Trang mới   https://gpquinhon.org

Cha Francois Marie Geffroy, cha sở Gia Hựu (1879 – 1918)

Đăng lúc: Thứ bảy - 14/03/2015 19:11
 

Nhà xứ Gia Hựu, thập niên 60


Mémorial de La Mission (de Qui Nhơn)
N. 136
10 Février 1918
Tr. 28-32
 
Cha Francois Marie Geffroy, cha sở Gia Hựu (1879 – 1918)

Người đồng nghiệp đáng kính của chúng ta, cha Geffroy, niên trưởng về tuổi tác lẫn sự nghiệp tông đồ trong số các thừa sai ở Đông Đàng Trong, đã qua đời trong ơn thánh tại Gia Hựu ngày 25 tháng Giêng (1918) vào lúc trước nửa đêm.

Trong khi chờ thông báo của « thư chung », tờ Mémorial de La Mission (de Qui Nhơn)  không thể đưa thông tin về lý lịch,  những giây phút cuối cùng và lễ an táng của người quá cố mà chỉ là những ghi chép ngắn: mỗi người có thể bổ túc thêm vào đây những kỷ niệm của riêng mình.

Cha Geffroy sinh ở Trémel, thuộc Giáo phận St. Brieux, ngày 4 tháng Bảy 1843. Năm 1857, ngài vào lớp Đệ Bát (huitième) trường trung học Tréguier ; năm 1860, ngài vào lớp Đệ Lục (sixième) trường trung học Pontcroix (Quimper) ; năm 1865 vào Đại chủng viện Quimper; chịu chức linh mục ngày 11 tháng Sáu 1870, ngày 10 tháng Bảy ngài khởi hành từ Marseille, đến Sài Gòn ngày 10 tháng Tám và đi thuyền mành đến cửa Kim Bồng ngày 25. Ngài học tiếng Việt ở Xoài, gần Gia Hựu, nơi ở của Đức giám mục Charbonnier. Cha sở Khánh Hòa từ năm 1871 đến 1879, và cha sở Gia Hựu từ năm 1879 đến 1918, nơi ngài qua đời cách can trường tại nhiệm sở.

Và sau đây là bài tường thuật về  những giờ khắc cuối cùng của ngài mà chúng tôi nhận được và không thay đổi một từ nào: (hết phần nguyên văn tiếng Pháp)

Kể lại các việc Cố (Geffroy Bửu) từ khi người dọn mình chết về sau

Số là ngày 22 Janvier thì cố đã nói với các học trò rằng : « Cha đã có dấu bớt trí khôn một ít, vì điều định lo tính việc gì không có chững chàng như mọi khi nữa ». Song qua mấy ngày sau thì không thấy dấu gì hiểm nghèo cả. Đến ngày 25 janvier nhằm ngày thứ sáu trong tuần: sáng ngày người làm lễ và cho rước lễ cũng đông, rồi lại làm phép rửa tội cho con nít, mọi việc cũng thường, không có dấu sái hay là mệt nhọc bao nhiêu. Đoạn thì về nghỉ và dùng bữa lót lòng như thường. Người nghỉ ngơi một chút, qua 11 giờ trưa thì người dậy, có ý đọc kinh, thì vừa có kẻ bần nhơn đến xin, người mở tủ sắt lấy tiền mà cho, rồi lại mở tủ nữa lấy con cò gắn thơ gởi về bên tây ; song khi người cúi mà mở tủ, cửa tủ vừa mở ra thì người té quỳ xuống đất, đầu thì gác trong tủ, chơn thì co queo dưới  và thở khò khè mạnh lắm, đến nỗi kẻ giúp ở ngoài hè nghe thì chạy vô coi, tức thì xúm đỡ người lên phản gần đó. Người cũng có bất tỉnh một ít. Nên phải đổ bạc hà, và cho hít ammoniaque và thoa cho người hơ háp ; một chặp thì người nói được và biểu đem người qua giường cho người nghỉ một chút ; tức thì có cha Hộ đến thăm. Người biểu đem người lại ngồi ghế, và biểu đem lấy rượu mạnh và long não xức bóp cái bàn chơn và hơ lửa cho người, vì bị té cấn hồi nãy đau đi không được. Khi người ngồi tại ghế thì người mới thuật lại sự người té làm sao.

Qua 3 giờ chiều người đã khỏe lại ít, thì kẻ giúp dọn cho người một dĩa xúp dùng đỡ bữa trưa, thì người cũng dùng đặng. Người biểu kẻ giúp phải viết thơ tin cho cố Nghiêm[1] ở Nhà Đá hay đặng ra cho người gặp lần sau hết. Buổi chiều thì người không đọc kinh cũng không làm việc gì khác như mọi khi, chỉ nằm trên giường nghỉ ngơi mà thôi.

Đến tối hồi 7 giờ, thì cũng đem cho người dĩa xúp lót lòng, thì người ngồi mà dùng đặng như thường, và người có nói người muốn gặp cố Nghiêm lần sau hết, song có khi không gặp nữa, mà lại người cũng nói người hằng cầu xin cùng Chúa cho người làm lễ luôn hằng ngày cho đến chết, mà có khi Chúa không cho, vì chắc đến mai không làm lễ được, cho nên người biểu đừng dọn đồ lễ làm chi nữa. Lót lòng đoạn người biểu đỡ người lại giường nằm nghỉ, song khi ấy trong mình người không yên và rên luôn.

Qua 9 giờ rưỡi thì người nói tức ngực, và biểu đỡ cho người ngồi ghế, song cũng cứ bực tức bồi hồi quá, nên lại giúp người lên nằm giường cùng lo hơ háp trên ngực người, song không thấy dấu bớt chút nào, nên người hối đi rước cha Hộ cho mau kẻo người chết hụt. Đang khi người cứ biểu đỡ qua giường, rồi lại qua ghế, hai ba lần như vậy, thì cha Hộ vừa tới, người xin cha Hộ làm phước và ngồi dậy xưng tội, chịu phép giải tội, rồi nằm xuống hối cha Hộ làm phép xức dầu thánh cho người. Đang khi xức dầu thì người còn tỉnh táo và thưa mấy câu kinh thay vì học trò giúp, và hễ cha xức đến đâu thì người đưa ra cho xức đó. Xức dầu xong người muốn cha Hộ ban phép đại xá cho người, song người chẳng nói, chỉ khỉ sự đọc adjutorium … cho cha Hộ tiếp theo mà ban phép đại xá cho người. Khi ấy người trở mặt nằm nghiêng cách dịu dàng như muốn nghỉ ngơi. Đang khi ấy các kẻ giúp và các chức việc cứ lo việc hơ háp cho người, song chẳng dám khua động nặng, có ý cho người nghỉ an. Cha Hộ ban phép đại xá xong, thì kẻ giúp không còn nghe thở, nên thưa cha Hộ hay, người coi lại thì thật cố đã trút linh hồn rồi: khi ấy là 11 giờ rưỡi tối ngày 25 Janvier. Tức thì cha Hộ liền đọc kinh đưa. Các chú giúp cùng các chức và kẻ có mặt đó đều quỳ gối thông công cầu xin cho linh hồn người đặng về chốn nghỉ ngơi đời đời. Amen.

Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn thầy Phanxicô đặng lên chốn nghỉ ngơi hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Chúng con là kẻ giúp việc trong nhà hết thảy đồng ký.
(hết phần nguyên văn tiếng Việt)

Sau khi cha Geffroy tắt thở, cha phó của ngài là cha Hộ đã thay áo lễ cho ngài. Các nữ tu và giáo dân thay nhau canh xác. Cha Guéno đến vào chiều tối thứ Bảy. Lễ nhập quan vào ngày Chúa Nhật, sau thánh lễ giáo xứ. Quan tài được đưa vào nhà thờ và đặt dưới nhà táng. Ngày đêm giáo dân thay nhau đọc kinh cầu cho người quá cố.

Các cha Poyet[2] và Piquet[3] đến vào chiều Chúa Nhật; cha Tissier[4] đến vào lúc nửa đêm. Các linh mục Việt Nam cũng đã hiện diện: cha Cậy, Thoàn, Nhuận, Chỉ, Tánh, Hộ, Hậu. Nghi lễ an táng được quyết định cử hành vào ngày thứ Hai, lúc 8 giờ 30. Cha Guéno cũng đã thông báo cho những người Tây đang ở Bồng Sơn. Sau một hành trình dài thâu đêm, cha Le Darré[5] cũng đã đến nơi vào lúc hát kinh Libera.

Sau khi đưa linh cửu xuống mộ, các linh mục và đồng hương rảy nước thánh, Giám binh Bignon mặc lễ phục đến đứng nghiêm trước mộ và chào theo kiểu quân sự một cách rất trịnh trọng : mọi người đều ấn tượng với cử chỉ tôn kính đầy cảm xúc này.

Toàn thể giáo dân Địa sở Gia Hựu đã hiện diện ; Giáo dân Hội Đức và Thác Đá cũng hiện diện. Nhà thờ tuy khá rộng nhưng cũng không đủ chứa hết mọi người. Cha Poyet hát lễ và làm phép mồ. Nỗi buồn hiện trên mọi khuôn mặt, nhưng tiếng khóc và nức nở chỉ nổi lên khi chiếc quan tài được đưa ra khỏi nhà táng và khiêng đến ngôi mộ được đào dưới chân mã các thánh tử đạo năm 1885 theo ý nguyện của người quá cố.

Về người quá cố, sau đây là vài ghi nhận của một người đồng môn đã thăm viếng cha Geffroy trong sự cô quạnh được ngài quảng đại chấp nhận.

«Ngài thấy được mình sắp chết trong lần ngã cuối cùng gần đây vào khoảng cuối tháng 12, lần đầu tiên vào khoảng đầu tháng này, kèm theo hôn mê kéo dài. Cha Guéno đã thăm ngài vào dịp đầu năm và trong cuộc chuyện trò ngài chỉ nói về cái chết sắp đến mà ngài đã tiên liệu sắp xếp hết mọi sự. Lúc nào có dịp ở với ngài tại Bồng Sơn, ngài cũng đều là một mẫu gương lớn cho tôi : không bỏ sót một việc đạo đức nào … thức dậy lúc 4 giờ, suy gẫm lâu giờ và chuẩn bị Thánh lễ. Thánh lễ là tất cả đối với ngài và thực sự là đỉnh điểm đời sống linh mục của ngài, ngài chỉ sợ bệnh tật khiến mình không thể dâng lễ trọn vẹn. Từ trên trời cao, Chúa Nhân Lành đã chuẩn nhận cho ước muốn đạo đức này nơi người tôi tớ của mình. Ngài không bao giờ bỏ Chầu Mình Thánh Chúa, nửa giờ mỗi ngày và luôn quỳ gối trước nhà tạm, tựa mình trên bàn quỳ rước lễ … Tôi cũng còn nhớ rằng một trong những niềm an ủi của ngài đó là ý nghĩ về các thiên thần bé nhỏ mà ngài đã đưa về trời : ngài biết rằng các vị ấy sẽ can thiệp cho ngài vào thời khắc phải tính sổ trước mặt Chúa Nhân Lành về sứ vụ của mình. Trên một trong những bức ảnh mà ngài kẹp trong sách kinh nguyện, ngài đã viết lên những ân huệ mà ngài hằng cầu xin mỗi ngày : « faire du bien pour Dieu seul – n’aimer que Dieu seul – être saint pour Dieu seul – ne chercher et faire que la volonté de Dieu seul » (Làm điều thiện cho một mình Chúa – chỉ yêu mình Chúa – chỉ tìm và làm theo thánh ý Chúa).

Cha Geffroy làm bề trên giáo miền trong khi trống tòa, nhân danh giáo miền, một thánh lễ hát long trọng đã được cử hành tại Đại chủng viện Đại An.

Deus eos qui dormierunt per Jesum, adducet cum eo. (I Thess. IV, 14)
Những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. (hết phần nguyên văn tiếng Pháp)


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ và chú thích



[1] Cha Jean Guéno (1866 – 1932), tên Việt Nam là Nghiêm, cha sở Nhà Đá từ năm 1914 đến 1924.
[2] Cha Denis Poyet (1863 – 1932), tên Việt Nam là Thuận, lúc này đang ở Đồng Hâu.
[3] Cha Paul – Marcel Piquet (1888 – 1966), tên Việt Nam là Lợi, lúc này đang làm Giáo sư Đại Chủng Viện Đại An, từ năm 1944 - 1957 được bổ nhiệm làm giám mục Đại diện tông tòa cai quản Giáo phận Qui Nhơn.
[4] Cha Tissier (1864 – 1919), tên Việt Nam là Ngọc, lúc này đang làm cha sở Bàu Gốc (Quảng Ngãi).
[5] Cha Le Darré (1876 – 1945), tên Việt Nam là Châu, lúc này đang ở Châu Me, và chính ngài cũng đã kế nhiệm cha Geffroy làm cha sở Gia Hựu từ năm 1918 đến 1928.



 
 


Mã thánh tử đạo tại Gia Hựu, thập niên 60



.... và hiện nay





Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 28
  • Hôm nay: 3357
  • Tháng hiện tại: 92371
  • Tổng lượt truy cập: 12236631