Trang mới   https://gpquinhon.org

Địa sở Hội Đức

Đăng lúc: Thứ năm - 09/06/2016 19:42


Cầu Bồng Sơn (cầu cũ)


ĐỊA SỞ HỘI ĐỨC

1.220 giáo dân
 

 
Trích dịch
« Compte-rendu et état de la mission » de Septembre 1940 à Septembre 1941,
Imprimerie de Quinhon, 1941




Địa sở chính: Hội Đức 186 giáo dân
 
Các họ nhánh:
 
Hòa Trung: 43
Tân Đức: 93
An Dưỡng: 53
Tài Lương Đông: 80
Tài Lương Tây: 70
An Lương: 27
Tấn Thạnh: 43
Tăng Long: 47
Lâm Trước: 9
Trường An: 14
Thiện Đức: 21
Cự Nghi: 7
Ngọc An:135
Vạn: 47
Mỹ Thọ: 334
 
 
Từ Gia Hựu đến Hội Đức, khoảng mười lăm cây số trên đường cái quan, dọc theo con đường sắt. Ga Tam Quan và ga Bồng Sơn nằm hướng bắc và hướng nam, dãy núi Hội Tín và Cự Nghi ở hướng Tây, và biển nằm cách 20 cây số về hướng Đông, đó là ranh giới của địa sở Hội Đức.
 
Chúng ta đang ở trong phần đất đẹp nhất toàn vùng Bồng Sơn: miền đất trong lành, trù phú, được tưới tiêu tốt về hướng tây, từ Mỹ Thọ đến Vạn nhờ con sông Lại Giang và các guồng đạp nước; phía dưới đường cái quan, nhờ con kênh lớn, từ Lại Giang cho đến Tam Quan, mang lại vẻ tươi mát và sức sống cho các làng Hòa Trung, An Dưỡng, Tài Lương Đông, Ngọc An, Tăng Long; về phía đông, đến ranh giới các làng Hội Đức, An Dưỡng, Tài Lương, An Lương, Tấn Thạnh, nhờ vòng đai các hồ nhỏ mà quanh năm ta tìm thấy ở đấy rất nhiều vịt trời, chim mòng két (sarcelle), nhất là lũ ếch mập mạp mà quý khách của cha sở Hội Đức đều biết đến. Khắp nơi, những ruộng lúa tốt tươi nằm kế bên cánh đồng mía; từ miền núi cho đến miền biển, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn những ngọn dừa xanh trồng quanh các căn nhà và viền lấy những cánh đồng. Dừa là nguồn lợi rất quan trọng cũng như tạo cảnh quang tươi tắn và đẹp như tranh mà ta chỉ tìm thấy được ở đây. Mật độ dân số dày, họ thường khá dễ chịu, đáng mến và bình thản hơn cư dân các làng phía bắc, gần ranh giới Quảng Ngãi.
 
Đây là vùng đất màu mỡ mà giáo dân Gia Hựu có được nhờ giá máu mà họ đã đổ ra rất nhiều vào năm 1885. Khoảng chục năm sau đó, một mùa lúa tươi tốt đã chín rộ trên những nấm mồ của họ: không xa lắm cách nơi mà các chứng nhân của chúng ta hoàn tất hy tế của mình, hai hay ba trăm tân tòng đã tụ họp lại thành một địa sở; một ngôi nhà thờ được xây dựng trên đồi Hội Đức, và để kỷ niệm biến cố năm 1885, Nữ Vương các thánh tử đạo, dưới tên gọi Đức Bà bảy sự thương khó, đã được đặt làm tước hiệu nhà thờ và là bổn mạng của địa sở.
 
Chung quanh trung tâm Hội Đức có hai mươi lăm họ nhánh mà trong số đó nhiều họ rất quan trọng, được thành lập từ năm 1890 đến 1906; Mỹ Thọ và Vạn, đã có từ trước các cuộc thảm sát, nay quy tụ lại. Ta thấy các nhà nguyện mọc lên trong khắp các làng trong vùng; chính các tân tòng cũng cạnh tranh lòng nhiệt thành với các thừa sai và thầy giảng. Một linh mục ở tại Hội Đức, một vị khác ở tại Mỹ Thọ, người thứ ba tại Tăng Long hay Tấn Thạnh. Ta chỉ có thể nói chắc về phong trào trở lại sắp đến của toàn vùng Bồng Sơn.
 
Nhưng con người thù địch vẫn luôn rình rập. Nỗi hoảng sợ vào năm 1906 rồi đến năm 1908 với phong trào nổi dậy … gọi là “cúp đầu[1] (Tondus), gây thiệt hại cho hầu hết các sở non trẻ này. Khi tôi đến địa sở vào năm 1909 thì các họ nhánh như Hội Tín, Đệ Đức, An Hòa, Thế Lại, An Định, Thế Lộc thượng, Thế Lộc hạ, Phú Triêm, Cửu Lợi … đã biến mất; đa số các sở họ khác, ngay cả những họ rất quan trọng, ngoại trừ Mỹ Thọ, đã giảm xuống chỉ còn vài gia đình mà ngay cả họ cũng hoàn toàn khiếp sợ, không dám giữ đạo công khai. Điều gì xảy ra nếu Đấng Quan Phòng cứ kéo dài thử thách này? Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa và gương lành của vài gia đình đạo gốc mà bão tố không lay chuyển được, sự yên bình dần được phục hồi. Thật sự, những người bỏ đạo đã không trở lại trừ vài trường hợp ngoại lệ, song các giáo dân thiện chí, khoảng một phần ba, đã phục hồi giờ kinh buổi lễ ít nhiều đã bị lãng quên. Và tình trạng thảm hại đã dần trở về mức bình thường.
 
Xin các độc giả, nhất là những thừa sai trẻ, đừng lấy làm buồn lòng về những chi tiết này: Thiên Chúa đã không hứa cho Giáo Hội mình thoát khỏi những cuộc tấn công của quyền lực hỏa ngục, nhưng quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng được Giáo Hội.
 
Ba mươi năm đã trôi qua từ ngày ấy, một thế hệ mới nổi lên, tốt hơn bởi vì có ít tân tòng hơn thế hệ đầu tiên, và ngày nay, sau cơn thử thách, các tân tòng của địa sở Hội Đức không thua kém gì các địa sở khác trong địa phận.
 
Thật sự không có một ngôi nhà thờ nào đẹp trong địa sở. Thay thế cho những ngôi nhà thờ còn đứng vững sau những cuộc bỏ đạo vào năm 1906 và 1908 mà hầu hết đều bị sập trong cơn bão năm 1932, ta chỉ còn thấy những ngôi nhà thờ đơn sơ giản dị, ngay cả ở Mỹ Thọ là một sở họ quan trọng, dù sao đây cũng là nhà thờ tốt nhất trong toàn địa sở. Hai hoặc ba giáo điểm không có cả nơi để đọc kinh. Chỉ có nhà thờ Hội Đức, được cha Porcher dựng lại năm 1933 từ những đống đổ nát, không đến nỗi tệ lắm nhưng cũng không đáng xếp vào hàng những ngôi nhà thờ đẹp trong địa phận. Ta có thể tự hỏi rằng, nếu chỉ được xây dựng lại từ những vật liệu của ngôi nhà thờ cũ, thì liệu nhà thờ Hội Đức có thể chống chọi trước một cơn bão dữ dội như chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều trong toàn giáo miền trước và sau năm 1933 không.
 
Ngôi nhà xứ được cha sở hiện nay là cha Nhi sửa sang cũng đã trở nên cũ kỹ. Ta nhận ra ngay vì nó nằm ở vị trí đẹp, tuy nhiên nó cần được xây mới lại và nới rộng ra một chút.
 
Công trình duy nhất được cha Porcher cải tạo và có thể thách thức được với thời gian, đó là tháp chuông mà ta phải đi qua đó như đi vào cổng thành để vào khuôn viên nhà thờ. Treo trên đó là một chiếc chuông rất đẹp, chị em song sinh với chuông nhà thờ Gia Hựu. Ước chi những người ngoại giáo và những kẻ lầm lạc từ nơi rất xa cũng nghe thấy tiếng mời gọi của nó mỗi ngày và hiểu được tiếng kêu vang to của nó.
 
Trường Hội Đức là một trong những ngôi trường đầu tiên của miền truyền giáo. Khoảng bốn mươi đứa trẻ, vài đứa là người ngoại giáo ở chung quanh, chúng đến học trường này do một thầy dòng phụ trách. Nhiều người trong số cựu học sinh của trường này ngày nay là các chức việc trong địa sở: họ hơn hẳn các giáo dân khác, như vậy chứng tỏ được lợi ích của các trường học cũng như sự ích lợi khi chúng ta gia tăng hết sức có thể các trường học trong địa phận.
 
Vị trí của Hội Đức nằm trên đỉnh đồi, từ đấy ta nhìn thấy cả Bồng Sơn cho đến tận bên kia Thác Đá, Gia Chiểu, Kim Sơn và Đồng Dài, tránh được những cơn lụt hằng năm từ tháng 9 cho đến tháng 10, khí hậu trong lành suốt bốn mùa, gần với trung tâm hành chánh Bồng Sơn nơi có một ngôi chợ lớn, một bệnh xá và ga xe lửa quan trọng, sự giao thông dễ dàng với các địa sở lân cận nhờ con đường cái quan đi qua trước cửa nhà thờ, nguồn tài nguyên dồi dào hơn bình thường, và trên hết tất cả là tinh thần hợp tác của các tân tòng cũng như gương lành của một vài gia đình công giáo kỳ cựu, cuối cùng là thiện cảm nói chung của người ngoại giáo ở chung quanh, tất cả những điều này làm cho Hội Đức trở thành một nhiệm sở rất dễ chịu, nơi mà có thể ta không có cảm tình khi đến nhưng lại tiếc nuối khi phải ra đi.
 
Xét con số giáo dân, nhất là xét đến số các sở họ và những khoảng cách, cầu chúc cho Hội Đức sớm có một cha phó ở tại Mỹ Thọ hoặc Ngọc An. Cũng mong sao trong một địa sở dồi dào nguồn lực, cuối cùng thì cũng xây được những ngôi nhà nguyện thích hợp hơn, và ít nhất là nhà đọc kinh ở những nơi nhỏ bé nhất mà hiện nay chưa có.
 
Tôi tin vào hiệu lực của máu các tử đạo và vào tương lai của Hội Đức mà 16 sở họ của địa sở dù còn khiêm tốn nhưng sẽ nên những trung tâm sống động cho việc tông đồ để tỏa sáng cho toàn vùng, cũng như cây cối một khi đã bén rễ rồi thì chỉ có mà lớn mạnh lên thôi!
 
 

[1] Là cuộc dân biến phản đối sưu cao thuế nặng và chống bọn tham quan bắt đầu ở Quảng Nam vào khoảng vào đầu tháng Ba 1908 và sau đó lan đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và đi ngược ra Bắc. Tên gọi chính xác phong trào này trong tài liệu của giáo phận Qui Nhơn là "cúp đầu". Trong Mémorial de Quinhon, số 26, tháng Tám 1923, tr. 194 có nói đến "les apostats des Cúp đầu", những người bỏ đạo khi phong trào này nổi lên vào năm 1908. Tại sao những cuộc biểu tình này được gọi là phong trào “cúp đầu” (Tondus)? Cúp đầu là hớt đi mái tóc dài của người Việt xưa mà để tóc ngắn như hiện nay. Cắt tóc ngắn, mặc âu phục là những cuộc vận động chống cổ hủ do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng với phong trào Duy Tân. “Nhất là tư tưởng dân quyền mà phong trào này đề cao, đã gây tác động không nhỏ vào cuộc đời của giới dân nghèo, làm bùng lên cuộc đấu tranh "chống đi phu, đòi giảm sưu thuế" rất quyết liệt của họ tại nhiều tỉnh miền Trung.” [Theo vi.wikipedia.org/wiki/ Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)]. Và "trong vụ “xin xâu” năm 1908, (cắt tóc ngắn) là do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. … mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. (Trích Lịch sử tóc ngắn, Tự truyện của Phan Khôi, Ngày Nay số 149, 15/2/1939). “Ở Phú Yên, nhân dân có cả phụ nữ kéo nhau lên đường cái quan cắt tóc thành đống, lấy lửa đốt, mùi khét đầy trời” (Nguyễn Văn Mại (1927), Lô Giang tiểu sử, Bản dịch Nguyễn Huy Xước, Thư viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, tr.128). Ban đầu là những cuộc biểu tình chống thuế một cách ôn hòa nhưng dần trở nên bạo động.  “Đoàn người biểu tình không mang theo vũ khí, không dùng bạo lực, chỉ kiên trì đòi hỏi mục đích là giảm sưu giảm thuế. Nhưng dần về sau, phong trào biến thành một cuộc đối đầu giữa dân nghèo và nhà cầm quyền. Cuộc đối đầu này kịch liệt đến nỗi những người đề xướng phong trào không thể kìm hãm được. Bởi vậy càng về sau, phong trào gần như trở thành một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Do đó, đã xảy ra nhiều vụ đổ máu.” [Theo vi.wikipedia.org/wiki/Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)]. Điều khiến người Công giáo và các tân tòng lo sợ là tính bạo động không kiểm soát được của phong trào.  “Phải thêm vào đây sự tham lam của người ngoại giáo khi thấy đây là dịp tốt để dụ người công giáo giao tài sản của mình cho họ mà không cần viết biên nhận, và đồng thời là sự nhát đảm của người Công giáo bị cô lập ở các miền vùng núi, họ nhớ lại thảm họa năm 1885…. Tuy nhiên, những đe dọa hay tấn công xảy ra đâu đó cũng chỉ là do bị khích động đơn lẻ, không nằm trong chương trình của cuộc biểu tình, và các thủ lĩnh phong trào khi biết được những điều đó, đã ra lệnh nghiêm phải từ bỏ chúng ngay... Gán tên cho phong trào này là “cuộc bách hại” thì không thích đáng cho bằng “cuộc nổi loạn” (Báo cáo số 949 của Đức cha Grangeon về Đông Đàng Trong - Archives MEP). Tóm lại, đây là phong trào kháng thuế cự sưu chính đáng, vì thế sau này cũng đã được chính quyền đáp ứng.  Tuy nhiên, tính bạo động không kiểm soát được của phong trào ở một vài nơi, sự tham lam và lợi dụng biến động để trục lợi của một số kẻ xấu đã làm cho người Công giáo và tân tòng lo sợ khi nhớ lại thảm họa văn thân năm 1885 dù rằng đây không phải là phong trào bài Công giáo. (chú thích của người dịch - cập nhật ngày 18/6/2016)
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 36
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 26
  • Hôm nay: 3688
  • Tháng hiện tại: 92702
  • Tổng lượt truy cập: 12236962