Trang mới   https://gpquinhon.org

Sự hiện diện của các hội dòng trong Giáo phận qua các thời kỳ

Đăng lúc: Thứ hai - 26/10/2015 17:50
SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÁC HỘI DÒNG
TRONG GIÁO PHẬN QUA CÁC THỜI KỲ


(Khóa Thường Huấn Linh Mục Giáo phận Qui Nhơn năm 2015)




Căn nhà của Đức Cha Van Camelbeke Hân tại Làng Sông, năm 1895.


 

 
Lm. Gioan Võ Đình Đệ

I. MỞ ĐẦU:

Đề tài “Sự hiện diện của các Hội dòng trong giáo phận qua các thời kỳ” là một phần trong chủ đề thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn năm 2015: ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG NHÃN QUAN MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO. Trong bầu khí dân Chúa giáo phận Qui Nhơn đang trên tiến trình chuẩn bị mừng 400 năm Tin Mừng đến với giáo phận, dưới góc độ lịch sử, đề tài nầy nhằm khái quát nhìn lại sự tham gia hoạt động mục vụ truyền giáo của các Hội dòng, các Tu hội Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận.

Nói đến lịch sử truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn là nói đến những trang sử truyền giáo của giáo phận Đàng Trong rộng lớn ngày xưa, tiền thân giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Nói như thế để nhắc đến độ dài lịch sử và độ rộng về lãnh thổ một thời đã qua của giáo phận Qui Nhơn.

Trong khuôn khổ giới hạn của đề tài, ở đây chỉ đề cập đến việc tham gia mục vụ truyền giáo của các Hội dòng, các Tu hội Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ  trên lãnh thổ của giáo phận Qui Nhơn ngày nay gồm ba tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Như thế, ở đây và hiện nay độ rộng có giới hạn, tuy nhiên độ dài lịch sử mà các hội Dòng, các Tu hội và các Tu đoàn đã tham gia mục vụ truyền giáo ngót nghét 400 năm (1618-2018), một độ dài lịch sử nói được quá cổ kính. Đứng trước độ dài lịch sử quá cổ kính với một dung lượng quá to lớn chứa đầy máu, mồ hôi, nước mắt của tiền nhân, cách riêng của các Hội dòng, các Tu hội và các Tu đoàn, người viết biết mình không thể bao quát và tổng hợp nổi công sức của tiền nhân. Ở đây, như một gợi ý đọc lại gia sản tinh thần của cha ông, người viết chỉ nêu lên khái quát những gì với khả năng hạn hẹp của mình trong khi mày mò tìm kiếm và chạm được.

Theo dòng thời gian, chúng ta có thể liệt kê sự tham gia mục vụ và truyền giáo của các Hội dòng, các Tu hội và các Tu đoàn như sau:
 
STT DÒNG TU/ TU HỘI THỜI GIAN
1 Dòng Tên 1618-1773[1]
2 MEP 1659-1975
3 Dòng Mến Thánh Giá 1672 đến nay
4 Dòng Phanxicô 1725-1813[2]
5 Dòng Thánh Phaolô  thành  Chartres 1914 đến nay
6 Dòng La San 1920-1972
7 Dòng Thánh Giuse – Ngôi Lời 1926 đến nay
8 Dòng Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ 1932 đến nay
9 Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn 1936-1945
10 Dòng Đức Mẹ Đồng Công 1959 đến nay
11 Dòng Nữ Y tế Thừa sai 1960-1975
12 Dòng Chúa Cứu Thế 1961 đến nay
13 Dòng Đa Minh 1963-1974[3]
14 Tu hội đời Thánh Tâm CGS (Nam & Nữ) 1993 đến nay
15 Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương 2012 đến nay
 
Thời gian các hội Dòng, các Tu hội và các Tu đoàn tham gia hoạt động mục vụ truyền giáo được liệt kê trên đây nhằm xác định thời điểm đầu và thời điểm cuối. Trong thời gian đó có những hội Dòng, Tu hội, Tu đoàn vắng mặt một thời gian, sau đó tham gia trở lại cánh đồng truyền giáo, thời gian vắng và thời gian tham gia trở lại đan xen trong chiều dài lịch sử rất khó xác định cho chính xác, do đó việc liệt kê thời gian trên đây không nhằm xác định tính liên tục việc tham gia hoạt động mục vụ truyền giáo của các hội Dòng, các Tu hội và các Tu đoàn. Cũng trong bản liệt kê nầy, ta thấy có những dấu chân đã khằn sâu trong cánh đồng truyền giáo, có những dấu chân vừa mới lững thững bước vào. Riêng Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đến Qui Nhơn trong thời gian (1936-1945), tuy nhiên nhân sự của Tu hội trong thời gian nầy chưa được dồi dào, có thể sự hiện diện của Tu hội lúc bấy giờ còn mang tính dò dẫm.[4] Trong khi đang dò dẫm ở Qui Nhơn, chính biến xảy đến, tất cả người ngoại quốc phải ra khỏi vùng Việt Minh. Sau khi được lệnh tập trung về Tòa Giám Mục, ngày 21.11.1945 Đức cha Piquet, các cha thừa sai, các Nữ tu thừa sai Phanxicô và các Nữ tu Dòng Bác Ái Vinh Sơn  lên tàu lửa đi Huế.

Trong khả năng hạn hẹp của mình, người viết không đủ khả năng trình bày công việc của từng hội Dòng, từng Tu hội, từng Tu đoàn, ở đây chỉ nêu lên một số hành động tiêu biểu của một số cá nhân tiêu biểu thuộc các hội Dòng, các Tu hội, các Tu đoàn đã góp phần đem lại hiệu quả tốt lành trong tiến trình lịch sử truyền giáo của giáo phận.
 
II. TÌNH YÊU THÁNH HIẾN CUỘC ĐỜI

Khi tiếp cận các tài liệu lịch sử truyền giáo của các hội Dòng, các Tu hội và các Tu đoàn, chúng ta có thể thấy được những yếu tố cơ bản sau đây đã giúp cho các vị có những chọn lựa cũng như những phương thức hoạt động mục vụ truyền giáo phù hợp trong từng giai đoạn, biết tận dụng những thuận lợi, biết khắc phục những hạn chế và biết ứng xử với những trở ngại nhằm đạt được mục tiêu hàng đầu của mình: Truyền giáo.

1. XÁC TÍN KINH NGHIỆM VỀ CHÚA

Nhìn lại lịch sử 400 năm truyền giáo của giáo phận, những thuận lợi và những hạn chế luôn đan kết với nhau, trong đó những thuận lợi được ví như vài cơn mưa rào đỏng đảnh làm dịu sự oi bức của  mùa hạ, còn những hạn chế như những cơn mưa dầm với mây đen vần vũ đằng đẵng quần thảo trên giải đất Ngãi Bình Phú. Làm sao những con người đầu đen máu đỏ vượt được những khó khăn triền miên, hiểm nghèo, thậm chí mất mạng sống, để tham gia viết nên trường thiên lịch sử truyền giáo của giáo phận? Làm thế nào để trong sự đa dạng với những sắc thái linh đạo và đặc sủng riêng tư của mỗi Hội dòng, mỗi Tu đoàn, mỗi Tu hội giới thiệu được Ðức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất ?

Quả vậy muốn làm việc cho Chúa, muốn làm chứng cho Chúa, muốn làm công việc của Chúa phải có kinh nghiệm về Chúa. Một khi đã có kinh nghiệm về “một Thiên Chúa là Tình yêu” rồi thì sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Đó là bài học độc đáo của lịch sử thánh và được những người tham gia viết nên trường thiên lịch sử truyền giáo của giáo phận tiếp tục để lại cho chúng ta.  

Từ những trang đầu lịch sử truyền giáo của giáo phận, kinh nghiệm về Chúa, đó là sức mạnh tinh thần mà các thừa sai dòng Tên đã có để vượt qua những nghịch cảnh thuở ban đầu trên cánh đồng truyền giáo. Đó cũng chính là dấu chỉ và sứ điệp mà các thừa sai đã làm cho nhiều người nhận biết Chúa.

Tại Nước Mặn có thầy Tư Bình, một đạo sư Nho giáo danh tiếng, thầy có tới 200 đệ tử. Thầy Tư Bình gửi thư yêu cầu cha Buzomi một cuộc tranh luận tôn giáo trước mặt công chúng.[5] Ngày giờ và nơi gặp mặt đã được ấn định, thầy đem theo 200 đệ tử, kèn trống đón rước linh đình, số người dự thính đông đảo, ngoài dân chúng trong vùng còn có các quan chức, kỳ hào, các nho sĩ, đặc biệt có sự hiện diện của bà chị ông Trần Đức Hòa, quan phủ Qui Nhơn đã qua đời, bà là một trong những môn đồ của thầy.

Như Êlia ngày nào trên núi Carmel một mình làm chứng cho Chúa trước 400 sư sãi thần baal và đoàn dân đông đảo, cha Buzomi trong bộ áo nhà tu xoàng xĩnh tầm thường, mang trong mình một kinh nghiệm thâm sâu về Thiên Chúa và những kiến thức thần học đã được nhào nặn nhuần nhuyễn trong nguyện cầu, trong kinh nghiệm chia sẻ trên giảng đường học viện ở Áo môn. Cha Buzomi đã trả lời thuyết phục tất cả những vấn nạn và lý luận của thầy tư Bình. Thầy đã lúng túng, âm thầm rút lui. Cha Buzomi khi đi một mình, khi về được dân chúng hoan hô tiễn tới tận nhà. Số người trở lại mỗi ngày thêm đông, năm 1621, cha rửa tội được 172 người. [6]

Nói về cha Buzomi, trong suốt 20 năm trời đã hy sinh cho giáo đoàn Đàng Trong, cha Đắc Lộ đã viết: “Thật là một người đạo đức thánh thiện, hy sinh trong hoạt động, can đảm trong gian lao, cương quyết trong định đoạt. Cha đã hoàn toàn hiến dâng hy sinh tất cả cho giáo đoàn xứ đó và cha đã thành công. Bước vào Đàng Trong với một số vài người giáo dân, lúc về trời cha đã để lại một con số ít nhất là 12 ngàn. Bao nhiêu giáo dân là bấy nhiêu triều thiên của cha”. [7]

Năm 1642 cha Đắc Lộ có dịp đến thăm giáo dân ở Phú Yên lần thứ hai. Khi trở về Hội An, cha dẫn theo Anrê Phú Yên, cậu thiếu niên được cha rửa tội năm trước. Anrê mới nhập đạo, còn nhỏ tuổi, hơn nữa trong thời buổi cấm đạo việc di chuyển của đoàn truyền giáo có đông người là điều nên tránh. Tuy nhiên cha Đắc Lộ gạt sang một bên cái lôgíc rất hợp tình hợp lý, rất khôn ngoan, rất “máu thịt” đó, để nhường chỗ cho cái lôgíc tình yêu quan phòng của Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn. Hoan hô cha Đắc Lộ! Bài giáo lý bao đồng cha truyền lại cho Anrê Phú Yên không phải là những lời nói suông mà là một thái độ sống ấn tượng. Anrê đã nhập tâm bài giáo lý bao đồng ấy: Tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Cha trên trời. Đó là một kinh nghiệm về Chúa được cha Đắc Lộ truyền lại cho Anrê Phú Yên. Lòng tín thác ấy đã được Anrê Phú Yên tỏ lộ mạnh mẽ trong cuộc đời, nhất là lúc đối diện với đau khổ và cái chết.

Tín thác vào tình Cha trên trời là một kinh nghiệm, là một loại năng lượng siêu bền mà cha Đắc Lộ đã truyền lại cho nhóm thầy giảng cha đã thành lập. Trong những ngày tháng không có một linh mục nào được hiện diện trên cánh đồng truyền giáo, nhóm thầy giảng này là những người chăm sóc những hạt mầm đức tin đã nở và dọn đất gieo tiếp những hạt giống mới. Cha Đắc Lộ nói về các thầy giảng: “Thế là tôi trở về Macao vào tháng 9 năm 1643, còn họ trung thành làm tròn nhiệm vụ tôi ủy thác cho…Họ chia tay đi các nơi như tôi đã chỉ định. Năm người trẩy về phía nam và làm việc rất đắc lực, trong ba tháng đã rửa tội được hai trăm chín mươi ba người lương dân. Họ thấy không nên hoãn việc này để chờ tôi về. Họ còn chuẩn bị nhiều người khác để cho chính tay tôi làm. Việc này có tiếng vang lớn trong tỉnh Phú Yên, làm cho lương dân áy náy đến thưa với quan trấn thủ mới về trị nhậm và rất ghét giáo dân”. [8]

Kinh nghiệm về Chúa, đó là nốt chủ âm mà các thừa sai đã dùng để viết nên trường ca lịch sử truyền giáo của giáo phận. Chúng ta nghe câu chuyện của Ðức Cha Sion Khâm khi còn là cha bề trên Dòng Thánh Giuse. Một người anh em trong dòng kể lại: "Tôi nhớ có lần nửa đêm, ngài kêu tôi dậy, vào nhà thờ, lên trên cung thánh, lần nầy chỉ có ngài với tôi thôi, ngài bảo: Con hãy làm giờ Thánh với cha trong đêm nay, và dâng giờ Thánh này theo ý cha... cha con dang tay lần hạt…rồi đánh tội... gần hết giờ, ngài bảo: "Con hãy lên gõ cửa Nhà Tạm và nói: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho cha bề trên con điều ngài xin". Tôi vâng lời làm y như lời ngài bảo… đoạn cha con về ngủ lại… Sau đó chừng hai tuần, vào lúc tôi đang làm giám thị trong lớp chung, ngài kêu tôi vào văn phòng và cho biết: "Việc con xin, Chúa Giêsu đã nhậm lời rồi!" Rồi ngài cho tôi biết cụ thể sự việc và kết quả". [9] Chính kinh nghiệm nầy là động lực trước đó giúp ngài có sáng kiến và nghị lực thành lập một Hội dòng truyền giáo tại giáo phận Qui Nhơn với tên gọi Anh Em Hèn Mọn Thánh Giuse.

2. LÒNG THƯƠNG CẢM

“Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8). Thánh Gioan Tông đồ cho thấy, những ai biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha, phổ quát, thì mới là người biết Thiên Chúa, người có kinh nghiệm về Chúa. Và tình yêu đòi hỏi ta phải ra khỏi chính mình, bớt quan tâm đến mình, để có khả năng đến với tha nhân, lưu tâm đến hạnh phúc hay đau khổ của họ, đến những nhu cầu và mong ước của họ, để làm cho họ nên tốt và hạnh phúc hơn.

Quả vậy, ngoài kinh nghiệm về Chúa, lòng thương cảm cũng chính là một động lực nền tảng và cốt lõi đã thúc đẩy các vị thừa sai thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng. Cũng như Chúa Giêsu khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt” thì “chạnh lòng thương và đã dạy dỗ họ nhiều điều” (x.Mc 6,34), các vị đã mang con tim biết thương ấy mà lao vào công tác mục vụ truyền giáo. Chúng ta thử đọc câu chuyện của thừa sai Dominique Iribarne - Cố Thành, một thừa sai làm việc tại Quán Cau, Phú Yên:

“Cuộc nói chuyện tựa như dông bão. Bà mẹ ra lệnh dứt khoát và trịnh trọng. Đứa con cầu xin, năn nỉ, nói về Thiên Chúa, về các linh hồn, về ơn gọi của mình; bà mẹ nhắc lại lệnh cấm, chính xác và quyết liệt hơn. Lúc ấy đứa con quỳ gối xuống, nói thấp giọng nhưng đầy cương quyết: - Mẹ ơi! Hãy nói đi, hãy nói rằng mẹ không muốn con ra đi thì con sẽ để chiếc áo dòng này dưới chân mẹ, con sẽ theo mẹ về và cầm lại cây cuốc.

Bà mẹ nhìn sửng con mình ít lâu; nét mặt bà nhíu lại, một nỗi thất vọng không diễn tả được đã xuyên thấu tâm hồn bà, bà tái đi như chết và rồi nói chậm rãi dường như mỗi lời lấy đi của bà cuộc sống:

Con ơi! Con như đã chết đối với mẹ ngay từ giây phút này, con hãy làm những gì Thiên Chúa muốn.

Năm 1884, ngài truyền giáo ở địa hạt Quán Cau, tỉnh Phú Yên. Ngài viết: “Đây là vùng đặc biệt nghèo khổ, ở mỗi sở họ tôi chỉ tìm thấy có 4 gia đình đủ sống, đủ sống ở đây có nghĩa là thu hoạch mùa màng đủ để khỏi phải chết đói nhưng rồi còn phải đi buôn bán quanh năm suốt tháng; tuy nhiên tôi không khiếu nại về số phận của mình, đấy là công việc Chúa làm, miễn là cứ làm trọn việc của mình thì tôi tin chắc rằng Đấng Quan Phòng sẽ ban cho tất cả để làm rạng danh Ngài”.[10]

Và đây là câu chuyện do cô em gái của thừa sai Jean Marie Poirier – Cố Tân, một thừa sai làm việc tại Bàu Gốc, Quảng Ngãi,  kể lại cho chúng ta:

“– Anh muốn thổ lộ với em điều này, anh tôi nói nhỏ với tôi, nhưng em phải hứa là giữ bí mật cho đến khi anh cho phép em nói ra; em có hứa không? – Vâng, tôi trả lời anh. – Này, em gái, anh sẽ làm nhà truyền giáo, vâng, anh sẽ đi thật xa, thật xa để chinh phục các linh hồn cho Chúa. – Nhưng các linh mục trong đất nước chúng ta không phải là chính họ cũng chinh phục các linh hồn sao, tại sao anh không muốn ở lại đây? – Bởi vì chính ở nơi xa kia là nơi anh phải đến. Và anh nói thêm bằng một cung giọng mà tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời tôi: - Ồ! Cô em ơi! Nếu em biết được vẻ đẹp tuyệt vời biết bao của linh hồn, điều mà hôm nọ anh đã đọc được, thì cho dù anh chỉ chinh phục được một linh hồn thôi, thì anh cũng sẽ đi, bất cứ giá nào”.[11]

Trong thời gian đầu trại phong Qui Hòa được thành lập, các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn tham gia giúp đỡ các bệnh nhân. Các nữ tu Mến Thánh Giá đang chứng kiến Chúa Kitô đang bị đóng đinh nơi thân xác anh chị em bệnh nhân phong của mình, rất xót xa, nhưng khả năng hạn hẹp của mình, không chuyên môn, lắm lần chỉ biết khóc thôi. Khi hay tin các nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ thuộc tỉnh Dòng Thánh Tâm ở Paris xuống tàu đến Qui Hòa, các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn đang làm việc tại Qui Hòa đã thắp một ngọn đèn dầu đêm ngày cháy sáng trước tượng Đức Mẹ để xin Mẹ bầu cử cho chuyến đi của các nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ được thuận buồm xuôi gió. Ngọn đèn dầu cháy sáng, hành động của niềm tin, dấu chỉ của tình yêu, mõi mòn chờ trông có người chuyên môn giúp đỡ cho các bệnh nhân
.
3. TINH THẦN HIẾN TẾ

Sau gần hai thế kỷ kể từ ngày đoàn thừa sai MEP đến giáo phận Đàng Trong, vào đầu thế kỷ XIX, một tờ báo tại Paris đã vẫn tiếp tục đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại như sau: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người dẫn đường, không chế độ hưu trí, nhưng rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít an ủi, rất nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đau đớn trong cô đơn và một nấm mồ vô danh”.[12] Quả vậy, tình yêu có những lý lẽ riêng của nó, chỉ biết xả thân không vì danh, không vì lợi… ‘Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người ! Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô…’ (1 Cor 4, 9-10).

Thừa sai Macé

Năm 1880, ngài đã bị lây bệnh đậu mùa từ chiếc gối đầu giường của một bệnh nhân; ngài đã tin là mình sắp chết. Đấng Quan Phòng đã cứu ngài để dành lại cho một cái chết vinh quang hơn. Sau đó ngài viết cho bà chị: “Em nghĩ là em sẽ chết vì bệnh đó, Thiên Chúa đã quyết định cách khác, chúc tụng Người! Sống và chết, điều đó đối với em hầu như là như nhau cả. Hy lễ của em đã sẵn sàng từ lâu, vả lại, da của em không quá đắt giá! Một mình, ở cách gia đình em bốn ngàn dặm, em nghĩ rất nhiều đến tất cả và mỗi người bà con và bạn bè! Khi em cảm thấy quá mệt, em lê người đến bàn để viết cho chị một lời từ biệt cuối cùng, một lời hứa tưởng nhớ luôn mãi. Em đã nhớ đến những lời sau cùng của mẹ lúc sắp chết: “Chết không phải là quá khó”. Bây giờ, kìa, em đã sống lại. Nhưng em hạnh phúc là đã chịu đau khổ: sự đau khổ, kết hợp với tình yêu, là đồng tiền người ta mua nước trời.” (Macé)

- Có thể rất chủ quan, nhưng Thánh Gagelin Kính đã như muốn khoe về niềm vui sống nghèo của mình: "Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng: tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp trong hoàng cung của ngài". 

- Kể từ 25/3/1963, Dòng Chúa Cứu Thế đã lãnh nhận công tác truyền giáo tại vùng đất trong giáo phận, một vùng đất mà người thừa sai luôn đối diện với cô đơn, túng bấn, khổ đau, một nơi được đánh dấu bằng Thập Giá. Qua nhiều năm trước, nơi đây đã là “vùng giải phóng”, do đó sau ngày đình chiến (20/7/1954) “dư âm cách mạng” vẫn còn ở đây, chiến tranh, bom rơi, mìn nổ thường ngày trên mảnh đất cày lên sỏi đá nầy. Dân vừa nghèo, đất cũng nghèo, an ninh trật tự trong vùng không mấy bảo đảm. Đối diện với hoàn cảnh như thế, cha Denis Paquette, bề trên tiên khởi của cộng đoàn Chúa Cứu Thế Châu Ổ đã viết trong bức thư gửi các ân nhân ngày 23/3/1963 với tâm tình sâu lắng của một thừa sai: “Khi đọc lại lịch sử các cuộc truyền giáo, tôi nhận thấy rằng bách hại luôn có ở mọi thời đại. Như thế thì tình trạng của chúng tôi là bình thường. Chính nhờ phương cách đó mà Giáo Hội bén rễ và tăng trưởng. Nhờ ý tưởng đó, tôi tự khích lệ mình và  người khác”. [13]

 Cha Denis cũng kể về các cuộc hành trình đến thăm các nơi: uống trà, nói chuyện. Nhiều người thiện cảm. Cha vui sướng được như người chăn chiên lành đi đến với những con chiên xa bầy. Cha nói đến cảm nghiệm sự bất lực của mình trước bao công việc phải làm, trước những khó khăn vật chất và tinh thần, do con người của mình hoặc do người khác.

Cũng trong thư nêu trên, cha Denis Paquette viết: “Tôi vinh dự được chỉ định cho giáo điểm thừa sai truyền giáo này, giữa lương dân…. Mặc dầu phải mang trách nhiệm bề trên, tôi là người sung sướng nhất trong loài người. Cuối cùng thì tôi đã ở “trong rừng”, sau 27 năm thừa sai. Từ trước đến nay, tôi luôn được chỉ định làm một việc gì nơi tu viện, giờ đây hơn khi nào hết tôi cảm thấy mình được hoàn toàn là người thừa sai. Giấc mơ của tôi từ 14 tuổi hôm nay đã thành sự thật. Tôi đi qua những  con đường bùn lầy, vượt các thửa ruộng, tôi nghỉ chân dưới các rặng tre. Lúc trời mưa, tôi thường vác xe đạp lên vai. Các chòi lá vừa là nhà nguyện vừa làm nhà ở. Tôi ăn cơm với nước mắm và khoai lang. Trong rừng không có bánh mì trắng như ở nhà chúng ta đâu. Nhưng đừng tưởng rằng tôi phải vì đó mà khốn cực đâu”.

Tại An Điềm, xã Bình Chương, vùng truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế, của lễ đầu mùa được dâng cho Chúa Cứu Thế là hai thừa sai bị những viên đạn cố tình đâm thẳng vào thân thể hai ngài vào năm 1969, cách nhau sít soát một tháng: cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm ngày 23/2/1969 và thầy Phaolô Simon Phạm Mẫn ngày 21/3/1969.

Sau cái chết của cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm, thầy Phaolô Mẫn, người đã từng đồng lao cộng khổ với cha trong 4 năm, đã viết về cái chết của cha Điềm. Kết bài tường trình về cái chết của cha Điềm, thầy viết: “Tôi đã khóc rất nhiều người anh em đó, người Linh Mục với cuộc sống thật đơn giản, hiền hòa và rất mực bác ái. Không hề có một lời bất hòa giữa anh em chúng tôi trong suốt thời gian 4 năm mà chúng tôi đã chung nhau làm việc. Tôi nghĩ rằng sự chết của cha Điềm và của em Nhu là những cái chết lý tưởng. Tôi phân bì những người đó và xin hai người cầu nguyện thật nhiều cho tôi”. [14]  Không đầy một tháng sau, điều thầy “phân bì”, thầy đã được nhận lãnh. 

4. TẤM LÒNG MỤC TỬ

- Vì có sự trục trặc giữa chúa Nguyễn và các thuyền buôn Bồ Đào Nha, năm 1639, chúa Nguyễn Phúc Lan trục xuất tất cả thừa sai ở Đàng Trong, những người nhờ thuyền buôn Bồ Đào Nha đến Đàng Trong. Giáo đoàn Đàng Trong không còn một bóng dáng thừa sai. Giáo dân tự giúp nhau sống đạo. Trước tình cảnh bi đát đó, cha Đắc Lộ, một người quốc tịch Pháp, hơn mười năm rồi không hề dính chút bụi đất Đàng Trong, đang ngồi ghế giáo sư ở Macao, được bề trên chọn và phát lệnh trở lại Đàng Trong, miền truyền giáo mà cha đã có kinh nghiệm sống với dân dã mộc mạc cũng như những bậc quan quyền từ những năm 1624 đến 1626. Cha tìm và tận dụng mọi cách để đến và ở với dân.

Tận dụng “tinh thần trọng trưởng” và “tốt lễ dễ kêu” của con dân xứ Con Rồng Cháu Tiên, cha Đắc Lộ đã ra vào Đàng Trong được bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1640 đến ngày 3 tháng 7 năm 1645. Chúng ta nghe cha kể lại: “Tuy được may mắn trở lại Đàng Trong, tôi nghĩ lúc này không nên vội công khai ra mắt. Tôi lẩn trách và sửa soạn đường trước khi tiến tới dự định chính. Tôi liền lẩn trốn ở một tỉnh gọi là Hội An, nơi người Nhật đến buôn bán rất sầm uất. Họ ở đây để trao đổi hàng hóa. Tôi vẫn chưa công khai ra mắt và việc làm đầu tiên là lấy lòng viên bang trưởng là một người Nhật, vừa là lương dân vừa là kẻ ghét đạo.
Để thực hiện dự định, chỉ còn cách tặng cho ông món quà ông ưa thích, tuy chẳng đáng giá là bao, nhưng đổi được lòng người, từ một thù địch nguy hại, ông trở thành người bảo vệ chắc chắn. Ông tìm mọi dịp để nhờ tôi lo cho đồng bào của ông và cho dân bản xứ Đàng Trong, rồi ông còn đưa tôi đến Thuận Hóa có phủ chúa. Tôi rất ngại tới đó, vì sợ chúa cho là tôi khinh thường lệnh trục xuất chúng tôi.

Vì người Nhật này rất khôn khéo dẫn đưa tôi và nhờ các bạn của ông giúp, nên tôi được tiếp đón niềm nở. Tôi để cha Phêrô Albert ở lại với đám người Nhật, cha được lòng họ và thu được thành quả tốt đẹp. Còn tôi, tôi vào yết kiến chúa, mang theo phẩm vật quý nhất tôi có thể sắm được. Thực ra đó là tất cả tiền bạc tôi mang theo từ Macao để sinh sống trọn một năm. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu hết cho tôi, vì có một giáo dân tên là Anrê và vợ đã gửi cho tôi số tiền cần thiết để như bù lại cho tôi, họ muốn được dâng những phẩm vật này để làm vui lòng chúa”.[15] 

Cha Đắc Lộ ghi lại tâm tình của cha trong những ngày sống với dân ở Bàu Gốc: “Trong tất cả các công việc tôi không thấy mệt mỏi, bệnh tật, và tôi được tràn đầy an ủi, đến nỗi tôi không biết mình đang ở dưới thế hay trên thiên đàng”.[16]

 Cứ mỗi lần rứt ruột đi ra khỏi Đàng Trong là một lần không chút hy vọng trở lại với giáo đoàn, đứa con yêu quý của mình. Cha Đắc Lộ biết sự hiện diện của mình với giáo đoàn rất bấp bênh. Trước tình cảnh ấy, cha Đắc Lộ tìm cách giải quyết vấn đề, lo cho giáo đoàn được “ăn chắc mặc bền”, cha qui tụ và thành lập Tu hội thầy giảng. Ngày 31.7.1643, cha chủ tọa lễ “khấn Dòng” của mười thầy giữa cộng đoàn dân Chúa tại nhà thờ Cửa Hàn. Việc thành lập Tu hội thầy giảng là một sáng kiến đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho việc truyền giáo tại Việt Nam.

Như thế, các thừa sai dòng Tên, cách riêng cha Đắc Lộ, những sứ giả gieo Tin Mừng và sống Tin Mừng: Thương dân, sống với dân, chia đắng chia ngọt với dân, không tìm lợi ích cá nhân, không tìm lợi ích cho Dòng, cho nhóm quốc tịch…gương sống Tin Mừng ấy đã để lại “ấn tượng đẹp” trong lòng dân, làm cho người dân, cách riêng người dân vùng An Chỉ, Quảng Ngãi cảm mến Tin Mừng và chấp nhận Tin Mừng, làm nền tảng cho Đức cha Phêrô Lambert de La Motte quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ vào cuối năm 1671.

- Đức cha Phêrô Lambert và đoàn thừa sai đã đến Ayuthia, thủ đô Thái Lan ngày 22.08.1662, nhưng vì hoàn cảnh, chưa thể vào được Đàng Trong, nhiệm sở của mình. Tháng 8 năm 1665, từ Ayuthia Thái Lan, Cha Antôn Hainques được chọn đi tiền trạm. Cha vào Đàng Trong với bầu nhiệt huyết truyền giáo dưới những chỉ dẫn sát sườn của công đồng Ayuthia năm 1664 về những việc phải làm tại miền truyền giáo.[17] Trong lúc tình hình tương đối bình yên, cha đi thăm giáo dân dọc theo các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên. Cha mua một chiếc thuyền và dùng nó như một chủng viện. Trong các chuyến thăm mục vụ, cha đã chọn một số ứng viên và gởi sang Thái Lan cho Đức cha Lambert để Đức cha huấn luyện hầu được thụ phong linh mục. Ngày 31/3/1668, Đức cha truyền chức linh mục cho thầy Giuse, người An Chỉ, Quảng Ngãi, linh mục tiên khởi của giáo hội Việt Nam. Đầu năm 1669, sau khi thầy Luca Bền được Đức cha Lambert truyền chức linh mục, Đức cha Lambert  cho cha Phêrô Brindeau, cha Giuse và cha Luca vào Đàng Trong, tiếp sức với cha Hainques theo quyết định của cuộc hội nghị thừa sai tại cảng Pilpy, cách Ayuthia 50 dặm về phía Nam.[18] Rất tiếc, cha Antôn Hainques đã sớm qua đời và được an táng tại Chợ Mới trong tháng 12 năm 1670.[19]

Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên của Đức cha Phêrô Lambert de la Motte tại Đàng Trong từ ngày 01/9/1671 đến ngày 29/3/1672.[20] Đức cha Lambert thăm giáo dân Chợ Mới, Quảng Ngãi. Đức cha được giáo dân Chợ Mới dẫn đến viếng mộ cha Antôn Hainques. Họ cầu nguyện: “Ou thanh Anton Haincq cha yeu chung toi, cau cho chung toi” (Ông thánh An Tôn Haincq cha yêu chúng tôi, cầu cho chúng tôi). Đức cha rất cảm động và rất ngạc nhiên vì giáo dân đã phong thánh cho cha Hainques. Đức cha giải thích và không cho họ cầu nguyện công khai như thế nữa.[21] Phần Đức cha, Đức cha kể về vị thừa sai của mình khi sẵn sàng dấn thân vào miền truyền giáo Đàng Trong: “bận đồ như một người Nhật, đi chân trần, đeo bị,…không hầu cận, không biết gì về địa phương, hoàn toàn phó thác vào Chúa Quan Phòng,…”.  Phong cách sống ấy là sự hội nhập để trở thành “người anh em” của mọi người, là dấu chứng của mầu nhiệm Nhập Thể, là bài giáo lý bao đồng không mang tính lý thuyết mà là “một dấu chỉ” của Tin Mừng, một Tin Mừng có sức giải thoát con người khỏi tham sân si, và là dấu chỉ của một tình yêu mục tử “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10, 10)  

Chính tình yêu mục tử đó, hai vị thừa sai của Tỉnh Dòng Phanxicô San Gregorio Tây Ban Nha, Cha Jeronimo de la Santissima Trinidad và Cha José de la Concepción  đã đến Đàng Trong và gặp được Đức Cha Pérez, Đại Diện Tông Toà ở Đàng Trong vào ngày 21/5/1720. Sau một chuyến kinh lý mục vụ với Đức Cha Pérez, Cha Jeronimo đã đến Phuoc-So [22]  xây dựng một nhà thờ mới dâng kính Thánh Giuse, và rửa tội cho gia đình một ông quan. Giáo điểm nầy năm sau được giao lại cho Cha Filipe de la Concepción.[23] Trong thời gian làm việc trong vùng đất nầy, Cha Filipe de la Concepción đã xây dựng các nhà thờ: năm 1726, xây nhà thờ Thánh Antôn ở Bau-gieng (Bàu Giêng), cũng trong năm nầy Đức Cha Pérez trao cho ngài nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Lên Trời ở Lay-duong (Lại Giang) và nhà thờ dâng kính Tổng lãnh Thiên thần Micae ở Duo-hau (Đồng Hâu); năm 1732, xây dựng nhà thờ dâng kính Thánh Pedro de Alcantara ở Sao-huinh ( Sa Huỳnh). [24] Trong Ký sự của Đức cha Edmond Bennetat, Giám mục phó Đàng Trong (1748-1758) kể lại những cuộc bắt bớ mà các thừa sai Phanxicô phải chịu tại nhà một thầy giảng ở Đa Lộc, ba thừa sai bị bắt tại cửa biển An Dũ (cửa sông Lại Giang, Bồng Sơn)...chịu trói, chịu lột áo, chịu mang gông... nhưng không vì thế làm cho các thừa sai nhụt chí hướng.[25]

- Cũng chính tình yêu ấy đã khiến thánh Giám mục Cuênot Thể, tình nguyện ở lại với giáo dân, dù chính ngài ra lệnh cho các thừa sai khác di tản khi chiếu chỉ phân tháp (1861) của vua Tự Ðức được thực hiện triệt để. Theo lệnh của ngài, đêm 21/08/1861, cha Herrengt (cố Nhơn), cha Jean Claude Roy (cố Từ) đưa 02 cha Việt Nam lớn tuổi và các chú từ Nước Nhỉ, Bồng Sơn ra cửa biển Kim Bồng vào Sài Gòn. Trên đường đi ngang qua bờ biển Kẻ Thử, cha Herrengt cho người đến Gò Thị mời Đức cha cùng đi, nhưng Đức cha chỉ chúc lành cho các cha và các chú được bình an. Đức cha quyết định : “Ta chẳng chịu trốn đâu. Ta chỉ trốn trong địa phận Ta mà thôi”.[26] Ngài đưa ra một phương châm bất hủ: “Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi”.[27] 

- Niềm vui của các thừa sai là niềm vui của người cha, của người mẹ, đã sẳn lòng chịu thương chịu khó, chịu cực mọi bề để cho con cái mình được hạnh phúc. Đây cũng là tâm tình của cha Porcher Kính, cha sở Trà Kê – Đồng Tre từ năm 1901 – 1918. Lúc bấy giờ từ Trà Kê đến Đồng Tre không có đường lớn, chỉ có đường mòn dích dắc. Năm 1905, cha để cha phụ tá ở Trà Kê, cha đến Đồng Tre xây dựng và củng cố cộng đoàn này. Nhìn thấy sức sống đức tin mạnh mẽ của giáo dân Đồng Tre, cha quên hết mọi khổ cực, cha rất hạnh phúc khi nói đến các tín hữu ở Đồng Tre và rất thương nhớ họ khi cha được lệnh đổi đi nơi khác.[28]

- Đức cha Damien Grangeon Mẫn, nguyên là giáo sư Đại Chủng Viện Đại An, tiếp nối việc tái thiết và phát triển của vị tiền nhiệm. Đức cha Damien Grangeon Mẫn chú tâm đặc biệt đến vùng truyền giáo Tây Nguyên, còn gọi là Miền Truyền Giáo Bahnar. Mỗi lần ngài nhận được các thừa sai từ Hội Truyền Giáo Balê (MEP) gởi đến, ngài dành ưu tiên cho vùng truyền giáo nầy ít nhất một người. Các linh mục Việt Nam vừa mới được ngài truyền chức, ngài chọn những linh mục có sức khỏe tốt nhất để sai đi Tây Nguyên.

    - Sau nhiều lần cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp, Dòng Chúa Cứu Thế, thuộc trung tâm truyền giáo Châu Ổ, đến Bình Hải nắm bắt tình hình: nhà thờ cũ đã bị đốt cháy, giáo dân cần điểm qui tụ hôm sớm để kinh lễ thờ phượng Chúa và củng cố đức tin. Năm 1968, cha Thiệp đã mua hai mảnh đất của ông Tu Thông và ông Phạm Kề với tổng diện tích 6.800m² tọa lạc tại xóm III thôn Phước Thiện để xây dựng lại nhà thờ, mở trường dạy học Thiện Mỹ,  lập tủ sách, trại chăn nuôi, sân bóng đá, nhà hướng nghiệp (y tế và nghề may).

Đến năm 1969, nhà thờ với mái tôn và vách cũng được dừng bằng tôn, nhà hướng nghiệp, trại chăn nuôi đã tạm xong. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp được bổ nhiệm lo công việc giáo dục tại trường Trung Học tư thục Phụng Sự ở Châu Ổ và trường trung tiểu học Tiến Bộ tại xã Bình Thạnh. Cha Micae Trương Văn Hành được bổ nhiệm lo công việc mục vụ tại Bình Hải và xúc tiến xây dựng các cơ sở khác. Cuối năm 1969, trường Thiện Mỹ dành cho học sinh từ lớp một đến lớp bảy được hoàn thành. Thầy cô giáo là những thầy cô ở các xã trong vùng, chỉ có cô Hồng, cháu của cha Hành từ Ông Đồn, Long Khánh về ở đây phụ trách lớp 6. Đặc biệt có thầy Giuse Phạm Đức Triêm, trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, thầy đến đây với cha Thiệp và ở lại với cha Hành lo cho dân. Thầy lo nhà hướng nghiệp, lo trại chăn nuôi heo để lấy kinh phí trang trải các nhu cầu, giúp đỡ người nghèo, nhất là các gia đình vắng người đàn ông trụ cột,  vợ ở nhà, nghèo khổ nuôi con, thầy giúp cho những con em trong các gia đình nghèo khổ nầy được đi học. Hiện nay một số người trong làng còn thương nhớ thầy, làm giỗ cho thầy vào ngày 05 tháng 6 hằng năm.

5. CHỖ DỰA CỦA NGƯỜI NGHÈO

Chính lòng thương cảm xuất phát từ Thiên Chúa Tình yêu, các vị không chỉ chăm lo mục vụ giáo lý, kinh bổn và các bí tích, mà các vị còn là chỗ dựa của những người nghèo, nghèo theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Lòng thương cảm ấy được biểu lộ qua các việc :

5.1- Lập Cô nhi viện  

“Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chính tình yêu ấy đã khiến Thánh Giám mục Cuênot Thể kiên trì và can đảm bám dân, sống với dân và tìm mọi cách cho đoàn dân của mình được sống dồi dào. Tấm lòng mục tử “có lửa” đó đã thúc ngài có nhiều sáng kiến thiết thực trong thời của ngài để cho nhiều người được biết Chúa. Một trong những sáng kiến hàng đầu của ngài là thành lập cô nhi viện.

- Cô nhi viện Gò Thị: Thư đề ngày 31/01/1846 của Thánh Giám mục Cuênot Thể gởi cho cha Jurines tại Paris: “Cha biết rằng vào năm 1844, tôi đã tụ tập một vài trẻ gái mồ côi trong một ngôi nhà dựng nên vì mục đích đó tại Gò Thị, nơi tôi cư trú. Cha cũng biết rằng tôi đã đề nghị dựng ba nhà khác theo cùng một mục đích đó. Một nhà vẫn tại Gò Thị cho trẻ nam, nhà thứ hai cho trẻ nữ tại phía bắc tỉnh nầy và nhà thứ ba tại Quảng Ngãi cho các trẻ nữ”.[29]

Đối với Đức cha Cuênot Thể, việc lập cô nhi viện là hành động ba trong một: Ngoài việc bác ái và cậy dựa vào sức mạnh cầu bàu của các thánh đồng nhi cho việc truyền giáo, Đức cha còn nhắm đến mục tiêu trồng chuối lấy con. Song song với việc lập cô nhi viện là lập các phước viện. “Đức Cha có ý thêm hoa quả thơm tho trong vườn Hội thánh, cùng làm sáng danh Chúa cách riêng, thì lo lập lại các nhà phước, để cho những người nữ có lòng muốn đi đàng nhơn đức đặng nương náu tu tập trọn lành nên thánh, cầu nguyện cho kẻ giảng đạo trong địa phận, cùng lấy việc xác mà trợ giúp việc đạo tùy sức, hoặc giúp việc các nhà trường nhà chung, hoặc dưỡng nuôi mồ côi, đi rửa tội cho con nít ngoại đạo, hay là xem sóc dạy dỗ những nhi nữ đạo trong các họ”.[30]

Việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi và rửa tội cho trẻ ngoại giáo nguy tử là một việc ưu tiên trong kế hoạch mục vụ của vị Giám mục truyền giáo: “Kìa Người giao việc cứu con nít kẻ ngoại cho các chị nhà phước, cứ hai người, cùng thiên thần hộ thủ là bốn, mà châu khắp tĩnh thành làng xóm, hễ gặp con nít gần chết, thì cho thuốc, cùng lén rửa tội cứu linh hồn nó. Ngoài họ, các thầy thuốc, các mụ bà, cùng nhiều người đạo đức, Đức Cha khuyên bảo, thì thảy đua nhau mà làm vậy. Hoặc đứa nào sống sót, sẵn có các nhà mồ côi Đức Cha đã dạy lập, thì gởi nó vô mà nuôi; lại có khi bổn đạo, tuy mình phải lao đao tân khổ mặc lòng, thì cũng còn đem dạ thương nhận lấy mà nuôi như con vậy.” Nhà mồ côi Gò Thị là một cơ sở từ thiện có gốc gác từ thời Đức cha Cuênot Thể, được tái thiết sau năm 1871 nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhiều trẻ mồ côi trong vùng.[31] Cha Salomez đã làm giám đốc cơ sở nầy từ 1904 – 1906.

Các thừa sai tiêu biểu nối tiếp con đường của vị Giám mục truyền giáo:

- Cô Nhi Phú Hòa: Cha Marie André Garin Châu, thừa sai làm việc tại Quảng Ngãi (1880-1885), vừa mới đến nhiệm sở thì bệnh tật đã thăm viếng ngài. Không hãi sợ, ngài viết: Tôi không đến đây để được sống lâu nhưng để làm việc cho Chúa và chết ở đây khi nào Ngài muốn”. Vạn sự khởi đầu nan. Nạn đói tàn phá khắp miền gieo đau buồn và chết chóc. Cùng với nạn đói là nạn lụt dữ dội nhất từ năm mươi năm nay. Không mất đi lòng can đảm. Ngài viết: Những cơn đau cũng như nỗi buồn phiền chẳng là gì cả, tôi chỉ có điều mà tâm hồn tôi luôn mong ước– Ngài viết thêm sau đó: Tôi tự nguyện hy sinh vì tình yêu dành cho con cái nghèo khổ của mình cốt mong sao tai họa được chấm dứt. Tôi cũng mong ước được đi ăn xin từng nhà để cứu giúp họ. Thế nhưng bổn phận đã giữ tôi ở gần bên để giúp họ chịu đau đớn và chết lành”.

 Đàng khác, giữa cơn khốn khổ này, vị thừa sai có được niềm an ủi duy nhất mà ngài hằng cầu xin: mang lại nhiều thành công cho công việc của Thiên Chúa. Chúng ta đọc thấy một trong những bức thư ngài viết rằng: Khi đến Quảng Ngãi, tôi chỉ có năm mươi trẻ mồ côi. Hiện giờ tôi có ba trăm đứa, và nếu tôi có gan đi tìm kiếm thì chắc là sẽ có từ bảy đến tám trăm đứa. Nhưng vì không đủ gạo ngay cho những đứa mà tôi đã nhận và mỗi ngày tôi tính được có khoảng hai đến ba mươi đứa trẻ bị bỏ trước cửa cô nhi viện”. Chỉ trong năm này, cha Garin đã rửa tội cho hơn 4.000 đứa trẻ ngoại giáo trong tình trạng nguy tử.[32]

- Cô nhi viện Gia Hựu: Cha François Marie Geffroy Bửu được bổ nhiệm về Gia Hựu vào cuối năm 1879. Việc đầu tiên khi về Gia Hựu, Cha François Marie Geffroy đối diện với nạn đói do hậu quả những trận lụt năm 1878. Cha viết: “ Mỗi sáng, dưới những tán me trên đường từ nhà thờ đến Phước viện có ba, bốn, năm em bé được đặt nằm ở đó từ trong đêm, trong tình trạng lâm tử ”.[33] Đức thương người đã thúc bách Cha. Cha củng cố Cô nhi viện Gia Hựu, phân lập nhà cho trẻ nam, nhà cho trẻ nữ. Cha tổ chức khai khẩn đất sản xuất, tạo nghề cho các em làm ăn sinh sống. Các em nam lo việc trồng trọt, nhất là dừa, mía đường, dâu tằm, đào và lúa ruộng. Bên cạnh đó, các em nữ lo việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm, may vá. Thời điểm năm 1884, Cô nhi viện nầy có khoảng 200 em cả nam và nữ do các Dì Nhà Phước Gia Hựu trực tiếp chăm sóc dưới sự điều hành của cha Geffroy. Ngoài việc điều hành Cô nhi viện, cha Geffroy còn lập nhà tế bần khoảng 20 giường.[34]

- Hiện nay trong giáo phận có hai cô nhi viện do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn phụ trách :

1. Cô nhi viện Mằng lăng ở Phú Yên được cha Joseph Lacassagne (Cố Xuân), cha sở Mằng Lăng (1888-1900) thành lập song song với việc tái lập phước viện Mằng Lăng.[35]

2. Cô nhi viện Phú Hòa tọa lạc tại thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Cô Nhi Viện Phú Hòa có gốc gác từ Cô Nhi Viện Quảng Ngãi. Do Cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan, cha sở kiêm Hạt trưởng Quảng Ngãi thành lập ngày 15.06.1961,  tại ấp Nam Lộ, xã Cẩm Thành, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.[36]

    5.2. Lập nhà thương

    Từ năm 1615 - 1773, có 77 thừa sai dòng Tên với nhiều quốc tịch khác nhau làm việc tại Đàng Trong, trong đó nhiều nhất là Bồ Đào Nha, 36 thừa sai. Trong số thừa sai làm việc tại Đàng Trong có 12 thừa sai từng tham gia trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám (lo về thiên văn và làm lịch) dưới triều các chúa Nguyễn. Mặc dù các thừa sai có tham gia trong Thái Y Viện nhưng việc lập cô nhi và nhà thương không thuộc “tầm ngắm” của các thừa sai dòng Tên. Nhà thương đầu tiên trên đất Ngãi Bình Phú là nhà thương do người giáo dân Việt, bà Ngọc Liên lập tại Dinh Trấn Biên Phú Yên.[37]

- Nhà thương Nước Mặn : Nhà thương đầu tiên do thừa sai lập là nhà thương do cha Antôn Hainques, thừa sai MEP, lập tại Nước Mặn (khoảng 1666-1669).[38]

    - Nhà Thương Phú Hòa : Năm 1880, cha Marie André Garin, thừa sai làm việc tại Quảng Ngãi, chẳng những sau hai năm cha đã thiết lập 40 điểm truyền giáo, xây dựng và tái thiết rất nhiều nhà thờ, cha còn lập nhà thương tại Phú hoà.

- Bệnh viện và Cô nhi viện Kim Châu : Năm 1914, cha Jean Baptiste Solvignon Lành thành lập bệnh viện Kim Châu. Bệnh viện nầy được các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Charles Hà Nội điều hành. Lúc bấy giờ cả tỉnh Bình Định chỉ có bệnh viện công ở Qui Nhơn và bệnh viện Kim Châu. Song song với hoạt động bệnh viện, năm 1934 cô nhi viện Kim Châu được thành lập. Năm 1945, Bình Định là vùng kháng chiến, các nữ tu dòng Thánh Phaolô là người ngoại quốc nên phải rời khỏi nhiệm sở. Bệnh viện và  cô nhi viện được giao cho các nữ tu Mến Thánh Giá điều hành. Năm 1969, bệnh viện ngừng hoạt động. Ngày 02.12.1978, cô nhi viện Kim Châu được xã hội quản lý.

- Trại Phong Qui Hòa: Năm 1929, Được sự chuẩn nhận của Đức cha Damien Grageon Mẫn, bác sỹ Le Moine, Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn cùng với cha Paul Maheu thành lập trại Phong Qui Hòa. Bác sĩ Le Moine tường thuật việc cha Maheu đến Qui Hòa: “Một buổi sáng đẹp trời, một chiếc thuyền cập bãi Bến Cát, chở theo một cái giường gỗ, một cái bàn, mấy cái ghế, một máy dĩa phono, rất nhiều sách, một nhà tu hành gầy gò có bộ râu dài, cặp mắt sáng quắc, đó là linh mục Paul Maheu, hiến dâng đời mình cho người cùi".[39]  Năm 1932, Trại phong được các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ điều hành.

- Bệnh viện Thánh Gia Qui Nhơn do các nữ tu dòng Nữ Y tế Thừa sai  đảm trách (1960-1975).

5.3. Phát triển dân trí

Phát triển dân trí, đào tạo nhân sự người bản xứ là một trong các tầm ngắm chủ đạo của các thừa sai:

- Nước Mặn nơi phôi thai chữ quốc ngữ.

Căn cứ vào các nguồn sử liệu, các nhà nghiên cứu công nhận có một cuốn sách bổn (kinh và giáo lý) được cha Pina và một người thanh niên Việt Nam soạn tại Nước Mặn vào năm 1618 để phục vụ cho công cuộc truyền giáo.[40] Cuốn sách nầy hiện nay vẫn chưa được tìm thấy. Theo các nhà nghiên cứu, cuốn sách được viết bằng chữ Nôm, ở dạng chép tay và được những người công giáo Việt Nam sử dụng, còn đối với các giáo sĩ Dòng Tên thì họ dùng bản phiên âm chữ La tinh (tức là như kiểu chữ Quốc ngữ).

Vì nhu cầu truyền giáo, các thừa sai ở Nước Mặn trong giai đoạn đầu (1618-1620) là những người tiên phong chú trọng việc nghiên cứu, phiên âm, hình thành chữ Quốc ngữ. Trong cuốn sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của cha Christophoro Borri, một thừa sai chỉ làm việc tại Nước Mặn, được viết khoảng năm 1620-1621 tại Nước mặn, xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Ý năm 1631, cha đã dùng một số từ Quốc ngữ (52 từ). Đây là một tác phẩm giới thiệu cho thế giới biết về con người Việt Nam, cụ thể là phong tục, khí hậu, thổ nhưỡng, chính trị, xã hội của người Đàng Trong. Từ năm 1631-1633, tác phẩm nầy được dịch sang tiếng Pháp, Latinh, Hòa lan, Đức, Anh và được xuất bản, tái bản tới 15 lần từ năm 1631-1858.[41] Hai lần xuất bản gần đây nhất bằng tiếng Pháp năm 1931 do ông Bonifacy in trong tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ và tiếng Việt do Hồng Nhuệ dịch, Nhà xuất bản Thăng Long, Nhà in Thiên Hà, năm 1990.

- Thao thức và hành động của vị chủ chăn về dân trí của đàn chiên

Để đáp ứng nhu cầu phát triển dân trí, Đức cha Cuênot Thể dành phần lớn thời gian để dịch sách sang tiếng Việt, đồng thời luôn có một linh mục Việt Nam đọc lại bản dịch. Trong tình trạng bị bách hại, các “trường” của Giáo hội bị giải tán, trong thư viết năm 1843, Đức cha thể hiện nỗi âu lo tình trạng dân trí và đề xuất hướng khắc phục: “Tôi đã nói đến các thanh niên nghèo cần phải nuôi nấng trong thời gian học giáo lý, và thậm chí tôi nghĩ cả thời tiểu học nữa. Trước cuộc bách hại có những người thiện chí đã thay thế thầy cô giáo đem con chữ cho những người ít chữ nầy. Nhưng công việc đó đã hoàn toàn bị bỏ bê, và số cha mẹ rất lớn hoặc chểnh mảng, hoặc vì quá nghèo đã để cho con mình chết đi trong vòng dốt nát. Thuốc chữa sẽ phải là dạy dỗ họ hoặc nhờ thầy dạy họ. Trong mọi thời, nhu cầu về thầy dạy đều cần thiết trên mảnh đất truyền giáo nầy”. Để khắc phục tình trạng thiếu thầy giáo, ngài yêu cầu mỗi linh mục giữ bên mình ít nhất 3-4 học trò với hy vọng đào tạo thành thầy giảng và linh mục.[42]

- Lập nhà in:

Tiếp nối tinh thần phát triển dân trí của các vị tiền nhiệm, năm 1904, Đức cha Grangeon Mẫn tái cấu trúc nhà in Làng Sông, giao cho cha Paul Maheu phụ trách kỷ thuật. Nhà in Làng Sông được thành lập từ thời Đức cha Charbonnier Trí (1864-1878), trước năm 1873.[43] Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn hoặc Imprimerie de Qui Nhơn cùng là ấn quán của giáo phận. Nhà in đã xuất bản số lượng lớn về sách Quốc ngữ, đa dạng về thể loại. Ở đây chỉ nêu lên một vài đầu sách đạo: Thánh giáo yếu lý, Thánh Đạo Đại Nguyên, Sách kinh mục lục, Sách gẫm, tạp chí Mémorial, tạp chí Lời Thăm..., một vài đầu sách giáo dục văn hóa: Phép đánh vần, Con nít học nói, Ấu học, Trung học, Địa dư sơ lược, Chuyện đời xưa, tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc..., tạp chí Học Sĩ, tạp chí Tuổi Xanh... Trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in.[44]

- Lập trường Quốc ngữ

Căn cứ vào các bản báo cáo hằng năm của các Giám mục, trong toàn giáo phận Đông Đàng Trong : [45]
 
NĂM SỐ TRƯỜNG SỐ HỌC SINH
1897 13 983
1914 132 3.296
1919 63 1.763

Đây là số trường Quốc ngữ của nội bộ giáo hội, chủ yếu dạy cho giáo dân biết đọc, biết viết để học giáo lý và kinh bổn. Năm 1919, nền Hán học bị bãi bỏ. Năm 1924, Merlin, Toàn quyền Đông Dương ký Quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy 3 năm đầu cấp tiểu học. Khi có quyết định về việc đưa chữ Quốc ngữ vào trường công lập, Đức cha Grangeon Mẫn ra thư chung yêu cầu các cha sở lập trường Quốc ngữ theo chương trình công lập và ra chỉ thị hướng dẫn thiết kế xây dựng trường học, nội dung chương trình giáo dục, tổ chức lớp học theo qui chuẩn khoa học. Về các môn học: 1. Tập viết, 2. Bài đọc quốc ngữ, 3. Bài đọc tiếng pháp  (chỉ đề cập đến bài nầy sau bài Quốc ngữ và sau khi đã nhận biết một số từ thường dùng), 4. Bài đọc thường thức, 5. Chính tả, 6. Từ vựng, 7. Tập viết,  8. Toán (số học), 9. Đo lường, 10. Hình học, 11. Thường thức, 12. Địa lý, 13. Lịch sử, 14. Hội họa, 15. Đạo đức.[46]

- Ngày 13/05/1924, Đức cha Grangeon ra thư chung yêu cầu các Linh mục phải mở trường Quốc ngữ trong địa hạt của mình: “...Cách hơn 10 năm nay, Ta đã ra thư chung rao truyền việc lập trường sơ học. Chẳng may xảy cuộc chinh chiến cả thế giới bên Tây, trong Địa Phận nhiều nơi thiếu các cha coi sóc; kế tiếp gặp mấy năm cơ cẩn, nhiều chỗ phải thiếu thốn mọi bề; nên việc lập trường phải đình lại chưa thành. Nay nhờ ơn Chúa đoái thương, đâu đó an cư lạc nghiệp, mọi nơi đều thơ thới; nên Ta quyết định buộc mỗi địa hạt phải lập ít nữa là một trường tại nơi sở chính, đặng trẻ nam nữ tựu tới học hành... còn những nhà nghèo không đủ của nuôi cho con ăn học, thì hãy xin cha sở liệu cách giúp… những đứa nghèo nàn không thể học được, thì các cha liệu thể; như bắt nó tới học ít nhiều hồi đầu hôm, hoặc xuất của họ của công nhu mà giúp nó học, ít nữa là cho nó đọc sách vừa xuôi”[47] 

Với thư chung nầy, việc mở trường quốc ngữ trong giáo phận được khởi động phát triển. Năm 1927, trong toàn giáo phận có 60 trường học, trong đó: Quảng Ngãi 7 trường, Bồng Sơn 8 trường, Tây Bình Định 8 trường, Đông Bình Định 15 trường, Phú Yên 2 trường. Như vậy, riêng khu vực Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trường Quốc ngữ được mở khá nhiều, chiếm hơn một nửa số lượng cả giáo phận Qui Nhơn lúc bấy giờ (40/60). [48]

5.4. Các Hội dòng, Tu đoàn và Tu hội tham gia sứ mạng truyền giáo trong công tác giáo dục, y tế và bác ái-xã hội:

    Trên đây là những loại hình được các thế hệ thừa sai chọn lựa làm phương tiện giới thiệu Tin Mừng một cách hữu hiệu. Đã có loại hình hoạt động thì phải có nhân sự tham gia, sau đây là một cái nhìn tổng quát:

- Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn:

Kể từ lớp khấn sinh đầu tiên của Hội dòng (1930) đến năm 1979, Hội dòng tham gia công tác truyền giáo ở 48 vị trí trên lãnh thổ Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên trong ba lĩnh vực chủ yếu: Mục vụ trong các giáo xứ, dạy học tại các trường và công tác trong các cơ sở bác ái và cơ sở Nhà chung của giáo phận. Trong 48 nơi Hội dòng tham gia trong giáo phận có 16 nơi Hội dòng tham gia trong công tác giáo dục tại các trường Công giáo, trong đó có Trinh Vương là trường Trung học, một trường có tiếng ở Qui Nhơn. “Có thể nói trong các trường tư thục thời bấy giờ, những trường do các Soeurs và Sư huynh Thiên Chúa Giáo quản trị đều vượt trội hơn các tư thục khác về chất lượng quản lý và giáo dục… Năm 1965, trường Trinh Vương khai giảng với 4 lớp tiểu học và 4 lớp trung học. Thế mà đến năm 1975 trường đã phát triển lên 33 lớp tiểu học và 20 lớp trung học, với gần 4.000 học sinh”.[49]

Hiện nay, ngoài nhà Mẹ của Hội dòng, Hội dòng có 22 cộng đoàn hiện diện tại Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Trong đó hai cộng đoàn phụ trách hai cô nhi viện, ba cộng đoàn giúp cơ sở Nhà chung, số cộng đoàn khác tổ chức nuôi dạy trẻ và tham gia một số công việc mục vụ tại các giáo xứ.

Nói đến các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn mà không nói đến các nữ tu “dép mo thời tiền sử” ở các Phước Viện trong giáo phận là một bất kính lớn đối với các Dì. Tuy nhiên để có được một bài trình bày hệ thống, cụ thể, bài bản cho từng Phước Viện trong từng thời kỳ lịch sử thì đó là việc vượt quá khả năng của người viết. Dẫu sao, với những mảnh sử liệu ít ỏi tiếp cận được, chúng ta thử hình dung cách các Dì tham gia công cuộc truyền giáo của giáo phận:

Dòng Mến Thánh Giá được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte thành lập tại An Chỉ, Quảng Ngãi vào cuối năm 1671. Từ cội rễ An Chỉ, Dòng Mến Thánh Giá được thành lập nơi này nơi kia trong giáo phận. Mỗi nơi được thành lập thường gọi là Nhà Phước hay là Phước Viện, mỗi Phước Viện biệt lập, có Bề trên riêng, có địa bàn hoạt động riêng. Chúng ta có thể kể ra đây một số Phước viện từng hiện diện trong dòng lịch sử truyền giáo của giáo phận tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên:

Quảng Ngãi: Cù Và, Phú Hòa
Bình Định: Gia Hựu, Thác Đá, Đồng Quả, Nước Nhỉ, Gò Thị, Làng Sông
Phú Yên: Mằng Lăng, Quán Cau, Hoa Vông

Trong thư gởi cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đề ngày 25.07.1864 của cha Jean Claude Roy Từ, Bề trên của giáo phận, nguyên cha sở Thác Đá, cho biết lúc bấy giờ trong giáo phận có 12 Phước Viện, khoảng 400 nữ tu: Hai nhà ở Quảng Nam; Hai nhà ở Quảng Ngãi; Bốn nhà ở Bình Định; Hai nhà ở Phú Yên; Một nhà ở Khánh Hòa; Một Nhà ở Bình Thuận. Trải qua dòng thời gian, năm 1959 trong giáo phận có 06 Phước Viện: Phú Thượng và Trà Kiệu ở Quảng Nam; Cù Và ở Quảng Ngãi; Gia Hựu và Làng Sông ở Bình Định; Mằng Lăng ở Phú yên. Năm 1959, sáu Phước Viện nầy được sáp nhập vào gia đình Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Kể từ đây các Phước Viện không được nhận người mới.

Một sử gia khi viết về Đức cha Charles Marinô Labbé, Giám mục phó Đàng Trong (1697-1723), qua đời ngày 24.03.1723, được an táng tại giáo xứ Chợ Mới, giáo hạt Mằng Lăng, đã đề cập đến các nữ tu Mến Thánh Giá như sau: “Mặc dù các nữ tu Mến Thánh Giá do Đức Giám mục Bêryte thành lập đã thường xuyên phải chịu phân tán trong những thời bắt đạo, các nữ tu không hề để mất tinh thần bậc sống của mình, cũng như lòng sốt sắng. Các nữ tu có 18 nhà dòng (Nhà Phước, Phước Viện) trong vương quốc nầy. Cầu nguyện, việc tay chân và các công tác bác ái chiếm trọn thời giờ của các nữ tu. Các nữ tu săn sóc bệnh nhân, dạy dỗ các trẻ nữ, nhiệt thành hoạt động và rất thành công trong việc đưa các phụ nữ ngoại trở lại đạo, và khích lệ lòng đạo đức nơi những bổn đạo”[50]

“L’Ami de la Religion”, một tờ báo lớn ở Pháp, năm 1845, tờ báo này giới thiệu các Dì Mến Thánh Giá như sau: “Các nữ tu Mến Thánh Giá không bao giờ giữ nội vi, ngay cả vào thời bình. Những lời khấn mà họ tuyên thệ để dâng mình cho Chúa và dấn thân từ nay sống tiết dục, thì là những lời khấn đơn. Các phụ nữ đạo đức nầy rất đáng quý, nhất là trong thời bắt đạo, vào thời khai sinh đã phải lo việc giáo dục các trẻ nữ; và ngày nay nữa, họ tận tâm nâng đỡ kẻ bệnh hoạn và việc trở lại cho các phụ nữ bê bối. Họ sinh sống bằng công việc tay chân của mình, chỉ dùng hai bữa ăn thanh đạm mỗi ngày. Họ ăn chay các ngày thứ sáu và thứ bảy mỗi tuần. Hằng ngày họ dâng lên Thiên Chúa những lời kinh dài và sốt sắng. Hai lần mỗi tuần và mọi ngày trong suốt mùa Chay, họ đánh tội và làm nhiều việc hảm mình khác”.[51]

Trong cuộc điều tra về những vị tử đạo tại Qui Nhơn, Đức cha Charbonnier Trí đã đề cập đến công việc của các nữ tu Mến Thánh Giá: “Đã quãng 15 ngày, thầy chủng sinh Gioakim Trinh và chú Bảo ở trong nhà tù với cha Giuse Chung trong tỉnh Bình Định, Đức cha Cuênot Thể sai Dì Kỷ đi chăm sóc cho họ, bởi vì Dì là người họ hàng của cha Chung. Từ từ, Dì làm quen với lính tráng và tên lý hình. Các tù nhân không còn cảnh đói khát và trần truồng như trước đây nữa. Dì còn dẫn được một linh mục để giải tội cho họ nữa. Còn riêng thầy Trinh và chú Bảo thường xưng tội với cha Chung”.[52]

Mỗi lần được chuyện trò với các cha già trong giáo phận, khi đề cập đến đời sống hằng ngày ở Chủng viện Làng Sông, các cha thường nhắc đến công lao khó nhọc của các Dì ở Nhà Phước Làng Sông, thức khuya dậy sớm, đi chợ, nấu cơm, nhất là xay lúa giã gạo cho cả trăm người ăn hằng ngày. Dì Matta Hòa, bếp trưởng ở Đại chủng Viện Qui Nhơn, khi nghe nhắc đến những công việc nặng nhọc khó khổ ấy, Dì hay nói đó là như một cách tham gia vào công việc truyền giáo của giáo phận.

Cho dù đọc được một số tài liệu ít ỏi về đời tu và hoạt động của các Dì phước nơi các Nhà Phước xưa kia trong dòng lịch sử truyền giáo của giáo phận, tuy nhiên các tài liệu cho thấy cách chung các Dì Mến Thánh Giá ít được chú trọng đến việc huấn luyện tri thức phổ thông, các Dì như bao người nghèo khác, việc học hành dường như chỉ dành cho những thành phần có của ăn của để. Chủ yếu các Dì kiên trì cầu nguyện, ăn chay đánh tội, trung thành giữ kinh lễ, giúp cô nhi, giúp nhà chung, nấu ăn, dạy giáo lý cho giới nữ, thăm viếng, làm việc bác ái, trồng cây thuốc Nam, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cấy lúa, trồng khoai như bao người nông dân. Các Dì không “đứng lớp” để truyền đạt những kiến thức phổ thông, nhưng các Dì đã “đứng” từ nơi hóc hẻm của nhà tù đến những nơi cần tấm lòng tận tụy và bàn tay săn sóc của người mẹ, cần những lời an ủi, cần một chút xoa dịu nỗi khổ đau, và các Dì đã “đứng” trong thánh giá bổn phận hằng ngày. Dáng “đứng” ấy  như một lời thủ thỉ, như một lời tâm sự với mọi người rằng có một Tình Yêu vĩnh hằng, bao dung, đáng để được chọn làm chỗ dựa duy nhất trong cuộc đời. Nói chung cách sống, cách hoạt động của các Dì rất gần dân, ngay như cách xưng hô, cách gọi ‘Dì’, là chị, là em của mẹ, nói lên sự gần gủi thâm tình giữa người nữ tu với những người chung quanh. Đời sống nghèo khó, dung dị của các Dì như “cọng rau muống” dễ bám sống, dễ sinh sôi nẩy nở, dễ “dùng” đối với mọi người, nhất là cho giới bình dân, cho con nhà nghèo. Trong thư gởi về Chủng viện của Hội Thừa Sai năm 1785, cha Gioan Labartette (Giám mục Đàng Trong 1799-1823) có đề cập đến các Dì Mến Thánh Giá trong giáo phận: “Các thiếu nữ nầy nêu một gương sáng rất lớn: họ rất được kính phục, không những giữa những người có đạo, mà còn cả những người ngoại nữa. Họ lan tỏa khắp nơi hương thơm thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô”.[53]

- Hội Thầy Giảng là một tổ chức được cha Đắc Lộ sáng lập, các thừa sai đến sau tiếp tục duy trì và phát triển. Cha Giuse Trang, linh mục tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam, quê An Chỉ, Quảng Ngãi là một người xuất thân từ Hội nầy. Cha Giuse Trang là linh mục Việt Nam đầu tiên được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte bổ nhiệm làm việc tại Nước Mặn vào năm 1672. Cũng dịp nầy tại Nước Mặn, Đức cha ký văn thư bổ nhiệm 06 thầy giảng trong vùng. [54] Trước đó vừa cứng một tháng, Hội Thầy Giảng đã được Đức cha Lambert chuẩn nhận tại công đồng Hội An.[55]

Hội Thầy Giảng đã sớm ghi công và nhẫn nại tham gia khi ít khi nhiều trong việc viết trang sử truyền giáo của giáo phận cho đến tiền bán thế kỷ 20. Các thầy là những trợ tá đắc lực cho các thừa sai và các linh mục trong giáo phận, nhất là những nơi thiếu vắng linh mục, các thầy còn phải lo đảm đương việc điều hành cộng đoàn, tiếp nhận và dạy dự tòng… Các thầy có mặt trong các địa phương trong giáo phận. Các thầy giúp dạy giáo lý, dạy chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, làm thông ngôn, làm việc tại Nhà in của giáo phận, quản lý tài sản Nhà chung…

Trong số các thầy giảng có thầy Giuse Trinh quê Phú Cốc[56] đã cùng với cha Giuse Chung, chú bảo, ông Hứa, ông Nam, ông Tân và ông Giáo chịu tử đạo tại Gò Chàm vào cuối năm 1860 (ngày 27 tháng 10 năm thứ 13 đời Tự Đức).[57] Ngày 13 tháng 12 năm 1918 Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV công nhận 20 vị tử đạo của giáo phận là Tôi tớ Chúa, trong đó có Thầy.[58]

Năm 1893, Đức cha Van Camelbeke Hân khởi công xây dựng ngôi trường tại Đại An.[59] Ngôi trường nầy vừa để đào tạo tiếp tục các chú mãn trường Làng Sông, vừa qui tụ và đạo tạo thầy giảng. Trước thời điểm nầy các thầy giảng được các thừa sai qui tụ và đào tạo riêng. Các thầy giảng được đào tạo tại Đại An còn được gọi là Thầy giáo tập, trường đào tạo còn gọi là trường giáo tập Đại An để phân biệt với Đại Chủng Viện Đại An. Các thầy có tạp chí Lời Thăm được nhà in Làng Sông phát hành mỗi tháng hai số, một trong những tạp chí Công giáo bằng Việt ngữ sớm nhất, phát hành rộng rãi trên toàn Đông Dương.

Tháng 6 năm 1926, cha Jean Sion Khâm, Giám đốc Hội Thầy Giảng Qui Nhơn, trình bày cho Đức cha Grangeon Mẫn về ý nguyện lập một Hội Dòng truyền giáo thay thế cho Hội Thầy Giảng. Ngày 05/7/1926, Hội đồng Tư vấn giáo phận họp đặc biệt tại Đại Chủng Viện Đại An, cũng là trụ sở và trường huấn luyện của Hội Thầy Giảng Qui Nhơn, để xét ý nguyện của Jean Sion Khâm. Hội đồng Tư vấn chấp thuận nguyện vọng của cha Jean Sion. Đức cha Grangeon bổ nhiệm cha Jean Sion làm bề trên tiên khởi Hội dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Giuse. Một số thầy giảng nhập dòng mới, một số lập gia đình, một số ít sống độc thân tại gia trong các giáo xứ.  Lúc bấy giờ Hội Thầy Giảng như đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. 

Tuy nhiên, ngày 26/4/1960, thừa lệnh Đức Giám mục, cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch, Bề trên giáo phận ký văn thư tái lập Hội Thầy Giảng: “Đã mấy năm nay ‘Gánh truyền giáo’ vẫn còn đè nặng mãi trên vai chúng ta. Dầu chúng ta cố gắng vùng vẫy hết sức, cũng chưa trút nhẹ bớt cái gánh vinh dự choáng váng ấy phần nào. ‘Thiếu thầy dạy’ tiếng ấy còn rền rĩ mãi...đã đến giờ cần giải quyết tình trạng khẩn thiết ấy : Hội Thầy Giảng cần phải được tái lập”.[60] Khóa đầu tiên có 48 thầy được khai giảng tại Gia Hựu vào tháng 07 năm 1960, do cha Gioakim Nguyễn Du và cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh phụ trách. Khai giảng tại Gia Hựu, một năm sau trường Thầy Giảng được chuyển về cơ sở trường La San Bình Lợi,[61] nay là một phần của Chủng Viện Qui Nhơn, bên cạnh nhà thờ Chính Tòa. Sau năm 1962 không có người  gia nhập, Hội Thầy Giảng không còn hoạt động.

- Dòng Thánh Phaolô: Dòng đến làm việc tại giáo phận từ năm 1914, phụ trách bệnh viện Kim Châu, dần dần lập lập thêm các cộng đoàn để giúp một số việc mục vụ giáo xứ, công tác giáo dục và một số công tác bác ái xã hội như Cộng đoàn Phaolô Tuy Hòa đón tiếp người cơ nhỡ nơi Nhà lạc thiện ở Tuy Hòa (1958-1966); Trường Thánh Giuse Tuy Hòa (1963-1975). Cộng đoàn Phaolô Qui Nhơn phụ trách Cô nhi viện Phaolô do cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch thành lập, ngày nay là cộng đoàn Phaolô trong khuôn viên đất nhà xứ Chính Tòa. Cộng đoàn Phaolô Châu Ổ (nay không còn), Cộng đoàn Phú Tài, Cộng đoàn Hoa Châu, Cộng đoàn Hội Lộc.

- Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ:
Trong thời gian dài phục vụ tại Qui Hòa, nữ tu Charles Antoine, người Pháp, là một kiến trúc sư, đã cùng các nữ tu Phan Sinh góp nhiều sáng kiến để tổ chức đời sống cho bệnh nhân: Xây nhà thương, phòng cho bệnh nhân nặng; cất khoảng 250 căn nhà ở xinh xắn, lát gạch, lợp ngói, mỗi nhà một vẻ, với vườn bông trước thềm. Trại phong lúc này trở thành một khu phố nhỏ, có đường ngang dọc ngăn nắp, nhà cửa khang trang. Trong Trại phong có chợ, có xích lô, xe đạp, có một trường học cấp một, có hội trường, có sân bóng giải trí. Ngoài ra, còn có các cơ xưởng ngành nghề như: Rèn, mộc, hàn xì, hồ, đúc gạch bông, đá mài granitô. Các ngành thủ công như: Dệt vải, dệt chiếu, đan, may, thêu, vẽ. Ngoài ra, còn có xưởng làm nước mắm, sản xuất dầu dừa, làm xà phòng, vừa giúp thêm thu nhập cho anh chị em bệnh nhân, vừa giúp họ phát huy khả năng, gây niềm tự tin và vui sống trong xã hội. Với tổ chức và phát triển như thế, Trại Phong Qui Hòa đã đủ tầm trở thành Bệnh Viện Phong Qui Hòa.

Để đạt được tầm như thế, các nữ tu Phan Sinh đã hết mình cho đoàn sủng của mình. Nhật ký của nữ tu Magarita Phùng Thị Khóa (21.08.1920 – 28.03.2001) có đoạn ghi thời bệnh viện lên đến hơn 1.000 bệnh nhân mà chỉ có 10 nữ tu phục vụ. Có hôm các nữ tu phải vắng nhà đi ‘khất thực’ cho các bệnh nhân, chỉ còn hai nữ tu ở nhà, một người trực giải quyết công việc bệnh viện, một người quán xuyến cộng việc ở cộng đoàn, sợ lắm, nhưng rồi mọi sự cũng được hoàn tất tốt đẹp. Các anh chị em bệnh nhân được huấn luyện và được cổ võ giúp nhau trong nhiều công việc mà các nữ tu không thể đủ sức.

Chung Nhi, tác giả bài báo ‘Người Bác sĩ 40 năm chung sống cùng bệnh nhân phong’ đã viết: “Tôi được nghe các bệnh nhân kể về xơ Charles Antoine, Giám đốc cũ của viện, đêm đêm ngồi trực bên giường bệnh nhân, sẳn sàng tận tay dọn cả nhà vệ sinh nếu gặp thấy bẩn”.[62]

Bác sĩ  Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc bệnh viện Qui Hòa (1985-1994), người được đề cử nhận giải thưởng Gandhi, giải thưởng quốc tế dành cho người có công với bệnh nhân phong, nhưng ông đã từ chối. Ông nói: “Ba mươi năm qua tôi mới làm được rất ít trong phạm vi nghĩa vụ vủa mình. Ngược lại, tôi đã chứng kiến bao nhiêu tấm gương hy sinh âm thầm của những người vô danh phục vụ trong trại phong. Tôi thực sự thấy mình bé nhỏ trước những con người ấy. Tôi đã im lặng quan sát và học hỏi ở họ trong nhiều năm. Có người ở sát bên buồng tôi mà mấy tháng trời tôi không biết, vì ngày nào cũng thế, tôi chưa dậy thì bà đã xuống buồng bệnh, tôi đi ngủ, bà vẫn chưa về. Có người cả một đời cống hiến rất nhiều cho người bệnh, tới lúc chết vẫn không cho phép ai nhắc đến việc làm của mình ”. [63]
Việc phục vụ bệnh nhân phong của các nữ tu Phan Sinh tại Qui Hòa là một trong những cách thế mà Thánh Thần đã dùng để thúc đẩy Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn nhận lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, làm Con Thiên Chúa và Giáo Hội.[64] Quả vậy, các nữ tu Phan Sinh sẳn sàng hy sinh, sẳn sàng chịu khó dù chỉ đem về cho Chúa một linh hồn. Đây là “điểm sàn” tâm tình của các thừa sai. Thừa sai Jean Marie Poirier Tân, cha sở Bàu Gốc, đã từng khẳng định với cô em của mình : “Dù anh chỉ chinh phục được một linh hồn thôi, thì anh cũng sẽ đi, bất cứ giá nào”. [65]

- Dòng La San: Tháng 9 năm 1921, trường Gagelin Kim Châu được thành lập do các sư huynh dòng La San phụ trách. Năm 1932 các sư huynh dòng La San chuyển nhượng toàn bộ cơ sở trường Gagelin Kim Châu cho dòng Thánh Giuse. Các sư huynh La San chuyển về cơ sở mới tại Qui Nhơn, được gọi là trường Gagelin Qui Nhơn.[66] Trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến ở Bình Định, năm 1947 trường Gagelin Qui Nhơn bị tiêu hủy. Năm 1956-1961, dòng La San tiếp tục công tác giáo dục tại trường La San Bình Lợi, thuộc một phần đất Chủng viện Qui Nhơn ngày nay. Từ năm 1961-1971, dòng chuyển chuyển sinh hoạt đến cơ sở Đại Chủng Viện Qui Nhơn, vẫn giữ nguyên tên gọi trường La San Bình Lợi.[67] Sau 1971, dòng La San không còn làm việc tại giáo phận.

- Dòng Thánh Giuse: Năm 1957, củng cố và phát triển trường Thánh Giuse Kim Châu, mở trung học đệ nhất và đệ nhị cấp. Năm 1958, mở trường Đặng Đức Tuấn ở Tuy Hòa, Phú Yên. Ngoài ra các thầy còn phụ trách một số trường tiểu học tại các giáo xứ. Ngoài công tác giáo dục, các thầy dạy giáo lý tân tòng và thanh thiếu niên tại các giáo xứ, mở điểm truyền giáo… Tháng 11 năm 1954, thầy Antôn Phùng và Bonifac Ninh giúp xứ Mằng Lăng, hai thầy đến thôn Phú Nhuận thuộc xã An Ninh để truyền giáo. Ngày 29/5/1955, gần 200 tân tòng được rửa tội. Từ đó, giáo họ Phú Nhuận được ghi danh vào giáo xứ Mằng Lăng.[68]

- Dòng Đồng Công: Ngày 16.10.1957, từ Thủ Đức, phái đoàn truyền giáo của Dòng Đồng Công do cha Matthêô Maria Phạm Văn Hóa làm trưởng đoàn đến nhận khu truyền giáo Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Sau mấy tháng xây dựng trụ sở, ngày 23/8/1958 trụ sở này được khánh thành.[69] Đây là khu truyền giáo vốn do Cha Phêrô Trịnh Hoài Ân, cha sở Nước Nhỉ gầy dựng, nay giao cho Dòng Đồng Công khai phá. Khu truyền giáo này gồm 6 xã: Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) và  Cát Minh (huyện Phù Cát). Số giáo dân tân tòng trong khu vực này lúc ấy lên đến 3.500 người. Trên đường phát triển, Dòng Đồng Công xây dựng Nhà nguyện và trường trung học tại Mỹ Chánh lấy tên là trường Toàn Mỹ. Ngày 15/8/1959 trường Toàn Mỹ được khai giảng. Tháng 8 năm 1963 Dòng được Đức Tổng Giám Mục Sài gòn bằng lòng cho di nhà Chính ra Qui Nhơn. Đức Cha Hoàng văn Đoàn Giám mục Qui Nhơn ký giấy ngày 29 tháng 8, nhận cho Dòng được lập nhà Chính tại Mỹ Chánh, tức trụ sở khu Truyền giáo của Dòng.

Trước lễ Giáng Sinh năm 1965, giáo phận giao cho Dòng Đồng Công phụ trách giáo xứ Nhà Đá. Nhà dòng chuyển Nhà Chính đến Nhà Đá. Sau khi Nhà Chính tại Nhà Đá được ổn định, nhà Dòng cho xây dựng trường học, thường gọi là Trường Đồng Công ở Nhà Đá, dạy cả sáng chiều, dung nạp được gần 1.000 học sinh, hoàn toàn miễn phí. Song song với trường Đồng Công Nhà Đá, Dòng Đồng Công còn xây dựng nhà phát thuốc, băng bó chữa bệnh cho dân chúng chung quanh vùng Nhà Đá. Từ năm 1966 đến 1971, hầu hết hằng ngày có tới 50, 70, 100 người tấp nập đến xin thuốc, xin chữa bệnh; hằng ngày sáng và chiều luôn có tu sĩ túc trực phát thuốc, băng bó, chữa bệnh.

Những gia đình nghèo túng quẫn bách, một số gia đình bố mẹ chết hết vì chiến tranh, để lại một đàn con dại, một số người tàn tật già nua không người chăm sóc dưỡng nuôi thuộc mấy ấp, xã bao quanh nhà Dòng (xã An Trinh, xã Mỹ Hiệp, xã Mỹ Quang, xã Mỹ Hòa...) hằng năm đều được Nhà Dòng cấp dưỡng giúp đỡ hoặc tiền nong, gạo bột, vải mền, quần áo... một hai lần.

Ngoài hai trường trung tiểu học miễn phí được mở tại Nhà Đá và Mỹ Chánh, Dòng mở thêm một trung tiểu học ngay trong khuôn viên Nhà thờ Phù Mỹ với tên gọi Thiên Mẫu. Niên khóa 1970 – 1971 số con em trong vùng đã đến trường do các tu sĩ Đồng Công phụ trách :[70]

Bậc Trung Học:
* Trường Đồng Công (Nhà Đá) :  215 học sinh ( lớp cao nhất : Lớp 9)
* Trường Toàn Mỹ (Mỹ Chánh) : 111 học sinh  (lớp cao nhất : Lớp 6)

Bậc Tiểu Học:
* Trường Đồng Công  (Nhà Đá): 744 học sinh (lớp cao nhất : Lớp 5)
* Trường Toàn Mỹ  (Mỹ Chánh): 357 học sinh (lớp cao nhất : Lớp 5)
* Trường Thiên Mẫu (TT.Phù Mỹ): 238 Học sinh (lớp cao nhất : Lớp 5).
Tháng 3 năm 1975, các tu sĩ  Dòng Đồng Công đã di tản về Thủ Đức.

- Dòng Chúa Cứu Thế:

Để tiếp sức và phát triển công việc truyền giáo trong giáo phận, ngày 25/03/1963, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi trao Trung Tâm Truyền giáo Châu Ổ cho Dòng Chúa Cứu Thế, gồm:

- Phần đất tách ra từ các giáo xứ Tân Lộc và giáo xứ Cù Và gồm ba xã: Trà Khương, Trà An, Trà Hoà  của huyện Trà Bồng .
- Phần đất tách ra từ giáo xứ Trung Tín gồm 10 xã của huyện Bình Sơn: Bình Vân, Bình Sa, Bình Thuỷ, Bình Phương, Bình Liên, Bình Thượng, Bình Phiên, Bình Tuy, Bình Tuyến, Bình Khánh.[71]
Tháng 03 năm 1965, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn đã trao cho Dòng Chúa Cứu Thế  xã Bình Vĩnh, Bình Yến của đảo Lý Sơn thuộc huyện Bình Sơn.[72]
Tháng 9/1968, Đức cha Đaminh trao cho Dòng Chúa Cứu Thế xã Bình Lãnh (toàn bộ giáo xứ Trung Tín).
Ngày 14.04.1969 Đức cha Đaminh trao thêm cho Dòng Chúa Cứu Thế 11 xã còn lại của huyện Bình Sơn. 
Năm 1966, cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp “ra đảo” thay cho cha Tôma Phạm Hữu Thiện, Linh mục thừa sai tiên khởi “ra đảo” năm 1965. Năm 1966, cha Diệp xây dựng ngôi nhà Thánh Nhi làm cơ sở dạy học và thành lập trường trung tiểu học Thăng Tiến. Đây là trường trung học đầu tiên trên hải đảo Lý Sơn. Năm 1967 xây dựng nhà bác ái. Công việc rao giảng Tin mừng song song với công tác xã hội từ thiện được hoạt động tốt đẹp. Năm 1972 xây dựng nhà nguyện và trường học cho giáo họ Bình Vĩnh, nay là xã Lý Vĩnh.

Trong tập Kỷ yếu được phát hành nhân dịp kỷ niệm 75 năm Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, có đoạn nói về phương pháp truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Ổ: “Các thừa sai đã mở nhiều trường dạy học trong đó nổi tiếng nhất là trường Trưng Vương và trường Phụng sự, mở các khu mẫu giáo, lập lưu xá cho học sinh, kết hợp với Dòng Thánh Phaolô thành lập  trung tâm bảo vệ trẻ em  mồ côi, lập  nhà văn  hóa, mở trường dạy nghề, tạo các phương thức làm ăn sinh sống cho dân nghèo, như lập nghiệp đoàn xe thồ, hợp tác xã Lưới Cao…. Sống tại vùng đất thường bị thiên tai lũ lụt, mất mùa, hỏa họan… các thừa sai truyền giáo đã tích cực thực hiện các hoạt động cứu trợ, thậm chí còn cứu đói thường xuyên cho biết bao dân chúng nghèo khổ. Nói chung vùng truyền giáo Châu Ổ đã chọn một đường hướng truyền giáo chú trọng sự phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa”. [73] Chỉ trong năm tháng đầu năm 1965, các thừa sai Châu Ổ đã phát 120 tấn thực phẩm lương thực, 4 tấn quần áo.

Các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế muốn sống giữa người nghèo, như người nghèo, để họ được vươn lên trong cuộc sống đầy đủ, an bình, sung túc hơn, và như thế sẽ cùng họ tạo một cuộc sống tinh thần dựa trên nỗ lực mồ hôi nước mắt của chính mình và của tất cả mọi người cùng chung sức trong tình yêu thương bác ái và tương trợ lẫn nhau.

Cuộc sống của các thừa sai và cộng đoàn tín hữu là một chứng tá hùng hồn để Tin Mừng được đón nhận. Một cụ già ít nói, một ngày kia đã thú rằng: “Thấy quí ngài thì chúng tôi hiểu hơn thế nào là được làm con cái của Thiên-Chúa.” Nhìn thấy và được dự mấy buổi liên hoan, một người 40 tuổi đặt câu hỏi: “Niềm vui của các người đến từ đâu? Đâu là gốc gác niềm vui của các ngài?” [74]
   
III. LỜI CUỐI

Những gì vừa đề cập trên đây là những công sức tiêu biểu của các thế hệ tu sĩ của các Dòng tu và các Tu hội, Tu đoàn đóng góp vào kết quả công cuộc truyền giáo trong giáo phận. Những công sức đong đầy khổ nhọc, mồ hôi, nước mắt và cả máu đào nầy không phải là những ngẫu hứng xuất phát từ một cá nhân. Đây là những công sức mà các thành viên của mỗi Hội dòng, của mỗi Tu hội nỗ lực thực hiện sứ mạng truyền giáo của mình. Nhìn vào sự tham gia của các hội Dòng, các Tu hội, các Tu đoàn trong mục vụ truyền giáo trên địa tôn giáo của giáo phận, nếu Dòng Tên đã có công lớn trong việc khai đặt nền móng vào nửa đầu thế kỷ XVII, thì chính Hội Thừa Sai Balê (MEP) là một Tu đoàn Tông đồ (société de vie apostolique catholique)[75] có nhiều công lao nhất trong việc tổ chức xây dựng kết cấu tòa nhà giáo phận trong suốt quá trình vừa vượt ngưỡng 300 năm, tính từ ngày Tòa thánh thiết lập giáo phận Ðàng Trong, tiền thân giáo phận Qui Nhơn, (09/09/1659), cho đến ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24.11.1960), theo đó, giáo phận Qui Nhơn cũng chính thức được thành lập giáo phận Chính tòa. Hội Thừa Sai Balê (MEP), người tổ chức xây dựng tòa nhà Giáo phận, đã khéo tổ chức đào tạo và qui tụ bên mình những công nhân lành nghề và cần mẫn: các linh mục Việt Nam, các thầy giảng và các nữ tu Mến Thánh Giá. Cùng với người tổ chức xây dựng, những công nhân cần mẫn nầy đã dốc công sức của mình vào việc xây dựng tòa nhà giáo phận trong suốt dòng lịch sử. 

Nhận định về kết quả truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên, cha Nguyễn Hồng đã viết: “Lý do chính đưa đến thành công, đó là tinh thần và phương pháp truyền giáo của các cha, mà trong đó, những cha như Đắc Lộ, Majorica, De Pina và Buzomi là những vị tiêu biểu”. Tinh thần và phương pháp được các thừa sai áp dụng đó là các ngài đã biết tạo ra nhân hòa, biết dựa vào những nền tảng văn hóa Việt Nam về gia đình, quốc gia để giảng Tin Mừng cho hợp với lòng ngườ. Để làm được việc đó, các thế hệ thừa sai đã nghiên cứu phiên âm, sáng chế ra chữ Quốc ngữ để chuyển tải Tin Mừng một cách dễ hiểu và dễ tiếp nhận. Các ngài biết chinh phục các quyền lực trong quốc gia xã hội, tránh chống đối và cấm cản, thù nghịch, dệt được những liên hệ thuận lợi và tuyển chọn những phụ tá bản địa đắc lực. Các ngài đã dựa vào quan niệm hay tư tưởng tự nhiên, công nhận những lẽ phải tự nhiên về một đấng Tạo Hóa, những điều con người suy nghĩ về lẽ tự nhiên, sau đó mới đề cập tới lí thuyết về một Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và duy trì vũ trụ, để rồi mới nói tới những mầu nhiệm cao cả của đạo.[76] 

Đối với các thừa sai MEP, sau khi đặt chân đến miền truyền giáo, các ngài nắm bắt tình hình địa phương đồng thời dựa vào những chỉ dẫn của Huấn Thị Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ban hành năm 1659,[77] các ngài đã mở cuộc họp tại Ayuthia, Thái Lan vào ngày 29.02.1664 để trao đổi và đưa ra bản “Huấn dụ các thừa sai - Monita ad Missionarios S. Congregationis de Propaganda Fide” cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Huấn Dụ đã vạch ra hướng đi cho việc truyền giáo, gồm 10 chương, tập trung vào ba nội dung chính:
1-  Con đường tu đức của người thừa sai.
2 - Việc giảng dạy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến. 
3 - Việc tổ chức giáo hội và đào tạo nhận sự.

Bản huấn dụ nầy đã được Ðức Clêmentê IX châu phê ngày 09.09.1669 và được xuất bản tại Rôma. Từ đó cho đến năm 1920, cuốn Monita này được tái bản nhiều lần.
Chúng ta có thể thấy được những “cách” đã đem lại thành công cho công cuộc truyền giáo nhờ các thừa sai trung thành áp dụng bản Huấn Dụ nầy một cách sát sườn và nhuần nhuyễn:

1. Làm việc có kế hoạch, có phương pháp: phác thảo chương trình, thực hiện, kiểm tra rút kinh nghiệm và cải thiện bằng một chương trình mới. Điều nầy được thể hiện qua việc tổ chức 14 Công đồng: Công đồng Ayuthia 1664, Công đồng Phố Hiến 1670, Công đồng Hội An I (Hải Phố) 1672, Hội An II (Hải Phố) 1682, Công đồng Thợ Đúc Huế 1747, Công đồng Bắc Kỳ 1753, Công đồng Hà Nội 1795, Công đồng Trung Việt 1803, Công đồng Gò Thị 1841, Công đồng Bùi Chu 1854, Công đồng Nam Kỳ Sài Gòn 1880, Công đồng Bắc Kỳ Kẻ Sặt 1900, Công đồng Kẻ Sở 1912, Công đồng Đông Dương 1934.

2. Nhân sự truyền giáo các cấp đều đã được chọn lựa một cách kỹ lưỡng, được huấn luyện về khả năng chuyên môn, về tâm tình đạo đức, về khả năng tiếp cận, qui tụ, tạo được sự kính trọng và sự nhiệt thành cho giáo dân, cho lương dân. Về điều này các thừa sai đã thành công khi qui tụ bên mình các Thầy Giảng và các Nữ Tu để cùng hành động và dễ dàng tiếp cận với người lương dân.

3. Hiệp nhất trong hành động, tạo nên một khối nhất thể lãnh đạo và tổ chức khéo léo, biết đưa ra những phương thức hành động hữu hiệu, hợp thời, biết dấn thân cho dân Chúa hơn là cho riêng mình. Bác ái-xã hội, y tế và giáo dục là loại hình được ưu tiên chọn lựa làm phương tiện cho công việc truyền giáo.
Quả vậy, nhìn vào sự tham gia của các Hội dòng, Tu hội, Tu đoàn đem lại sự thành công cho việc truyền giáo trong giáo phận, chúng ta thấy sự khác biệt giữa những nhà truyền giáo thực sự vì các linh hồn với những ai khác chỉ ở cái tình, cái dám hy sinh, dám chịu hao mòn vì cái tình ấy.
 

[1] Bị áp lực của  các vua Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, ngày 21.07.1773,  Đức Giáo hoàng Clemens XIV công bố đoản sắc Dominus ac Redemtor giải thể dòng Tên. Ngày 20.11.1773, bằng đoản sắc Super Familiam, Đức Clemens XIV giao các vùng truyền giáo trước đó do dòng Tên Đảm nhiệm cho hai vị Đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Từ đây Quảng Ngãi thuộc vùng MEP đảm nhận. (xem ĐỖ QUANG CHÍNH SJ. Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc sáng, USA 2006, trang 286-288).
[2] Vì thiếu nhân sự, năm 1813 Hạt dòng Phanxicô Tây Ban Nha ở Manila ra lệnh rút các thừa sai ở Đàng Trong. Lúc bấy giờ dòng Phanxicô có ba hạt truyền giáo: Huế, Quảng Nam và Qui Nhơn. Từ đây vùng truyền giáo của dòng Phanxicô giao lại cho MEP. (xem  Marie-Antoine TRẦN PHỔ OFM. Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam, trang 183)
[3] Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn và cha JB. Hoàng Trọng Xuân
[4] Ngày 11.12.1928, ba Nữ  tử Bác Ái Vinh Sơn đầu tiên đặt chân lên bến cảng Sài Gòn là người Pháp. Họ làm việc tại Bệnh viện Gia Định. Năm 1933, Tu hội mới có ba Nữ  tử Việt Nam đầu tiên vào tập viện.
[5] Tại thời điểm cuộc tranh luận nầy Phật giáo chưa du nhập ở Bình Định. Lúc bấy giờ theo tinh thần của Nhà Lê, Nho giáo được chọn làm cốt cách của mọi hoạt động, chúa Nguyễn cũng lấy Nho giáo làm nền tảng. Năm 1665, Hòa thượng Nguyên Thiều thuộc phái Lâm Tế từ Quảng Đông, Trung Quốc đến Bình Định, lập chùa Thập Tháp Di Đà. Từ đây Phật giáo bắt đầu được truyền thừa và phát triển ở Bình Định.
[6] Xem Lm. NGUYỄN HỒNG, Lịch sử  truyền giáo ở Việt Nam, QI, chương  2.
[7]  Lm. NGUYỄN HỒNG, sđd, chương 5)
[8] ALEXANDRE DE RHODE, Hành trình và Truyền Giáo, bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên, trang 85
[9] DÒNG THÁNH GIUSE, Tiểu sử Đức cha Sion Khâm, Đấng sáng lập, trang 33-34
[10] ADRIEN LAUNAY, Nos missionnaires précédés d’une étude historique sur la Société des Missions Étrangères, Retaux-Bray, Paris, 1886, Le P. Iribarne, tr. 294-295, bản dịch của Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính trong tập Khi xác thân là của lễ, 2011, tr. 72-74.
[11] ADRIEN LAUNAY, sđd, Le p. Jean Marie Poirier, trang 208, bản dịch của Giuse Võ Sum trong tập Khi xác thân là của lễ, 2011, tr. 6.
[12] americancatholic.org/Features/Saints/Saint.aspx?id=1269, January 21, Servant of God Juan de Padilla
[13] Lm. RÔCÔ NGUYỄN TỰ DO, C.Ss.R, Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, 2007, Chương 24, Nguồn gốc Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ.
[14] Lm. ROCÔ NGUYỄN TỰ DO, C.Ss.R, sđd.
[15]  ALEXANDRE DE RHODE, Hành Trình và Truyền Giáo, bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên, chương 14.
[16]  ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng, 2006, trang 90.
[17]  Các đoàn thừa sai MEP đã đến được Thái Lan nhưng chưa thể vào được giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đoàn thừa sai lúc bấy giờ có sáu người gồm hai giám mục và bốn linh mục, trong đó có cha Antôn Hainques. Năm 1664, các ngài họp nhau tại Ayuthia, đưa ra những nguyên tắc và chương trình làm việc truyền giáo rất thiết thực. Cuộc họp nầy được gọi là Công đồng Ayuthia năm 1664. Kết quả là một tài liệu được soạn thảo, gọi tắt là « Chỉ dẫn các thừa sai ».
[18] ĐÀO QUANG TOẢN, Les Relations de Mgr Lambert de la Motte : 1660-1670, Lưu Hành Nội Bộ, Tp Hồ Chí Minh, 2006, trang 249-250. [Amep, vol. 121, p. 764].
[19] Bài tường thuật của cha Vachet trong A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques, Tome I, Paris, 2000, trang 64, Cha Vachet ghi việc thăm mộ cha Hainques tại Bin-sung (Binh-son), nơi khác cha ghi Bizung và cha cũng xác định mộ cha Brindeau ở Bottay (Bau-tay) cách không xa Binsung. Trong tiểu sử của cha Hainques, nhà MEP ghi ngài qua đời vào tháng 12 năm 1670 tại Phô-moi, Quang - Ngai. Các địa danh trên được các nhà sử học Việt Nam xác định Binsung hay Bizung chính là Bình Sơn; Phô-moi chính là Chợ Mới hay là Phố Mới. Cha Vachet ghi mộ cha Hainques tại Bình Sơn là ghi theo địa danh huyện, phủ thời bấy giờ. Chẳng hạn, hiện nay có nhà thờ Vân Canh của giáo họ Vân Canh thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh, giáo phận Qui Nhơn. Về mặt hành chánh, Vân Canh là một huyện thuộc tỉnh Bình Định. Theo Địa Chí Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi, 2005,  mục thành phố Quảng Ngãi và các huyện:  Đời nhà Hồ đất Bình Sơn mang tên là huyện Trì Bình trong châu Tư, thuộc lộ Thăng Hoa. Đến đời nhà Lê, huyện Bình Sơn mang tên là huyện Bình Dương, sau đổi thành huyện Bình Sơn thuộc phủ Tư Nghĩa. Đến năm 1890, các làng, xã, ấp phía Nam Bình Sơn được tách ra, thành lập châu Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn đổi gọi là phủ Bình Sơn. Năm thứ 11 đời vua Thành Thái (1899), châu Sơn Tịnh được cải làm huyện Sơn Tịnh. Như vậy cách viết của nhà MEP (Phô-moi tức Chợ Mới) hay cách viết của cha Đắc Lộ (Chợ Mới) và cách ghi của cha Vachet (Binsung tức Bình Sơn) đều muốn chỉ một địa điểm là Chợ Mới, một giáo điểm phía Bắc bờ sông Trà Khúc. Nay là giáo họ Thiên Lộc thuộc giáo xứ Phú Hòa. Về hành chánh, Chợ Mới thuộc thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh ngày nay. Xác định địa danh như thế là phù hợp với chi tiết cha Vachet định vị mộ cha Brindeau ở Bottay (Bau-tay, nay là giáo họ Xóm Bàu, An Chỉ Đông ) cách không xa Binsung .
[20] Đến Đàng Trong bằng một con thuyền do 4 người đàn ông Đàng Trong điều khiển. Cùng đi với ngài có hai thừa sai Pháp : Vachet và Mahot, và hai linh mục người Đàng Trong : Giuse Trang và Luca Bền. Thừa sai Guiart mới vừa ở Pháp đến Thái Lan cũng đi theo ngài.
[21] A.LAUNAY, sđd, Tom I, trang 64.
[22] Vùng đất ngày nay thuộc xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn.
[23] Vị thừa sai đến sau hai vị kia
[24] MARIE ANTOINE TRẦN PHỔ OFM, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam Lược khảo lịch sử, tr. 90-92.
[25] Xem A.LAUNAY, sđd. Tom II, trang 292-296.
[26] R.P. TARDIEU, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. de la Mission, Lang Song 1907, trang 78
[27] JEAN THIÉBEAU, Vị tử đạo người Bélieu, Paris 1988, trang 77
[28] Fiche individuelle de Porcher; M.m. April 1927, p.34
[29] Lm. ĐÀO QUANG TOẢN, Tìm hiểu lịch sử dòng Mến Thánh Giá, 2013, trang 111 (AMEP, tập 1258, trang 812).
[30] R.P. TARDIEU, Hạnh Đức cha Thể, Lang Song Imp. 1907, trang 43.
[31] Rapport 1881
[32] ADRIEN LAUNAY, sđd, Le P. Garin, tr. 250.
[34] MGR. VAN CAMELBEKE, Rapport de 1884.

[35] http://archives.mepasie.org, M. Fourmond, Rapport n ° 312, Chapitre V, Groupe Des Missions De Cochinchine & Cambodge.

[36] Nay là 114 Lê Trung Đình, phường Nguyễn Nghiêm, tp. Quảng Ngãi.
    Theo Địa chí Quảng Ngãi: Sau Hiệp định Genève 1954, xã Cẩm Thành được thành lập với 4 ấp: Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ, Thu Lộ. Theo Nghị định số 314-BNV/HC/NĐ ngày 12.6.1958 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) thì Cẩm Thành vẫn thuộc quận (huyện) Tư Nghĩa, có ghi chú thêm: "xã này có thể đặt trực thuộc tòa tỉnh trưởng". Nhưng theo các văn bản hành chính, cho đến tháng 3.1975 các vùng ven vẫn thuộc quận (huyện) Tư Nghĩa.
    Sau ngày 24.3.1975, đơn vị hành chính thị xã Quảng Ngãi được điều chỉnh, gồm 4 phường, 3 xã như sau: ấp Bắc Môn đổi thành phường Lê Hồng Phong; ấp Bắc Lộ đổi thành phường Trần Hưng Đạo; ấp Nam Lộ đổi thành phường Nguyễn Nghiêm; ấp Thu Lộ đổi thành phường Trần Phú; xã Tư Chánh đổi thành xã Nghĩa Lộ; xã Tư Quang đổi thành xã Nghĩa Điền; xã Tư Bình đổi thành xã Nghĩa Dõng.  Riêng thôn Đông Dương trả về cho xã Tịnh Ấn. Từ đây, xã Cẩm Thành khuyết tịch.
[37] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Người Chứng Thứ Nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn 1959, trang 51
[40] ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tome I, Định Hướng Tùng Thư, France 2004, trang 81.
[41] Bulletin des Amis du Vieux Hué, Juillet-Déc. 1931, trang 276, phần chú thích.
[42] JEAN THIÉBAUD, Vị Tử Đạo người Bélieu, Paris 1988, trang 65.
[43] Xem http://archives.mepasie.org, Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Cochinchine Orientale, 1873 rédacteur:  Mgr. Charbonnier.
[44] MGR. GALLIOZ, http://archives.mepasie.org, Rapport des Évêques, Rapport n0 553. Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge,  I. Cochinchine Orientale.
[45] Tổng hợp từ  Compte-Rendu.
[46] Mémorial de Quinhon 1927, tr. 64-68; 74-82.
[47] Mémorial de Qui Nhon No. 5 Mai 1924, trang 67-69
[48] Mémorial Mission de Qui Nhơn, Février –1927, p. 6-7.
[49] NGUYỄN MỘNG GIÁC, Kỷ yếu mừng 75 năm canh tân Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn,  trang 193.
[50] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Tìm hiểu Lịch sử  Dòng Mến Thánh Giá, 2013, trang 107
[51] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, sđd, trang  138
[52] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, sđd, trang 119
[53] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, sđd, trang 137
[54] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823,  Paris 2000, Tom I, p. 113-114.
[55] Công đồng Hội An được tổ chức vào ngày 19/01/1672. Ngày 15/02/1672, Đức cha rời Hội An đi về Thái lan. Trên đường về Thái Lan, Đức cha ghé lại Nước Mặn.
[56] Về địa tôn giáo, ngày nay Phú Cốc thuộc giáo xứ Tuy Hòa. Về địa hành chánh, Phú Cốc thuộc xã An Phú, tp. Tuy Hòa.
[57] Mémorial Mission de Qui Nhơn, No. 53, 24 Mai 1909, trang 87.
[58] Mémorial Mission de Qui Nhơn, No. 148, 20 Mars 1919, trang 20-25
[59] MGR VAN CAMELBEKE, http://archives.mepasie.org, Rapport des Évêques, Rapport n09.
[60] Bản Thông Tin Địa Phận Qui Nhơn. Số 16, tr. 18.
[61] Cơ sở nầy được xây dựng từ năm 1954 (Bình: Tên tỉnh Bình Định; Lợi : Tên Đức cha Piquet Lợi). Sau khi xây dựng hoàn thành, giáo phận giao cho dòng La San dạy học. Năm 1961, Dòng La San giao lại cho giáo phận. Giáo phận dùng làm nơi huấn luyện Thầy Giảng do đó cơ sở nầy một thời còn được gọi là Trường Thầy Giảng. Sau khi Dòng giao lại cơ sở nầy cho giáo phận, giáo phận giao cho Dòng sử dụng cơ sở Đại Chủng Viện Qui Nhơn trong vòng 10 năm. Nay cơ sở Đại Chủng Viện Qui Nhơn bị nhà nước trưng dụng , giao Đại học Qui Nhơn quản lý.
[62] CHUNG NHI, Báo Gia Đình và Xã Hội, số 19, ngày 05/03/2002.
[63] Kỷ yếu  Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mừng 70 năm hiện diện tại Việt Nam, tr. 18.
[64] Xem. Hội  Đồng Giám Mục Việt Nam, Hiệp Thông số 39, bài  « Một con người, một Bác sĩ, một tín hữu », tác giả Nữ tu Trần Thị Quỳnh Dao FMM.
[65] ADRIEN LAUNAY, sđd, trang 208
[66] Từ 1955 – 1975, phần đất của trường  nầy được giao cho Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn sử dụng, gọi là Trung Tâm Trinh Vương Qui Nhơn. Nay là trường Cao Đẳng Y Tế Bình Định.
[67] Nay nhà nước trưng dụng, giao trường Đại Học Qui Nhơn quản lý.
[68] Xem Lược sử Dòng Thánh Giuse, 1992, trang 21.
[69] Bản Thông Tin Địa Phận Qui Nhơn, số 6, tháng 7&8 năm 1958, trang 7. Mỹ Thọ là tên gọi khu truyền giáo. Trụ sở tại Mỹ Chánh.
[70] Bản Thông Tin Địa Phận Qui Nhơn, số 66/1970, tr.54
[71] Bản Thông Tin Địa Phận Qui Nhơn, số 35, trang 39
[72] Huyện Lý Sơn được thành lập ngày 01/01/1993
[73] Kỷ yếu kỷ niệm 75 năm Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, trang 68
[74] LM. RÔCÔ NGUYỄN TỰ DO, C.Ss.R, Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, 2007, chương 24,
[75] Các thành viên của Tu đoàn không là Tu sĩ có lời khấn theo giáo luật.
[76] Xem L.M. NGUYỄN HỒNG, Lịch sử  truyền giáo ở Việt Nam, Q. I, Sài Gòn, Nxb Hiện Tại, 1959, tr. 263-281.
[77] Huấn Thị là một đúc kết những kinh nghiệm truyền giáo mà Thánh Bộ đã thu thập từ những công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới. Huấn Thị được xem như tài liệu chung cuộc về chương trình hoạt động của Thánh Bộ. Dựa theo đó, Thánh Bộ hướng dẫn việc truyền giáo một cách thống nhất và có sẳn một chương trình để qui chiếu. Huấn Thị được Thánh Bộ hoàn tất và gởi cho hai Đức cha Đại diện Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài vào ngày 10/11/1659, trước khi đoàn thừa sai lên đường đến Việt Nam.
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 2066
  • Tháng hiện tại: 114222
  • Tổng lượt truy cập: 12258482