà con và bạn bè. Tôi xin mỗi người tha thứ cho những thiếu sót của tôi đối với mỗi người, như tôi thân tình tha thứ cho tất cả những ai đã có thể làm cho tôi đau khổ.
“Vĩnh biệt! cha thân yêu, Jean-Baptiste, Marie, Joséphine! Vĩnh biệt!
“Thân ái với mọi người,
                                               “Henri MACÉ,
                                               “Linh mục thừa sai”
 
“T.B. – Lạy Thiên Chúa, xin cho cái chết của con có thể bảo đảm phần rỗi của mỗi người thân thuộc của con trên trần gian này và có ích cho các Kitô hữu, đặc biệt cho những người ngoại giáo của xứ truyền giáo thân yêu này. Cha, anh, các chị, các cháu gái, các cháu trai, vĩnh biệt! Con gởi đến tất cả nụ hôn cuối cùng của con trên thập giá.”
 
 IV

Cha Hamon đã gởi cho chúng tôi vài chi tiết về những lúc sau cùng của người bạn đồng hội chúng tôi, về sự sụp đổ chủng viện và giáo xứ Nước Nhỉ; chúng tôi xin tóm tắt ở đây.

Sau khi nhận lệnh Đức Cha Van Camelbeke bảo phải chạy trốn vào Qui Nhơn cùng với tất cả các giáo dân của mình, Cha Macé đã chuẩn bị sẵn sàng mọi sự để trốn đi. Ngài cho các giáo dân đi từng đoàn nhỏ để dễ dàng đánh lừa người ngoại giáo hơn. Nhưng vừa khi bắt đầu ra đi thì người ngoại giáo đã nhận thấy và lập tức bao vây cộng đoàn giáo dân và chủng viện. Cha Macé lập tức gọi các trưởng làng đến và báo cho họ ngài sẽ ra đi vào khoảng bốn giờ sáng, và nếu người ngoại giáo mưu toan chống lại, thì ngài sẽ dùng vũ khí để mở cho mình một lối đi: cuối cùng, ngài buộc họ phải chịu trách nhiệm về mọi tổn hại gây ra cho chủng viện. Các trưởng làng cam đoan về những ý hướng hoà bình của họ và rút lui. Đang đêm, một cựu chánh tổng đã sai các phái viên mật đi xúi giục người ngoại giáo nổi dậy, và tập họp họ lại để bao vây chủng viện và có thể chiến đấu hiệu quả trong trường hợp giáo dân chống trả. Trong trận chiến này, quả thực, điều rất hiếm trong lịch sử Kitô giáo, các giáo dân đã cố dùng sức mạnh để đẩy lùi sức mạnh. Không nên nhìn đây là sự mâu thuẫn giữa lối cư xử của các giáo dân ngày nay và lối cư xử của các Kitô hữu ngày xưa là những người, thay vì chống lại các đao phủ, họ vui vẻ chấp nhận đổ máu mình ra vì Đức Giêsu Kitô. Sự mâu thuẫn chỉ là vẻ bề ngoài và xuất phát từ sự khác nhau hoàn toàn của hai tình huống. Các Kitô hữu được thúc đẩy bởi cùng những tình cảm như các vị tử đạo; nhưng những kẻ tấn công họ không phải là những đại diện của một thẩm quyền hợp pháp, họ không đến do lệnh của một chính quyền đã được thiết lập, căn cứ vào một luật pháp hoặc một sắc lệnh; họ là những bè lũ phản nghịch, không có sự ủy quyền hợp thức, chỉ tìm sự cướp bóc và giết người. Nếu trước những kẻ tấn công khác, thì vì tôn trọng Xê-da, các Kitô hữu đã quỳ gối xuống, và không có vũ khí nào khác ngoài sự cầu nguyện và sự kiên nhẫn, họ chết như cha ông của họ đã chết, như con cái của Giáo Hội Công Giáo biết chết.

Cha Hamon nói tiếp: “Người ngoại giáo tụ họp lại một cách hết sức âm thầm đến nỗi ở trong chủng viện người ta không hề nhận thấy. Sau khi tham dự thánh lễ và một số đông đã rước lễ, giáo dân chuẩn bị ra đi, thì bỗng dưng họ thấy lửa bốc cháy trên mái của một căn nhà, và lập tức một tiếng hô rất to vang lên chung quanh vòng rào tre. Cha đáp lại bằng một phát súng pháo, và với bốn năm súng trường và khẩu đại bác, ngài đã có thể cầm cự cuộc tấn công của hàng nghìn quân địch từ bốn giờ sáng đến tận một giờ chiều. Lúc bấy giờ, đạn dược đã cạn, thấy các giáo dân hốt hoảng chạy trốn tứ phía, Cha Macé trốn vào nhà nguyện trong khi những kẻ thù đi vào tu viện các nữ tu và tàn sát năm trăm người đang trốn ở đó. Trong vài phút, khi Cha vẫn còn quỳ ở chân bàn thờ để hiến tế mạng sống mình cho Thiên Chúa, thì ngài bỗng nghe thấy những kẻ cắt cổ giết người chất đống chung quanh vách nhà nguyện những bó củi vụn, rơm rạ, củi lớn và những bụi gai: nhọc công vô ích, các tường bằng đất không bắt lửa chút nào; nhưng khói ùa vào qua các kẽ nứt to tướng có nguy cơ làm ngạt thở Cha Macé và người giúp việc; vị thừa sai lúc bấy giờ ra lệnh cho cậu bé cố trốn đi: ngài tiếp tục cầu nguyện cho nó.

“Một giáo dân, ngay từ đầu, đã trèo lên một cây dừa hơi xa nơi xảy ra những cuộc tàn sát và đốt nhà một chút, và núp trong tàn lá. Cây dừa này đã thoát khỏi lưỡi rìu của những kẻ phá hoại. Những kẻ này đã chặt tất cả các cây lớn và tàn phá khu vườn cũng như các đám cây trồng xinh đẹp của Cha Macé, giàu tinh dầu đủ loại và của mọi xứ. Chính từ trên cao đài quan sát bị bỏ quên này mà anh giáo dân đã chứng kiến tất cả những cảnh hãi hùng ghê rợn tại chủng viện và tu viện; anh là nhân chứng cái chết của vị truyền giáo.

“Hoặc là Cha đã không thể chịu đựng được nhục hình kinh khủng tự nguyện, hoặc là, tôi tin hơn, theo sự tinh tế lương tâm mình, sau khi không nghe thấy điều gì lạ thường trong cuộc chạy trốn của người giúp việc và tin rằng cậu ấy đã có thể trốn thoát, nên ngài cho rằng bổn phận của mình là phải thử chạy trốn, ngài đã nhảy qua một cửa sổ. Nhưng ngài đã bị phát hiện. Một trong những kẻ cắt cổ giết người nhanh chóng lao tới, và bằng một phát rựa có cán tre dài, anh ta  chém lên vai và hạ gục ngài. Ông cựu chánh tổng cũng chạy đến; từ xa, ông đã kêu lên với tên đao phủ: Chặt đầu nó đi! Chặt đầu nó đi! Và chính như vậy mà Cha Macé thân yêu, sau khi đã chịu khổ hình lửa thiêu, cũng đã đổ máu mình vì vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi của các anh em ngài, vì đã từ chối chạy trước khi ngườigiáo dân  cuối cùng đã ra đi, như ngài đã quả quyết với tôi là ngài sẽ làm như vậy. Hôm đó là Chúa Nhật, ngày 2 tháng 8, lễ Thánh Anphong-Maria Liguori, chắc là giữa hai và bốn giờ chiều.”

Có những người mà sự chết đặc biệt giống như sự sống; Cha Macé ở trong số đó. Ngài chết như ngài đã sống; đứng tại nhiệm sở và trên chiến trường; ngài đạt được điều đã xin từ lâu và ước ao cháy bỏng, điều ngài đã đoán thấy ở giữa những trò chơi trẻ con và trong những giấc mơ thời thiếu niên của mình: cái chết đổ máu ra vì Đức Giêsu Kitô; Còn Đức Maria đối xử với ngài “như một người mẹ với con mình, như một nữ hoàng với người lính của bà”.
 
chuyển ngữ
Phêrô Võ Sum

Trích từ tập sách "Khi xác thân là của lễ"
Ban Truyền Thông Văn Hóa Giáo phận Qui Nhơn, 2011


 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 91036
  • Tổng lượt truy cập: 12235296